Orhan Pamuk, nhà văn của những nhịp cầu
Orhan
Pamuk,
nhà văn của những nhịp cầu
Đỗ Tuyết Khanh
Giải
Nobel văn chương năm nay về tay một nhà văn Thổ Nhĩ
Kỳ, còn tương đối trẻ vì tuổi chỉ mới
ngoài 50, và viết còn tương đối
ít:
ngoài các bài phân
tích hay tiểu
luận đăng trên các tạp chí trong nước
và
ngoại quốc, ông
chỉ có 8 tiểu thuyết sau
hơn ba mươi năm cầm bút. Song tiếng tăm của Orhan
Pamuk vượt xa con số khiêm tốn ấy. Ngay từ đầu,
ông đã gây chú ý
và càng
về sau những cuốn sách của ông càng
bán
chạy trong nước, đến nay đã được dịch ra hơn
40 thứ tiếng, đưa ông trở thành một trong
những nhà văn quốc tế được ưa chuộng nhất hiện
nay.
Có thể đánh giá vị trí của Orhan Pamuk trong làng văn quốc tế qua những bài điểm sách đăng trên những tờ báo lớn và có uy tín như : The Times Literary Review, The Times Literary Supplement, The Economist, The Guardian, The Independent, The New Yorker, The New York Times Book Review, Publishers Weekly, The Village Voice, Le Nouvel Observateur, Le Monde, v.v. Trong số này, không ít bài mang chữ ký của các nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng như Margaret Atwood, Paul Bailey, Paul Berman, Jonathan Coe, Patrick McGrath, Tom Payne, Joan Smith, John Updike, Ronald Wright, v.v.
Orhan Pamuk là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được giải Nobel. Trước đó, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học quốc tế : Prix France Culture và Independent Award for Foreign Fiction năm 1990 cho quyển Kara Kitap (The Black Book – Cuốn sách đen), Prix de la découverte européenne 1991 cho Sessiz Ev (The House of Silence – Ngôi nhà im ắng), Prix Méditerranée étranger 2006 và Prix Médicis étranger 2002 cho Kar (Snow – Tuyết). Và nhất là Benim Adim Kirmizi (My Name is Red – Tên tôi là Đỏ) xuất bản năm 1998, đoạt ba giải : Prix du meilleur livre étranger (Pháp), Grinzane Cavour (Ý) năm 2002 và International IMPAC Dublin Literary Award năm 2003. Cuối năm 2005, cùng lúc ông nhận hai giải thưởng lớn của Đức: Ricarda-Huch Preis của thành phố Darmstadt và giải hoà bình của các nhà sách Đức (Friedenspreis des Deutschen Buchhandels). Nhà văn Maureen Freely, cũng là dịch giả của Snow và cuốn sách mới nhất, Ystanbul, Hatiralar ve Sehir (Istanbul, Memories of a City – Istanbul, Hồi ức về một thành phố), viết về My Name is Red như sau : "Đây là một tác phẩm gần như tuyệt hảo. Chỉ còn thiếu mỗi giải Nobel". Nhà phê bình văn học và kịch tác gia Tom Payne khi viết về Snow thì nói: "Orhan Pamuk là loại nhà văn vì họ mà sinh ra giải Nobel".
