Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tìm hiểu dòng họ Nguyễn Đăng tại Quảng Bình

Tìm hiểu dòng họ Nguyễn Đăng tại Quảng Bình

- Hồ Bạch Thảo — published 13/08/2010 07:38, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Qua bài thơ khen tặng của vua Thiệu Trị, thử tìm hiểu thêm những nhân vật lịch sử thuộc dòng họ Nguyễn Ðăng tại Quảng Bình


Qua bài thơ khen tặng của vua Thiệu Trị,
thử tìm hiểu thêm những nhân vật lịch sử
thuộc dòng họ Nguyễn Ðăng tại Quảng Bình


HỒ BẠCH THẢO



Vào năm Thiệu Trị thứ 3 [1843], Nguyễn Ðăng Hành con trai của Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Ðăng Giai thi Hương đậu Á nguyên tại trường Thanh Hóa ; vua Thiệu Trị tặng Ðăng Giai bài thơ Ngự chế sau đây :


三 藩 召 宰 膺 隆 閫

Tam phiên triệu tể ưng long khổn,

二 甲 家 兒 又 顯 親

Nhị giáp gia nhi hựu hiển thân.

鶴 筭 先 生 閒 歲 月

Hạc toán tiên sinh nhàn tuế nguyệt,

雁 書 孫 子 旺 精 神

Nhạn thư tôn tử vượng tinh thần. (1)



Dịch nghĩa :


Ba lần được vời ra ngoài cửa khổn quan trọng làm phên dậu,
Trong nhà con đậu Á nguyên, lại càng thêm vinh hiển.
Tiên sinh năm tháng nhàn nhã vui với tuổi hạc,
Tin vui đưa đến khiến con cháu lên tinh thần.


Trong câu thứ ba nhà vua dùng chữ “ Tiên sinh ” tức thầy học là muốn nhắc đến Nguyễn Ðăng Tuân, thân phụ của Nguyễn Ðăng Giai, lúc này đang nghỉ hưu an hưởng tuổi già. Nguyễn Ðăng Tuân quê tại Phù Tông, tỉnh Quảng Bình ; là thầy học của các hoàng tử thời đầu triều Nguyễn, trong đó có các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị.


Làm thầy các vị vua tương lai, tuy được kính nể nhưng nhiệm vụ thực khó khăn. Tục ngữ có câu “ giáo đa thành oán ” ý nói bắt học trò học nhiều dễ sinh ra oán ; riêng để cho các vị vua tương lai oán thì rất khó sống, nên các thầy thường tỏ ra dễ dãi chiều theo ý học trò. Ðể tìm hiểu hoàn cảnh người thầy vua, hãy xem qua lời tâm sự của vua Tự Ðức trong Ngự Chế Thi Sơ Tập Tự Tự có đoạn như sau :


Kíp đến khi làm Hoàng tử, chỉ trong vòng 7 năm trời mới được thầy dạy có phần khá hơn. Các sách Thi, Thư, Tứ Tử cũng chưa học trọn ; còn kinh, sử, tử, tập thì hoàn toàn chưa được thiệp liệp, huống chi văn thơ của các nhà khác ! Cũng vì chức Học quan bạc bẽo lộc ít, các bậc đại khoa cự Nho chẳng ai muốn lãnh. Tuy chức này tiếng là do triều đình tuyển nhưng thực tế vẫn bị coi thường, nên không đề cử những người hữu dụng vào chức vô dụng đó !


