Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Thử lý giải tại sao những sử liệu thời Minh do từ Việt Kiệu Thư khác với Minh Thực Lục

Thử lý giải tại sao những sử liệu thời Minh do từ Việt Kiệu Thư khác với Minh Thực Lục

- Hồ Bạch Thảo — published 21/10/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Thử lý giải tại sao
những sử liệu thời Minh
do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
trưng lên từ Việt Kiệu Thư
khác với Minh Thực Lục



Hồ Bạch Thảo


Chúng tôi đăng dưới đây bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đối sánh độ tin cậy của bộ Minh Thực Lục (mà ông đã có công dịch thuật) với Việt Kiệu Thư mà giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã trích dẫn trong bài Thủ đoạn tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407Diễn Đàn đã công bố ngày 14.9.2013. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề thư tịch sử liệu, chúng tôi đã gửi bài dưới đây cho Giáo sư Nguyễn Huệ Chi với mong mỏi ông sẽ trả lời. Vì lí do sức khỏe, giáo sư xin một thời gian và hứa sẽ gửi bài trước ngày 25.10.2013. Chúng tôi hoan nghênh cuộc thảo luận trong tinh thần khoa học và khoan hòa của hai nhà nghiên cứu.

Cần phải nói rõ rằng người viết không có dụng ý chống lại lập luận của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi qua bài Thủ đoạn tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407 đăng trên báo Diễn Đàn ngày 14/9/2013. Do người viết là dịch giả Minh Thực lục [NXB Hà Nội, 2010], thấy các sử liệu của Giáo sư trưng từ Việt Kiệu Thư có phần khác lạ, nên tìm hiểu lý do tại sao.

Trước hết nói về Minh Thực Lục, sách này được biên soạn bởi những nguồn tài liệu sau đây :

1. Khởi Cư Chú (起 居 注) tức nhật ký ghi lại việc làm cùng lúc nghỉ ngơi của nhà vua. Truyền thống này bắt nguồn từ thời nhà Chu [-1100-221], do quan Tả sử chép lời, Hữu sử chép việc ; nhiệm vụ ghi lại lời nói và việc làm của nhà vua trong triều.

2. Nhật lịch (日 曆) ghi chép sự việc hàng ngày theo trình tự thời gian.

3. Các văn kiện chính thức được thu thập từ chiếu dụ của vua ; cùng tấu, biểu của các quan và các nước chư hầu.

Sau khi vị vua đương nhiệm mất, Sử quan có nhiệm vụ tổng hợp tài liệu để hoàn thành Thực Lục cho đời vua này ; việc làm được giám sát bởi quan Trung Thư tỉnh của triều đình. Bộ sử lúc làm xong chỉ chép thành hai bản ; một bản dành cho vua, để trong nội cung ; bản thứ hai dành cho các quan Đại thần cất tại nội các, dùng để tham khảo.

Mô tả công việc này, Tiến sĩ Geoff Wade trong bài nghiên cứu The Ming Shi-lu as a source for Southeast Asian History [Minh Thực Lục, nguồn lịch sử Đông Nam Á] viết như sau (1), xin tạm dịch :

Việc biên soạn mỗi bộ Thực Lục được thi hành bởi văn phòng sử, cơ quan này được thiết lập bởi Nội các, sau khi vị vua đương nhiệm mất. Quan Đại thần tại Nội các làm công việc giám sát tổng quát, kiểm soát bản thảo, thanh tra công việc biên soạn. Các Thanh tra biên soạn, thường được chỉ định bởi giới quý tộc đứng đầu, không có ảnh hưởng lớn đến công trình. Dưới quyền các Phó giám sát viên biên soạn, được chọn từ Đại thần nội các, biên soạn và biên tập viên khoảng từ 60 đến 100 người cùng với nhân viên giúp việc rất lớn, cuối cùng đã hoàn chỉnh được bộ sử của vị Hoàng đế tiền nhiệm, rồi chép thành 2 bản ; một bản được đóng dấu đặt trong văn phòng Nội các để dùng trong việc hoàn thành lịch sử cả triều đại ; riêng bản kia do sự tùy nghi của Hoàng đế, Đại thần, hoặc Sử quan.

