Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Mậu dịch Nhật Bản - Đàng Trong

Mậu dịch Nhật Bản - Đàng Trong

- Vĩnh Sính — published 02/12/2010 18:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Những chứng tích quý báu về quan hệ kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII

Mậu dịch giữa Nhật Bản
với Đàng Trong:
Chaya Shirôjirô


Vĩnh Sính


Ba nhà ‘hào thương’ Nhật Bản đóng vai trò chủ yếu trong quan hệ mậu dịch với Đàng Trong nói riêng và Đông Nam Á nói chung vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII là Suminokura 角倉, Chaya 茶屋 và Gotô 後藤. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu hào thương Chaya và đôi nét về quan hệ mậu dịch của nhà buôn này với Đàng Trong.

Trước hết ta cần định nghĩa ‘hào thương’ là gì ? Hào thương (gôshô 豪商) là những “đại thương nhân” nổi tiếng từ những năm sau “thời Chiến quốc” (Sengoku jidai, 1477-1573) tao loạn. “Hào” chữ Hán có nghĩa là “có tài trí hay ý chí hơn người”, như chúng ta thường dùng trong các từ “hào kiệt”, “hào hùng” hay “hào phóng”. Bởi vậy, “hào thương” nói nôm na là những thương nhân có tài lực dồi dào, gầy dựng nên cơ nghiệp nhờ có đầu óc và năng lực kinh doanh nhạy bén hơn người. Theo nhà nghiên cứu Kôno Ryô, những nhà hào thương hội đủ ba yếu tố sau đây: dám làm, làm một cách nhiệt tình những gì họ cảm thấy ưa thích, và có khả năng chuyển biến tình huống nghiệt ngã trở thành thuận lợi.1

Cũng cần nói thêm lúc bấy giờ người Nhật gọi ‘Đàng Trong’ là ‘Giao Chỉ 交趾’ với đối tượng buôn bán là Chúa Nguyễn, và ‘Đàng Ngoài’ được gọi là ‘An Nam 安南’.


*

*   *


Chaya Shirôjirô (茶屋四郎次郎 Trà-ốc Tứ-lang Thứ-lang) không phải là tên của một người, mà là tên gọi chung cho những người làm chủ nhà buôn Chaya. Theo truyền thống thế tập, hay nói nôm na là ‘cha truyền con nối’, khi người chủ nhà buôn Chaya qua đời hay nghỉ hưu, người kế nghiệp chức vụ đó sẽ thừa kế luôn cả tên Shirôjirô. Bởi vậy, cho đến giữa thế kỷ XIX, có khá nhiều người mang tên là Chaya Shirôjirô. Ở đây, chúng tôi chủ yếu chỉ đề cập đến khoảng thời gian nhà buôn Chaya gửi thuyền buôn sang Đàng Trong, tương ứng với 5 đời chủ nhân đầu tiên — tức là từ năm 1592 cho đến giữa thập niên 1630 khi chính quyền Tokugawa thực hành lệnh bế quan toả cảng (tiếng Nhật gọi là sakoku 鎖国, tức là “toả-quốc”) và ngưng phát hành giấy phép châu ấn (shuin 朱印, con dấu đỏ) cho các thuyền buôn.

Nói cho đúng, Chaya chỉ là thương hiệu, và tên chính thức của họ tộc này là Nakashima.2 Dòng họ Nakashima nguyên đời đời thuộc giai cấp võ sĩ (samurai). Đến đời Akinobu, vì bị thương trong khi giao tranh nên Akinobu xin giã từ binh nghiệp để đổi sang nghề buôn bán trang phục Nhật (呉服 gofuku, “ngô-phục”) ở Kyoto. Mặc dầu nói là buôn bán trang phục, nhưng sự thật nhà buôn của Akinobu mua bán nhiều mặt hàng — nói theo ngôn ngữ ngày nay là một dạng “hãng buôn tổng hợp” (sôgô shôsha総合商社), tức là một “tổng hợp thương xã”.

Đến đời con trai của Akinobu là Kiyonobu 清延 (1545-1596), vì vị Shôgun (Tướng-quân) lúc đó là Ashikaga Yoshiteru mỗi lúc du hành thường ghé nhà Kiyonobu nghỉ ngơi uống trà theo phong cách trà đạo; nên dần dà mỗi lúc Shôgun muốn ghé uống trà, Shôgun chỉ cần nói với người hầu cậu : “Ghé quán trà !” Được Shôgun coi nhà mình là “quán trà” là một điều vinh dự đối với Kiyonobu. Tên Chaya (茶屋 Trà-ốc, tức là “quán trà”) bắt nguồn từ đó, và Kiyonobu là chủ nhân đầu tiên lấy tên Chaya Shirôjirô.