Song con đường đến văn chương và danh vọng cũng gian nan. Sinh năm 1952 tại Istanbul, Pamuk lớn lên trong một gia đình giàu có, chịu ảnh hưởng Tây phương. Ông nội của cậu bé Orhan là kỹ sư cầu cống, lập nghiệp vào đầu thập niên 1930, đúng lúc nền Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ mới thành lập đang dồn đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt. Khi ông chết, mới 52 tuổi, ông để lại một cơ nghiệp đồ sộ tới mức hai người con trai của ông "làm ăn thua lỗ bao nhiêu lần cũng vẫn không hoàn toàn tiêu hao hết". Cha của Orhan là người vui tính, hào phóng, chuộng văn chương Pháp, đeo đuổi những ham mê riêng của mình và thường xuyên ở Paris. Với một người cha yêu chiều con nhưng hay vắng nhà, Orhan và anh trai Shevket lớn lên giữa mẹ và bà nội, trong toà nhà 5 tầng của cả đại gia đình, đầy ắp đồ đạc và di ảnh, cổ kính và âm u như một viện bảo tàng. Hai anh em cùng theo học tại Robert College, trường trung học Mỹ đầu tiên thành lập ngoài nước Mỹ năm 1863. Khi Shevket sang Mỹ du học tại đại học Yale thì Orhan học kiến trúc tại Đại học Kỹ thuật Istanbul. Nhưng người thanh niên hay trốn học từ nhỏ để lang thang trên các đường phố Istanbul, sống nhiều trong thế giới mộng tưởng của mình, say mê vẽ và chọn kiến trúc như một nghệ thuật, ngày càng bị lôi cuốn bởi quá khứ Istanbul, đắm chìm trong không khí u hoài toát ra từ những tàn dư của La Sublime Porte lẫy lừng ngày xưa. Orhan nhận ra là mình không có tham vọng thành kiến trúc sư hay họa sĩ. Bỏ học, bỏ cả vẽ, quay sang học báo chí, Orhan tốt nghiệp nhưng không đi làm, và năm 23 tuổi quyết định rút về căn phòng của mình và sống chỉ để viết văn.
"Cho đến năm 30 tuổi, tôi chưa kiếm được đồng xu nào. Phải sống với mẹ và không ai chịu in sách mình, tôi xấu hổ biết chừng nào." (Pamuk trả lời phỏng vấn báo Le Monde). Sự nghiệp văn chương của Pamuk bắt đầu bằng 7 năm trời khổ công tìm nhà xuất bản cho cuốn sách đầu tay Cevdet Bey Ve Ogullari (Cevdet Bey and Sons – Cevdet Bey và các con trai), chuyện ba thế hệ một gia đình giàu có ở Nisantasi, khu thượng lưu của Istanbul, nơi gia đình Pamuk ở. Đến năm 1982, cuốn sách mới được ra đời và đoạt ngay hai giải văn học Orhan Kemal và Miliyet của Thổ Nhĩ Kỳ. The House of Silence, 1983, củng cố tên tuổi của Pamuk ; và Beyaz Kale (The White Castle – Lâu đài trắng), 1985, là tác phẩm đầu tiên của ông được dịch sang tiếng Anh, đưa ông lên văn đàn quốc tế. Các tác phẩm sau đó đều được dịch ra tiếng nước ngoài, ca ngợi và thành công. Yeni Hayat (The New Life – Cuộc đời mới), 1994, là cuốn sách bán chạy nhất trong văn chương đương đại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà văn của một thành phố, của
u hoài
Một
chữ cơ bản trong văn Pamuk là hüzün ( melancholy) tạm
dịch là u
hoài. Trong
Istanbul,
Pamuk dành cả một chương để giải
thích khái niệm đó, từ ý
nghĩa
nguyên thủy của chữ hüzün
trong Hồi
giáo (sự mất mát) đến bức tranh muôn
mặt
của thành phố, diễn tả một tâm trạng phức
tạp pha lẫn phiền muộn, tiếc nuối, bi quan, và cả
tự ái, kiêu hãnh. Khác với
các
mal du siècle
và Weltschmerz
của phong
trào Lãng mạn thế kỉ thứ 19 tại Âu
châu, ở đây không phải là một
sự
buồn chán cá nhân mà
là một não
trạng tập thể, bao trùm cả thành phố,
và
có lúc cụ thể như một hiện vật: "những
buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, khi mặt
trời bất chợt chiếu lên eo biển Bosphorus và
một làn hơi nước mỏng lãng đãng bay
lên, hüzün lúc ấy dày
đặc đến
nỗi tưởng như có thể sờ được, thấy được nó
lan ra như tấm phim nhựa bao bọc mọi con người và
cảnh vật" (Istanbul,
trang 89). Hüzün
là nỗi buồn phải sống ngày qua ngày
giữa
những tàn tích của một thời kỳ huy
hoàng
đã qua và sẽ không trở lại.
