Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Nhà cổ tích học Nguyễn Đổng Chi với bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Nhà cổ tích học Nguyễn Đổng Chi với bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

- Nguyễn Thị Huế — published 08/05/2015 11:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Nhà cổ tích học Nguyễn Đổng Chi với bộ
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam


Nguyễn Thị Huế


KTCT_bia


Tiếp theo bộ Lược khảo về thần thoại Việt Nam([1]), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam là bộ sách thứ hai của Nguyễn Đổng Chi nghiên cứu về truyện cổ dân gian. Mục đích của bộ sách này là giới thiệu và tìm hiểu truyện cổ tích Việt Nam trong tư cách một sự tiếp cận hệ thống.

Công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập do Nhà xuất bản Văn sử địa, Nhà xuất bản Sử học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội in trong những năm 1958 – 1982, nhiều tập, được tái bản nhiều lần với số lượng rất lớn([2]). Và gần đây, năm 1993, lần đầu tiên bộ sách lại được in trọn bộ 5 tập, do Viện Văn học xuất bản. Sách in ra dù nhiều, nhưng bao nhiêu cũng chưa đủ, vì từ lâu, niềm khao khát để có được bộ sách trọn vẹn, như một tài sản tinh thần giữ lại cho con cháu, đã là điều mong ước phổ biến ở nhiều người.

Chỉ có thể giải thích sự cuốn hút đáng mừng này chính là do bộ sách đã đáp ứng được nhu cầu mê say đọc truyện cổ tích của người đọc thông thường – một thứ mê say được bồi dưỡng từ thuở lọt lòng – cũng như đã đáp ứng nhu cầu tự thân về sự phát triển của công tác sưu tầm, nghiên cứu, và đổi mới phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam trong những năm gần đây. Chính những điều đó càng góp phần khẳng định vị trí quan trọng của tác giả Nguyễn Đổng Chi trên hành trình hiện đại hóa ngành folklore học dân tộc.

Bằng cuộc đời văn nghiệp của mình, Nguyễn Đổng Chi đã được giới nghiên cứu đánh giá cao ở những đóng góp tích cực cho nhiều bộ môn khoa học xã hội. Riêng đối với khoa học xã hội dân gian, thì có thể nói, cùng với Lược khảo về thần thoại Việt Nam, sự thành công của Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã đưa ông lên hàng ngũ những người đứng đầu vinh dự nhất.


I. “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” – bộ sách lớn nhất quy tụ mọi ngọn nguồn của truyện cổ tích


Mặc dù Nguyễn Đổng Chi đã nói một cách khiêm tốn về bộ sách của mình là chỉ giới hạn trong phạm vi truyện cổ tích của dân tộc Việt, mà chưa có điều kiện đề cập đến kho tàng truyện cổ tích vô cùng phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số, song với cách sưu tầm biên soạn tỉ mỉ thâu lượm hết các nguồn tư liệu cụ thể, đặc biệt có thêm phần khảo dị, trên cơ sở 201 cốt truyện của người Kinh, ông quả đã xây dựng được một tác phẩm có bề dày đáng kể, có kết cấu hệ thống, cuốn hút tâm trí người đọc rộng rãi cũng như giới nghiên cứu khoa học xã hội hàng mấy thập kỷ nay.

Bộ sách là biểu hiện của một công phu lao động nghiêm túc, một sự trân trọng đáng quý đối với di sản văn học dân gian mà cụ thể là thể loại truyện cổ tích của dân tộc ta. Ở đây, bao nhiêu vốn liếng cổ tích do người Việt chắt chiu, sáng tạo, gom góp từ nhiều đời, đã được bảo lưu, được chọn lọc, sắp xếp và trình bày dưới dạng tinh kết. Hơn thế nữa, giá trị nhiều mặt của loại hình cổ tích cũng được nhìn nhận một cách khái quát, toàn cảnh và tổng hợp.

