J.M.G. Le Clézio : người lữ hành nhân ái
J.M.G. Le Clézio :
người lữ hành
nhân ái
Đỗ Tuyết Khanh
Giải Nobel văn chương 2008 về tay J.M.G. Le Clézio, một nhà văn Pháp từ nhiều năm nay thường được nhắc nhở như một "Nobélisable", mỗi khi đến mùa Nobel, báo chí và các nhà phê bình đua nhau tiên đoán ai sẽ là người đoạt giải. Le Clézio là nhà văn thứ 16 đem giải này về cho nước Pháp, sau Sully Prudhomme, người đoạt giải Nobel văn chương đầu tiên năm 1901, và gần đây hơn Claude Simon năm 1985 và Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) năm 2000. Với Le Clézio, nước Pháp hoan hỉ chào mừng một Nobel Pháp "chính tông" hơn ông Cao Hành Kiện cách đây tám năm. Vì lúc ấy, và ngay cả bây giờ, có mấy ai ở Pháp, và ở nơi khác, biết Gao Xingjian là ai ? Không kể là Cao tiên sinh cũng chỉ xin tỵ nạn chính trị ở Pháp năm 1988 và mới nhập quốc tịch Pháp năm 1997, ba năm trước khi được giải Nobel. Và nhất là ông hầu như chỉ viết bằng tiếng Hoa, ngay cả bài diễn văn nhận giải ở Stockholm cũng thế, trong toàn bộ tác phẩm chỉ có 4 vở kịch là viết thẳng bằng tiếng Pháp. Thậm chí Uỷ ban Nobel, khi tuyên bố lý do, cũng đề cao ông như một người "đã mở ra những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa". Cũng vì thế mà nhiều người vẫn coi ông là một nhà văn Trung Hoa, và nếu không có cái "khúc mắc" chính trị thì chắc Trung Quốc đã chính thức "đòi lại" và tôn vinh "giải Nobel văn học đầu tiên của Trung Hoa" này rồi !
Nhưng cái gì cũng tương đối. Tuy Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh năm 1940 ở Nice, một thành phố lớn miền Nam nước Pháp, có gốc gác tổ tiên ở miền Bretagne, và chỉ viết bằng tiếng Pháp, cha ông là người Anh, xuất phát như mẹ ông từ đảo Maurice, và ông coi Maurice cũng là quê hương của mình, không chỉ vì có cả hai quốc tịch Pháp và Maurice. Sau nhiều năm sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, ông hiện cư ngụ ở ba nơi, Albuquerque (Mỹ), Nice và Douarnenez, một tỉnh nhỏ ở ven biển Bretagne. Ông cũng gắn bó với châu Phi và châu Mỹ La tinh, nơi ông đã từng sống những ngày tháng và những trải nghiệm ảnh hưởng sâu sắc lên tâm hồn, con người và cuộc đời ông. Vì thế, ông khẳng định "Quê hương thật sự của tôi là tiếng Pháp". Trước Le Clézio, cũng đã có hai Nobel văn chương Pháp có thể chia sẻ câu nói này: Maurice Maeterlinck, Nobel 1911, người Bỉ flamand, nhưng viết tiếng Pháp và sống ở Pháp 53 năm, và Samuel Beckett, Nobel 1969, người Ái Nhĩ Lan, cũng định cư tại Pháp trong 51 năm, và sáng tác bằng cả hai tiếng Anh và Pháp.
Ủy ban Nobel tôn vinh Le Clézio như "ngòi bút của sự rời bỏ, cuộc phiêu lưu đậm hồn thơ và ngất ngây nhục cảm, người đi tìm thăm một nhân tính bên kia và dưới nền văn hoá thống trị"1. Quả vậy, ông thường được mệnh danh là nhà văn cách tân và nổi loạn, nhà văn du mục của lưu vong, của những kẻ yếu thế lạc loài, nhà văn chối bỏ xã hội tiêu thụ và hoài niệm những nền văn minh nguyên thuỷ. Đấy là những góc cạnh khác nhau của con người và nhà văn Le Clézio.
Le Clézio đến với văn chương rất sớm, 7 tuổi đã tập viết văn. Trong chuyến đi dài đến Nigéria để ở với cha, cậu bé J.M.G. viết hai cuốn sách nhỏ "Un long voyage" và "Oradi noir", với đầy đủ bìa cứng, tên nhà xuất bản và cả danh sách "các tác phẩm sẽ in sau này" ! Năm 23 tuổi, người thanh niên Le Clézio đã nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tiên được in, Le Procès-Verbal, đoạt giải Renaudot và chỉ thiếu một phiếu để được giải Goncourt, là giải văn học lớn nhất của Pháp. Những sáng tác sau đó của ông gây được nhiều chú ý và thiện cảm trong giới văn học, nhưng từ năm 1978 trở đi ông mới được biết đến và ưa chuộng rộng rãi hơn, và càng ngày càng được nhiều người mến mộ, tên tuổi quen thuộc với công chúng tuy đa số độc giả của ông vẫn chỉ trong vòng giới trí thức. Cho đến nay, Le Clézio đã viết hơn 40 tác phẩm, gồm các tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, sách thiếu nhi, và nhiều bài báo.
Những bước đầu của nhà văn
Cho đến khoảng cuối thập niên 1970, các tác phẩm của Le Clézio xoay quanh những hiện tượng của nội tâm và tri giác, những trạng thái hoảng loạn mất trí, các thử nghiệm trên ngôn ngữ, trong pháp cú : những đề tài và lối hành văn đòi hỏi người đọc phải động não liên tục, có khi chịu thua không theo nổi tác giả. Le Clézio thời đó mang tiếng là nhà văn khó đọc, khó hiểu. Và cũng không oan cho lắm : những cuốn "L'extase matérielle" (1967) , " Le Livre des fuites" ( 1969) hay "L'Inconnu sur la terre" (1978), chẳng hạn, nửa tiểu luận nửa độc thoại, nhảy từ chuyện này sang chuyện kia một cách bất ngờ, chữ nghĩa lúc cụt lủn lúc miên man, có khi kèm theo hình vẽ, có khi lẫn vào một công thức toán, lâu lâu lại có một vài chữ ngoại văn, Anh hay Hy Lạp không kèm theo lời dịch. Trong cuốn Le Livre des fuites bỗng dưng có một chương chỉ là một danh sách vài trăm câu chửi liệt kê trên ba trang, nhiều câu thể hiện những thành kiến, kỳ thị, xấu xa bộc lộ khi con người hằn học với nhau. Tác giả để người đọc tự suy diễn như thế chứ không giải thích, rồi vài trang sau tặng cho câu này :
Khuôn
mặt có nét quen
Tóc
Trán
Mắt
Mắt
Mũi
Miệng
Cằm
là một cái mặt nạ bằng vôi và thiếc, nó không bao giờ nói gì cả. Không có gì chết hơn sinh vật này. Không có gì im lặng hơn.
