Một cuốn sách cần phải xem lại
Đọc “ MỘT SỐ TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
VÀ CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG ”
MỘT QUYỂN SÁCH CẦN PHẢI XÉT LẠI
Phạm Hoàng Quân
Lời dẫn
Bài viết này được điều chỉnh, bổ sung từ một bài góp ý đã gởi đến nhà xuất bản và cơ quan chủ trì biên soạn hôm 30 tháng Sáu năm 2014. Tác giả đã không nhận được một phản hồi chính thức nào sau ba tuần vừa qua. Quyển sách nêu trên tiêu đề hiện đã lưu hành ở vài hiệu sách tại Việt Nam, vì vậy, độc giả có thể xem bài viết này như là một bài điểm sách thông thường, tác giả mong nhận được những ý kiến trao đổi trên tinh thần nghiên cứu học thuật.
Gần đây Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội vừa xuất bản công trình của Viện nghiên cứu Hán Nôm, với chủ đề nêu khá rõ tại tên sách: Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (sau đây viết tắt là Tư liệu Hán Nôm về biển Đông), theo thông tin từ các bài báo đề cập hôm giới thiệu sách này (3/6/2014), hiện nó đang được chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Trung để phổ biến rộng đến cho giới nghiên cứu quốc tế.
Về tính chất, đây là loại sách tập hợp tư liệu gốc theo chuyên đề, nhằm phục vụ cho công việc nghiên cứu. Về nội dung, đây là tư liệu Hán Nôm của Việt Nam được ghi chép trong lịch sử, liên quan đến vấn đề miêu tả cương giới biển cùng những quần đảo, hải đảo trong vùng biển Đông. “Lời mở đầu” của PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh -- thay mặt cho Ban biên tập (BBT) -- thấy có đoạn: “Đây là những tư liệu lịch sử, có giá trị khoa học, làm căn cứ pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông”(tr.11), và với kết luận: “Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông là của Việt Nam, đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học, và về pháp lý.” (tr.35), hai đoạn văn trên đây cho thấy tiêu chí sưu tập nhằm vào vấn đề xác quyết chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với biển Đông trong nội hàm các tư liệu được tuyển chọn.
Nếu như BBT tập sách chỉ dừng lại ở chừng mực cung cấp tư liệu cho giới nghiên cứu, cho việc nghiên cứu nhiều lĩnh vực – như tựa sách đã nêu- thì có lẽ không phải đặt vấn đề xét lại. Tuy nhiên, các nhận định và kết luận của TS Trịnh Khắc Mạnh về bộ sưu tập sử liệu này đã đặt vấn đề vào chỗ khó giải quyết cho các nghiên cứu về sau.
Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể một số điểm sai lầm, bất cẩn trong việc tuyển chọn tư liệu, để tiện theo dõi, tôi chia các việc cần xét làm 3 phần: thứ nhất là phần bản đồ, thứ hai là về các văn bản viết, thứ ba là bàn về tính khoa học của bộ sách.
A/ Bản đồ
Trong các bản đồ đưa vào sưu tập Tư liệu Hán Nôm về biển Đông, các bản đồ sau đây cần được nghiên cứu, phân tích thêm, và trước mắt là nên rút ra khỏi sách, gồm:
A.1. Bản đồ trong sách An Nam hình thắng đồ (số thứ tự 2, tr. 45 - hình bên). Trong bản đồ này, 3 chữ Bãi Cát Vàng nằm cạnh ngoài chân núi Sa Huỳnh (Sa Huỳnh Sơn), bản đồ không có đường phân cách đất liền với biển, biểu thị Bãi Cát Vàng nằm trên đất liền.
A.2. Bản đồ trong sách An Nam thông quốc bản đồ (số thứ tự 3, tr. 50-51). Giống trường hợp A.1.
A.3. Bản đồ trong sách Càn khôn nhất lãm (số thứ tự 6, tr. 70). Bản đồ ghi dòng chữ “Đại Trường Sa dĩ hạ” trên một bãi cát ven bờ biển, ở phía trong cửa biển An Hòa (An Hòa hải môn), trên bãi cát này có con đường được biểu thị bằng nét vẽ màu cam, con đường này nối liền bãi cát với chân núi Bàn Than (Bàn Than Sơn), cách vẽ như vậy cũng biểu thị Bãi Cát Vàng nằm trên đất liền gần như trường hợp A.1.