Khi bàn về sự nghiệp kinh doanh của Kiyonobu, một điểm cần chú ý là mối quan hệ khắn khít giữa ông và Tokugawa Ieyasu (Đức-Xuyên Gia-Khang), người sáng lập ra dòng họ chính quyền Tokugawa bakufu. Kiyonobu được Ieyasu hết mực tin dùng ngay từ khi Ieyasu chưa hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước (1600) để trở thành Shôgun đầu tiên của dòng họ Tokugawa. Tuy Kiyonobu là thương nhân, nhưng sự phân biệt giữa thương nhân và võ sĩ trong thời kỳ nội chiến vào thế kỷ XVI chưa rõ ràng, vả chăng Kiyonobu vốn dòng dõi võ sĩ, nên mặc dầu phải lo tiếp tế lương thực và võ khí cho Ieyasu, Kiyonobu cũng từng mang áo giáp cùng Ieyasu xuất trận có đến 53 lần! Cũng nên để ý rằng sau khi Ieyasu nắm quyền bính, gia đình Chaya được đãi ngộ giống hệt như võ sĩ : tên có họ đàng hoàng, được đeo kiếm, được cấp tư dinh và hưởng bổng lộc tính bằng lúa.


Thuyền Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến Nhật buôn bán (tranh thế kỷ XVI)


Thuyền châu ấn (năm 1634)


Để thấy rõ vai trò của Kiyonobu đối với Ieyasu, cần nói thêm là vì địa bàn của Ieyasu nằm ở miền Đông (vùng Tokyo ngày nay), Ieyasu sẽ khó bề làm nên sự nghiệp nếu không có người thân tín giúp lo liệu công việc ở vùng Kyoto và Osaka — trung tâm chính trị và kinh tế của nước Nhật lúc bấy giờ. Nói cụ thể là Ieyasu cần có người tiếp xúc với triều đình Thiên hoàng ở Kyoto nhằm tạo thế đứng chính trị; đồng thời đặt mua súng ống, thương, kiếm, và áo giáp từ các nhà buôn lớn ở Sakai ở gần Osaka.

Xuất thân gần đất kinh kỳ Kyoto và thông thạo địa bàn này, Kiyonobu lại vừa nhạy bén về chiến lược kinh doanh, chính trị và quân sự. Trên thực tế, Kiyonobu và nhà buôn Chaya đã là người đại diện chính thức của Ieyasu và chính quyền Tokugawa ở vùng Kyoto — Osaka.

Khi Kiyonobu dẫn thuyền buôn Chaya sang Đàng Trong vào năm 1592, giấy phép châu ấn lúc ấy đang còn do chính quyền Toyotomi Hideyoshi cấp vì Tokugawa Ieyasu chưa nắm quyền bính.3 Tiêu chuẩn tuyển chọn để cấp giấy phép châu ấn rất nghiêm ngặt, cũng cùng năm ấy, khắp nước Nhật chỉ có 9 thuyền được cấp giấy phép. Năm chiếc đi từ Nagasaki, 3 chiếc đi từ Kyoto, và 1 chiếc đi từ Sakai. Như vậy thuyền của Chaya là một trong 3 chiếc được tuyển chọn ở Kyoto. Nhà buôn Chaya được chọn có lẽ vì Kiyonobu là người đại diện cho uy thế và quyền lợi của Tokugawa Ieyasu, và đồng thời Kiyonobu cũng có quan hệ hữu hảo với Toyotomi Hideyoshi.

Tuy không còn tư liệu nào nói về những thuyền châu ấn nhận giấy phép do Hideyoshi cấp, nhưng nếu căn cứ theo tranh vẽ thuyền châu ấn đến Đàng Trong sau khi Tokugawa lên nắm quyền mà hiện nay hãy còn lưu trữ ở chùa Kyômizu ở Kyoto và Nagasaki, chúng ta có thể suy đoán đại để như sau:

Thuyền có trọng tải khoảng 400 tấn, hoa tiêu có lẽ là người Tây phương có nhiều kinh nghiệm đi biển, mỗi thuyền chở từ chừng 300 người, đa số là thương nhân, khách trên thuyền còn có cả phụ nữ vì trong 1 bức tranh chúng ta thấy có một người đàn bà gảy đàn 3 dây.4 Chủ thuyền không chỉ chuyên chở những mặt hàng mua bán của mình mà còn chở và thâu tiền đi ‘quá giang’ của những thương nhân đi cùng hàng hoá buôn bán của họ. Sở dĩ chủ thuyền cho những thương nhân khác tháp tùng vì muốn đa dạng hoá mặt hàng nhằm dễ mua bán khi vào cảng, đồng thời chỉ có những thương nhân này mới có đủ kiến thức chuyên môn về các mặt hàng mang theo. Hàng Nhật Bản xuất khẩu gồm có bạc, đồng, lưu huỳnh, đao kiếm, nồi chảo, ấm sắc thuốc hay đun nước, bình phong, quạt, v.v.; và hàng nhập khẩu chính là trầm hương, tơ tằm, ngà voi, da nai, chì, thiếc, đường, vải bông, các loại động vật, v.v.

Thuyền buôn Nhật Bản thường rời cảng Nagasaki vào đầu Xuân, nương gió Bắc đi về Nam và nơi cập bến thường là cửa Hàn (Đà Nẵng). Từ Nagasaki đến Đàng Trong trung bình mất khoảng 40 ngày. Bận về lại Nhật, để nương gió nồm thuyền nhổ neo vào khoảng từ tháng 7 cho đến tháng 9. Tính trung bình, mậu dịch bằng thuyền châu ấn thường mang lại lợi nhuận trung bình vào khoảng 200%. Trong chuyến đi đầu tiên của thuyền Chaya sang Đàng Trong vào năm 1592, bản thân Kiyonobu cũng tháp tùng làm chủ thuyền, mặc dầu lúc đó đã 48 tuổi — thuộc hàng cao niên theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ.

Khi Ieyasu đã tóm thâu thiên hạ, mặc dầu Kiyonobu đã mất bốn năm trước đó (1596), gia vận của Chaya càng ngày càng hưng thịnh. Con của Kiyonobu là Kiyotada 清忠 được giao quản lý thương nhân ở năm tỉnh Kyoto, Osaka, Nara, Sakai và Fushimi; đặc trách về trang phục cho chính quyền Tokugawa bakufu và quản đốc vật tư ở Kyoto, đồng thời được cấp đặc quyền mậu dịch bằng thuyền châu ấn. Trên thực chất, Kiyotada là “tổng đại diện” của chính quyền Tokugawa ở vùng Kyoto – Osaka.

Kiyotada mất sớm (1603), em là Kiyotsugu 清次 (1584-1622) — tức là Chaya Shirôjirô đời thứ ba — lên thay. Cũng trong năm đó, Ieyasu được chính thức bổ nhiệm làm Shôgun và tiếp tục phát hành giấy phép châu ấn cho các thuyền buôn. Tính từ lúc đó cho đến năm 1635 — khi chính quyền Tokugawa ngừng cấp giấy phép, có tất cả 356 giấy phép được cấp, trong đó số thuyền đi Đàng Trong chiếm tỷ số cao nhất (71 giấy phép) so với các địa điểm khác ở Đông Nam Á. Riêng nhà buôn Chaya được cấp đến 11 giấy phép, trong đó có 1 giấy phép được cấp trong đợt cuối cùng trước khi Nhật Bản đóng cửa nên không sử dụng. Vì tất cả giấy phép của nhà buôn Chaya là để đi buôn bán ở Đàng Trong, chúng ta có thể nói Chaya là nhà buôn đi hàng đầu trong mối giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Trong.

Theo nghiên cứu của các học giả người Nhật, mặt hàng mang lại lợi lộc nhiều nhất cho nhà buôn Chaya qua mậu dịch với Đàng Trong là tơ tằm. Trước đó, người Bồ Đào Nha giữ độc quyền xuất khẩu tơ tằm sang Nhật. Nhằm ngăn chận độc quyền của người Bồ Đào Nha và cũng để bạc khỏi lưu xuất quá mức ra khỏi nước Nhật, Tokugawa Ieyasu thi hành chính sách cho một số thương nhân ở Kyoto, Sakai và Nagasaki cùng nhau góp tiền vốn nhằm nhập khẩu tơ tằm với giá rẻ, rồi sau đó phân bố lại cho những người có xuất vốn. Quá trình này hoàn toàn không có sự can thiệp của thương nhân nước ngoài và những thương gia người Nhật không ở trong hiệp hội những người xuất vốn. Kiyotsugu chắc hẳn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đề nghị Ieyasu áp dụng biện pháp cứng rắn đó. Độc quyền của người Bồ Đào Nha từ đó được khống chế và quyền độc chiếm đó nay vào tay một số thương nhân xuất vốn nhiều nhất. Chính trong bối cảnh đó mà các hào thương ở vùng Kyoto như Chaya, Suminokura và Gotô đã ra đời. Mậu dịch giữa Đàng Trong và Nhật Bản tiếp tục trong hai đời thứ tư Michisumi 道澄 và đời thứ năm Nobumune 延宗, cho khi có lệnh bế quan toả cảng năm 1635.




