Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Thái bình Thiên quốc (6 và hết)

Lịch sử Thái bình Thiên quốc (6 và hết)

- Hồ Bạch Thảo — published 29/11/2013 23:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Loạn lạc tại miền tây nam và tây bắc Trung Quốc


Lịch sử Thái Bình Thiên Quốc


Chương sáu [chương cuối]

Loạn lạc tại miền tây nam và tây bắc Trung Quốc


Hai triều đại Hàm Phong, Ðồng Trị có nhiều loạn lạc xẩy ra. Ngoại trừ Thái Bình Thiên Quốc tung hoành nam bắc ; quân Niệm và Bạch Liên Giáo xuất hiện tại lưu vực các sông Hoàng, Hoài, Thiên Ðịa Hội tại Ðài Loan, Phúc Kiến ; riêng các nơi hoang dã xa xôi tại miền tây nam, tây bắc loạn lạc cũng nhiều lần xẩy ra. Trong vòng 20 năm, các mối loạn này, không nhiều thì ít đều chịu ảnh hưởng của Thái Bình Thiên Quốc.


1. Quân Mèo và các Giáo phái tại Quý Châu


Tại Quý Châu người Hán và Mèo sống lẫn lộn, đất xấu dân nghèo ; thuế thu được chỉ bằng một huyện lớn của tỉnh Chiết Giang. Người Mèo cường ngạnh, được coi là khó trị. Từ khi chính sách “ Cải thổ quy lưu ” ban hành 1, quan lại tham bạo bắt người Mèo cung ứng phục dịch, người Hán xâm phạm đất đai, ham lợi bóc lột, sinh kế người Mèo trở nên khốn cùng, bèn vác giáo vào rừng, cậy hiểm chống cự. Người Mèo thường nói rằng “ Bọn ta không biết như thế nào gọi là phản, cứ mang binh đến thì đánh, cư xử tốt thì theo, đói thì cướp, giận thì giết. Ta không quấy nhiễu quan, thì quan cũng quấy nhiễu ta, chỉ có ai mạnh thì thắng mà thôi ” ; đó là nguyên nhân gây sự của dân Mèo. Trước kia quan quân thường dùng vũ lực để áp bức, kể từ khi Thái Bình Thiên Quốc nổi lên, quân binh phải điều đi nơi khác, lương hướng tiếp tế không đến, trị an không giữ được. Do đó các cuộc nhiễu loạn dấy lên, thường gọi là “ Miêu loạn ” nhưng thực sự còn có cả người Hồi, và Hán ; duy người Miêu hay Mèo là chủ yếu.

Năm 1855, người Mèo nổi loạn tại phía đông tỉnh Quý Châu, thủ lãnh là Trương Tú Mi ; Bạch Liên Giáo do người Hán lãnh đạo rầm rộ hưởng ứng. Bạch Liên Giáo có nhiều loại, phân biệt bởi màu sắc khăn đội đầu, y phục, hoặc cờ ; có Hồng hiệu, Hoàng hiệu, Thanh hiệu, Bạch hiệu, nên các quan lại quen gọi là “ Hiệu phỉ ” ; ngoài ra còn có Ðăng Hoa Giáo, Thái Bình Giáo. Trong số đó Hồng hiệu, Hoàng hiệu, Bạch hiệu tương đối lớn, phân bố tại hàng chục huyện thuộc miền đông và đông bắc Quý Châu ; sau khi liên kết với giặc Mèo, thì man diên khắp tỉnh, số lượng đến mấy chục vạn người. Năm 1860, một bộ phận của Thạch Ðạt Khai đến phía nam Quý Châu, phối hợp với quân Mèo đánh Quý Dương [Guiyang, Quý Châu]. Triều Thanh sai Tương quân đến cứu viện, quân Mèo và các Giáo phái nghe quan quân đến thì lẩn trốn, lúc đi qua rồi thì tụ tập lại. Sau khi bình định xong Thái Bình Thiên Quốc ; theo lời bàn của Tăng Quốc Phiên, triều đình mệnh Tuần phủ Hồ Nam [Hunan] thống lãnh việc đánh dẹp, có Tương quân tại Tứ Xuyên [Sichuan] tiếp ứng. Năm 1867 Tương quân tây lộ bình định miền tây bắc Quý Châu, năm 1868 Tương quân đông lộ công phá căn cứ địa Bạch Liên Giáo tại Thạch Thiên [Shiquian, Quý Châu]. Năm 1869 quân Mèo đại bại Tương quân đông lộ, nhưng vì đánh nhau lâu không có lương nên thế lực suy sụp. Năm 1871, 1872, Tương quân mấy lần thắng. Tháng 5/1872, Tương quân chiếm cứ các căn cứ địa của quân Mèo và Giáo phái tại Thai Củng [Taigong, Quý Châu] và Khải Lý [Kaili, Quý Châu], Trương Tú Mi bị bắt, số hàng hơn 10 vạn, bị giết khoảng hơn 2 vạn ; toàn bộ Quý Châu được bình định. Dân Mèo còn lại khoảng 2/10, các thành quách ruộng rẫy biến thành đất hoang, trai tráng Mèo chết gần hết ; người Hán cũng lưu ly không có chỗ ở, số chết gần một nửa.


