Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây

- Cổ Ngư — published 12/01/2013 02:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Đầu rắn gối đuôi rồng, hai con vật vừa giống vừa khác nhau ấy thường gợi lại nơi chúng ta bài đồng dao hát cùng trò chơi chung thời thơ bé : « Rồng rắn lên mây, Có cây lúc lắc, Có nhà điểm danh...


Rồng rắn lên mây


Cổ Ngư



Nhâm Thìn vừa đi, Quý Tỵ đã tới. Đầu rắn gối đuôi rồng, hai con vật vừa giống vừa khác nhau ấy thường gợi lại nơi chúng ta bài đồng dao hát cùng trò chơi chung thời thơ bé : « Rồng rắn lên mây, Có cây lúc lắc, Có nhà điểm danh, Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không... », và thế là hò hét inh ỏi, đẩy, kéo, giằng, giật, cười vỡ pha lê... Rồng và rắn, một loài oai vệ, lẫm liệt, hô phong hoán vũ, một giống lê lết trườn bò, bị con người ghét sợ từ thời Địa Đàng khép cửa, cùng rủ nhau, từ ký ức tập thể của loài người đã nhiều ngàn năm nay, bước những bước khiêm tốn vào thế giới truyện tranh và phim hoạt hoạ của trẻ em thời hiện đại.


Nước hay lửa ?


Mặc dù hoàn toàn được nặn ra từ trí tưởng tượng của loài người, nhưng con rồng ở phương Ðông cũng như ở phương Tây lại có một chỗ đứng khá đặc biệt so với những anh em, bạn bè của nó, như phượng hoàng, kỳ lân, nhân mã, nhân sư, nhân ngư, nhân điểu...

Ở phương Ðông, rồng tượng trưng cho sự dũng mãnh, uy quyền, là loài vật thiêng, thường mang hình dạng một con rắn lớn mình phủ vẩy, đầu có sừng, lại mọc bốn chân đầy vuốt nhọn. Các Long Vương sống ở Thuỷ Cung, chia nhau trấn giữ biển cả và đại dương, phụ trách việc bay lẩn trong mây, phun nước làm mưa tưới tắm mặt đất. Trong tứ linh Long-Ly-Quy-Phụng (rồng, lân, rùa, phượng) của văn minh Trung Hoa, rồng chễm chệ đứng đầu và hình ảnh của nó được dùng để ám chỉ người đứng cao nhất trong thiên hạ : nhà vua. Cả một loạt từ ngữ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngàn năm, có nguồn gốc từ hình ảnh kép này: long thể, long nhan, long bào, long xa, long sàng... Trái lại, ở phương Tây, với bộ móng sư tử, một đôi cánh dơi bé xíu trên lưng và chiếc đuôi to kềnh của loài rắn, rồng bị xem như một ác thú, sống trong hang, khạc ra lửa và thích ăn thịt người. Do vậy, nảy sinh ra huyền thoại về những chàng hiệp sĩ chém rồng, cứu nhân độ thế, mà nổi bật nhất là hình ảnh thánh Michel, người bảo vệ đất Do Thái trong Cựu ước, hoặc Georges, thánh bổn mạng của nước Anh.

