Mùa Biển Động (2)
MÙA BIỂN ĐỘNG (2)
Đặng Tiến
Mùa biển động tập 5, Tha hương, là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc « đổi đời » tháng 4-1975.
Sự kiện dồn dập, xen kẽ vào nhau, gồm năm chuyển động chính :
-
Quân đội Sài Gòn « rút lui chiến thuật » ra khỏi Cao nguyên và vùng Trị Thiên (chương 124-142)
-
Những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn trong âu lo, sợ hãi, chuyện di tản, những người chiến đấu tuyệt vọng đến khi chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ (chương 143-155)
-
Sau ngày 30-4-1975 : các nhân vật chính, Ngữ, Lãng, Tường… lần lượt trở về, kẻ thoát chết từ phía này, kẻ chiến thắng từ phía kia, họ gặp lại gia đình, vợ con, bạn bè (chương 156-161).
-
Đời sống Sài Gòn dưới chế độ mới. Tác giả dành một phần quan trọng cho sinh hoạt văn nghệ (chương 161-166) và phần khác cho những dị biệt, va chạm về tư tưởng, thái độ chính trị giữa các nhân vật, nhất là khi Ngô từ Hà Nội bỏ nhiệm vụ về Sài Gòn (chương 167-173).
-
Đời sống dân chúng Sài Gòn chiếm trọn phần cuối : những khó khăn tinh thần, vật chất của người dân, chủ yếu là những gia đình có thân nhân đi học tập cải tạo ; sự biến chất, chao đảo của một số cán bộ cộng sản, như Tám Lúa, Ngô, Mười Chí…
Vào trang cuối, Ngữ vượt biên, bị chủ bãi bỏ lại, bị bắn chết (chương 174-186).
Tác giả có thêm mười hai trang giải bày tâm sự trong « lời cuối cho một bộ trường thiên ».
Năm phần nói trên xòe ra và gắn bó như năm ngón tay trên một bàn tay ; Tha hương là một cuốn tiểu thuyết hay, hấp dẫn, linh động. Nếu xem Tha hương là một ngón tay, ngón út của Mùa biển động, lại càng lý thú hơn, vì tác giả đã tháo gỡ nhẹ nhàng những mối tơ rối rắm, từ Những đợt sóng ngầm.
Phần đầu, mô tả chuyện lính Sài Gòn tháo chạy khỏi vùng II và vùng I chiến thật, là phần dài nhất và dở nhất. Về hai cuộc rút quân này, Nguyễn Mộng Giác dựa theo cuốn Ngày N của Hoàng Khởi Phong, một cựu sĩ quan quân cảnh ở Pleiku, và cuốn Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến đóng tại Trị Thiên, dĩ nhiên là với sự đồng tình của hai tác giả. « Có thể nói rằng Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong là đồng tác giả với tôi trong hai đoạn viết về cuộc rút lui trên liên tỉnh lộ 7 và cuộc tan hàng ở Thừa Thiên năm 1975 » (tr.1859).
Dù sao, viết theo tác phẩm người khác, vừa được ấn hành, văn là một việc không nên, gây ra một tiền lệ phiền phức. Nguyễn Mộng Giác giải thích : « Tôi thiếu những kiến thức và kinh nghiệm cụ thể về quân sự […]. Mỗi lần viết về chiến tranh là ngòi bút tôi trở nên gập ngừng, lúng túng.» (tr.1858). Lý do chính có lẽ còn vượt xa lời tâm sự và trường hợp cá nhân Nguyễn Mộng Giác. Văn chương Việt Nam, ở đâu cũng vậy, vẫn có những khu rừng cấm. Nguyễn Mộng Giác không viết về chiến tranh vì không có « con tem », chỉ vậy thôi.
Mười sáu chương đầu mang nhiều tư liệu chiến sự, và có giá trị lịch sử nhất định, nhưng trong cơ cấu tiểu thuyết Mùa biển động thì lạc lõng. Tác giả cố gắng cho nhân vật của mình lăn lộn với biến cố, nhưng họ vẫn là những hình bóng mờ nhạt : trong cuộc tháo chạy bi đát trên liên tỉnh lộ 7B, trung úy Ngữ không làm được gì, chỉ nhìn và triết lý vụn vặt, lẩn thẩn. Trong cuộc rã ngũ tại Huế, Lãng vẫn còn khôn vặt, chuồi cho sếp mình nắm tiền và khẩu súng lục, nhưng chẳng có hành động gì – ngoài việc luộc một con chó mà luộc không chín. Suối non hai trăm trang, nhân vật chính là đại úy Vinh, trung úy Huy – ngoại cuộc trong thế giới Mùa biển động.
