Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tê giác cuối cùng của Việt Nam

Tê giác cuối cùng của Việt Nam

- Nguyễn Đức Hiệp — published 25/12/2011 21:38, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Tê giác cuối cùng
của Việt Nam


Nguyễn Đức Hiệp



Năm 2011, Tổ chức phi chính phủ Quỹ động vật hoang dã thế giới (World Wildlife Fund, WWF) trong bản báo cáo nghiên cứu đã công bố kết quả là con tê giác bị những người săn trộm giết chết và cưa sừng ở rừng quốc gia Nam Cát Tiên vào tháng 5 năm 2010 là con tê giác cuối cùng của Việt Nam. Qua các phân tích di truyền DNA từ xác con tê giác bị giết chết và DNA lấy từ phân mà các nhân viên WWF đã thâu thập trong những năm trước đó thì kết quả cho thấy là các phân này là từ một con tê giác duy nhất đã bị giết chết như đã kể ở trên vào năm 2010. Trước đó các máy ảnh kín đáo đặt các nơi trong rừng Cát Tiên có chụp được vài hình tê giác vào năm 1999 đã đặt cao hy vọng là trong Vườn quốc gia Nam Cát Tiên có ít nhất vài con từ các ảnh chụp này.

Khi xác con tê giác được phát hiện vào tháng 5 năm 2010, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, ông Trần Văn Thành cho là con tê giác này chết tự nhiên và đã gởi văn bản đến các cơ quan chức năng khẳng định không phát hiện dấu hiệu tác động của con người. Tuy nhiên Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) đã kiến nghị với các cơ quan là không đồng tình với xác minh này của vườn quốc gia Cát Tiên về cái chết của con tê giác Java và kiến nghị nên tiếp tục điều tra. Và qua cuộc điều tra kỹ lưỡng về cái chết của con tê giác này ở vườn quốc gia Cát Tiên do Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) thực hiện và công bố ngày 27/5/2010 thì rõ ràng có các vết dao cắt trên đầu mỏm sọ của tê giác cho thấy là người cắt đã chuẩn bị trước dụng cụ phù hợp để lấy sừng và có viên đạn còn cắm trong xương. Con tê giác này cũng được xác định ở vào độ tuổi khoảng 15-20 năm, trong khi tuổi thọ tự nhiên trung bình của loài tê giác Javan là 40 năm.

Như vậy trên lục địa Á châu, loài tê giác Javan (Rhinoceros sondaicus) đã bị tuyệt chủng, chúng chỉ còn một ít ở Indonesia (chưa tới 50 con) ở vườn quốc gia Ujung Kulon National Park, trên đảo Java. Xưa kia tê giác Javan có mặt ở khắp Đông Nam Á (Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện) đến tận nam Trung quốc.

Loài tê giác Javan được chia ra làm 3 phân loài (subspecies) do sự khác biết đôi chút qua quá trình phân phối địa lý cư trú: Rhinoceros sondaicus annamiticus chủ yếu ở Đông Dương, Rhinoceros sondaicus inermis ở đông bắc Ấn Độ, Bangladesh và Miến Điện và Rhinoceros sondaicus sondaicus ở đảo Java (Indonesia). Phân loài inermis đã bị tuyệt chủng lâu nay, nay thì phân loài annamiticus cũng đã bị tuyệt chủng qua cái chết của con tê giác cuối cùng ở vườn quốc gia Nam Cát Tiên.

Ở Á châu, loài tê giác Javan có liên hệ rất gần với loài tê giác Ấn độ (Rhinoceros unicornis). Cả hai thuộc cùng chi (genus) Rhinoceros.


hinh-1

Hình chụp ở Cát Lộc, trong vườn Quốc gia Cát Tiên
bởi máy camera tự động vào năm 1999
(Mike Baltzer, WWF Cat Tien NP)



hinh-1

Hình chụp ở Vườn quốc gia Cát Tiên 1999.