Hơn ai hết, Nguyễn Đổng Chi nhận thức được rằng trong nguồn gốc sâu xa của lịch sử văn hóa dân tộc, truyện cổ tích dân gian nói chung hay truyện cổ tích nói riêng từ rất sớm đã là món ăn tinh thần quan trọng, gắn bó chặt chẽ với người Việt trong cuộc sống hàng ngày. Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, cùng với truyền thống văn hóa dân tộc không hề bị dập tắt, các truyện dân gian về Lạc Long Quân - Âu Cơ, về nguồn gốc dân tộc con Lạc cháu Hồng sinh ra từ một bọc trăm trứng, đến các truyện địa linh nhân kiệt Thánh Gióng, Tản Viên, Tô Lịch, Bà Triệu, Bà Trưng... cũng vẫn trường tồn và có ảnh hưởng sâu đậm ở giữa đời sống. Những câu chuyện này đã sớm được các trí thức phong kiến Việt Nam ghi chép trong những tác phẩm khởi đầu như Báo cực truyện, Giao Chỉ ký, Ngoại sử ký (thế kỷ XII), Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, thế kỷ XIV-XV). Rồi những tập Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), những tộc phả hoặc thần phả do Nguyễn Bính biên soạn, Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Thiên Nam vân lục (Nguyễn Hàng), Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề), Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ – Nguyễn Án), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh), Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn), Vân nang tiểu sử (Phạm Đình Dục)... Nguyễn Đổng Chi đã có con mắt tinh đời khi tiếp cận lại giá trị nhiều mặt của những tác phẩm trên và mạnh dạn tách ra từ đó nguồn truyện kể phong phú của dân gian, làm sống trở lại giọng điệu, phong cách dân gian cho hầu hết những câu chuyện vốn đã được định hình bởi các nhà văn bác học. Đó là một ý hướng khoa học chính đáng, bởi lẽ trước khi trở thành văn bản cố định, các tác phẩm này đã sống trong lòng quần chúng một cách hồn hậu, đúng như nhận xét của Vũ Quỳnh: “Từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều truyền tụng và yêu dấu” (Tựa Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, 1492)([3]).

Không phải chỉ “tìm sử trong truyện, tìm truyện trong sử” ở những tác phẩm trên, Nguyễn Đổng Chi còn thu nhập tư liệu từ hàng loạt tác phẩm khác xuất hiện vào thời Cận đại, như Truyện khôi hài (1882), Ước lược truyện tích nước Nam (1887), Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những truyện hay và có ích (1888) của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của (1880), Tập san Du Lãm và quan sát (Landes, 1886), Truyện đời xưa mới in ra lần đầu hết (Génibrel, 1899), Nam Hải dị nhân liệt truyện (Phan Kế Bính), Truyện Trương Chi (Chu Ngọc Chi, 1928), Truyện Đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên vương (Lê Triệu Hoàn – Trần Trung Viên, 1929), Truyện cổ nước Nam (Nguyễn Văn Ngọc, 1932), Tô thị vọng phu (Nguyễn Thúc Khiêm, 1936)... cùng nhiều sách báo tiếng Việt và nhất là tiếng Pháp quan trọng khác, v.v. Ngoài ra, Nguyễn Đổng Chi còn dựa vào một vài nguồn tài liệu không kém phần lý thú: các bản thần tích, thần phả ở miếu đền, các đạo sắc phong thần, các bản khai bằng chữ Nôm của Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội, các xã chí, huyện chí, và tộc phả ở rất nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.

Trong tình hình tư liệu có thể, Nguyễn Đổng Chi lại mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu, hướng về một mảng khá nhiều những tác phẩm của Trung Quốc và Ấn Độ – “hai nền văn minh vĩ đại và cổ kính trên thế giới, lại gần gũi về không gian với Việt Nam” – trong đó có chứa đựng những dị bản truyện cổ tích hoặc có liên quan tới truyện cổ tích. Đối với thư tịch Trung Quốc, ông quan tâm tới những chuyên tập như: Liệt tiên truyện (Lưu Hướng), Cao sĩ truyện (Hoàng Phủ Mật), Bác vật chí (Trương Hoa, thế kỷ III), Thần tiên truyện (Cát Hồng), Sưu thần ký (Can Bảo, thế kỷ IV), Thần dị kinh, Sưu thần hậu ký, Linh ứng lục, U minh lục, Minh tường ký, Dị uyển (thế kỷ VII), Lục dị ký, Văn kỳ lục, Dậu dương tạp trở (thế kỷ IX), Thái Bình quảng ký (thế kỷ X), Văn kiến tiền lục, Văn kiến hậu lục, Tục bác vật chí (Thế kỷ XIII), Bao Công kỳ án, Tây dương ký (Thế kỷ XVI), Liêu trai chí dị, Tân tề hài (thế kỷ XVIII). Bên cạnh đó là những thư tịch khác, tuy không phải chuyên tập nhưng cũng chứa đựng rất nhiều yếu tố truyện cổ như sử ký thì có Sử ký, Tả truyện...; địa lý có Thủy kinh chú, Sơn hải kinh; tiểu thuyết có Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Kim cổ kỳ quan, Cổ kim tiểu thuyết; giáo huấn có Nhị thập tứ hiếu, Ám thất đăng, v.v.

