Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Mèo khen mèo dài đuôi

Mèo khen mèo dài đuôi

- Cổ Ngư — published 14/01/2011 17:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Nhìn xa và rộng hơn vào thế giới truyện tranh và phim hoạt hoạ hiện nay, chúng ta thấy, ngoài những nhân vật người (dĩ nhiên!), chó và chuột, giống mèo cũng chiếm một vị trí khá quan trọng, không thua kém gì các bạn đồng hành của mình.


Mèo khen mèo dài đuôi


Cổ Ngư



Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo...

(Ca dao Việt Nam)

Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế, chuyện mèo-chuột luôn luôn là một đề tài thú vị, là nguồn cảm hứng cho những tranh vẽ dân gian, ca dao, vè, ca khúc, truyện cổ tích, truyện tranh, phim hoạt hoạ... ra đời. Nhưng từ khởi đầu "tình thù" như thấy được trong tự nhiên, qua con mắt nhìn của loài người, cặp mèo-chuột đôi khi đã chuyển hoá sang tình bạn, hay cả... tình yêu, tuy không phải là thứ tình yêu thắm thiết, vì lúc nào cũng rờn rợn cái động tác "vờn" trong đó! Thử nhìn vào những bức tranh dân gian làng Hồ còn sót lại, ta thấy ngay bức "đám cưới chuột" nổi bật lên với sự nhân cách hoá đầy tính trào lộng: chàng chuột cân đai áo mão trang trọng, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau, vẫn len lét dòm chừng lão mèo vằn - thần giữ cửa, dù đã có sẵn chim sẻ và cá mè làm quà đút lót! Nhìn xa và rộng hơn vào thế giới truyện tranh và phim hoạt hoạ hiện nay, chúng ta thấy, ngoài những nhân vật người (dĩ nhiên!), chó và chuột, giống mèo cũng chiếm một vị trí khá quan trọng, không thua kém gì các bạn đồng hành của mình.

crazycat felĩ
Crazycat-Ignatz Felix

Krazy Kat (hoạ sĩ George Herriman, 1910) và Felix (hoạ sĩ Otto Messmer-Pat Sullivan, 1917) có lẽ đáng được nhận chức lão làng của họ hàng nhà mèo với loạt truyện tranh và phim hoạt hoạ ngắn những năm đầu thế kỷ. Cô mèo Krazy Kat, yêu chết mê chết mệt... chú chuột Ignatz, tìm đủ mọi cách tống tình, đến nỗi bị chuột Ignatz, cáu xườn, ném cả gạch vào người! Trong khi đó, chú chó Ofissa B. Pupp, thương thầm nhớ trộm Krazy, lại cố sức tìm bắt chuột Ignatz bỏ bót vì tội hành hung người đẹp. Cuộc tình tay ba chó-mèo-chuột này, với những viên gạch ném ra từ bàn tay Ignatz làm chất keo kết dính lại ba nhân vật, đã một thời làm say mê độc giả Hoa Kỳ. Tiếc thay, đến nay, hầu như không còn ai nhớ đến bộ ba này nữa. Ngược lại, chú mèo mun Felix với đôi mắt trắng to tướng, tuy đã ngoài 90 tuổi, vẫn làm trẻ em toàn cầu yêu thích. Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX, với bộ phim đầu tiên "Feline Follies" (1919), Felix trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới trong thập niên 20 của thế kỷ trước. Nhưng dần dà, với sự ra đời của các bộ phim lồng tiếng và sự xuất hiện của chuột Mickey, mèo Felix mất dần khán giả và bị rơi vào lãng quên. Vận may trở lại với Felix, khi hoạ sĩ Joe Oriolo để chú mèo này tái xuất giang hồ trong loạt phim truyền hình ở thập niên 60, lại thêm mắm thêm muối cho các bộ phim, với chiếc túi thần của Felix có thể biến hoá thiên hình vạn trạng hoặc việc tạo thêm những đối thủ của Felix. Đến 1995, Felix lại được tái sinh thêm một lần nữa trong loạt phim hoạt hoạ dựa theo kịch bản của Bob Kock và thích ứng với lớp khán giả trẻ tuổi ở những năm cuối cùng của thế kỷ XX.

