Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / "Tây Sa" và "Nam Sa" trong sử chí Trung Quốc

"Tây Sa" và "Nam Sa" trong sử chí Trung Quốc

- Hồ Bạch Thảo — published 06/12/2009 18:42, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Sử chí Trung Quốc đời Thanh (cũng như đời Minh) không hề nói tới Hoàng Sa (mà nay Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa)


Rà soát cái gọi là Tây Sa [Hoàng Sa],
Nam Sa [Trường Sa]
trong sử chí Trung Quốc
từ đời Thanh cho đến nay

Hồ Bạch Thảo

Ðọc những lời tranh cãi về chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc thường đưa những chứng cớ vu vơ về lịch sử, qua những tài liệu không đáng tin cậy. Lý do bởi trong thời gian dài gần cả ngàn năm, bờ biển Trung Quốc thường bị không chế bởi Nhật Bản [Nụy] hoặc các nước Tây phương, triều đình nước này lo phòng thủ cũng đủ mệt rồi, không rảnh để kinh dinh tại các hải đảo ngoài biển. Bởi vậy không có bằng cớ xác đáng trong chính sử, nay cần để tranh chấp bèn đem những lời đạo thính nhi đồ thuyết 道 聽 而 塗 説 [Khổng Tử, Luận Ngữ] (lời vu vơ thiếu căn cứ ngoài đường) để miễn cưỡng làm bằng. Chống lại luận điệu này, cần lấy gậy ông đập lưng ông, dựa vào chính sử Trung Quốc để nêu lên bằng cứ. Theo cách làm việc này, qua bài Tìm hiểu lãnh hải Trung Quốc dưới thời nhà Minh, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm các địa danh Tây Sa, Nam Sa trong Minh Sử nhưng không thấy và nhận ra rằng ngay tại thời đó thì hải đảo lớn là Ðài Loan vẫn chưa nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Lại tiếp tục dò xuống đời Thanh, bèn mở bộ chính sử viết về thời này nhan đề là Thanh Sử Cảo để tham khảo. Người xưa có truyền thống chờ đậy nắp hòm rồi mới định luận “cái quan định luận”, nên tại Trung Quốc Tống Sử được soạn vào đời Nguyên, Nguyên Sử soạn vào triều Minh, Minh Sử soạn vào triều Thanh, rồi đến Thanh Sử được soạn vào thời Dân Quốc. Vào thời đầu Dân quốc năm 1914 cho lập Quốc Sử Quán, cử Triệu Nhĩ Tốn làm Quán trưởng, bắt đầu biên soạn Thanh Sử Cảo. Trải qua hàng chục năm mới hoàn thành, đây là bộ sử đồ sộ gồm 536 quyển, tài liệu rất phong phú, nên các học gỉả mệnh danh là 1 trong 25 bộ sử của Trung Quốc (Nhị thập Ngũ Sử), riêng phần địa lý gồm 18 quyển. Phải nói địa lý hành chánh trong bộ sử này chép khá kỹ, chia rõ ràng từng huyện ; về khoảng cách và phương hướng tính từ huyện, châu đến phủ, hoặc từ phủ lỵ đến tỉnh lỵ, nếu kiểm soát lại qua Google maps thấy sai biệt không lớn lắm.

Qua sự tìm hiểu 18 quyển địa lý tịnh không thấy địa danh các quần đảo có tên là Tây Sa, Nam Sa. Vì hiện nay Trung Quốc xếp hai đảo này vào tỉnh Hải Nam, nên xin khảo cứu kỹ vùng đất này. Hải Nam được chép trong quyển địa lý thứ 19, tỉnh Quảng Ðông.

Ðời Thanh tỉnh Quảng Ðông được chia thành 9 phủ, 7 châu và 3 huyện trực lệ vào tỉnh ; trong đó lãnh thổ đảo Hải Nam bao gồm phủ Quỳnh Châu và châu trực lệ Nhai Châu.

A. Trị sở phủ Quỳnh Châu tại Quỳnh Sơn, cách tỉnh lỵ Quảng Châu phía đông bắc 1.810 lý [1 lý khoảng 0.5 km]. Phủ này chia thành 8 huyện gồm :

1. Quỳnh Sơn : phủ thành nay đặt trong huyện.

2. Trừng Mại : huyện lỵ tại phía đông bắc huỵện Trừng Mại hiện nay, nằm về phía tây phủ lỵ Quỳnh Châu cách 60 lý.

3. Ðịnh An : nay thuộc huyện Ðịnh An, nằm về phía nam phủ lỵ cách 80 lý.

4. Văn Xương : nay là Văn Xương thị, vị trí về phía đông nam phủ lỵ cách 60 lý.

5. Hội Ðồng : vị trí phía đông bắc Quỳnh Hải thị ngày nay, nằm về phía nam phủ lỵ cách 290 lý.

6. Lạc Hội : vị trí phía đông nam Quỳnh Hải thị hiện nay, nằm về phía đông nam phủ lỵ cách 330 lý.

7. Lâm Cao : nay tại huyện Lâm Cao, nằm về phía tây nam phủ lỵ cách 180 lý.

8. Ðam Châu : hiện nay tại phía tây bắc Ðam Châu thị, nằm về phía tây nam phủ lỵ cách 300 lý.