Văn phong như thế có người thích, thấy độc đáo, mới lạ, nhưng cũng có người chê là lập dị, là ngông. Cả hai đều có lý phần nào. Ở thời điểm đó, Le Clézio chịu ảnh hưởng của phong trào Nouveau roman (Tiểu thuyết mới), tuy ông không muốn tham gia nhóm "néoromanciers" hoặc bất cứ trường phái nào khác. Các sáng tác của ông trong giai đoạn này khá tiêu biểu cho những đặc tính của Nouveau roman : mỗi cuốn sách là một thử nghiệm trên lối hành văn; nhân vật và các tình tiết không quan trọng, mục đích của tác giả là chuyển tải thẳng lên trang giấy những lay động li ti ẩn hiện ở ranh giới của tiềm thức và nhận thức, là nơi xuất phát những cử động, lời nói, tình cảm của mỗi người, nguồn gốc sâu kín của cuộc sống. Để diễn đạt những cái khó nắm bắt, khó phản ánh ấy, các néoromanciers quan niệm phải phá bỏ các ước lệ cũ kỹ của lối viết văn tả tình tả cảnh quen thuộc cho đến nay. Trong hai thập niên 1960/1970, Le Clézio còn rất trẻ, còn phải tạo cho mình một sắc thái riêng, dễ được thu hút bởi những tìm tòi khai phá, những hoài bão cách tân, hơn là những con đường đã mòn gót người đi. Và cũng với sự bồng bột của tuổi trẻ, bản tính ngang tàng từ thuở nhỏ, J.M.G. phần nào có khiêu khích, như khi viết trong lời tựa tác phẩm đầu tay Le Procès-Verbal (1963): " Theo tôi, viết và trao đổi, là có khả năng làm bất cứ ai tin bất cứ gì. Chỉ qua những tiết lộ liên tiếp mới có thể lay chuyển bức tường lãnh đạm của công chúng".
Song nếu chỉ là ngông hay cầu kỳ đỏm đáng thì Le Clézio có lẽ đã dừng ở lại đó, quanh quẩn với những định đề ấy và một xu hướng văn chương bác học, không đi xa hơn để đến với những chân trời mới, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đã cho ông những kích thước và một bề dày khác. Đằng sau những cái có thể bị gọi là "tiểu xảo" ấy là một nội dung thật sự, những suy tư, khao khát thật sự của người viết văn :
" Tôi muốn viết cho cái đẹp của ánh mắt, cho sự thuần khiết của tiếng nói. Tôi muốn viết để vươn tới chân trời xưa, rõ nét như sợi chỉ, và bầu trời sáng trên mặt biển. ... Tôi muốn viết để đứng về phía súc vật và trẻ thơ, đứng cùng với những người thấy được thế giới thật chung quanh và cảm nhận hết vẻ đẹp của nó ... Tôi muốn viết để cuộc sống chỉ có thế: để không còn tồn tại cái xấu xí, cái bỉ ổi, cái dung tục, để câu chữ không còn là nô lệ của đồng tiền, không còn làm dơ bẩn những bức tường và trang giấy, để tất cả trở lại như trước, không lăng nhục, như khi chưa có câu chữ trên trái đất"
L'Inconnu sur la terre, trang 387.
"Tôi muốn nói với bạn, xa và lâu, với những câu chữ không chỉ là câu chữ mà còn đưa ta đến tận bầu trời, đến không trung, đến biển cả. Tôi nghe thấy tiếng nói ấy, điệu nhạc ấy, chúng không xa lạ, chúng rung vang quanh đây, lóng lánh quanh đây, trên những tảng đá trắng và trên mặt biển, lấp lánh giữa lòng thành phố, ngay cả trong mắt người qua đường. Nói thế nào đây ? Lời của điệu nhạc ấy đến từ một nước không có ngôn ngữ, nơi tiếng nói bị bịt kín, giam hãm trong chính mình, biến thành ánh sáng, chỉ thấy được từ bên ngoài"
L'Inconnu sur la terre, trang 9.
Tất cả những hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm sau này của Le Clézio đã xuất hiện trong giai đoạn ấy : mặt trời chói chang, những đám mây vần vũ, cơn bão ập xuống, mưa rào trên mái, mùi đất ẩm, và nhất là biển cả, ánh nắng lung linh trên mặt nước, tiếng sóng vỗ, những bụi gai trên đồi cát, và vị mặn trong gió. Những chi tiết sống động đánh thức đủ năm giác quan của người đọc, cho cảm tưởng đang sống thực cùng với nhân vật những gì miêu tả trên trang giấy. Chính những cảm quan này, cái "ngây ngất nhục cảm" đượm trong văn Le Clézio lôi cuốn người đọc, đã góp phần mở rộng giới độc giả của ông khi ông trở lại với một lối viết "cổ điển" hơn, dễ tiếp nhận hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Từ cuốn "Mondo et autres histoires" (1978) trở đi, và nhất là với Désert (1980), được Viện hàn lâm Pháp trao tặng giải Grand Prix de littérature Paul Morand đầu tiên, Le Clézio trở thành nhà văn bán chạy, được dịch sang nhiều thứ tiếng, nhưng vẫn không "bình dân". Năm 1994, nguyệt san Lire bầu ông là nhà văn lớn nhất viết tiếng Pháp còn sống.
Le Clézio và người vợ đầu Marie-Rosalie, ảnh Henri Cartier-Bresson, 1965
Nhà văn của chân mây cuối trời
Le Clézio rất thích đi bộ, theo ông đó là sinh hoạt tự nhiên duy nhất của con người. Viết văn và đi bộ là hai sinh hoạt không thể tách rời và không thể thiếu nơi ông. Trong tuần lễ trao giải Nobel, có lần ông trốn buổi chiêu đãi, đi lang bang trong Stockholm. Vì thế đương nhiên tất cả các nhân vật của ông lúc nào cũng đi, lang thang trong các thành phố hay trong sa mạc, từ nơi này sang nơi khác, từ trang đầu đến trang cuối. Gấp sách lại, người đọc lắm khi cũng có cảm giác tê chân mỏi gối, như chính mình đã vất vả leo đèo lội suối. Cái lưu động trong thế giới Le Clézio không chỉ là động tác đi bộ mà còn là sự lưu lạc của các nhân vật, sự trôi dạt của cuộc đời họ, có khi đến tận chân mây cuối trời. Sách của Le Clézio nói về những cảnh lưu vong, những con người xa xứ, những mảnh đời phiêu bạt. Bản thân ông cũng có cuộc đời nổi trôi, đi khắp nơi, sống ở nhiều nước, hầu như lúc nào cũng vừa đi đâu về hay sắp sửa chuẩn bị lên đường.