tom-jerry

Tom và Jery

Nhưng nói gì thì nói, tước vị "miêu vương" không thể nào lọt khỏi tay chàng mèo xám Tom (hoạ sĩ William Hanna & Joseph Barbera). Từ lần xuất hiện đầu tiên (1939) đến nay, ngài ngự "to đầu mà dại" Tom vẫn chưa thể nào khuất phục nổi anh em chuột Jerry, Tuffy "nhỏ dái mà khôn", thật đúng với câu tục ngữ Việt Nam "Mèo già lại thua gan chuột lắt"! Quả vậy, qua suốt mấy chục bộ phim ngắn có tựa đề chung "Merries Melodies" của đôi bạn này, là mối thù truyền kiếp mèo-chuột, là những rượt đuổi của kẻ mạnh muốn dùng sức của mình để cả vú lấp miệng em, là những cú chơi khăm đau điếng… bất tận. Tom và Jerry hình như chẳng nói với nhau một lời nào, chỉ có âm nhạc kèm theo hành động, hoặc diễn tả tâm trạng mà thôi. Nhưng, quả là nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng, Jerry, nhanh nhẹn, thông minh, lúc nào cũng thoát khỏi những âm mưu của mèo Tom trong đường tơ kẽ tóc và sẵn sàng phản công, khiến kẻ cậy sức phải nhiều phen điêu đứng, sống dở chết dở… Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, mỗi khi thấy Tom đi "mê" một cô mèo cái hay một chú chuột khác là Jerry lại nổi cơn "ghen" tam bành, và quyết chí phá đám cho bằng được mới thôi... Qua loạt phim "Tom và Jerry" này, hãng MGM với William Hanna và Joseph Barbera đã lần lượt nhận được 7 giải Oscar từ 1943 cho đến 1952. Sau đó, hoạ sĩ Gene Deitch tiếp tục công việc trong ba năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, rồi Churk Jones kéo dài cuộc sống của đôi mèo-chuột này cho đến năm 1967. Loạt phim "Tom và Jerry" lại qua tay Hanna Barbera Productions từ 1975 đến 1977 và từ 1990 đến 1993. Giữa khoảng thời gian đứt đoạn đó, Filmation Studio đảm nhận việc sản xuất những tập phim truyền hình của đôi bạn-thù này. Cuối cùng, năm 2005, loạt phim mới “Truyện kể về Tom & Jerry” kéo dài thêm cuộc sống của hai “cụ” mèo chuột này. Năm 1992, bộ phim dài đầu tiên của Tom và Jerry được tung ra thị trường phim ảnh (đạo diễn Phil Roman), nhưng tiếc thay, lại không gây được tiếng vang đáng kể.

