Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Phản hồi Bùi Đức Hào

Phản hồi Bùi Đức Hào

- Ngô My — published 14/08/2009 15:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
...ai cũng có thể cho nhau lòng mến mộ, đề tài, định hướng, nhưng không thể cho nhau nguồn cảm hứng và cái “tự biết mình phải làm gì”. Ai cũng có thể nhìn thấy, phát biểu, phân tích nhưng chỉ có một người phải tự mình làm ra cái gọi là tác phẩm. Sao không trả lại cho nhau cái đẹp nhất của “tình nghệ sĩ”: quyền tự do sáng tạo...


Phản Hồi Bùi Đức Hào


về bài viết

Thử nhận định về Gió Lẻ
sau hiện tượng Cánh Đồng Bất Tận
trong hành trình văn học Nguyễn Ngọc Tư



Ngô My



Vì bài viết của ông Bùi Đức Hào có một đoạn tập hợp nhiều ý kiến từ nhiều người phê bình khác, tôi xin được phản hồi bên dưới một vài ý kiến đó bằng chữ màu xanh. Tôi chỉ xin nêu ý kiến và cảm nghĩ của mình về Gió Lẻ và viết tắt NPB như Nhà Phê Bình hay Người Phê Bình.


Thế nhưng, trong Gió Lẻ, văn chị súng sính – và đôi khi hơi ngượng nghịu – trong chiếc áo mới, nhất là ở phần đầu, như thể ngòi bút chưa đủ hâm nóng, dẫn tới những phê bình như của Nhã My

(24): “Cách viết mới, nên người khen không ít, người không chấp nhận cũng nhiều thiệt nhiều. Nhất là, người quen với Nguyễn Ngọc Tư chân quê dung dị, bảo Gió lẻ khác chị xưa quá, như cô gái chân quê một bước đi ra thành thị, với câu chữ làm duyên làm dáng (…) Nguyễn Ngọc Tư có lạ, có mới, có biến đổi câu chữ kỳ ảo làm cho bạn có khi hơi mất đi chút xíu cảm tình.”

Khi NPB Bùi Đức Hào nói

“... trong Gió Lẻ, văn chị súng sính  và đôi khi hơi ngượng nghịu trong chiếc áo mới, nhất là ở phần đầu, như thể ngòi bút chưa đủ hâm nóng...”

ông đã không chỉ ra được đoạn văn đó súng sính hay ngượng nghịu ở từ nào, nghĩa nào. Theo tôi, đoạn văn đầu tiên đó không có vẻ gì ngượng nghịu hay súng sính, nó chỉ là không làm tốt cho phần mở đầu Gió Lẻ. Ví dụ, nếu tác giả đưa đoạn văn đó về sau như một hồi tưởng, đồng thời bắt đầu Gió Lẻ bằng đoạn thứ hai

Họ không còn nhớ màu của nắng, hay phía của mặt trời rơi, vào buổi chiều chiếc xe tải rời một cái quán ăn bên ngã ba đường đi chợ Cỏ...”, 

thì tôi tin, câu chuyện sẽ được mở màn sống động hơn, trực dẫn vào chuyến xe định mệnh của ba con người.

Mỹ từ pháp nhân cách hóa đôi lúc dường như bị “quá dose”, dễ cho cái cảm giác văn hơi cầu kỳ, chẳng hạn như khi tác giả viết:

Hôm ấy, gió lẻ bắt đầu ướm chân vào mùa” (trang 125);

Bắt đầu chuyện kể về cái chuyến đi của những con người cô lẻ ấy bằng cuộc khởi hành của gió. Gió đã bắt đầu “ướm chân vào mùa”, họ cũng vừa lên đường... Còn một biện pháp nào tốt hơn, thích hợp mà thi vị hơn thế nữa không, trừ phi có ai thực sự ghét gió bởi thường lậm gió?

hay như ở tiểu đoạn tả về cơn gió làm nền cho tác phẩm (trang 132), với những câu giống văn chính luận nhiều hơn là văn truyện ngắn: “Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó”,

Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó” là không nên dùng cho Truyện ngắn? Lời khuyên này sẽ gây nhiều “nan giải” cho chính người viết ra nó đấy. Khi Bình Nguyên Lộc viết:

"Gió bấc lướt trên ngọn cây, té vào giếng ấy như nước chảy vào chỗ trũng, và vì không có lối ra gió quay cuồng, càng vặn thêm lòng người vốn đã lạnh" (*), sao không hề nghe ai trách cứ?

