Lịch sử Thái bình Thiên quốc (5)
Lịch sử Thái Bình Thiên Quốc
Chương năm
Thái Bình Thiên Quốc cùng đường
Hồ Bạch Thảo
1 Kỷ cương bại hoại
Sách
lược của Thái Bình Thiên Quốc về tín ngưỡng, chính
trị, kinh tế, xã hội từng thi thố, cho dù bị bài xích
rằng xảo trá quỉ quyệt ; nhưng buổi biến loạn
cũng thu được một số hiệu quả trong việc mê hoặc
lòng người. Lúc mới khởi sự, trên dưới một lòng,
đồng cam cộng khổ, những người lãnh đạo vào tuổi
thanh niên 1,
dõng khí bồng bột, chiếm vào đa số. Kể từ giữa thời
kỳ cho đến giai đoạn cuối, lắm điều sai trái xẩy
ra, rồi đi đến bại vong. Ðương nhiên thời thế đóng
góp một phần, nhưng nội bộ hủ hóa, ác hóa, đánh mất
tinh thần phấn đấu vẫn là nguyên nhân chính.
Ðối với quân Thái Bình tôn giáo có ảnh hưởng lớn, nhưng cũng gây di lụy không ít. Tôn giáo giúp cho Hồng Tú Toàn thu phục không ít tín đồ một lòng trung thành hy sinh ; nhưng cũng khích động sự phản kháng của phe truyền thống danh giáo, đi đến chỗ cừu địch, thế hai bên không cùng tồn tại. Hồng vốn dựa vào tôn giáo để lừa người, nhưng nó lại là dao hai lưỡi, đâm ngược vào chính mình. Thuyết “ Thiên phụ hạ phàm ” lúc khởi đầu, chấp nhận Dương Tú Thanh quyền lực ngang ngữa với Hồng, để rồi gây nên một loạt nội biến tại Thiên Kinh, tổn thương phần lớn sinh lực. Dùng tôn giáo mê người, rồi ngược lại mê đến chính mình ; Hồng một mực tin ở trời, không tin sức người. Sau khi An Khánh thất thủ, Lý Tú Thành khuyên nên phòng bị Tương quân vây Thiên Kinh, Hồng mắng rằng “ Ngươi sợ chết ! Ta vốn mệnh là chân chúa, không cần dùng binh cũng định thái bình nhất thống ” !
Sau cuộc nội loạn tại Thiên kinh, Hồng Tú Toàn chỉ tin người trong họ ; dù bất tài cũng sủng hạnh, để cho bọn chúng làm quấy làm xằng, khiến lòng người chia lìa. Lý Tú Thành từng khuyên “ chọn người tài mà dùng, theo chế độ cấp tuất cho dân, thân nghiêm pháp lệnh, nghiêm túc kỷ cương triều đình ”, nhưng Hồng không nghe. Những người trong họ, chỉ riêng Hồng Nhân Can có kiến thức, nhưng thiếu công trạng, đến Thiên Kinh chỉ mới nửa năm được phong làm quân sư, từ khi chấp chính “ các tướng dưới quyền không phục, thế giặc trở nên suy, đều do tại đó ”. Năm 1961, Hồng Nhân Can điều động viện binh cứu An Khánh thất bại, bị cách chức. Bèn tin dùng hai người khác cùng họ là Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Ðạt, thì tình hình càng trở nên bại hoại, Lý Tú Thành lại đem lời tâu, lần này Thiên vương không những không nghe, lại còn giận dữ bảo “ việc chính sự không can dự gì đến ngươi…”.
Lạm phong chức tước cũng là một đòn chí mệnh đánh vào quân Thái Bình. Thời kỳ đầu, ngoại trừ Ðông, Tây, Nam, Bắc, Dực, 5 vương, còn có Yên vương Tần Nhật Cương, Dự vương Hồ Dĩ Quang. Sau cuộc nội biến tại Thiên kinh ngoài Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành, anh em nhà họ Hồng cũng được phong vương. Sau đó vì nghi kỵ nên dưới các tướng chỉ huy lại có thêm vương để chia bớt quyền. Trước kia chủ tướng có một vài người, sau đó tăng thêm đến số trăm ; ngoài ra còn có Thiên tướng, Triều tướng, Tá tướng thì không kể hết hết được. Nói tóm lại bộ máy chỉ huy cồng kềnh, tiêu phí ; nhưng nghi kỵ lẫn nhau, hoạt động không hiệu quả.