Thư Chúa Sãi gửi Chaya Shirôjirô đời thứ tư


Cần chú ý rằng Chaya Shirôjirô đời thứ ba (tức Kiyotsugu) có một người em ruột tên là Shinshirô 新次郎. Shinshirô từ trẻ cũng được Ieyasu quý mến, cho về lập một nhánh mới của nhà buôn Chaya ở Owari (nay là phía Tây của huyện Aichi) — một trong ba lãnh địa do thân thích của Ieyasu làm lãnh chúa. Shinshirô cũng được cấp giấy phép châu ấn và đã từng đến Đàng Trong.

Khi về già, Shinshirô tu tại gia, lấy tên là Chô-i (長意Trường-Ý). Trong chùa Jômyô-ji (浄妙寺Tịnh-diệu-tự) ở Nagoya hiện nay vẫn còn lưu trữ 3 bảo vật có liên hệ với Đàng Trong: a) một hộp trầm kỳ nam (tiếng Nhật gọi là kyara 伽羅, tức già-la) tức loại trầm quý nhất, những miếng trầm cắt nhỏ để trong hộp làm bằng thiếc; b) một bức tranh tên là “Lang kiến Quan Thế Âm Bồ Tát tượng 廊見観世音菩薩像”; c) một bức tranh lớn thường được gọi là “Chaya Chô-i Kôshi bôeki zu 茶屋長意交趾貿易図” (Tranh mậu dịch giữa Chaya Chô-i [với Đàng Trong]).




Cảnh Chaya Shirôjirô yết kiến Chúa Nguyễn


Bức tranh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tương truyền do chúa Nguyễn Phúc Nguyên (tức là Chúa Sãi, còn gọi là Phật Chúa) tặng Chô-i khi thuyền gặp bão và được chúa Nguyễn giúp đỡ (khoảng giữa năm 1615 và năm 1620).

Bức tranh “Mậu dịch với Đàng Trong” rất lớn, chiều dọc 78 cm và chiều ngang dài đến 4m98. Tranh có 4 phần: 1) quang cảnh ở Nagasaki — nơi thuyền buôn Chaya nhổ neo đi về Nam; 2) quang cảnh sinh hoạt trên thuyền; 3) quang cảnh nghênh tiếp khi thuyền cập bến ở cảng “Toron” (Tourane, tức Đà Nẵng ngày nay) với những chiếc ghe nhỏ ra đón cùng cảnh tiếp đón trong dinh chúa, cùng “phố Nhật” ở Hội An; và 4) quang cảnh trên đường từ Đà Nẵng ra Thuận Hoá. Nét vẽ rất sống động, chứng tỏ người vẽ tranh đã từng đến và biết rõ về Đàng Trong. Trên bức tranh còn có ghi 18 chú thích, ghi thêm những chi tiết cần thiết.

Những chứng tích quý báu về quan hệ kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản được con cháu của dòng họ Chaya giữ gìn chu đáo từ đời này sang đời nọ mãi cho đến ngày nay.

Vĩnh Sính

Viết lại xong vào thượng tuần tháng 12 năm 2010


1 Kôno Ryô, Gôshô omoshiro Nihonshi (Lịch sử Nhật Bản nhìn một cách thú vị qua những hào thương) (Tokyo: Kosaidô, 1991), trang 1.

2 Còn đọc là Nakajima.

3 Nên chú ý Toyotomi Hideyoshi chỉ là kampaku (関白quan-bạch, một chức gần giống như tể tướng), chứ không phải là Shôgun.Sau khi nhường chức cho con nuôi là Hidetsugu, chức vụ của Hideyoshi là taikô (太閤, thái-cáp; tựa như “tể tướng, nhưng đã về hưu”).

4 Shamisen三味線 tam-vị-tuyến.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us