Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Một nỗ lực nhắm thay đổi chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc

Một nỗ lực nhắm thay đổi chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc

- Hồ Bạch Thảo — published 28/04/2011 00:17, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Một công lao phi thường của Ngô Thì Sĩ


Thực lục về một nỗ lực
nhắm thay đổi
chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc


Hồ Bạch Thảo


Trên lý thuyết ai cũng hiểu rằng nếu thay đổi được chính sách của đối phương, nhắm có lợi cho ta, giá rẻ hơn việc phòng thủ thụ động nhiều lần. Xét về phương diện lịch sử, nước ta thường ở hoàn cảnh đối địch với Trung Quốc ; nhưng thế lực giữa ta và họ, sự mạnh yếu, lớn nhỏ đã rõ ràng. Ý nghĩ về việc thay đổi tư duy kẻ cầm quyền nước lớn, để có lợi cho mình, thật khó khăn, hầu như không tưởng. Tuy nhiên họa hoằn trong lịch sử, cũng có trường hợp quan lại nước ta đã khéo léo làm thay đổi được tư duy đối phương, để làm lợi cho đất nước ; bộ óc xuất chúng đó cần được được nêu lên để suy tôn và học hỏi.


Sự việc khởi đầu xảy ra vào thời Cảnh Hưng [1767], Lê mạt. Lúc bấy giờ Ngô Thời Sĩ làm Ðốc đồng tỉnh Thái Nguyên, vị quan này tìm hiểu kỹ tình hình địa phương, đã tâu lên triều đình về tệ trạng người Thanh sang khai mỏ tại nước ta, có 3 điều không nên cho :


« Trước đây, các xưởng mỏ ở thượng du và vỏ quế ở núi rừng đều giao cho người Nùng ở Hóa Vi nước ta khai khẩn và bóc lấy. Từ khi trường xưởng mở ra nhiều, viên quan giám đương phần nhiều tập hợp người nhà Thanh khai lấy. Do đấy, người làm thuê trong mỗi xưởng kể đến hàng vạn, phu mỏ, nhà lò tụ tập thành từng đàn, trong số ấy phần nhiều là người Triều Châu và Thiều Châu (1), tính tình hung hãn, hay đánh nhau ; mỗi khi tranh nhau cửa lò, liền nổi quân để đánh lẫn nhau, người nào chết thì vứt xuống hố. Triều đình coi họ là hạng người ngoài giáo hóa, nên chỉ cốt thu đủ thuế mà thôi, ngoài ra không hỏi gì đến cả.


« Lúc ấy, [Thì] Sĩ giữ chức đốc đồng ở Thái Nguyên, bèn viện dẫn lời trình bày của Bùi Sĩ Tiêm (2), và nói : Thổ sản ở núi rừng, để giúp cho việc cần dùng trong nước, thế mà nộp vào thuế khóa nhà nước, mười phần không được một phần. Vả lại, những nơi hiểm yếu ở hang động, núi khe trong nước, hết thảy bị người nước ngoài thông tỏ và nương náu. Đấy là một điều không nên. Địa mạch nước ta, Thái Nguyên ở về mạn thượng du, bọn kia cứ thấy chỗ nào có khí sắc loài kim là họ khai quật, chở đất ra ngoài cửa lò, chứa thành trăm ngàn đống ở nơi đất bằng, trong lò có thể chứa được hàng trăm người, như thế thì thương tổn địa mạch biết là chừng nào ! Đấy là hai đều không nên. Người nhà Thanh lấy được bạc, liền đem về nước họ, thì của ấy không phải là của nước ta nữa. Đấy là ba điều không nên ” ».(3)




Tìm hiểu thể lệ nhà Thanh, thì người xuất cảnh phải có “thân chiếu”, riêng dân làm mỏ thuộc loại nhập cảnh bất hợp pháp ; Ngô Thì Sĩ lấy cớ đó xin triều đình tìm cách đuổi họ về và được chấp thuận :