Các vương có quyền thế sống xa hoa, xây dinh thự lớn ; Lý Tú Thành cũng nằm trong số đó. Phó Lãnh sự Anh R. J. Forrest [Phúc Lễ Tứ] kể rằng dinh thự Trung vương có hàng ngàn thợ xây cất, tráng lệ không thua gì phủ Thiên vương, nón của vương đúc bằng vàng, nạm bởi châu báu. Lý Hồng Chương mô tả Trung vương phủ tại Tô Châu [Shuzhou, Giang Tô] do 700 thợ tu tạo, 3 năm trời chưa xong, có lầu quỳnh gác ngọc, lan can quanh co, đẹp như chốn thần tiên. Một người Anh nói triều đình Nam Kinh [Nanjing] không lo cho dân, chỉ cướp bóc mà sống, lại hủ hóa rượu chè, hút nha phiến, cờ bạc thịnh hành.
2. Toàn cục sụp đổ
Năm 1857, Dực vương Thạch Ðạt Khai bỏ đi, liên quan đến vận mệnh của Thái Bình Thiên Quốc rất lớn, vì không những mất đi một tướng tài, lại còn bị tước mất số lượng lớn quân. Vùng phụ cận An Khánh [Anquing, An Huy] sáu, bảy vạn quân bỏ đi theo, tại Giang Tây [Jiangxi] lại càng đông ; tính ra quân Thái Bình thiệt mất khoảng một nửa. Vào năm 1859, Thạch Ðạt Khai hành quân từ phía đông Giang Tây qua phía tây Chiết Giang [Zhejiang], rồi vòng sang phía nam Giang Tây [Jiangxi], đến phía tây Hồ Nam [Hunan] ; có ý định tiến sang Tứ Xuyên [Sichuan], nhưng bị lực lượng Tương quân của Lưu Trường Hữu, Lý Tục Nghi đánh bại tại Bảo Khánh [Baoquing, Hồ Nam], đành chuyển đường sang Quảng Tây [Guangxi].
Bộ hạ của Thạch khoảng 20 vạn quân, phần đông là dân thuộc lưu vực sông Trường Giang [Changjiang] và Quảng Ðông [Guangdong] Thiên Ðịa hội ; sau thất bại tại Bảo Khánh, lòng quân tan rã, bỏ đi rất đông. Sau khi vào đến Quảng Tây, thiếu lương thực, tiền đồ mờ mịt, sĩ khí táng thất ; hoặc bỏ đi về phía đông, hoặc bị thua bại, suy sụp đến cực độ. Năm 1861, Thạch mang tàn quân khoảng 1 vạn trở lại tỉnh Hồ Nam, tại vùng biên địa các tỉnh Hồ Nam [Hunan], Hồ Bắc [Hubei] ; năm sau di chuyển đến đông nam tỉnh Tứ Xuyên.
Tứ Xuyên là tỉnh đất hiểm, dân giàu ; một trong những nguồn lương thực chính của nhà Thanh. Năm 1859, Lam Ðại Thuận, Lý Vĩnh Hòa khởi binh tại vùng giáp giới các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, chiếm cứ Lương Sơn [Liangshan, Tứ Xuyên], gần tỉnh lỵ Thành Ðô [Chengdu, Tứ Xuyên], thanh thế phấn chấn; Thạch Ðạt Khai mưu tìm cách liên lạc. Tổng đốc Lý Bỉnh Chương mang Tương quân đến đánh ; Lam, Lý bị thua, chẳng bao lâu Lý tử trận. Năm 1863 Thạch Ðạt Khai đi vòng qua biên giới tỉnh Vân Nam [Yunnan], vượt qua thượng du sông Trường Giang, đến sông Ðại Ðộ Hà [Daduhe, Tứ Xuyên] bị ngăn trở ; rồi gặp quân Thanh và Thổ ty giáp công, toàn quân tiêu diệt, Thạch Ðạt Khai bị bắt.
