Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tiếp nối chuyện Hoàng Sa và Trường Sa : Rà soát trong ĐẠI THANH NHẤT THỐNG TOÀN ĐỒ

Tiếp nối chuyện Hoàng Sa và Trường Sa : Rà soát trong ĐẠI THANH NHẤT THỐNG TOÀN ĐỒ

- Hồ Bạch Thảo — published 23/12/2009 22:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Tiếp tục rà soát cái gọi là Tây Sa (Hoàng Sa)
Nam Sa (Trường Sa) trong
ĐẠI THANH NHẤT THỐNG TOÀN ĐỒ




HỒ BẠCH THẢO



Sau khi bài Rà soát cái gọi là Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa[Trường Sa] trong sử chí Trung Quốc từ đời Thanh cho đến nay đăng trên tạp chí Diễn Ðàn ; tôi được ông Vũ Quang Việt, một nhà nghiên cứu có uy tín, gửi cho trang mạng Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ (http://www.nla.gov.au/apps/cdview?pi=nla.map-lms639-s1-v) của Thư Viện Quốc Gia Úc Ðại Lợi (National Library of Australia). Toàn Ðồ gồm 21 phần, xin liệt kê như sau :

- Phần 1 (part 1) : Ðại Thanh nhất thống toàn đồ (Bản đồ toàn thể nước Ðại Thanh).

- Phần 2 (part 2) : Ðịa Cầu chính điện toàn đồ (Bản đồ mặt chính của quả Ðịa Cầu)

- Phần 3 (part 3) : Ðịa Cầu bối diện toàn đồ (Bản đồ mặt sau của quả Ðịa Cầu).

- Phần 4 (part 4) : Thịnh kinh toàn đồ (Bản đồ kinh sư phồn thịnh).

- Phần 5 (part 5) : Trực Lệ toàn đồ (Bản đồ tỉnh Trực Lệ)

- Phần 6 (part 6) : Sơn Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Sơn Tây)

- Phần 7 (part 7) : Sơn Ðông toàn đồ (Bản đồ tỉnh Sơn Ðông)

- Phần 8 (part 8) : Giang Nam toàn đồ (Bản đồ vùng Giang Nam).

- Phần 9 (part 9) : Chiết Giang toàn đồ (Bản đồ tỉnh Chiết Giang)

- Phần 10 (part 10) : Giang Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Giang Tây).

- Phần 11 (part 11) : Phúc Kiến toàn đồ (Bản đồ tỉnh Phúc Kiến).

- Phần 12 (part 12) : Quảng Ðông toàn đồ (Bản đồ tỉnh Quảng Ðông)

- Phần 13 (part 13) : Quảng Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Quảng Tây)

- Phần 14 (part 14) : Hà Nam toàn đồ (Bản đồ tỉnh Hà Nam).

- Phần 15 (part 15) : Hồ Nam toàn đồ (Bản đồ tỉnh Hồ Nam).

- Phần 16 (part 16) : Hồ Bắc toàn đồ (Bản đồ tỉnh Hồ Bắc).

- Phần 17 (part 17) : Tứ Xuyên toàn đồ (Bản đồ tỉnh Tứ Xuyên).

- Phần 18 (part 18) : Vân Nam toàn đồ (Bản đồ tỉnh Vân Nam).

- Phần 19 (part 19) : Quý Châu toàn đồ (Bản đồ tỉnh Quý Châu).

- Phần 20 (part 20) : Thiểm Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Thiểm Tây)

- Phần 21 (part 21) : Cam Túc toàn đồ (Bản đồ tỉnh Cam Túc)

Bản đồ không ghi ngày tháng biên soạn, nhưng qua phần 2 [part 2] và 3 [part 3] thể hiện trái đất là một khối cầu, có phân biệt hai địa cực Bắc, Nam ; chứng tỏ nhà biên soạn từng tham khảo môn địa lý phươngTây. Ðiều này chỉ có thể xẩy ra dưới thời Quang Tự [1875-1908] trở về sau, lúc này phong trào cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu nhiệt liệt cổ động nghiên cứu học thuật phương Tây, Trung Quốc mới được truyền bá kiến thức này. Riêng với mục đích rà soát cái gọi là Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa] trong bản đồ ; hãy tìm hiểu kỹ phần 1 [part 1] Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ, và phần 12 [part 12] Quảng Ðông Toàn Ðồ ; xét về vị trí địa lý các đảo nêu trên nếu có, chỉ có thể thấy trên 2 bản đồ này :

  1. Phần 1 (part 1) Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ :

daithanh

Ðây là bản đồ tổng quát nước Trung Hoa thời nhà Thanh, tính từ bắc chí Nam ngoài biển có các đảo như sau :

- Phượng Mã đảo : phía nam nước Triều Tiên.

