Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / SAIGYÔ HÔSHI

SAIGYÔ HÔSHI

- Vĩnh Sính — published 07/06/2010 17:44, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

   

SAIGYÔ HÔSHI (1118-1190):
Thi sĩ tài hoa yêu phiêu du
của Nhật Bản



Ngoài song hoa nở — hoa lilac,
Tím ngát chân trời, tím ngát ai.

Đầu tháng 6 , năm 2010

Vĩnh Sính


Vào hậu bán thế kỷ XII, sau gần bốn mươi năm tranh hùng giữa hai họ Taira và họ Minamoto, họ Minamoto nắm được phần toàn thắng. Với sự ra đời của chính quyền võ sĩ/vũ sĩ (samurai) ở Kamakura do Minamoto-no-Yoritomo lãnh đạo vào năm 1185, lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản có hai chính quyền tồn tại song song. Chính quyền của giai cấp võ sĩ đóng ở Kamakura1 gọi là bakufu (幕府 mạc phủ; nói nôm na là “chính phủ/chính quyền quân sự”), còn triều đình thiên hoàng vẫn ở Kyoto giống như trước. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại vì trên nguyên tắc shôgun (将軍 tướng quân) đặt dưới quyền của thiên hoàng và do thiên hoàng bổ nhiệm (Minamoto-no-Yoritomo nhận chức Shôgun năm 1192), nhưng trong thực tế shôgun mới thật là người có nhiều quyền bính nhất ở Nhật Bản. Cơ chế hai chính quyền tồn tại song song này kéo dài gần 700 năm — mãi cho đến Minh Trị Duy Tân (1868) thì mới chấm dứt.

* * *

Nửa phần sau cuộc đời của Saigyô trùng hợp với giai đoạn nhiễu nhương của thế kỷ XII. Saigyô chứng kiến những đổi thay trong cuộc tranh hùng giữa hai họ Minamoto và Taira và sự ra đời của chính quyền giai cấp võ sĩ. Nhưng không phải vậy thôi, chính Saigyô là dòng dõi của Fujiwara Hidemoto (藤原秀郷, Đằng-nguyên Tú-hương), samurai/võ sĩ có công trạng trong cuộc đánh dẹp họ Taira.

Trước hết, vì sao lại gọi là Saigyô Hôshi (西行法師 Tây Hành Pháp sư)? “Saigyô/Tây Hành” lấy từ chữ “Tây phương tịnh độ”, tức là “Tây phương cực lạc” hay “Cực lạc tịnh độ” của Phật A Di Đà luôn nguyện cầu để được đi về thế giới Tây phương2. “Hôshi/Pháp sư” có nghĩa là người xuất gia, vị thầy thông thạo giáo pháp3. Cũng ở trong nghĩa Phật giáo đó, chúng ta thường gọi là “Thầy” trong tiếng Việt. Như vậy, Saigyô Hôshi có nghĩa là “Thầy Saigyô”.

Saigyô vốn tên thật là Satô Norihide (佐藤義清 Tá-đằng Nghĩa-thanh), từ nhỏ theo học võ nghệ và trau dồi cung kiếm. Saigyô làm võ sĩ cận vệ ở nội thành cho Thái thượng hoàng Toba (鳥羽 Điểu Vũ). Năm 23 tuổi, Saigyô đột nhiên xuất gia và lấy pháp danh là En’i (円位 Viên Vị).

Cuối đời Heian chiến loạn triền miên khiến lòng người mất nơi nương tựa. Saigyô nghĩ rằng nếu là võ sĩ không thôi thì khó lòng cứu vớt được người khác, nhưng trở thành nhà sư có thể dùng chánh niệm để dẫn dắt con người khỏi lầm đường lạc lối. Saigyô xin cắt tóc ở chùa Shôji-ji (勝持寺 Thắng Trì Tự; còn có tên gọi là Hana-no-tera花の寺, hay Chùa Bông) ở Kyoto.