Tê giác Ấn độ xưa kia sinh sống từ Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Miến Điện và có thể đến Đông Dương và Nam Trung Quốc. Hiện này loài này vẫn còn khoảng 3000 con, đa số ở vùng Assam và trong các vườn quốc gia. Săn bắn tê giác ở Ấn Độ đã bị nghiêm cấm từ năm 1910. Đây là loài tê giác được bảo tồn tốt và thành công nhất do sự quản lý của chính phủ Ấn Độ với sự trợ giúp của tổ chức WWF.

Và cuối cùng là loài tê giác Sumatran hai sừng (Dicerorhinus sumatrensis) xưa kia có mặt từ Sumatra, Borneo, bán đảo Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Lào cho đến tận Ấn Độ và Trung quốc (Vân Nam và Tứ Xuyên). Hiện nay chúng chỉ còn khoảng 400 con ở đảo Sumatra, đảo Borneo và bán đảo Mã Lai.

Cùng thời gian với sự tuyệt chủng loài tê giác Javan ở Việt Nam là sự tuyệt chủng của loài tê giác đen hai sừng (Diceros bicornis longipes) ở Phi Châu. Tê giác đen Tây Phi (western black rhinoceros) đã nằm trong sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (International Union for Conservation of Nature, IUN) từ nhiều năm qua, nhưng cho đến nay tất cả hy vọng tìm thấy chúng đã mất và vừa qua IUN đã tuyên bố chính thức là loài tê giác hai sừng này đã tuyệt chủng. Như vây ở Phi Châu, chỉ còn loài tê giác trắng bắc Phi (Ceratotherium simun cottoni) là còn sót lại nhưng chúng cũng rất bấp bênh, đang trên bờ tuyệt chủng vì còn rất ít.

Nguyên nhân chủ yếu của sự tuyệt chủng của các loài tê giác là sự mất không gian sinh tồn của chúng và quan trọng hơn là sự săn bắt chúng để lấy sừng do sự đòi hỏi của xã hội Á Đông (các nước như Trung quốc, Đài Loan và Việt Nam) để làm “thuốc” cổ truyền.

*

Tê giác có mặt ở khắp đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời. Sách “Lương Thư” (635 A.D) trong sử Trung Quốc có nói đến Phù Nam gởi sứ giả đến Trung Quốc với tê giác (5):

“..Trong năm thứ năm Đại Thông (大通, Datong, 539), một sứ bộ được gởi đến với một con tê giác.”

Ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm, tê giác còn rất nhiều. Chúng hiện diện ở miền Trung, Tây Nguyên và toàn cả đồng bằng Nam Bộ. Vào đầu thế kỷ 17, nhà truyền giáo người Ý Christoforo Borri trong thời gian ở Pulaucambi (tức vùng Qui Nhơn, Bình Định ngày nay) thuộc Đàng Trong từ năm 1608 đến 1615, cho biết ông đã chứng kiến viên quan thành Qui Nhơn dùng voi cùng binh lính đi săn tê giác và đã ghi lại như sau (6):

“Khi tôi ở Nuocmon (Nước Mặn, cảng Qui Nhơn ngày nay), một thành phố thuộc tỉnh Pulucambi (Bình Định), viên quan thành đi ra ngoài để săn tê giác, trong một khu rừng gần chổ chúng tôi ở. Ông ta có hơn trăm người, một số đi bộ, một số thì đi ngựa và khoảng tám hay mười con voi. Con tê giác ra khỏi rừng, khi gặp rất nhiều kẻ thù như vậy, thì thay vì sợ hãi, nó lại giận dữ đối chọi với tất cả; mọi người dạng ra và để cho con tê giác chạy xuyên qua vào trong vòng. Khi nó vào đến phía sau, nơi viên quan thành ngồi trên lưng voi, chờ đợi để giết nó; con voi cố gắng dùng vòi để bắt con tê giác, nhưng không thể được vì con tê giác rất nhanh và nhảy lên dùng sừng để gây thương tích cho con voi. Ông quan thành biết là vì vây da của con tê giác rất dày nên không dễ gây thương tích nó, trừ khi phóng lao về phía hông, chờ khi nó nhảy lên thì hở ra chổ yếu không che chở, thì ông phóng ngay một lao, đánh trúng rất giỏi tuyệt nghệ xuyên từ bên hông này qua bên kia, với sự hoan hô vỗ tay thích thú từ tất cả đám người đang chứng kiến; họ sau đó không còn gì làm nữa, thì bắt đầu chụm một đống củi lớn và bắt lửa, nhảy và múa chung quanh trong khi chờ đợi da tê giác cháy và thịt được nướng, họ cắt từng mảnh thịt khi nướng chín và ăn. Còn bộ lòng, tức tim, gan và óc của con tê giác, thì họ làm một món ngon chọn lọc và dâng cho viên quan, ông quan ở trên khoảng đất cao, đang cùng vui vẻ với mọi người. Tôi có mặt ở đấy, và được viên quan tặng cho các móng tê giác, được coi là có cùng phẩm chất và giá trị như móng của quái vật lớn (hay móng nai) và sừng tê giác dùng để trị độc, như sừng ngựa trong huyền thoại ngựa một sừng.”