A.4. Bản đồ trong phần Đại Nam địa dư toàn đồ (số thứ tự 6, tr. 73 - hình bên). Bản đồ này tuy có vẽ một hòn đảo ngoài khơi và tiêu danh “Hoàng Sa”, nhưng xét trên tổng thể, thấy phía bắc đảo Hoàng Sa còn có hòn đảo lớn hơn được tiêu danh “Lý Nhân/ 里仁” và phía bắc đảo Lý Nhân là đảo Hải Nam, như vậy phải lý giải tổng thể này (Hải Nam- Lý Nhân- Hoàng Sa) như thế nào?, đảo Lý Nhân là đảo mang tên gì theo cách gọi ngày nay? Nhiều học giả Trung Quốc từ hơn 30 năm trước từng phân tích rằng, sử liệu Việt Nam gọi Hoàng Sa là để chỉ một đảo ứng với đảo Cây Dừa (Da Tử Đường) thuộc quần đảo Lý Sơn (Ngoại La Sơn). Như vậy, tên gọi Lý Nhân trên bản đồ có phải là do viết sai hay/hoặc là một tên gọi khác của Lý Sơn hay không?, và bản đồ này có nhiều khả năng được phía Trung Quốc vận dụng để củng cố luận điểm mà họ nêu ra từ 30 năm trước đây.
A.5. Bản đồ trong sách Giao Châu dư địa chí (số thứ tự 15, tr. 204-205). Giống trường hợp A.1.
A.6. Bản đồ trong sách Giao Châu dư địa đồ (số thứ tự 16, tr. 220-221). Giống trường hợp A.1.
A.7. Bản đồ trong sách Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (số thứ tự 17, tr. 227-228). Giống trường hợp A.1.
A.8. Bản đồ trong sách Quảng Thuận đạo sử tập (số thứ tự 32, tr.356-357). Giống trường hợp A.1.
A.9. Bản đồ trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (số thứ tự 37, tr.393-397). Giống trường hợp A.1.
A.10. Bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ (số thứ tự 37, tr.401). Giống trường hợp A.4.
Tiểu kết về phần A, liên quan đến các bản đồ
Xét qua 25 đơn vị bản đồ (gồm tập bản đồ và bản đồ phụ lục), thấy có đến 10 bản đồ cần phải nghiên cứu lại. Trong 10 bản đồ mà tôi nêu ra có những điểm bất lợi khi công bố chúng dưới góc độ xem nó như là những chứng cứ xác lập chủ quyền, tôi cho rằng cần có hướng lý giải thỏa đáng cho những bản đồ này trong trường hợp gặp sự phân tích phản biện. Một số trong 15 đơn vị bản đồ còn lại cũng không hẳn hoàn toàn có thể dựa vào, ở góc độ tập hợp tư liệu tuy tạm chấp nhận được, nhưng cần phải cân nhắc thật cẩn thận khi phân tích hoặc dẫn dụng chúng theo hướng hệ thống hóa, hoặc sử dụng chúng để thuyết minh cho hồ sơ chứng lý, bởi khi so sánh nhiều bản đồ trong số này, sẽ thấy chúng không có sự đồng nhất về các tên gọi hoặc vị trí địa lý, điểm đặc biệt cần lưu ý là địa danh Bãi Cát Vàng, ở bản đồ này nó nằm ven bờ hoặc trên đất liền, ở bản đồ khác nó lại ở ngoài khơi, ở địa đồ khác nó lại là một cửa biển chẳng hạn.
B/ Văn bản viết
Các sử liệu viết trong Tư liệu Hán Nôm về biển Đông phần lớn là những tư liệu đã được dịch ra Việt văn và đã ứng dụng từ 40 năm hoặc 20 năm trước như các tư liệu trong Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt sử ký tục biên, Bản quốc hải trình hợp thái (Hải trình chí lược), Việt sử cương giám khảo lược, tôi gọi số này là tư liệu cũ, trong số tư liệu cũ với những bản dịch cũ này tuy có một số lỗi dịch thuật còn chưa được điều chỉnh nhưng nhìn chung là không nghiêm trọng vì không làm sai ý chính của nguyên tác. Đối với số tư liệu cũ này, thấy BBT “Tư liệu Hán Nôm về biển Đông” chỉ thu thập những bản dịch Việt văn có sẵn và gắn thêm các trang ảnh chụp bản gốc tương ứng, đây là vấn đề khác và tôi sẽ trở lại vấn đề này trong dịp khác.