2. Quân Hồi, Hán tại Vân Nam chống Mãn Thanh


Sự biến loạn tại Vân Nam tương tự như Quý Châu ; khởi đầu tại Quý Châu dân Mèo và Hán xung khắc, tại Vân Nam, Hán, Hồi cừu hận. Dân Hồi có trình độ tổ chức tín ngưỡng, ý thức dân tộc mạnh, sống lẫn lộn với người Hán ; phong tục khác nhau, quyền lợi xung khắc, dễ đâm ra thù hận, rồi lập đảng tranh giành. Người Hồi dựa vào số đông đồng lòng, thường đóng tiền bảo trợ, gặp việc bất thường giúp đỡ nhau ; người Hán cũng có tổ chức đoàn luyện tự vệ, mỗi người đóng “ bảo gia tiền ” 2. Pháp lệnh quy định trị tội nặng người Hồi phạm pháp, mỗi khi có tranh chấp thì quan lại thường bênh vực người Hán ; người Hồi bất bình, tìm cách báo phục. Vào năm 1845, tại Bảo Sơn [Baoshan] phía tây Vân Nam, Hồi và Hán tranh đấu, quan quân giúp người Hán đánh Hồi, khiến dân Hồi chết hơn 4 000 người. Các xứ Hồi khác kế tiếp nổi lên, giết người đốt nhà, kéo dài không bình định được. Năm 1847 Lâm Tắc Từ giữ chức Tổng đốc Vân Quý, tiễu trừ loạn Hồi, cũng trừng trị những người Hán gây sự ; trong vòng 7 năm được yên ổn.

Người có uy tín với dân tộc Hồi tại Vân Nam, là chưởng giáo Mã Ðức Tân tại Ðại Lý [Dali, Vân Nam], Mã đã từng viếng thánh địa Hồi giáo ; Ðỗ Văn Tú, Mã Như Long đều là môn đồ. Ðỗ Văn Tú vốn là Tú tài người đất Bảo Sơn, có tài lược ; trong vụ biến loạn tại Bảo Sơn đã đích thân đến Bắc Kinh khống tố, nghe biết nhiều, nên xem thường triều đình nhà Thanh. Mã Như Long là Vũ sinh tại Lâm An [Linan, Vân Nam], dõng cảm ưa chiến đấu.

Năm 1854 mối loạn khuyếch trương, người Hồi giết quan binh, người Hán giết người Hồi ; Mã Ðức Tân hô hào dân Hồi bao vây Côn Minh [Kunming, Vân Nam], hàng ngàn dân Hồi trong thành bị giết. Phía tây Vân Nam, loạn kế tục nổi lên ; một nhánh do Lý Văn Học lãnh đạo người Hán, người Di 3 chiếm cứ huyện Nhĩ Ðộ [Midu, Vân Nam], hô hào “ diệt quan lại Mãn Thanh tham ô, tiêu trừ chủ trang trại người Hán ” ruộng đất trả lại cho dân nghèo, không phân biệt Di, Hán.