« Tôi thấy nhà Thanh có định thể lệ : “ Nhân dân ở nội địa Trung Quốc, nếu người nào không có giấy 'thân chiếu' do quan cấp, không được đi ra nước ngoài ”. Vậy xin đưa công văn sang cho quan chức hai tỉnh Quảng, tra xét xem người nào không có giấy cấp 'thân chiếu' thì nhất luật bắt phải về nước. Còn những hộ chịu thuế ở trường xưởng thì vẫn lấy người Nùng Hóa Vi nước ta sung vào. Nếu người nhà Thanh người nào không có giấy cấp 'thân chiếu' mà tình nguyện ở lại, thì cho phép để tóc và thay đổi y phục, biên tên vào sổ hộ nước ta, để cắt đứt mối tranh giành ». Trịnh Doanh theo lời.


«  Sau tiếp được công văn của hai tỉnh Quảng [Quảng Ðông, Quảng Tây] trả lời, cũng không nhận là có cấp giấy cho người nào cả. Vì thế, triều đình hạ lệnh cho [Thì] Sĩ và Đình Huấn đem binh lính 17 cơ đội đến ngay xưởng Tống Tinh (4), tùy tiện yên ủi hoặc tiễu nã. »(5)




Ðến đây, bộ sử Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục của nhà Nguyễn không thu thập thêm được tài liệu, nên chép rằng vì chúa Trịnh Doanh mất, việc này bị bãi bỏ. Sự thực hoàn toàn không đúng như vậy, qua nhiều văn bản trong Thanh Thực Lục xác nhận việc phu mỏ người Thanh tại xưởng Tống Tinh [tỉnh Thái Nguyên] vũ trang, chia phe đánh lẫn nhau ; bị quan binh An Nam đánh dẹp, bắt đầu sỏ giải cho Trung Quốc, số còn lại đuổi về nước :


Ngày 28 Giáp Thìn tháng 6 năm Càn Long thứ 40 [25/7/1775]


Dụ Quân cơ đại thần :


Hùng Học Bằng [Tuần phủ Quảng Tây] tâu ‘Cứ theo lời bẩm của phủ Thái Bình, tại xưởng Tống Tinh An Nam, có bọn dân nội địa tên Trương Ðức Dụ, Lý Kiều Quang sinh hiềm khích dùng vũ khí đánh nhau ; nghe rằng có quan Di mang binh đến can thiệp. Lại được quan Tổng đốc thông tri việc này, nên khẩn cấp điều tra liệu biện.’


Án này trước đây Lý Thị Nghiêu [Tổng đốc Lưỡng Quảng] tâu, đã truyền dụ cho viên Tổng đốc liệu biện ổn thỏa phương cách phòng cấm. Dân nội địa, tự tiện vượt biên đến đất Di, kéo bè kéo bạn, mỗi ngày một đông ; lúc đầu kiếm chút lợi nhỏ, lâu rồi đánh nhau gây sự, không có điều gì không làm, là mối lo lớn tại biên cảnh. Trước đây cho tự do qua lại không hạn chế, do bởi các quan từng trấn nhậm tại địa phương biên giới liệu biện không tốt, nên xảy ra như vậy...


...Nhưng dân gian manh ham lợi, chắc vẫn còn không hết lén vượt ra khỏi nước, cần phải đặt chương trình rõ, giao trách nhiệm cho quan địa phương, nghiêm khắc kê tra. Từ nay trở về sau nếu có sự lén vượt ra khỏi ải ; hãy tra cứu xem từ quan ải nào, viên quan văn võ nào phụ trách, chiếu theo lệ quy tội. Các viên Tri đạo, tướng lãnh đôn đốc quan sát bất lực đều bị nghiêm trị, từ 1 đến 5 tên trốn vượt phạt tước bổng 1 năm, trên 6 tên giáng 1 cấp lưu nhiệm, 10 tên trở lên giáng 1 cấp điều dùng, khiến các viên tự lo tra xét, không dám buông lỏng.” (Cao Tông Thực Lục quyển 985, trang 17-20)




Qua lời phê nêu trên của vua Càn Long, liên quan lời tâu của Tuần phủ Quảng Tây Hùng Học Bằng về việc phu mỏ người Hoa nỗi loạn tại xưởng Tống Tinh ; chứng tỏ chính sách biên giới của nhà Thanh đã thay đổi hoàn toàn.