garfield

Garfield

sylvestre

Sylvestre Tweety

Ngoài mèo Tom, trong làng hoạt hoạ Hoa Kỳ, người ta còn thường hay nhắc đến Garfield và Sylvester. Mèo cam vằn đen Garfield (hoạ sĩ Jim Davis) hung hiểm, ích kỷ lại lười biếng, chỉ thích ăn ngon và ngủ triền miên. Xuất hiện trong các băng truyện tranh từ tháng 06.1978 trên 41 tờ nhật báo, đến nay, Garfield có mặt trong gần 2600 tờ báo ở 111 quốc gia khác nhau. Chú mèo mập này (hơn 16 kí-lô) lúc nào cũng nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ và cho rằng mèo là loài thượng đẳng, nên luôn tìm cách dè bỉu, hành hạ anh chó Odie khốn khổ ở cùng nhà của ông chủ Jon. Một nạn nhân nữa của Garfield là "chú mèo con xinh xắn nhất thế giới" Nerman. Tuy vậy, Garfield cũng có cô bạn gái Arlène răng hở và lại thích đánh bạn với bọn chuột trong nhà, thân nhất là chuột Squeak! Cùng với kỹ thuật dùng hình ảnh tổng hợp (image de synthèse) trong phim ảnh, từ 2004, mèo Garfield bước những bước khệnh khạng lên màn ảnh lớn, sánh vai với người thật, chó thật, chuột thật để gây cười cho khán giả con nít lẫn người lớn. Pháp, Mỹ, và có lẽ còn nhiều nước nữa đã phát hành một số tem giới thiệu thế giới của Garfield. Ngoài ra, bưu chính Hoa Kỳ, với hai con tem đầu trong bộ tem vinh danh các hoạ sĩ thuộc nhóm Warner Bros. Studio (đứng đầu là Tex Avery) đã giới thiệu: chú thỏ Bugs Bunny và cặp kỳ phùng địch thủ mèo Grosminet Sylvestre - hoàng anh Titi Tweety (hoạ sĩ Gerry Chiniquy, Friz Freleng & Robert Clampett, 1942-1964). Cùng chung sống dưới mái nhà của bà ngoại, chàng mèo đen mũi đỏ dài ngoằng này, từ thời còn mang tên Thomas cho đến khi trở thành Sylvester, vẫn mãi mãi bị nàng chim hoàng anh tí hon, thơ ngây nhưng thông minh Tweety hạ đo ván! Cuối cùng, có thể kể thêm chú mèo Banjo trong bộ phim cùng tên của bộ ba Don Bluth, Gary Gold và John Pomeroy, đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị năm 1979, chú mèo đội nón trong bộ truyện của Dr. Seuss và chú mèo lang thang có đôi mắt to vô… số tội xuất hiện trong bộ phim nhiều tập "Shrek" (Andrew Adamson & Vicky Jenson, 2001-2010) trên màn ảnh lớn của hãng DreamsWorks SKG.

