Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tiến sĩ xưa và nay

Tiến sĩ xưa và nay

- Bùi Trọng Liễu — published 09/09/2009 22:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Có nên trả lại cho tên gọi « tiến sĩ »
vị trí cũ của nó ?


Bùi Trọng Liễu


Tiến sĩ” hay/và “đốc-tút” (doctus)?

Tôi mong độc giả bình tâm đọc hết những dòng dưới đây, trước khi phê phán.

Tóm tắt nhắc lại lịch sử tên gọi “tiến sĩ” và thể lệ thi hội thi đình thời Lê – (vì các đời trước, gọi là “thái học sinh”). Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “khoa mục chí” (bản dịch của Tổ biên dịch Viện sử học Việt Nam, nxb Sử học, Hà Nội 1961, trang 10):

bia

(Trích) Thái tông, năm Thiệu Bình thứ 1 [1334] định phép thi chọn kẻ sĩ. Chiếu nói rằng: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm. […]. Nay định điều lệ khoa thi, hẹn tới năm Thiệu Bình thứ 5 [1438] thì thi hương ở các đạo, đến năm thứ 6 [1439] thì thi hội ở đô sảnh đường”. Từ đó về sau cứ ba năm một khoa thi, đặt làm thường lệ. Ai thi đỗ đều cho là tiến sĩ xuất thân theo thứ bực khác nhau. […]. Năm Đại Bảo thứ 3 [1442], tháng 3, thi hội, thi đình, lấy tam khôi cập đệ, lại sai soạn văn bia đề tên các tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đấy.

Nhân tông, năm Thái hòa thứ 6 [1448], tháng 8, thi hội, thi đình. Vua thân ra văn sách hỏi về lễ nhạc hình chính, chia những người thi đỗ ra làm chính bảng và phụ bảng theo thứ bực khác nhau.

Thánh tông, năm Quang Thuận […] thứ 7 [1466], […] ngày 12 tháng 3, vua ngự ra cửa điện Kính thiên, ra văn sách hỏi về phép trị thiên hạ của các đế vương, lấy đỗ tiến sĩ và đồng tiến sĩ theo thứ bực khác nhau. (Hết phần trích).

Tên gọi tiến sĩ (Hán học) tồn tại đến năm 1919 (Khải Định năm thứ 4), khoa thi hội thi đình Hán học cuối cùng triều Nguyễn dưới thời Pháp thuộc; Hán học chấm dứt từ đó. Sau đó, một số người Việt Nam sang Pháp du học, rồi làm luận án, bảo vệ để có được học vị “docteur” (trong các ngành không phải là Y): học vị đó, vào những khoảng năm 1920, 30 trở đi được dịch là “tiến sĩ” (trong ngành Y thì dịch là “bác sĩ”), có lẽ vì với một số người Việt Nam, đó là tên gọi học vị cao nhất. Vì trót dịch như thế rồi, thì thành ra thói quen, chứ trên thực tế, cách học, cách đào tạo, tiến hành thi cử hoàn toàn không có gì liên quan với nhau cả. Chính bản thân tôi, năm 1975, khi tôi kiến nghị với Thủ tướng Phạm Văn Đồng việc cho lập học vị “docteur” ở trong nước, tôi cũng dùng từ “tiến sĩ”, bởi vì tôi ngỡ rằng mọi người sẽ tự hiểu sự khác biệt; tôi không ngờ rằng việc lẫn lộn từ ngữ có thể gây ra những hậu quả như hiện nay.

vinhquy
Ảnh minh hoạ (DĐ)

Và tôi nghi rằng ngày nay ngay cả một số quan chức quản lý trong Bộ Giáo dục Đào tạo, và một số người Việt Nam, thực sự không biết thực chất cái học vị “docteur/doctor” là cái gì.