Tác phẩm và tâm tư Pamuk gắn liền với thành phố Istanbul, với những thăng trầm của gia đình và lịch sử của đất nước. Tuy chịu ảnh hưởng văn hoá Tây phương, nhưng so sánh với Conrad, Nabokov, Naipaul, "những nhà văn du mục giữa các tiếng nói, văn hoá, xứ sở và cả lục địa khác nhau, nuôi dưỡng trí sáng tác của mình bằng sự tha hương, không phải bằng nguồn cội mà bằng sự thiếu vắng nguồn cội", Pamuk nhận định: "trí sáng tác của tôi bắt tôi chỉ ở trong một thành phố, một con đường, một ngôi nhà, chỉ nhìn ra một quang cảnh. Số phận của Istanbul là số phận của tôi: tôi gắn bó với thành phố này vì con người tôi thế nào là do nó làm ra". (Istanbul, trang 6).
Orhan Pamuk là nhà văn của một thành phố. Tất cả các tác phẩm của ông, trừ Snow, đều đặt trong bối cảnh Istanbul, kể cả The Black Book ông viết trong lúc là giáo sư thỉnh giảng (visiting scholar) tại Đại học Columbia, New York, từ 1985 đến 1988. Song, người đọc Istanbul, Memories of a City không thể tưởng tượng thành phố được miêu tả với nhiều bức hình đen trắng cũ kỹ nhạt nhoà này là một với Istanbul ngày nay, một đô thị khổng lồ với hơn 11 triệu dân và vô số nhà chọc trời, sầm uất náo nhiệt, nườm nượp du khách, trung tâm kinh tế và văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul của Pamuk không là những đền đài lộng lẫy, kỳ quan của thế giới như nhà thờ Hagia Sophia, đền Blue Mosque, mà là những ngõ hẹp, những khu phố nghèo lầy lội, những (dinh thự) đổ nát của thời Ottoman còn sót lại. Những con đường hoang vắng, những tàn tích hiu hắt đầy ắp yalishüzün. Để hiểu tại sao, và cả những ý nghĩa sâu xa khác trong các tác phẩm của Pamuk, phải nhắc lại sơ qua lịch sử của Istanbul và nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiền thân xa xôi của Istanbul là thị trấn Hy Lạp Byzance thành lập vào thế kỉ thứ VII trước Thiên chúa giáo. Năm 330 Hoàng đế La Mã Constantin I xây dựng ở đây một Roma thứ nhì và đổi tên Byzance thành Constantinople. Năm 395, đế quốc La Mã chia đôi thành hai miền Tây và Đông, Constantinople từ đó là kinh đô của Đế quốc miền Đông, còn gọi là đế quốc Byzantin, tồn tại cho đến năm 1453, khi Constantinople thất thủ và rơi vào tay đế quốc Thổ Ottoman. Một lần nữa thành phố lại đổi tên để trở thành Istanbul, kinh đô của đế quốc Ottoman và một trong những thủ phủ của Hồi giáo. Thời kỳ hoàng kim của đế quốc Ottoman là triều đại của sultan Suleiman the Magnificent, trị vì từ 1520 đến 1566, đối thủ đáng nể của các lãnh tụ lớn như Hoàng đế Kitô giáo La Mã Charles V, vua Pháp François Ier, vua Anh Henry VIII và vua Ba Lan Sigismund II. Lãnh thổ dưới quyền cai trị của Suleiman lúc ấy bao gồm cả Hungary và các nước vùng Balkans, phần lớn của Trung Đông (Syria, Ai Cập) và trải dài tới Tunisia, Algeria và Ma Rốc. Một tên gọi khác của đế quốc Ottoman, La Sublime Porte (do cánh cổng vĩ đại của dinh Topkapi tại Istanbul, trụ sở của chính quyền các sultans) cũng nói lên sự hưng thịnh và uy quyền của triều đại và thành phố lúc bấy giờ đối với các nước khác.