malefique

Từ đó, mang trên lưng những tính cách hoàn toàn trái ngược nhau do loài người gán ghép, con rồng phương Ðông và con rồng phương Tây đi vào thế giới truyện tranh, phim hoạt hoạ của thế kỷ hai mươi và hai mươi mốt. Trong những phim vẽ và loại truyện manga của Nhật Bản, con rồng vẫn giữ nguyên dáng vẻ oai phong lẫm liệt lẫn uy quyền siêu đẳng của nó, như các nhân vật Dracolosse, Dracofeu, Drakkarmin trong loạt phim truyền hình nhiều tập « Pokémon » của Nhật Bản chẳng hạn (hoạ sĩ Satoshi Tajiri). Ở phương Tây, tính-cách-rồng đã phần nào bị thay đổi, cách tân. Hình ảnh con rồng cổ điển và cuộc chiến đấu một mất một còn giữa loài ác thú và chàng hiệp sĩ được thể hiện rõ nét nhất trong phim "Người Ðẹp ngủ trong rừng" của Walt Disney (1959). Mụ ác tiên, cố muốn giữ cho tròn lời nguyền, đã hoá rồng để ngăn bước chàng hoàng tử đến đánh thức nàng công chúa ra khỏi giấc ngủ trăm năm. Nhưng cuối cùng, tình yêu và lòng quả cảm đã giúp sức cho chàng tuổi trẻ chiến thắng. Trong phim "Hercule" (Walt Disney 1997), trận đấu này được lặp lại giữa người hùng Hercule và con quái thú Hydre của thần thoại Hy Lạp. Những con rồng khác, đã ít nhiều "thoái hoá": đầu tiên là « Chú rồng ương ngạnh » (Walt Disney 1941), chỉ thích thảnh thơi chơi đùa, uống trà ăn bánh, ngâm thơ thổi sáo. Chú rồng xanh nước biển, to đùng này không chịu khạc lửa, chẳng mê đánh đấm gì cả, khiến người bạn của rồng, một cậu bé mơ trở thành dũng sĩ săn… rồng phải nhờ đến tay lão hiệp sĩ Giles dạy rồng xử sự cho ra… rồng : biết khạc lửa, đánh nhau và giả vờ… chết ! Trong phim "Pháp sư Merlin" (Merlin l'enchanteur, Walt Disney 1963), ở màn đấu phép, có lúc mụ phù thủy Mim hoá rồng khạc lửa định đốt Merlin, nhưng đã bị vị pháp sư cao tay ấn này trị cho một mẻ đích đáng: ông ta hoá thành... vi trùng và truyền bệnh... đau ban đỏ cho mụ rồng Mim !

Nessie

Nessie

Mushu

Mushu

Peter Elliot

Peter Elliot

Sau đó, năm 1977, hãng Disney tung ra bộ phim "Peter và chú rồng Elliot", một bộ phim có người thật đóng xen với các nhân vật hoạt hoạ (toon). Chú rồng xanh lục Elliot trong phim này hiền như bụt, hơi... đần, nhưng lại có tài tàng hình. Trái lại, chàng rồng đỏ Mushu trong phim "Mộc Lan" (Mulan 1 & 2, Walt Disney 1998-2004) thì lại tỏ ra quá lanh... chanh trong việc thi hành nhiệm vụ được giao phó : theo sát, bảo vệ và giúp đỡ Hoa Mộc Lan trong những tình huống khó khăn. Cuối cùng, là nàng rồng Nessie trong bộ phim ngắn « Cuộc du hành của Nessie » (Stevie Wermers-Skelton và Kevin Deters, hãng Walt Disney, 2011) : bị loài người chiếm nơi cư ngụ, nàng rồng lang thang tìm nơi có nước để sinh sống, nhưng đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Buồn, tủi, một hôm nàng ngồi khóc hu hu, khóc cho đến khi cạn kiệt nước mắt. Kỳ diệu thay, nước mắt nàng rồng đã tụ lại cả thành hồ Loch Ness, thế là Nessie tìm được nơi cư ngụ mới của nàng. Nhưng đặc biệt nhất, phải kể đến chú rồng một thân hai đầu Devon và Cornouailles trong bộ phim hoạt hoạ "Excalibur, thanh kiếm thần" của hãng Warner-Bross (hoạ sĩ Frederik du Chau, 1999). Bộ phim này, tương tự bộ phim "Pháp sư Merlin" của hãng Disney, kể về huyền thoại thanh kiếm thần đã đưa chú bé Arthur, với sự giúp đỡ của pháp sư Merlin, lên ngôi vua, trị vì Anh quốc và sau này, chính là người lập ra "Hội các hiệp sĩ bàn tròn" nổi tiếng. Còn trong các bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi, rồng xuất hiện rất ít. Hoạ sĩ người Bỉ Peyo đã để cho một con rồng phun lửa tàn phá ngôi làng nấm của giống dân tí hon da xanh schtroumpfs trong truyện tranh "Ống sáo sáu lỗ". Dân tí ly tán, về sau, được sự giúp đỡ, bày mưu tính kế của hai chàng hiệp sĩ Johan và Pirlouit, một chú tí tình nguyện... chui vào bụng rồng, cầm chĩa ba tìm nước chạm trúng... long mạch. Thế là con ác thú, đang từ thế hung hăng khạc ra lửa, chuyển sang cảnh phun phèo phèo ra nước, bỗng chốc ỉu xìu như mèo gặp mưa ! Con rồng phương Tây thoắt cái đã bị hoạ sĩ Peyo, qua bàn tay của chú schtroumpf, biến thành con rồng phương Ðông. Ðông-Tây, ít ra cũng có đôi ba điểm chung để gặp gỡ nhau đấy chứ !