Năm 1862 đánh nhau tại ngoại thành Nam Kinh [Nanjing], Lý Tú Thành không giải vây được. Năm sau, Lý vượt sông Trường Giang tiến về phía tây, mưu liên hợp với bộ hạ cũ của Trần Ngọc Thành, cùng quân Niệm ; nhắm chiếm cứ phía bắc tỉnh An Huy, lay động đại doanh Tương quân tại An Khánh cùng đả thông nguồn lương thực đất Sào Hồ [Chaohu, An Huy] ; nhưng bộ hạ đánh không hăng, không lập được công, đành phải rút lui. Lúc này vào mùa giáp hột 2, quân chết đói không ít. Tháng 6, từ Phố Khẩu [Pukou, Nam Kinh] đạo quân Lý lại vượt sông Trường Giang ; bị Tương quân thủy, bộ đánh chẹn, chết mất hàng chục vạn, đây là trận đại thảm bại. Lúc này quân Thái Bình chỉ còn khống chế bờ phía nam sông Trường giang, vùng Tô Châu, Hàng Châu [Hangzhou, Giang Tô] và Nam Kinh.
Tháng 7 năm 1863, Tương Hoài quân của Lý Hồng Chương và Thường thắng quân tiến đánh Tô Châu ; các tướng chủ lực có Trình Học Khải, Charles George Gordon [Qua Ðăng], cùng quân hạm và Dương thương đội do người Pháp huấn luyện. Lúc này H.A. Burgevine [Bạch Tề Văn] đã bị cách chức, ôm hận nên theo quân Thái Bình tại Tô Châu, nhưng không được vừa ý. Tháng 9, Lý Tú Thành mang quân từ Thiên Kinh đến Tô Châu tiếp viện, cùng với Mạc vương Ðàm Thiệu Quang phản công bất lợi, dịp này H. A. Burgevine hàng Charles George Gordon. Tháng 11, Thái Bình Thiên Quốc có nội biến, Lý Tú Thành cho rằng tình thế không thể làm gì hơn, bèn bỏ thành hướng về phía tây. Tháng 12, Nạp vương Cáo Vĩnh Khoan giết Ðàm Thiệu Quang mở cửa thành xin hàng, Trình Học Khải vào thành giết bọn Cáo Vĩnh Khoan. Charles George Gordon, chỉ huy Thường thắng quân, kịch liệt chống đối Lý Hồng Chương, không chịu sự tiết chế của Lý ; vì trước đây Charles từng bắt giây liên lạc với Cáo Vĩnh Khoan, việc giết Cáo làm hỏng chính sách chiêu hàng của y. Bộ hạ Lý Hồng Chương đánh chiếm Vô Tích [Woxi, Giang Tô], rồi lên phía bắc tấn công Thường Châu [Changzhou, Giang Tô]. Quân Thái Bình tại nơi này, sợ hàng sẽ bị giết như tại Tô Châu, nên liều mình cố thủ. Tháng 2/1864 Charles Georges Gordon tuân lệnh Công sứ Anh Frederick W. A. Bruce [Bốc Lỗ Tư] điều Thường thắng quân tham chiến ; tháng 5 quân Thường thắng giúp quân Tương Hoài đánh chiếm được Thường Châu. Lúc này chiến sự đến hồi cuối, Thường thắng quân giải tán ; trong vòng gần 4 năm, Thường thắng quân dùng lương đến ngàn vạn nguyên ; có công giúp Lý Hồng Chương bình định Giang Nam tương đối lớn.
Bộ phận Chiết Giang [Zhejiang] của Tả Tông Ðường từ tháng 4/1863 vây Phúc Dương [Fuyang, Chiết Giang], lâu ngày không hạ được ; đến tháng 9, Paul d’Aiguebelle [Ðức Khắc Bi] chỉ huy Thường tiệp quân từ phía đông Chiết Giang đến tăng cường mới chiếm được. Rồi trải qua 6 tháng trời khổ chiến, đến tháng 3/1884 quân Thái Bình bỏ thành Hàng Châu chạy ; quân của Tả cùng Thường tiệp quân xông vào cướp bóc. Cùng tháng, đạo quân của Lý Hồng Chương chiếm được Gia Hưng [Jiaxing, Chiết Giang], các thành phụ cận đều xin hàng.
