Một cái nhìn lướt về Thơ Việt Nam
MỘT CÁI NHÌN LƯỚT
VỀ THƠ
VIỆT NAM
HOÀNG HƯNG
(Lời giới thiệu
Tuyển
tập 12 nhà
thơ Việt Nam
sắp xuất bản tại Thụy
Điển)
Tôi muốn mời các bạn, trước
khi thưởng thức những bài thơ được
chọn trong nền thơ Việt Nam đương
đại, lướt nhìn về thơ Việt
Nam trong lịch trình ngàn năm của nó.
Ở thủ đô nước Việt Nam từ thế kỷ XI đã có một đền thờ gọi tên Văn Miếu, theo nghĩa đen là “ Nơi thờ Văn Thơ ”. Nơi đây thờ các nhà trí thức kiêm nhà thơ của Việt Nam. Kể cũng đáng cho ta tìm hiểu vì sao có sự trọng vọng này.
Trong thời phong kiến (trước thế kỷ
thứ 20) ở Việt Nam các văn bản
đều viết bằng chữ Nho (chữ Hán)
hoặc chữ Nôm (một biến thể của
chữ Nho để ghi âm tiếng Việt nhưng
còn khó viết hơn), vì thế các
nhà thơ phải là những trí thức
có kiến thức cao về văn hoá và
ngôn ngữ. Họ là những nhà nho
đó đồng thời cũng là quan
lại triều đình. Và Thơ được
giao nhiệm vụ trọng đại là “ ngôn
chí ”, “ tải đạo ” (đạo
đây là đạo Khổng, ý thức
hệ chính thống của chế độ).
Dưới thời kỳ thực dân Pháp
thống trị (1884-1945), các nhà thơ
cũng chủ yếu sinh ra từ lớp tinh hoa,
chỉ khác là giờ đây họ là
những người Tây học và viết
bằng chữ quốc ngữ theo mẫu chữ
latin. Việc phát tán các bài thơ
giờ đây tiến hành qua báo chí,
cũng vì thế thơ ca phổ biến mạnh
mẽ hơn ở thành thị, đó
chính là con lộ thênh thang cho việc
đòi quyền sống cá nhân của
lớp thanh niên tân thời. Trong khi ấy,
các nhà hoạt động cách mạng
lại có ý thức dùng thơ ca để
vận động quần chúng. Cung cách
này đã được nhà lãnh
đạo Cộng sản trước 1945 bút
danh Sóng Hồng nói rõ trong bài thơ
Là Thi Sĩ :
“ dùng ngòi bút làm
đòn xoay chế độ ”.
Trong thời gian hai cuộc chiến chống thực
dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1975), nhờ tỷ lệ dân chúng biết
chữ khá cao, thơ đã trở thành
một hoạt động mang tính quần
chúng và Việt Nam đã từng được
coi như “ Đất nước Thơ Ca ”.
Nhận rõ tác động xã hội
to lớn của Thơ, nhà lãnh đạo
Cộng sản đã khai thác các đặc
điểm của Thơ ‒ chủ yếu là
tốc độ phổ biến nhanh và khả
năng nói lên những chân lý cao
xa một cách đơn giản ‒ biến
Thơ thành “ vũ khí ” huy động
quần chúng tham gia kháng chiến. “ Nay
ở trong Thơ nên có thép, nhà
thơ cũng phải biết xung phong ”, cụ
Hồ Chí Minh đã viết như thế
trong tập Nhật
ký trong tù nổi tiếng
(1941-1942).
Kể từ khi có công cuộc “ đổi
mới ” cuối những năm 1980, thơ ca
bắt đầu tách dần khỏi chính
trị và các nhà thơ tập chú
hơn vào các giá trị thẩm mỹ
của thơ. Thực ra thì ngày càng
ít người đọc thơ do có sự
suy thoái chung của văn hoá đọc,
thế nhưng các nhà thơ thì vẫn
có mặt khắp nơi, và việc giao
lưu ý tưởng và tình cảm
qua thơ vẫn là niềm vui thích của
mọi người. Ta bắt gặp Thơ trên
báo chí, trên làn sóng phát
thanh, trên màn ảnh nhỏ truyền hình,
và qua hàng trăm cuốn sách thơ
in ra mỗi năm (nhà thơ có thể còn
nghèo song vẫn bỏ tiền túi ra in
thơ). Rất gần đây thôi, một
“ Ngày Thơ Việt Nam ” đã ra
đời, tổ chức vào ngày Nguyên
Tiêu, giúp cho mọi người có cơ
hội tôn vinh Thơ vào một Ngày
riêng hẳn cho Thơ.