lechat Billy
Le Chat Billy

hercule

Hercule

Trong thế giới truyện tranh và phim vẽ Âu châu, người ta cũng thấy sự xuất hiện của nhiều "ngôi sao mèo", nổi tiếng như chú mèo du đãng Hercule (hoạ sĩ José Cabrero Arnal), người bạn đồng hành của chó Pif từ năm 50 của thế kỷ XX trên tờ báo "Nhân bản" của Pháp, sau này có hẳn một tờ báo riêng với truyện tranh và trò chơi: "Super Hercule"! Ngoài ra, còn có chú mèo Poussy (hoạ sĩ Peyo, 1949) hay hung thần của các chú tí schtroumpfs: mèo Azraël của lão phù thủy Gargamel (cũng là những nhân vật của hoạ sĩ Peyo), chú mèo thám tử đeo mục kỉnh Chaminou (hoạ sĩ Bỉ Raymond Macherot, 1964) hoặc cặp mèo mập-ốm Baluchon-Chafouin (hoạ sĩ Pierre Tranchand & Francois Corteggiani, 1979). Ít được biết đến hơn là bộ tam sên mèo Moustache, chuột Trottinette và chó Coquin (hoạ sĩ Edmond-Francois Calvo, 1960) hay chú mèo bạch Tom Poes (1941) của hoạ sĩ người Hòa Lan Marten Toonder... Đặc biệt, có nhân vật Scrameustache (cha con họa sĩ Gos & Walt, 1972), người ngoài trái đất mang dáng dấp mèo, đã cùng với chú bé Khéna đưa dẫn độc giả vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú giữa các hành tinh, hay Billy Colas, chú bé hư hỏng, thích hành hạ súc vật, bất ngờ chết vì tai nạn, được phép đầu thai thành mèo vằn. Sống kiếp mèo nhưng vẫn giữ được trí nhớ của một chú bé con, Billy dần thay đổi, trở nên dễ thương hơn, nhờ sự cọ sát, đối đầu với nhiều hiểm nguy trong cuộc sống mới. Mèo Billy tìm được người bạn tốt, mèo trắng Hubert, đồng thời, lại có nhiều kẻ thù mới: mèo chột hiểm ác Sanctifer hoặc Saucisse, chú chó của gia đình Colas. Không hiểu vì vô tình hay cố ý, với nhân vật Billy (từ 1981), hai hoạ sĩ Bỉ Stéphane Colman và Stephen Desberg đã để lớp nhi đồng Tây phương tiếp cận với khái niệm luân hồi, chuyển kiếp của Đông Phương huyền bí. Một nhân vật khác, Le Chat (!) của họa sĩ Philippe Gelück, thì lại đầy tính khôi hài đen với những màn độc thoại độc diễn one cat show dài dài trong loạt truyện tranh dành cho người lớn của nhà xuất bản Casterman. Xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 11.1983 trong phụ trương của tờ báo Bỉ "Buổi chiều", chàng Mèo ù với những câu phát biểu chơi chữ rất "ấn tượng" này nhanh chóng vượt qua nhiều biên giới để trở nên nổi tiếng trong cộng đồng Pháp ngữ. Nhân vật này cũng được vinh dự xuất hiện trong loạt tem 10 con của bưu chính Pháp, phát hành năm 2005 và trong bộ tem gây quỹ cho hội Hồng Thập Tự của Bỉ phát hành đầu năm 2008. Sinh sau đẻ muộn hơn cả là chú mèo xanh dương Oggy. Xuất hiện trong 195 tập phim truyền hình (mỗi tập 7 phút) từ 1999 đến 2008 (hoạ sĩ Pháp Jean-Yves Raimbaud & Charles Vaucelle), chú mèo ốm nhách Oggy này rất sạch sẽ, chỉ mê dọn dẹp nhà cửa, làm bếp, xem truyền hình và rượt đập không ngưng nghỉ lũ kẻ thù không đội trời chung là bộ ba nhà gián rất bựa và ở dơ Joey, Dee-Dee và Marky. Ngoài 4 nhân vật chính kể trên, trong những tập phim "Oggy và bọn gián" còn có sự xuất hiện thường xuyên của lão chó hàng xóm Bob, ham chăm sóc vườn tược, thích khiêu vũ, ghét… mèo (!), của anh mèo xanh lục Jack và người yêu, sau này thành vợ của Jack: Monica. Cô mèo thích chơi thể thao và đi giày có bánh xe này cũng chính là chị ruột của Oggy. Chưa hết, một trong những sản phẩm của thời đại điện toán-internet đang được nhắc đến nhiều hiện nay là chú mèo của Simon (Simon’s Cat) với gần 80 triệu fan! Sinh ra từ nét vẽ của hoạ sĩ người Anh Tom Tofield trên nhu liệu (software / logiciel) Adobe Flash, chú mèo kêu meo meo này xuất hiện thường xuyên trong những phim đen trắng dài chưa đầy 3 phút trên YouTube, tạo niềm vui nho nhỏ cho những ai mê "trượt" trên "mạng".