Cũng vào tháng 9/1854, Ðỗ Văn Tú lãnh đạo dân Hồi chiếm đoạt Ðại Lý [Dali, Vân Nam], để tóc dài, thay y phục, tự xưng tổng thống binh mã đại Nguyên soái. Ðỗ biết rằng người Hán đông, Hồi ít ; muốn thành đại sự nghiệp phải liên kết với Hán và Di, thừa nhận “ Ba giáo (Hồi, Hán, Di) đều là căn bản và có chỗ đúng cùng đồng kinh doanh chung sự nghiệp, phải cư xử cùng một lòng nhân”, “Xuân thu tế tự Khổng Tử, dùng tiền vải cấp cho dân nghèo ; các chức trấn địa phương Hồi, Hán cùng nhiệm vụ ; tiếp đãi tân khách, Hồi, Hán cùng ngồi chung chiếu.” Về quan chức thuộc cấp, người Hán chiếm hơn một nửa ; quân lính Hán binh chiếm 7, 8 phần ; Hồi binh chiếm 2, 3 phần. Ðỗ bảo rằng việc cử binh “ Do Mãn Thanh chiếm cứ đất Trung Hạ của chúng ta, tổn thương đồng bào, diệt dân Hồi ” mong muốn Hồi, Hán đồng tâm, diệt trừ mối quốc nhục. Như vậy ngoại trừ tôn giáo không giống nhau, lập trường chống Mãn Thanh cũng tương tự với Thái Bình Thiên Quốc.

Do sự quan trọng về địa lý, thời kỳ mở đầu địa vị của Ðỗ Văn Tú không bằng Mã Như Long. Lực Lượng của Mã Như Long cách Côn Minh không xa, có thể trực tiếp uy hiếp tỉnh thành. Năm 1857, Côn Minh hai lần bị vây, Tổng đốc Hằng Xuân tự tử, dân chết đói đến hàng vạn. Triều đình nhà Thanh bèn đổi sang chính sách chiêu phủ, cho Mã Ðức Tân được quản lý các nơi thờ phượng đạo Hồi, gọi là Thanh Chân Tự ; nên lực lượng tấn công của người Hồi tự rút lui. Năm 1859 quan quân hai lần tây chính, Ðỗ Văn Tú không chống nổi. Năm sau Mã Như Long đánh Côn Minh, quân tây chinh trước sau đều thụ địch. Mã Như Long và Ðỗ văn Tú họp bàn, đồng ý ai chiếm được Côn Minh người đó được tôn lên cầm đầu, riêng thuế khóa thì chia hai. Mã mấy lần đánh thành, nhưng Ðỗ không tương trợ, lại còn chiếm tiền thuế muối, nên Mã tỏ ra bất bình. Lương thực quân Mã không đủ, lại bị đoàn luyện phối hợp với quan quân chống cự, không lấy được Côn Minh, nên rất khó mà thành công. Năm 1862, qua sự vận động của Sầm Dục Anh, Tuần phủ Vân Nam chiêu phủ được Mã Như Long, đây là bước chuyển biến lớn trong việc dẹp loạn tại nơi này.