Gió mà “quay cuồng”“té vào giếng” rồi “vặn thêm lòng người vốn đã lạnh...” thì chuyện nó có “dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nóđâu có gì là không phải?

Xem “gió” của Ngô Phan Lưu trong “Bầy Người Bé Nhỏ” kìa: “Bầu trời như một tấm chì đang đè sát xuống một biển nước màu gạch pha tro. Đè sát đến mức, gió lạnh cũng phải ép mình mới đi qua được.

Gió phải tự “ép mình mới đi qua được” cái gầm trời sát sạt ấy đấy, khổ lắm. Gió mỏi mệt tả tơi rồi, nhưng vì bản chất hồn nhiên xuân thì của nó, nên gió lại “ướm chân vào mùa” tiếp tục lang thang, tôi nghĩ thế.

(*) – theo trích dẫn của NPB Thụy Khuê, Hợp Lưu 11/11/2008

Mặc dù có người nghĩ Nguyễn Ngọc Tư chọn “bút pháp tượng trưng xen lẫn siêu thực” (17) trong Gió Lẻ, độc giả vẫn dễ cảm thấy, ở tiểu đoạn tả người say rượu (trang 128), hình ảnh “máu loãng” hơi bị gượng ép, nhất là ở câu cuối:

Cả người anh ta ngấm nước mưa, rượu và nỗi buồn, tất cả đã ướt đẫm tới xương. Chúng pha loãng máu, và trái tim mệt mỏi kia phải đẩy đưa từng dòng trong vắt. Em quẩy túi lên vai, em sợ cái cách chảy trôi tuột, trơn lẫy của những dòng máu loãng.”

Em quẩy túi lên vai”, cuống cuồng bỏ đi, em sợ cái cách chảy trôi tuột, trơn lẫy của những dòng máu loãngấy, bởi vì đó là những dòng “máu lạnh” hay “máu hèn”?... (Bữa ở trên đèo, tụi nó có tới sáu thằng. Mình đâu có bỏ chạy, mình chỉ tìm người tới giúp. )

Mà “Em”, hình như “Em” khinh cả hai thứ máu đó, cho dù “nước mưa, rượu và nỗi buồn có cố gắng “pha loãng” bớt cái lạnh lùng, cái hèn của dòng máu đó, có cố trưng ra một lời giải thích, thì em cũng vẫn cứ khinh, sợ và bỏ đi. Có gì gượng ép ở đây không nhỉ? Và chắc chắn, không có bút pháp siêu thực nào, chỉ là một dụng ý của nghệ thuật ẩn dụ.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (27) đã rất khắt khe với tác giả trong câu cuối này, cho rằng:

“…khi chị tỏ ra làm lạ mình, khác mình bằng cách “làm văn” ở câu chữ thì lại không nên. Cái duyên cái chất của Ngọc Tư là ở những câu văn chân chất, hồn nhiên truyền tải được cái hồn vía của một người văn. Những câu làm dáng, văn hoa thật không phù hợp và không cần thiết cho truyện, càng rất không “Ngọc Tư”.

Để vươn ra thế giới, ngoài ví dụ Hàn quốc, làm sao giới thiệu nữ sĩ Cà Mau với các nước khác đặc biệt là ở phương Tây?

Để làm giàu, làm mới mình, tác giả có nghiền ngẫm, kế thừa, giao lưu, cọ xát với văn học thế giới đủ chưa? Hỏi tức là trả lời.

Tôi tin, khi đem thân mạng của mình đi đấu tranh cho hoà bình, không ai muốn nghĩ đến giải Nobel Hoà Bình Thế Giới (dĩ nhiên phải trừ ra vài ca khác thường đã từng có trong lịch sử của giải thưởng này). Khát vọng thì khác với tham vọng. “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.