Như vậy Minh Thực Lục là bộ sử lưu hành hạn chế trong triều đình, nên đương thời người dân chưa từng được xem. Bàn về vấn đề này, Cố Viêm Vũ, một học giả thời đầu nhà Thanh có nhận xét như sau :

Sử của tiền triều đều do các quan đại thần của Thiên tử cùng các thị tòng làm ra ; người đời không được xem.”

Với chính sách bưng bít thông tin về lịch sử của triều Minh, người dân không được đọc sử liệu liên quan triều đại hiện hành, nên ai biết gì thì truyền miệng cho nhau, hoặc chép tản mạn, qua người nọ sang người kia, từ tổ tiên ông cha đến đời con cháu, cứ như vậy trải qua hàng trăm năm. Cho đến những năm vào thập niên 1540, nhân việc nhà Minh chuẩn bị xâm lăng An Nam thời Mạc Đăng Dung, trước tình hình bức xúc mà dân thì không hiểu đầu đuôi về lịch sử, Lý Văn Phượng bèn thu thập tài liệu, soạn bộ sử nhan đề Việt Kiệu Thư. Lục Nguyệt Linh 陆月玲, nhà nghiên cứu Trung Quốc viết về việc Lý Văn Phượng soạn sử như sau (2) :

Năm Gia Tĩnh thứ 21, triều đình nhà Minh chính thức thừa nhận họ Mạc, và cũng bảo lưu nhà Lê. Lý Văn Phượng đích thân trải qua thời gian triều Mạc lập và đầu đuôi việc đầu hàng, nhưng đối với giai đoạn lịch sử này ghi lại có phần tản mạn, khó có thể kê tra. Vì vấn đề triều Mạc, khiến Lý Văn Phượng trở nên bức xúc, bèn thu thập lịch sử địa lý An Nam chép thành sách.

Lục Nguyệt Linh cũng cho biết rằng Việt Kiệu Thư được chép tay truyền nhau trên 400 năm mới khắc in (3), nên không khỏi có nhiều sơ suất.

Lý Văn Phượng không phải là nhà viết sử chuyên nghiệp, ngoài Việt Kiệu Thư ông còn có tập sách thuộc loại tạp bút nhan đề Nguyệt Sơn Túng Đàm 月山丛谈. Riêng sử liệu trong Việt Kiệu Thư từ đời Trần trở về trước cùng địa lý, phong tục, thì lấy ngay công trình An Nam Chí Lược của tác giả Việt Nam, Lê Tắc [có sách phiên âm Trắc], thuộc đời Trần. Nhà biên khảo Trung Quốc Lục Nguyệt Linh cũng phải công nhận rằng (4) :

 Ông ta lấy An Nam Chí Lược triều Nguyên (5) làm lam bản [bản gốc], thêm vào những sử liệu từ đầu triều Minh đến thời Gia Tĩnh ; rồi trong thời gian làm Thiêm sự bộ binh tại Quảng Đông soạn ra Việt Kiệu Thư.

Phải dùng sử liệu của một tác giả người Việt để thực hiện phần lớn bộ sử, chứng tỏ tài liệu dưới tay Lý Văn Phượng rất hạn chế ; riêng về các sử liệu từ đầu triều Minh cho đến lúc đó thì cũng chỉ thu thập những điều ghi chép tản mạn trong dân chúng, hoặc có kẻ nhớ được thì kể lại, đúng như cái mà cụ Khổng gọi là “ đạo thính đồ thuyết ”(6) [nghe ngoài đường, nói ngoài lộ], bởi vậy độ tin cậy rất hạn chế.