Khi mô tả không khí Sài Gòn trước giờ chính quyền tan rã, ngòi bút Nguyễn Mộng Giác, lúc đầu còn lúng túng, nhạt loãng, nhưng dần dần tìm lại được mạch văn : ông phớt lờ những biến cố lịch sử, ví dụ ông chỉ viết một dòng, một dòng thôi, nhắc lại « lúc 11 giờ 55 bộ đội đã chiếm dinh Độc Lập » (tr.1512). Ngược lại, ông đã dành nhiều tâm tình để làm sống lại không khí thành phố, tâm trạng người dân thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Bút pháp Nguyễn Mộng Giác luôn luôn chừng mực. Ông thuyết phục người đọc bằng những chuyện vừa phải, đáng tin, mà vẫn bi đát : ví dụ chuyện bà trung tá Thanh ăn cắp mắm sả của Quỳnh Trang là một đoạn văn cảm động (tr.1733). Văn Nguyễn Mộng Giác đặc biệt ở chỗ dí dỏm (humour), u mặc nhẹ nhàng, không cay chua, không độc ác, nhưng thâm trầm. Như đoạn Quỳnh Trang chuẩn bị cho chồng đi học tập cải tạo. « Đây là cái túi vải em may để anh dùng pha cà phê. Cái gói này là hộp tăm em đã luộc chín để khử vi trùng. Tăm tre tụi Chợ Lớn làm ở đường Tản Đà, em có tới, họ làm cẩu thả, dơ dáy lắm, mình dùng tăm dơ xỉa răng mà không biết.» (tr.1633). Lối hóm hỉnh kiểu ăng-lê này, trước kia thỉnh thoảng có gặp trong văn Nhất Linh, càng về sau càng hiếm. Văn chương ngày nay thường chuộng dao chuộng búa, chắc ăn hơn.
Về số phận nhân vật, Nguyễn Mộng Giác giải quyết ổn thỏa, công bình. Nhân vật Mùa biển động, tuy đông đảo, phức tạp, truân chuyên, nhưng không có ai xấu, họ đều ở hiền, gặp lành : đây là một nét đặc biệt trong phong cách Nguyễn Mộng Giác. Người Việt Nam suốt trong hai mươi năm Mùa biển động đã sống bao nhiêu đọa đày, khổ nhục, giá dụ ai cũng được số phận của nhân vật Nguyễn Mộng Giác thì đỡ quá. Muốn bàn cãi, người đọc vẫn có thể bàn cãi về một số kết cuộc : tại sao đại úy Thường, một người công giáo có lý tưởng, lại tự vẫn ; động cơ nào đưa Mười Chí vượt biên ; tại sao Ngô lại bất mãn, đào nhiệm. Và cái chết của Ngữ có cần thiết không, nhất là Ngữ chết… lẹ quá, chỉ trong mấy dòng, và chết lãng xẹt ; người đọc cho rằng tác giả cho Ngữ chết lẹ cho xong chuyện vì… lười. Chưa chắc đã sai.
Những sự kiện tiểu thuyết, do tác giả tưởng tượng, ta có thể thích hay không thích, vẫn thuộc quyền sinh sát của tác giả. Điều chính và hay, là Nguyễn Mộng Giác đã mô tả được đời sống thành phố Sài Gòn những năm 1975-80. Có gian khổ, đọa đày, lam lũ, nhưng đến một mức nào đó. Nguyễn Mộng Giác gây được cảm tình lâu dài của người đọc nhờ sự chừng mực và công bình của ngòi bút. Nhưng từ đó, người đọc có thể đặt ra một đôi vấn đề với tác giả.
Nhân vật Mùa biển động, dù là nhân vật phụ, phái bên này hay bên kia, đều là những người thất bại. Nguyễn Mộng Giác giải quyết định mệnh của họ theo xu hướng tự nhiên, nhưng cuối cùng cũng nhận ra điều đó, và đúc kết là đã cố gắng « ghi lại tâm tình của thế hệ tôi, thế hệ lớn lên đã bị cuốn vào chiến tranh, rồi cũng bị chiến tranh vùi dập » (tr.1851), « cái thế hệ thất bại của lớp tuổi tôi » (trang cuối).
