Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Rừng nào cọp nấy

Rừng nào cọp nấy

- Cổ Ngư — published 08/02/2010 19:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Cọp, sư tử, cùng các loài vật khác trong truyện tranh và phim hoạt hoạ


Rừng nào cọp nấy!


Cổ Ngư



Mặc dù không thuộc nhóm Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng - Rồng, Kỳ Lân, Rùa, Phượng Hoàng), nhưng ở Việt Nam nói riêng và Á Châu nói chung, cọp, với dáng vẻ oai dũng và sức mạnh vô song, từng được tôn vinh là « chúa tể sơn lâm » và được kiêng tên, kỵ huý mà gọi thành « ông kễng », « ông ba mươi », được phong thần và được lập cả đền thờ hẳn hoi! Ở nước ta, ngày trước, giống hổ hay cọp Đông Dương (Panthera tigris corbetti) có mặt khắp nơi, nhưng có lẽ nhiều nhất ở khu vực Khánh Hoà, vì nhiều câu tục ngữ còn lưu lại dấu vết trong dân gian: « Cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận » hoặc « Cọp núi Lá, cá sông Hinh ». Nay, vì chiến tranh, vì nạn phá rừng, săn bắt thú quý hiếm… giống cọp này chỉ còn khoảng dưới 2000 con sống rải rác ở nam Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Mã Lai và có nguy cơ sớm bị tuyệt chủng

Đối với trẻ em toàn thế giới, hình ảnh cọp vằn rừng già Á Châu có lẽ không quen thuộc bằng vóc dáng người anh họ sư tử của vùng đồng cỏ Phi Châu. Cũng vì thế, trong lãnh vực truyện tranh và phim hoạt hoạ, bước chân uyển chuyển của cọp cũng đành phải chịu lép vế một bề trước tiếng gầm long trời lở đất của sư tử, từng được mệnh danh « vua của các loài thú ».

Vì lẽ đó, trong bài viết này, sư tử sẽ được ưu tiên giới thiệu trước cọp và beo. Còn cô mèo nhà cùng họ cùng hàng nhưng đã được loài người thuần hoá từ lâu sẽ xin được xuất hiện trong bài viết của năm tới.

kimbaMột trong những chú sư tử đầu tiên xuất hiện trong truyện tranh và phim hoạt hoạ có lẽ là sư tử trắng Kimba (còn có tên khác là Leo). Bắt nguồn từ loạt truyện tranh manga (1950) của hoạ sĩ Nhật Bản Osamu Tezuka, 52 tập phim đã được giới thiệu trong ba năm 1965, 1966, 1967: đó là loạt phim hoạt hoạ màu đầu tiên của truyền hình Nhật Bản. Năm 1989, năm cha đẻ của Kimba qua đời, thêm 52 tập phim hoạt hoạ nữa được trình chiếu. Sau đó, năm 1997, nhà dựng phim Yoshio Takeuchi đã cho ra đời bộ phim dài màn ảnh lớn « Leo, vua rừng xanh », dựa theo các nhân vật và cốt truyện của Tezuka: sau khi cha Panja bị thợ săn giết và mẹ Eliza bị bắt để đem vào sở thú, Kimba được sinh ra khi tàu chở thú đang lênh đênh trên biển. Được mẹ cho biết tông tích, Kimba thoát chết khi tàu bị bão đánh đắm, được cá dạy cho biết bơi và được đàn bướm dẫn đường về đất tổ. Ở đây, Kimba đánh bạn với hươu Tommy, vẹt Coco, khỉ mặt xanh Buzara, voi Pagoola… trong những chuyến phiêu lưu, mạo hiểm thú vị. Mặc dù luôn bị kẻ thù rình rập để hãm hại: sư tử chột Bubu, báo đen Sylvester, sói cười Dick, Bo…, nhưng cuối cùng, lẽ phải luôn luôn chiến thắng, Kimba trưởng thành, trở thành Vua sư tử trắng, bên cạnh người đẹp Lyre… Trước 1975, cùng với Astro Boy, Kimba trở thành nhân vật hoạt hoạ quen thuộc của trẻ em Việt Nam vì hai bộ phim này được trình chiếu thường xuyên trên đài truyền hình băng tần 11 của quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Bên đất Mỹ, bộ phim « Vua sư tử » (1994) của hãng Disney (Roger AllersRob Minkoff) thành công rực rỡ trên toàn thế giới. Phim bắt đầu bằng cuộc tụ họp của muông thú để đón chào hoàng tử Simba, con của vua sư tử Mufasa và hoàng hậu Sarabi, vừa ra đời. Simba lớn dần lên trong sự dạy dỗ của cha và sự trông chừng của chim hồng hoàng Zazu. Bị rơi vào bẫy hiểm của Scar, em ruột, Mufasa chết sau khi kịp cứu thoát Simba. Sau khi tiếm ngôi, Scar sai bầy sói cười bắt giết Simba. Thoát chết, Simba lạc vào một vùng đất lạ, trở thành bạn của lợn lòi Pumbaa và chồn đèn Timon. Trưởng thành bên hai người bạn chỉ biết vui chơi không muộn phiền, Simba quên dần quá khứ cho đến khi ngẫu nhiên gặp lại người bạn gái thuở ấu thơ Nala. Sau khi biết vương quốc của mình đang suy sụp dưới sự cai trị tàn bạo của Scar, Simba quyết định quay trở về với đồng loại. Được sự giúp sức của Nala, Pumbaa, Timon, Zazu và lão khỉ mặt xanh Rafiki, Simba chiến thắng sau một cuộc đọ sức quyết liệt với Scar. Kẻ ác chết trong biển lửa. Vua sư tử Simba đăng quang trong sự ngưỡng phục của muôn loài.