Cụ thể về ngày tháng xẩy ra sự việc, phần lớn Việt Kiệu Thư ghi khác với Minh Sử (7) và Minh Thực Lục ; như “ Chiếu bá cáo thiên hạ về việc bình định An NamViệt Kiệu Thư đề ngày 1/3 năm Vĩnh Lạc thứ 5 ; riêng Minh SửMinh Thực Lục có văn bản nội dung tương tự như vậy, Minh Sử đề tháng 6 Vĩnh Lạc thứ 5, Minh Thực Lục chi tiết hơn đề ngày 1/6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/7/1407]. Về nội dung văn bản trong Việt Kiệu Thư, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nêu những đoạn trích dẫn như sau (8) :

 “ Bề tôi [cũ của họ Trần] [Lê] Quý Ly và Lê [Hán] Thương từ lâu nuôi lòng lang sói, rốt cuộc làm việc cắn càn, ra tay thí nghịch quốc vương, tàn sát người trong dòng họ Trần, cả những bề tôi của họ Trần cũng trong vòng thảm khốc, bị hãm vào chỗ chết. Bọn chúng gieo đau khổ cho sinh dân, đến gà chó cũng không yên sống, tiếng hờn oán dấy lên đầy đường.”

(9) “ Đạo của mình hơn cả Tam vương, đức cao hơn Ngũ đế, cho Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương không đủ để noi theo, Chu Công Khổng Tử không đáng làm thầy mình, giễu Mạnh Tử là nhà nho ăn cắp, nhạo Chu [Đôn Di], Trình [Hiệu, Trình Di], Truơng [Tải], Chu [Hy] là phường trộm cướp ”.

Tại Minh Thực Lục [Tập 1, văn bản 203] khởi đầu bằng câu Dĩ An Nam bình chiếu thiên hạ viết. Để các nhà lưu tâm về văn bản học tiện việc nghiên cứu, ngõ hầu đánh giá được rõ ràng ; xin được phép chụp hình cho vào phần phụ lục cuối bài, riêng bản dịch như sau :


Ngày 1 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/7/1407]


Nhân An Nam được bình định, nay ban chiếu thiên hạ biết :

Trẫm phụng lãnh cơ đồ hoàng triều, cung kính tuân theo hiến chế ; hoằng dương giáo hóa để bốn biển an vui vĩnh viễn thái hòa, vạn vật đều được hàm dưỡng ; nên sớm tối lo công việc, không dám lười nhàn.

Ngưỡng trông Hoàng khảo Thái Tổ Cao Hoàng đế thống nhất thiên hạ, mềm dẻo vỗ về các nước xa xôi. Trần Nhật Khuê nước An Nam, hâm mộ nghĩa khí phong hóa, đầu tiên [cho người] đến triều cống, nên được phong làm An Nam Quốc vương, đời đời giữ đất. Rồi tặc thần Lê Quí Ly cùng con là Thương, soán thí quốc chúa, giết hết cả nhà [chúa], làm khổ hại sinh linh, tiếng oan dậy đất ; ngụy cải họ tên là Hồ Nhất Nguyên, con đổi tên là Hồ Đê. Chúng che đậy sự thực, xưng là cháu ngoại họ Trần ; nói xằng rằng nhà Trần nay đã tuyệt tự, cầu xin được phong tước. Trẫm nghĩ rằng dân trong nước phải được coi sóc, nên đành nghe theo, rồi mưu gian chúng lộ ra rõ ràng, lăng loàn không kiêng kỵ. Tự cho ưu việt như Tam Hoàng (10), đức cao bằng Ngũ đế (11) ; chê Văn Vũ (12) không cần theo, Chu Khổng (13) không đủ học ; tiếm xưng hiệu là Đại Ngu, đặt niên hiệu Nguyên Thánh, xưng Lưỡng Cung Hòang đế. Chúng mạo lập triều đình, thiết lễ nghi ; chiêu nạp dân bôn đào ; làm ra vẻ chịu quy thuận, phụng thừa lịch Chính Sóc, nhưng dã tâm muốn giành giật đất Nam Chiếu, dòm ngó tỉnh Quảng Tây, chiếm mấy châu phủ Tư Minh, xâm lấn 7 trại thuộc châu Ninh Viễn, cướp bóc con trai con gái, đánh đập dân chúng. Khinh Chiêm Thành yếu đuối, bèn chiếm đoạt đất đai, ép nhận chương phục, bắt làm bầy tôi để đòi hỏi tiến cống.