Nguyễn Đổng Chi cũng tìm tới các truyện cổ tích được ghi chép trong các bộ kinh sách lớn của Ấn Độ mà học giả phương Tây từ thế kỷ trước đã đánh giá rất cao và coi chúng là nguồn gốc duy nhất của truyện cổ tích thần kỳ thế giới, bởi chúng giữ lại được khá nhiều sắc thái quái dị hoang đường nguyên thủy. Đó là các bộ kinh như: Kinh Vêđa (khoảng 2.500 – 500 năm trước CN), Avađana Jataka (Lịch sử các tiền kiếp của đức Phật, thế kỷ III trước CN), Bộ kinh Mahabharata (thế kỷ II trước CN – IV sau CN), Kathaxaritxagara (Biển truyện, thế kỷ II, III, IV), Panchatantra (thế kỷ II – V), Brihatcatha (thế kỷ II hoặc từ thế kỷ III – thế kỷ V), Vêtala (thế kỷ XII), v.v. và nhiều những tập sưu tầm khác, chẳng hạn: Truyện giáo lý Puraha, hay Thánh ca Thượng đế Bhagavat Gita...

Sau tất cả những tìm tòi phát hiện và thu thập nói trên, còn phải kể đến công phu sưu tầm, điền dã của Nguyễn Đổng Chi trong vòng 50 năm, nó giúp ông vừa tìm thêm những nguồn tư liệu sống động, tươi rói không có trong sách vở hoặc có giá trị bổ sung cho sách vở, vừa có điều kiện hình dung rõ ràng hơn một diện mạo đích thực của cổ tích mà mình phải góp phần dựng lại – một thứ cổ tích không xơ cứng mà tồn tại uyển chuyển, tự nó, như nó vẫn tồn tại từ miệng này qua miệng khác ở giữa cuộc đời.

Và đến đây, cái gia tài cổ tích của Nguyễn Đổng Chi đã có thể nói là hoàn thành, với một sức chứa không kém phần bề bộn. Mục tiêu tiếp cận thể loại đòi hỏi ông bước sang một giai đoạn mới trong thao tác nghiên cứu. Hơn ai hết, ông là người hiểu rõ ý nghĩa lớn lao của tuyển tập mà ông nung nấu trong nhiều thập kỷ. Tòa kiến trúc Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do ông tạo dựng lên từ những chất liệu quý giá và đáng tin tưởng đó thực sự là một tập đại thành của mọi ngọn nguồn cổ tích bản địa.


II.  Khảo dị – thao tác đầu tiên đem lại cho truyện cổ tích Việt Nam một cái nhìn đối sánh


Vượt xa tất cả những tuyển tập sưu tầm khác, Nguyễn Đổng Chi đã làm cho truyện cổ tích Việt Nam bội thu lên rất nhiều, nhờ cách kể chuyện có thêm phần “khảo dị”. Đây là một công việc đối chiếu vất vả, đòi hỏi một sự kiên trì tìm kiếm công phu, nhưng kết quả của nó là mỗi một cốt truyện thường phát hiện ra không ít những cốt truyện tương đồng mà ta gọi là dị bản, có khi có tới hàng chục, hàng vài chục dị bản khác nhau. Cách làm thật khác với trước ông và cũng là hết sức mới mẻ đối với đương thời, một thao tác quan trọng đưa đến cho truyện cổ tích Việt Nam một diện mạo phong phú mới. Với công việc này Nguyễn Đổng Chi tất nhiên không đơn thuần chỉ là người sưu tầm, tập hợp truyện cổ tích. Ông còn là người có một nhãn quan mới trong phương pháp nhìn nhận truyện cổ tích theo những sơ đồ cấu trúc hệ thống, xuất phát từ hai quy luật vận động song hành: vừa không ngừng tiếp nhận ở ngoài vào vừa kết hợp với những môtip vốn có nguồn gốc nội sinh. Đúng như Nguyễn Đổng Chi đã nhận thấy: trên hành trình lịch sử, mỗi dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình, song mặt khác, cùng với những yếu tố bản địa, sự tự sinh văn hóa trong lòng dân tộc, “vốn liếng tinh thần quý giá ấy lại luôn luôn ánh xạ lẫn nhau trong mối quan hệ hội nhập và giao lưu văn hóa” giữa dân tộc này và dân tộc kia. Ông nói trong lời Tổng luận: “Theo chúng tôi, truyện cổ tích cũng như mọi sản phẩm văn hóa khác, nhất là những sản phẩm không tên tác giả, nghĩa là những sản phẩm có xu thế hoàn chỉnh giá trị trên quá trình lưu chuyển, sau khi xuất hiện tại một vùng nào đấy sẽ dễ dàng được nhiều người khác hoàn chỉnh và trở thành tài sản chung của cả xã hội (cái bất biến), và từ đó nó sẵn sàng vượt biên giới xứ sở để gia nhập vào tài sản tinh thần của một dân tộc khác dù xa hay gần. Cho nên có hiện tượng lặp đi lặp lại, hiện tượng dị bản trong truyện cổ tích...” (Tập V, tr. 2528) ([4]). Điều đó có nghĩa là trong gia tài truyện cổ tích của mỗi dân tộc có những cốt truyện riêng độc đáo, nhưng cũng sẽ có những cốt truyện mang tính chất phổ biến, những cốt truyện mà một số dân tộc khác, thậm chí hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có. Xuất phát từ những ghi nhận đó, Nguyễn Đổng Chi đã thấy tính chất quốc tế là một hiện tượng nổi bật và độc đáo của truyện cổ tích. Truyện cổ tích có khả năng di chuyển từ dân tộc này sang dân tộc kia, từ địa phương này đến địa phương khác, vượt qua mọi ranh giới về ngôn ngữ, về lãnh thổ của các quốc gia...