roi lionBa năm sau, bộ phim tiếp theo « Danh dự của bộ tộc » ra đời dưới hình thức video và DVD. Kiara, con gái của Simba và Nala, kết bạn với Kovu, con trai của Scar và Zira. Bị gia đình cả hai bên cấm đoán, nhưng khi lớn lên, Kiara và Kovu quyết định « lấy thương yêu xoá bỏ hận thù », kết hợp lại hai đàn sư tử bị chia rẽ từ khi có sự tranh chấp giữa Scar và Simba.

Ngay sau khi bộ phim « Vua sư tử » được giới thiệu trước công chúng năm 1994, một kiến nghị với 1100 chữ ký của người ái mộ, nghệ nhân và hoạ sĩ manga đã được gửi đến hãng Disney, phản đối việc phóng tác Kimba mà chưa được sự đồng ý của tác giả Tezuka. Thật vậy, từ cốt truyện đến việc xây dựng tính cách các nhân vật, giữa « Kimba, sư tử trắng » và « Vua sư tử » có khá nhiều điểm tương đồng. Hãng Disney không công nhận điều này, nhưng rồi cũng ngỏ lời xin lỗi vào năm 2001.

Năm 2006, hãng Disney lại cho tung ra một bộ phim vẽ bằng hình ảnh tổng hợp (image de synthèse) với sư tử trong vai chính : « The Wild ». Sư tử cha Samson, trăn gió Larry, sóc xám Benny, hươu cao cổ Brigitte và gấu túi (koala) Nigel trốn khỏi sở thú để đi tìm sư tử con Ryan. Lạc từ New York đến chốn rừng hoang, phải đương đầu với chó dữ và… cá sấu thành phố, rồi với lão linh dương Kazar vùng núi lửa, cuối cùng cha con hội ngộ, cả bầy thú thoát hiểm, lên tàu ra khơi.

« The Wild » không gây tiếng vang đáng kể, và càng không thể so sánh được với bộ phim hoạt hoạ bằng hình ảnh tổng hợp « Madagascar » của hãng DreamWorks Animation ra đời trước đó một năm. Dựa trên hình học, Eric Darnell và Tom McGrath đã tạo nên bộ tứ: sư tử Alex (hình tam giác đặt trên một cái chấm), nàng hà mã Gloria (vòng tròn), chàng ngựa vằn si tình Marty (hình trụ) và chú hươu cao cổ Melman (nét gạch dài) cùng những tình huống bi-hài, tạo nên những trận cười nghiêng ngửa nơi hàng ghế khán giả. Thoát khỏi sở thú Central Park của New York cùng bầy chim cánh cụt và hai chú khỉ Mason, Phil, bộ tứ thám hiểm đảo Madagascar (phần 1, 2005), gặp hầu chúa Julien và phó vương Maurice của bầy hồ hầu (lémurien) rồi quay về đất tổ Phi Châu (phần 2, 2008), tập làm quen với cuộc sống hoang dã của tổ tiên. Tại đây, Alex gặp lại cha Zuba cùng mẹ và phải cố gắng chứng tỏ bản năng… sư tử của mình trong cuộc đấu sức với sư tử bờm đen Makunga, kẻ muốn thay Zuba cai quản bầy đàn.