Sầm Dục Anh nguyên là Thổ ty đất Tây Lâm [Xilin, Quảng Tây], năm 1856 mộ quân đến tỉnh Vân Nam, từng giữ chức Tri huyện, rồi Tri phủ ; sau khi Mã Như Long đầu hàng, được phong quyền Bố chánh tỉnh Vân Nam. Mã Ðức Tân muốn giữ chức Bình nam vương, nhưng không toại nguyện ; năm 1863 sai Mã Vinh, lãnh tụ quân Hồi lộ phía đông, tập kích Côn Minh, giết Tổng đốc Phan Phong. Sầm Dục Anh liên kết với Mã Như Long đánh đuổi Mã Vinh, từ đó Mã Ðức Tân không còn thực lực. Mã Như Long mấy lần khuyên Ðỗ Văn Tú quy thuận, nhưng Ðỗ ở thế cưỡi cọp, cho rằng nếu không thành được việc lớn thì cũng tìm yên trong phạm vi nhỏ. Năm 1857, Ðỗ thừa lúc Sầm Dục Anh tại viễn đông, bèn mang quân đông tiến, chiếm cứ các thành trì xung quanh Côn Minh. Nếu chỉ riêng tình hình Vân Nam mà bàn thì rất nguy ngập, nhưng nhìn chung toàn cuộc thì quan quân đã bước vào hoàn cảnh tốt. Việc dẹp quân Niệm tại phía bắc sông Trường Giang đã đi vào hồi cuối, triều đình Bắc Kinh dùng Tương quân đánh Quý Châu, quân từ Tứ Xuyên đánh dẹp tại Vân Nam. Năm 1868 giao cho viên cầm quân Tương quân phụ trách bình định phía tây Quý Châu là Lưu Nhạc Chiêu làm Tổng đốc Vân Quý, Sầm Dục Anh làm Tuần phủ Vân Nam. Sầm trở về cứu viện tỉnh thành, Lưu củng cố hậu phương, các tỉnh hiệp lực chuyển lương thực đến. Sầm lại thi hành chính sách phân hóa, thuyết phục viên đại tướng người Hán của phe Ðỗ là Lý Phương Viên quy hàng ; quân Ðỗ Văn Tú đại bại, vùng xung quanh tỉnh thành được tảo thanh.

Vân Nam giáp giới Việt Nam và Miến Ðiện, thế lực Pháp, Anh hiện diện tại các nước này tìm cách gây ảnh hưởng. Nhà truyền giáo nước Pháp, P. Fenouil [Cao Ty Phong] giúp Sầm Dục Anh, Mã Như Long chế đạn dược ; tên buôn súng người Pháp, Jean Dupuis [Ðồ Phổ Nghĩa], giúp họ mua và chuyển vận vũ khí cùng lập xưởng chế tại pháo, lại có võ quan Pháp giúp huấn luyện. Người Anh, tên Edward B. Sladen [Tư Lai Ðăng] từ Miến Ðiện đến vùng biên giới tại Ðằng Việt [Tengchong, Vân Nam] buôn bán. Ðỗ Văn Tú cũng mở cửa hàng tại Miến Ðiện, nên quân Ðỗ cũng có súng Tây phương, nhưng không bằng Sầm và Mã. Sau khi thu phục xong miền phụ cận tỉnh thành Côn Minh, bèn viễn chinh sang phía tây, vùng Ðại Lý do Ðỗ kiểm soát lâm vào thế nguy. Năm 1871, Ðỗ sai sứ đến Luân Ðôn, xin viện trợ nạp cống xưng thần, nhưng vô hiệu quả. Tháng 12/1872 Sầm Dục Anh đánh chiếm Ðại Lý, Ðỗ Văn Tú tự tử, quân Hồi đầu hàng, hơn 3 vạn người bị giết, Lý Văn Học binh bại cũng bị bắt, bộ phận của Sầm khắc phục Ðằng Việt, loạn Vân Nam trong vòng 18 năm được bình định.


3. Hồi giáo tại Thiểm Tây, Cam Túc


Thiểm Tây, Cam Túc có những khu vực Hán, Hồi sống lẫn lộn với nhau. Năm 1862, Thái Bình Thiên Quốc vào tỉnh Thiểm Tây, các nhóm người Hồi tại Quan Trung [Guanzong, Thiểm Tây] cùng nổi lên quấy nhiễu. Dọc theo sông Vị Hà mấy trăm dặm chiến tranh tiêu thổ, dân Hồi tại phía tây cùng tỉnh Cam Túc rầm rộ hưởng ứng. Triều Thanh ra lệnh Ða Long A cùng Bảo Thắng mang quân từ các tỉnh Hà Nam, An Huy đến tăng viện. Bảo Thắng hành quân thất lợi, bị cách chức trị tội. Năm sau [1863] Ða Long A tảo thanh đông lộ, giải vây Tây An [Xian, Thiểm Tây], rồi tiếp tục đánh dẹp miền tây, chém giết nhiều, người Hồi rút lui về tỉnh Cam Tủc.