Các nhà nghiên cứu truyện cổ tích thế giới từ lâu từng chú ý đến hiện tượng này và đã từng công bố những con số thống kê đáng kinh ngạc. Nhưng ở các nước phương Đông và nhất là ở Việt Nam thì vấn đề này hầu như chưa được khảo sát. Và người đi tiên phong, người đầu tiên ở Việt Nam chính là ông – Nguyễn Đổng Chi, người đã có công giới thiệu, tập hợp những cốt truyện cổ tích của người Việt cùng với biết bao những cốt truyện cùng kiểu có quy mô phổ biến trên toàn quốc gia và trên thế giới trong tuyển tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

Một mặt Nguyễn Đổng Chi sưu tập tài liệu truyện cổ tích từ ngọn nguồn, với sự am hiểu kỹ càng và sâu rộng về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt. Mặt khác, ông đã vượt qua mọi trở ngại về ngôn ngữ, khoảng cách và thời gian để thu thập thêm rất nhiều cốt truyện của các dân tộc Việt Nam khác và của phương Tây. Trong toàn bộ 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi đã lần lượt giới thiệu với người đọc qua mỗi một cốt truyện của người Việt là một tập hợp về các cốt truyện cổ tích, các hiện tượng, nhân vật, các môtip tương đương rút ra từ truyện cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau. Đó là truyện cổ tích của hàng chục các dân tộc ít người ở Việt Nam như: Bana (Bahnar), Cơho, Hơrê (Hré), Khơme (Khmer), Chàm, Êđê (Édé), Jarai (Djarai), Mường, Thái, Tày, Nùng, H’mông, Khơmú (Kh’mou), v.v. Và đó cũng là truyện cổ tích của rất nhiều dân tộc thuộc cả 5 châu lục: Á, Âu, Phi, Úc, Mỹ, v.v. với sự hiện diện của tên gọi nhiều nước như: Nga, Anh, Pháp, Tiệp, Bungari, Ba Lan, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Islan, Ý, Tây Ban Nha, Anbani, Rumani, Latvi, Extôni, Phần Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, v.v.

Bản kể có khảo dị – việc làm đó khẳng định quan niệm đúng đắn của Nguyễn Đổng Chi về đặc trưng cũng như quy luật vận hành của loại hình cổ tích, và cũng là thành quả cao nhất mà giới nghiên cứu vẫn luôn mong đạt tới. Việc làm đó cũng đã phủ nhận lối sưu tầm, ghi chép kể truyện cổ tích đơn giản, xuất hiện trong điều kiện khoa văn bản học cổ tích chưa mấy phát triển trước đây. Do vậy, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng là cuốn sách đi đầu về một phương pháp văn bản cổ tích khoa học, đã mở ra một triển vọng cho khoa so sánh văn học dân gian, đem đến cho người đọc cái nhu cầu hiểu biết sâu rộng về các cốt truyện cổ tích gần nhau, đồng thời cũng giúp người nghiên cứu một sự tận thu các nguồn tư liệu hữu ích.