Đến đầu thế kỷ 19, thì tê giác không còn ở miền Trung mà chỉ còn lại ở Nam Bộ. và trên thượng nguồn sông Đồng Nai ở Lâm Đồng. Các thương gia Tây phương như John White khi cập bến buôn bán qua cảng Saigon đã mô tả là một trong các sản phẩm xuất khẩu của vùng Nam Bộ là sừng tê giác. John White cũng cho biết người Việt và ông tổng trấn Gia Định (Lê Văn Duyệt) nói các con tê giác rất khỏe và nhanh nhẹn. Người Việt săn chúng và ông tổng trấn nói về sự nhanh nhẹn của tê giác như sau (7): “… ‘Anh trông thấy nó ngay lúc này, ở Saigon’, rồi ông dùng dùng hai ngón tay đánh một tiếng, ‘giờ thì nó đã đến Cần Giờ‘.. “

Gần Saigon, vào cuối thế kỷ 19 cũng còn có nhiều tê giác. Bác sĩ người Pháp, ông Albert Morice đã tả cảnh gặp tê giác ở Tây Ninh vào năm 1872 như sau (1):

“Một vài ngày sau, tôi đi dạo với D… lần cuối trong vùng có nhiều thú săn ở Tromdo (i). Chúng tôi đi rất nhẹ nhàng, mỗi người nằm trong xe ngựa; lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều vẫn còn rất nóng nực. Tôi đang chợp mắt nửa tỉnh nửa ngử thì một tiếng la của người lái xe làm tôi liền tỉnh giấc. Tôi nhìn và thấy một khối to đen đi đến chổ chúng tôi. Tôi nhận ra đó là một con tê giác. Con đường đi không có lớn; nên một trong chúng tôi hay con tê giác phải nhường qua bên bụi rừng hay lùi lại. Tôi biết là voi rừng thường ít khi mà nhường đường cho ai và tôi không quên là nó có sức để quẳng hai xe ngựa của chúng tôi lên trời và cả chúng tôi cùng một lúc. D…, lúc đó đã xuống xe, đến cạnh tôi và nói: “Không thể chần chừ nữa, tôi phải bắn”. Tôi để sự việc trong tay anh ta bắn con tê giác. Con tê giác rùng mình và quay ngược chạy đi. Một tiếng “hurrah” vang lên từ chúng tôi khi con tê giác chạy mất. Nó đã biến mất, nhưng nó đã làm dễ dàng cho chúng tôi săn đuổi nó.

Viên đạn chắc chắn đã trúng vào phổi hay vào vài mạch máu lớn của nó, mặt đất phía phải và phía bên trái có nhiều máu thấm ở trên. Cuối cùng, trong vòng khoảng 60 mét quanh đó, chúng tôi đã tìm thấy được con tê giác, nó vẫn còn động đậy, và vì sợ rằng trong phút cuối cùng giận dữ, con tê giác có thể húc hại giết chết một trong chúng tôi, D… đã bắn thêm một phát đạn “coup de grace” vào gần lỗ tai con tê giác. Sau đó, chúng tôi thong thả xem xét con tê giác. Đó là một con tê giác đực lớn dài hơn hai mét, nhưng cái sừng của nó thì chưa hoàn toàn phát triển hết: sừng không dài hơn một bàn chân. Không nghi ngờ gì nữa, đây là con tê giác thuộc loài Rhinocéros sondaicus. Những người Việt đi cùng với chúng tôi đến, lượm nhặt đất dính máu và máu chung quanh xác con tê giác, và khi được lệnh xẻ thịt con tê giác, thì họ nhúng vào máu trên cơ thể con tê giác tất cả miếng vải mà họ dùng để lấy da con tê giác một cách trật tự đàng hoàng.