Tại Cam Túc có hai phái Hồi, tân giáo và cựu giáo ; triều đình bảo trợ cựu giáo ; riêng Mã Hóa Long là thủ lãnh tân giáo, từng liên lạc với Hồi tại Vân Nam. Năm 1861, loạn bắt đầu xẩy ra tại Tây Ninh [Xining, Thanh Hải] 4, đứng đầu là Mã Quế Nguyên. Năm sau loạn tại Thiểm Tây bùng nổ lớn, Mã Hóa Long nổi dậy tại Ninh Hạ [Ningxia] 5, khống chế cả miền Lũng bắc 6, Lũng đông. Tiếp theo, Mã Chiêm Vụ chiếm cứ vùng Hà Châu [Hezhou, Cam Túc], Mã Văn Lộc chiếm vùng Túc Châu [Suzhou] ; toàn tỉnh Cam Túc chỉ còn lại vài châu. Loạn tại Vân Nam do Hồi, Hán liên hợp ; ngược lại tại Cam Túc do bởi Hồi, Hán tương tranh. Cam Túc vốn thiếu lương, lại thêm loạn lạc nên canh nông bị phế bỏ ; kỵ binh Hồi ra vào vùng Lũng tây, Lũng đông chặn cướp lương thực tiếp tế, quan binh mấy lần bị đánh bại. Triều Thanh bất đắc dĩ phải giao cho Dương Nhạc Bân, thuộc Tương quân, làm Tổng đốc. Dương vốn chỉ huy thủy sư, dùng sai sở trường, nên không thi thố được gì. Từ năm 1866-1867 quân Niệm từ phía tây đến, Hồi tại Thiểm Tây lại dấy lên, nổi danh có Mã Nhan Hổ cấu kết với Mã Hóa Long, Ðổng Phúc Tường tại Cam Túc ; nên Tả Tông Ðường được cử đến để thay thế Dương Nhạc Bân.

Chiến lược của Tả Tông Ðường “Cần đánh Niệm gấp, đánh Hồi có thể hoãn ; nhắm tảo thanh vùng đất gan ruột, khiến quan binh không có mối lo bị đánh phía sau, và tiếp tế không bị ngăn trở ”. Năm 1868, Tả từ Thiểm Tây, mang quân trở về đông, đánh dẹp tây Niệm ; sau khi tây Niệm đãng bình, lại quay trở về Tây An. Việc dụng binh tại vùng tây bắc, gặp khó khăn vì không thể tự cung cấp ; tuy rằng Tả có đề ra sách lược “ Vừa phòng, vừa tiễu, vừa đánh, vừa canh tác ”, nhưng đem thực hành thì không dễ. Bởi vậy Tả phải nhờ các tỉnh phía đông tiếp tế, cùng vay nhà buôn ngoại quốc 340 vạn lượng do hải quan đảm bảo trả, để mua súng. Trước tiên Tả bình định giặc tại phía bắc Thiểm Tây, hàng Ðổng Phúc Tường, rồi đánh phá Hồi tại phía đông Cam Túc.

Năm 1869, quân Tả Tông Ðường tiến đánh đồn Kim Tích tại Ninh Hạ. Ðồn Kim Tích gồm 400 tòa nhà, phía bắc đến Mông Cổ, thông thương với nước Nga, là nơi thâu nhập hàng hóa Tây phương cùng pháo súng. Lực lượng Hồi liều mình ra sức đánh, quân Tả Tông Ðường không hạ được, Ðại tướng Lưu Tùng Sơn trận vong. Tháng 1/1871 Mã Hóa Long lương hết, xin hàng, bị xử lăng trì ; Hồi tại Cam Túc tan rã. Năm 1872-1873, Hồi tại Hà Châu và Tây Ninh hàng, năm 1873, Tả Tông Ðường thu phục Túc Châu, giết hơn 7000 người Hồi. Ðây là giai đoạn một cuộc tây chính của Tả Tông Ðường, giai đoạn thứ hai sẽ tiến quân đến Tân cương.