III. Những nhận định tổng quát – dự cảm đúng hướng về một cách nhìn đổi mới, toàn diện đối với truyện cổ tích


Cấu thành nên toàn bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi là 2.740 trang sách. Một phần rất lớn số trang – phần II của bộ sách – được dành cho hơn 200 cốt truyện chọn lọc, sắp xếp theo hệ thống. Phần đầu và phần cuối bộ sách là những luận điểm khoa học, những nhận định tổng quát về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

Kết cấu đó thể hiện mục tiêu mà nhà khoa học Nguyễn Đổng Chi muốn đặt ra cho cuốn sách của mình là: đó không chỉ đơn thuần là một tác phẩm sưu tầm. Thật vậy, cuốn cách về hình thức đúng là một tuyển tập sưu tầm dày dặn hiếm có, còn về ý nghĩa nội dung thì thực sự đã là một đáp ứng đối với việc nghiên cứu khoa cổ tích học hiện nay.

Ngay trong phần sưu tầm, Nguyễn Đổng Chi cũng đã thể hiện rõ ý đồ nghiên cứu, bởi cách ông dẫn dắt chúng ta đi thăm kho tàng truyện cổ tích Việt Nam theo một hệ thống sắp xếp thật rạch ròi của 201 cốt truyện. Thêm nữa, cuối phần sưu tầm, còn có một bảng Thư mục nghiên cứu và gần đây lại được bổ sung một Bảng tra cứu tên truyện([5]), chỉ ra toàn bộ các tên truyện và cốt truyện hiện diện trong sách (kể cả các truyện có tên ở Khảo dị – phải tính đến con số hàng nghìn) để giúp người đọc cùng người nghiên cứu tiện lợi trong việc tra cứu, truy tìm.

Hàng chục năm nay, công lao sưu tầm của Nguyễn Đổng Chi và giá trị sử dụng, giá trị lưu giữ các cốt truyện cổ tích của Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã được khẳng định, được đánh giá rất cao. Thực ra, trên thế giới, tên tuổi của những người thành công, được đánh giá cao trong lĩnh vực sưu tầm và kể truyện dân gian như vậy cũng không phải thật nhiều. Có thể kể tới anh em Grimm người Đức với tuyển tập Truyện cổ Grimm, Pourra người Pháp, và nhà văn học dân gian dân chủ người Nga A. N. Afanassiev với bộ sưu tầm Truyện cổ dân gian Nga vĩ đại của ông... Ngoài ra là một Perrault người Pháp, một Andersen người Đan Mạch nặng về phần tài hoa trong kể truyện hơn là sưu tầm và hệ thống.

Mục đích nghiên cứu, phương pháp luận nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi chủ yếu thể hiện ở phần ông dành cho việc trình bày những luận điểm khoa học, những nhận định về truyện cổ tích. Ở đây, nhiều vấn đề đã được ông đặt ra và giải quyết.

Trong kho tàng truyện cổ dân gian phức tạp và rộng lớn mà Nguyễn Đổng Chi ví như “một khu rừng trong đấy có nhiều loại cây: cây to, cây nhỏ, gỗ tốt, gỗ xấu, mọc chằng chịt lẫn lộn”, không phải hiếm những cốt truyện thuộc thể loại cổ tích. Nhưng việc xác định chúng ra sao, theo những tiêu chuẩn nào, từ trước tới nay nhiều soạn giả đã tiến hành phân loại, song vẫn không tránh khỏi sự sơ sài, lộn xộn. Đó là cách phân chia của Nguyễn Văn Ngọc trong Truyện cổ nước Nam([6])với 5 loại: những truyện cổ tích dã sử; những truyện thành câu phương ngôn, lý ngữ; những truyện thuần về văn chương, những truyện ngụ ý cao xa; những truyện vui chơi, tiêu khiển. Hoặc Nghiêm Toản trong Việt Nam văn học sử trích yếu([7])với 4 loại: truyện mê tín hoang đường, truyện luân lý ngụ ngôn, truyện phúng thế hài đàm, truyện sự tích các thánh. Hoặc nữa, Thanh Lãng trong Văn học khởi thảo – văn chương bình dân([8])với 7 mục: truyện ma quỷ; truyện anh hùng dân tộc; truyện ái tình; truyện luân lý; truyện thần tiên, truyện phong tục, truyện khôi hài.