 

madagascar

 

Ngoài những tên tuổi sáng chói vừa nêu trên, sư tử còn xuất hiện trong loạt phim hoạt hoạ « The Lionhearts » của hãng MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) với cha Leo, mẹ Lana, các con Kate, SpencerJudy. Được trình chiếu mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật trên truyền hình Mỹ từ 1998 đến 2000, những tập phim này kể về cuộc sống gia đình bình thường của sư tử Leo, nổi tiếng với cái đầu bờm lúc lắc và tiếng gầm quen thuộc ở đầu mỗi bộ phim của hãng MGM. Hãng này còn có một phim hoạt hoạ ngắn của Slap, chú sư tử vui tính của gánh xiệc Jingling Bros. (hoạ sĩ Tex Avery, 1947). Trong loạt phim 78 tập của Pháp « Animal Crackers / Bêtes à Craquer » (Joseph Mallozzi, dựa theo các nhân vật của hoạ sĩ truyện tranh Roger Bollen) có chú sư tử bờm đỏ Léo ốm nhom cùng các bạn voi Eugène, linh dương Gnou, chim Dodo… vui sống trong một khu bảo tồn thiên nhiên ở Phi Châu. Trong thế giới toon của Walt Disney, có thể kể thêm Lambert, chú sư tử kêu be be vì từ tấm bé đã sống chung với bầy cừu (phim ngắn cùng tên, 1952), chàng sư tử hoang ngỡ ngàng khi lạc vào một thành phố Mỹ (« Social Lion », 1954), vua sư tử Leonidas của đảo quốc Naboombu (« Phù thuỷ tập sự », 1971), hai anh em Vua Richard Tim Sư Tử anh minh và Hoàng Tử Jean khù khờ, gian tham (Richard Cœur de Lion & Prince Jean) trong « Robin, hiệp sĩ rừng xanh » (1973) hoặc chú nửa sư tử-nửa ong Bumblelion của loạt phim truyền hình mười ba tập « The Wuzzles » (1985).

hodori
 

tigrouMặc dù chú cọp Hodori với chiếc nón đen truyền thống được vinh dự chọn là linh vật (mascotte) của Thế vận hội mùa hè 1988 ở Séoul của Đại Hàn, nhưng quả thật, so với sư tử, hình ảnh cọp trong truyện tranh và phim hoạt hoạ khá mờ nhạt. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là chú cọp ngây thơ Tigrou với chiếc đuôi tưng bật như lò xo. Sống trong khu rừng « Những giấc mơ xanh », Tigrou tham gia các trò chơi, những hoạt động hàng ngày của nhóm thú nhồi bông dễ thương trong nhiều phim dài ngắn của hãng Disney từ 1966 đến 2005. Năm 2000, với bộ phim dài màn ảnh lớn « Những chuyến phiêu lưu của Tigrou », chú cọp tếu lâm này trở thành nhân vật trung tâm của nhóm bạn: gấu Winnie, heo hồng Porcinet, lừa xám Bourriquet, thỏ vàng Coco, thầy Cú, mẹ con Chuột túi, voi tím Lumpy và chú bé Jean-Christophe. Tủi thân vì nghĩ rằng mình không gia đình thân thuộc, Tigrou quyết định rời bạn bè để lên đường tìm kiếm họ hàng thân thích. Cuối cùng, Tigrou hiểu ra gia đình của mình chính là những cư dân biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của khu rừng « Những giấc mơ xanh ».