Một số tư liệu mới trong Tư liệu Hán Nôm về biển Đông, tức là phần việc có sự gia công điều chỉnh từ bản dịch cũ hoặc bản dịch đối với tư liệu mới của BBT, có khá nhiều sai lầm, thiếu sót, dưới đây là một số điểm:
B.1, Văn bản trong sách Địa dư lược chí (số thứ tự 12, tr.184-187). Văn bản này có hai lỗi lớn là vừa dịch không chính xác, vừa cắt ráp tư liệu một cách tùy tiện. Việc dịch không chính xác làm đảo ngược phương hướng bắc nam của đối tượng địa lý. Việc cắt ráp tư liệu từ hai đề mục “Vạn Lý Trường Sa” và “Thất Châu Dương” để nhập lại làm một nhằm hướng sử liệu thuận theo ý riêng là việc làm phản khoa học, thừa thãi và tai hại.
B.2, Văn bản trong sách Sử học bị khảo (số thứ tự 34, tr.366-369). Qua việc thu thập tư liệu trong sách Sử học bị khảo thấy BBT Tư liệu Hán Nôm về biển Đông làm việc rất lười biếng, sách này vốn có hai đoạn liên quan đến đảo Hoàng Sa, nhưng BBT chỉ thu thập một đoạn, trong khi hai đoạn này có liên quan khá mật thiết, cần phải sưu tập đầy đủ cùng lúc. Một sự trùng hợp là mẩu tư liệu có chữ Hoàng Sa trong trong cũng là đoạn văn bản có ghi nhận trong bảng Hướng dẫn tra cứu trong bản dịch Tư liệu Hán Nôm về biển ĐôngSử học bị khảo của cụ Đỗ Mộng Khương (Nxb Văn Học, 1997), và đoạn văn mà BBT Tư liệu Hán Nôm về biển Đông bỏ sót cũng là đoạn văn mà bản dịch năm 1997 tuy có dịch nhưng đã bỏ sót từ “Hoàng Sa” trong bảng Hướng dẫn tra cứu, tức là BBT này chỉ dựa trên “bảng tra” chớ không chịu đọc sách cho kỹ.
B.3, Văn bản trong sách Việt Sử cương giám khảo lược (số thứ tự 45, tr.472). Việc ứng dụng văn bản này cũng có nhiều vấn đề phải xét lại, ở đây chỉ nói việc dịch sai ở chỗ đoạn văn quan trọng. Văn bản gốc viết: “Ngoại La (Quảng Ngãi tỉnh Lý Sơn đảo) khai chu Vạn Lý Trường Sa giáp canh mão dậu bát canh đối Vạn Lý Thạch Đường cấn khôn dần thân bát cửu canh”. BBT Tư liệu Hán Nôm về biển Đông do không hiểu quy ước về phương hướng la bàn và cách tính thời gian trong văn từ hàng hải xưa nên dịch sai là: “Ngoại La (đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) đi thuyền ra Vạn Lý Trường Sa khoảng 8 cung giờ gồm Giáp Canh Mão Dậu, đến Vạn Lý Thạch Đường khoảng 8,9 cung giờ gồm Cấn Khôn Dần Thân”, từ chuyên môn không có chữ “cung giờ”, và dịch ra Việt văn như vậy cũng không ai hiểu được văn bản này xác định cái gì. Trước đây, bản dịch cũ của cụ Đỗ Mộng Khương cho đoạn văn này như sau: “ở Ngoại La (đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) cho thuyền đi muốn đến Vạn Lý Trường Sa theo kim giáp canh mão dậu 8 canh đến nơi. Muốn đến Vạn Lý Thạch Đường, theo kim cấn khôn dần thân 8,9 canh thì đến nơi.” (Nxb Văn hóa thông tin, 2009), bản dịch này tuy không sai nhưng cũng khó hiểu. Ý của đoạn văn này là hải hành theo hướng từ tây sang đông, đi từ 8 đến 9 canh giờ (mỗi canh giờ đi được khoảng 25-30 km) thì đến các địa điểm đang nêu. Nếu muốn cho dễ hiểu và chuyển được sang tiếng Anh, thì có lẽ nên dịch rõ như sau: “Từ đảo Ngoại La (đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) đến Vạn Lý Trường Sa đi theo hướng đông, đông bắc (ứng với 90-75 độ/ hệ la bàn nguyên vòng), khoảng 480 dặm (240 km) thì đến nơi. Muốn đến Vạn Lý Thạch Đường, theo hướng đông bắc (60-45 độ) khoảng 480- 540 dặm (240-270 km) thì đến nơi.”