Sau Suleiman, đế chế Ottoman bắt đầu suy yếu dần và đến đầu thế kỉ XX thì chấm dứt sau khi thua trận trong Thế chiến I. Những thuộc địa cũ hoặc bị chiếm hoặc được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp và Anh. Sau khi đẩy lùi các quân đội chiếm đóng, thống chế Mustafa Kemal bãi bỏ chế độ sultanat, thành lập trên lãnh thổ còn lại nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923 và dời thủ đô từ Istanbul về Ankara. Mustafa Kemal được coi là cha đẻ của nước Thổ Nhĩ Kỳ đương thời và mệnh danh là Atatürk, tức là cha của mọi người Thổ. Ông có công canh tân hoá đất nước qua một công cuộc cải tổ chính trị, xã hội và văn hóa rất triệt để, đặt nền tảng cho một nền dân chủ đại nghị theo mô hình Tây phương và một khung pháp lý tiến bộ, bãi bỏ đa thê và khẳng định sự bình đẳng nam nữ. Song chính công cuộc cải tổ này, vì thi hành một cách quyết liệt, thậm chí hung bạo, không chú ý đến yếu tố con người và những truyền thống văn hoá, tư duy lâu đời, cũng là đầu mối của nhiều vấn đề nghiêm trọng tồn tại đến ngày nay. Trong đó nhức nhối nhất là vấn đề người thiểu số Kurd.
Mục tiêu hàng đầu của Mustafa Kemal là xây dựng một nước Thổ Nhĩ Kỳ tân thời, thế tục, Tây phương hoá và đồng nhất về chủng tộc, ngôn ngữ cũng như tôn giáo. Chính sách này, nhất là dựa trên những biện pháp cưỡng bức áp dụng không khoan nhượng, đương nhiên vấp phải sự kháng cự của các cộng đồng tôn giáo và dân tộc thiểu số, đặc biệt là Kurd và Armenian. Cộng đồng Kurd khoảng 20% dân số, tập trung ở phía Đông Nam, có ngôn ngữ riêng và đòi tự trị. Cuộc nổi loạn bùng nổ sau lệnh cấm dùng tiếng Kurd của chính quyền Kemal năm 1924 bị đàn áp tàn nhẫn. Từ đó các chính quyền Thổ và cộng đồng Kurd lâm vào vòng bạo lực, nổi dậy, đàn áp và khủng bố tiếp nối nhau, kéo dài cho tới ngày nay.
Vấn đề người Armenian là ung nhọt thứ hai của lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Vào đầu thế kỉ XX, đế chế Ottoman đã bắt đầu tan rã, và sau bại trận trong chiến tranh Balkans thứ nhì, một nhóm sĩ quan và trí thức tự xưng là Young Turks (Thanh niên Thổ) lên nắm quyền. Từ 1915 đến 1917, chính quyền này tổ chức chém giết và lưu đày người Armenian. Con số người chết trong các cuộc tàn sát hay trên con đường lưu đày cũng là một điểm tranh cãi từ thời Mustafa Kemal cho tới nay: từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu, theo sử gia các nước, và "chỉ" ba trăm ngàn theo các chính quyền Thổ. Bản thân Kemal và các quan chức cao cấp khác cũng xuất thân từ nhóm Young Turks và trực tiếp kế thừa chính sách đồng hoá và Thổ toàn trị (panturkism) của họ. Sự kiện thảm sát người Armenian thường được gọi là "diệt chủng" (genocide), nhưng các chính quyền Thổ cho đến ngày hôm nay không chấp nhận chữ đó và trừng phạt nặng nề mọi người Thổ nào dám nhắc đến trang sử đen tối này.