- Ðại Lưu Cầu, Tiểu Lưu Cầu : phía đông tỉnh Chiết Giang.

- Ðài Loan : phía đông tỉnh Phúc Kiến.

- Quỳnh Châu, Nhai Châu : tức phủ Quỳnh Châu và châu Nhai thuộc đảo Hải Nam nằm phía nam lục địa tỉnh Quảng Ðông.


  1. Phần 12 (part 12) Quảng Ðông Toàn Ðồ :

Dò tiếp phía nam lục địa Quảng Ðông thấy đảo Hải Nam và vài đảo kế cận xung quanh, ngoài ra phía nam Hải Nam không còn đảo nào khác. Ðiều thú vị là hầu hết địa danh nêu trên bản đồ đều được đề cập trong Thanh Sử Cảo ; tưởng cần nhắc lại Thanh Sử Cảo là bộ chánh sử Trung Quốc, do Quốc Sử Quán nước này bắt đầu soạn từ thời Dân Quốc năm 1914, trải qua 10 năm mới hoàn thành. Nội dung hai công trình gắn bó với nhau, nên có thể cho rằng công trình sau đã tham khảo với công trình trước. Ðể làm sáng tỏ điều này, xin dịch lại đoạn địa lý chí chép về đảo Hải Nam trong Thanh Sử Cảo, gặp địa danh có trên Quảng Ðông Toàn Ðồ thì đánh số đề tiện bề tham khảo. Tỉnh Quảng Ðông được chia thành 6 đạo, đảo Hải Nam nằm trong đạo Quỳnh Nhai, đạo này gồm phủ Quỳnh Châu và châu Nhai , mục địa lý chí chép như sau :

quangdong

A. Phủ Quỳnh Châu 瓊州 [1] : trụ sở đạo Quỳnh Nhai nằm trong phủ, cách tỉnh lỵ Quảng Châu 1.810 lý [1 lý khoảng 0.5 km] về phía đông bắc ; lãnh 1 châu, 7 huyện. Phủ và châu Nhai nằm trong đảo Hải Nam, ở giửa có núi Ngũ Chỉ 五 指山[2] phân cách ; phía nam núi thuộc châu Nhai, bắc núi thuộc phủ. Trong núi có giống dân Sinh Lê, ngoài núi có dân Thục Lê cùng các châu huyện. Tại núi các động thâm hiểm, dân Lê thường ra vào gây hoạn. Năm Quang Tự thứ 15 [1889], Tổng đốc Trương Chi Ðồng bắt đầu cho cắt núi Ngũ Chỉ bằng 12 con đường, gồm : 3 đường phía đông, 3 đường phía tây, 1 đường phía nam, 1 đường phía bắc, 1 đường đông nam, 1 đường đông bắc, 1 đường tây nam, 1 đường tây bắc ; nơi hoang dã âm u mở thành đất bằng, mọi người đều cho là tiện. Vào năm Hàm Phong thứ 8 [1858], Anh mở thương ước đặt thương cảng Quỳnh Châu :

- Huyện Quỳnh Sơn 瓊 山[3] : phủ thành đặt trong huyện, phía nam có núi Quỳnh Sơn nên lấy tên đặt. Phía bắc là bờ biển ; sông Bạch Thạch còn gọi là Kiến Giang từ huyện Trừng Mại nơi bờ biển phía tây bắc vòng sang phía đông, chảy vào huyện Ðịnh An, đến đây gọi là sông Nam Ðộ, vòng phía bắc gọi là Bắc Sa Hà, chuyển sang phía tây bắc đến cửa Bạch Sa ra biển. Huyện thừa đóng tại thành tại cửa biển, có Tuần ty tại Thủy Vỉ, công trường muối tại Cảm Ân.