Tiểu kết về phần B, liên quan đến các văn bản viết
Ở phần này, trước mắt tôi chưa thể nêu tất cả những khiếm khuyết của bộ sưu tập, trên đây chỉ điểm những chỗ sai đại diện cho 3 tình trạng sai lầm: 1/ không trung thực; 2/ thiếu sót; 3/ trình độ dịch thuật kém (tương ứng với B1, B2, B3). Những sai lầm này có thể cho là nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt chớ không riêng ở góc độ học thuật thông thường. Qua các lỗi sai nêu trên, thấy rằng BBT sách “Tư liệu Hán Nôm về biển Đông” yếu kém ngay cả ở mặt chuyên môn hẹp của họ là dịch thuật văn bản.
Ngoài tiêu chuẩn dịch thật, vấn đề quan trọng hơn là cách tuyển chọn tư liệu, việc tuyển chọn tư liệu cần phải cân nhắc cẩn thận vì đây sẽ là cơ sở nền tảng của nghiên cứu lập luận. BBT tập sách đã biểu lộ sự hạn chế về khả năng nắm bắt vấn đề một cách bao quát trong cách tuyển chọn tư liệu, vì không nắm vấn đề bao quát được nên họ không thể phân tích được bao nhiêu phần lợi và bao nhiêu phần hại trong cùng một mẩu sử liệu, lại càng không lường trước được các khả năng/tình huống chỏi nhau khi phối hợp nhiều mẩu sử liệu thành hệ thống.
C/ Bàn về tính khoa học
C.1/ Ngoài những chỗ dịch sai làm mất giá trị khoa học của tập sách đã nêu ở phần B, tôi nói thêm về văn phong của bản dịch và những chú giải tối cần thiết. Các đoạn văn dịch trong sách Tư liệu Hán Nôm về biển Đông nhìn chung quá lạc hậu, không theo nhịp tiếng Việt hiện đại, vì vậy nó không giúp ích được gì nhiều cho tình hình học thuật hiện nay với đa số người đọc, người nghiên cứu không thạo Hán Nôm, và những đoạn văn lù mù này sẽ được thể hiện bằng Anh ngữ ra sao? Về chú giải, toàn bộ tập sách không chú giải được những điều quan trọng, đơn cử như việc giải thích / chuyển đổi các đơn vị đo lường trong văn bản cổ sang đơn vị đo lường hiện nay.
C.2/ Trong sách có tuyển chọn nhiều tác phẩm không rõ xuất xứ, hầu hết các tác phẩm này lại thiếu bước nghiên cứu nội dung để phỏng định khoảng niên đại, mà đáng lý phải có. Điểm này thuộc phần việc văn bản học, việc xác định tạm niên đại cho tác phẩm là việc BBT có quyền làm và phải làm, đưa ra một nội dung mang tính chứng cứ mà không biết nó xuất hiện hồi nào thì e vô ích. Tôi nói việc xác định niên đại tạm cho tác phẩm là việc BBT có quyền làm và phải làm là vì các vị và cơ quan nơi các vị công tác độc quyền quản lý và khai thác các tác phẩm này, bởi vậy không ai có toàn văn văn bản tác phẩm để giúp các vị xác định niên đại tạm được.
C.3/ Sưu tập tư liệu / sử liệu này đúng ra nên phân theo nhóm tư liệu, thí dụ như nhóm tư liệu bản đồ, nhóm tư liệu lịch sử, nhóm tư liệu văn học v.v. và cuối sách là các phụ lục tác phẩm xếp theo lịch đại, phụ lục tên tác phẩm xếp theo ký tự. Như vậy mới đúng tính chất sưu tập chuyên đề, đằng này, sách “Tư liệu Hán Nôm về biển Đông” lại dựa vào tên tác phẩm để xếp theo ký tự La tinh (như kiểu từ điển), khiến những tư liệu đồng dạng bị tản mát khó theo dõi.