Mùa đông năm 1863, quân Tăng Quốc Thuyên đã chiếm hết các vị trí quan trọng xung quanh thành Nam Kinh. Sau khi thành Tô Châu thất thủ, Lý Tú Thành thấy tình hình hết phương cứu vãn, Nam Kinh không có lương, binh lực chỉ còn hơn 1 vạn, khuyên Hồng Tú Toàn bỏ thành chạy, để cầu con đường khác. Hồng không nghe, nói rằng “ Trẫm phụng Thượng đế cùng Thiên huynh Gia Tô thánh chỉ xuống trần, là chân chúa độc nhất cho cả nước, thì có sợ gì ai ? Trẫm là thùng sắt của giang sơn, nếu ngươi không phò thì cũng có kẻ khác phò. Ngươi nói không có binh, ta có thiên binh dưới nước, lại còn sợ tên yêu họ Tăng ư ! ”. Trong thành cướp bóc nổi như ong, “ Tăng quân ngày đêm bức bách, trong ngoài kinh hoàng, giữ doanh giữ thành không biết dựa vào đâu ” ; không ít chỉ huy cao cấp ngầm thông với địch, trong đó có cả Lý Tú Thành. Ðến lúc thất thủ Thường Châu, Hồng Tú Toàn cảm thấy tuyệt vọng ; ngày 30/5/1884 lệnh đại chúng an tâm “ Trẫm lên thiên đường ngay, xin Thiên phụ, Thiên huynh sai Thiên binh bảo vệ Thiên kinh ” ; có thể thấy đến lúc chết Hồng vẫn chưa tỉnh ngộ, còn tự lừa mình, lừa người. Sau hai ngày, Hồng uống thuốc độc tự tử, thọ 52 tuổi. Con nhỏ gọi là ấu chúa Hồng Thiên Quý Phúc kế vị.
Kể từ tháng 4, khoảng 5 vạn Tương quân vây thành, dùng trăm cách đánh phá thành, thương vong đến 1/10. Hoài quân đã chiếm được Thường Châu, triều đình nhà Thanh muốn chiếm gấp Nam Kinh, mệnh Lý Hồng Chương đưa pháo đội đến cùng đánh. Lý biết rằng Tăng Quốc Phiên muốn Tăng Quốc Thuyên lập đại công, nên kiếm lời từ chối. Tăng Quốc Thuyên báo cáo thiếu lương chứ không thiếu quân ; rồi khai quật thêm địa đạo, dùng tạc đạn phá đổ thành ; ngày 19/7/1864 tức ngày 16/6 năm Ðồng Trị thứ ba, Tương quân đột nhập thành. Lúc này bốn phía lửa dấy lên, quân Thái Bình tung lời “ Không để lại một miếng vải thừa cho bọn yêu hưởng ”. Trong 3 ngày “ giặc đốt 3 phần, thì quân binh đốt 7 phần, khói tỏa ngút lên mấy chục chỗ, kết tụ trên không trung, bao phủ đồi núi bởi màu tím ”. Tương quân ham cướp đoạt, lấy hết vàng bạc, bảo vật, rồi phóng hỏa đốt để diệt tung tích. Ngoài quân Thái Bình ra, dân chúng cũng bị tàn sát ; số người chết ước hai, ba chục vạn.