- Huyện Trừng Mại 澄 邁[4] : phía tây phủ 60 lý, phía nam có núi Mại, phía bắc giáp biển, sông Kiến Giang tại phía tây nam, lại có sông Tân An từ huyện Lâm Cao chảy vào theo phía đông nam qua Lê Mẫu 黎 母 [5] hợp với khe Tân Ðiền rồi chảy vào huyện Quỳnh Châu. Lại có sông Trừng phát nguyên từ núi Ðộc Chu tại phía đông nam huyện, chảy theo hướng tây bắc đến phía tây huyện lỵ, hợp với sông Cửu Khúc, rồi theo phía tây đến cảng Ðông Thuỷ thì ra biển. Sông Sảo Dương, phía trên nguồn gọi là khe Nam Cổn chảy qua phía bắc huyện, hợp với sông Sa Ðịa qua Cù Lãnh đến cảng Cù, rồi ra biển.

- Huyện Ðịnh An 定 安[6] : [nay thuộc huyện Ðịnh An] nằm về phía nam phủ lỵ cách 80 lý ; phía tây nam là núi Ngũ Chỉ còn có tên là núi Lê Mẫu chạy triền miên sang phía đông thành núi Quang Loa, lại tiếp sang đông thành núi Nam Lư, khe Viễn phát xuất tại phía nam núi. Phía bắc huyện, sông Kiến Giang tại Quỳnh Sơn đổ vào hướng đông hợp vói khe Viễn qua đông bắc huyện lỵ, các khe Ðàm Giám, Tiên Khách nhập vào theo hướng đông bắc vào huyện Quỳnh Sơn, được gọi là sông Nam Ðộ. Phía tây nam huyện có sông Vạn Toàn ra khỏi động Nam Bàng hướng phía đông vào huyện Lạc Hội. Huyện có tuần ty Thái Bình.

- Huyện Văn Xương 文 昌[7] : [nay là Văn Xương thị] vị trí phía đông nam phủ lỵ cách 60 lý. Phía bắc có núi Ngọc Dương, phía nam núi Tử Bối, đông bắc là biển. Trên biển có núi Phù Sơn, dưới núi là Phân Dương châu 分 洋 洲 [8]. Phía nam có khe Văn Xương phát nguyên từ núi Bạch Ngọc phía tây huyện, rồi hướng phía đông nhập các khe Bạch Thạch, Bạch Mang, lượn sang phía đông có khe Bình Xương từ phía tây bắc đổ vào, rồi chảy phía nam đến cảng Thanh Lan thì ra biển. Phía nam huyện, khe Bạch Diên chảy ra khỏi núi Bát Giác, hướng đông nam đến cảng Trường Kỳ rồi ra biển. Lại phía bắc Tam Giang tức khe La Hán phát nguyên từ núi Bảo Hổ hướng tây bắc đến cảng Phố Tiền rồi ra biển. Huyện có hai ty tuần kiểm Phố Tiền và Thanh Lam và công trường muối Lạc Hội.

- Huyện Hội Ðồng 㑹 同[9]: vị trí phía đông nam phủ lỵ cách 290 lý ; phía đông huyện có nhiều núi kỳ dị và bờ bể. Phía tây có khe Long Giác phát nguyên từ núi Tây Nhai hướng đông nam tới chợ Tích Gia nên được gọi là khe Tích Gia, rồi khe Lê Bồn từ phía tây hợp vào, chảy xuống nam được gọi là khe Ngũ Loan, rồi vào huyện Lạc Hội.

- Huyện Lạc Hội 樂 㑹[10] : vị trí phía đông nam phủ lỵ cách 330 lý ; phía đông có núi Bạch Thạch, tây nam có núi Tung Hoành, phía đông giáp biển. Phía tây, sông Vạn Toàn từ huyện Ðịnh An chảy vào hướng đông rồi đổi hướng bắc hợp với sông Thái Bình tiếp tục chảy hướng đông nam hợp với sông Ngũ Loan qua núi Long Ma chia dòng bao quanh huyện lỵ, rồi hợp lại hướng đông qua núi Liên Hoa, lượn đông nam qua cảng Bác Long rồi ra biển. Sông Lưu Mã phát nguyên từ núi Long Nham tại phía tây nam huyện, chảy sang đông vào huyện Vạn, lại quẹo hướng đông bắc để trở về địa giới của huyện, được gọi là sông Gia Liêm, chảy về đông bắc gọi là sông Cửu Khúc, khe Liên Ðường nhập vào, rồi theo hướng đông bắc hợp với sông Vạn Toàn ra biển.