Triều đình mấy lần sai sứ đến hiểu dụ, vẫn dựa vào điều ác không chừa. Nhân cháu Quốc vương An Nam xưa trốn sang tố cáo, bèn làm bộ dốc lòng thành xin đón về để tôn lên làm vua, rồi phục binh giết trên đường, lại chống cự làm nhục sứ giả của triều đình. Trẫm sai người ban lễ vật cho Chiêm Thành, bèn cho người cướp lấy. Hung tàn xuẩn động, ác chất như núi; bốn biển không chỗ nào dung, thần và người đều phẫn nộ.

Thực bất đắc dĩ phải hưng sư phạt tội, bèn dấy quân điếu phạt (14) để làm sống lại nước bị diệt, nối dòng bị đứt ; ra lệnh bọn Chinh Di Tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ mang quân 80 vạn chinh thảo. Thần tốc vượt sông Phú Lương, thâm nhập vào đất địch, quân uy như cọp dữ, sấm sét rền vang, dẹp hung đồ như bẻ cành khô củi mục. Bảy trăm vạn bọn chúng phút chốc quét sách, đất nước hai ngàn dặm lần lượt tiễu bình, bắt nghịch tặc Lê Quí Ly, con là Lê Thương, Lê Trừng, cùng gia thuộc và quan liêu tướng ngụy như bọn Lê Quí Mạo, Hồ Đỗ ; cùng chiêu phủ kẻ hàng, an dân lương thiện.

 Lại tìm tòi con cháu họ Trần khắp nơi, để lập lên trông coi nước. Nhưng các quan lại kỳ lão nhân dân đều xưng rằng tất cả đều bị giặc họ Lê giết hết không còn ai kế thừa ; lại xưng rằng An Nam vốn là đất cũ Giao Châu đã được đặt làm quận huyện của Trung Quốc, một thời bị luân lạc vào tập tục man di ; nay gặp dịp đáng được quét sạch ô uế, lập lại quận huyện để dân được canh tân. Trẫm xét lòng dân, chấp nhận lời thỉnh cầu cho đặt Giao Chỉ Đô sứ ty, và các xứ Giao Chỉ Thừa Tuyên Bố chánh sứ ty, Giao Chỉ Đề Hình Án sát sứ ty, cùng các nha lại quân dân. Đặt quan chức cai trị để mở mang, làm sạch yêu khí, biến đổi phong tục nước man dã, điều đáng làm được liệt kê như sau :

Vương họ Trần đất An Nam bị giặc họ Lê giết uổng mệnh, nên được truy tặng để được an ủi chốn u minh. Các con cháu họ hàng bị hại, được quan sở tại lập danh sách trình lên ; nơi thờ tự dòng họ bị phá hủy, quan sở tại cho lập nhà thờ ; phần mộ hoang phế được tu bổ, mỗi nhà thờ phần mộ được cấp 30 hộ để lo việc tế cúng.