Harold

Harold & Krokmou

Những năm gần đây, cùng với sự « bùng nổ » của các bộ phim hoạt hoạ trong không gian ba chiều đưọc thực hiện bằng hình ảnh tổng hợp (image de synthèse), rồng có dịp tung hoành khắp nơi. Trước tiên là nàng rồng cái khổng lồ, nhìn bề ngoài vô cùng dữ tợn, nhưng lại rất cô đơn và nhanh chóng si tình anh lừa đực láu táu trong bốn bộ phim « Ông kẹ Shrek » (thực hiện : Andrew Adamson, Vicky Jenson, Kelly Asbury, Conrad Vernon, Chris Miller, Raman Hui và Mike Mitchell, dựa theo truyện cổ tích của William Steig, hãng phim Hoa Kỳ DreamWorks, 2001-2004-2007-2010). Cuối cùng, cặp rồng-lừa tréo ngoe này sống với nhau rất hạnh phúc và có được cả một bầy « lồng-rừa » ! Trong năm 2009, DreamWorks cũng giới thiệu bộ phim vẽ ba chiều « Rồng » (Chris Sanders & Dean Deblois, dựa theo truyện « Làm cách nào để điều khiển con rồng của bạn » của Cressida Cowell), kể về cuộc chiến đấu không khoan nhượng giữa hai kẻ thù không đội trời chung : bầy rồng và bộ lạc viking. Bao nhiêu là giống rồng xuất hiện trong phim : rồng phun nọc độc, rồng mê ngủ, rồng hai đầu, rồng tí hon hung tợn, rồng « Ác mộng lửa », rồng « Đêm đen »... Tuy vậy, do gặp may, cậu bé viking hiền lành, vụng về Harold lại chinh phục được chú rồng « Đêm đen » Krokmou và cuối cùng, cả bộ lạc viking, già trẻ lớn bé đã hiệp lực cùng bầy rồng chiến đấu chống kẻ thù chung : lão Chúa Rồng khổng lồ, ăn trên ngồi trốc và cai trị bầy rồng thật khắc nghiệt. Có lẽ đây là bộ phim hoạt hoạ có mật độ rồng xuất hiện đậm đặc nhất từ trước đến nay : cứ xem cảnh bầy rồng vỡ tổ túa cả ngàn con ra khắp nơi ở gần cuối bộ phim thì rõ ! Màn ảnh lớn đã thế, màn ảnh nhỏ cũng không thua kém. Trong loạt phim truyền hình 12 phút/tập của bộ « Hiệp sĩ Mike » (Alexander Bar, Gerard Foster, Neil Affleck, phim hợp tác giữa Canada và Anh quốc), các khán giả tí hon từ 3 đến 6 tuổi mê mải theo dõi những cuộc phiêu lưu của bé hiệp sĩ Mike trên lưng ngựa Galahah cùng với hai bạn rồng đỏ Flammèche khạc ra lửa và rồng xanh Azul phun ra… nước ! Lại một lần nữa, Đông-Tây, nước-lửa kết bạn đề huề !


Nanh nọc hay len lét ?


Như đã viết ở trên, có lẽ từ khi bị đuổi khỏi vườn Ðịa Ðàng, con cháu Adam và Eve đâm ra vừa ghét vừa sợ cái giống vật dài thoòng, trơn tuột và đôi khi lại mang nọc độc chết người này. Vì vậy, ít thấy con rắn có mặt trong đống đồ chơi của trẻ nít, và dĩ nhiên, số phận của nó cũng không tươi sáng gì hơn trong lãnh vực truyện tranh và phim hoạt hoạ, mà giới tiêu thụ chiếm đa số là quý vị nhi đồng. Ðúng là mối thù truyền kiếp!