4. Cuộc viễn chinh của Tả Tông Ðường


Trước khi các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc được bình định, triều đình không đủ sức lo đến tỉnh Tân Cương [Xinjiang], sau khi khắc phục được Túc Châu [Suzhou, Cam Túc], Tả Tông Ðường xin xuất quân ; chiếu chỉ chấp nhận tây tiến. Vào thời gian này Nhật Bản xâm phạm Ðài Loan ; Lý Hồng Chương lúc bấy giờ giữ chức Tổng đốc Trực Lệ kiêm nhiệm việc ngoại giao, nhận định rằng Nhật Bản là mối lo lớn của Trung Quốc, chủ trương tạm đình tây chinh, chuẩn bị cho việc phòng biển. Lý Hồng Chương lập luận căn cứ theo thời thế, cùng kinh tế. Cho rằng bình định Tân Cương phí tổn trên 300 vạn lượng, nếu lấy được cũng không đáng gíá ; huống Tân Cương nằm trong vùng ảnh hưởng của Anh, Nga, và các nước Hồi khác nên rất khó giữ ; Ðầu mục Hồi, A Cổ Bách, sẽ liên lạc với Anh, Nga, không để cho Trung Quốc đắc chí. Trước mắt binh lực, tài lực không đủ ; nếu dính dấp vào sợ sinh ra biến cố khác ; chỉ nên nghiêm phòng biên giới hiện hữu, tìm cách chiêu phủ Ðầu mục Hồi, công nhận cho tự trị. Lý nhấn mạnh “ Tân Cương không phục tùng, nguyên khí Trung Quốc không tổn thương ; nếu biên giới tại biển không phòng, thì mối lo sâu đến gan ruột.”

Riêng Tả Tông Ðường có ý kiến rằng trước mắt việc phòng biển chưa đến nỗi khẩn cấp, nếu dừng binh cố thủ vẫn không bớt tiêu phí, mà cũng chẳng có ích cho việc phòng biển ; nhưng ngược lại phá vỡ rào dậu biên cương tại phía tây. Trung khu Ðại thần Văn Tường rất tán thành lời bàn này, nên vào tháng 5/1875 triều đình mệnh Tả Tông Ðường lo liệu việc quân tại Tân Cương. Tả Tông Ðường tâm sự rằng ở tuổi 65 vẫn cương quyết đảm nhiệm chức vụ gian nan này, vì ông nhận thức rằng đây là tiền đồ của việc quốc phòng “ Thời thịnh của Trung Quốc đều vững tại miền tây bắc, đến lúc suy thường mất miền tây bắc trước ; chỉ lo giữ đông nam là lúc thế nước yếu, đợi đến ngày suy vong ” ; lại nói “ Vững Tân Cương để giữ Mông Cổ, giữ Mông Cổ để bảo vệ kinh sư.”

Tả Tông Ðường kinh doanh miền tây bắc, toàn nhờ các tỉnh đông nam tiếp tế, quan trọng là Thượng Hải, Quảng Châu. Lệnh vua mỗi năm phối hợp điều 500 vạn lượng, nhưng thực tế đưa đến khoảng dưới 300 vạn lượng. Nhân vì đường xa, vận tải khó khăn nên không muốn dùng quá nhiều quân, bèn cho thải người yếu, giữ người khỏe, tổng cộng khoảng 7 vạn quân, một bộ phận dùng súng Tây dương, mua từ Thượng Hải.

Vào tháng 4/1876 quân Tả Tông Ðường từ Lan Châu [Lanzhou, Cam Túc] tiến tới Túc Châu, với chiến lược hoạch định sẵn “ Chuẩn bị chậm, nhưng đánh nhanh ”. Riêng A Cổ Bách lợi dụng quân Hồi Thiểm Tây giữ miền bắc lộ, còn quân chủ lực thì giữ nam lộ. Vào tháng 8 quân của Tả đại phá Bạch Nhan Hổ rồi thừa thắng thu phục Ô Lỗ Mộc Tề [Urumqi, Tân Cương]. A Cổ Bách bèn tập trung quân tại A Lỗ Phiên [Turpan, Tân Cương], năm sau lại thất bại. Vào tháng 5/1877, A Cổ Bách chết, quân Hồi xẩy ra nội loạn rồi đi đến sụp đổ. Tháng 12, con của A Cổ Bách trốn vào nước Nga ; tỉnh Tân Cương bị mất trong vòng 13 năm, được Tả Tông Ðường thu phục.