Hơn nữa phàm con người tính tuổi trẻ, thường lấy sự phóng túng làm vui, bị câu thúc làm buồn, chỉ muốn chơi đùa cho hết năm tháng nào biết đâu tuổi già sồng sộc sắp đến và sự học có ích như thế nào ? Về phần thầy cũng mong cho trò được tiến thoái tự do, nóng lạnh không liên quan đến mình, thì còn rỗi công đâu mà chỉ trích ! Như vậy là thầy trò cùng dễ dãi cho nhau mà không biết đã làm hại nhau vậy ! ” (2)


Thầy học vua Tự Ðức lo an toàn cho bản thân, tỏ ra dễ dãi, nên cuối cùng khi học trò hiểu được, lại sinh oán trách ; riêng nhà giáo Nguyễn Ðăng Tuân vào thời trước đó thì ngược lại, ông đã đào tạo được những vị vua học rộng như Minh Mệnh, Thiệu Trị và ngay cả những ông hoàng nỗi tiếng hay chữ Tùng thiện vương Miên Thẩm, Tuy lý vương Miên Trinh :


Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Ðường.


Lúc vua lên ngôi, với địa vị Quốc sư, hàm Thiếu bảo, ông nghiêm khắc can gián nhà vua ; không ngại dùng những lời trực ngôn có thể nguy hại đến bản thân. Trong gia đình với địa vị làm cha, ông thường xuyên răn dạy con trai, Nguyễn Ðăng Giai, làm quan phải thanh liêm :


Năm Nhâm Thìn Minh Mệnh thứ 13 [1832] Tả Tham tri bộ Lễ Nguyễn Ðăng Tuân trí sĩ. Tuân địa vị Quốc sư, nhưng trực ngôn làm vua giận, nhà vua quay lại không nhìn, quần thần đều sợ, Tuân không tạ mà rút lui. Có người trách, ông đáp rằng :


“ Can gián nhưng không nghe, ý vua giận ta. Ta có tội tình gì mà tạ ! ”


Năm đó 70 tuổi, vin vào lệ xin trí sĩ. Thường tự nói rằng :


“ Ta là kẻ ngu trực tính, tất không được làm Thượng thư. ”


Mỗi lần tiến cử thì tùy tài cao thấp, không nhận gửi gấm; làm thơ có câu :


Khán lai thế lộ nan vi dị,
Thuyết đáo nhân tâm độc tự do.


(Xem đường đời khó có thể dễ dàng cẩu thả.
Riêng con người có sự tự do trong lòng.)


Con là Ðăng Giai, do Cử nhân tuyển vào Lang trung, bạn với vua ; Tuân thường răn phải thanh liêm, trấn tĩnh, Giai hàng năm đưa đồ đến biếu, Tuân cho trả lại ngay, hoặc có khi Tuân cho tiền, ý muốn Giai đừng ăn của đút. (3)


Noi gương cha, Nguyễn Ðăng Giai không chọn con đường dễ dãi mà đi ; với chức vị Lang trung, lại là bạn học với vua Minh Mệnh ; sẵn có cuộc sống vinh hiển tại triều đình, nhưng ông tình nguyện ra trấn nhậm cõi ngoài, nơi lắm giặc giã :


Năm Quí Tỵ Minh Mệnh thứ 14 [1833] ; dùng Lang trung Nguyễn Ðăng Giai làm Án sát Thanh Hóa. Giai người Quảng Bình, con của Hữu Tham tri bộ Lễ Nguyễn Ðăng Tuân, bạn giao hảo bút nghiên với vua, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, vua yêu mến. Từ Lang trung được giao chức Án sát ; Tuân cho là tuổi nhỏ, không muốn Giai làm việc với dân chúng sớm, nhưng nhà vua không bằng lòng. Tuân nói : “ Bệ hạ vội dùng Giai, nếu Giai có sự sai lầm, xin đừng để Tuân liên quan ”, nhà vua chấp thuận. (4)


Bước đầu làm quan ngoài tỉnh có phạm một vài sai lầm, nhưng ông đã chứng tỏ tài đảm lược, bắt được đầu đảng phe nổi dậy là Lê Duy Lương tại vùng lân cận Thanh Hóa :


Khi Giai đến tỉnh, riêng nghe lời những viên thư lại giảo hoạt làm những điều trái pháp luật, vua sai Tuân đến dụ. Lúc bấy giờ Nghệ An có báo động, Giai bị Thủy sư đàn hặc việc vận chuyển ; Giai nói Thủy sư thấy giặc, cưỡi trên lưng voi để bảo vệ thân, Thủy sư bị cách chức.