Về mặt tiểu thuyết, Nguyễn Mộng Giác đã thành công trong dụng ý, trên những… thất bại của một lứa tuổi nào đó – nói rõ hơn là của một lớp thanh niên trí thức trung lưu ở thành thị miền Nam.
Nhưng bản thân tác giả có nên tự mình nêu vấn đề để hướng dẫn người đọc hay không ? Và nêu lên có đúng không ? Tôi trả lời hai lần không.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời lúc 22g15 ngày 2.7.2012 (giờ California, tức là 12g15 ngày 3.7.12, giờ Việt Nam) tại nhà riêng ở thành phố Westminster, thọ 73 tuổi. Lễ tang sẽ tổ chức trong hai ngày 7 và 8 tháng 7.2012.
Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với chị Nguyễn Khoa Diệu Chi và toàn thể gia đình.
Về tài liệu liên quan tới
tiểu sử và tác phẩm Nguyễn Mộng Giác, bạn đọc có thể tham khảo : Nguyễn
Mộng Giác : Trò chuyện với sinh viên (Talawas), bản tin ngày
3.7.2012 của nhật báo Người
Việt.
Trước hết, thành công hay thất bại, trong một đời người, chỉ là những cảm giác chủ quan, tương đối. Nói chi đến một thế hệ ? Có kẻ được xem thành công vì toại nguyện trong cuộc sống, hoặc có địa vị nào đó trong xã hội, có kẻ thành tài, thành danh hoặc… thành nhân. Những nhân vật chính của Mùa biển động cho ta cảm giác là họ đồng tình thất bại. Lý do không phải chỉ có việc « thế hệ », mà họ là những con người thiếu nghị lực, không biết mình muốn gì nên không đi đến cùng định mệnh. Lấy Ngữ và Tường làm ví dụ.
Ngữ, nhân vật chính được tác giả o bế nhất, là một sĩ quan suốt đời hầu cận, hết vin vào ông tá này thì dựa vào ông tá kia, hết tá rồi lại bám vào một ông đại úy, và trong những giai đoạn căng thẳng nhất trên chiến trường, Ngữ không có hành động nào xuất sắc. Mang danh là nhà văn, Ngữ không viết lách gì, cũng không tỏ được tiết tháo của người cầm bút. Mọi việc trong đời sống đều nhờ vào tay vợ ; sau khi học tập vài ba năm, thì được vợ mua sẵn cho một khu vườn đất đỏ ở Bảo Chánh, gần ga xe lửa đường Xuân Lộc, nhưng không thấy Ngữ cày cuốc bao nhiêu, chỉ thấy chàng cà phê, thuốc lá, ngâm thơ Đường, thơ Tống, thỉnh thoảng làm tình với cô Diễm, khi người yêu cũ ghé qua, rồi để lại « mùi da thịt trên nếp chăn […] sợi tóc mảnh trên gối, […] thỏi son Elizabeth Arden còn bỏ quên » (tr.1791). Chán làm rẫy thì về lại thành phố, có đạp xích lô, có vá bánh xe đạp… nhưng vẫn nhờ vợ buôn bán sau lưng và cô em gái ở Mỹ gửi quà về. Lúc vượt biên là do vợ và người tình thu xếp, còn Ngữ chỉ « chuẩn bị ra đi một cách khác, lãng đãng tài tử » (tr.1834). Nguyễn Mộng Giác có ý thức chỗ yếu của Ngữ nên đã rào đón : « Ngữ không thuộc vào thiểu số những người có cá tính liều lĩnh, mạnh bạo, dám bước ra ngoài luật lệ, dám chấp nhận thử thách […] để trở thành những kẻ làm lịch sử. Trong thiểu số đó, chắc chắn rất nhiều người thất bại, nhưng cuối cùng một số ít sẽ thành công […] Ngữ thuộc vào đa số những người bình thường và tầm thường, bị hoàn cảnh đưa đẩy nên phải gắng chịu đựng để sống còn, lặn trong đám đông vô danh, vui buồn theo những vui buồn vụn vặt từng ngày từng giờ. Cái đám đông ấy cũng cố gắng tìm ra một thứ triết lý để biện minh cho cái tầm thường thụ động của mình.» (tr.1734).