Nhà văn trong lòng thời cuộc
Người
dân Thổ hâm mộ sách của Pamuk
không
phải chỉ vì cốt truyện hấp dẫn, đầy tình
tiết và tình huống quyến rũ, lời văn sống
động và cấu trúc độc đáo,
mà còn
vì họ tìm thấy ở đấy nhịp tim của
chính
họ, những ray rứt họ chia sẻ trước những mâu
thuẫn và giằng xé của đất nước. Tác
phẩm đầu tay Cevdet Bey
and Sons thành công
ngay vì mô tả vừa cặn kẽ vừa mỉa mai,
châm
biếm sự đăng quang của giai cấp thống trị mới và
quá trình phát triển nền tư bản Thổ
đương thời.
Một trong những đề tài quen thuộc của Pamuk là hình ảnh "người trong gương" (doppelgänger), một "song nhân", y hệt mình nhưng không phải là mình, vừa riêng rẽ vừa hoà nhập với mình như một cặp song sinh. Và tới lúc nào đó, không còn biết nhân vật ấy là ta hay là người, người và ta lẫn lộn đến mức không còn phân biệt được nữa. Người đọc lúc ấy không còn biết ai là ai, khi sự hoán vị, đổi vai trao lốt đi đến tận cùng. Trong The White Castle, nhân vật "tôi" là một người Ý ở thế kỉ XVI , bị bắt cóc và đưa về Constantinople làm nô lệ cho một quan chức Thổ, tên là Hoja. Kỳ ngộ thay, chủ và tớ diện mạo y hệt nhau, và Hoja hứa sẽ trả tự do cho người Ý sau khi đã học hết những gì ông này có thể truyền đạt. Họ học hỏi lẫn nhau đến khi cả hai thấm nhuần văn hoá của nhau và trở thành cố vấn của sultan. Cuối truyện, người Ý về lại quê hương. Nhưng người về là ông ta hay là Hoja ? Không thể nào biết được, hai người đã hoàn toàn giống hệt nhau, từ trong ra ngoài. "Thông điệp" của Pamuk rõ ràng khi ông cho sultan nói: "Có gì chứng minh hùng hồn hơn thế là con người ở đâu cũng vậy, giống nhau và có thể trao đổi chỗ cho nhau? "
Cũng như thế, trong The Black Book, My Name is Red và những quyển khác, các nhân vật đuổi bắt hình bóng của nhau, và vì muốn hiểu, muốn nắm bắt tâm tư người khác, họ đặt mình vào vị trí của người kia đến mức nhập vai nhau. Các cốt truyện xoay quanh một sự tìm kiếm : tìm người mất tích và tìm chính mình. Mình là ai, ai là mình, câu hỏi muôn thuở về bản sắc, khi ẩn dụ khi rõ ràng, dai dẳng trong các tác phẩm của Pamuk, dầu là trong bối cảnh các thế kỉ trước hay ở Istanbul tân thời. Biểu tượng song nhân của Pamuk xuất phát từ những trăn trở riêng tư của ông về chính bản sắc của mình và cả mối quan hệ tranh đua giữa ông và anh trai, nhưng cũng nói lên sự bức bối của một xã hội Thổ vẩn còn đi tìm bản sắc dân tộc, chưa dứt khoát được mình là Á hay là Âu. Truyện của Pamuk có nhiều đoạn dí dỏm, nhiều chi tiết khôi hài và chua cay phản ánh những cái đau đầu hàng ngày của người dân Thổ, trong một xã hội vẫn chưa tiêu hoá được một sự Âu Tây hoá không bén rễ sau gần một thế kỉ áp đặt.