Oggy

Oggy


doaremol

Doraemol

Ở Việt Nam, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, trẻ em đã một dạo "lên cơn sốt" với một nhân vật manga Nhật Bản: chú mèo máy không lỗ tai Doraemol (hoạ sĩ Hiroshi Fujimoto & Motoo Abiko, từ 1970). Doraemol được giao nhiệm vụ phải theo kèm chú bé nhút nhát Nobita Nobi, giúp chú tránh được việc tạo những món nợ khổng lồ mà cả đến những thế hệ tiếp sau còn phải gánh chịu. Chính lớp con cháu của Nobita, từ tương lai, đã phái chú mèo máy Doraemol vượt thời gian, trở về quá khứ để tìm cách thay đổi vận mệnh của gia đình. Trong loạt phim truyền hình – truyện tranh manga – trò chơi điện tử nổi tiếng Pokémon của hoạ sĩ Nhật Bản Satoshi Tajiri, có sự xuất hiện thường xuyên của chú Miêu gian ác bên cạnh các nhân vật phản diện James & Jessy trong nhóm "Team Rocket", chuyên tìm cách bắt cóc chú chuột Pikachu của nhân vật chính Sacha. Ở bộ phim "Cô bé phù thuỷ Kiki" của hoạ sĩ Hayao Miyazaki (1989), dựa theo truyện của Eiko Kadono với phần minh hoạ của Akiko Hayashi, có sự xuất hiện của mèo đen Jiji, lúc nào cũng bám theo cô bé Kiki 13 tuổi tập hành nghề phù thuỷ bằng cách… giao hàng trên cây chổi bay. Nhưng nổi tiếng nhất trong những nhân vật toon-mèo của Nhật, chắc chắn sẽ là cô bé mèo trắng Kitty. Rất dễ mến, thích đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch, ăn bánh cookies, yêu thương bạn bè, gần gũi với em song sinh Mimmy, Kitty hội đủ những điều kiện của một bé mèo gương mẫu. Kitty và Mimmi sinh ngày 01.11.1974 ỏ ngoại ô Luân Đôn (theo khai sinh), họ White, có bố George, mẹ Mary, ông Antony, bà Margaret và rất nhiều bạn bè: cặp khỉ Tim & Tammy, chó Jody, cừu Fifi, thỏ Cathy… Điều đáng nói là Kitty được chào đời năm 1974 dưới nét bút của nhà tạo mẫu Ikuko Shimizu làm việc cho hãng Sanrio, nhằm mục đích tạo thương hiệu mới "Hello Kitty" với các mặt hàng nhắm vào giới tiêu thụ nhi đồng. Mặt hàng đầu tiên có hình Hello Kitty là một chiếc ví tiền nhỏ giá 240 yen (khoảng 1,48€ theo thời giá hiện hành). Đến nay, hơn 22.000 mặt hàng phổ biến trên khắp thế giới đang mang nhãn hiệu "Hello Kitty" và thu về khoảng 1 tỷ euros mỗi năm cho hãng Sanrio. Được chọn làm "đại sứ UNICEF" từ năm 1983, với nét vẽ tròn trịa, dễ thương, các nhân vật trong thế giới của Kitty có một đặc điểm chung: chúng không có… miệng. Đó cũng có thể chính là điểm quyến rũ của Kitty: bạn có thể tưởng tượng ra các trạng thái vui, buồn, hờn giận… của cô bé mèo này tuỳ theo tâm thái của chính mình khi ấy. Để trả lời cho câu hỏi: "Vì sao Kitty không có miệng?", câu trả lời chính thức của hãng Sanrio lại tạo thêm một vầng hào quang mới cho Kitty: "Vì tiếng nói của Kitty phát ra từ tim, mà không cần phải thông qua một thứ ngôn ngữ nào cả!" Tuy vậy, đặc điểm này của các nhân vật trong thế giới của Kitty đã không được tôn trọng trong loạt phim hoạt hoạ 16 tập được chiếu trên truyền hình Nhật Bản trong hai năm 1993-1994: trong phim, khi đối thoại, các nhân vật phải… mở miệng!

kitty

Kitty

Tạm chia tay với những Tom, Felix, Garfield, Sylvestre, Hercule, Kitty… để cùng bước vào thế giới thần tiên của Walt Disney, chúng ta sẽ không khỏi bỡ ngỡ trước số lượng sì-ta mèo đông đảo tụ họp nơi đây. Những nhân vật mèo của Disney xuất hiện dưới mọi hình thức, mang rất nhiều cá tính, đôi khi trái ngược hẳn nhau, y như trong xã hội loài người! Sau đây, những cô cậu mèo đó sẽ lần lượt được giới thiệu đến quý độc giả theo trình tự thời gian.