Đến Nguyễn Đổng Chi, ông đã chia truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam thành ba loại: Truyện cổ tích thần kỳ; truyện cổ tích thế sự; truyện cổ tích lịch sử. Nhìn chung, đó là một sự phân chia tương đối hợp lý hơn cả vì cách phân chia này của ông chủ yếu dựa vào đặc trưng loại hình của truyện, được biểu hiện ở một số tiêu chí có giá trị khu biệt thành một số kiểu truyện. Tất nhiên đây là một vấn đề rất khó. Chính Nguyễn Đổng Chi cũng còn rất dè dặt trong vấn đề này. Ông viết: “Thực ra đối với cổ tích và ngay cả đối với truyện cổ dân gian nói chung, bất kỳ một sự phân chia nào cũng chỉ có ý nghĩa chính xác tương đối” (Tập I, tr.72). Nói như vậy song chính ông cũng khẳng định: “Thế thì phải chăng không thể phân loại truyện cổ tích một cách rành mạch được? Chắc chắn không phải. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào hình thức, vào những yếu tố tạo nên cái vẻ bề ngoài của truyện cổ tích để phân loại, thì chỉ mới nhìn vào hiện tượng mà chưa nắm được bản chất” (Tập I, tr.55).

Trên thực tế, Nguyễn Đổng Chi đã nắm vững và giải quyết khá triệt để những vấn đề cơ bản của thể loại truyện cổ: vấn đề ranh giới, biên độ, cùng vấn đề nguồn gốc, con đường phát triển của truyện cổ tích, v.v. Điều đó đã giúp ông đưa ra được một quan điểm phân loại truyện cổ tích hợp lý và nhất quán, phù hợp với hiện trạng thực tế của kho tàng cổ tích dân tộc (ví dụ, theo ông, truyện cổ tích loài vật ở Việt Nam hiện còn chỉ chiếm một số lượng ít ỏi, không đủ để đứng riêng thành một loại hay tiểu loại trong bảng phân chia của ông).

Từ việc trình bày toàn bộ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tiến tới việc nắm vững đối tượng này về mặt tổng thể như trên, Nguyễn Đổng Chi đã cố gắng thử xác định một cách hệ thống, ở mức độ bao quát, những đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam. Ông chú tâm vào những yếu tố tưởng tượng thần kỳ của loại hình truyện cổ tích Việt Nam, chất liệu đời sống của truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Việt Nam với vai trò người phụ nữ, ước mơ tình yêu và hôn nhân tự do... Từ đó, truyện cổ tích Việt Nam đã được Nguyễn Đổng Chi quy tụ ở bốn đặc điểm:

1– Yếu tố tưởng tượng trong loại hình truyện cổ tích Việt Nam nói chung ít xa lạ với nhân tính; loại truyện sinh hoạt chiếm một tỷ lệ tương đối cao, loại truyện thần kỳ, truyện loài vật, truyện phiêu lưu mạo hiểm chiếm một tỷ lệ tương đối thấp.

2– Truyện cổ tích Việt Nam thấm đậm chất liệu đời sống xã hội Việt cổ, là biểu trưng nghệ thuật của cái hiền hòa, nhân ái, hay tính chừng mực trong tâm lý dân tộc.

3– Tính cách phê phán hiện thực khá đậm trong truyện cổ tích Việt Nam, nhân vật tích cực thường tỏ ra không bằng lòng với trật tự tập tục có sẵn, phản ứng lại cái ti tiện tầm thường.

4– Truyện cổ tích Việt Nam có một mảng đáng kể nêu bật vai trò tích cực của người nữ; đề cập đến ước mơ tình yêu và hôn nhân tự do.