sherekhanrajahNgược hẳn với Tigrou, hổ thọt Share-Khan gieo kinh hoàng trong hai bộ phim « Sách rừng xanh (1967) » và phần 2 (2003) của hãng Disney, dựa theo câu truyện của nhà văn Anh Rudyard Kipling, đã trở thành sách gối đầu giường của hướng đạo sinh toàn thế giới. Trong hai bộ phim, Share-Khan tìm cách hãm hại chú bé loài người Mowgli, từng được bầy sói nuôi dưỡng. Được sự bảo bọc, giúp đỡ của báo đen Bagheera, gấu xám Baloo, bầy kên kên cùng cô bạn gái Shanti, Mowgli, dũng cảm và tài trí, tuy nhỏ bé, yếu đuối, nhưng cuối cùng luôn chiến thắng kẻ thù hung hiểm… Trong phim « Aladin » cũng của hãng Disney (hoạ sĩ Glen Keane, 1992, dựa theo truyện cổ Ba Tư « Ngàn lẻ một đêm »), chú cọp cưng Rajah của công chúa Jasmine chỉ xuất hiện loáng thoáng và không gây được ấn tượng nào đặc biệt. Trước đó khá lâu, trong các bộ phim ngắn, Walt Disney cũng đã giới thiệu đến khán giả thiếu nhi cô cọp dễ mến Tillie, người đẹp trong mộng của chú voi con nhiều mặc cảm Elmer (« Voi Elmer », 1936) và chàng cọp vằn Raja, luôn tìm cách ăn thịt chú voi tí hon Goliath II (« Goliath II », 1960).

diegoKhi kỹ thuật dùng hình ảnh tổng hợp trở nên phổ biến trong việc tạo dựng các bộ phim hoạt hoạ, cọp nanh dài Diego cùng voi mammouth Manfred / Manny và chú lười Sid xuất hiện liên tục trong ba bộ phim « Thời băng giá » của hãng 20th Century Fox (Chris Wedge, Carlos Sandanha, 2001-2006-2009). Từ việc cứu chú bé loài người Rashon thoát khỏi nanh vuốt của bầy cọp nanh dài Soto, Zeke, Oscar…, qua thời tan băng với cuộc gặp gỡ và kết hôn của cặp mammouth Manny-Ellie, đến chuyến thám hiểm vào xứ sở loài khủng long sâu dưới lòng đất, càng lúc, bộ tam sên càng trở nên gần gũi với trẻ em (và cả người lớn) trên toàn cầu. Ngoài kịch bản chặt chẽ, tình tiết hấp dẫn lại mang tính giáo dục cao, ba bộ phim « Thời băng giá » cũng thành công trong việc xây dựng tính cách các nhân vật chính cũng như các nhân vật vệ tinh: sóc Scrat với quả sồi nhặt mãi không được, anh em chuột đuôi quấn (opossum) Crash-Eddie vui nhộn, voi cái Ellie hiền lành, cặp tê giác Carl-Frank hung hăng, chàng chồn chột Buck lanh lợi…

Ngày càng nổi tiếng với các bộ phim dành cho thiếu nhi: « Kiến », « Shrek », « Băng cá mập », « Madagascar », « Loài người, hàng xóm của chúng ta »…, năm 2008, hãng DreamWorks Animation tung ra bộ phim « Kungfu Panda » (John Stevenson và Mark Osborne) kể về chú gấu trúc Po tốt bụng nhưng lười biếng mơ ước được trở thành đệ tử nổi danh của phái Thiếu Lâm. May mắn được sự hướng dẫn của năm huynh muội Cọp cái, Sếu, Bọ ngựa, Rắn và Khỉ dưới sự chỉ dạy của sư phụ Shifu, Po khù khờ, chậm chạp cuối cùng đã chiến thắng gã beo trắng Tai Lung võ nghệ cao cường. Bộ phim dùng rất nhiều tình tiết kiếm hiệp, quyền cước nên được các khán giả trẻ em, nhất là trẻ em Á Châu vô cùng hâm mộ.