Vậy là Thơ vẫn có tầm quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, và nhà nước tuy có cởi mở hơn với Thơ nhưng vẫn rất cảnh giác với các thứ Thơ “ phản động, đồi truỵ ” về nội dung và khó hiểu về hình thức.
*
Trong dòng lịch sử ngàn năm của
Thơ Việt Nam, Thơ hiện đại chỉ mới
là chàng trai có độ tuổi 80.
Thơ hiện đại Việt Nam có thể coi như
xuất hiện từ những năm 1930, khởi
đầu bằng một cuộc “ cách
mạng thơ ”có tên gọi là
“ Thơ mới ”. Những nỗ lực hiện
đại hoá thơ khởi xướng từ
các trí thức trẻ thành thị,
những người muốn tự do thoát khỏi
những ràng buộc của thơ ca truyền
thống, sự đúc khuôn về nội
dung cũng như hình thức, yêu cầu
thơ phải có nhiệm vụ giáo huấn,
phải là công cụ của ý thức
hệ.
Chịu ảnh hưởng của thơ lãng
mạn và tượng trưng Pháp thế
kỷ 19, sản phẩm của những thanh niên
thấm nhuần ngôn ngữ Pháp từ ghế
nhà trường phổ thông, “ Thơ
Mới ” diễn tả tình yêu dịu
ngọt, nỗi buồn và nỗi cô đơn
của con người riêng tư, đi theo xu
hướng thoát ly thực tại, trốn vào
thiên nhiên và lãng mạn hoá
quá khứ. Phần nhiều loại thơ này
theo hướng nghệ thuật vị nghệ
thuật. Luồng thơ mới này tự cắt
đứt khỏi các niêm luật Đường
Thi và sử dụng một số thể thơ
Pháp thế kỷ 19 bên cạnh những
thể truyền thống Việt Nam. Làn sóng
Thơ Mới là tham vọng đầu tiên
hiện đại hoá thơ Việt Nam –
nó đã thành công nhờ vào
sự tàn lụi rồi chết hẳn của
nền văn hoá Nho học và sự nảy
sinh của nền văn hoá tiểu tư sản
thành thị dưới thời Pháp thống
trị. Làn sóng mới này đi đến
chỗ bị khai tử – hoặc chí ít
là lui vào chỗ nấp kín đáo
– khi có cuộc Cách mạng năm
1945.
Tuy nhiên, trong những năm 1960, nhất là
trong những năm chiến tranh Việt-Mỹ, lại
nổi lên những nỗ lực hiện đại
hoá thơ ca ở Sài Gòn, lúc đó
thuộc chính quyền thân Mỹ.
Chất men văn hoá Mỹ và Pháp
trong những năm 1960, các phong trào chống
đối chính trị, những thể nghiệm
biểu đạt mới, đã có tác
động tới những nhà thơ trẻ
Sài Gòn những năm đó. Các
nhà thơ làn sóng mới Sài Gòn
chủ yếu nằm trong nhóm “ Sáng
Tạo ”. Nhóm này khai thác và
nói to lên thân phận cô đơn
của con người sống trong cuộc chiến
tranh không lối thoát, tìm cách có
tự do hơn trong những lối biểu đạt
mới mẻ, những câu thơ tự do, những
nhịp điệu bất thường, giống
như các “ thanh khí ” của họ
ở phương Tây đi theo tiết tấu
nhạc jazz.
Trong khi đó ở phần đất do Đảng
Cộng sản cầm quyền, hệ tư tưởng
chính thống yêu cầu Thơ phải là
công cụ cách mạng, cũng có nghĩa
là phải có tính quần chúng và
phải trung thành với những lệ luật
có tự lâu đời. Trong bối cảnh
đó, ta vẫn ghi nhận một số nỗ
lực “ bên lề ” của số ít
nhà thơ “ cứng đầu ” muốn
giữ quan niệm hiện đại về thơ
của mình. Ban đầu có thể kể
đến Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh
hồi mới bắt đầu kháng chiến
chống Pháp. Trần Mai Ninh qua đời quá
sớm, còn Nguyễn Đình Thi thì bị
phê phán nên cũng phải chữa lại
nhiều bài thơ cho bớt “ tiên
phong ”. Trong giai đọan 1954-1975, có thể
kể đến một số cách tân của
Chế Lan Viên và Thanh Thảo trong loại
hình thơ - văn xuôi, những cách tân
này được chính thống chấp
nhận do có nội dung chính trị tốt.