Lê Duy Lương chạy trốn đến Ninh Bình, Giai đánh bắt được.(4)


Bản tính Nguyễn Ðăng Giai liều lĩnh dám làm, nên cũng có trường hợp bị thất bạị. Như vụ xây bến cảng tại tỉnh Bắc Ninh không thành, ông chịu trách nhiệm phải bồi thường ; may nhờ các hoàng tử học trò của cha biết được, tâu xin lên vua Minh Mệnh nên được cấp tiền xây dựng lại :


Tháng 3, năm Minh Mệnh thứ 17 [1836] lại sai Bố chánh Bắc Ninh Nguyễn Ðăng Giai giám sát việc sửa cảng Thị Trì. Mùa hè năm Quí Tỵ [1833], Giai phụng mệnh mở cảng không thành, bị tố cáo về việc để hoang, phải bồi thường ngân khố 6000 quan. Giai viết thư trình bày với cha là [Nguyễn Ðăng] Tuân, xin cấp của cải. [Nhận được tin] Tuân ngạc nhiên kêu hô lớn, gặp lúc các hoàng tử đến nghe giảng bài hỏi duyên cớ, Tuân trình bày lý do. Các hoàng tử xin tư cấp tiền, hoàng tử thứ 5 cố chấp, cho rằng không thể cấp riêng, rồi vào cung dâng phiến tâu. Nhà vua lại hứa cho, phát tiền thuê nhân công, hạn trong 3 tháng phải hoàn thành, không kể phí tổn. (5)


Nguyễn Ðăng Giai có tài cai trị và dẹp loạn, nên từ chức vụ án sát Thanh Hóa được thăng làm bố chánh Bắc Ninh, rồi lần lượt giữ chức tổng đốc các tỉnh Bắc Thái, Sơn Hưng Tuyên, Hà Ninh ; tại Bắc Kỳ lúc bấy giờ, chỗ nào có giặc giã thường điều Nguyễn Ðăng Giai đến trấn nhậm. Như việc dẹp tên Bột tại Sơn Tây, Nguyễn Ðăng Giai được thuyên chuyển từ tỉnh Bắc Thái [Bắc Ninh, Thái Nguyên] sang làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên :


Ngày 26 tháng 2, năm Thiệu Trị thứ 3 [1843] theo lời tâu của các quan tại bộ, viện, nội các ; sau đó thuyên chuyển Nguyễn Ðăng Giai làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên để đánh bắt ngụy Bột. Bột trốn tránh tại vùng Phù Ninh, Sơn Tây, thường chuyên chở gấm hoa bán trên bến sông, lại chiêu dụ thương gia giàu, giám sát bắt bớ kiếm tiền ; Án sát Vĩnh phát binh vây bắt không được ; nên chiếu chỉ sai Giai đến Sơn Tây, lệnh chặt cây tại nơi đường núi hiểm yếu. Ðồng đảng của Bột, tên Thạch, tên Sùng ra đầu thú ; Bột trốn vào Bắc Ninh, Nhàn cũng ngầm trốn trong dân gian, dân tróc nã Nhàn đem nộp, bị tru lục. Ðăng Giai dọa khai quật mả tổ của Bột, lại mật dụ người thầy của Bột tại Hà Nội cùng con đến ; Giai đãi như tân khách, rồi để người con làm con tin, sai dụ Bột hàng. Bột bèn ra đầu thú ; Giai tâu Bột tuy tụ tập ăn cướp, nhưng ít kháng cự quân triều đình, xin khỏi tội chết. Chiếu chỉ cho Bột làm cai đội, coi hàng binh, theo Giai đi đánh bắt. (6)