Như tất cả những đứa trẻ khám phá thế giới qua sách vở, J.M.G. mơ đến những chân trời xa xôi, những cuộc phiêu lưu hào hứng. Chuyến đi cùng mẹ và anh sang Nigéria ở với cha lúc 8 tuổi và những ngày tháng ở châu Phi đã hun đúc tâm hồn ông. Nhưng các sự kiện có tính chất quyết định nhất, thay đổi cả cuộc đời, là trong giai đoạn sau này.
Sau khi thoát chiến tranh Algérie nhưng không trì hoãn nghĩa vụ quân sự được nữa, Le Clézio xin được phục vụ trong khuôn khổ các chương trình hợp tác của Pháp. Ông xin đi Bắc Kinh nhưng được điều đi dạy chính trị học ở Bangkok. Lúc ấy là những năm 1967-68, chiến tranh Việt Nam khốc liệt, quân đội Mỹ biến Thái Lan thành hậu cứ của họ, những trung tâm "Rest and recreation" mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu giải trí và nhất là sinh lý của đám lính tráng tìm quên bom đạn ở rượu và gái, biến mãi dâm thành cả một kỹ nghệ. Ai đã sống ở miền Nam Việt Nam thời ấy hẳn còn nhớ các câu quảng cáo "R and R" lải nhải hằng ngày trên truyền hình Mỹ. Trả lời một phỏng vấn của báo Le Figaro, Le Clézio lên án nạn bán dâm trẻ con, lúc ấy đang bắt đầu bành trướng ở Thái Lan. Ông phẫn nộ trước cảnh trẻ em bị bắt cóc rồi đưa về nhà thổ ở Bangkok. Chính quyền Thái Lan cũng phẫn nộ và ... phản đối với nước Pháp. Le Clézio bị khép tội gây sự cố ngoại giao và doạ đưa ra toà án quân sự. Ông đáp lại là sẽ đào ngũ. Rốt cuộc nhờ sự can thiệp của vợ một vị đại sứ hâm mộ văn ông, ông thoát biện pháp kỷ luật, không bị cạo trọc đầu đưa vào trại lính mà được gửi sang Mễ Tây Cơ dạy học tại viện IFAL (Institut français d'Amérique latine).
Le Clézio nói đến thời gian ở châu Mỹ la tinh như một giai đoạn bản lề : "Một trải nghiệm đã thay đổi cả cuộc đời tôi, những gì tôi nghĩ về nghệ thuật, cách tôi sống với người khác, cách đi, cách ăn, cách ngủ, cách yêu và cả những chiêm bao" (La fête chantée, trang 9). Khi đặt chân xuống Mễ Tây Cơ, ông bỡ ngỡ trước một thế giới hoàn toàn khác, đầy khám phá. Ông học tiếng Tây Ban Nha và tìm đọc những tài liệu kinh điển của các nền văn minh thổ dân châu Mỹ đã bị triệt tiêu sau khi các nước Tây phương sang chiếm đóng. Và nhất là ông tìm đến và sống cùng với hai bộ lạc thổ dân Emberas và Waunanas trong rừng sâu của vùng El Tapón de Darien, ở Panama. Chia sẻ cuộc sống hàng ngày, học tiếng nói của họ, lắng nghe những huyền thoại của họ, ông như "đứng trước ngưỡng cửa một thế giới mới, và biết rằng mình không thể nào vượt qua để đến với cái thế giới vừa quen thuộc vừa hoàn toàn khác lạ này, một hình thức khác thể hiện sự hài hoà".
Le Clézio có thi vị hoá, lý tưởng hoá thái quá những con người này và những nền văn minh đã biến mất mà họ tượng trưng không ? Ông rất thành thật công nhận là những xã hội cổ xưa ấy cũng có độc tài áp bức, tham nhũng và tranh giành quyền lực, âm mưu và phản bội, không kể đến những tục lệ dã man. Nhưng ông đề cao một lối sống gần gũi với thiên nhiên, tôn trọng mọi sinh vật của Tạo hoá, hoà nhập với đất trời:
"Tôi đã sống 4 năm, từ 1970 đến 1974, với những người Emberas trong rừng. Một trải nghiệm không thể quên vì cho tôi thấy một cách sống hoàn toàn khác những gì tôi vẫn biết ở châu Âu. Người Emberas sống hài hoà với thiên nhiên, với môi trường, với bản thân mà không cần phải dựa vào một chức quyền pháp lý hay tôn giáo nào. Điều này làm tôi hết sức kinh ngạc và khi về lại đây, tôi kể về sự hoà hợp trong đời sống cộng đồng của họ, thì có người trách tôi là ngây thơ, là nhìn mọi sự quá đơn giản và rơi vào huyền thoại "người hoang dã tốt" 2, trong khi tôi hoàn toàn không có ý đó. Tôi không bao giờ có thể nói về những người tôi đã cùng sống là họ hoang dã hay là họ tốt. Họ sống theo những tiêu chí và những giá trị khác."
Trả lời phỏng vấn của tập san Label France, 2001.
Theo ông, một trong những tội ác lớn nhất của Tây phương đối với các dân tộc thổ dân châu Mỹ, ngoài những chém giết hung bạo, cướp bóc của cải và đưa họ đến gần tuyệt chủng là đã huỷ diệt những nền văn hoá lâu đời, bóng bẩy tinh tế, và về nhiều mặt đã tiến xa hơn các xã hội phương Tây thời ấy. Tội ác còn là làm nhân loại mất đi một phần di sản, không chỉ những gì của quá khứ mà cả những đóng góp trong tương lai, nếu những nền văn hoá tiêu vong ấy đã được tồn tại và tiếp tục phát triển. Đau lòng trước cái mất mát ấy, để góp phần vào công cuộc khôi phục ký ức của các dân tộc thổ dân, Le Clézio dịch sang tiếng Pháp hai văn bản kinh điển về các nền văn minh tiền Colombus: Les prophéties du Chilam Balam (1976), kể lại các huyền thoại của người Maya, và La Relation de Michoacán (1984), codex của một nhà tu dòng thánh Franciscain, Fray Jerónimo de Alcalá, ghi chép lại trong những năm 1539-1540 cuộc sống của người thổ dân ở Michoacán.