Pat

Pat Hibulaire

Nói đến Disney, không thể nào không nhắc đến chú chuột láu lỉnh Mickey. Nhưng nếu nhiều người trong chúng ta biết đến người đẹp Minnie của chàng chuột này, hoặc những người bạn nối khố của Mickey như chó đần Dingo, chó Pluto hay vịt Donald, thì lại ít ai biết đến kẻ thù "không đội trời chung"» của Mickey là Pat Hibulaire. Xuất hiện từ năm 1925 trong loạt phim ngắn về cô bé Alice, đến 1928, Pat Hibulaire chính thức trở thành đối thủ của Mickey. Trong những phim hoạt họa đen trắng của thời kỳ đầu, Pat - còn mang tên Peg Leg Pete - là gã mèo đen khổng lồ mang một chân giả bằng gỗ, lúc nào cũng chực chờ ăn tươi nuốt sống chú chuột tí hon. Rồi theo năm tháng, Pat Hibulaire dần thay hình đổi dạng, để cuối cùng, đội lốt một con sói hung dữ, miệng thường phì phèo điếu xì-gà to tướng, và trở thành kẻ thù chung của Mickey và bạn hữu. Nhưng, với trào lưu "chung sống hoà bình", trong loạt phim truyền hình nhiều tập "Dingo & Cie", Pat Hibulaire trở thành ông hàng xóm của cha con chó Dingo và Max, tuy vẫn mang tánh khó chịu, ăn thua đủ, nhưng đã trở nên khá tốt bụng và mất đi gần hết thói hung hiểm. Trong một trào lưu khác, trào lưu "trẻ hoá" các nhân vật, bé Pat vui sống và cũng làm đầy những trò "nhí nhố" bên cạnh các bé Mickey, Minnie, Donald, Daisy, Dingo, Pluto, Gus... Cũng cần mở ngoặc đơn ở đây để nói thêm rằng, trào lưu "trẻ hoá" này cũng đã ảnh hưởng đến các nhân vật khác của Disney, như sự xuất hiện của các bé báo đen Bagheera, bé gấu Baloo, bé voi Hathi, bé trăn Kaa... trong loạt phim ngắn "Truyện rừng xanh" (1997). Trào lưu này cũng gợi cảm hứng để chú bé Spirou ở Pháp ra đời (hoạ sĩ Tom & Janry, 1989), và, những tập phim trình chiếu trong năm 1999 của bộ "Chiến tranh giữa các vì sao", phim khoa học giả tưởng của đạo diễn George Lucas, đã đưa khán giả trở ngược về quá khứ, để kể về thời niên thiếu của Darth Vader, nhân vật phản diện mang mặt nạ đen của bộ phim. Xin đóng ngoặc đơn.

