Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Teilhard de Chardin và tác phẩm "Hiện tượng con người"

Teilhard de Chardin và tác phẩm "Hiện tượng con người"

- Đặng Xuân Thảo — published 16/08/2016 05:35, cập nhật lần cuối 16/10/2016 09:30

Teilhard de Chardin và tác phẩm
"Hiện tượng con người"


Đặng Xuân Thảo



Dịch giả Đặng Xuân Thảo hiện là giám đốc nghiên cứu về Công Nghệ Thông Tin trong Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học (CNRS) của Pháp. Chị từng dịch tác phẩm văn chương "Tiếng cười trong bóng tối" của Vladimir Nabokov qua bản tiếng Anh do chính tác giả viết lại sau bản tiếng Nga. Ở đây, "Hiện tượng Con người", là bản dịch từ tiếng Pháp của một tác giả cũng khó khăn không kém, lại nằm trong một miền học thuật ở giữa khoa học và triết học. 

Tại sao một người lại sớ rớ tới nhiều thứ ngoài chuyên ngành của mình như vậy? Xin thưa, điều đó gọi là văn hoá, cần thiết biết bao trong một thế giới mà, quá nhiều nơi, giáo dục chỉ chú trọng đến hiệu quả trước mắt cho nên ăn xổi ở thì... để giỏi lắm là đào tạo được những con người có "một nửa văn hoá". Như thế càng tăng thêm sự ly dị giữa "hai nền văn hoá" (văn hoá khoa học và văn hoá nhân văn) như C.P. Snow, nhà khoa học và nhà văn người Anh, từng than phiền từ giữa thế kỷ trước.

Thông thường khi người ta mê say một tác phẩm nào đó, một tác giả nào đó, sẽ chịu khó làm công việc dịch thuật để giới thiệu với công chúng. Văn chương nghệ thuật vốn không có đúng sai, người ta có thể mê say. Nhưng trong học thuật, người giàu văn hoá có thể làm việc giới thiệu ấy với nhiều cảm tình, nhưng sẽ không mê say đến độ quên đánh giá tác phẩm một cách tỉnh táo. Và người đọc cũng cần đọc một cách tỉnh táo. 

Lịch sử của khoa học và học thuật là như vậy, cái sai nhiều hơn cái đúng, và rất nhiều khi một câu trả lời sai chỉ được biết là sai rất lâu sau. Thêm nữa, đánh giá thế nào những giá trị của đúng sai ? Giá trị trước hết nằm ở những câu hỏi sâu sắc. Và trong học thuật, trước những câu hỏi cơ bản, nhiều khi cái sai rất có giá trị vì nó sẽ soi sáng điều sẽ phủ định nó, hàng chục hoặc hàng trăm năm sau. Nếu một nền văn hoá giáo dục chỉ giảng dạy và cho phổ biến những tác phẩm mà các nhà chức trách cho là đúng 100% thì nhiều khi dẫn đến thảm hoạ, như lịch sử đã minh chứng.

Một vấn để cơ bản mà thuyết tiến hoá của Darwin đặt ra là : "tại sao sự tiến hoá lại hướng thượng, tới những hình thái ngày càng phức tạp và hoàn hảo?" Điều này được dịch giả gọi là "tính hướng đích". Giải thích câu hỏi đó, là chủ đề của Teilhard de Chardin. Và sau này cũng của nhà sinh vật học Jacques Monod, nhưng ông, trong khi công nhận "tính hướng đích", lại đề nghị một giải thích khác, hoàn toàn dựa trên sinh học phân tử, với những quy luật nền tảng của vật lý.

Trong ý cảnh ấy, đọc Teilhard de Chardin là cần thiết. Và rồi đọc Jacques Monod cũng sẽ lại rất cần thiết. Hai nhà khoa học lớn đã trình bày sở học vào loại đứng đầu thời đại của mình, để phát triển những suy tư triết học (đó cũng là điều những người thực sự có văn hoá, ở mức độ bậc thầy, phải làm), trong hai tác phẩm kinh điển, tác phẩm kia là “Ngẫu nhiên và tất định”. Có đáng ngạc nhiên không? khi chúng ta biết rằng bản dịch “Ngẫu nhiên và tất định” cũng sắp ra đời, và một trong hai đồng dịch giả là Đặng Xuân Thảo.

Ngày 18/09/2016 vừa qua, bản dịch "Hiện tượng Con người" đã được giải thưởng sách hay 2016, mảng dịch thuật nghiên cứu. Giải này do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) Quỹ Phan Châu Trinh lựa chọn. Đó là hai tổ chức văn hoá có uy tín hơn cả ở Việt Nam, dĩ nhiên thuộc xã hội dân sự. Khi nghe tin này chúng tôi xin phép dịch giả giới thiệu tác phẩm bằng cách đang lại "Lời người dịch" đã in trong bản dịch, và một trích đoạn. Chị không những nhận lời mà còn gửi thêm một "phần bổ sung" về các phê phán tác phẩm. Một việc làm rất văn hoá. Vì như thế giúp bạn đọc giữ một khoảng cách nhất định, cần thiết cho việc đọc mọi tác phẩm học thuật.