Le Clézio vẫn tiếp tục nghiên cứu về các nền văn minh tiền Colombus và nêu rõ tính thời sự của đề tài này:
"Rất nhiều những chủ đề gây chú ý hiện nay, như bảo vệ môi sinh, tôn trọng tất cả những thể hiện của sự sống, vai trò của mộng mị và trực cảm trong nhận thức, sự chia sẻ của cải, vị trí của các huyền thoại trong trí tưởng tượng, chữa bệnh bằng cây cỏ và tác động lên thần trí, đều đã có trong các nền văn hoá thổ dân. Chúng ta dần dần đo lường được những món nợ của chúng ta đối với họ."
Trả lời báo Le Nouvel Observateur.
Một phần các nghiên cứu này được trình bầy trong quyển Le Rêve mexicain ou la pensée ininterrompue (1988), những câu kết thể hiện sự thiết tha của ông với những dân tộc nguyên thuỷ:
"Do đó không phải ngẫu nhiên mà nền văn minh Tây phương của chúng ta tìm lại hôm nay những chủ đề triết lý và tôn giáo của những người thổ dân châu Mỹ. Vì đã tự đặt mình vào thế mất quân bình, quay cuồng với bạo lực của chính mình, người Tây phương phải tự tạo lại tất cả những cái đã làm nên cái đẹp và sự hài hoà của những nền văn minh hắn đã huỷ diệt.
Là những người sống sót cuối cùng sau thảm hoạ lớn nhất của nhân loại, những dân tộc thổ dân nương náu trên núi cao, trong sa mạc hay trong rừng sâu, vẫn cho chúng ta hình ảnh của một sự trung thành tuyệt đối với các nguyên tắc về tự do, liên đới và giấc mơ của những nền văn minh tiền Colombus. Họ vẫn là người gìn giữ "Trái đất mẹ của chúng ta", tuân thủ những qui luật của thiên nhiên và chu kỳ thời gian".
Le Rêve mexicain, trang 274.
Sự thiết tha này cũng được mở rộng ra đến những chân trời khác, với các thay đổi trong cuộc sống riêng. Sau cuộc hôn nhân thất bại với Marie-Rosalie Piquemal, con gái một phụ nữ Ba Lan và một sĩ quan Pháp, ông cưới khi mới chỉ 20 tuổi, Le Clézio thành hôn năm 1975 với Jemia, một phụ nữ gốc Aroussiyine, một bộ lạc du mục sống trong thung lũng Saguia el Hamra, trong sa mạc Sahara. Jemia sinh trưởng ở nước ngoài, gia đình nàng đã phải bỏ xứ ra đi vì loạn lạc, đói kém khi mẹ nàng còn rất nhỏ. Saguia el Hamra thuộc về một vùng trong nhiều năm là thuộc địa Tây Ban Nha dưới tên "Rio de Oro". Sau khi Tây Ban Nha rút đi, vùng này được gọi là Tây Sahara (Sahara occidental) vì nằm giáp với Đại Tây Dương và biên giới ba nước Maroc, Mauritanie và Algérie. Trong nhiều năm, cả ba nước này đều đòi sát nhập Tây Sahara vào lãnh thổ của mình. Mauritanie và Algérie đã rút lại đòi hỏi này, cuộc tranh chấp, kể cả bằng vũ lực, vẫn tiếp diễn cho đến nay giữa Maroc và nhóm Frente Polisario (Frente popular para la liberación de Saguía el Hamra y de Rio de Oro), mặt trận đấu tranh giành độc lập của người Sahraoui. Tây Sahara nằm trong danh sách các lãnh thổ không tự trị của Liên Hiệp Quốc từ những năm 1960.
Ngay từ khi mới quen nhau, J.M.G. và Jemia đã có ý định ngày nào đó sẽ về Saguia el Hamra, đến thăm quê hương Jemia. Vì chiến tranh và sự bất ổn định trong vùng, ý tưởng này trong nhiều năm chỉ là giấc mơ. Song, hơn cả trở ngại ấy là một sự ngần ngại, đắn đo, vì khoảng cách giữa Jemia và những người trong gia đình của nàng còn ở lại Sahara. " Khoảng cách ấy có lẽ là cái khó vượt qua nhất. Vì đi du lịch, tìm đến những chân trời mới là một chuyện, còn bắt gặp quá khứ, như một hình ảnh xa lạ của chính mình, lại là một chuyện hoàn toàn khác." (Gens des Nuages, trang 12). Một nhận xét tinh tế có lẽ phản ánh rất đúng tâm tư của nhiều người trong các thế hệ hai, thế hệ ba người di dân.
Chuyến đi ấy rốt cuộc cũng thành hình và được kể lại trong một cuốn sách rất đẹp, khổ lớn, in trên giấy quí và có nhiều hình ảnh sa mạc tuyệt vời của Bruno Barbey, Gens des Nuages, 1997, Jemia và J.M.G. cùng là tác giả. Nhưng mấy lời cuối này thì chỉ có thể của J.M.G. :
"Họ là những người du mục cuối cùng trên trái đất, lúc nào cũng sẵn sàng nhổ trại để đi xa hơn, đến chỗ mưa rơi, đến nơi giục giã réo gọi họ từ ngàn năm. ... Có lẽ chúng tôi cũng chỉ hiểu được một phần hết sức nhỏ bé của những Người đi theo Mây và cũng không cho lại họ được gì cả. Nhưng họ đã cho chúng tôi một món quà quí giá, hình ảnh của những người đàn ông và đàn bà sống – bao lâu nữa? – sự tự do của họ một cách vẹn toàn."
Gens des Nuages, trang 117.
Từ rừng sâu Panama đến sa mạc Sahara, từ chân trời này đến chân mây kia, người lãng tử J.M.G. cũng đi tìm chính mình.
