Nguyễn Cư Trinh trong việc củng cố và phát triển miền nam Việt Nam
Chiến lược của Nguyễn Cư Trinh
trong việc củng cố và
phát triển
miền nam Việt Nam
Hồ Bạch Thảo
Hãy nhìn vào bản đồ Nam phần ngày nay, để hiểu qua tình trạng cát cứ tại phần đất này vào thời trước năm Bính Tý [1756]. Qua giới hạn bằng vạch màu tím, bản đồ được chia thành 3 phần :
- Vùng đất mang số [1] tại phía đông, thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ có 3 đơn vị hành chánh lớn ; đó là dinh Trấn Biên [Biên Hòa], Phiên Trấn [Gia Ðịnh] và Long Hồ [Vĩnh Long]
- Vùng đất số [2] ở giữa, thuộc các tỉnh như Ðồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu hiện nay; vẫn do Nặc Nguyên, vua nước Chân Lạp, kiểm soát.
- Vùng đất số [3] gồm Hà Tiên, Rạch Giá và một phần Cà Mau ngày nay, do chúa Nguyễn phong cho Mạc Thiên Tứ, con trưởng của Mạc Cửu quản lãnh. Vùng đất này không ổn định, bị các nước Chân Lạp, Tiêm La đe dọa nhiều lần. Như năm Ất Mùi [1715] Nặc Thâm nước Chân Lạp đem quân Xiêm đến đánh Hà Tiên; Mạc Cửu phải rút lui về Lũng Cả, chờ quân giặc rút lui mới trở lại thành. Năm Kỷ Mùi [1739] Nặc Bôn nước Chân Lạp xâm lược Hà Tiên, bị đánh lui. Vì lãnh thổ tại vùng [1] và [3] cách nhau bởi phần đất Chân Lạp, nên mỗi lần quân chúa Nguyễn xuất phát từ Long Hồ [Vĩnh Long] hoặc Phiên Trấn [Gia Ðịnh] cứu viện cho Hà Tiên, đều phải sử dụng đường thủy men theo biển.
Năm Quý Dậu [1753] Nặc Nguyên, vua nước Chân Lạp xâm lấn, đánh phá dân Côn Man. Côn Man là người gốc Chiêm Thành tại Thuận Thành [Bình Thuận], trước đó di cư đến ở tại vùng biên giới Chân Lạp. Chúa Nguyễn Phúc Khoát bèn sai Cai đội Thiện Chính làm Thống suất, Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu, điều khiển quân lính 5 doanh đi đánh Chân Lạp. Kể từ đó, trong vòng 12 năm [1753-1765] tại miền Nam Việt Nam, Nguyễn Cư Trinh đã áp dụng những sách lược sau đây để phát triển và ổn định vùng đất này :
A. Dĩ Di chinh Di :
Dĩ Di chinh Di là sách lược dùng dân Man [dân tộc thiểu số] đánh dân Man [dân tộc thiểu số] ; trong trường hợp này Nguyễn Cư Trinh dùng người Côn Man [Chiêm Thành] chống người Chân Lạp. Lúc quân đến nơi, Nguyễn Cư Trinh bèn chiêu phủ dân Côn Man để làm thanh thế. Năm Ất Hợi [1755], Thống suất Thiện Chính đóng đồn tại Mỹ Tho [Ðịnh Tường], dân Côn Man đi theo đến đất Vô Tà Ân thì bị quân Chân Lạp đánh úp. Thiện Chính lấy cớ bị rừng tràm ngăn cản, nên không cứu. Nguyễn Cư Trinh đem quân đến cứu được 5000 người gồm đàn ông, đàn bà Côn Man ; hộ tống đến định cư tại chân núi Bà Ðen [Tây Ninh]. Nguyễn Cư Trinh đem việc này đàn hặc Thiện Chính đã bỏ dân mới quy phụ, Chúa bèn giáng chức Thiện Chính và cho Trương Phúc Du lên thay. Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du dùng Côn Man làm hướng đạo, đi đánh Cầu Nam và Nam Vang ; Nặc Nguyên phải chạy sang Hà Tiên, nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian, xin dâng đất đầu hàng. Sau khi chấp nhận, Nguyễn Cư Trinh tâu xin dùng dân Côn Man làm trái độn định cư nơi biên giới, được chúa Nguyễn chấp thuận :
“ Thần xem người Côn Man giỏi nghề bộ chiến, người Chân Lạp cũng đã sợ lắm. Nếu cho họ lấy đất ấy để họ chống giữ, “ lấy người Man đánh người Man ” cũng là đắc sách.” (1)
B. Tàm thực :
Tàm thực là sách lược tằm ăn lá dâu, chiếm đến đâu củng cố đến đó, để làm bàn đạp đánh chiếm tiếp nơi khác. Năm Bính Tý [1756] nước Chân Lạp thua, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian, tâu rằng việc đánh phá Côn Man là do Chiêu Chùy Ếch gây ra, xin hiến 2 phủ Tầm Bôn, và Lôi Lạp [vùng đất thuộc các tỉnh dọc sông Hậu Giang hiện nay] và nạp bù lễ cống thiếu 3 năm về trước để chuộc tội. Chúa Nguyễn tỏ ra cứng rắn, bắt phải mang Chiêu Chùy Ếch đem nộp. Nặc Nguyên trả lời rằng tên Ếch đã bị xử tử rồi. Chúa ra lệnh bắt vợ con y, thì Nặc Nguyên kiếm cớ xin tha.