Nguyễn Mộng Giác thấy đúng quá. Nhưng đã thấy vậy rồi, sao lại còn đặt ra chuyện thất bại và thành công, và khái quát thành một « thế hệ thất bại », trong một xã hội mà những giá trị tinh thần thường xuyên bị đảo lộn ?
Nói rằng Ngữ – và thế hệ – thất bại vì không có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam sau ngày 30-4-1975 và họ cảm giác « bẽ bàng lơ láo như sống tha hương » (tr.1829), thì cũng được. Nhưng thực ra là lúc đó họ bị đàn áp, miệt thị, khai trừ, đày đọa. Chế độ mới có cho họ cái cơ hội nào để sống bình thường đâu mà nói chuyện thất bại với thành công ?
Cuối cùng, nói rằng Ngữ đã thất bại vì thua trận là gán cho cuộc đời quân ngũ của Ngữ một nội dung chính trị – điều mà Nguyễn Mộng Giác không làm suốt 2 000 trang giấy. Mà dù có chấp nhận lập luận này, vẫn không thể nói đến « một thế hệ thất bại ». Giá dụ « thế hệ » ấy thành công, thì sẽ thành công ra sao ? « Nếu miền Nam đứng được năm năm nữa, qua vài nhân vật đã giới thiệu trong cuốn bốn. Lớp người đó mà nắm được quyền thì miền Nam chưa đến nỗi.» (1). Chưa đến nỗi, là chưa đến nỗi … nào ?
Nhân vật chính « phái bên kia » là Tường. Bị cuốn hút vào cơn bão lửa chính trị đã đốt cháy miền Trung vào những năm 1963-66, Tường « nhảy núi » – cùng với nhiều thanh niên khác –, để lại một bào thai trong bụng người yêu, cô Nam, em Ngữ. Tường về lại Huế trong cuộc tổng công kích Mậu Thân, 1968, chỉ còn là một hình bóng co ro, mờ nhạt, sợ sệt ; và còn nhếch nhác hơn nữa khi trở về Sài Gòn, năm 1975, làm cán bộ thành đoàn, rồi xin sang tuyên huấn. Tường chỉ hùng hồn với bạn bè, hùng hổ với cha mẹ, còn với cán bộ quyền uy thì nín khe, sẵn sàng viết bài chửi bới anh em cũ. Con người quỵ lụy, trái với hình ảnh hào hùng thuở nắm micrô trước các giảng đường đại học, biểu tình, hội thảo, xem thường xe tăng, lựu đạn. Với vợ con, Tường cũng hững hờ, chắp vá, vì lý nhiều hơn vì tình. Bất mãn, thất vọng với chính quyền, Tường cho bé Thúy, đứa con gái mười tuổi – giọt máu của cách mạng hiểu theo cái nghĩa lãng mạng nhất – vượt biển để sang sống nhờ em gái là Quỳnh Như, lấy chồng Mỹ, được liệt vào hạng CIA. Sự chọn lựa này, và những hậu quả hiển nhiên, chứng tỏ Tường không còn tin tưởng vào chế độ mà mình đã xây dựng và phục vụ. Cho rằng Tường « thất bại » là đúng, nhưng Tường không tiêu biểu được cho « thế hệ thất bại ». Có lần hỏi Ngữ, « Tường tức giận, nói như quát : « Vậy mày muốn cái gì ? » Một lần nữa, họ đi vào lối cụt.» (tr.244). Đoạn cuối, đáng lẽ Tường cũng nên tự vấn mình muốn gì. Muốn đất nước được giải phóng, thống nhất, hòa bình, trong chế độ xã hội chủ nghĩa ư ? Tường đã xả thân và hy sinh cho vợ con, cho lý tưởng đó, bây giờ, đã đến bờ, đến bến, còn thở dài than vắn gì nữa ? Chế độ của Tường nay không đáp ứng hoài bão của Tường, hoặc cho anh một địa vị anh nghĩ rằng không xứng đáng, thì là tâm sự của Tường, không phải là thất bại hay thành công của thế hệ.