Tìm đến cội nguồn
Khi còn trẻ, J.M.G. đẹp như thiên thần : người dong dỏng cao, tóc vàng óng ả, mắt xanh biếc, khuôn mặt vừa thanh tú vừa cương nghị. Cộng thêm cái cằm xẻ khiến báo chí Pháp vẫn thường gọi ông là Steve Mc Queen của văn học Pháp. Và quả thật, vì rất hâm mộ điện ảnh, ông đã có lần nhận một vai nhỏ trong một phim của đạo diễn Ý Mario Camerini, Crimen (1961, chiếu dưới tên A chacun son alibi ở Pháp, và ...And suddenly murder! ở Mỹ), đóng chung với những tài tử gạo cội thời ấy như Vittorio Gassman, Silvana Mangano, Bernard Blier, v.v. Ngày hôm nay, ở tuổi 68, ông vẫn có dáng dấp mảnh mai, tao nhã, khuôn mặt mang dấu ấn của thời gian vẫn gợi cảm. Người đọc do đó ngạc nhiên khi thấy ông thổ lộ:
" Về khuôn mặt tôi đã được ban cho khi sinh ra, tôi muốn nói vài điều. Đầu tiên là tôi đã phải chấp nhận nó. Nếu bảo là tôi không thích là gán cho nó một tầm quan trọng nó không hề có đối với tôi khi tôi còn nhỏ. Hồi ấy, tôi không ghét nó, tôi chỉ không để ý đến nó, né tránh nó. Không nhìn nó trong gương. Có thể nói, trong nhiều năm, tôi không nhìn thấy nó. Tôi quay mặt đi khi bắt gặp nó trên các tấm ảnh, như thể đấy không phải là tôi mà là ai khác" .
L'Africain, trang 11.
Ông cũng lập lại điều này khi trao đổi với phóng viên Jean-Louis Ezine trên đài France-Culture, tháng 10.2006:
J-L.E. : - Ông có cùng một khuôn mặt ở đây [Pháp] và ở Mễ Tây Cơ ?
J.M.G. : - Tôi cũng đã từng tự hỏi như thế, vì trông tôi cứ như người lạ ...
J-L.E . : - Ở đây hay ở bên kia ?
J.M.G. : - Nhất là ở bên kia, của đáng tội. Có lần tôi tự hỏi, mình có đổi màu không, sau một thời gian ? Vì tôi không có gương. Tôi không thích nhìn mặt mình. Tôi ít khi nhìn mình.
J-L.E. : - Nhà ông bên kia không có gương ?
J.M.G. : - Nói chung, tôi tránh những cái gương. Tôi không thích vật này, nó làm tôi bất an. Tôi còn nhớ, hồi mười mấy tuổi, tôi giấu gương dưới chăn. Tôi rất ghét chúng. Chúng như những cửa sổ để người ngoài nhìn vào. ..."
Ailleurs
– Entretiens sur
France-Culture
avec Jean-Louis Ezine, 10.2006,
trang 76-77.
Ở người khác, có thể nghĩ đây là câu nói điệu, nhưng với Le Clézio, con người rất thành thật bình dị, lời tâm sự này hé cho thấy một nỗi niềm riêng tư : làm sao nhận định cái Tôi và biết nó thuộc về đâu. Để chia sẻ khắc khoải ấy, phải cùng tác giả ngược thời gian. Như rất nhiều nhà văn, Le Clézio lồng vào hư cấu những chuyện thật của cuộc sống, của cuộc đời ông. Người đọc theo dòng sáng tác của ông có thể nhận thấy, từ những tác phẩm đầu cho đến nay, một số chi tiết trở đi trở lại, như trong một ống kính vạn hoa, cũng vẫn những mảnh thuỷ tinh xanh đỏ ấy, mỗi lần lại tự sắp xếp thành một hình ảnh khác nhau. Trong hai tác phẩm mang tính cách tự sự rõ rệt hơn, L'Africain (2004) nói về cha và Ritournelle de la faim (2008) nói về mẹ, những hình ảnh riêng rẽ ấy ráp lại thành bức tranh tổng thể, cho thấy những kỷ niệm thơ ấu nào, những giai thoại nào truyền tụng trong gia đình đã không rời tâm trí Le Clézio trong mấy chục năm qua.
Cuối thế kỷ 18, kinh tế Pháp kiệt quệ sau chiến tranh với Đức, François Alexis Le Clézio, quê ở vùng Morbihan, giữa Bretagne, bỏ xứ ra đi thử thời vận ở Ấn Độ. Nhưng chuyến đi vất vả với bão táp trên biển khiến ông dừng chân lại ở Ile de France, hòn đảo gần Nam châu Phi thuộc về Pháp từ năm 1715, lập nghiệp ở đấy. Năm 1810, nước Anh đánh chiếm đảo và Ile de France chính thức thuộc về đế quốc Anh với tên Mauritius, hậu duệ của François Alexis trở thành công dân Anh. Sau những thăng trầm của buổi đầu, dòng họ Le Clézio đã khá giả, đa số làm bác sĩ hay quan toà, thuộc vào giai cấp da trắng thống trị trên đảo. Đầu thế kỷ 20, những tranh chấp gay gắt giữa hai nhánh của dòng dõi Le Clézio, gia đình Sir Eugene và gia đình Sir Henry, khiến một bên phải bỏ Maurice ra đi, phân tán khắp nơi. Người đi châu Phi, người về Anh, người sang Pháp. Simone, cháu nội của Sir Eugene, sinh ở Milly-la-Forêt, gần Paris, và lớn lên ở Paris. Raoul, một cháu nội khác, học y khoa ở Luân Đôn, thường xuyên về Paris thăm chú, cha của Simone. Họ yêu nhau và cưới nhau vài năm trước Thế chiến thứ nhì. Trước đó, Raoul đã sang làm việc ở châu Phi, Cameroun rồi Nigéria, từ năm 1928. Sau khi Simone về Pháp sinh Yves-Marie, đứa con đầu lòng, ông chỉ được gặp vợ con trong vài lần nghỉ phép ngắn ngủi và bị kẹt lại ở châu Phi khi chiến tranh bùng nổ. Jean-Marie Gustave sinh ở Nice tháng 4.1940, khi Simone đưa gia đình xuống lánh nạn ờ đó, trốn chạy Paris đã bị quân Đức quốc xã chiếm. Mãi đến lúc J.M.G. 8 tuổi, ba mẹ con mới sang được Nigéria đoàn tụ với Raoul.