Chúa biết rằng đó là lời nói dối, không chấp thuận. Nguyễn Cư Trinh kịp thời tâu lên rằng không nên vì một lời nói dối mà dùng binh đến cùng. Lấy kinh nghiệm về việc phát triển xứ Gia Ðịnh trước đây, phải bắt đầu mở mang Hưng Phúc, rồi đến Ðồng Nai, sau mới đến Sài Gòn ; bởi vậy ông xin lấy 2 phủ để củng cố vững mạnh thêm, lời xin được chúa Nguyễn Phúc Khoát chấp nhận.
“ Từ xưa đến nay việc dùng binh chẳng qua là trừ diệt bọn đầu sỏ và mở mang thêm đất đai. Nặc Nguyên nay đã biết ăn năn xin hàng nộp đất, nếu truy mãi lời nói dối ấy thì nó tất chạy trốn. Nhưng từ đồn dinh Gia định đến La Bích đường sá xa xôi, nghìn rừng muôn suối, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần cầu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ, mà giữ được thực là khó. Khi xưa mở mang phủ Gia Ðịnh tất phải mở đất Hưng Phúc, rồi đến đất Ðồng Nai, khiến cho quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Gòn, đó là cái kế tằm ăn dần. Nay đất cũ từ Hưng Phúc đến Sài Gòn chỉ hai ngày đường, dân cư còn chưa yên ổn, quân giữ cũng chưa đủ nữa là. Huống từ Sài Gòn đến Tầm Bôn xa sáu ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, quân chính quy đóng giữ thực chẳng đủ...
Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất đai hai phủ ấy, ủy cho thần xem xét hình thế, đặt luỹ đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân và dân, vạch rõ địa giới, cho lệ vào châu Ðịnh Viễn, để thu lấy toàn khu. Chúa bèn y cho.” (2)
C. Dân là gốc của nước :
Nguyễn Cư Trinh chủ trương phải nương dựa vào dân, nếu không cố kết vào dân, thì một ấp cũng không giữ được huống hồ là một nước. Ông đã dâng sớ lên, có đoạn như sau :
“ Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường chẳng dùng ơn huệ để cố kết lòng dân, tới khi có việc thì nương dựa vào đâu ? Trộm nghĩ thói tệ chất chứa ở nhân gian quá nhiều, nếu cứ thủ thường theo cũ, không tùy thời thêm bớt, lập ra kỷ cương, thì một ấp cũng chẳng làm được, huồng hồ là một nước…” (3)
Năm Ất Dậu [1765] chúa Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi, mới 12 tuổi, bấy giờ Trương Phúc Loan chuyên nắm quyền bính, dư luận không ưa ; nên triệu Tham mưu điều khiển Gia Ðịnh Nguyễn Cư Trinh về làm Lại bộ. Trương Phúc Loan cho mình có công lập chúa, chuyên quyền ngang ngược, thường triệu các quan đến nhà riêng bàn việc. Nguyễn Cư Trinh nghiêm nét mặt nói :
“ Bàn việc ở công triều, chế độ đã định từ lâu ; Phúc Loan sao dám vô lễ như thế ! Chực chuyên quyền à ? Loạn thiên hạ, tất là người này ! ” (4)
Các quan nghe lời Nguyễn Cư Trinh không đến dự, Phúc Loan căm giận lắm nhưng vẫn kính sợ. Nhưng đến mùa hè năm Ðinh Hợi [1767] Nguyễn Cư Trinh mất lúc 52 tuổi ; phủ chúa không còn có người để chế ngự quyền thần, nên mau chóng suy bại.
Ngoài sự nghiệp kinh bang tế thế, về lãnh vực văn chương Nguyễn Cư Trinh còn để lại thi tập Ðạm Am và truyện quốc âm Sãi Vãi truyền đời.
*
Trong thời gian bôn ba tại miền Nam Việt Nam, vua Gia Long mấy lần gặp nguy hiểm qua đường tơ kẽ tóc ; mẹ, vợ, con, được dân che chở, yên ổn trong lòng dân. Trải qua nhiều cam go, cuối cùng lấy lại được Gia Ðịnh, để làm bàn đạp chiếm thành Phú Xuân, rồi thống nhất đất nước năm 1802. Sự thành công của vua Gia Long dựa vào nhiều mặt, nhưng yếu tố “ nhân hòa ” (5) là quan trọng nhất. Lời nói của Nguyễn Cư Trinh “ Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường chẳng dùng ơn huệ để cố kết lòng dân, tới khi có việc thì nương dựa vào đâu ? ” đã được chứng nghiệm. Có thể nói, những vị quan thời mở nước như Nguyễn Cư Trinh đã ra công gieo trồng hạt giống “ nhân hòa ” ; để thời phục quốc vua Gia Long được mùa thu hoạch.
Hồ Bạch Thảo
(1) Ðại Nam Thực Lục, tập 1, trang 166 (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2006)
(2) Ðại Nam Thực Lục, tập 1, trang 165-166.
(3) Ðại Nam Thực Lục, tập 1, trang 156.
(4) Ðại Nam Liệt Truyện, tập 1, trang 166 (NXB Thuận Hóa, Huế, 2005)
(5) Người xưa cho rằng thành công trong việc chính trị dựa vào 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Các thao tác trên Tài liệu