Yêu cầu một tác giả phải vừa “bám giọng”, giữ “hồn vía”, luôn giữ “chất Ngọc Tư”, không nên “bỏ một mạch ngầm”, vừa phải “vươn ra thế giới”, rồi phải “nghiền ngẫm, kế thừa, giao lưu, cọ xát với văn học thế giới”, phải “định hướng chiến lược” theo marketing, vân vân và vân vân... ? Các nhà phê bình quí mến ơi, tất cả những điều các vị nói trên nghe rất giống chỉ thị, một sự phân công tác, hay lời hợp đồng của nhà xuất bản, chứ không phải là công việc của phê bình tác phẩm.

Nếu độc giả Việt Nam, trong đó có các nhà phê bình, chưa rung động thực sự trước sự nhạy cảm tinh tế, chưa hiểu trọn vẹn những dụng ý nghệ thuật , không chấp nhận những giọng văn khác nhau của một tác giả, thì việc giới thiệu tác giả đó ra nước ngoài hẳn có gì mà phải vội?


Lời của riêng tôi:


1.   Giọng kể của ai?


Trong Gió Lẻ, nếu hai ba giọng kể nào như một số người phê bình đã chỉ ra, thì đó cũng chỉ là một giọng nói duy nhất, giọng của tác giả ở thể ngôi thứ ba, vừa third-person omniscient (biết ý nghĩ, cảm giác của tất cả nhân vật) lẫn third-person limited (chỉ biết ý nghĩ, cảm giác của một nhân vật) .

“Em” ở đây không tự mình kể chuyện, mà là tác giả đang kể chuyện. Tác giả dùng từ “Em” như là “Nàng”. Vì là ở trong vai ngôi thứ ba third-person omniscient nên “người kể” có toàn năng hiểu và kể lại khi thì về hoàn cảnh của tất cả nhân vật; khi thì hiểu được sự giao cảm giữa “Em” và các con vật rồi tường thuật; lúc thì nói lời của Gió, và ghê hơn nữa, đã kể lại lời của các con ma. Ngôi thứ ba third-person omniscient này xuyên suốt Gió Lẻ từ lời mở đầu của một con ma (“Tại sao người ta không nhìn thấy mình khi mình còn sống) cho đến lời trách của con ma Tìm Nội khi chiếc xe rơi xuống vực (“con nhỏ này… tôi chỉ định giỡn thôi mà…”).

Nhưng, dọc theo câu chuyện đôi khi tác giả ở ngôi thứ ba đó lại “thu mình” vào third-person limited, chỉ biết được ý nghĩ của một nhân vật, không biết về những nhân vật kia. Ví dụ, khi “thu mình” vào “Em” , tác giả chỉ biết về em, mà không biết ý nghĩ của các nhân vật Ông Buồn và anh Tìm Nội. Tác giả cũng đã làm điều tương tự, “thu mình” vào nhân vật Ông Buồn, anh Tìm Nội, thậm chí vào các con ma, con vật.

Độc giả dễ bị “rắc rối” chỗ này, “Em” và con chó tên Cò lại trò chuyện và hiểu nhau được ư? Thật vừa ngộ nghĩnh, vừa cảm động khi tác giả làm thông ngôn, tường thuật lại với chúng ta về sự giao cảm không lời giữa “Em” và con chó...

Con Cò lẽo đẽo đi theo, thật ra cái từ “đi” nó chẳng hiểu, vì em (nàng) chưa từng nói, nhưng nó biết có cơn đau nào đó đang xảy ra...”

Lẽo đẽo theo sau bước chân cô độc của kiếp người là một tình thương, một mối cảm thông vô ngôn, một cái biết siêu nhiên, xoá tan biên giới giữa người và vật. Nó gây chấn động, gây xấu hổ cho con người, sao chúng ta còn tệ hơn cả loài vật?