Nêu lên vấn đề bản sắc, cá nhân và dân tộc, là trực diện với những mâu thuẫn giữa các giá trị Đông và Tây, giữa những gò bó và truyền thống phong kiến của văn hóa hồi giáo và những thách đố đặt ra cho một xã hội muốn vươn lên thành một nước phát triển và hội nhập Liên hiệp châu Âu. Snow, cuốn sách gây nhiều chấn động tại Thổ Nhĩ Kỷ và "tiểu thuyết chính trị đầu tiên và cuối cùng" của Pamuk theo lời ông, đưa người đọc đến một thành phố nghèo ở miền Đông Bắc xa xôi, gần biên giới Armenia và Nga, đi vào lòng một tập thể hồi giáo cực đoan. Những bóng ma của quá khứ, lởn vởn trong các di tích của triều đại Ottoman và trong giáo đường Armenian hoang vu, như cùng chứng kiến những xung đột, căng thẳng dẫn đến tự tử, ám sát, khủng bố và bạo động, giữa những người hoạt động hồi giáo, giữa người sùng đạo và người theo đời, giữa hai chủ nghĩa dân tộc Thổ và Kurd. Tuy đặt trong bối cảnh những năm 1990 và bắt đầu được viết trước biến cố 11.9.2001, Snow như linh cảm được những va chạm về tôn giáo và văn hoá gần đây giữa Đông và Tây khi phân tích các thái độ cực đoan cũng như bản chất của các bạo lực, từ sự đàn áp đến những uất hận và âm mưu khủng bố sinh sôi từ lòng căm thù.
Pamuk không chỉ mượn hư cấu để diễn đạt các ý tưởng của mình. Ông không ngần ngại phát biểu về những đề tài cấm kỵ nhất, kể cả vụ thảm sát người Armenian và vấn đề người Kurd, dẫu là bị tấn công bởi nhiều phía và thậm chí sinh mạng và gia đình bị đe doạ. Giới hồi giáo cực đoan tức giận vì Pamuk là người trí thức đầu tiên trong thế giới hồi giáo lên tiếng bênh vực Salman Rushdie năm 1989 khi nhà văn này bị ayatollah Khomeiny của Iran tuyên án fatwa về tội xúc phạm đến Islam, treo giải 3 triệu đô-la cho ai giết ông. Người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thù ghét Pamuk vì ông ủng hộ cộng đồng Kurd và luôn nhắc nhở đến tội lỗi của nước Thổ đối với người Armenian. Cao điểm của những thịnh nộ này xoay quanh một câu phát biểu của Pamuk với báo Tages Anzeiger của Thụy Sĩ, ngày 6.2.2005: "Ba mươi ngàn người Kurd và hơn một triệu người Armenian đã chết trên đất nước này. Nhưng ngoài tôi, hầu như chẳng ai dám nói ra, và những người chủ nghĩa dân tộc thù tôi là vì vậy." Báo chí Thổ đua nhau phẫn nộ, một quan chức tỉnh Isparta ra lệnh cho tất cả các thư viện tại đây tịch thu và thiêu huỷ mọi sách vở của Pamuk, và tháng 9.2005, một công tố viên khởi tố ông với tội "sỉ nhục dân tộc Thổ". Tội danh này có thể bị toà xử phạt từ sáu tháng tới ba năm tù giam, và tăng lên một phần ba nếu hành động vi phạm là do một công dân Thổ và xảy ra ở nước ngoài. Vụ kiện Pamuk trở thành tranh cãi sôi nổi về các quyền tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ, tác động lên không khí đàm phán gia nhập Liên hiệp châu Âu. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận châu Âu và nhiều trí thức tên tuổi, tháng 1.2006, toà án Istanbul đơn phương bãi bỏ lệnh truy tố.