triste sire

Triste Sire

Nói cho cùng, có rắn độc và rắn nước, thấy bóng người từ xa đã lẩn mất, rồi nào là rắn sống trên cây, rắn luồn trong đất, rắn bơi ngoài biển, rắn có màng biết… bay ! Họ hàng làng nước, còn thêm mấy trự trăn gió, trăn đất, trăn nước và cả một lớp bò sát, từ tổ tiên xa là... khủng long đến anh em gần như cá sấu, rùa, kỳ nhông, kỳ đà... Như vậy, hốt một mẻ trong xứ sở các toon, ít ra cũng tóm đâu được mươi trự để đem ra trình làng trong số báo Xuân Quý Tỵ này.

Trong thế giới của Walt Disney, con rắn duy nhất xuất hiện trong các bộ phim hoạt hoạ có tên Triste Sire (Ngài Sầu ?!), tên nịnh thần gian xảo theo phò Hoàng tử Jean. Năm 1973, dựa trên truyền thuyết nổi tiếng « Robin, hiệp sĩ rừng xanh » của dân tộc Anh, hãng Disney đã tung ra màn ảnh bộ phim hoạt hoạ cùng tên, với các nhân vật đã được « vật cách hoá » : Robin, chú cáo tinh khôn, có bạn thân Jean « bé », là chàng gấu có sức khoẻ kinh hồn. Vua Richard và cậu em khờ khạo Hoàng tử Jean lẽ dĩ nhiên đội lốt sư tử, chúa tể muôn loài. Nịnh thần-rắn Triste Sire đóng vai trò quan trọng bên cạnh anh chàng soán ngôi tham tiền Hoàng tử Jean, cùng với bè lũ chó sói, kên kên, tê giác, hà mã... ức hiếp « dân lành » thỏ, rùa, chó, chuột, gà, heo... Cuối cùng, « thiên bất dung gian », vua Richard ca khúc khải hoàn, trở về sau cuộc « thánh chiến », lấy lại ngai vàng, chấm dứt thời buổi nhiễu nhương. Bọn ác vào tù, đập đá lót đường, « con rắn biết khoanh tay » phải mặc áo sọc, vác búa lao động khổ sai như đồng bọn. Tàn đời Triste Sire!


Shere Khan và Kaa

Shere Khan và Kaa

Có rắn thì phải có trăn ! « Truyện rừng xanh » của nhà văn Anh quốc Rudyard Kipling được xem là quyển sách gối đầu giường của tất cả hướng đạo sinh trên toàn thế giới. Truyện kể về cuộc sống của chú bé loài người Mowgli, từ thuở sơ sinh đã được một gia đình sói nuôi dưỡng, lớn dần lên giữa rừng rậm Ấn Ðộ. Năm 1967, hãng Disney cũng đã dựa theo « Truyện rừng xanh » để dựng nên một bộ phim hoạt hoạ cùng tên khá thành công. Đây được xem như bộ phim hoạt hoạ cuối cùng còn được bàn tay của Walt Disney chăm sóc, vì ông qua đời cuối năm 1966, chỉ vài tháng trước khi bộ phim này được trình chiếu. Trong phim, bên cạnh anh em sói, những người bạn như báo đen Bagheera, gấu xám Baloo..., chú bé Mowgli còn có những kẻ thù tai quái như tên cọp què Shere Khan hay Kaa, lão trăn có lối tấn công đặc biệt bằng cách hát ru thôi miên con mồi trước khi quấn xiết lấy và nuốt trửng. Cuối phim, Mowgli trở về thôn bản, sống đời sống con người. Còn Kaa bị báo đen Bagheera giáng cho một tát nên thân vì tội dám thôi miên và định « mần thịt » chú bé Mowgli yếu ớt, bé bỏng... Đúng bốn mươi năm sau, chú trăn gió Larry mới có dịp bước vào gia đình Disney trong bộ phim không mấy thành công « Vùng hoang dã » (2006) với nhân vật chính là cha con sư tử Samson và Ryan.