Vì là ở ngôi thứ ba third-person omniscient nên tác giả có toàn năng hiểu và kể lại lời độc thoại của nhân vật, nói lên những suy nghĩ của nhân vật bằng tiếng nói của chính mình, nên mới xảy ra việc đột xuất xen lẫn trong những độc thoại của nhân vật, có một giọng nào đó đang “làm văn”, tả cảnh tràng giang mà không nhất thiết đó là lời nói của nhân vật. Cho nên, nhận xét của NPB Phạm Xuân Nguyên:

Thí dụ câu này từ miệng kể cô bé nhân vật chính: “Trong mớ âm thanh quen thuộc của lũ kiến chạm chân trên đường rời tổ, của muôn vạn cái lá dập xao xác, những giọt sương sẽ sàng rụng xuống, tu hú kêu vang trong bờ sậy, có lẫn tiếng cây đang ứa nhựa hàn gắn vết thương, nơi nụ hoa lìa” là hố to. Đó là lời tác giả, chứ không phải là lời của cô gái.

Vừa trực tuyến, đơn tuyến, vừa đa tuyến. Sự nhào lộn, biến hoá của “point of view” này gây ra sự “khó nắm bắt” cho một số độc giả , nhưng nó rất thông dụng trong truyện ngắn và tiểu thuyết, tạo nên những tình huống hấp dẫn.


2.   Gió Lẻ – một biểu tượng:


Suốt truyện ngắn Gió Lẻ, độc giả có thể sẽ choáng ngợp, đếm được đến vài chục từ “gió” trong đủ loại gió khác nhau: gió chướng, gió độc, gió lạnh, gió bầy, ... Nhưng Gió Lẻ là loại gió gì? Tôi thầm mong nó không có nghiã là Gió Lẻ Tẻ, mà hy vọng rằng tác giả đã dùng nó cho tựa đề, như một biểu tượng để nói lên sự lẻ loi, cô độc. Thật xiết bao thất vọng khi chị bỗng dưng tự phá huỷ cái biểu tượng rất độc sáng của tựa đề Gió Lẻ: 

Câu chuyện trong trẻo và vui nhộn không bao giờ chấm dứt, bất chấp mưa, nắng, bất chấp gió lẻ gió bầy.

Gió bầy đi rồi gió lẻ tới, mỗi mùa gió có một tiếng nói riêng, nên âm thanh chung quanh em lúc nào cũng thanh thao và trong trẻo.

Khi Gió không còn là hình ảnh để nói về sự lẻ loi, vô định và cô độc thì sự “trốn gió” bỗng hoá ra là cái “trốn lạnh” bình thường, chứ không phải là sự chạy trốn nỗi cô đơn, cô độc. Do đó mà NPB Bùi Đức Hào mới nói rằng:

Vì thế, người đọc khó được thuyết phục về mục đích chỉ nhằm “trốn gió” của gã lái xe”. Và ông ta đúng.

Tôi tin, trong vội vã chị đã “lỡ tay đánh rơi” biểu tượng. Cho nên, khi trả lời phỏng vấn, chị đã nói: “Thật ra tôi có thể viết Nắng lẻ, hay Mây lẻ, nhưng những thứ này không… lạnh, khi tôi đang nói tới cái cô độc hiu hắt của cuộc đời. 


3.   “Làm văn”, tại sao không?


“Em” xiết bao hoang dại, ngây thơ, khi vừa chớm dậy thì... 

Nằm nhìn trăng trôi trong rẫy bắp, em từng nghĩ, khi mình nói trở lại, câu đầu tiên là gì? 

– Mầy đừng liếm chân tao, nhột lắm! 

Câu đó em sẽ nói với con Cò. Nó hay làm em tỉnh giấc bởi sự hí hửng vô chừng, chỉ là bóng trăng, lá rơi hay mùi một con chó cái xa xa… Cái lưỡi ướt lạnh của nó bắt đầu lượn lờ lên gót chân rồi lên đến bắp chân, đầu gối em. Những cơn rùng mình từ đó chạy lên đỉnh đầu, làm nên một vòng sóng ran cả người. 