C.4/ Cách xếp văn bản theo kiểu đối chiếu một trang nguyên văn cạnh một bản dịch khiến nội dung bị ngắt quãng, BBT có lẽ nghĩ rằng bày ra như vậy sẽ tiện cho người đọc dễ đối chiếu, nhưng đối với người đọc không rành Hán Nôm (đa số) thì bày ra cách nào cũng vô ích, thay vì bố trí văn bản gốc liên tục và nội dung dịch liên tục sẽ tiện theo dõi hơn. Việc trình bày màu mè diêm dúa và nhiều lỗi chính tả tiếng Việt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính khoa học và lẽ ra không nên mắc phải.
Có ba vấn đề cần lưu ý đối với công trình nêu trên.
1/ Trước mắt, điểm sơ qua về tổng quan, tôi thấy rằng sách Tư liệu Hán Nôm về biển Đông đã đi ngược lại tình hình nghiên cứu và hoàn cảnh thực tiễn hiện nay. Giữa lúc giới nghiên cứu và cả các cơ quan chuyên trách của chính phủ đang cần có những công trình thật sự mang tính khoa học, trong nghiên cứu, trong lập luận phân tích và cả trong việc trưng bày tư liệu. Trong phạm vi tư liệu, hoặc phải kết tập toàn diện hoặc phải tuyển lựa tinh gọn đặc sắc, thì công trình này lại là một sưu tập hỗn tạp, hễ thấy mẩu tư liệu nào có dính đến các tên gọi Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa Chử, Hoàng Sa, Trường Sa… là đưa vào sưu tập mà không có bước phân tích cặn kẽ về sự tương thích địa lý.
2/ Ngoài việc lặp lại các tư liệu cũ đã ứng dụng mấy mươi năm qua- mà không chỉnh lý chú giải -- là công việc vô bổ, sách Tư liệu Hán Nôm về biển Đông còn đưa ra khá nhiều tư liệu bất lợi cho hệ thống sử liệu mang tính chứng lý của Việt Nam. Trong số này, có nhiều tư liệu đã được giới nghiên cứu Trung Quốc đọc ngay văn bản gốc Hán Nôm và phân tích những điều bất hợp lý của nó. Các tư liệu mới mà chúng tôi đề cập đa số là những bản đồ, các bản đồ này có thể là tư liệu dành để nghiên cứu tổng quan về địa danh, địa lý lịch sử, về kỹ thuật soạn vẽ, nhưng phải thấy rằng hầu hết các bản đồ không có tính khoa học, và sẽ rất khó khăn trong việc biện minh về những thiếu sót hoặc phản tác dụng của nó nếu như chúng ta cho rằng nó mang giá trị xác định chủ quyền.
3/ Xét về năng lực và trách nhiệm của nhóm tác giả, tôi cho rằng công trình này huy động lực lượng 50 người -- với 3 người đại diện đứng tên BBT là Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Tá Nhí và Trương Đức Quả -- qua hơn 3 năm thực hiện mà mức độ sai phạm nhiều đến vậy thì rõ ràng năng lực của họ không thể đảm đương nổi công việc tối quan trọng này. Thực hiện sưu tập khối tư liệu này, theo tôi đánh giá chỉ cần 3 người làm trong 1 năm. Về trách nhiệm, ai cũng thấy rằng đây không phải là một công trình phục vụ nghiên cứu học thuật thông thường, mà nó mang một tầm quan trọng đặc biệt, mặc dù không hẳn mọi sử liệu đều mang tính chứng cứ pháp lý, nhưng chúng phải được xử lý với tình huống có thể là chứng lý liên quan đến lợi ích quốc gia, trách nhiệm của những người thực hiện vì vậy không nhỏ.
Thay cho lời kết, nếu xem tình hình nêu trên như một hiện tượng, những sai sót khó bề chỉnh đốn đã xảy ra tại một cơ quan “tối cao” về chức năng nghiệp vụ, liệu có nên đặt vấn đề rằng phải làm như thế nào để cải tạo tình trạng quan liêu và lạc hậu trong học thuật quan phương -- riêng trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm -- ở Việt Nam hiện nay.
Cái Bè, ngày 19 tháng Bảy năm 2014.