Lý Tú Thành mang ấu chúa đột kích ra khỏi thành, giữa đường thua bại, Lý bị bắt. Sau đó Tăng Quốc Phiên đến, ra lệnh tự viết cung từ, viết xong thì giết, tuổi 40 ; nhờ vậy lưu lại bộ sử liệu giá trị về Thái Bình Thiên Quốc. Riêng ấu chúa được đưa đến Hồ Châu [Huzhou, Chiết Giang] ; vào tháng 8/1864 quân của Lý Hồng Chương, Tả Tông Ðường đánh đuổi quân Thái Bình tại thành Hồ Châu và phụ cận. Bọn Hồng Nhân Can đưa ấu chúa đến Giang Tây hội với Thị vương Lý Thế Hiền và Khang vương Uông Hải Dương. Tháng 11, Ấu chúa bị bắt tại phía đông tỉnh Giang Tây ; riêng Lý Thế Hiền chạy sang Quảng Ðông [Guangdong], đến Phúc Kiến, rồi chiếm lãnh Chương Châu [zhangzhou] và các thành phía nam Phúc Kiến [Fujian]. Tả Tông Ðường, Lý Hồng Chương cho quân đến đánh, tháng 5/1865 khắc phục Chương Châu ; sau đó Lý Thế Hiền bị Uông Hải Dương giết. Rồi quân Uông ra vào tại vùng biên giới các tỉnh Quảng Ðông, Phúc Kiến, Giang Tây, chiếm cứ vùng Gia Ứng [Jiaying], tỉnh Quảng Ðông, đến năm 1866 bị quân Tả Tông Ðường tiêu diệt.
Do Lý Tú Thành sai phái đi miền tây mộ quân về cứu Thiên kinh, năm 1862 Phù vương Trần Ðắc Tài và Tuân vương Lại Văn Quang xuất phát từ phía bắc tỉnh An Huy [Anquing], qua Hà Nam, đến miền Hán Trung [Hanzhong] Thiểm Tây [Shaanxi]. Năm 1864 chia đường trở lại phía đông, hợp với quân Niệm vào tỉnh Hồ Bắc, thì hay tin Nam Kinh đã mất, chần chừ tại Hồ Bắc, An Huy ; bị quân Tăng Cách Lâm Thấm đánh thua, Trần Ðắc Tài tự tử. Riêng Lại văn Quang hợp tác với Niệm, trở thành cục diện mới.
3. Quân Niệm lớn mạnh và công cuộc bình định
Hoạt động quân sự của Thái Bình Thiên Quốc thời hậu kỳ hạn chế tại phía nam sông Trường Giang có liên quan nhiều đến quân Niệm tại vùng Giang Hoài ; nửa số quân của Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành thời đó đều là quân Niệm. Căn cứ địa của quân Niệm nguyên tại phía bắc sông Hoài, vào năm 1858 tiến vào tỉnh Hà Nam [Henan] và phía tây tỉnh Sơn Ðông [Shandong] ; tuy chuyên tâm cướp bóc, nhưng cũng làm thế thanh viện cho quân Thái Bình. Năm sau chia đường tung ra bốn phương, phía đông đến miền đông tỉnh Sơn Ðông, phía tây đến miền tây tỉnh Hà Nam ; đi về vãng lai, đánh vào những nơi sơ hở. Năm 1860, cánh phía tây cướp phá Khai Phong [Kaifeng], tỉnh Hà Nam, tung hoành trên 30 châu huyện ; cánh phía đông quấy nhiễu Tế Ninh [Jining], Thái An [Taian] tỉnh Sơn Ðông, kinh qua 20 châu huyện. Rồi quay lại phía bắc An Huy, trên đường “ chở hàng trăm xe lương, súc vật đến mấy vạn, vừa đi vừa ca hát.”