Dù “Từ lưu lạc, bầy sao bắt đầu nhuốm màu lam lũ, tả tơi”,thì giữa đất và trời, “sao tả tơi” kia vẫn cứ nguyên sơ, trong lành như một giọt sương. 

Rồi ... “những giọt sương sẽ sàng rụng xuống, tu hú kêu vang trong bờ sậy, có lẫn tiếng cây đang ứa nhựa hàn gắn vết thương, nơi nụ hoa lìa. 

Có hạt sương rụng rơi, có nụ hoa lìa, có vết thương tự cứu chữa bằng nhựa ứa của chính mình, nhưng không có “Những luồng run rẩy rung rinh lá” (Xuân Diệu). Những “luồng run rẩy” ấy đã bị tước đoạt, đã bị chết oan! 

Chỉ bằng với những khắc khoải âm thầm của thiên nhiên, những “bài làm văn” của Nguyễn Ngọc Tư cứ làm cho người đọc ngậm ngùi, rơi nước mắt. Tôi vẫn không thể hiểu, nhà văn mà không “làm văn”, thì làm gì? Giọng kể này hay lắm, sao quý vị không ưa? 

Chưa hết, dù “những tia máu vằn trong mắt” và “ bước chân oằn trĩu”, với nỗi oán giận và cơn đau mà em không thể chia sẻ được cùng ai ngoài con chó tên Cò, “Em” vẫn cứ thương người. Có độc giả sẽ hiểu, “Em” khinh kẻ đã hại mình như khinh một con chó, nhưng tôi nghĩ, “Em” thương kẻ đó như thương một con chó đã “lè lưỡi liếm để gọi em than thở chuyện đời nó. Một Tình thương đã xô ngã mọi nấc thang giá trị, nơi tâm Phật ẩn náu, không chút mê mờ. Những ai đã nói Gió Lẻ chỉ là những câu chữ làm duyên làm dáng cần nên xem lại nhận xét của mình. 


4.   Định vị chiến lược hay Tự do? 


Hầu hết những nhà phê bình đều cho rằng Nguyễn Ngọc Tư không nên rời bỏ giọng kể của vùng sông nước Nam Bộ, bởi làm như vậy là chị sẽ đánh mất hồn, bản sắc của mình... Nhưng chỉ có chị mới có thể cảm thấy những ước muốn vươn ra ngoài địa phận đó như một khao khát khám phá nghệ thuật, chứ không phải là muốn “làm duyên làm dáng”, “làm lạ”, “đánh bóng” nọ kia. Dùng những từ này để sỗ sàng phủ đầu một tác giả đang ra sức tìm kiếm, thám hiểm trên con đường sáng tạo là không tốt bụng và không tiến bộ. Nếu chị chỉ biết tự đóng khung, tự thoả mãn với những gì đã làm ra thì mới là đáng ngại. Giọng văn cũng chỉ là phương tiện của bếp núc sáng tác, mà giọng đó là giọng của ai cơ chứ? Tại sao chị lại không thể tiếp tục sáng tác bằng nhiều giọng văn khác nhau? Tại sao phải gò ép chị nói giọng nói của nhân vật? Trung thành với giọng kể vùng sông nước phương Nam của mình, tác giả sẽ phải từ chối những đề tài khác mà chắc hẳn chị yêu thích và muốn thử nghiệm.

 Tôi quý ý kiến này của NPB Thụy Khuê từ Hợp Lưu:

Trái ngược với thời điểm sau 1954, các nhà văn Bắc di cư vào Nam, ngoài giọng văn Bắc, họ còn tập viết đối thoại tiếng Nam và họ đã làm giầu thêm ngôn ngữ của họ: văn chương luôn luôn cộng vào, khi trừ là mất đi.”

 Mặc dù chị Thụy Khuê lo lắng:

Nếu quả như vậy, thì sự "thống nhất ngôn ngữ" đang đi trong chiều đáng ngại: nó đẩy nhà văn đến chỗ chối bỏ bản ngã của mình.

Tôi vẫn cứ không tin rằng giọng văn quyết định bản ngã của người viết, cũng không là phần hằng số bất biến của tác giả, như lời của ông Bùi Đức Hào. 