Đi kèm với bài này xin đính kèm trích đoạn về "Sự ra đời của tư duy".

Hàn Thuỷ

 

LỜI NGƯỜI DỊCH


Pierre Teilhard de Chardin sinh năm 1881 tại vùng Auvergne của Pháp, mất năm 1955. Ông là một học giả rất đặc biệt, vì ngoài việc là một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng với việc tham gia vào khám phá người vượn Bắc Kinh năm 1929, ông cũng là một nhà nghiên cứu triết học, thần học và còn là một linh mục Dòng Tên.

Cuốn sách Hiện tượng Con người được xuất bản lần đầu tiên năm 1955, sau khi ông đã mất. Tác phẩm đã gây tiếng vang lớn trong nhiều năm, và những âm hưởng mạnh mẽ của nó vẫn còn đến giờ. Cuốn sách trình bày một quan điểm độc đáo về Vũ trụ. Quan điểm này mở rộng thuyết tiến hóa đến lĩnh vực tinh thần và được coi là bước tiến quan trọng trong sự hòa giải giữa Khoa học hiện đại và tôn giáo.

Nghiên cứu trong cuốn sách khởi đầu từ một nghịch lí con người, biểu lộ qua việc khoảng cách hình thái học giữa con người và khỉ giống người là không đáng kể, trong khi đó, con người lại khác những động vật ấy biết bao. Để giải thích nghịch lí này, tác giả lần theo quá trình tiến hóa trong Quá khứ, cho đến tận những cội nguồn của sự sống trên trái đất. Bằng cách nhìn ra những đường nét chủ đạo của quá trình đó (đôi khi bị che phủ bởi những vẻ bề ngoài đối nghịch), tác giả chỉ ra những điều kiện chung mà sự sống trong quá khứ phải thỏa mãn để có được diện mạo như ngày hôm nay. Rồi từ đó, tác giả rút ra quy luật về độ phức hợp và ý thức.

Cũng chính từ cách nhìn này, tác giả nhận ra sự cần thiết của việc đưa vào quá trình đó một biến số mới nhằm diễn giải hợp lẽ hiện tượng con người. Biến số đó là mặt nội tại của sự vật, hay chính là tâm thần, được giả định hiện hữu dưới một dạng sơ đẳng ngay từ cấp độ tế bào. Theo những nấc thang tiến hóa, cấp độ tâm thần ngày càng tăng lên và bắt đầu từ con người, tác động của nó trở nên nổi trội sau khi đã trở thành ý thức có phản tư. Từ đó, tinh thần trở thành động lực chủ chốt của sự tiến hóa, một tuệ quyển ra đời bên trên sinh quyển. Tiếp nối bước chuyển vượt qua ngưỡng phản tư trong mỗi cá thể con người là sự đi lên của ý thức hướng đến bước chuyển tập thể của sự phản tư, biểu lộ qua những hiện tượng xã hội.

Một hệ quả quan trọng của đề xuất này là sự tiến hóa hướng đến tính thống nhất ngày càng cao; và còn hơn thế nữa, con người chính là mũi tên chỉ hướng của sự tiến hóa. Đồng thời với việc xã hội hóa của loài người, ba tính chất tâm sinh học đang tăng mạnh trên trái đất: năng lực phát minh, khả năng hấp dẫn hay đẩy xa nhau giữa các cá thể con người, và cuối cùng là đòi hỏi về một sự sống vô hạn. Dù thế giới vật chất có phân rã đến những trạng thái thấp nhất, thì những hi vọng cho tương lai của tuệ quyển, tức cũng chính là tương lai của sự phát sinh sự sống và rốt cục của sự phát sinh vũ trụ, nằm trong chính con người chúng ta, tức là trong nỗ lực của con người cùng đồng lòng xây dựng tinh thần của trái đất.

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhiều đồng nghiệp đã đóng góp vào bản dịch này qua những góp ý trao đổi vô cùng bổ ích về các vấn đề học thuật và dịch thuật, cũng như sự cổ vũ nhiệt tình của họ, đặc biệt là các dịch giả Hà Dương Tuấn, Bùi Văn Nam Sơn, Hà Dương Tường và Nguyễn Minh.


*


Phần bổ sung:


Các phê phán quan điểm của Teilhard


Từ khi tác phẩm “Hiện tượng con người” được hoàn thành vào năm 1938, ý tưởng độc đáo lấy tinh thần làm yếu tố quyết định qui trình tiến hóa của ông vẫn tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều kết quả khoa học mới dường như phản bác một vài lý giải khoa học của tác giả1. Song song với những thành công, tác phẩm cũng chịu nhiều phê phán, từ cả những nhà sinh học nổi tiếng nhất. Trước hết là về cách trình bày. Một công trình khoa học chỉ có lợi ích thực tiễn nếu nó được hiểu thấu đáo. Tác giả sáng tạo ra nhiều thuật ngữ mới, lấy cảm hứng từ ngôn ngữ thần học Ki tô giáo. Điều này hẳn rất khác lạ trong giới khoa học. Xin trích dẫn sau đây nhận xét của Jacques Monod2 và Peter Medawar3 về văn phong: “mặc dù logic của Teilhard là không chắc chắn và phong cách diễn đạt không thanh thoát, một số người, thậm chí cả những người không hoàn toàn chấp nhận ý thức hệ của ông, cũng nhận thấy ở đó một tầm vóc thi ca” (Monod 1970), “một chùm cách ngôn… văn phong tối nghĩa” (Medawar 1961).