Trước đó vào năm Càn Long thứ 9 [1744], viên Tuần phủ Quảng Tây Thác Dung tâu rằng ngoài hai cửa ải Thủy Khẩu (6) và Bình Nhi (7), xin mở thêm cửa ải Do Thôn (8) để dân chúng vùng phụ cận Ninh Minh được tiện việc lưu thông buôn bán ; lời tâu này được vua Càn Long khen là biết lo cho dân :


Lại cứ theo lời bẩm, dọc theo biên giới một dãy Thập Vạn Sơn kéo dài hơn một ngàn lý, người có thể vin leo mà qua, thực khó cấm chỉ. Thần trước sau lưu tâm hỏi han được biết ải Do Thôn cách châu Ninh Minh 110 lý [.57 km x 110 = 62.7 km], dân buôn tại Ninh Minh muốn qua ải này để buôn bán. Nhân vì ải Do Thôn thông với các xứ Lộc Bình, Văn Uyên, Kỳ Lừa thuộc Giao Chỉ, các nơi này là chỗ hàng hóa tụ tập đông ; nếu ra vào tại các cửa quan Bình Nhi, Thủy Khẩu phải qua đường vòng mấy trăm lý, hành trình hơn 10 ngày, không bằng đi đường tắt qua Do Thôn cho tiện. Tuy Do Thôn trước đây nghiêm cấm, dân vẫn trèo vượt không thể chấm dứt được. Vả lại Minh Giang có 53 trại Thổ dân, nguyên do Thổ phủ Tư Minh quản hạt ; dân ngang ngạnh lờn pháp luật, Thổ phủ Hoàng Quan Châu không quản thúc được, bèn chia đất cho các quan lưu động đến cai quản ; vào năm Ung Chính thứ 10, nhập vào châu Ninh Minh quản hạt. Bọn Thổ dân này đều dựa vào gánh hàng hóa sinh sống, nếu ngăn cấm ải Do Thôn, sợ chúng thất nghiệp tụ tập thành thổ phỉ, tìm mọi cách ôm hàng hóa trốn vượt, việc biên phòng trở nên vô ích. Lại hỏi ra vùng ven biển Giao Chỉ, sản xuất muối rất nhiều, không cấm tư nhân làm muối, cho dân phơi ruộng lấy muối rồi bán. Bọn buôn muối nạp 20 đồng tiền, có được một gánh nặng ; khi gánh được đến nội địa 1 cân có thể bán được từ 1,2 đến 5,6 phân bạc. Dân tại biên giới tham lợi đi buôn, nếu gặp quân lính, thì dựa vào đám đông mà cự lại. Hiện tại thông sức các ty, đạo tìm cách cấm đoán ; một mặt cho dân buôn sự tiện lợi, để không sinh ra chuyện.”


Nhận được chiếu chỉ :


Lưu tâm như vậy, cứ thực tâu bày, thực đáng khen. Vẫn cần thực tâm liệu biện ổn thoả, nhắm gần với dân tình và bỏ được mối tệ, chiết trung hành động là được.” (Cao Tông Thực Lục quyển 219, trang 22-24)




Hai sử liệu nêu trên cùng vào thời Càn Long, văn bản vào năm 1744 khuyến khích lưu thông ra vào nơi biên giới, văn bản năm 1775 hoàn toàn bế quan tỏa cảng ; tại sao có sự thay đổi đó ?