* * *

Thơ waka và tiếng gọi ngàn phương

Xuất gia được ít lâu, Saigyô đi lên miền Ôshû. Ôshû tức là miền Tôhoku ở miền Bắc bây giờ, có khi người ta cũng gọi là miền Oku. Sau đó, Saigyô ở lại Hiraizumi (huyện Iwate hiện nay) chừng hai năm. Hiraizumi là nơi Saigyô có nhiều người thân thích. Saigyô lại đi ngược về Kôya-san (huyện Wakayama hiện nay) theo để theo học Phật giáo, theo tông Shingon (真言 Chân Ngôn) do đại sư nổi tiếng Kûkai (空海 Không Hải) bắt đầu ở Nhật Bản vào thế kỷ IX.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng cuối đời Heian chỉ có tông Shingon và tông Tendai (天台 Thiên Thai) tông Shingon nguyên chủ yếu để cho giới quý tộc và tông Tendai cho dòng họ thiên hoàng. Những tông phái khác như Thiền tông (禅宗) hay Jôdo (浄土 Tịnh Độ/Tịnh Thổ), Jôdô Shinshû (浄土 真宗Tịnh Độ/Tịnh Thổ Chân Tông) và Hokke (法華 Pháp Hoa) thì phải bước vào thời Kamakura mới ra đời. So với Shingon và Tendai, việc giảng dạy kinh kệ và cách thức tu hành của các tông phái này rất đơn giản, đồng thời Phật giáo đã rời đi xa giới quý tộc để ăn sâu vào dân chúng. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng Saigyô sinh vào cuối đời Heian, tông phái Saigyô theo tu học là Shingon và đến cuối đời của Saigyô mới bước vào đầu thời Kamakura. Sau nhiều năm loạn lạc, đói kém và thiên tai cuối đời Heian, con người cảm thấy cuộc thế quá nhiều vật đổi sao dời và sự “vô thường” của cuộc sống nên có khuynh hướng tìm cách giải thoát.

Khi xuống núi, Saigyô lại đi về Kinh (Kyoto) hay các tỉnh miền Nam. Saigyô quyết chí học làm thơ waka (和歌, tức “hoà ca”, hay “thơ Nhật”) bắt đầu từ đó. Thơ waka gồm tanka (短歌 đoản ca, tức thơ ngắn) có 31 âm tiết theo thứ tự 5-7-5-7-7; và chôka (長歌 trường ca) với số âm tiết không có giới hạn. Cũng nên nói thêm là thơ haiku (俳句 bài cú) với 17 âm tiết phải đợi đến lúc Bashô ra đời, tức là khoảng 500 năm sau mới xuất hiện.

Người ta kể lại rằng một hôm hoà thượng Mongaku (文覚 Văn Giác) quở mắng Saigyô vì thấy Saigyô thích học làm thơ waka quá đỗi: “Saigyô đã xuất gia thì lo mà tu học, đàng này lại còn làm thơ rồi đi đây đi đó là nghĩa lý gì?” Nhưng rồi Hoà thượng thấy Saigyô khi tu học hay khi dấn bước phiêu du rồi làm thơ waka mà sắc mặt vẫn nghiêm trang giống nhau, lúc nào cũng có tư thế đúng đắn, không một chút nào sao lãng. Từ đó, hoà thượng Mongaku đổi hẳn thái độ đối với Saigyô, không còn quở la như trước nữa.

Ra đi lần cuối

Năm 1186, cuộc giao tranh Gempei đã chấm dứt. Saigyô mặc dầu tuổi cao nhưng vẫn lên Hiraizumi gặp Fujiwara Hidehira (藤原秀衝 Đằng-nguyên Tú-xung) là chỗ quen biết ngày xưa để quyên tiền giúp chùa Todaiji (東大寺 Đông Đại Tự ) ở Nara bị tàn phá sau chiến tranh. Trên đường, Saigyô ghé đền Tsuruoka Hachimangû ở Kamakura để tham bái, rồi tình cờ gặp ngay Minamoto-no-Yoritomo, người đã đánh dẹp họ Taira và sẽ là vị Shôgun đầu tiên năm 1192.

Biết Saigyô vừa làm thơ hay lại vừa bắn cung giỏi trong “kiếp trước” tức là trước khi đi tu Yoritomo mời Saigyô đến thăm dinh thất của mình. Tương truyền hai người trò chuyện về thơ waka mãi cho đến sáng. Khi chia tay, Yoritomo tặng Saigyô một cái dĩa/đĩa bằng bạc chạm hình con mèo. Sáng hôm sau, khi Saigyô đi ra khỏi dinh, thấy một con trẻ đang chơi đùa vui vẻ, Saigyô bèn lấy cái dĩa đó đem cho. Câu chuyện không biết có thật hay không, nhưng có lẽ muốn nói lên rằng Saigyô là người muyoku (無欲 vô dục) đi vượt vòng tục lụy, ham muốn mà người đời thường có.

Saigyô Hôshi là một trong ba nhà thơ được yêu chuộng nhất ở Nhật Bản từ trước đến nay cùng với Kakinomoto Hitomaro (柿本人麻呂 Thị-bản Nhân-ma-lữ; 662-710 sau CN) và Matsuo Bashô (松尾芭蕉 Tùng-vĩ Ba-tiêu; 1644-1694). Chính thơ Saigyô đã tạo những cảm hứng cho Bashô và không biết bao nhiêu thế hệ sau trong việc làm thơ và quan niệm về mỹ học.

Chúng ta thử đọc bài thơ bài tanka (đoản ca) sau đây của Saigyô, và bài “Cây-liễu-du-hành” của Bashô.