Đọc Truyện Ngắn Việt Nam hiện nay, là một độc giả, tôi nhận thấy Ngô Phan Lưu là một bậc thầy trong cái gọi là “giọng văn”. Những câu đối thoại trong truyện ngắn của ông có khi là những lời nói của những người dân quê, mang đậm hồn quê Việt Nam nhưng câu chuyện không tự nó muốn tạo ra chất “quê” hay “dân dã” bởi nó đã là “quê mình” rồi còn gì. Tàng ẩn đằng sau những truyện ngắn ấy là một triết lý sâu lắng. Thoắt một cái, giọng nông dân chân chất biến mất, người ta nghe một giọng “Xuân Thu Chiến Quốc”, những cái nhìn gườm nhau sát nút, những lời gằn đầy hiểm hoạ (như “Xoa Tay Và Cười”), bỗng thư giãn giọng một ông “dại” Phú Yên, rồi đùng một cái lại là giọng rất trẻ như của một trung niên, có cả giai nhân, có cả sóng, cả nhạc của một khung cảnh đô thị... Một giọng kể đang “điều hành” nhưng tự nén chặt mình đằng sau sự tự diễn biến của câu chuyện. Nó không “lộ mình”, như người điều khiển những con rối mà khán giả không thực sự biết mặt mũi và giọng nói thật của người nghệ sĩ sau bức màn kia là ai. Một nhà văn vẫn có thể là một kịch tác gia theo cái cách của mình. Nếu vở kịch của mình có hai màn, một về nông thôn, một về thành phố, dĩ nhiên người viết kịch phải sử dụng đủ loại “giọng” thì mới làm nên nổi. Cái tham vọng nếu có chăng ở Nguyễn Ngọc Tư, tôi nghĩ, có lẽ là chị đang muốn viết một tác phẩm “không biên giới”. Chị đang đứng “Bên Cầu Biên Giới” đó thôi.

Nguyễn Ngọc Tư đang bị báo chí kìm hãm trong “tình thương yêu vô vàn”, dù chị đã như “gào” lên: “Con cá quẫy để khỏa bèo vì nó cần thở ở một khoảng rộng hơn. Tôi cũng vậy”. Nhưng con cá ấy đã chẳng khoả nổi bèo, mà còn là cả một rừng bèo mới thật đáng sợ.

NPB Bùi Đức Hào đã tung ra một cái lưới hoành tráng, thu gom toàn bộ dư luận và nguồn với 36 links. Không những thế, ông còn trích dẫn những tên tuổi gạo cội nước ngoài, gợi ý cả “thương hiệu”, “định vị chiến lược” của marketing, dùng đòn kinh tế để thuyết phục nữ sĩ Cà Mau:

Cách tân (innover) không phải để cách tân. Nó không phải chỉ duy nhất dựa trên sự sáng tạo (créativité), mà còn phải biết sáng tạo ra cái gì, và sản phẩm mới đó có lọt được vào mắt xanh của thiên hạ, có đáp đúng những khát vọng bùng phát hoặc còn đang âm ỉ trong lòng khách thưởng ngoạn hay không.

Văn chương trong một nền kinh tế thị trường. Nghe quen thuộc lắm. Lần này, biết bao nhiêu là người đã hả dạ. Còn nữ văn sĩ, chị đang nghĩ gì?

Tôi sống ở Mỹ, nơi hằng năm suốt trong nhiều tháng trời, đài truyền hình Fox xen kẽ chiếu hai chương trình American Idol và So You Think You Can Dance. Cả hai chương trình đó đã cho thấy thí sinh được tuyển chọn không nhất thiết phải là giọng ca / vũ công hay nhất (the best) mà là giọng ca / vũ công được yêu thích nhất (the most favorite). Với American Idol, thật dễ nhận thấy rằng ban giám khảo đã khống chế thiên hướng của thí sinh, bác bỏ nét tài hoa riêng bẩm sinh của họ, gò tất cả những “riêng lạ” ấy theo mô hình chiến lược sản phẩm của nhà sản xuất băng đĩa, cái mô hình hội đủ các yếu tố giọng và hình thể trẻ, sexy và “Americanized”. Đây chỉ là một ví dụ của cái gọi “định vị chiến lược” cho một số sản phẩm văn hoá của Phương Tây, tôi không có ý ám chỉ nhà văn như là các thí sinh kia.