Cho đến năm 18 tuổi, J.M.G. có hai quốc tịch, Anh vì cha, Pháp vì mẹ, nhưng cả hai bên nội ngoại đều giữ nguyên vẹn mọi thói quen, cách sống và cả tư duy tiêu biểu cho giai cấp họ ở Maurice. Văn hoá gia đình pha trộn quá khứ 200 năm bắt rễ ở hòn đảo xa xôi và sự gắn bó với gốc gác tổ tiên ở Bretagne. Cha ông, khi về lại Pháp sống với vợ con sau 22 năm làm việc ở châu Phi, bắt cả nhà sinh hoạt như người Maurice. Sự tương phản giữa thế giới trường học, bạn bè và thế giới gia đình rất nhanh cho cậu bé J.M.G. ý thức sự khác biệt, cái từ nơi khác đến, cái ngoài lề. "Mình cảm thấy thành người khác. Không còn như trước. Mình trở thành kẻ xa lạ ở ngay nơi chốn của mình." (trao đổi với Gérard de Cortanze).
Ý thức ấy là chìa khoá mở tầm nhìn của J.M.G. ra thế giới bên ngoài, để chấp nhận mọi khác biệt như tự nhiên, đón nhận vào thế giới của mình những gì tốt đẹp đến từ bất cứ đâu. Cái Tôi của J.M.G. hoà nhập những mảnh đến từ những nơi cách xa nhau cả ngàn cây số, nắng gió của hòn đảo nhiệt đới, mưa bão trên bờ biển Bretagne, và cả tiếng chim muông xào xạc trên rừng cỏ Phi châu. Nó thuộc về tất cả những nơi ấy, không nơi nào loại trừ nơi khác, và do đó, chỉ có thể thật rộng rãi, thật phóng khoáng, bao gồm cả những nơi đã đến, sống và yêu mến người ở đó. Quê hương của Le Clézio là nước Pháp, là Maurice, là ngôn ngữ Pháp, là cả rừng sâu Nam Mỹ, đồi cát Sahara. Nó xa ngàn dặm với câu "quê hương mỗi người chỉ một" vừa hẹp hòi và mù loà trước thực tế – thực tế của rất nhiều người – vừa nguy hiểm vì có thể đưa đến những độc tôn dân tộc, những tư duy cực đoan đã và vẫn gây ra bao thảm hoạ cho loài người.
Cuộc hành trình về cội nguồn của Le Clézio, qua nhiều tác phẩm như Le chercheur d'or (1985), Voyage à Rodrigues (1986), La Quarantaine (1995), Révolutions (2003), L'Africain (2004) và Ritournelle de la faim (2008), chưa chấm dứt nhưng giúp người đọc hiểu rõ hơn những quan tâm của J.M.G. thể hiện qua những chủ đề quen thuộc trong các sáng tác của ông.
Một thế giới đa văn hoá
Những nhân vật của Le Clézio tượng trưng cho một đạo lý sống : tôn trọng người khác, thế giới chung quanh và chính mình. Trong thế giới ấy, mọi sinh vật, dù nhỏ nhoi nhất, cũng có chỗ của mình. Mọi nền văn hoá, dù thô sơ nhất, giới hạn trong những nhóm dân ít người nhất, vẫn là một phần của di sản nhân loại và đóng góp vào đấy. Khi trái đất vẫn đầy rẫy những tư tưởng cực đoan, những khinh thị và thù hận tưởng như thuộc về thời Trung cổ, các tiếng nói như Le Clézio vẫn rất cần thiết:
" Tôi không tin là có sự đối địch giữa các nền văn hóa. Tôi ghét Huntington và luận thuyết đụng độ giữa các nền văn minh của ông ta. (...) Tôi không quan niệm có "ta" và "họ", một bên là thế giới Tây phương và một bên là một loại thế giới man rợ, chỉ rình khai thác chỗ yếu của chúng ta. (...) Tất cả các nền văn hoá đều vay mượn lẫn nhau, pha trộn, kể cả văn hoá Tây phương, có nhiều yếu tố đến từ châu Phi và châu Á. Không thể ngăn cản được những dòng chảy giao lưu. Và thế giới hiện đại không chỉ là Âu Mỹ mà còn là Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc"
Trả lời phỏng vấn báo L'Express, 6.10.08.
Trong bài diễn văn nhận giải Nobel, các nhà văn đoạt giải thường dành một đoạn để tôn vinh những người đã là ảnh hưởng văn học của mình. Ở Stockholm, Le Clézio cũng tuân theo truyền thống nhưng liệt kê hơn 50 người, bên cạnh những tên tuổi của văn học Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, và Phi châu như Jean-Paul Sartre, Rimbaud, J.D. Salinger, Wilfrid Owen, Henry Roth, Octavio Paz, Miguel Angel Asturias, Wole Soyinka và Alan Paton, là một loạt các nhà văn, nhà thơ của các đảo Maurice, Réunion, Haiti, Nouvelle-Calédonie, của các dân tộc Sioux, Navajo, Kanak, v.v. Và người ông tôn vinh đầu tiên, hiến tặng giải Nobel, là người đã khai phá cho ông miền đất lạ, mở hé cho ông cánh cửa thế giới Emberas, một phụ nữ trẻ sống bằng nghề hát kể chuyện, lang thang từng nhà này đến nhà khác. Elvira "chuyên chở trong tiếng hát sức mạnh chân thực của thiên nhiên", là "thi ca hiện hữu qua cử chỉ". Le Clézio không bao giờ được gặp lại Elvira, cũng như những người hát kể chuyện khác trong rừng Darien. Nhưng cái họ để lại nơi ông không chỉ là sự hoài niệm, mà còn là "sự vững tin văn chương có thể tồn tại dẫu rằng những ước lệ và thoả hiệp đã sáo mòn, các nhà văn bất lực không thay đổi được thế giới."
Le Clézio và Paul Krugman trong buổi lễ nhận giải Nobel
Sứ mệnh của nhà văn
Một chủ đề lớn khác, nếu không muốn nói quan trọng nhất, của các nhà văn đoạt giải Nobel là quan điểm về vai trò hay "sứ mệnh" của người viết văn. Le Clézio là người kín đáo, thích yên tịnh. Tuy tham gia vài nhóm văn học như ủy ban giải Renaudot hay nhóm đọc bản thảo của nhà xuất bản Gallimard, ông tránh xa những ồn ào tranh cãi của cái thế giới nhỏ hẹp văn học Paris, tự kiêu và vị kỷ, đầy tị hiềm. Ông không đặt mình vào khuynh hướng văn chương nào cả, và nói vắn tắt : "Tôi viết tại tôi thích viết". Có khi ông nói rõ hơn: " Người viết truyện không phải là triết gia, không phải là chuyên viên ngôn ngữ, mà là một người viết và đặt các câu hỏi. Thông điệp, nếu có, là chúng ta phải tự đặt các câu hỏi ". Tại Stockholm, ông dành nhiều trang để suy nghĩ về vai trò của văn chương, mục đích của viết văn, xoay quanh một nhận xét của nhà văn Thụy Điển Stig Dagerman: nhà văn chỉ muốn viết cho người đói khát nhưng chợt hiểu là chỉ những người có đủ ăn mới có cơ hội đọc mình. " Trong cái rừng nghịch lý " ấy Le Clézio nghiệm được một số điều :
" Đức tính tiên quyết ở nhà văn là ngọn bút không bao giờ được dùng để ca ngợi những uy quyền thế lực, dù chỉ để là gãi ngứa phớt qua. (...) Vậy thì viết để làm gì ? Đã từ lâu, người viết văn không còn dám tự mãn nghĩ rằng mình sẽ thay đổi được thế giới, làm nảy sinh qua các tiểu thuyết của mình một mô hình sống tốt đẹp hơn. Đơn giản hơn, anh ta chỉ muốn là người nhân chứng. "
Nhân chứng cũng có nghĩa là hành động.