Tả Tông Ðường thành công do bởi các yếu tố sau đây : Thứ nhất, A Cổ Bách tuy thiện chiến nhưng binh lực tài lực không đủ, dân Hồi bị vơ vét nhiều nên trong lòng ly tán. Thứ hai, cuộc nổi dậy không được cấp ngoại viện một cách thiết thực ; nước Anh lo rằng nước Nga sẽ can thiệp, nên chỉ giao thiệp ngoại giao cùng cung cấp vật tư tượng trưng. Nước Nga từng giúp cho vũ khí, nhưng sau thấy thế thua của Hồi đã rõ, lại bận việc binh tại Thổ Nhĩ Kỳ, nên không muốn sa vào cuộc tranh chấp tại Tân Cương. Thứ ba, Tả Tông Ðường ý chí quả quyết, kế hoạch chu mật, được Thanh triều cực lực chi trì. Tương quân chủ tướng Lưu Cẩm Ðường giỏi dụng binh, cuối cùng thì đạo quân Tương Ðàm sinh trưởng từ vùng lúa, cá Hồ Bắc, Hồ Nam, dương oai diễu võ thành công tại vùng gió cát, ruộng đá nơi tây bắc.



Tổng quan về binh họa và sự thay đổi cơ cấu
quân sự trong 28 năm chiến tranh


Từ năm 1850 đến 1878, Trung Quốc trải qua cơn biến loạn hoặc toàn bộ, hoặc cục bộ; nhân dân phải gánh chịu sự tổn thất to lớn về sinh mệnh tài sản. Vùng đất trù mật thuộc lưu vực sông Trường Giang là nơi quân Thái Bình Thiên Quốc và quân Thanh qua lại tranh đoạt nhiều lần; nếu tính thời gian tỉnh Hồ Nam phải chịu đựng chiến tranh 4 năm, Hồ Bắc khoảng 5 năm, Giang Tây 8 năm, An Huy, Giang Nam 12 năm, Chiết Giang khoảng 5 năm. Ngoài ra các tỉnh khác thì Quảng Ðông, Quảng Tây chịu binh hỏa lâu nhất ; thứ đến Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Tân Cương, Cam Túc, Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây, Trực Lệ ; tỉnh chịu đựng nhiều khoảng 7,8 năm ; ít thì 2,3 năm.

Tiêu biểu, Chiết Giang trước kia là tỉnh no ấm, bị chết đói và binh đao quá nửa. Hàng Châu vốn được gọi là thiên đường, cư dân trên 80 vạn giảm xuống còn vài vạn. Vùng Giang Tây mấy trăm dặm “ không nghe tiếng chó kêu, gà gáy ; chỉ thấy dân chết đói bên đường ”. Tăng Quốc Phiên nói “ Bị hại bởi giặc khoảng bảy tám phần, bị hại bởi binh khoảng hai, ba phần ” ; với cái nhìn công bằng có thể nói mỗi bên gây hại một nửa. Cứ theo thống kê của quan, dân số tỉnh Giang Tô năm 1851 ước 44 triệu 30 vạn, tỉnh Chiết Giang 30 triệu ; sau loạn vào năm 1874 dân tỉnh Giang Tô dưới 20 triệu, Chiết Giang còn chưa đến 11 triệu ; nếu thống kê này có thể tin được thì dân số hai tỉnh đã giảm xuống khoảng hơn 40 triệu, từ đó có thể suy ra toàn quốc, số lượng chết về binh hỏa, chết đói, thật khủng khiếp !