Những « đồng chí » của Tường đều mang chung một niềm u uất : Ngô đang làm đài phát thanh Hà Nội, đào nhiệm, vào Sài Gòn sống bụi đời ; Mười Chí, đảng viên cốt cán, vượt biển. Còn lại Năm Được, có chức mà không có quyền… Nguyễn Mộng Giác đã gợi ra được một xã hội đang tan rã, « tha hương trên quê hương », từ những cán bộ nòng cốt, chiến thắng và nắm quyền đến người dân vô danh, muôn đời làm nạn nhân cho thời cuộc ; chúng ta hiểu tâm sự Nguyễn Mộng Giác khi ông nói đến « tâm tình của một thế hệ […], cái thế hệ thất bại ». Chúng ta, thế hệ nào cũng vậy thôi, đều thất bại khi cảm thấy mình không đóng góp gì được cho một đất nước rách nát, đau thương mà mình yêu mến. Mặc cảm thất bại còn thấm thía hơn nữa với những người phải sống xa đất nước. Tôi hiểu tác giả, nhưng vẫn muốn được bàn lại, để nói rằng Mùa biển động chỉ là một mảnh nhỏ của thời cuộc.
Một vấn đề, nhỏ thôi, làm tôi suy nghĩ, về mặt tâm cảm : nhân vật Mùa biển động, thôi thì cứ nhận phứt là bạn của Nguyễn Mộng Giác, và của cả tôi nữa, đã thất bại về mặt xã hội. Họ còn thất bại về mặt mưu cầu hạnh phúc. Những chàng tuổi trẻ ấy, dường như không ai thực sự có hạnh phúc, vì họ không có khả năng yêu đương đến nơi đến chốn. Vàng của họ chưa bao giờ thử lửa đến nồng độ của tình yêu. Đừng nói gì đến Tường, trong cơn cuồng say chính trị, đã đẩy người yêu đến chỗ tự thiêu ; hãy lấy Ngữ làm ví dụ.
Anh chàng này đào hoa, được cả vợ, Quỳnh Trang, và Diễm, người tình, yêu tha thiết. Ngữ ái ân với Diễm, trước khi nàng lấy chồng, có con với Diễm, mà… mười năm sau vẫn không biết (tr.1548), khi vẫn tiếp tục ái ân. Chưa hết. Đây là cách chàng yêu vợ : « Giữa lúc ta lắng nghe xúc cảm càng lúc càng cao trên từng thớ thịt làn da, thì nghe Trang khóc. Ban đầu ta tưởng nàng rên rỉ vì cảm khoái.» (tr.1786). Có thể đây là lối hóm hỉnh của tác giả, nhưng nó đã đưa nhân vật đi quá xa.
Cô Nam lấy chồng cán bộ, cô Diễm lấy chồng giàu, đều không hạnh phúc. Cô Quỳnh Trang, nếu được bình an, thì là sức chịu đựng và cố làm ngơ. Thậm chí cô Quỳnh Như, lấy chồng Mỹ cũng hẩm hiu. Sao vậy ?
Nguyễn Mộng Giác thuộc một thế hệ thanh niên đã đánh mất đóa hoa hồng cài trên mũ. Đã xa rồi thời của chàng Siêu chầm chậm lau bàn chân cô Mùi trong Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, thời của chàng Triệu một buổi trưa thong thả của Nhất Linh, thong thả đu đưa trên võng, thỉnh thoảng nắm tay cô Dung trong Nguyên vẹn của Võ Phiến.
Nhân vật Mùa biển động là lớp người khi thì chạy giặc, khi thì chữa cháy. Họ ít chú tâm vào hạnh phúc.
Về mặt xã hội, người đọc cũng có thắc mắc. Trong ba gia đình người Huế, ông bà Văn, ông bà Thanh Tuyến và ông bà Bỗng làm tam giác để Nguyễn Mộng Giác đặt trọng tâm cho Mùa biển động, thì gia đình ông bà Bỗng, với ba người con Ngô, Ngọc và cô Diễm là ít được tình cảm nhất và đồng thời là gia đình nghèo nhất.