Họ hàng làng nước


aladar

Aladar, Kron, Bruton

Trở ngược về kỷ Jurassic, không như trong các bộ phim khoa học giả tưởng, những con khủng long trong bộ phim của hãng Disney cho ra lò vào năm 2000 có vẻ hiền lành hơn và toon hơn, nhất là chúng lại có tên tuổi và tính tình tốt xấu, biết vui buồn hờn giận hẳn hòi. Bộ phim « Khủng long » được thực hiện bằng phương pháp hình ảnh tổng hợp, với nhân vật trung tâm là chú khủng long mồ côi Aladar đã bỏ nhà đi hoang từ lúc... còn trong trứng nước. Ngoài Aladar và những khủng long khác như Kron, Bruton, Baylene, Eema..., bộ phim còn gây sự ngạc nhiên cho người xem với sự xuất hiện và « sống chung hoà bình » giữa các loài bò sát khổng lồ và một gia đình hồ hầu bé nhỏ (lémurien), tổ tiên chung của giống khỉ, vượn và người ngày nay, đại diện là các nhân vật Plio và Zini. Nhiều đoạn trong bộ phim này làm người xem liên tưởng đến loạt sáu bộ phim hoạt hoạ có tên chung « Ðất tiền sử » (« The land before time », 1988-1998) của hoạ sĩ Don Bluth với ngũ quỷ « khủng long con » Chân nhỏ, Cera, Spike, BeckyPetrie. Loạt phim này đã được đón nhận nồng nhiệt, có lẽ vì rơi vào đúng « cơn sốt khủng long », do ảnh hưởng của hai bộ phim nổi tiếng « Jurassic Park » (1993) và « Thế giới bị lãng quên » (« Le monde perdu ») (1997), cùng do Steven Spielberg đạo diễn và cùng dựa trên những quyển tiểu thuyết giả tưởng của Michael Crichton. Nên biết thêm rằng, cũng chính Steven Spielberg và George Lucas (đạo diễn của các bộ phim « Chiến tranh giữa các vì sao ») đã đứng ra sản xuất loạt phim hoạt hoạ « Ðất tiền sử » của các chú khủng long con này. Được biết thêm, Steven Spielberg cũng còn sản xuất một bộ phim hoạt hoạ vui nhộn mang tên « Bốn chàng khủng long và gánh xiệc kỳ diệu ». Ðúng là một người yêu thích... khủng long ! Ngoài ra, các khán giả tí hon cũng không quên chú khủng long xanh lét Rex to đầu mà dại trong loạt phim “Chuyện đồ chơi” (John Lasseter, Pixar-Disney, 1995-1999-2010) và bầy khủng long trong bộ phim thứ 3 của loạt phim “Thời Băng giá” (thực hiện : Chris Wedge, Carlos Saldanha, 20th Century Fox, 2002-2006-2009-2012).

Dragon Recalcitrant

Leon

Dragon récalcitrant

Léon

Fantasia

Cảnh phim Fantasia

Các chú cá sấu được hãng Disney ưu ái cho xuất hiện trên màn ảnh ít nhất là bốn lần. Ðó là chú cá sấu trong phim « Peter Pan » (1952) « lỡ » nuốt cả cánh tay có mang đồng hồ của thuyền trưởng Móc Sắt, nên đi đến đâu là có tiếng tích tắc theo đến đó. Ðó là những vũ công múa ballet trong bộ phim phối hợp tuyệt vời giữa hoạt hoạ và âm nhạc « Fantasia » (1940) hoặc hai tên tay sai khổng lồ hung ác NéronBrutus của mụ Médusa trong phim « Những chuyến phiêu lưu của Bernard và Bianca » (1976). Gần hơn cả là anh cá sấu gà tồ mê nhạc jazz, thích thổi kèn trompette Louis trong bộ phim hoạt hoạ “Công chúa và chàng ếch” (dựa theo truyện của nhà văn E.D.Baker, hãng phim Walt Disney, 2009).