Khi nêu lên các đặc điểm trên của truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi đã hướng sự quan tâm của mình tới cả nội dung lẫn nghệ thuật: nội dung phản ánh hiện thực, phương thức ngụ ý của cổ tích cũng như mối quan hệ giữa truyện cổ tích với đời sống xã hội, nhằm đề xuất những vấn đề lý luận cho thể loại truyện cổ tích này. Nguyễn Đổng Chi đã muốn xem xét truyện cổ tích với cách nhìn của sự kết hợp giao hòa giữa nhiều quan điểm, cũng tức là ông đã nhìn nhận truyện cổ tích ở các góc nhìn phong phú khác nhau. Các phương pháp như loại hình học, thống kê, so sánh lịch sử, nghiên cứu theo “típ” và môtip, phương pháp vẽ sơ đồ, cấu trúc, mô hình hóa truyện cổ tích, các cách tiếp cận truyện cổ tích theo chiều phát triển lịch sử, theo không gian và thời gian, giữa đồng đại và lịch đại... đều được Nguyễn Đổng Chi ứng dụng khá nhuyễn trong thao tác nghiên cứu nhằm rút ra những đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam. Khi đúc kết mỗi một đặc điểm, Nguyễn Đổng Chi bao giờ cũng minh họa bằng những dẫn dụ kết hợp với sự phân tích lôgic, nên mang tính thuyết phục. Được như vậy vì ông đủ khả năng và điều kiện chiếm lĩnh đối tượng về mặt thông tin, tư liệu, mà theo ông thì “sự giới hạn về tư liệu dẫn đến những sai lầm về phương pháp luận”. Có thể nói, ở Nguyễn Đổng Chi vừa thể hiện một sự tìm tòi đến say mê trong những trải nghiệm khoa học của mình, mặt khác cũng vừa có cả một sự chừng mực, nghiêm túc, giúp cho ông không rơi vào cực đoan trong các luận điểm.

Nhằm hướng tới phương pháp tiếp cận truyện cổ tích một cách toàn diện, Nguyễn Đổng Chi còn tìm hiểu, giới thiệu tất cả những trường phái nghiên cứu truyện cổ dân gian hiện đại thế giới. Có rất nhiều trường phái, mỗi một trường phái có sự đóng góp nhất định và thường khi lại mâu thuẫn với nhau, song điều rất quan trọng là chúng đã tập hợp lại thành một bức tranh tổng quát về việc nghiên cứu truyện cổ dân gian trên thế giới.

Với xu hướng tiếp thu các trường phái này bằng tinh thần tỉnh táo, và đầu óc chủ động, sáng tạo, Nguyễn Đổng Chi đã tóm bắt đúng diện mạo của các trường phái ấy: từ trường phái Thần thoại ngữ văn Ấn - Âu của anh em Grimm người Đức, cho đến trường phái Lịch sử - Địa lý Phần Lan của hai cha con Kroln (Julius Kroln và Karle Kroln), với người đại diện xuất sắc và cũng là người tiếp tục là Anti Aarne và Stith Thompson... Với cái nhìn trân trọng, ông khẳng định: “Mặc dầu không thể không cảnh giác trước bao nhiêu ý kiến lệch lạc của các trường phái này, trong đó có những thiên kiến hẹp hòi, thậm chí có người đã sa đà vào chủ nghĩa chủng tộc, người ta vẫn không kém ngạc nhiên trước những thành tựu to lớn mà các trường phái nói trên đã tổng hợp được. Nó cho phép gạn lọc để đi dần tới một phương pháp thực sự đúng đắn, qua đó có thể nhìn nhận truyện tự sự dân gian của mọi dân tộc như là một di sản tinh thần thống nhất, với những đặc trưng thống nhất về tư tưởng cũng như loại hình” (Tập V, trang 2520-2521).

Thông qua việc tiếp cận với các trường phái, Nguyễn Đổng Chi đã xác định: trong bối cảnh chung hiện nay “không phải là sự so sánh đơn thuần mà phải bằng cách nghiên cứu rộng rãi theo phương pháp lịch sử – loại hình” mới có thể hiểu và giải quyết thấu triệt các mối quan hệ nhằm nghiên cứu truyện cổ tích một cách khách quan và có hiệu quả nhất (Tập V, tr. 2526-2528).

Xuất phát từ cách nhìn nhận đó, Nguyễn Đổng Chi đã đi tới việc tìm cái “chung” và cái “riêng” của loại hình truyện cổ tích Việt Nam. Ông đặt truyện cổ tích Việt Nam trong mối quan hệ giao lưu quốc gia và quốc tế, để từ đó khẳng định sự thu hút tinh hoa của truyện cổ tích Việt Nam là từ nguồn trong nước với kho truyện cổ của các dân tộc anh em, và nguồn nước ngoài với chủ yếu là kho truyện Ấn Độ và Trung Hoa bộn bề, phong phú. Cũng từ đấy, ông có cơ sở để nêu lên nhiều dẫn liệu khá đắt nhằm minh định một cách khả tín con đường hoán cải  lâu dài các “tip” và môtip trong lịch sử tiếp biến truyện cổ tích của người Việt đối với kho truyện thế giới, nhất là kho truyện của Trung Hoa, Ấn Độ, thông qua phong tục, tập quán và tâm lý tiếp nhận của chủ thể tiếp nhận. Cũng từ đấy, ông tiến đến “bước đầu xác định nguồn gốc và cấu trúc bản địa của truyện cổ tích Việt Namvới một số mô hình tiêu biểu thuộc các tiểu loại thần kỳ, tiểu loại lịch sử, tiểu loại nửa thế sự, tiểu loại thế sự... Mỗi nhóm truyện được ông trưng dẫn, qua cách lý giải thấu đáo, đều cho thấy chúng được kết hợp hợp lý theo từng “típ” nhất định, và sự kết hợp này vốn đã ăn sâu bén rễ lâu đời trong cội nguồn tư duy văn hóa Việt Nam.