Sử liệu trích dẫn dưới đây trả lời rằng vì muốn bảo toàn an ninh cho nhà Mãn Thanh, cần dẹp tan mọi mầm mống nổi dậy của người Hán, nên vua Càn Long cảnh giác rằng bọn người Hán có võ trang tại xưởng mỏ Tống Tinh [Thái Nguyên] cũng nguy hiểm như bọn Duẫn Sĩ Tân, Lý Vạn Toàn từng giúp Miến Ðiện quấy phá vùng biên giới Vân Nam vậy :


Trường hợp cũng tương tự như vùng Ðằng Việt thuộc tỉnh Vân Nam giáp giới với bọn nghịch Miến Ðiện, từ trước hai bên đi lại buôn bán, nên có những bọn gian dân như Duẫn Sĩ Tân [尹士宾 ], Lý Vạn Toàn [李萬全] lưu lại xứ này để cho bọn nghịch Miến dùng, lại ngầm thông tin tức, không thể không lấy đó làm răn….(Cao Tông Thực Lục quyển 985, trang 17-20)




Ðiều tiết lộ của vua Càn Long, khiến người viết liên tưởng đến những thư từ qua lại ắt phải có về vụ người Hoa làm loạn tại xưởng mỏ Tống Tinh, giữa quan lại triều đình nước ta trong đó Ngô Thì Sĩ là chủ chốt với nhà đương cục Lưỡng Quảng lúc bấy giờ. Trong đó những người như Ngô Thời Sĩ phải nói lên sự nghiêm trọng của đám người Hoa đông đảo vũ trang, có tác hại đến nền an ninh hai nước. Sự việc này bắt buộc các vị quan đầu tỉnh tại Lưỡng Quảng phải tâu gấp lên vua Càn Long ; nên vị vua này không chút chần chừ ra lệnh nghiêm cấm cửa ải, đón nhận những người Hoa trở về và cho phân loại giải giao đến các tỉnh để an sáp.


Nói một cách khác, sự khôn ngoan trong lời lẽ, đã thay đổi được tư duy của vua Càn Long, khiến triều đình ta có thể quăng mối lo lên đầu vua quan nhà Thanh, để họ tự nguyện làm những điều, mà chính người nước ta hằng mong ước. Cụ thể những việc nhà Thanh đã làm lúc bấy giờ, xin liệt kê như sau :


1. Ðặt chương trình, qui trách nhiệm cụ thể để ngăn cấm triệt để người Hoa vượt biên đến nước ta :


“ …Nhưng dân gian manh ham lợi, chắc vẫn còn không hết lén vượt ra khỏi nước, cần phải đặt chương trình rõ, giao trách nhiệm cho quan địa phương, nghiêm khắc kê tra. Từ nay trở về sau nếu có sự lén vượt ra khỏi ải; hãy tra cứu xem đi từ quan ải nào, viên quan văn võ nào phụ trách, chiếu theo lệ qui tội. Các viên Tri đạo, tướng lãnh đôn đốc quan sát bất lực đều bị nghiêm trị, từ 1 đến 5 tên trốn vượt phạt tước bổng 1 năm, trên 6 tên giáng 1 cấp lưu nhiệm, 10 tên trở lên giáng 1 cấp điều dùng, khiến các viên tự lo tra xét, không dám buông lỏng.” (Cao Tông Thực Lục quyển 985, trang 17-20)




2. Chính quyền nhà Thanh vui lòng đón nhận đám đông người Hoa bị bắt và bị đuổi từ xưởng Tống Tinh về nước :


- Ðợt 1, gồm 320 người, qua ải Ðộng Long, thuộc phủ Trấn An, tỉnh Quảng Tây :


Ngày 9 Giáp Dần tháng 7 năm Càn Long thứ 40 [4/8/1775]


Dụ các Quân cơ đại thần :


Theo Hùng Học Bằng tâu ‘Tại ải Ðộng Long có dân làm mỏ tại An Nam kéo về gồm 320 tên khai là dân Quảng Ðông, làm công sống qua ngày tại xưởng Tống Tinh. Nay do đám đông làm xưởng bị tan rã, bèn chạy về nước kiếm sống, hình thù tiều tụy giống như dân ăn mày. Hiện đã sai Tri phủ Triệu Do Thục chia giải đến tỉnh Quảng Ðông, để được Lý Thị Nghiêu thẩm xét lo liệu.’ ”( Cao Tông Thực Lục quyển 986, trang 10-12)


- Ðợt 2, có hơn 1100 tên bị đưổi về, đến các xứ Tiểu Trấn An, Bách Sắc, Qui Thuận thuộc phủ Trấn An, tỉnh Quảng Tây :