Để nói cho gọn – (cho thật rõ, tôi xin dùng tên gọi của Pháp) – tôi chỉ xin nói về cái bằng “docteur” ở mức tối thiểu tú tài +8 theo chuẩn châu Âu – (tuơng đương với Ph.D. của Mỹ) – chứ tôi không nói cái “doctorat d’exercice”, với một tiểu luận chấm dứt một trong những ngành Y, Dược, Nha, để “hành nghề”(exercice d’un métier) mà trước đây dịch là “bác sỹ”.

“Docteur” được “đào tạo qua nghiên cứu”, mà kết quả là có được công trình nghiên cứu mang lại một số phát minh mới trước đây chưa từng có. Công trình nghiên cứu này được viết thành văn bản, gọi là luận án, và được bảo vệ trước một một ban giám khảo, và sau đó sự thành công này được đánh dấu bởi học vị “docteur”. (Tôi không đi vào chi tiết, để tránh rườm rà) (1). Cách “đào tạo qua nghiên cứu”này, hoàn toàn khác với cách học cách thi hội thi đình thuở xưa của ta, thi hội thi đình mà trọng tâm là sự học nhiều, biết rộng, thuộc sách, khéo trả lời hợp ý người ra đầu bài – (ngày xưa tiếng là vua “thân ra đầu bài”, nhưng kỳ thật là có các quan đại thần gà cho vua). Có lẽ vì hiểu lẫn lộn, cùng một từ ngữ, nhưng hai cách khác nhau, nên mới lộn xộn như ngày nay. Vì tình hình đã quá trầm trọng khó gỡ, nên tôi xin mượn câu Kiều số 247: “Sầu đong càng lắc càng đầy”, để nhái như sau: [Sa] Lầy này càng quậy càng lầy”, càng sửa càng sai.

Vì thế nên tôi mới nêu câu hỏi: Có nên trả lại cho tên gọi « tiến sĩ », vị trí cũ của nó?

Ý tôi muốn kiến nghị như sau:

Nếu muốn trả lại cho tên gọi « tiến sĩ », vị trí cũ của nó – (một danh hiệu mà không ít người Việt Nam rất ham) – thì nên cứ theo định kỳ, vị lãnh đạo cao nhất nước, (với sự hỗ trợ của một số quan chức nào đó), triệu tập cán bộ sĩ tử thí sinh tại một quảng trường nào long trọng, “thân” ra đầu bài hỏi về học thuyết, lịch sử của chế độ, hỏi về đường lối đối nội đối ngoại, cách trị dân trị nước. Thí sinh nào viết bài trả lời hợp ý người lãnh đạo, thì lấy đỗ, và phát cho bằng “tiến sĩ”, ban cho mũ áo, cho được về địa phương mở tiệc ăn mừng linh đình tùy theo mức độ khả năng. Rồi tha hồ khắc tên vào bia đá trên lưng rùa. Sau đó thì đề bạt vào những chức vụ quản lý hành chính trị dân. Số “tiến sĩ” kiểu này nhiều ít tùy theo nhu cầu, sở thích, 2 vạn hay 20 vạn cũng không khó; không còn là chuyện bất khả thi nữa (2). Hơn thế nữa, nếu muốn, có thể phong cho những “tiến sĩ xứng đáng”, hàm “giáo sư”, nhiều ít tùy ý. Không còn vấn đề than phiền nhiều hay ít “giáo sư”, chuẩn này chuẩn nọ (3).