trois chats

Ba bé mồ côi

Ngoài nhân vật khá đặc biệt Pat Hibulaire, vào năm 1935, Disney đã giới thiệu đến công chúng bộ phim ngắn "Ba bé mồ côi". Bộ phim kể lại câu chuyện ba chú mèo con bị bỏ rơi trong một ngày tuyết giá. Chúng vô tình lọt được vào một căn nhà ấm áp, nghịch phá, suýt bị người vú da đen tống ra khỏi cửa, nhưng cuối cùng, được cô chủ nhỏ giữ lại nuôi nấng. Phim "Ba bé mồ côi" này đã đoạt được tượng vàng Oscar dành cho phim hoạt hoạ của năm. Cũng trong năm này, còn có chú mèo thích ăn trộm vặt Ambrose cũng được đưa lên màn ảnh trong một bộ phim ngắn của loạt phim "Silly Symphonies". Sau đó, trong các bộ phim hoạt hoạ dài ngắn khác của hãng Disney, các nhân vật mèo chỉ đóng vai trò phụ, có liên hệ gần hoặc xa đến nhân vật chính của phim. Ta có thể kể đến: chú mèo con nhút nhát Figaro của người thợ tài hoa Geppetto hay gã mèo (giả vờ) mù Odéon, kẻ đã hợp sức cùng tên Cáo Già lưu manh đưa đẩy chú bé người gỗ Pinocchio vào con đường tội lỗi ("Pinocchio", 1940, theo nguyên tác của nhà báo-nhà văn Ý Carlo Collodi), tên mèo mun hung dữ Lucifer của mẹ ghẻ Lọ Lem, kẻ thù của hai chú chuột Jaq & Gus cùng bầy chuột trong nhà ("Lọ Lem", 1950), mèo con Dinah của Alice và chú mèo vùng Chester kỳ dị có nụ cười rộng ngoác đến tận mang tai ("Alice ở xứ thần tiên", 1951, theo nguyên tác của nhà văn Anh Lewis Caroll), cặp anh em mèo xiêm thâm hiểm ("Người Ðẹp và Chàng lang thang", 1955) hay trung sĩ mèo Tibs, đã lập công đầu trong việc cứu chín mươi chín chú chó con thoát khỏi nanh vuốt của mụ Cruella d'Enfer và anh em Gaspard-Horace ("101 con chó đốm", 1961)...

Olivier

Olivier

manchester

chú mèo vùng Chester

Mãi đến năm 1970, dòng họ nhà mèo mới được hãng Disney tôn vinh với bộ phim dài "Những nhà Quý tộc Mèo". Ðây cũng là một câu chuyện giữa người đẹp và gã lang thang. Duchesse, mèo cái ba con (Marie, Toulouse & Berlioz) trông mòn con mắt, sống giữa thủ đô Paris hoa lệ đầu thế kỷ 20 bên bà chủ yêu quý Adelaïde de Bonnefamille. Bà de Bonnefamille muốn để lại gia tài cho mẹ con Duchesse và tên quản gia Edgar. Nhưng Edgar, muốn độc chiếm gia tài, đã thừa dịp trộn thuốc ngủ vào sữa và tống mẹ con Duchesse đi thật xa. Trong cơn hoạn nạn, mẹ con nàng mèo quý tộc này đã được lãng tử mèo Thomas O'Malley tận tình giúp đỡ. Tình yêu nảy sinh giữa Lục Vân Tiên O'Malley và Kiều Nguyệt Nga Duchesse. Sau nhiều trắc trở, mẹ con nàng mèo tìm lại được bà chủ tốt bụng, O'Malley được chấp nhận là thành viên mới của gia đình, còn tên quỷ quyệt Edgar thì bị đóng hòm gửi sang tận... Phi châu! Bộ phim này thành công vang dội, một phần không nhỏ nhờ vào những bản nhạc jazz lồng trong phim và được một cats band đa quốc gia mang tên Scat Cat trình bày rất điệu nghệ: mèo Ý kéo accordéon, mèo Mỹ thổi trompette, mèo Xiêm gõ piano, mèo Ðức búng contrebasse, mèo Anh gảy guitare... Bẵng đi một thời gian, một bộ phim hoạt hoạ khác với tựa đề "Olivier và bạn hữu" được hãng Disney cho trình làng vào năm 1989, với nhân vật trung tâm là chú mèo con Olivier, nhưng các nhân vật vệ tinh còn lại đều là người hoặc chó. Mèo con Olivier, tuy nhỏ bé nhưng rất can đảm, sau nhiều thử thách, cuối cùng sống êm ấm trong vòng tay thương yêu của cô chủ nhỏ Jenny, nhưng vẫn không quên những bạn bè nghèo khó thuở hàn vi của mình...