Song, sự cách tân triệt để cả
về tư tưởng và thi pháp chỉ
được thấy ở vài nhà thơ
vốn thuộc nhóm “ Nhân văn Giai
phẩm ”. Sau khi phong trào mang tên này,
phong trào đòi tự do sáng tác,
tự do ngôn luận lớn nhất của trí
thức văn nghệ sĩ bị nhanh chóng
khai tử, các nhà thơ chủ chốt
của phong trào như Trần Dần, Hoàng
Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình
Hưng bị tước quyền xuất bản
các sáng tác của họ. Lặng câm
trong thân phận ngoài lề, họ tập
trung tìm con đường đổi mới
Thơ. Tránh va chạm với các vấn
đề xã hội - chính trị bằng
cách chui vào tháp ngà ngôn từ,
họ đề cao cái phi lý và đời
sống tiềm thức, vô thức và những
thể nghiệm hình thức chủ nghĩa
theo đường lối của nhiều đồng
nghiệp phương Tây. Họ chủ trương
“ dòng chữ ”, nhấn mạnh hết
sức chức năng tạo nghĩa của “ con
chữ ”, “ con âm ” – ý niệm
khá giống với trường phái “ thơ
ngôn ngữ ” ở Mỹ. Những nỗ
lực của họ chỉ được một
nhúm bạn bè thân biết đến,
phải chờ 20 năm, thậm chí 30 năm
để có thể tạo ảnh hưởng
đến cộng đồng Thơ sau khi Nhà
nước áp dụng chính sách “ Đổi
mới ” về kinh tế và phần nào
về văn hoá.
Được kích động vì sự
dũng cảm của các nhà thơ “ tiên
phong ” lớp trước, lại được
trang bị tiếng Anh cơ bản cùng với
những chiếc máy tính cá nhân
và những mối liên hệ với các
bạn đồng nghiệp Việt Nam hải
ngoại, nhiều nhà thơ trẻ bắt đầu
tạo ra làn sóng hiện đại hoá
Thơ lần thứ ba ở Việt Nam, và
công cuộc này đang còn tiếp tục
hoàn thiện. Làn song này khá đa
dạng, đi từ những ảnh hưởng
của một số cây bút cách tân
thế hệ trước đến sự bắt
chước những dòng “ hậu hiện
đại ” Mỹ. Cho đến nay, có thể
nói ở Việt Nam không còn ai không
thừa nhận rằng Thơ phải được
cách tân, tuy cách tân thế nào
thì còn phải tranh cãi và những
sản phẩm cách tân ấy còn phải
chờ đợi được công chúng
rộng rãi tiếp nhận.
*
Danh sách các nhà thơ trong tập thơ Việt Nam dịch ra tiếng Thuỵ Điển và xuất bản tại Thụy Điển 2009 (xếp theo thứ tự năm sinh) :
1/ Bằng Việt, 1941
2/ Hoàng Hưng, 1942
3/ Hữu Thỉnh, 1942
4/ Ý Nhi, 1944
5/ Nguyễn Duy, 1948
6/ Mai Văn Phấn, 1955
7/ Nguyễn Quang Thiều, 1957
8/Nguyễn Lương Ngọc (1958- 1996)
9/ Ngô Tự Lập, 1962
10/ Nguyễn Bình Phương, 1965
11/ Phan Huyền Thư, 1972
12/ Vi Thùy Linh, 1980
Tuyển tập mà các bạn có trong
tay có vẻ muốn giới hạn trong khuôn
khổ Thơ Việt Nam từ sau 1975 đến
nay, và tập trung vào bộ phận thơ
thoát ly nhiệm vụ “ phục vụ chính
trị ”, đi sâu vào những nỗi
niềm riêng tư, những chủ đề
nhân bản, những triết lý nhân
sinh, cũng như giới thiệu những phong
cách, bút pháp có khuynh hướng
hiện đại, từ những sự khéo
léo kế thừa truyền thống cho đến
những cố gắng hòa nhịp với các
trào lưu “ hậu hiện đại ”
phương Tây.