Phong tục này, tôi biết, có ở Phi châu, nhưng tôi ngạc nhiên là nó cũng có ở tận sâu trong lòng Á châu. Máu con tê giác được coi như trị được mọi bệnh, và những thầy thuốc người bản xứ (ii) mua nó rất đắt, giá cũng đắt như là thịt xương con tê giác vậy. Họ cũng tin rằng mật con gấu cũng như vậy, nhất là khi nó chết vì bạo lực thì rất có hiệu lực để chữa bệnh trầy trụa hay bầm dập; đầu con khỉ làm thành bột, và khi uống sẽ làm mấy đứa trẻ đần độn thông minh trở lại; cốt xương cọp làm người ta khỏe mạnh; các con rồng dùng để chữa bệnh đau phổi etc., etc. Chúng tôi mang về đầu và 4 đùi của con tê giác, và để lại xác to lớn của con tê giác cho các loài quạ và kênh kênh. Vài ngày sau chuyến đi săn cuối cùng này, tôi rời Tây Ninh và trở lại Saigon”

*

Ngày nay như ta đã biết, thì loài tê giác (và voi) đã hoàn toàn biến mất khắp các tỉnh miền Tây và các tỉnh miền Đông Nam Bộ do sự săn bắn và rừng, đầm lầy chúng sinh sống đã bị khai hoang khi con người đến định cư. Nơi sinh sống cuối cùng của chúng là ở rừng quốc gia Nam Cát Tiên cũng bị con người lên săn bắt để lấy sừng được coi là có giá trị cao trên thị trường buôn bán bất hợp pháp để làm các dược liệu hoàn toàn không hữu dụng vì chúng không dựa vào cơ sở y khoa và khoa học nào.

Mặc dầu tổ chức thế giới phi chính phủ WWF đã cố gắng trong nhiều năm qua giúp bảo tồn các sinh vật và sự đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng con tê giác cuối cùng của Việt Nam (và trên lục địa Đông Nam Á) đã biến mất vì sự sơ xuất trong quản lý. Việt Nam đã mất đi một phần di sản thiên nhiên của mình. Đây là một điều hổ thẹn là ta đã không quản lý và bảo vệ được một di sản sinh học của cả nhân loại.


Nguyễn Đức Hiệp




Chú thích:


(i) Có thể là ở vùng Thủ Dầu Một hay Trảng Bàng ngày nay.

(ii) Tức là người Việt.



Tham khảo


  1. Albert Morice, Voyage en Cochinchine 1872, Le Tour du Monde - Volume 30 -1875-2nd semestre - Pages 369-38, http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm

  2. George Dürrwell, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910 , E. Mignot (Paris), 1911

  3. Javan rhinos extinct in Vietnam , 2011, http://www.worldwildlife.org/who/media/press/2011/WWFPresitem24582.html

  4. Gert Poleti, Tran Van Mui, Nguyen Xuan Dang, Bui Huu Manh and Mike Ba1tzer, The Javan Rhinos, Rhinoceros sondaicus annamiticus, of Cat Tien National Park, Vietnam: Current Status and Management Implications, http://www.rhinoresourcecenter.com/pdf_files/120/1206106395.pdf

  5. Nguyễn Đức Hiệp, Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2), 2011, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nam-bo-tu-tien-su-2/

  6. Christoforo Borri, An account of Cochin-china, in “Views of seventeenth-century Vietnam”, Introduced and annotated by Olga Dror, K.W. Taylor, Cornell South East Asia Program Publications, 2006, NY.

  7. John White, A voyage to Cochinchina, Longman, London, 1824, pp. 255.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us