kelvinNgoài các nhân vật cọp vừa kể trên, cũng cần phải nhắc đến cặp bài trùng Calvin và Hobbes trong loạt truyện tranh Mỹ của Bill Watterson. Trong mười năm 1985-1995, hơn 2400 tờ báo trên toàn thế giới đã đăng những băng truyện đen trắng mỗi ngày và một trang truyện màu vào cuối tuần, cùng ba mươi triệu ấn phẩm ra đời, chỉ để kể về những cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh của bé Calvin sáu tuổi thích mơ mộng và chú cọp nhồi bông Hobbes thích châm chọc ở một vùng ngoại ô miền Trung Tây (Middle West) Hoa Kỳ. Hobbes tiêu biểu cho sự bất đồng quan điểm của con người: trong khi Calvin xem Hobbes như một chú cọp bằng xương bằng thịt biết trò chuyện, mọi người chung quanh chỉ nhìn thấy đó là một con thú nhồi bông không hơn không kém! Thêm một điều thú vị nữa: Calvin và Hobbes được lấy từ tên của hai nhà tư tưởng có khuynh hướng triết học hoàn toàn trái ngược nhau: nhà thần học Pháp Jean Calvin và nhà duy vật Anh Thomas Hobbes.

penthereNhỏ bé nhưng dẻo dai hơn nhiều so với sư tử và cọp, beo / báo cũng xuất hiện đây đó trong thế giới trẻ em. Ngoài báo đen Sylvester (« Kimba, sư tử trắng »), báo đen Bagheera (« Sách rừng xanh »), beo trắng Tai Lung (« Kungfu Panda ») đã nêu ở trên, có thể kể thêm lão beo hung ác Sabor, kẻ tử thù của Tarzan trong bộ phim vẽ cùng tên của hãng Disney (1999), dựa theo truyện của tiểu thuyết gia Hoa Kỳ Edgar Rice Burroughs, hay chú báo Cheeta nhanh như chớp của đội banh áo xanh trên đảo Naboombu (« Phù thuỷ tập sự », Disney, 1971). Nhưng nổi tiếng nhất trong bọn, chắc chắn không ai địch nổi chú… Báo Hồng! Nhân vật chính trong loạt phim hoạt hoạ của Friz Freleng từ 1964 đến tận 1981, Báo Hồng với bộ dạng còm nhom và đôi mắt vàng tròn xoe, luôn phải đối đầu với lão ria mép trong một thế giới đôi khi phi lý và siêu thực. Điểm đặc biệt của loạt phim này là nhân vật chính Báo Hồng lại nhận một vai diễn… câm, và diễn tiến tâm lý cùng hành động của chú chàng được thể hiện qua những giai điệu âm nhạc đặc sắc của Henry Mancini.

*

Trên đây, bài viết vừa điểm qua những nhân vật sư tử, cọp, beo trong thể loại truyện tranh và phim hoạt hoạ. Tuy vẫn bị xem là những kẻ thù nguy hiểm của loài người nơi thiên nhiên, nhưng trong thế giới của trẻ em, các giống thú này lại lành nhiều ác ít và gây được khá nhiều cảm tình nơi khán giả con nít.

Cuối cùng, trước khi chấm dứt, xin mở lại quyển tự điển các loài Pokémon trong loạt phim truyền hình – truyện tranh manga – trò chơi điện tử nổi tiếng của hoạ sĩ Nhật Bản Satoshi Tajiri. Trong vũ trụ thật-hư lẫn lộn của Satoshi Tajiri, qua cuộc tranh sức đua tài đọ phép của hàng trăm loài Pokémon, có thể thấy bóng dáng của sư tử ở Lixy, Luxio, Luxray hay của cọp qua các nhân vật Elektek, Arcanin. Ở đó, như từ nghìn năm xưa, sư tử đã biến hoá thành kỳ lân, bước lên hàng linh vật!


Cổ Ngư

Choisy-le-Roi 12.2009-01.2010




Tài liệu tham khảo :


1/ Patrick Gaumer & Claude Moliterni - Dictionnaire mondiale de la bande-dessinée (Larousse 2001)

2/ Dave Smith & Steven Clark - Walt Disney, 100 ans de magie (Michel Lafon 2001)

3/ John Grant - Encyclopedia of Walt Disney's animated characters (Hyperion 1998)

4/ http://en.wikipedia.org/wiki/Kimba_the_White_Lion

5/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Roi_lion

6/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Madagascar_(film)

7/ http://en.wikipedia.org/wiki/The_Lionhearts

8/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Kung_Fu_Panda

9/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Calvin_et_Hobbes

10/ http://fr.wikipedia.org/wiki/La_Panthère_rose_(personnage_de_dessin_animé)

11/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Pokémon

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us