Trong các cô gái Huế thướt tha dọc Mùa biển động, Diễm là người đàn bà tội lỗi nhất. Diễm lấy chồng giàu chỉ vì tiền, và trước đám cưới đã cẩn thận trao thân cho người tình, và có thai. Lấy chồng rồi, cô đi lại với ông nọ, ông kia để buôn bán, đồng thời xướng ngôn cho đài Mẹ Việt Nam của Mỹ tuyên truyền chống cộng, và vì những nguồn lợi khác. Sau ngày 30-4-1975, Diễm vẫn tiếp tục móc nối với cán bộ, buôn bán vật tư, bị bỏ tù. Giữa hai chuyến áp phe, nàng ghé lại làm tình với Ngữ. Cuối cùng, nàng tổ chức vượt biên để lấy tiền, và vượt biên. Động cơ đầu tiên là nghèo : « Em không muốn con cái em phải khổ, phải nhục như em vì nghèo đói.» (tr.1433). Diễm có quyền chọn cuộc đời mình. Còn Ngọc, anh cô ? Học xong y khoa, Ngọc lấy vợ giàu, mua mấy tiệm thuốc Tây ở Sài Gòn, sang Mỹ có đứa cháu ruột (con Diễm) cũng bỏ rơi… Còn ông Bỗng, bà Bỗng, thậm chí đến Ngô đều là những nhân vật xoàng. Cái khó nó bó cái đẹp chăng ? Hỏi như vậy là có phần oan cho Nguyễn Mộng Giác, vì trong thâm tâm, ông không đặt vấn đề như thế : Diễm là nhân vật được tác giả âu yếm, nuông chiều nhất, và có lẽ là nhân vật đạt nhất trong Mùa biển động, linh động, đa dạng và sắc sảo nhất. Các cụ bảo « con chiều là con hư », cũng phải.
Mùa biển động, tiểu thuyết thời đại, vắng bóng đa số quần chúng, số dân nghèo gồm những kẻ buôn thúng bán bưng, những công nhân và khối nông dân. Hình ảnh Việt Nam trong Mùa biển động không có « lũy tre còm tả tơi » như trong nhạc Phạm Duy, không có « bóng cau với con thuyền một dòng sông » như trong Văn Cao. Nguyễn Mộng Giác kể chuyện đô thị, nhưng chúng ta không thấy bóng hằng chục triệu người tránh chiến tranh trôi dạt về thành phố. Tác giả biết chỗ yếu của mình nên có lần chống chế : « Mình chỉ thỏa mái khi nói, nghĩ, viết đối với một giới nào đó thôi […]. Quả tình tôi chỉ thấy thỏa mái trong giới tôi biết rõ cho nên không dám viết về nông dân, về quần chúng lao động. Bởi vì nếu viết về họ cũng chỉ là viết gượng mà thôi.» (*). Chúng ta quý trọng sự lương thiện ấy, nhưng muốn hỏi lại ông : khi vẽ lại tâm tình một thời đại, mà ông không viết về đa số người nghèo, vì không thỏa mái ; không viết về chiến tranh, vì không sành quân sự, không viết về người cộng sản chính hiệu, mà chưa giải thích tại sao, thì bức tranh thời đại của ông có sơ lược chăng ? Mùa biển động là một bữa tiệc lớn, mà chủ nhân chỉ lưu ý nến nước ngọt và các món tráng mệng, Nguyễn Mộng Giác lại giải thích là muốn « viết về những người tầm thường, như chính tôi… Họ là đám đông góp phần lớn vào các biến chuyển của lịch sử, nhưng họ chưa đáng được nhắc tới, dù là một dòng […]. Thế thì tôi phải chú tâm đến đám đa số thiếu tiếng nói.» (tr.1855). Những Ngữ, Tường mà thiếu tiếng nói ư ? Hay là ở thính đường nào, lớp học nào, micrô nào, tờ báo nào, quần chúng cũng phải nghe họ ra rả ít nhất là trong mười năm ? Họ lên đường, xuống đường, xây dựng nông thôn, chỉnh trang quận 8, tâm ca để nối vòng tay lớn, du ca để tiếng hát át tiếng bom, nghe họ đến đinh tai nhức óc, sao bảo không có tiếng nói ? Còn lịch sử, thì họ viết chứ ai viết nữa ?