Song Pamuk không phải là chính trị gia, và dẫu dấn thân vào thời cuộc cũng không tự cho mình "sứ mệnh" nào ngoài nghiệp viết văn. Trả lời báo The New York Times, ông khẳng định: "Tôi là một nhà văn. Tôi chú tâm vào những vấn đề ấy không phải từ góc độ của một chính khách mà với cái nhìn của một người cố gắng hiểu những đau khổ của kẻ khác." Khi những ồn ào của vụ kiện đã lắng xuống, ông trả lời báo Le Monde : "Sau những lôi thôi pháp lý này, trách nhiệm duy nhất của tôi là tìm lại sự hồn nhiên vô trách nhiệm, trở lại cuộc sống trước đây, chỉ hướng về nghệ thuật." Sẵn sàng viết kiến nghị, tham dự các thảo luận chính trị trong công chúng, nói lên quan điểm của mình nhưng Pamuk không là người của đảng phái, bè cánh nào. Khi được đề nghị tặng danh hiệu "nghệ sĩ nhà nước" năm 1999, ông từ chối vì kiên định với thái độ của mình: "Từ bao năm nay, tôi chỉ trích chính quyền này là bỏ tù người cầm bút, là chỉ muốn giải quyết vấn đề người Kurd bằng vũ lực, là theo chủ nghĩa dân tộc một cách thiển cận ... Tôi từ chối vì tôi không đồng ý với họ". Đứng ngoài mọi thời thượng, phe phái và đầu cơ chính trị, Pamuk đeo đuổi nghệ thuật riêng của mình, trải lên trang giấy một thế giới hồi tưởng và hư cấu, phong phú và hiện hữu hơn thực tế hàng ngày, đi tìm trong đó những chân giá trị của mỗi con người.
Nhà văn của những nhịp cầu
Một
điều hay được nhắc nhở khi nói về Pamuk, và
cũng là lý do Uỷ ban Nobel nêu
lên khi
công bố quyết định trao giải cho ông năm nay,
là vai trò trung gian văn hoá của
Pamuk. Quả
vậy, như Istanbul nằm vắt qua eo biển Bosphorus, một bên
châu Âu, một bên châu
Á, Pamuk từ
con người đến tác phẩm là gạch nối giữa
hai nền văn hoá Đông và Tây.
Địa lý
đã làm nên lịch sử Istanbul: nằm ở ranh
giới tận cùng của lục địa, đây là
ngưỡng cửa để xâm nhập châu Âu hay
châu
Á, tuỳ theo đứng từ bên bờ nào
nhìn
sang. Trong mấy nghìn năm, nơi đây đã
là
mục tiêu chiếm đoạt của bao cuộc chinh chiến, in
dấu chân của các đoàn quân
viễn
chinh từ Đông sang Tây và ngược lại.
Constantinople là điểm hẹn của các kỵ sĩ
chữ Thập, nhưng cũng là nơi nghỉ chân của
các
nhà buôn trên con đường tơ lụa. Eo biển
Bosphorus là giao điểm giữa Biển Đen và Biển
Marmara, từ đó hoặc ngược Bắc đi về các
cảng Odessa, Sebastopol của Nga, hoặc xuôi Nam qua Biển
Aegae ra Địa Trung Hải. Thị trấn Byzance của Hy lạp xa
xưa được lập lên cũng vì vị trí chiến
lược này, trấn giữ ngã tư của các
luồng giao thông Đông-Tây và
cả
Nam-Bắc.
Đã gắn liền số phận mình với thành phố, Pamuk chấp nhận ảnh hưởng của các luồng giao lưu, vị trí của người đứng giữa những giá trị văn hoá khác nhau. "Cả đời tôi ở Istanbul, bên bờ Âu, trong những căn nhà nhìn sang phía bên kia, bờ Á. Ở bên dòng nước, nhìn sang lục địa bên kia, tôi lúc nào cũng biết mình đang ở đâu trên thế gian này. Và như thế rất hay. Rồi một hôm, họ xây một cây cầu nối hai bờ của Bosphorus. Khi leo lên cầu và nhìn khắp chung quanh, tôi bỗng hiểu là còn hay hơn nữa, đẹp hơn nữa khi thấy một lúc cả hai bờ. Tôi nghiệm ra rằng không có gi bằng đứng trên một cây cầu, giữa hai bờ. Phong cảnh tuyệt vời khi ta hướng về cả hai bờ mà không hoàn toàn thuộc về bên nào." (tự sự của Pamuk, viết bằng tiếng Pháp trong trang Wikipedia nói về ông).