"Ngày hôm nay, sau khi chế độ thực dân bị xoá bỏ, văn chương là một trong những phương tiện cho phép tất cả mọi người, nam và nữ, của thời đại chúng ta biểu lộ bản sắc của họ, đòi quyền có tiếng nói và có chỗ đứng trong sự đa dạng của họ."
Chiến tranh và chế độ thực dân
Cũng như đối với Harold Pinter, Nobel văn chương 2005, và Doris Lessing, Nobel văn chương 2007, chiến tranh đóng một vai trò trung tâm trong cuộc đời thơ ấu và con đường đến văn chương của Le Clézio. Sinh ra khi thế chiến thứ nhì bùng nổ, lớn lên trong những tháng năm đầy thiếu thốn và đe doạ, chiến tranh đối với ông là những cái người thường dân, nhất là trẻ em, phải chịu đựng. " Không một phút nào tôi đã nhìn cuộc chiến ấy như một giai đoạn lịch sử. Chúng tôi đói, chúng tôi sợ, chúng tôi lạnh, chỉ có thế. " (diễn văn Stockholm). Ông tố cáo chiến tranh và những hệ quả của nó, những mất mát tàn phá, những cuộc đời gãy vụn, trong nhiều tác phẩm như Le Chercheur d'or (thế chiến thứ nhất) và Onitsha (chiến tranh Biafra). Ông lên án chế độ thực dân và những hình thức bóc lột mới như mãi dâm và buôn người trong Désert. Ông nhạy cảm với trách nhiệm của người da trắng, của các nước Tây phương trong những đau khổ gieo rắc triền miên từ thế kỷ 16 ở châu Mỹ đến thế kỷ 20 trong các thuộc địa ở Phi châu và Á châu. Và trong các nạn nhân của những thảm cảnh con người phải gánh chịu, ông xót xa nhất những con người vô tội, yếu thế nhất : trẻ em, phụ nữ, người nghèo.
Trẻ thơ, phụ nữ và những kẻ yếu thế
Cho đến cuối đời, trong lòng mỗi người sống một đứa bé. Là nhà văn, Le Clézio còn quan niệm tuổi ấu thơ là nơi xuất phát và nuôi dưỡng những cảm xúc làm nên văn chương. Bước đầu chập chững đến với câu chữ là chuyến đi Nigéria năm 8 tuổi và những kỷ niệm không bao giờ phai:
" Nơi tôi luôn luôn mong muốn trở về là châu Phi, là ký ức tuổi thơ. Cội nguồn của những xúc cảm và quyết tâm của tôi. Thế giới đổi thay, tất nhiên, cậu bé đứng ngoài kia, giữa đám cỏ cao, trong cơn gió nóng mang mùi vị của miền trảng cỏ, những âm thanh sắc của rừng, nếm trên môi cái vị ẩm của trời và mây, cậu bé ấy xa xôi lắm, tới mức không có câu chuyện nào, cuộc hành trình nào có thế đưa tôi đến gần. "
L'Africain, trang 119.
Người đọc do đó hay bắt gặp hình ảnh một cậu bé bảy, tám tuổi ngồi lặng im nhìn biển, trên một đồi cát hay một bức tường. Cậu bé ấy là hình bóng của J.M.G. miệt mài đọc sách trong căn nhà bà ngoại ở Nice, say mê vẽ và viết truyện trên con tàu lênh đênh đến Nigéria. Những nhân vật chính trong các sách của Le Clézio thường chưa ra khỏi niên thiếu, những đứa bé lạc lõng giữa cái ồn ào đầy hiểm nguy của các đô thị, những cô gái rất trẻ bị vùi dập, sinh con nơi bãi rác hay trốn chạy nanh vuốt của những kẻ lợi dụng. Song những con người yếu thế ấy lại như có một sức mạnh vô hình che chở, vượt qua gian truân: những đứa bé có cái gì thần diệu, những cô gái có ý chí phi thường, những phụ nữ chống trả định mệnh. Cuốn sách kể lại tuổi trẻ của mẹ J.M.G., người đã chèo chống cho cả gia đình trong chiến tranh, chấm dứt bằng câu: " Tôi viết câu chuyện này để tưởng nhớ một thiếu nữ đã không chủ ý mà thành anh hùng ở tuổi 20 " (Ritournelle de la faim, trang 207).
Sự đồng cảm với những số phận hẩm hiu, những kẻ yếu thế, những nạn nhân của chiến tranh, của lịch sử, là một điểm thường thấy trong các tác phẩm của Le Clézio, thể hiện rõ trong một đoạn kể lại buổi viếng thăm viện bảo tàng cạnh ngôi nhà thờ tưởng niệm 12 800 người Do Thái bị càn quét và đưa về Vélodrome d'hiver ở Paris tháng 7.1942, chặng đầu tiên trên con đường đến cái chết ở Auschwitz:
" Tôi không đặc biệt quan tâm đến những nơi thờ phượng. Nhưng ở đây thì khác. Những gương mặt trên các tấm ảnh chen vào óc tôi, đâm thẳng vào trái tim, bước vào ký ức. Những khuôn mặt vô danh, không liên hệ gì với tôi, nhưng tôi choáng váng trước sự hiện hữu của chúng, như trước đây khi lật xem, ở sở lưu trữ đường Oudinot, các cuốn sổ ghi tên những người nô lệ bị đưa đến bán ở Nantes, ở Bordeaux, ở Marseille. "
Ritournelle de la faim, trang 202.