Ngày 19 Giáp Tý tháng 7 năm Càn Long thứ 40 [14/8/1775]


Dụ các Quân cơ đại thần :


“… Nay theo lời Hùng Học Bằng tâu thêm rằng ‘ Ba xứ Tiểu Trấn An, Bách Sắc, Qui Thuận có hơn 1100 tên; nên sai quyền Án sát Chu Thăng Hoàn đích thân đến Nam Ninh, đôn đốc liệu biện….” (Cao Tông Thực Lục quyển 987, trang 6-8)


- Cuối cùng Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu tổng kết số người Hoa bị đuổi về đến Trung Quốc trên 2000 người :


Ngày 8 Quí Mùi tháng 8 năm Càn Long thứ 40 [2/9/1775]


Dụ các Quân cơ đại thần :


…..Nay cứ lời tâu của Lý Thị Nghiêu ‘Dân trốn trở về, hiện đã lên đến trên 2000 người, nghiêm xét những phạm nhân chính yếu gây chuyện thì trị tội nặng ; nếu thuộc loại buôn bán, làm công tại nơi phụ cận, thì điều tra rõ rồi cho trở về quê, giải giao cho quan địa phương để nghiêm khắc quản thúc.’... (Cao Tông Thực Lục quyển 988 trang 12-17)




3. Nhắm trừng trị và ngăn ngừa không cho cơ hội trở lại An Nam, vua Càn Long ra lệnh phân biệt đối xử đối với những người dân trở về : hoặc trị tội, hoặc an sáp (9) tại các vùng xa xôi như Y Lê, Ô Lỗ Mộc Tề tại Tân Cương ; hoặc an sáp tại các tỉnh khác. Riêng loại nhẹ nhất và còn có bà con thân thích thì cho an sáp tại quê nhà :


Ngày 11 Bính Tuất tháng 8 năm Càn Long thứ 40 [5/9/1775]


Dụ các Quân cơ đại thần :


“… Lý Thị Nghiêu tâu số phạm nhân có trên 2000 người ; do nhân số quá nhiều nên từng ra lệnh cho Lý Thị Nghiêu đích thân đến tỉnh Quảng Tây, ước lượng chia ra để liệu biện. Nay cứ theo lời tâu của Hùng Học Bằng thì tình tiết nặng nhẹ của các phạm nhân có sự sai biệt, nay chiếu theo đó mà hoạch định.


Như bọn gây chuyện tại xưởng, đến lúc tập nã thì bỏ trốn, đều thuộc loại ngược ngạo khó thuần ; quyết không thể lưu tại nội địa, đáng phát vãng đến Ô Lỗ Mộc Tề để canh tác. Có những bọn hung hãn hơn kẻ khác, cũng đáng phát vãng Y Lê.


Những người bị quan Di trục xuất ra khỏi xưởng, tuy có khác với loại gây sự bị bắt, nhưng xét ra cũng không thuộc loại an phận, không tiện lưu tại tỉnh nhà rồi lâu ngày ý nghĩ cũ lại trỗi dậy, cần tuân theo chiếu chỉ trước phân phát đến các tỉnh an sáp, để tự lo mưu sinh.


Những kẻ không tại xưởng, chỉ ở nơi phụ cận buôn bán, nghe tình hình rồi bỏ trốn ; những loại này không có gì sai, tra hỏi thấy được thực tình, thì giao trả về địa phương quản chế nghiêm nhặt, lệnh lo canh tác làm mướn, không được sinh sự xuất ngoại một lần nữa. Nếu tra thực những người không có thân tộc nghề nghiệp, hoặc thuộc loại du đãng không có thể dựa, nếu lưu lại sẽ dẫm lên con đường cũ, cần phải đem đến các tỉnh an sáp; số còn lại căn cứ theo chiếu chỉ trước mà thi hành.


