Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Thư của tác giả Lê Xuân Khoa

Thư của tác giả Lê Xuân Khoa

- Lê Xuân Khoa — published 13/11/2014 15:59, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



Thư của tác giả Lê Xuân Khoa


LTS. Bài Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa của Chu Sơn đã đăng làm 4 kỳ trên Diễn Đàn từ ngày 31.10 đến ngày 8.11.2014. Chúng tôi xin đăng dưới đây lá thư của tác giả Lê Xuân Khoa đề ngày 11.11.2014.


Tất nhiên là cuốn sách của tôi, cũng như sách của bất cứ tác giả nào, cũng có những điểm bất toàn và những điểm cần được thảo luận. Tuy nhiên, tôi thấy không cần phải trả lời loạt bài này vì mấy lý do chính sau đây :

1. Cuộc tranh cãi sẽ kéo dài không biết đến bao giờ vì tôi giữ vững quan điểm của tôi về nhũng vấn đề chính, như nội chiến và chiến tranh ủy nhiệm. Trong 10 năm qua, tôi đã nhận được nhiêu ý kiến của thân hữu và độc giả khắp nơi, trong và ngoài nước, hầu hết đều đồng ý với quan điểm của tôi. Có một số hiệu đính và nhận xét hữu ích mà tôi trân trọng ghi nhận và sẽ sửa đổi và bổ sung khi sách được tái bản lần sau. 

2. Cuộc tranh cãi về chiến tranh Việt Nam, dù có đáng được tiếp tục, cần được gác qua một bên trước nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Quan trọng nhất là làm thế nào để đối phó với hiểm họa Trung Quốc và thay thế chế độ độc tài toàn trị. Chu Sơn có thể đã nhận ra những lỗi lầm tai hại của lãnh đạo cộng sản, nhưng những nỗ lực của ông biện minh cho "chính nghĩa" cộng sản  trong cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước" vào lúc này trở nên lạc lõng, vô duyên trong khi hiện tượng "tự diễn biến"  hay "tự giác" đang lan rộng trong hàng ngũ đảng viên các cấp. Không phải là ngẫu nhiên khi cuốn sách của tôi có nhiều độc giả trong nước tìm đọc khiến trang blog AnhBaSàm đã xin phép tôi cho đăng dần từng chương để cho độc giả đọc không mất tiền từ đầu năm 2013. Tạp chí lịch sử Xưa và Nay của anh Dương Trung Quốc cũng đã trích đăng những trang tôi viết về chính phủ Trần Trọng Kim, chắc chắn là Ban Văn hóa Tư tưởng (và ông Chu Sơn) bực mình không ít.

3. Sau bài Việt Nam: Cơ hội cuối cùng và những Đột phá cần thiết (tháng Sáu 2014), tôi đã thông báo trên các diễn đàn thân hữu là tôi sẽ không viết gì thêm về tình hình Việt Nam. Tôi cũng đã từ bỏ mọi hoạt động tinh nguyện bên ngoài, trừ một dự án NGO mà tôi cũng đã thật sự chấm dứt vai trò cố vấn cuối tuần qua. Ngoài vấn đề tuổi tác và sức khỏe, tôi còn phải lo hết công việc gia đình vì nhà tôi phải ngồi xe lăn không làm gì được. Thêm vào đó là tôi phải cố hoàn tất cuốn sách về lịch sử tị nạn và cộng đồng đã bỏ dở quá lâu. "Giã từ vũ khí" (mượn tên cuốn Farewell to Arms của Hemingway) bây giờ là đúng lúc, nếu không muốn nói là đã trễ.

Dù không trả lời ông Chu Sơn, tôi thấy cần phải đính chính một sai lầm quan trọng của tác giả này trong mục số VII: "Vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc". Sai lầm này có thể do ông Chu Sơn hiểu lầm hay cố ý xuyên tạc quan niệm của tôi về vấn đề này.

Chu Sơn viết : "Vậy thì đặt vấn đề hòa giải với 'chính quyền trong nước' như chủ trương của Lê Xuân Khoa là một việc làm, khó lí giải được, và vô cùng nguy hiểm đối vơi đại đa số nhân dân là đối tượng chuyên chính ngày càng siết chặt của 'chính quyền trong nước'". Nếu Chu Sơn đã đọc những bài tôi viết về hòa giải dân tộc thì ông đã phải thấy rõ là tôi đáp lại lời kêu gọi của các lãnh đạo "chính quyền trong nước" với điều kiện là họ phải nhìn nhận những chính sách sai lầm trong quá khứ và phải thực thi dân chủ, nhân quyền. Để minh xác quan điểm của tôi về "vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc", không gì bằng cách đăng lại bài viết ngắn gọn của tôi trên tờ Diễn Đàn của anh để trả lời bài Chúng ta cần hòa hợp, không cần hòa giải của ông Bát Thạch Kiều ngày 3 tháng 5 năm 2013.  Nguyên văn bài của tôi (đăng ngày 7.5.2013, chú thích của Diễn Đàn) như sau :

Hoà Hợp Và Hoà Giải



Trong bài, "Chúng ta cần hoà hợp, không cần hoà giải" của ông Bát Thạch Kiều (Diễn Đàn, 3.5.2013), tác giả nêu lên hai điểm then chốt :

  1. Đại đa số người Việt hiện nay dù ở đâu cũng không còn chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua, thế thì còn cần gì nói đến hoà giải.