Năm 1961, quân Niệm càng lớn mạnh, cánh phía tây phối hợp với quân Thái Bình của Trần Ngọc Thành đánh phía tây, từ tháng 2 đến tháng 5, một nhánh vào phía nam tỉnh Hà Nam, một nhánh vào miền đông, miền trung, kinh qua các vùng Nam Dương [Nanyang, Hà Nam], Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam], phá Lão Hà Khẩu [Laohekou] tỉnh Hồ Bắc, rồi quay trở lại Hào Châu [Bozhou, An Huy]. Vào tháng 11, lại sang phía tây, một nhánh đánh Khai Phong, Trịnh Châu, Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam] ; một nhánh đánh Tương Dương [Xianyang], Phan Thành [Fancheng] thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cánh phía đông vào tỉnh Sơn Ðông, mấy lần đánh bại quân Tăng Cách Lâm Thấm từ kinh đô đến, hai lần bức bách Tế Nam [Jinan, Sơn Ðông]. Quân của Tăng Cách “ bôn tẩu mệt mỏi, lương thảo không liên tục ” nên chỉ giữ sông Hoàng Hà làm vững cho tỉnh Trực Lệ [Hebei]. Quân Niệm xua đến phía đông, tiến đến Yên Ðài [Yantai], bị quân Anh, Pháp đánh lui. Cũng vào năm 1861, Bạch Liên giáo tại Sơn Ðông nổi lên như ong, tại phía nam có Tống Kế Bằng, sau đó có Trương Tích Châu ; miền trung có Lưu Ðức Bồi.
Từ năm 1861 đến 1863, Tăng Cách Lâm Thấm bôn ba đánh dẹp trong 4 tỉnh : Trực Lệ, Sơn Ðông, Hà Nam, An Huy ; sau khi quân Thái Bình thất bại tại miền bắc An Huy, thế lực quân Niệm suy vi. Năm 1863 Tăng Cách Lâm Thấm đánh bại Trĩ Hà Tập, bắt sống Trương Lạc Hành, kế đó lại dẹp Miêu Bái Lâm. Bộ phận còn lại của Trương Lạc Hành do người cháu là Lương vương Trương Tông Vũ, cùng Lỗ vương Nhậm Hoa Bang thống suất, di chuyển chiếm cứ vùng Hà Nam, sau đó hợp với Tuân vương Lại Văn Quang. Lại Văn Quang mưu lược, Trương Tông Vũ cơ trí, Nhậm Hoa Bang rất thiện chiến; chuyên áp dụng chiến thuật di chuyển nhanh đánh bất chợt.
Từ năm 1861 trở đi, triều đình nhà Thanh dựa vào chủ soái Tăng Cách Lâm Thấm ngăn chặn vùng lưu vực các sông Hoàng, Hoài ; cùng với Tăng Quốc Phiên tại lưu vực sông Trường Giang nghiễm nhiên trở thành hai cột trụ ; tuy nhiên cả hai không dung hợp với nhau. Bộ hạ của Tăng sau khi bị liên quân Anh Pháp đánh bại, gom góp thành quân, tinh thần chiến đấu so trước thua xa, lại vô kỷ luật, đi đến đâu thì giết nhiều người, nên dân chúng rất ghét hận. Từ tháng 9 đến tháng 12/1864, quân Niệm mấy lần đánh bại quân Tăng Cách tại phía nam tỉnh Hà Nam, phía đông tỉnh Hồ Bắc, cùng vùng biên giới hai tỉnh này. Năm sau 1/1865 lại đánh bại tại huyện Lô Sơn [Lushan] phía tây tỉnh Hà Nam ; tháng 5 quân Niệm di chuyển nhanh đến vùng biên giới các tỉnh Sơn Ðông, Giang Tô ; Tăng Cách truy đuổi đến cùng không tha. Ngày 18/5 toàn quân của Tăng Cách bị tiêu diệt tại Tào Châu [Caozhou] tỉnh Sơn Ðông. Quân Niệm sở trường về di chuyển nhanh, đánh nhanh ; mỗi lần đánh cho kỵ binh tỏa ra bốn phía “ Trinh sát quan quân đến, nếu mạnh thì tránh ; được thế thì truy kích suốt đêm, dương cờ đánh, dùng kỵ binh đánh ép hai bên, ngựa hý người reo nhanh như vũ bão, quan quân thường bị vây không ra được ” ; đến nay lại lấy được toàn số ngựa của quân Mông Cổ dưới quyền Tăng Cách, thì như hổ thêm cánh.