Tự các tác phẩm của Pamuk cũng là những nhịp cầu, giữa thực và hư, tự thuật và hư cấu, quá khứ và hiện tại, và cả giữa các tầng lớp xã hội. Sách của Pamuk có chiều kích triết lý, nhiều ẩn dụ sâu sắc, vang vọng âm hưởng của văn học thế giới, đem nhiều thích thú cho người trí thức, nhưng cũng dễ đọc, hấp dẫn đối với độc giả "bình dân", gần gũi với tâm tư của họ. Pamuk là gạch nối giữa người dân các thành phố Âu hoá của thời đại Internet và những nông dân ở các vùng quê xa xôi của đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Pamuk không chỉ đứng giữa cầu trong văn chương, những gì ông viết và nhất là những quan điểm lập trường của ông thể hiện một thái độ dung hoà, vạch rõ những sai lầm, điên rồ và nguy cơ của mọi cực đoan, cuồng tín, trong tôn giáo hay trên mọi bình diện khác. Do một trùng hợp ngẫu nhiên, cùng ngày ông được giải Nobel, hạ viện Pháp thông qua một dự luật phạt 45 000 euros và một năm tù những ai chối cãi thực tế của sự kiện thảm sát người Armenian năm 1915. Dự luật này do đảng Xã hội Pháp đưa ra và được thông qua với 106 phiếu thuận, 19 phiếu chống và ... 577 dân biểu không tham gia cuộc bầu phiếu. Ngay sau đó chính quyền Ankara đã phản ứng mạnh mẽ, hăm doạ trả đũa kinh tế, và Liên hiệp châu Âu cũng tỏ ý bất đồng, khuyến cáo là nếu được thượng viện Pháp thông qua dự luật này sẽ làm trở ngại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Phần Pamuk, khi được phỏng vấn về việc này, đã phản đối một dự luật phản tự do và cản trở sự đối thoại cho hoà giải giữa hai dân tộc Thổ và Armenian. Pamuk không phải là người duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ dám nhắc đến sự thảm sát này và bị liên lụy vì sự can đảm ấy. Cũng như họ, ông tin vào đối thoại và cảm thông hơn là đối đầu và khiêu khích. Những tiếng nói ôn hoà của những người biết nhìn cả hai bờ và đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí người khác, hãy còn là thiểu số nhưng ngày càng nhiều hơn, và uy tín của Orhan Pamuk sẽ góp phần vào khuynh hướng ấy.
Đến ngày nào Thổ Nhĩ Kỳ có can đảm nhìn thẳng vào quá khứ của mình, như nước Đức đã phải trải qua cả một quá trình Vergangenheit überwinden đau đớn để vượt qua trang sử đen tối của mình trong đệ nhị thế chiến, ngày ấy các dân tộc Thổ, Kurd và Armenian sẽ tiến gần đến hoà giải hơn. Orhan Pamuk cũng sẽ đã góp phần vào hoà giải dân tộc mình với quá khứ. Và sẽ có đông người hơn ra đứng với ông giữa cầu, cùng nhìn sang hai bên bờ.
Nếu có
ai nêu
câu hỏi rằng giải Nobel trao cho Orhan Pamuk năm nay
có
hàm ý chính trị gì
không, có
thể trả lời là có lẽ cũng có yếu tố
ấy, nhưng nếu câu hỏi còn có ngụ
ý
là do đó giải Nobel này
không phải là
vì văn chương, thì sau tất cả những
giòng
trên, có lẽ không còn cần
phải trả
lời.
Đỗ Tuyết Khanh
29.10.2006
Các thao tác trên Tài liệu