- Huyện Lâm Cao 臨 高[11] : [nay tại huyện Lâm Cao] nằm về phía tây nam phủ lỵ cách 180 lý ; phía nam có núi Na Bồn, phía tây núi Tỷ Gia, phía bắc giáp biển. Sông lớn Kiến Giang do Ðam Châu chảy vào từ phía nam, hướng bắc đến núi Yêu Bối ra phía tây trước cửa huyện rồi uốn lượn theo hướng đông bắc đến thôn Văn Lan hợp với sông Thấu Than, lại còn được gọi là sông Nghênh Ân, hướng bắc đến cảng Bác Phố rồi ra biển; một nhánh ngòi thuộc sông này hướng đông bắc qua núi Bạch Lãnh vào huyện Trừng Mại. Huyện có tuần ty Hòa Xả, công trường muối Ðảo Mã.

11. Ðam Châu 儋 州[12] : [hiện nay tại phía tây bắc Ðam Châu thị] nằm về phía tây nam phủ lỵ cách 300 lý ; phía bắc có núi Ðam Nhĩ, còn gọi là núi Tùng Lâm, hoặc Ðằng Sơn ; tây bắc giáp biển, ngoài biển có núi Sư Tử 獅子山 [13]. Trong châu có sông Kiến Giang, còn gọi là sông Lê Mẫu hướng tây nam qua núi Long Ðầu, chia làm hai: nhánh phía đông gọi là Ðại Giang, hướng đông bắc vào huyện Lâm Cao; nhánh phía tây gọi là sông Bắc Môn hoặc sông Luân hướng tây bắc, đến phía đông bắc châu uốn sang phía tây tạo thành cảng Tân Anh, rồi sôngXương Giang từ phía đông nam gộp vào để chảy ra biển. Phía đông bắc châu có sông Dung Kiều, phía tây nam có sông Sa Cấu đều hướng tây bắc ra biển. Châu có tuần ty Bạc Sa, tyTrấn Nam, công trường muối Lan Hinh.

B. Nhai Châu 崖州 [14] trước kia thuộc phủ Quỳnh Châu, đến năm Quang Tự 31 [1905] trực lệ vào đạo Quỳnh Nhai, cách tỉnh lỵ Quảng châu phía đông bắc 2680 lý ; [trị sở Nhai Châu tại Tam Á thị hiện nay] chiều rộng 242 lý, dọc 175 lý, lãnh 4 huyện. Phía đông Nhai Châu có núi Hồi Phong, tây nam núi Trừng Ðảo, đông nam giáp biển. Phía đông bắc sông An Viễn từ huyện Lăng Thủy chảy vào, hướng tây nam đến núi Lang Dõng chia làm hai: một nhánh chảy phía tây, đến thôn Chí Ðại rồi ra biển, một nhánh hướng tây bắc gọi là sông Bảo Dạng qua phía bắc châu lỵ, uốn theo hướng bắc đến cảng Bảo Bình rồi ra biển. Phía bắc châu có sông Lạc An hướng tây nam qua núi Ða Cảng, chuyển theo hướng tây bắc vào huyện Cảm Ân. Phía đông có sông Ða Ngân còn gọi là sông Lâm Xuyên phát nguyên từ Lê Ðộng, hướng đông hợp với sông Tam Á, rồi hướng đông nam đến cảng Du Lâm để ra biển. Châu có 2 ty tuần kiểm : Lạc An và Vĩnh Ninh, công trường muối Lâm Xuyên. Châu cai quản 4 huyện gồm:

- Huyện Cảm Ân 感 恩[15] : [nay thuộc phía nam Ðông Phương thị] nằm về phía tây bắc châu lỵ Nhai Châu cách 195 lý, xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] bắt đầu thuộc Nhai Châu. Phía đông có núi Ðại Nhã, phía đông bắc núi Cửu Long, phía tây giáp biển; phía đông có Long Giang phát nguyên từ núi Lê Mẫu hướng tây nam còn gọi là sông Cảm Ân, chảy sang phía tây đến phía bắc huyện lỵ thành cảng Cảm Ân, rồi ra biển, nhánh chính hướng tây bắc qua chợ Bắc Lê làm thành cảng Bắc Lê rồi hướng tây nam ra biển. Sông Lạc An hướng tây bắc ra khỏi châu, vào huyện Xương Hóa.