Quân dân bị giặc họ Lê thúc bách đến nỗi tử vong, thi thể bộc lộ nơi công chúng cũng đáng thương, hãy cho chôn cất ngay. Quan lại tại quận huyện An Nam đều là người cũ của họ Trần, bị giặc họ Lê uy hiếp phải hợp tác vốn là điều bất đắc dĩ ; khi chiếu thư đến nơi nếu còn làm việc, vẫn được lưu giữ ; nhưng chúng đã nhiễm tục man di, phải có quan chỉ huy để dạy lễ pháp Trung Quốc. Giặc họ Lê mấy năm nay thi hành chính sách hà khắc bạo ngược với nhân dân, nay hoàn toàn bãi bỏ ; tuyên bố triều đình chính lệnh để an lòng dân chúng. Những dân An Nam còn đóng tại các doanh trại nơi quan ải, cùng bôn đào nơi hải đảo ; chiếu thư đến nơi phải giải tán. Giặc họ Lê làm khốn đã lâu, quan sở tại nên khéo chiêu phủ, để dân được an cư lạc nghiệp, khỏi lâm vào cảnh không nơi nương dựa. Các quan lại quân dân bị giặc họ Lê hãm vào tội, hoặc cả nhà bị lưu đày, hoặc một người bị hại ; chiếu thư đến nơi được phóng thích về nguyên quán để trở lại nghề cũ. Các quan sở tại phải bắt tay vào việc, không được đình trễ, những kẻ bị tù ngục được phóng thích. Trong nước An Nam, đối với kẻ cao tuổi đức lớn, quan chức phải theo lễ ưu đãi ; đối với những người quan, quả, cô, độc (15) không nơi nương dựa, thì lập viện cứu tế chẩn cấp. Những kẻ sĩ tài đức có thể dùng được, quan sở tại hãy dùng lễ khiến họ đến kinh đô, lượng tài mà sử dụng. An Nam tiếp giáp với Chiêm Thành, cùng các dân di địch ; hãy chiếu theo cương giới, không được xâm vượt ; các quân dân không được phép tư thông với nước ngoài ; vi phạm việc trao đổi buôn bán hàng hóa tại biên giới, cửa biển, đều chiếu theo luật trị tội.

Y Hy ! Dương uy vũ không phải lòng ta mong muốn, diệt kẻ đứng đầu tội ác là do quần chúng đồng tình ; thi hành rộng rãi cư xử cùng một lòng nhân, để vĩnh viễn vui cảnh thái bình. Bố cáo các các nơi, trong ngoài đều hay biết.

 (Minh Thực Lục v. 11, tr. 943-946; Thái Tông q. 68, tr. 1a-2b)

Văn bản trên với tên Chiếu thiên hạ ắt mọi người đều được biết, nhưng sử chép chỉ có 2 bản, không phát hành ra ngoài để lưu truyền ; nên đân chúng chỉ dựa vào sự biên chép cá nhân, tam sao thất bản, truyền đến thời Lý Văn Phượng soạn Việt Kiệu Thư cách gần 150 năm sau, thì đã sai lạc mất nhiều.

Ngoài ra, qua sắc chỉ khác trong Việt Kiệu Thư được Giáo sư Chi nêu lên, chỉ cần nhìn qua ngày tháng xảy ra sự việc cũng thấy vô lý. Ví như sắc chỉ đề ngày 20 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), về việc không dùng Bùi Bá Kỳ ; thì cũng chính trong thời gian này (1/6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 tức 5/7/1407) tại văn bản 234 bản dịch Minh Thực Lục cho biết Bùi Bá Kỳ được giữ chức Tả hữu Tham chính, chức vụ cao nhất cho người Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong bài phê bình về bản dịch Minh Thực Lục của chúng tôi xuất bản tại Hà Nội năm 2010, Tiến sĩ Tạ Ngọc Liễn cho biết như sau :

Điều đáng tiếc là ở Việt Nam không có Minh thực lục. Trong kho sử tịch cổ Trung Quốc tàng trữ tại Thư viện Trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội, có rất nhiều bộ sử quý, nhưng Minh thực lục thì không có. Một số nhà nghiên cứu lịch sử viết về thời nhà Minh xâm lược Việt Nam có dẫn Minh thực lục, song đều là dẫn lại theo các học giả Nhật Bản và Pháp ” (nguồn : ở đây).

Với tình trạng thư tịch tại Việt Nam như vậy, nên bài của Giáo sư Nguyển Huệ Chi viết vào năm 2000, không tham khảo qua Minh Thực Lục, cũng là điều dễ hiểu.

            *

Rút kinh nghiệm về việc bưng bít thông tin về lịch sử của chế độ quân chủ thời Minh, họ cố tình giữ kín bộ Minh Thực Lục không cho dân đọc, nên dân chúng tự làm sử đại loại như Việt Kiệu Thư. Liên hệ đến thời sự hiện nay, nếu nhà nước Việt Nam không công bố rõ ràng đường biên giới Việt Trung, thì dư luận sẽ tạo nên biên giới khác, và lòng tin vào nhà nước sẽ nguội lạnh thêm.