Cũng với cặp tài tử giai nhân chuột Bernard và Bianca xuất hiện trong bộ phim thứ hai « Bernard và Bianca ở xứ chuột túi » (1990), người xem lại có dịp làm quen với chú thằn lằn xanh lét rất... hề, tù nhân của tay săn thú lậu Mc Leach, và con kỳ đà hung dữ Joanna với món trứng chim khoái khẩu. Sau đó, khán giả con nít có dịp sợ hãi khi thấy nhân vật phản diện Léon, nửa thằn lằn nửa kỳ nhông, có tài đổi màu và tàng hình trong chớp mắt ở bộ phim vẽ bằng hình ảnh tổng hợp “Công ty Quái vật” (Pete Docter, hợp tác Pixar & Disney, 2001) Trong bộ phim vẽ ba chiều “Tóc tiên” (2011), chú kỳ nhông Pascal, dù không nói một lời nào, nhưng lại là bạn thiết của cô bé Raiponse có mái tóc dài kỳ diệu. Dựa theo truyện cổ tích của hai anh em Grimm, bộ phim “Tóc tiên” của hãng Disney đã đạt được một bước tiến dài trong việc xây dựng các nhân vật bằng phương pháp dùng hình ảnh tổng hợp qua máy vi tính: tâm lý nhân vật phức tạp hơn, nét mặt linh động hơn, làn da mịn màng hơn, các cử động nhịp nhàng, trơn tru hơn...

Lievre et Tortue

Pascal

Thỏ và Rùa

Kỳ nhông Pascal

Họ nhà rùa cũng không bị bỏ quên. Năm 1935, bộ phim hoạt hoạ « Thỏ và Rùa » đoạt giải Oscar. Dựa theo bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Walt Disney đưa hai lực sĩ điền kinh Thỏ Max và Rùa Toby lên màn bạc. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng biết trước kết cục câu chuyện. Tuy chậm chạp, lù đù, nhưng chú Rùa hiền lành đã thắng cuộc trong buổi thi chạy đua với chàng Thỏ kiêu ngạo và khinh... rùa ! Năm sau, 1936, cặp tài tử này lại được dịp xuất hiện thêm lần nữa trong một cuộc so găng trên võ đài và Toby lại tiếp tục đại thắng. Tuy vậy, chàng Rùa nọ vẫn không gỡ nổi câu thành ngữ « chậm như rùa » đã dán cứng lên trán của họ hàng mình mình từ suốt bao đời nay. Cứ tưởng rằng rùa và thỏ sẽ mãi là kẻ thù, nhưng trong bộ phim « Robin, hiệp sĩ rừng xanh » của hãng Disney (xem phần giới thiệu con rắn Triste Sire ở trên), chú rùa Toby lại là bạn thân của thỏ con Bobby và cả hai đều là thuộc hạ thân tín của chàng cáo Robin.

Rời thế giới của Disney, chúng ta cũng gặp được đây đó những tài tử bò sát. Thí dụ, với sự thành công vang dội của hai bộ phim « Kung Fu Panda / Gấu trúc thiếu lâm » (thực hiện : Mark OsborneJohn Stevenson, 2008-2011), hãng DreamWorks đã giới thiệu những giống vật và tập tục lâu đời của Trung Hoa đến trẻ em toàn thế giới. Chú gấu trúc Po tham ăn tục uống, béo tròn béo trục lại có số trở thành anh hùng cứu nhân độ thế, cùng với các bạn Hổ, Khỉ, Hạc, Rắn và Bọ ngựa vâng lời sư phụ diệt bạo trừ hung. Dù nàng Rắn dắt hoa trên đầu chỉ là một nhân vập phụ, ít cá tính, nhưng lại không thể thiếu được trong thế liên hoàn của bộ Ngũ phái thiếu lâm ấy được !

ninja

Ninja Rùa

Từ năm 1977 đến nay, những bộ phim truyền hình dài 12 phút của chú rùa Franklin / Benjamin được trình chiếu liên tục trên các đài truyền hình Canada, Hoa Kỳ và Pháp. Được tạo hình từ nét vẽ của Brenda Clark dựa theo truyện kể của Paulette Bourgeois (Canada), chú rùa hiền lành này, cùng với bố, mẹ, em gái Ariette, các bạn gấu Martin, hải ly Lili, ngỗng Béatrice, ốc sên Arnaud… và những mẩu truyện ngắn, thú vị đầy tính giáo dục, đã từ kỷ nguyên phim vẽ hai chiều ở những bộ phim đầu tiên, bước sang kỷ nguyên phim hoạt hoạ ba chiều từ năm 2011. Có lẽ, ngoài rùa Toby đoạt giải Oscar từ 1935 và đang chìm vào quên lãng, Franklin là chú rùa được trẻ em nhiều nước nói tiếng Pháp biết đến và yêu thích nhất. Cạnh tranh với Franklin, có thể kể đến bốn chú rùa hiệp khách ninja. Bắt nguồn từ những tập truyện tranh của Kevin EastmanPeter Laird, dành cho lứa tuổi thiếu niên, bốn chàng rùa này bước chân vào màn ảnh nhỏ từ 1987, màn ảnh lớn từ 1990, rồi 2003 và cuối cùng, theo mốt phim bằng hình ảnh tổng hợp năm 2007. Ngoài ra, còn có cô rùa Lulu Vroumette (Daniel Picouly, Frédéric Pillot) cùng các bạn của mình đưa dẫn lớp nhi đồng thuộc lứa tuổi mẫu giáo vào những câu chuyện ngắn, dễ thương, có tính công dân giáo dục, bảo vệ môi sinh...