- Xương Hoá 昌 化[16] : [nay thuộc huyện Xương Giang Lê tộc tự trị], nằm về phía tây bắc châu lỵ cách 360 lý, xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang tự thứ 31 [1905] bắt đầu thuộc Nhai Châu. Phía đông bắc có núi Tuấn Linh, phía đông nam núi Cửu Phong, tây bắc giáp biển ; phía nam Xương Giang tức sông Lạc An từ huyện Cảm Ân chảy vào qua phía đông nam huyện lỵ thì chia làm hai: hướng tây nam gọi là sông Nam Nhai,hướng bắc gọi là Bắc Giang, cà hai đều chảy ra biển. Lại có sông An Hài phát nguyên từ Ca Báng Lãnh phía đông bắc, hướng tây nam đến châu Ðam thì ra biển.

- Lăng Thuỷ 陵 水[17]: [nay thuộc huyên Lăng Thủy Lê tộc tự trị], nằm về phía đông bắc châu lỵ cách 210 lý, xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] bắt đầu thuộc Nhai Châu. Phía tây có núi Ðộc Tú, phía nam núi Ða Vân, đông nam giáp biển, tại biển có đảo Gia Nhiếp, đảo Song Nữ; phía tây bắc có Ðại Hà phát nguyên từ núi Thất Chỉ chảy hướng đông qua núi Bác Cổ, lượn phía nam làm thành cảng Ðồng Khê rồi hướng đông ra biển. Lại phía nam có sông Thanh Thủy Ðường Thủy phát nguyên từ thôn Lang Nha phía tây bắc, chảy hướng nam đến phía tây huyện lỵ được gọi là sông Bút Giá Sơn hợp với Ðại Hà tạo thành cảng Táo Tử, lượn phía tây nam đến cảng Tân Thôn thì ra biển; huyện có Tuần ty Bảo Ðình.

- Huyện Vạn 萬 縣[18] : [nay là Vạn Ninh thị] nằm về phía đông bắc châu lỵ cách 370 lý, xưa là châu Vạn thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] bị giáng thành huyện, lệ thuộc vào Nhai Châu. Phía đông huyện có núi Ðông Sơn, phía bắc núi Lục Liên, đông nam giáp biển, trên biển có núi Ðộc Châu, dưới là Ðộc Châu Dương ; phía tây bắc có Long Cổn Hà phát nguyên từ động Tung Hoành, lượn xuống phía nam rồi ra phía đông hợp với Lưu Mã Hà, hướng đông bắc vào huyện Lạc Hội, lượn theo hướng đông nam trở lại phía bắc huyện, riêng phía đông có khe Liên Ðường, uốn sang phía bắc vào huyện Lạc Hội hợp với sông Vạn Toàn Nhánh chính hướng đông nam qua núi Liên Chi rồi ra biển. Lại có sông Ðô Phong phát nguyên từ động Tung Hoành, chảy theo hướng đông nam rồi chia làm 4 nhánh: cảng Hòa Lạc, Cảng Bắc, khe Thạch Cẩu, sông Kim Tiên, đến phía đông bắc huyện lỵ rồi ra biển. Phía nam Dương Dung hà phát nguyên từ núi Giá Cô phía tây bắc, hướng đông nam đến thôn Sấu Ðiền thì chia dòng hợp với Thạch Qui hà lại theo hướng đông nam ra biển. Huyện có Tuần ty Long Cổn, công trường muối Tân An.

Dưới đây xin lấy ra phần đảo Hải Nam trong Quảng Ðông Toàn Ðồ và chú thích các địa danh được đánh số ở trên như sau :

hainama

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us