Dụ này theo độ khẩn 600 lý [342 km] 1 ngày, truyền cho Lý Thị Nghiêu và Hùng Học Bằng hay biết, rồi theo dịch trạm phúc tấu ngay về công việc đã liệu biện như thế nào. (Cao Tông Thực Lục quyển 988, trang 18-19)




4. Tuy muốn cấm đoán triệt để về việc qua lại, nhưng sợ mất lòng nước ta trong việc ngăn cản sự giao dịch buôn bán, nên vua Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng viết thư ướm lời về một kế hoạch mở cửa thông thị buôn bán một tháng vài lần, như sau :


“…. Lý Thị Nghiêu cần viết văn thư dụ viên Quốc vương rằng


Nước ngươi phụng sự Thiên triều hết sức cung thuận, trước đây thương nhân xuất khẩu mậu dịch, để bổ sung sự cần dùng, nay cũng không cấm. Tuy nhiên có những bọn vô tri, thường không yên bổn phận, sinh chuyện gây hấn, nên không khỏi sinh sự nơi cõi ngoài. Nội các, bộ, viện đã thông sức cấm nhân dân nội địa không được tự tiện vượt biên giới như trước; và định chỗ nơi trung tâm thích hợp, cho dân hai nước buôn bán giao dịch tại đó. Viên Quốc vương hãy ước định nhật kỳ rồi trình báo cho nội các, bộ, viện để ước định ngày thông thị mỗi tháng ; lệnh thương dân hai nước mang hàng đến đó buôn bán’. (Cao Tông Thực Lục quyển 985, trang 17-20)




Nhưng triều đình quan lại nước ta lúc bấy giờ muốn rũ sạch cái họa người Hoa tràn lan sang nước ta, nên đã khéo léo từ chối :


Ngày 22 Ất Mùi tháng 11 năm Càn Long thứ 40 [12/1/1776]


Dụ các Quân cơ đại thần :


Cứ theo lời tâu của Lý Thị Nghiêu Tiếp nhận lời phúc đáp của An Nam rằng 4 tỉnh giáp giới của nước này, thực không có thổ sản để buôn bán chung. Hiện đã phúc đáp cho đình chỉ việc buôn bán.’…” (Cao Tông Thực Lục quyển 997, trang 15-17)


*

Qua tư liệu trích dẫn, thấy được chính quyền khổng lồ Trung Quốc dưới thời Càn Long dù ở thế mạnh, nhưng vẫn tồn tại chỗ nhược cốt lõi, đó là mối mâu thuẫn giữa hai dân tộc Mãn và Hoa đang có cơ hội bộc phát. Với bộ óc siêu phàm, những người như Ngô Thì Sĩ nhìn thấy điểu đó, để rồi khéo léo vận dụng đưa đẩy, khiến nhất thời nhà Thanh phải thực hiện những điều lợi ích cho nước ta.


Hồ Bạch Thảo




Chú thích :


1. Triều Châu, Thiều Châu : hai châu thuộc tỉnh Quảng Ðông.


2. Bùi Sĩ Tiêm : người xã Kinh Lũ huyện Ðông quan [nay thuộc xã Ðông Kinh, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình] ; đậu Tiến sĩ khoa Ất Mùi, triều Lê Dụ Tông. Năm Tân Hợi [1731], giữ chức Thái thường tự khanh, trình bày 10 điều tệ hại lúc bấy giờ, bị chúa Trịnh Giang giận lắm, tước hết quan chức, đuổi về quê (Theo Khâm Ðịnh Viêt Sử Thông Giám Cương Mục)


3. Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập 2, trang 665-666 (Hà Nội : Nhà xuất Bản Giáo Dục, 1998)


4. Tống Tinh : xưởng mỏ, tại châu Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên.


5. Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, trang 666.


6. Thủy Khẩu : quan ải Thủy Khẩu tại chỗ sông Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng chảy qua biên giới.


7. Bình Nhi : quan ải Bình Nhi tại chỗ sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn chảy qua biên giới.


8. Do Thôn : thời nhà Thanh ải Do thuộc châu Thượng Thạch Tây, hiện nay thuộc Bằng Tường thị.


9. An sáp : bắt định cư xen kẽ với người bản xứ, để dễ dàng kiểm soát.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us