Những tác giả cao tuổi nhất trong
tuyển tập : Bằng Việt, Hoàng Hưng,
Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy là những
nhà thơ thành danh trong thế hệ “ chống
Mỹ ”. Trừ Hoàng Hưng, mà khuynh
hướng trăn trở về thân phận
con người và hình thức thơ tự
do đã thể hiện ngay từ trong chiến
tranh qua những bài thơ chỉ được
công bố sau “ Đổi mới ”, bốn
nhà thơ kia, nổi tiếng như những
giọng ca yêu nước, cách mạng, hầu
như mới chuyển qua những suy tư và
tình cảm “ đời thường ”
sau khi chiến tranh kết thúc. Nguyễn Duy là
một trường hợp độc đáo :
vốn là giọng thơ truyền thống
ngọt ngào của tình quê hương,
ông lại gây chấn động với
những bài thơ bình luận xã hội
– chính trị đanh thép của thời
“ Đổi mới ”. Nhìn chung, có
thể nói lớp nhà thơ trên là
dấu nối truyền thống – hiện đại
của thơ Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà những
nhà thơ xuất hiện sau “ Đổi
mới ” với sự mới mẻ rõ rệt
so với các thế hệ đàn anh : Mai
Văn Phấn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang
Thiều, đều là những người có
vốn ngoại ngữ Anh/ Pháp vững vàng
và kinh nghiệm giao lưu văn hóa với
Âu Mỹ. Chính họ đã đưa
những yếu tố siêu thực, phi lý,
phi tuyến tính, hình thức thơ văn
xuôi của thơ hiện đại và hậu
hiện đại phương Tây vào những
bài thơ bộc lộ những mảng khuất
lấp của đời sống chưa quen được
khai thác trong truyền thống văn chương
Việt Nam. Khác với họ, Nguyễn Lương
Ngọc chinh phục người đọc ở
nỗi đau thầm kín, sự ám ảnh
và nỗi tuyệt vọng ẩn chứa trong
những bài thơ đầy dự cảm về
sự mong manh của kiếp người, của
cái đẹp, trong khi Nguyễn Bình Phương
có tài nói về những điều
mơ hồ, rối rắm trong lòng người,
bằng những đoạn thơ mơ hồ, rối
rắm.
Hai người cuối cùng, đều là nữ : Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, thuộc thế hệ mới nhất của Thơ Việt Nam, chỉ mới xuất hiện từ cuối thế kỷ trước. Họ không chú ý bứt phá thi pháp bằng khai thác đến cùng tâm trạng thực, khát khao thực của cá nhân mình. Họ dễ nhận được sự đồng cảm của thế hệ trẻ mà nhu cầu “ nổi loạn ” của “ cái tôi ” – chủ yếu trong lĩnh vực tình yêu, tình dục – đang đánh dấu sự chuyển mình lớn lao của xã hội Việt Nam.
*
Trước khi ngừng lời để mời
bạn đọc đi vào thưởng thức
các bài thơ, tôi muốn lưu ý
rằng : tuyển tập này không có
tham vọng đưa ra một gương mặt
đại diện cho thơ Việt Nam đương
đại, cũng như không đảm bảo
giới thiệu được những bài
thơ thành công nhất của mỗi tác
giả. Một trong các lý do chính của
sự khiêm tốn bắt buộc kia là ở
khả năng chuyển ngữ Thơ Việt Nam
sang các ngôn ngữ phương Tây. Thơ
có một nửa, nếu không hơn, là
âm nhạc của ngôn ngữ. Tiếng Việt
lại là trong những thứ tiếng giàu
nhạc tính nhất, nhiều người nước
ngoài nhận xét người Việt nói
như hát. Chỉ riêng hệ thanh điệu
6 cao độ khác nhau của tiếng Việt
đủ khiến cho bất kỳ bài thơ
nào cũng dễ dàng được hát
lên. Kỹ thuật “ chơi chữ ” của
thơ Việt cũng dựa phần lớn vào
yếu tố “ chơi ngữ âm ”. Vì
thế, ngay cả tuyệt tác bất hủ
của Thơ Việt Nam : Truyện Kiều
của Nguyễn
Du (thế kỉ XIX), cũng trở thành câu chuyện
văn xuôi nhàm chán khi chuyển qua
tiếng Anh, tiếng Pháp. Các bạn có
thể hình dung những hạn chế tất
yếu của tuyển tập này khi nó
được chuyển dịch hai lần, qua tiếng
Anh hoặc tiếng Pháp, rồi lại từ
đó qua tiếng Thụy Điển.
Song, dù sao tôi cũng cầu mong các bạn
tạm vui lòng, như một ngạn ngữ
Việt Nam đã nói : “ Có
hoa mừng
hoa, có nụ mừng nụ ”, thưởng
thức một phác hoạ đầu tiên
của thơ Việt Nam đương đại qua tuyển
tập này – thành quả hợp tác
đáng trân trọng của các dịch
giả Việt Nam và Thụy Điển. Và
hy vọng các bạn nhận ra trong những
tâm sự giãi bày trong đó, những
gì rất riêng của người Việt
mà cũng chứa đựng những nỗi
niềm chung của con người ở bất cứ
đâu trên trái đất, trong đó
có chính các bạn.
1 tháng 12 năm 2009
Hoàng Hưng
Các thao tác trên Tài liệu