Còn thì dùng một từ khác để dịch chữ “docteur” cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Tôi muốn đề nghị từ “đốc-tút” (từ tiếng la tinh “doctus”) (4); từ này không hoành tráng, chắc chẳng mấy ai ham (5). Tôi cũng xin kiến nghị dùng từ “nhà giáo/nhà nghiên cứu” cho những người giảng dạy ở trường đại học, những viện nghiên cứu. Từ này cũng không hoành tráng, chẳng còn chuyện tranh giành, chọn lọc chuẩn này chuẩn nọ chấm điểm vô lý từ đâu đâu nữa. Như vậy các trường đại học và viện nghiên cứu nghiêm chỉnh có thể thanh thản, “đào tạo qua nghiên cứu”, có được những nhân sự trong mọi ngành chuyên môn cần thiết cho sự tồn tại và sự phát triển của đất nước. Chỉ cần Nhà nước đài thọ tài chính đầy đủ hợp lý cho ngân quĩ các trường đại học và viện nghiên cứu công lập, cho nhà giáo/nhà nghiên cứu đủ sống để hành nghề một cách nghiêm chỉnh, để họ tự điều khiển trong lĩnh vực chuyên môn của họ trong các đại học và viện nghiên cứu, trình độ giáo dục đại học và nghiên cứu tự nó sẽ được cải thiện. Tất nhiên, những nhà khoa học nào muốn nhảy sang làm cán bộ quản lý hành chính, để có những mỹ hiệu “tiến sĩ”, “giáo sư”, thì cũng có thể nộp đơn xin dự thi hội thi đình kiểu mới nói trên, nhưng đừng về làm nhiễu các trường đại học và viện nghiên cứu nữa.

Như vậy chế độ sẽ có khả năng vững bền, mà đất nước cũng tiếp tục tồn tại. Và các quan chức phụ trách giáo dục đào tạo khỏi phải mất công năm này qua năm khác, đêm thao thức ngủ ít giờ, nặn óc tìm những khẩu hiệu mới, hô to, nay tuần du nơi này, mai thanh tra nơi nọ, vỗ vai người già, vuốt đầu người trẻ, nhưng vô hiệu quả vì không tìm ra được chiến lược phù hợp.

Tôi đặt câu hỏi và không có ý “kiến nghị tiếu lâm”, vì phải vô trách nhiệm lắm mới đem việc trọng đại của dân tộc (giáo dục đào tạo) ra làm chuyện đùa bỡn, trong cách phát biểu, hay hơn thế nữa, trong cách tiến hành.

(Tất nhiên, trong khi chờ đợi một sự thay đổi, tôi vẫn phải dùng từ ngữ như hiện nay, dù nó phi lý).

Bùi Trọng Liễu

Docteur d’Etat ès sciences

Nguyên professeur d’Université (Paris, Pháp)


Chú thích :

(1) Xin xem chương 5, mục III, của cuốn sách của tôi “ Chung quanh việc học”, nxb Thanh Niên 2004, có trên trang mạng của tôi http://www.buitronglieu.net).

(2) Có những đề án rất hoành tráng như :

Đề án 2 vạn tiến sĩ của ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, xem

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2007/01/649367/.

Hoặc “ Hà Nội vừa vạch chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố, trong đó quyết tâm đến 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ”, xem http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2009/08/865203/

(3) Thí dụ bài “376 trường đại học, cao đẳng chỉ có 320 giáo sư”, xem http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/08/864997/

“Những con số biết nói”, xem http://www.talawas.org/?p=9366

(4) Có những từ “phiên dịch”, dùng rồi cũng quen như “câu lạc bộ”, “xà phòng”, vv., không còn bị coi là tiếng “bồi”.

(5) Cũng nhân dịp này tôi chép lại vài lý lẽ tôi đã nêu từ lâu, khi kiến nghị vì sao chỉ nên có một bằng “tiến sĩ-docteur”. Tuy vậy, do những bất cập ngày nay ở nước ta, sinh ra việc đáng tiếc có những người không hiểu lý do cặn kẽ, nên đang có những lời mỉa mai việc một bằng-hai bằng. Lý do tôi nêu thuở đó, tóm tắt như sau:

“Trong một xã hội đang trên đà phát triển, nhu cầu cần giải đáp các vấn đề mới nảy sinh, làm cho vấn đề “đào tạo qua nghiên cứu” trở nên quan trọng. Vấn đề chính không ở chỗ cân nhắc lẻ tẻ giá trị của luận án của cá nhân này hay luận án của cá nhân kia, mà là ở chỗ - về mặt chiến lược - quan niệm mục tiêu của luận án “tiến sĩ-docteur” là gì và thế nào là một khối lượng vừa phải cho một luận án. Về mặt này, có thể sơ bộ tóm tắt, (phần nào “thái cực hóa” để dễ thấy sự khác biệt), hai khuynh hướng chính:

- (a) Một khuynh hướng coi bằng “tiến sĩ-docteur” là một học vị đánh giá một số công trình tương đối “đồ sộ”, của người đã dày công nghiên cứu thực hiện những công trình đó, bảo đảm một học lực thâm thúy và một trình độ “cao”. Mặt nào, có thể coi đó có tính cách “thưởng công” cho những cá nhân xuất sắc, có khi đã ở tuổi trung niên già dặn, đã “kết thúc” một giai đoạn nghề nghiệp nghiên cứu, mang lại một sự rạng rỡ cho bản thân và phần nào cho nền học thuật bản xứ. Thí dụ đó là khuynh hướng thấy trong hệ thống đào tạo của một cựu siêu cường, mà trớ trêu, thể chế cũ trên nguyên tắc là hướng về lợi ích tập thể... Có lẽ cũng cần tóm tắt nói thêm là trong khuynh hướng này, vì chặng đường tiến tới học vị “tiến sĩ-docteur lớn” này là con đường dài, cho nên có một chặng trung gian (học vị “phó tiến sĩ ”), cho nên trước đây ở Việt Nam ta còn có gọi là “hệ hai bằng” (một bằng “tiến sĩ-docteur lớn” và một bằng “phó tiến sĩ”).  

- (b) Một khuynh hướng coi bằng “tiến sĩ-docteur ” là một học vị chứng nhận khả năng của đương sự, qua công trình của mình, đã biết thực hiện nghiêm túc một đề tài nghiên cứu, “mở đầu” cho chặng đường nghề nghiệp nghiên cứu (còn dài). Mặt nào, có thể coi đó là khuynh hướng trọng lợi ích chung của xã hội: học vị “tiến sĩ-docteur” được coi như một hộ chiếu để đi vào đời lao động trí óc, góp phần giải đáp những vấn đề của xã hội đang phải giải quyết. Vì theo khuynh hướng này, chỉ có một học vị, nên còn gọi là “hệ một bằng” (tiến sĩ-docteur).

Khuynh hướng thứ nhì đang trên đà trở thành khuynh hướng chung cho nhiều nước. Cần nói thêm là ở các nước đã phát triển, học vị “tiến sĩ-docteur” không chỉ dùng cho nghề giảng dạy, mà còn để đáp ứng cho mọi ngành nghề, hoạt động khác của xã hội, với điều kiện là họ được đào tạo nghiêm chỉnh qua cấp “đào tạo qua nghiên cứu”.

Xin nói thêm là ở Pháp trước đây cũng có hệ 2 bằng, mà “bằng lớn” là Docteur d’Etat, trong những lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn, …; nhưng sau cuộc cải cách vào thập niên 80 của thế kỉ trước, nay chỉ còn một bằng docteur ở mức tối thiểu tú tài+8 theo chuẩn châu Âu. Và Pháp đặt thêm một bằng mới, mang tên là HDR (Habilitation à Diriger des Recherches), mà có người hiểu lầm là nó thay thế bằng Docteur d’Etat chỉ đổi tên gọi. Theo tôi sự thực không phải vậy, vì hai lẽ: a) HDR trên nguyên tắc không có giá trị trong thị truờng lao động; nó chỉ được sử dụng như một điều kiện tối thiểu để làm ứng viên professeur des Universités (điều duy nhất mà HDR giống Docteur d’Etat). b) Docteur d’Etat là một khối kết quả nghiên cứu thuần nhất trên một đề tài, trong khi HDR tập hợp một số kết quả nghiên cứu có thể tản mạn, không buộc phải cùng một đề tài. Hiểu “nửa vời” là điều nguy hiểm, nhất là ở vị trí những người có trách nhiệm tổ chức, quản lý.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us