*

Lịch sử ngành nghiên cứu truyện kể dân gian thế giới đã có bề dày ngót 200 năm kể từ việc anh em Grimm xuất bản tập sưu tầm đầu tiên vào năm 1822. Với tư cách là một ngành khoa học độc lập, tính đến nay đội ngũ các nhà sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ dân gian thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Còn ở Việt Nam thì có lẽ phải đến những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ này với sự xuất hiện của các công trình chuyên khảo như Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám([9]) của Đinh Gia Khánh; Người anh hùng làng Dóng([10]), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam([11]) của Cao Huy Đỉnh;Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi mới có thể nói là truyện kể dân gian Việt Nam được nhìn nhận như một thể loại riêng biệt. Nguyễn Đổng Chi là một trong những người đi tiên phong nên không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế, nhưng là một nhà khoa học đầy nhiệt tâm, ông đã lần lượt soi rọi được một cách trọn vẹn, thấu tình và đạt lý các vấn đề đặc trưng và bản chất của thể loại qua việc nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam.

Trải qua thời gian, những nhận định tổng quát, những ý kiến của Nguyễn Đổng Chi về truyện cổ tích trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã được nhiều người đánh giá là những kết luận có ý nghĩa học thuật cao. Đó thực sự là những đóng góp quan trọng, những gợi mở giúp cho giới nghiên cứu folklore Việt Nam đi dần tới việc nắm bắt đúng đắn truyện cổ tích – đối tượng nghiên cứu rộng lớn phong phú và cũng là phức tạp nhất trong các thể loại văn học dân gian Việt Nam.

Trên dưới nửa thế kỷ đến với truyện cổ tích, Nguyễn Đổng Chi đã nêu tấm gương của một người lao động cần cù và tài năng, có bản sắc và tự tin vào công việc bình dị mà cao đẹp của mình. Ông đã vừa là người nghệ sĩ sáng tạo trong việc nhuận sắc kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đồ sộ, đồng thời vừa là nhà học giả uyên bác và tâm huyết bởi công lao khơi sâu, mở rộng cho những hướng nghiên cứu mới mẻ, toàn diện về truyện cổ tích Việt Nam nói riêng và truyện dân gian Việt Nam nói chung. Tên tuổi Nguyễn Đổng Chi, tuyển tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cùng những đóng góp khoa học lớn lao của ông đã và sẽ mãi mãi giữ vị trí xứng đáng trong lịch sử ngành nghiên cứu văn học dân gian nước nhà.

 

PGS TS NGUYỄN THỊ HUẾ

trong Nguyễn Đổng Chi, người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996; tr 171-190

 

 

 

 


[1]     Nxb. Văn sử địa, Hà Nội, 1956; In lần thứ hai,  cùng năm.

[2]    Thí dụ: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập III, in lần thứ hai (1973) 10 vạn cuốn; Tập IV (in 1975) 10 vạn cuốn.

[3]     Lĩnh Nam chích quái (Đinh Gia Khánh – Nguyễn Ngọc San dịch), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1960.

[4]     Trích theo bản in trọn bộ năm 1993 của Viện Văn học. Các trích dẫn tiếp sau đều như vậy.

[5]     Bảng tra cứu tên truyện này do Ban Văn học Cổ cận đại Viện Văn học bổ sung.

[6]   Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam, 2 tập, Vĩnh hưng long thư quán xuất bản, Hà Nội, 1933–1934.

[7]     Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu, Nhà sách Vĩnh bảo xuất bản, Sài Gòn, 1949.

[8]     Thanh Lãng, Văn học khởi thảo – văn chương bình dân, Phong trào văn hóa xuất bản, Hà Nội, 1954.

[9]     Đinh Gia Khánh, Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1968.

[10]    Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Dóng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969.

[11]    Cao Huy Đỉnh,Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hồ sơ Nguyễn Đổng Chi
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us