Quần chúng thật sự trầm lặng không được lời nói, tiếng thở dài nào trong cơn xôn xao vô tận của Mùa biển động. Về người nông dân những năm 1970, Nguyễn Mộng Giác còn những câu như « anh nhà quê lúng ta lúng túng đứng xớ rớ cho các quan trên sai vặt » (tr.1069). Nhất Linh viết một câu về Hai Lẫm mà bị mang tiếng cả đời, ông Giác không nhớ sao ? Trong suốt nửa thế kỷ, người nông dân đã có những đóng góp lớn lao cho lịch sử, điều này đã rõ. Nhưng Nguyễn Mộng Giác lại bảo : « Họ nắm chính quyền, và cái mộng được làm lý tưởng, trương tuần họ giấu kín bao nhiêu đời, bây giờ họ nắm « giấc mộng » ấy trong tay. Cộng sản thuyết phục được dân quê nghèo khổ vì cái tham vọng quyền lực bị ẩn ức đời đời kiếp kiếp ấy.» (tr.1079).
Những câu đại ngôn như thế, may thay, ít có trong sách, và chúng ta không nên dựa vào đó mà phê phán Nguyễn Mộng Giác.
Tôi xin chỉ góp ý với tác giả về hai chi tiết nhỏ :
-
Vụ bầu cử, khoảng 1970, tại « xã Nhơn Mỹ, thuộc loại xôi đậu », « tổ chức hội đồng xã thật dân chủ » (tr.1137), nhưng kết quả là mấy ông dưới thành phố đắc cử : « ông chủ tiệm chạp phô gốc Hoa trốn lính, ông y sỹ quân y mở phòng mạch tư hốt bạc » (tr.1138). Chuyện đó có thể có thật, nhưng chỉ là một ví dụ đơn lẻ. Từ thời cải lương hương chính rất xa xôi, 1920, 1930… tại một số thôn xã Trung kỳ và Bắc kỳ đã có bầu cử, tranh cử, tranh chấp, có nơi đã bầu dân chủ ; và sau này, người dân quê đã biết vào dân vệ cầm súng chống cộng hay đào hầm nuôi cán bộ, thì nhất định là họ biết sử dụng lá phiếu. Vì tác giả đánh giá thấp nông thôn nên mới để « ông Thường tuyệt vọng vì cái thực tế không chối cãi được này » (tr.1158). Nói chung, Nguyễn Mộng Giác, nếu có sai lầm, là do hời hợt về chính trị, chứ không phải vì quan điểm.
-
Ở đoạn cuối, ông nhấn mạnh vào các nhân vật đảng viên như Mười Chí, Năm Được, nhắc lại vai trò của họ trong phong trào sinh viên tranh đấu tại Huế khoảng 1963-68. Điều này, trong hai tập đầu, rất hay và sôi nổi, ông không đề cập đến. Ông muốn điều chỉnh đạn đạo ? Có nên không ? Vai trò của Đảng cộng sản trong giai đoạn này, cho đến nay, vẫn chưa được sáng tỏ. Trong hồi ký Đất nước vào xuân, tướng Lê Chưởng, chính ủy thời đó, cho rằng thanh niên sinh viên thất bại vì không được nông thôn yểm trợ ; trong hồi ký Huế Xuân 1968, tướng Lê Minh, tư lệnh mặt trận lúc đó, cho rằng sinh viên học sinh không có lực lượng đặc công. Hai ý kiến này gặp nhau một điểm : Đảng cộng sản lúc đó (có lẽ ?) không quyết tâm ủng hộ cuộc tranh đấu của dân thành phố. Vì nông thôn là… ông Lê Chưởng nắm, còn đặc công thì… trong tay ông Lê Minh ! Về mặt tiểu thuyết, thà để lửng câu chuyện, còn hơn là gán cho phong trào tranh đấu miền Trung 1963-68 một cốt lõi chính trị không lấy gì làm bằng.
Tiểu thuyết, trước tiên, là nghệ thuật, giống như một bức tranh. Chỗ mạnh, chỗ yếu, nét đậm, nét nhạt bổ sung cho nhau, nuôi dưỡng nhau ; không có chỗ yếu, thì không có chỗ mạnh ; từ những nét đậm, gạt đi những nét nhạt, là phá bức tranh. Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn sáng suốt, nên thấy trước hơn ai hết chỗ yếu của mình, « tôi chỉ mô tả được biến động xã hội trên bề mặt » (*). Mùa biển động mạnh ở hai điểm : lối kể chuyện linh hoạt, hấp dẫn, làm nổi bật tâm tình một thế hệ thanh niên trung bình, trưởng thành trong các đô thị niềm Nam vào những năm 1960. Đó là hai trục chính : truyện kể và tâm tình. Những thành tố khác – lịch sử, tư tưởng, hành văn… – chỉ xê dịch trên hai trục đó. Trích dẫn câu văn này, chi tiết nọ để khen hay chê, đều không khó, mà không đúng vì đưa những lưu điểm ra khỏi tọa độ thẩm mỹ của nó.