Năm ngoái, 2011, lần đầu tiên, kỳ nhông được chọn làm diễn viên chính cho bộ phim hoạt hoạ ba chiều « Rango » (thực hiện : Gore Verbinski, Paramount Pictures, 2011). Đang sống yên lành trong lồng kính, vì một « sự cố » ngoài ý muốn, chú kỳ nhông Rango phải gồng mình lao vào những cuộc phiêu lưu, mạo hiểm giữa vùng sa mạc, trong khung cảnh của thời Cao-bồi miền Viễn Tây. Trên đường, Rango gặp bao nhiêu giống vật của vùng đất khô cằn này : cô thằn lằn Hạt Đậu, rùa thị trưởng John, rắn đuôi chuông giết mướn Jack… Khán giả được kịp cười vỡ rạp từng hồi khi theo dõi bộ phim này. Điểm đặc biệt của bộ phim là các nhân vật không được tạo dáng theo kiểu cổ điển của Walt Disney, nhưng lại có nét duyên dáng riêng. Tài tử nổi tiếng Hoa Kỳ Johnny Deep đã được mời lồng tiếng cho kỳ nhông Rango trong nguyên bản tiếng Anh của bộ phim này. Gần như đồng thời, những loài vật miền hoang mạc cũng được đưa lên truyền hình qua các bộ phim ngắn 7 phút của Pháp và Nam Hàn cùng hợp tác : chú thằn lằn Oscar cùng các bạn Buck (kên kên), Harchi (sói cười), Popy (cáo sa mạc) trải qua nhiều cuộc phiêu lưu lý thú chỉ trên nền nhạc và tiếng động mà không cần phải trao đổi với nhau một lời nào !

Dragonair

Dragonair (Pokemon)

Cuối cùng, trong danh sách hàng trăm nhân vật huyền thoại cứ nối dài mãi của manga Pokémon, thấy đâu đó cũng có một số con quái nhìn... giông giống khủng long, rắn, rùa, cá sấu : Ekans, Arbok, Majaspic, Dragonair, Léviator, Carchacroc, Serviper, Palkia, Dialga, Drattak, Tryoxydre, Resshiram, Carapagos, Escroco... Biết vậy thôi, chứ hỏi kỹ tính tình của từng con một, đành chịu thua. Xin quý vị con nít cứu bồ dùm ! Cảm ơn nhiều !


Cổ Ngư

Choisy-le-Roi 12.2012



Tài liệu tham khảo :


1/ Dave Smith & Steven Clark - Walt Disney, 100 ans de magie (Michel Lafon 2001)

2/ John Grant - Encyclopedia of Walt Disney's animated characters (Hyperion 1998)

3/ http://www.youtube.com/v/33o9rJt0b4s&fs=1&source=uds&autoplay=1

4/ http://www.youtube.com/v/TkrRiLA-t1Y&fs=1&source=uds&autoplay=1

5/ http://en.wikipedia.org/wiki/Dinosaur_%28film%29

6/ http://www.youtube.com/v/dVsYrdC2CbM&fs=1&source=uds&autoplay=1

7/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Dragons_%28film,_2010%29

8/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Franklin_%28s%C3%A9rie_t%C3%A9l%C3%A9vis%C3%A9e%29

9/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Les_Tortues_ninja

10/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Rango_%28film,_2011%29


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us