Hồ Bạch Thảo


   

Chú thích

1.    The compilation of each shi-lu was carried out by a History Office established under the Grand Secretariat after the death of an emperor. Overall supervision of the work fell to grand secretaries who checked drafts and inspected the general compilation. The Inspectors of Compilation were apparently always appointed from the nobility and, as figureheads, did not greatly influence the work. Under the vice-supervisors of compilation, selected from the grand secretaries, the compilers and editors, ranging in number from 60 to 100, together with a large complement of ancillary staff, eventually produced a final account of the preceding emperor’s reign in two copies, one of which was sealed and placed in the Grand Secretariat for use in the eventual compilation of the dynastic history, and the other of which was placed at the disposal of the emperor, the grand secretaries and the historiographical officials

2.    嘉靖二十一年,明廷正式承认莫氏,并保留了黎氏。李文凤亲历了莫朝成立及投降的始末,但关于这段历史的记载比较散乱,难以稽考。莫朝的问题刺激李文凤把安 南的历史、地理记载收集在一书里

3.    粤峤书。遗憾的是,此书流传了400 多年,都无刊本,国内外流传的均为手抄本,辗转传抄,难免错误百出

4.    他以元朝的《安南志略》为蓝本,加入了明初至嘉靖年间的大量史实,在广东兵备佥事任期内,撰写了《越峤书》

5.    Lý do gọi An Nam Chí Lược thuộc triều Nguyên, bởi lúc bấy giờ Lê Tắc lưu vong sang Trung Quốc.

6.    Đạo thính đồ thuyết : lấy từ Luận Ngữ, thiên Dương Hóa.

7.    Minh Sử : Trương Đình Ngọc soạn vào đời Thanh

8.    其 臣 季 孷 黎 蒼 久 畜 虎 狼 之 心 。竟 為 吞 噬 之 。舉 弒 其 國 王。 戕 其 本 宗。覃 被 陪 臣 重 罹 慘 酷 。掊 剋 殺 戮 。毒 病 生 民 。雞 犬 弗 寧 。怨 聲 載 路 (Kỳ thần [Lê ] Quý Ly, [Hán] Thương cửu súc hổ lang chi tâm, cánh vi thôn phệ chi, cử thí kỳ quốc vương, thương kỳ bản tông, đàm bị bồi thần trọng duy thảm khốc, bồi khắc sát lục, độc bệnh sinh dân, kê khuyển phất ninh, oán thanh tái lộ).

9.    自 以 為 道 優 於 三 王 。 德 高 於 五 帝 。以 禹 湯 文 武 不 足 法 。周 公 孔 子 為 不 足 師 。毀 孟 子 為 盜 儒 。謗 周 程 張 朱 為 剽 竊 。欺 聖 欺 天 。無 倫 無 理 (... tự dĩ vi đạo ưu ư Tam vương, đức cao ư Ngũ đế, dĩ Vũ Thang Văn Vũ bất túc pháp, Chu Công Khổng Tử vi bất túc sư, hủy Mạnh Tử vi đạo Nho, báng Chu Trình Trương Chu vi phiếu thiết. Khi thánh khi thiên, vô luân vô lý).

10.    Tam Hoàng : Ba đời vua trong truyền thuyết nước Tàu là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng.

11.   Ngũ đế : Năm đời vua ngày xưa của nước Tàu là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Ngu, Nghiêu Thuấn.

12.    Văn Vũ : Văn Vương, Võ Vương đời nhà Chu.

13.    Chu Khổng : Chu Công và Khổng Tử.

14.    Ðiếu phạt tức điếu dân phạt tội : đánh kẻ có tội để bảo vệ nhân dân

15.   Quan là đàn ông chết vợ, quả là đàn bà chết chồng, cô là con mất cha mẹ, độc là người sống một mình không lập gia đình.


PHỤ LỤC

pla
plb
plc
pld





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us