Hơn thế nữa, những phê bình còn nhằm vào cả sự thiếu khách quan trong phương pháp luận, như “tôi thấy khó chịu với sự thiếu chặt chẽ và thiếu sâm nghiêm trí thức của triết lý này. Tôi đặc biệt thấy ở đó một sự chiều lòng cố chấp muốn hòa giải, thoả hiệp bằng mọi giá. Có lẽ rốt cục không phải vô cớ Teilhard lại là thành viên của hội đoàn mà chủ nghĩa khoan hoà thần học của nó từng bị Pascal công kích ba thế kỷ trước” (Monod 1970); và những bất đồng với tác giả về một số luận điểm về di truyền học cũng như quan niệm về ý thức, như “Như vậy năng lượng xuyên tâm tinh thần hoặc tâm thần của Teilhard có thể được đánh đồng với "thông tin" hay “nội dung thông tin” theo định nghĩa chính xác của các kỹ sư truyền thông hiện đại. Đánh đồng nó với ý thức, hay coi cấp độ ý thức như một thước đo nội dung thông tin, là một trong những ẩn dụ siêu hình học ngớ ngẩn mà tôi đề cập trong một đoạn trước đó” (Medawar 1961).

Vậy mà, dường như chính hai nhà sinh học nổi tiếng này, dù không chủ ý, lại đem đến một lời biện minh cho những khuyết điểm đó - cách biện giải của Teilhard phản ánh đúng tình trạng tri thức của thời đại ông: “học thuyết tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên có được trọn vẹn ý nghĩa, trọn vẹn tính chính xác, trọn vẹn tính chắc chắn của nó, mới chỉ từ khoảng hai mươi năm nay” (Monod 1970). “Không may mắn cho Teilhard là ông không nắm bắt được những điểm yếu thực sự của lý thuyết tiến hóa hiện đại, cụ thể là sự thiếu vắng một lý thuyết trọn vẹn về biến dị, về nguồn gốc các ứng cử viên cho sự tiến hóa... Những gì chúng ta muốn, và những gì chúng ta đang dần dần bắt đầu có được, là một lý thuyết toàn diện về các hình thức trong đó thông tin di truyền mới được tạo ra” (Medawar 1961).

Điều này lại chứng tỏ nhận xét của Teilhard - khi con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng cho nghiên cứu của mình, chủ thể và đối tượng tác động và biến đổi lẫn nhau. Nếu như Teilhard có trong tay những kết quả nghiên cứu của ngành di truyền học hai mươi năm sau, ông sẽ chỉnh sửa quan điểm của mình như thế nào? Những nhận định của Teilhard liên quan đến lĩnh vực tinh thần hẳn còn lâu mới được kiểm chứng, bởi khoa học vẫn chưa hoàn toàn rộng mở để đón nhận những chủ đề này, cũng như chưa đủ chín muồi để nghiên cứu chúng. Tuy thế, công trình của ông vẫn có những ảnh hưởng mạnh mẽ cả trong giới khoa học, chính là nhờ nỗ lực dứt bỏ những quan niệm kinh điển bó hẹp của khoa học, vốn chỉ chú trọng nghiên cứu thế giới vật chất, để tiến tới một ngành khoa học mở rộng hơn, bao quát cả hiện tượng vật chất và tinh thần. Để làm việc này, Teilhard đã buộc phải dùng ngôn ngữ cầu kỳ không đúng tiêu chuẩn chặt chẽ chính xác của khoa học tự nhiên đương thời. Độc giả sẽ có lý nếu coi đó là do ảnh hưởng của tâm thế thần học của tác giả. Chính tác giả cũng rất ý thức được điều này, nên ông đã bỏ công bổ sung một chương cuối tóm tắt các ý chính thành một chuỗi logic mạch lạc. Thiết nghĩ, nếu bằng một tâm trí cởi mở, trút bỏ mọi định kiến, độc giả chúng ta sẽ nhận thấy giá trị của những suy nghĩ khởi đầu hướng tới một nền khoa học tự nhiên có tính nhân văn cao hơn và bao quát được hiện tượng con người.

Đặng Xuân Thảo



1 Một trong những phản bác tính “hướng đích” trong thuyết tiến hóa của Teilhard là luận điểm của nhà sinh học Jacques Monod trong tác phẩm “Ngẫu nhiên và tất định” (Monod 1970).

2 Jacques Monod (1910-1976) là nhà sinh học người Pháp, đạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1965.

3 Peter Medawar (1915-1987) là một nhà sinh học người Anh, đạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1960.

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us