Michi no be ni
shimizu nagaruru
yanagi kage
shibashi tote koso
tachidomari tsure.

Dịch nghĩa:

Dưới bóng cây liễu bên đường, có dòng nước trong veo/Tôi dừng chân lại trong giây lát.

Dịch thơ:

Lơ thơ cây liễu bên đàng,
Trong veo dòng nước tần ngần bước chân.

Bài thơ của Saigyô và cây liễu trở nên nổi tiếng một phần vì dao khúc (謡曲, tức là bài ca trong tuồng Nô) của vở tuồng Yûgyô yanagi (Cây-liễu-du-hành) dựa trên bài thơ này. “Cây-liễu-du-hành” ấy vẫn còn ở trên bờ ruộng ở làng Ashino, huyện Tochigi, khi Bashô ghé qua và vẫn còn cho đến bây giờ. Bashô đã viết bài haiku sau đây khi đứng dưới gốc cây liễu đó: 

Ta ichimai
uete tachisaru
yanagi kana.

Dịch nghĩa:

Người ta gieo mạ dưới ruộng
Lúc đó tôi rời
Cây liễu.

Dịch thơ:

Lơ thơ cây liễu Tây Hành,
Nông phu cấy mạ tôi đành bỏ đi.

Saigyô
Saigyô(tranh vẽ của Kikuchi Yosai)


Saigyô
Túp lều tranh của Saigyô ở Yoshino (huyện Wakayama hiện nay)


Được xem là người dịch thơ của Saigyô từ tiếng Nhật ra tiếng Anh hay nhất, Burton Watson đã có nhận xét về Saigyô như sau: “Cái tên Saigyô xui ta nhớ đến túp lều tranh trên một triền núi, một người lữ hành cô độc trên quãng đường xa, hay một nhà-thơ-và-nhà-sư (a Buddhist poet-priest) viết về cái đẹp của thế giới vô thường, và cũng không bao giờ giấu giếm rằng mình đang chiêm ngưỡng hoa anh đào hay ánh trăng trên trời cao” 4. Thật là cô đọng !

* * *

Trong tập Shin Kokinwaka shû (新古今和歌集 Tân Cổ kim hòa ca tập) do Fujiwara Teika (藤原定家 Đằng-nguyên Định-gia), biên soạn do lệnh của thiên hoàng Gotoba năm 1202, tức là đầu thời Kamakura, Saigyô có đến 94 bài, tức là nhiều nhất trong các thi nhân5. Ngoài ra, Saigyô còn có tập Sankashû (山 家集 Sơn-gia tập). Saigyô còn lại tất cả là 2090 bài thơ. Ba phần tư của Sankashû là thơ về bốn mùa, một phần tư là thơ đủ loại đề tài. Cuối cùng, chúng ta thử thưởng thức một bài thơ về hoa anh đào.

Negawaku wa
hana no moto
nite haru shinamu
sono kisaragi no
mochizuki no koro
.

Dịch nghĩa:

Nếu được, lúc trăng tròn mùa Xuân tháng hai (âm lịch) tôi xin được nằm dưới gốc hoa anh đào. Trăng sẽ tròn vì là khoảng trăng rằm.

Dịch thơ:

Xuân sang nở rộ anh đào,
Trăng rằm tỏ sáng bao la đất trời.

Năm 1188, Saigyô về ở chùa Hirokawa (弘川寺 Hoằng Xuyên Tự) ở Kawachi (河内 Hà Nội; nay thuộc Osaka-fu). Hai năm sau, ngay giữa mùa hoa anh đào, trong lặng lẽ, Saigyô ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Vĩnh Sính





1 Tượng Phật ở Kamakura lớn nhất Nhật Bản, gọi là Daibutsu (大仏 Đại Phật). Tượng này được đúc thời Kamakura. Khi Nhật Bản tiếp thu Phật giáo, người ta tin rằng mỗi vùng phải có một chùa thì đất nước mới được bình an. Bởi vậy các chùa ấy mới có tên là Gokokuji (護国寺 Hộ Quốc Tự) để chứng tỏ thế lực hùng mạnh của giai cấp võ sĩ mới vùng lên. Theo giáo sư Katô Shûichi, Daibutsu ở Kamakura còn lớn hơn tượng Phật ở Nara để chứng tỏ sức mạnh của chính quyền giai cấp võ sĩ.

2 Shinmura Izuru, Kôjien (広辞苑Quảng từ uyển). Tokyo: Iwanami Shoten, 1984, trang 936.

3 Như trên, trang 2182.

4 Burton Watson, Saigyo: Poems of a Mountain Home. New York: Columbia University Press, 1991.

5 Tập này có tất cả là 1978 bài. Người có nhiều bài sau đó cũng là một nhà sư, Jien (慈円Từ Viên). Fujiwara Teika cũng đọc là Fujiwara Sadaie.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us