Dĩ nhiên các thí sinh sau khi chịu gò mình vào các “yêu cầu” trên, dẹp bỏ cái tôi của mình, chịu lắng nghe lời khuyên của ban giám khảo và đi theo “tiếng gọi” của người thưởng thức (chứ không phải tiếng gọi của trái tim mình), họ sẽ gặt hái danh hiệu và những hợp đồng béo bở. Các ban giám khảo luôn am tường giới thưởng thức, tiêu thụ, chìu theo thị hiếu của họ để hái ra tiền. Khách hàng là thượng đế, họ nói thế. Nhưng, đó chỉ là một nửa sự thật, vẫn có một thế lực siêu quần hơn “đi trên đầu” khách hàng đấy. Không những “Selling the Invisible, họ còn có cả “Mind Control Marketing” nữa cơ.

Hollywood là nơi mà người ta trả một triệu dollars cho một nụ hôn và chỉ 50 xu cho linh hồn của bạn mà thôi” cô đào Marilyn Monroe đã nói thế ("Hollywood is a place where they'll pay you a million dollars for a kiss and 50 cents for your soul.").

Nhưng chúng ta có quyền hy vọng, rằng các nhà xuất bản của phương Tây không mang “tinh thần” của Hollywood.


5. Lời Kết.


Trở về Gió Lẻ, với bài viết này tôi chỉ muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với tác giả về sự thử nghiệm phong cách mới của chị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chị đã khởi hành sự đi tìm cái mới bằng một cơn gió lẻ loi, cô độc đó sao? Dường như chị đã thậm hiểu rằng, sáng tác là cuộc hành trình cô độc ít bóng mát, không ai có thể giúp đỡ ai, cõng ai đi. Như một kẻ lữ hành đi qua sa mạc, qua các ốc đảo, lang thang tìm kiếm những mạch nước để được buông vào đó những cơn khát sáng tạo của mình. Nếu y không kiếm ra được mạch nước, nếu y bị lạc đường không tìm ra một ốc đảo, y sẽ phải “chết”. Các nhà văn, nhà thơ và các nhà phê bình quý mến, có phải mỗi người trong quý vị, ai cũng có những sớm mai thức dậy thấy mình như một kẻ đã chết rồi? Không cảm hứng, không đề tài, không biết viết cái gì? Rồi quý vị khoả lấp cái “nỗi chết” đó bằng sự bận rộn của một ngày để thấy mình... đang “sống”? Cái nghiệt ngã ở chỗ, ai cũng có thể cho nhau lòng mến mộ, đề tài, định hướng, nhưng không thể cho nhau nguồn cảm hứng và cái “tự biết mình phải làm gì”. Ai cũng có thể nhìn thấy, phát biểu, phân tích nhưng chỉ có một người phải tự mình làm ra cái gọi là tác phẩm. Sao không trả lại cho nhau cái đẹp nhất của “tình nghệ sĩ”: quyền tự do sáng tạo.

Nguyễn Ngọc Tư đã nói rõ những điều này trong bài tham luận Lớn lên từ những ngộ nhận 

“... Nhưng sự trải nghiệm của tuổi tác, của thời gian đã làm tôi nhận ra, những gì tôi viết là không gian của riêng tôi, của sự tưởng tượng và sáng tạo. Những đất ấy, người ấy, tôi chỉ mượn cái hồn cốt, giai điệu của Nam Bộ để chuyển tải. Thổ ngữ địa phương chỉ là phương tiện thể hiện ý tưởng và câu chuyện của người viết. Chúng được mọi người xem là phong cách riêng của văn tôi. Nhưng thực chất đó chỉ là một lớp vỏ, tôi muốn bỏ qua cả lớp vỏ đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện hiện đại nào, chỉ bằng đôi chân trần.


Ngô My

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us