Le Clézio thoải mái nhất khi ở cạnh những người đơn sơ, có hoàn cảnh khiêm tốn. Cha ông, trong suốt thời gian ở châu Phi, sống gần gũi với những người bản xứ. Là bác sĩ lưu động, trách nhiệm cả một vùng rộng lớn, với vài dụng cụ thô sơ và số thuốc men ít ỏi, ông cố gắng chăm sóc sức khoẻ cho những người bị bệnh tật và đói kém dày vò. Khi về Nice sống tuổi già với gia đình, ông vẫn giữ nếp sống thanh bạch, cần kiệm, gần như khổ hạnh. Ảnh hưởng của cha khiến J.M.G. cũng sống rất giản dị, ghét bỏ những phù phiếm, bất bình trước sự phí phạm. Ác cảm của ông đối với xã hội tiêu thụ, chạy theo vật chất và hưởng thụ cũng bắt nguồn từ đấy, gắn liền với cái hung bạo của văn hoá đô thị, là đề tài của nhiều tác phẩm đầu của ông, nhất là quyển La Guerre (1970).
Đã biết thế nào là đói, là lạnh, là sợ, Le Clézio dễ cảm thông nỗi cơ cực của kẻ bần hàn:
" Những người nghèo làm tôi xúc động. Khi tôi thấy một nhóm người lam lũ, đứng thu mình bên góc cửa hay chen chúc dưới một chiếc xe đẩy, rách rưới, lem luốc, bàn tay nứt nẻ, vẻ mặt vừa lo lắng vừa thèm khát, ánh mắt tối sầm, tôi sợ. Tôi sống trở lại tất cả những mối kinh hoàng của thời còn bé, sợ lạnh, sợ đói, sợ cái vô định, sợ sự khốn quẫn của thể xác "
L'extase matérielle, trang 77.
Ông xúc động trước những vết thương tinh thần của những người phải lìa bỏ người thân để tha hương cầu thực ở xứ người. Trong một đoản văn rất hay, Le Clézio đặt mình vào tâm trạng một người lao động lưu vong viết thư cho vợ. Lời lẽ giản dị nhưng nói lên rất "thật" nỗi nhớ nhung, cái buổn, những nhọc nhằn và ước mơ của người thợ xa xứ.
" Khi anh đi khỏi Tata cách đây ba năm, bỏ lại tất cả những gì anh yêu thương, những gì quen thuộc từ khi sinh ra đời, căn nhà của cha mẹ, anh chả có gì để đem theo. Chúng mình nghèo quá, anh phải ra đi thôi. Anh đem theo cái quí giá nhất anh có được, tên những người thân. Nhất là tên em, Oriya. Nó dịu dàng làm sao. Anh thầm nhắc nó, mỗi ngày, mỗi đêm. Tên em tiêm sức cho anh, giúp anh làm việc, như lời ban phước lành ... Tên anh là Abdelhak, cha anh tên là Rebbo, còn mẹ là Khadija. Ông chủ Guiglione không nhớ nổi tên anh, hay ông ta không muốn nhớ. Ông gọi anh là Ahmed. Ông thợ hồ nào cũng chả là Ahmed tuốt "
Le
Souvenir de toi,
Oriya,
tập san "Le Courrier de l'Unesco"
số
XLVI, 4, 1993).
Không ồn ào, thật nhỏ nhẹ nhưng thấm thía, chỉ một vài chi tiết đó đây đã nói đủ thân phận một con người. Một nhà văn Pháp mượn lời nói một người Bắc Phi, nhưng sao người đọc lại liên tưởng đến Nguyễn Ngọc Tư và những mảnh đời chị vẫn phác hoạ. Chỉ khi các dòng chữ toát ra sự trân trọng và trìu mến với nhân vật trong câu chuyện, người viết mới có thể làm người đọc chia sẻ được sự đồng cảm ấy.
Những con người có lý tưởng, với cái nhìn nhân hậu, ở đâu và lúc nào vẫn có, tiếng nói họ đáp lời nhau trong không gian và thời gian, nhắc nhở rằng tất cả chung một kiếp người. Lời kêu gọi của Le Clézio cho sự giao lưu văn hoá, cho một thế giới trong đó tất cả đều liên đới với nhau, mọi biểu hiện của sự sống đều được tôn trọng, làm vang vọng lại lời nhà thơ John Donne khuyên nhủ cách đây gần 400 năm, một trong những câu được trích dẫn nhiều nhất của văn chương Anh:
" Không ai là một hòn đảo, tự mình toàn vẹn, mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của tổng thể, một hòn đất trôi ra biển làm châu Âu hao mòn không khác gì một kè đá hay ngôi nhà của bạn ngươi hay của chính ngươi bị cuốn đi, mỗi cái chết đều làm ta hao gầy vì ta thuộc về nhân loại. Vì thế đừng bao giờ sai người đến hỏi chuông nhà thờ đang nguyện hồn ai, nó đang nguyện hồn ngươi ".3
Chuông nhà thờ đã nguyện hồn cho Harold Pinter, một tiếng nói quả cảm đầy nộ khí trước những gian trá, độc tài, bạo lực đã tắt đi chỉ vài tuần sau bài diễn văn tuyệt vời của Le Clézio ở Stockholm. Nhưng ở tuổi 68, Jean-Marie Gustave còn nhiều năm – rất nhiều năm, độc giả mong như thế – để tiếp tục cuộc hành trình, gióng tiếng chuông cho những người không có tiếng nói, còn sống hay đã chết, đòi cho họ những món nợ của lịch sử, hay khiêm tốn hơn, nhắc lại những giá trị muôn thuở của công bằng và nhân ái.
Đỗ Tuyết Khanh
1.1.2009
1 "author of new departures, poetic adventure and sensual ecstasy, explorer of a humanity beyond and below the reigning civilization"
2 Huyền thoại "người hoang dã tốt" (mythe du bon sauvage) thường được coi là tóm tắt ý của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) về bản chất tốt tự nhiên của con người, nhưng thật ra bắt nguồn từ ý của Montaigne (1533-1592) lý tưởng hoá những người sống gần gũi với thiên nhiên.
3 "No man is an Iland, intire of it selfe, every man is a peece of the Continent, a part of the maine, if a Clod bee washed away by the Sea, Europe is the lesse, as well as if a Promontorie were, as well as if a Manor of thy friends or of thine owne were, any man death diminishes me, because I am involved in Mankinde. And therefore never send to know for whom the bells toll, It tolls for thee." (John Donne, XVII.Meditation , 1624)
Thư mục J.M.G. Le Clézio: |
|
Le procès-verbal, 1963 |
Balaabilou, 1985 |
Các thao tác trên Tài liệu