B. Riêng Nhai Châu trước kia thuộc phủ Quỳnh Châu, đến năm Quang Tự 31 [1905] trực lệ vào tỉnh Quảng Ðông. Trị sở Nhai Châu tại Tam Á thị hiện nay, nằm phía cực nam đảo Hải Nam, cách tỉnh lỵ Quảng châu phía đông bắc 2680 lý. Nhai Châu được chia thành 4 huyện gồm :

1. Cảm Ân : nay thuộc phía nam Ðông Phương thị, nằm về phía tây bắc châu lỵ Nhai Châu cách 195 lý.

2. Xương Hoá : nay thuộc huyện Xương Giang Lê tộc tự trị, nằm về phía tây bắc châu lỵ cách 360 lý.

3. Lăng Thuỷ : nay thuộc huyên Lăng Thuỷ Lê tộc tự trị, nằm về phía đông bắc châu lỵ cách 210 lý.

4. Huyện Vạn : nay tại Vạn Ninh thị, năm về phía đông bắc châu lỵ cách 370 lý.


Sau đây là bản đồ cùng vị trí phủ, châu, huyện thuộc đảo Hải Nam :

hainam
Ghi chú :

1. Phủ Quỳnh Châu.

2. Trừng Mại.

3. Ðịnh An.

4. Văn Xương.

5. Hội Ðồng.

6. Lạc Hội.

7. Lâm Cao.

8. Ðảm Châu.

9. Nhai Châu.

10.Cảm Ân.

11. Xương Hoá.

12. Lăng Thuỷ.

13. Huyện Vạn.


Ðến thời Dân Quốc, đảo Hải Nam được đặt tên là đạo Quỳnh Nhai, tức gộp tên cũ của phủ Quỳnh Châu và châu Nhai. Ðạo Quỳnh Nhai trực thuộc tỉnh Quảng Ðông, được chia làm 13 huyện, tên huyện tương tự như thời nhà Thanh trước kia, gồm : 1. Quỳnh Sơn, 2. Trừng Mại, 3. Ðịnh An, 4. Văn Xương, 5. Quỳnh Ðông (đời Thanh là Hội Ðồng), 6. Lạc Hội, 7. Ðam huyện (đời Thanh gọi là Ðam Châu), 8. Lâm Cao, 9. Vạn Ninh (đời Thanh là huyện Vạn), 10. Xương Giang (đời Thanh là Xương Hoá), 11. Lăng Thuỷ, 12. Cảm Ân, 13. Nhai huyện (năm 1920, Nhai Châu đổi thành Nhai huyện).

Trong giai đoạn đầu Dân Quốc, chính phủ Trung Hoa Quốc Gia chưa đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; mãi đến thập niên năm 1930 nhận thức được tiềm lực kinh tế tại Biển Đông, mới bắt đầu lên tíếng. Sau đại chiến lần thứ 2, nhân Nhật Bản đầu hàng đồng minh, chính phủ này cho mang quân chiếm một vài đảo trong 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc [Trung Cộng] tiếp thu đảo Hải Nam vào tháng 5 năm 1950, thành lập Hải Nam Quân Dân Uỷ Viên Hội. Tháng 3 năm 1955 cải xưng là Quảng Ðông Tỉnh Hải Nam Hành Chính Công Thự, sau cách mệnh văn hoá bạo phát vào năm 1966 đình chỉ chức quyền của Công Thự, năm 1968 thiết lập Hải Nam Ðịa Khu Cách Mệnh Uỷ Viên Hội.

Tháng 10 năm 1984, thành lập Hải Nam Hành Chính Khu Nhân Dân Chính Phủ. Hải Nam Hành Chính Khu quản hạt Hải Nam Lê tộc, Miêu tộc tự Trị Châu, cùng 9 huyện : 1. Quỳnh Xương, 2. Văn Sơn, 3. Lâm Cao, 4. Trừng Mại, 5. Quỳnh Hải, 6. Ðồn Xương, 7. Ðam huyện, 8. Vạn Ninh, 9. Ðịnh An ; ngoài ra lại đặt các đảo Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa (1), Nam Sa [Trường Sa] vào cái gọi là biện lý sự. Như vậy sau khi chiếm được một vài hải đảo do Trung Hoa Quốc gia bỏ lại sau cuộc rút lui ra Ðài Loan, năm 1974 lại xâm lăng một số đảo do Việt Nam Cộng Hoà làm chủ ; đây là lần đầu tiên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa nước ta chính thức bị đặt vào lãnh thổ Trung Quốc.

Năm 1988 thiết lập tỉnh Hải Nam. Ðến năm 2008, toàn tỉnh được chia như sau :

- 2 địa cấp thị : Hải Khẩu thị, Tam Á thị.

- 4 thị hạt khu : Quỳnh Sơn khu, Long Hoa khu, Tú Anh khu, Mỹ Lan khu.

- 6 huyện cấp thị : Văn Xương thị, Quỳnh Hải thị, Vạn Ninh thị, Ðam Châu thị, Ðông Phương thị, Ngũ Chỉ Sơn thị.

- 4 huyện : Ðịnh An huyện, Ðồn Xương huyện, Trừng Mại huyện, Lâm Cao huyện.

- 6 tự trị huyện : Quỳnh Trung Miêu tộc Lê tộc tự trị huyện, Bảo Ðình Miêu tộc Lê tộc tự trị huyện, Bạch Sa Lê tộc tự trị huyện, Xương Giang Lê tộc tự trị huyện, Lạc Ðông Lê tộc tự trị huyện, Lăng Thuỷ Lê tộc tự trị huyện.

- Khai phát khu : Dương Phố kinh tế khai phát khu.

Biện sự xứ : Tây Sa [Hoàng Sa] quần đảo, Nam Sa [Trường Sa] quần đảo, Trung Sa quần đảo (Cấp huyện, Biện công địa điểm tại đảo Vĩnh Hưng.)


Chú thích


1. Trung Sa : theo Wikipidia.org thì cái gọi là quân đảo Trung Sa, nằm phía đông nam đảo Hoàng Sa khoảng 100 km, ngoài trừ đảo Hoàng Nham, các đảo khác gồm những đảo san hô nằm chìm dưới nước.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us