quitoc

Những nhà Quý tộc Mèo

Sau "Olivier và bạn hữu", ngoại trừ bộ phim "Bernard & Bianca ở xứ chuột túi" (1991), các nhân vật cổ điển mèo, chuột, chó dần vắng bóng trong phim của Disney. Nhân vật chính của các bộ phim sau này đa số mang hình dạng con người: "Nàng nhân ngư" (1990), "Người Ðẹp và Con Quái" (1992), "Aladdin" (1993), "Pocahontas" (1995), "Anh gù nhà thờ Ðức Bà" (1996), "Hercule" (1997), "Mộc Lan" (1998)… cho đến "Gia đình siêu nhân" (2004), "Gia đình Robinson" (2007), "Trên cao" (2009), "Nàng công chúa và chàng cóc" (2009), "Nàng tóc dài" (2010), bên cạnh các nhân vật phụ như cua, cá, đồng hồ, chân đèn, chồn đuôi khoanh, chim chích, két, khỉ, phỗng đá, sơn thần, ngựa bay, rồng, dế, đom đóm... Các bộ phim còn lại, như "Vua Sư tử" (1994-1998) thì giới thiệu đến người xem nhóm động vật đặc biệt của vùng đồng cỏ Phi châu, "Anh em nhà gấu" (2003) mời khán giả đến với núi rừng Bắc Mỹ thời băng giá hay "Chuyện đồ chơi" (1996-1999-2010), "Kiếp sâu bọ" (1998), "Khủng long" (2000), "Bọn quái" (2001), "Némo" (2003), "Xe" (2006), "Wall-E" (2008), phim hoạt hoạ ba chiều với kỹ thuật dùng hình ảnh tổng hợp (hãng Disney và Pixar hợp tác sản xuất), lại đưa chúng ta vào thế giới của đồ chơi, sâu bọ, khủng long, quái vật, cá tôm, xe cộ, người máy... Chỉ trong "Nông trại nổi loạn" (2004) và "Gà con" (2005), người ta thấy có sự xuất hiện của đàn gia súc quen thuộc bò, gà, vịt, heo, ngựa. Chuột rồi cũng vinh quang trở lại trong bộ phim "Ratatouille" (2007), tiếp đến là chó với "Volt" (2008). Ở bộ phim này, chú chó trắng Volt, siêu sao xi-nê bị thất lạc, với sự giúp đỡ của mèo đen mõm trắng Mitaine và chuột lang Rhino, đã vượt qua nhiều thử thách trên con đường tìm về bên cô chủ Penny.

Còn bao giờ mới đến lượt những chú mèo dài đuôi trở về với ngôi báu đây?


Cổ Ngư

Choisy-le-Roi 11.2010




Tài liệu tham khảo


1/ Robert E. Abrams - Treasures of Disney animation art (Abbeville Press 1982)

2/ Claude Moliterni, Philippe Mellot, Michel Denni - Looney Tunes, Les aventures de la Bande Dessinée (Gallimard 1996)

3/ Jerry Beck & Will Friedwald - Warner Bros. Studio, secrets et tradition de l'animation (Dreamland Editeur 1997)

4/ John Grant - Encyclopedia of Walt Disney's animated characters (Hyperion 1998)

5/ Pierre Lambert – Mickey (Démons & Merveilles 1998)

6/ Patrick Gaumer & Claude Moliterni - Dictionnaire mondiale de la bande-dessinée (Larousse 2001)

7/ Dave Smith & Steven Clark - Walt Disney, 100 ans de magie (Michel Lafon 2001)

8/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Walt Disney

9/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Félix_le_Chat

10/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Billy_the_Cat

11/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Garfield_(bande_dessinée)

12/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Oggy_et_les_Cafards

13/ http://www.simonscat.com/index.html

14/ http://www.hellokitty.fr/hellokitty.php

15/ http://www.chroniquedisney.fr


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us