Sau khi Tăng Cách Lâm Thấm mất, miền Hoa bắc chấn động, kinh sư giới nghiêm. Chiếu chỉ mệnh Tăng Quốc Phiên đốc biện quân vụ 3 tỉnh : Trực Lệ, Sơn Ðông, Hà Nam. Lại mệnh Tổng đốc Trực Lệ Lưu Trường Hữu, Thiên Tân thông thương Ðại thần Sùng Hậu thống lãnh Dương thương đội chặn giữ phía nam tỉnh Trực Lệ ; Lý Hồng Chương cũng mang quân từ Thượng Hải lên tăng phòng Thiên Tân. Tăng Quốc Phiên cho rằng Tương quân phần lớn người phương nam, không hợp thủy thổ, nên giải tán một nửa ; cho mộ thêm quân tại lưu vực Hoàng, Hoài ; lại mua ngựa chiến, chuẩn bị pháo thuyền, đến hơn một tháng mới lên phía bắc. Chiến lược của Tăng đổi truy kích thành chặn đánh, lấy tĩnh chế động. Tăng chia thành 4 trấn, đóng trọng binh chứa nhiều lương thảo, gồm : Chu Gia Khẩu tại tỉnh Hà Nam, Tế Ninh [Jining] Sơn Ðông, Từ Châu [Xuzhou] Giang Tô, và Lâm Hoài quan [Linhuaiguan] An Huy. Cứ một nơi có khẩn cấp, thì 3 nơi khác đến tiếp cứu ; để bao vây quân Niệm tại biên giới 3 tỉnh An Huy, Giang Tô, Hà Nam. Ngoài ra nhắm khống chế vùng đất căn bản của Niệm như Hào Châu [Bozhou, An Huy], Mông Thành [Mengcheng, An Huy], Túc Châu [Suzhou, An Huy], thì cho đặt bảo giáp, kiểm tra hộ khẩu cùng lương thực tiếp tế. Binh lực 4 trấn khoảng 8 vạn, 3 trấn do Hoài quân đảm trách, riêng trấn Lâm Hoài Quan do Tương quân chịu trách nhiệm ; lý do Hoài quân phần lớn người phương bắc, hợp với thủy thổ.
Sau khi tiêu diệt quân Tăng Cách Lâm Thấm, quân Niệm trở về phía bắc sông Hoài, dưỡng quân và bổ sung. Nhắm đột phá kế hoạch bao vây của Hoài và Tương quân, Niệm hành quân xuyên qua tỉnh Hà Nam, đến Hồ Bắc gần Hán Khẩu [Hankou] ; mùa xuân năm 1866, trở lại Sơn Ðông. Chiến lược chặn đánh từ 4 trấn của Tăng Quốc Phiên chứng tỏ vô hiệu.
Tăng bèn đổi chiến lược, cho đắp đê tường dọc sông. Phía bắc từ vùng phụ cận phủ Khai Phong theo sông Giả Lỗ Hà đến Chu Gia Khẩu, từ Chu Gia Khẩu theo Sa Hà đến Hòe Trạm, Dương Quan ; đó là tuyến phía tây, Từ Dương Quan theo sông Hoài đến Lâm Hà Quan thuộc tuyến phía nam. Tuyến phía đông giữ Vận Hà [Yunhe], tuyến phía bắc giữ Hoàng Hà ; nhắm đưa quân Niệm vào vùng nhiều núi để chế ngự kỵ binh. Vào mùa đông năm đó quân Niệm đột phá phòng tuyến vùng Khai Phong tiến đến Sơn Ðông ; chiến lược phòng thủ bờ sông của Tăng Quốc Thuyên cũng thất bại. Quân Niệm tuy vượt qua tuyến phía bắc, nhưng bị ngăn chặn tại tuyến phía đông, Vận Hà ; nên đành phải quay về phía nam tỉnh Hà Nam.