Ðại loạn ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, quân sự. Ðiều hiển nhiên dễ thấy là quân chính quy nhà Thanh bị suy sụp, thay vào đó là luyện dõng địa phương như Tương quân, Hoài quân ; hoặc lực lượng vũ trang của tư nhân như quân của Sầm Dục Anh tại Vân Nam. Bát kỳ của Mãn Thanh chỉ còn tên gọi, Lục kỳ quân Hán cũng hủ hóa ; sau hai lần thất bại lớn tại Giang Nam, quân chính quy hầu như suy sụp đến toàn bộ. Thay vào đó Tương quân bảo vệ Hồ Nam, tảo thanh Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang ; Hoài quân cùng Tương quân hợp tác bình định Giang Nam, Phúc Kiến và quân Niệm tại phía bắc Trường Giang. Còn như việc bình định vùng tây nam, tây bắc như Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương đều do Tương quân đảm trách. Nói tóm lại trong thời gian 20 năm dẹp loạn, không chỗ nào mà không nhờ đến quân Tương, Hoài ; nhờ đó vận mệnh triều Thanh kéo dài được thêm 50 năm nữa.

Triều Thanh đã dựa vào quân Tương, Hoài để tiễu bình nạn lớn, Tương quân tham chiến trong 18 tỉnh, Hoài quân được điều động tại hạ lưu sông Trường Giang và Hoàng Hà ; quân Tương, Hoài được lưu lại tại các tỉnh quan trọng để phòng giữ, trở thành những đơn vị mạnh, được gọi là “ dõng doanh ”. Vì Lục doanh chỉ đặt cho có lệ mà không thu được hiệu quả, nên các tỉnh, bắt đầu từ Trực Lệ, phỏng theo quân Tương, Hoài để cải cách quân binh này về lãnh vực huấn luyện và biên chế. Thực ra thì Lục doanh và Tương, Hoài đều có những điều hay dở. Lục doanh thì quan được điều bổ đến, lính người địa phương, là quân đội quốc gia, quân không do tướng tuyển dụng ; quan không giữ chức lâu, lính do cha truyền con nối ; không được huấn luyện, tâm chí bất đồng. Khi gặp việc thì chinh điều tuyển mộ, lính với lính không thân quen, tướng với quân không hiểu biết, nên không đoàn kết, chỉ huy không hiệu nghiệm, thì khó có thể nói chuyện chiến đấu. Quân Tương, Hoài trên dưới một lòng, như cha anh và con em “ Tướng và lính thân mật, mọi người nức lòng bảo hộ kẻ đứng đầu ; tướng còn thì quân vững, tướng mất quân tan” tạo thành một tổ chức lợi hại, người người đều liều mình. Ðiều tệ hại là vũ lực của quốc gia biến thành phương tiện của tư nhân.

Từ năm 1860 trở về trước, phần lớn Tổng đốc, Tuần phủ xuất thân từ Bát kỳ Mãn Thanh, sau khi hai doanh lớn tại Giang Nam thất thủ, số lượng giảm dần, cuối cùng chỉ còn lại 1 hoặc 2 %. Thay vào đó các nhân vật thuộc hệ thống Tương, Hoài được bổ dụng tại phần lớn các tỉnh. Lực lượng này không chỉ lớn mạnh tại địa phương mà còn ảnh hưởng đến trung ương ; tuy rằng trên giấy tờ triều đình có quyền bổ nhiệm hoặc truất phế các quan lại địa phương, nhưng gặp những việc lớn cũng phải tham khảo, tôn trọng ý kiến của họ.


Hồ Bạch Thảo





1 Cải thổ quy lưu : ban hành vào thời Minh, tại vùng dân tộc thiểu số bỏ Thổ quan người địa phương, đưa lưu quan đến cai trị.

2 Bảo gia tiền : tiền đóng cho đoàn luyện, để giúp bảo vệ gia đình.

3 Di : chỉ các dân tộc thiểu số khác.

4 Thanh Hải : tỉnh Thanh Hải mới lập năm 1929, trước đó thuộc tỉnh Cam Túc.

5 Ninh Hạ : hiện nay là Ninh Hạ Hồi tộc tự trị khu, nằm giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc.

6 Lũng : dùng nói tắt cho tỉnh Cam Túc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us