Mùa biển động là một sự cố quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam, trong và ngoài nước. Trước hết là do bề thế lớn lao : bộ sách non hai ngàn trang, viết trong bảy năm (1982-89) trong hoàn cảnh khó khăn, trong tâm trạng chưa chìm lắng của một thuyền nhân vượt biển. Non hai trăm chương sách mà không có chương nào non yếu hoặc xu thời, nịnh thị hiếu.
Thứ đến là nghệ thuật : Nguyễn Mộng Giác có lối viết nhanh nhẹn, dễ dàng ; cũng có câu dễ dãi, vội vàng, nhưng không độc hại gì mấy cho lối kể chuyện. Ngòi bút linh động phục vụ cho óc quan sát nhạy bén và nhận định tinh tế – có khi còn tinh quái. Từ chương này sang chương khác, ngòi bút có lúc thiếu sức, nhất là ở tập ba và tập bốn, nhưng nói chung không nhàm, không nhảm, thậm chí khi đọc lại vẫn thấy vui. Đóng góp lớn của Nguyễn Mộng Giác là đã đưa lối kể chuyện miền Nam – quay chung quanh số phận một nhân vật trung tâm – vào địa bàn của tiểu thuyết hiện đại, với nhiều tuyến nhân vật đông đảo trong một xã hội đảo điên. Khác với truyện Vân Tiên : đời Vân Tiên truân chuyên, nhưng xã hội Vân Tiên im lìm trong những giá trị tinh thần không biến chuyển.
Điều thứ ba, điều cuối cùng nâng cao giá trị tinh thần Mùa biển động là thái độ ung dung, thanh thoát của Nguyễn Mộng Giác. Ông là người vượt biển, với những động cơ nhất định, ông viết một pho sách về những năm 1963-80 khi miền Nam gập tràn máu lửa, mà ngòi bút ông không thù hận, không biểu dương, thậm chí không cay đắng. Dĩ nhiên là ông phải có cảm tình với nhân vật này, mỉa mai sự kiện kia, nhưng tình cảm nằm ngoài vòng ân oán, thành kiến và chính kiến. Thái độ ung dung ấy, có lẽ là do bản tánh tác giả, như ông đã có lần nói « tôi không hận thù đến độ viết tàn nhẫn » (*), nhưng có phần do tác giả biết tự chủ, ý thức được giá trị đạo đức của văn chương, nó nằm bên ngoài những tranh chấp và bên trên những mê chấp. Mùa biển động không có anh hùng, không có gian hùng và không có thị phi, chỉ có những con người tầm thường – trong đời sống tầm thường bị lich sử bẻ gãy, giày xéo.
Nguyễn Mộng Giác là một tác gia chừng mực, từ tốn. Quàng cho ông nhiều vòng hoa đạo đức, nghệ thuật thì có cái gì không chỉnh. Nhưng Mùa biển động là một trường hợp Việt Nam đáng được chúng ta suy nghĩ.
Những đợt sóng ngầm đã đưa bao nhiêu bèo giạt tha hương. Quê nhà đã quá xa xôi và phai phôi. Mùa biển động để lại trong tôi âm hao bài hát Jean Ferrat phổ nhạc Aragon : « une saison d’homme, entre deux marées… Quelque chose comme un chant égaré… Au bout de mon âge… Qu’aurais-je trouvé…Vivre est un village… Où j’ai mal rêvé…»
Một mùa người.. giữa hai đợt sóng…
Có chút lạc lõng.. như bài hát bơ vơ…
Tôi thấy được gì… khi buổi chiều xế bóng…
Sống là một thôn làng…
Tôi lỗi mộng lầm mơ…
Đặng Tiến
07-5-1990
Orleans, đọc lại, 02-7- 2012, để tưởng niệm Mùa Biển Động
(1) Văn học, số 39, tháng 4-89, California (Mỹ).
Các thao tác trên Tài liệu