Trong vòng 3 năm, quân Niệm mấy lần đánh thắng, nhưng Lại Văn Quang cảm thấy cô quân khó chi trì, nên sai Trương Tông Vũ tây tiến đến Thiểm Tây, Cam Túc [Gansu] liên hiệp với quân Hồi để làm thế ỷ dốc. Lại và Nhậm Hóa Bang lưu lại Trung Nguyên, do vậy có tên là Ðông Niệm, Tây Niệm. Tăng Quốc Phiên đốc quân mấy năm không có kết quả, lại bị Ngôn quan 3 đàn hặc, nên xin từ chức ; chiếu chỉ sai Lý Hồng Chương thay thế giữ chức Khâm sai đại thần. Lại Văn Quang điều quân Ðông Niệm trở lại Hồ Bắc, từ tháng 1 đến tháng 3/1867 mấy lần đánh bại Hoài quân, Tương quân tại phía bắc và đông tỉnh Hồ Bắc. Thời đương quyền, Tăng Quốc Phiên cũng cảm thấy khó khăn chỉ huy Hoài quân ; đến Lý Hồng Chương kế vị, quân Tương, Hoài lại càng chia rẽ. Tháng 6, Ðông Niệm từ Hồ Bắc tiến quân nhanh trong vòng 8 ngày đến Sơn Ðông, giao chiến với quân Lý Hồng Chương tại Giao Lại hà [Jiaolai river, Sơn Ðông] bị thua, mất phần lớn quân tinh nhuệ. Tháng 1/1868, Lại Văn Quang bị bắt, dẹp xong toàn bộ Ðông Niệm.
Sau khi Tây Niệm Trương Tông Vũ vào tỉnh Thiểm Tây, đại phá quân Thanh tại vùng phụ cận Tây An [Xian, Thiểm Tây]. Nhân bị áp lực của Lưu Tùng Sơn, Tương quân, cùng Tổng đốc mới đáo nhiệm Tả Tông Ðường ; bèn di chuyển lên phía bắc Thiểm Tây. Rồi Tây Niệm tìm cách liên lạc với Hồi nhưng không thành, bèn vượt sông Hoàng Hà về phía đông đến tỉnh Sơn Tây, Trực Lệ, mưu tăng viện cho Ðông Niệm. Tháng 2/1868 đến gần Bảo Ðịnh [Baoding, Hà Bắc], kinh sư chấn động. Quan binh hơn 10 vạn, không chặn được quân Niệm thoán vượt, các tướng lãnh nhìn ngó nhau không hành động kịp thời, quân lính nhiễu dân, “ dân thù quan binh hơn thù giặc ”. Hơn nữa hiệu lệnh bất nhất, Tả Tông Ðường thống binh Trực Lệ, ngoài Tả ra còn có hai viên Quân cơ đại thần ; Lý Hồng Chương tiết chế quân Sơn Ðông, ngoài Lý ra còn có 2 vị Tuần phủ ; riêng Tả, Lý cũng không hòa hợp. Niệm tiến đến ngoài thành Thiên Tân, rồi quay xuống Sơn Ðông, mấy lần đánh Vận Hà. Vào tháng 7/1868 đến biên giới hai tỉnh Trực Lệ, Sơn Tây, trời mưa mấy ngày như trút nước, cả vùng biến thành biển hồ, quân kỵ không hoạt động được ; bị Hoài quân vây khốn tại vùng tây bắc tỉnh Sơn Ðông, Trương Tông Vũ nhảy xuống sông chết, bình định được Tây Niệm.
Từ năm 1864 đến 1868, quân Niệm rong ruổi trong 8 tỉnh : An Huy, Hà Nam, Giang Tô, Sơn Ðông, Hồ Bắc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Trực Lệ ; sau khi làm tổn thất Tương, Hoài cùng quân các tỉnh, mới được đãng bình. Tuy quân Niệm thiện chiến, thực do quan binh khí lực suy vi. Hoài quân là lực lượng chủ lực đánh Niệm, thì kiêu căng buông thả, chỗ dựa chính nhờ pháo Tây đương. Niệm loạn bình, đảng Thái bình Thiên quốc mới được cho là hoàn toàn bị tiêu diệt; kể từ thời cử sự tại Quảng Tây cho đến lúc này là 19 năm.
Hồ Bạch Thảo
1 Lúc mới khởi sự tại Kim Ðiền, Hồng Tú Toàn 37 tuổi, Phùng Vân Sơn bạn học cùng trang lứa ; Lý Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, Vi Chính đều trên dưới 20 tuổi ; Tần Nhật Cương trên 20 tuổi.
Các thao tác trên Tài liệu