  2. Đất nước đang cần hoà hợp hơn bao giờ hết để mọi người đồng lòng phát triển kinh tế và giữ gìn lãnh thổ, (nhưng) không thể có hoà hợp nếu không có dân chủ.

Tôi chia sẻ ưu tư của tác giả nhưng có ý kiến khác như sau:

1. 

Đúng là đại đa số người Việt hiện nay không chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua nhưng họ đang phải chịu nhiều hậu quả tai hại, trực tiếp hay gián tiếp, do phe chiến thắng gây ra cho đất nước và dân tộc. Phe thắng trận, cụ thể là giới lãnh đạo và hậu duệ của họ, qua bộ máy cai trị độc tài và tham nhũng, đang áp dụng chính sách nô lệ hoá toàn dân và kết tội những người yêu nước là kẻ thù.


Thế hệ người Việt sau 1975, dù không có trách nhiệm về cuộc chiến, vẫn có trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của tổ quốc và quyền tự do, hạnh phúc của người dân. Thế hệ trẻ ở hải ngoại lại không thể quên những đau khổ, nhục nhằn mà gia đình họ phải chịu sau ngày thống nhất, hay những thảm họa trên đường vượt thoát tìm tự do mà ít nhiều gì họ cũng là nạn nhân. Nhớ đến quá khứ đau thương ấy không phải để nuôi dưỡng thù hận mà chính vì cần có "sự công chính của lịch sử" để đem lại sự hoà hợp dân tộc, nhờ vậy Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia giàu, mạnh và dân chủ.

Tuy nhiên, mục đích ấy chỉ có thể đạt được khi chính quyền thật tâm nhìn nhận những sai lầm đã qua và hoà giải với những người yêu nước bất đồng chính kiến và những nạn nhân của chính sách bất công, tham nhũng. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chính quyền cũng phải "hoá giải hận thù" bằng lới nói và hành động hoà giải cụ thể, thay vì chỉ kêu gọi "hoà hợp một chiều" có tính cách chiêu hồi và khai thác "khúc ruột ngàn dặm." Chỉ riêng chuyện "hoà giải với những người đã nằm xuống" qua việc cho phép hội Vietnamese American Foundation (VAF) tu sửa Nghĩa trang quân đội miền nam ở Biên Hoà và cải táng hài cốt những người đã chết trong các trại tù cải tạo, đã phải mất 38 năm sau thống nhất mới thấy có kết quả sơ khởi (ở đây phải ghi nhận công lao của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mạnh mẽ can thiệp với chính quyền trung ương và địa phương mấy năm trước.)

Bởi vậy, không thể đặt vấn đề hoà hợp mà không đề cập đến vấn đề hoà giải: hoà giải giữa chính quyền với trí thức và nhân dân trong nước, giữa chính quyền và cộng đồng hải ngoại. Chính quyền phải đi bước trước, và kết quả của hoà giải là "win-win" chứ không phải "zero sum". Nói cách khác, hoà giải phải có trước hoà hợp vì hoà hợp là kết quả đương nhiên của hoà giải.

2. 

Vấn đề hoà hợp dân tộc không nhất thiết phải đặt ra vì người Việt Nam trong và ngoài nước không chống nhau. Chỉ có chính quyền là gây chia rẽ, mâu thuẫn trong các thành phần dân tộc. Các thành phần dân tộc phải ý thức rõ được điều ấy và tìm cách liên kết với nhau thì mới tạo được sức mạnh đối thoại hay đối kháng với chính quyền. Chỉ khi đó, chính quyền độc tài mới có thể thật lòng nói chuyện hoà giải và thực hiện tiến trình dân chủ hoá. Mẫu hình Myanmar sẽ có thể được dùng làm cơ sở thảo luận và áp dụng thích hợp ở Việt Nam.

Nếu chẳng may, chính quyền chọn quyết định dùng bạo lực để đàn áp nhân dân thì đó chính là hành động tự sát.

Lê Xuân Khoa

Một ý kiến chót của tôi trước khi dừng bút là : ngay cả vấn đề hòa giải hòa hợp quan trong này cũng cần được gác lại vì tình thế hiện thời đòi hỏi toàn thể người Việt Nam ở trong và ngoài nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để thực hiện hai nhiệm vụ cấp bách là đánh bại Bắc Kinh trong âm mưu đô hộ và Hán hóa dân tộc Việt, và thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng chế độ dân chủ tự do thật sự. 

Lê Xuân Khoa



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us