Làm công việc bình định giặc giã, Tổng đốc Giai thi hành chính sách “ dùng giặc dụ giặc ”; chính sách này tuy hữu hiệu nhưng cũng có khi thất bại. Như trường hợp tại Tuyên Quang vào tháng giêng năm 1844, Giai thả tên cướp Ma Doãn Dưỡng để sai đi chiêu dụ đồng đảng, tên này không trở về nên bị bộ Hình đàn hạch, khiến Giai phải trần tình lên vua Thiệu Trị như sau :


Giặc sót trong tỉnh Tuyên Quang nhiều đứa còn sợ tội trốn tránh; nếu không đem giặc tìm giặc, như chèo thuyền tìm thuyền, cửi ngựa tìm ngựa, thì khác gì tìm thú vật nơi rừng sâu, chưa dễ bắt được. Ma Doãn Dưỡng là người Thổ trước, tôi tha nó để khiến bắt giặc, cũng như thả chim trong lồng để dụ chim ngoài lưới mà thôi. Tội thiện tiện tôi chẳng dám kêu oan, nhưng gấp vì dẹp giặc yên dân,nên dẫu biết tội cũng không tránh được.


Ngài [vua] nghĩ Giai có công, nên cũng khoan dung cho. (7)


Về nghiệp văn, Nguyễn Ðăng Giai có tài viết và vẽ ; chữ của Nguyễn Ðăng Giai cứng, đẹp, lối viết của ông đã trở thành một trường phái viết chữ lúc bấy giờ :


Chiếu chỉ cầu người có hoa tay kỳ diệu về viết chữ và vẽ. Những người theo phép viết của Giai cứng và đẹp, cùng những người viết khéo tay, đến kinh đô đợi tuyển. Ðăng Giai được đề cử là người viết đẹp hàng đầu.


Nguyễn Ðăng Giai rất sùng đạo Phật, giữ chức Tổng đốc tại tỉnh nào cho xây chùa tại tỉnh đó, nên bị người đương thời chỉ trích rằng đã gây sự tốn kém ; như tại tỉnh Bắc Ninh ông cho xây chùa Ðại Giác, tại Sơn Tây xây chùa Phú Nhi tại tỉnh thành, tại Hà Nội xây chùa Bát Giác tại khu Tràng Tiền. Sau đây là những sử liệu về việc xây chùa :


- Tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21  [1840] , Nguyễn Ðăng Giai xây chùa Ðại Giác. Con Giai là Bình, mới 6 tuổi, thông minh hơn người, Giai rất yêu thương. Nhân bị đậu mùa chết, Giai nghe lời nhà sư, xây chùa tại Bồ Sơn có đến 100 gian, xây tượng Kim Tương, xung quanh chùa rào bằng tường gạch. Vào ngày 22 tháng này đúc chuông, 2 khánh ; lại lập am đằng sau chùa, chôn di hài con, đúc tượng hai vợ chồng hiệu Pháp Phương, Pháp Thanh, khắc vào đá ; vào ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Dần [1842], thụ giới từ vị sư tại chùa, mặc áo cà sa, đeo tràng hạt, làm Phật sự.


- Năm Quí Mão Thiệu Trị thứ 3 [1843], Nguyễn Ðăng Giai cho xây chùa Phú Nhi, tại tỉnh thành Sơn Tây.


- Năm Bính Ngọ Thiệu Trị thứ 6 [1846], bắt đầu phục chức Nguyễn Ðăng Giai làm Tổng đốc Hà Ninh. Cho xây chùa Bát Giác tại khu Tràng Tiền, Hà Nội ; 120 gian, cực kỳ tráng lệ. (7)


Tuân theo lệnh cấm đạo của vua Minh Mệnh, Nguyễn Ðăng Giai đã thi hành một cách triệt để ; Quốc Sử Di Biên ghi nhận số Giáo sĩ ngoại quốc mười mấy người bị bị giam tại Huế đều do Nguyễn Ðăng Giai bắt. Ðiển hình là trường hợp Giáo sĩ ngoại quốc bị bắt tại xứ An Trang, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh :


Năm Mậu Tuất Minh Mệnh thứ 19 (Thanh Ðạo Quang thứ 18 [1838])


Bố chánh Bắc Ninh Nguyễn Ðăng Giai vây bổ tại Lang Tài bắt được đạo nhân Gia Tô đem về. Trước đó vào tháng 3, có đến hàng trăm chiếc thuyền đi biển ghé tại Quảng Yên, gần tỉnh thành ; nói là đánh cá nhưng khí giới kiếm, kích sáng ngời. Quan tỉnh cho người đến hỏi, đòi đánh thuế cá ; thì trên thuyền nổ súng ngay, rồi mang quân cướp phá ; Lãnh binh và Chánh vệ thua bỏ chạy. Sự việc tâu lên, chiếu chỉ cho Quảng Yên và các tỉnh phụ cận tìm đánh trong 3 tháng. Có kẻ báo rằng đạo nhân Gia Tô sống trà trộn tại các tỉnh, liên lạc thư từ với thuyền biển, chiếu chỉ cho ruồng bố, bắt được thưởng 3 thoi vàng. Ðến nay Ðăng Giai cho vây An Trang, huyện Lang Tài, bắt được đạo nhân mang về. Người này mặt vuông, mũi to, râu có nhiều tua ; cười nói vui vẻ, cùng quan tỉnh đối đáp tiếng sang sảng. Lại có người nói rằng : “Bắt được đạo này có thể trị mối loạn.” (8)


Vào năm Thiệu Trị thứ 3 [1843], Sứ giả đạo Thiên Chúa đến Ðà Nẵng đưa thư nội dung đòi hỏi đối xử bình đẳng và tự do tôn giáo. Riêng số Giáo sĩ bị Nguyễn Ðăng Giai bắt giải về kinh giam giữ hơn 10 người nay còn sống 3 người, triều đình bàn luận xin đem trả lại số đó :


Năm Quý Mão Thiệu Trị thứ 3 (Thanh Ðạo Quang thứ 21) [1843]


Tháng 4 Gia Tô sai sứ đến thăm hỏi. Trước đó vào năm Mậu Tuất [1838], Ðăng Giai bắt được cố Ðạo Gia Tô, giải về kinh kiên giam hơn 10 người, bị chết chỉ còn lại 3 người. Ðến nay Gia Tô gửi Sứ giả đến thăm hỏi, dùng 2 chiếc thuyền đến cửa Ðà Nẵng, đưa thư đại lược như sau : “  Gia Tô đối với thượng quốc là lân bang chứ không phải là bề tôi, từ trước đến nay sai Giáo sĩ phụng Thiên chúa thuyết giáo, vui theo cũng bằng lòng, không vui theo cũng bằng lòng. Nay những người không muốn theo thì thôi, lại chôn vùi Ðạo sĩ là cớ làm sao ? ”


Bức thư đưa đến triều đình bàn, đều xin thả những người này ; 3 người lên thuyền, Sứ giả hăng hái hoan hô bái tạ và xin truy vấn những người còn lại. Chiếu chỉ sai Nguyễn Cẩm, Nguyễn Mậu Thực điều đình. Gia Tô thấy đời Lê Chân Tông [1643-1648], từ thời vua Thánh Tổ [Minh Mệnh] đến nay nghiêm cấm đạo ; những kẻ hối cải xin bỏ Thập tự giá, được cho sửa đổi mới. (9)


Hồ Bạch Thảo




Chú thích


1. Quốc Sử Di Biên, Thám hoa Phan Thúc Trực, Chinese University of Hong Kong : Hong Kong, 1965, trang 368.

2. Việt Sử Tư Liệu và Lời Bàn, Hồ Bạch Thảo, New Jersey : Thư Ấn Quán, 2009 trang 643.

3. Quốc Sử Di Biên, Sđd., trang 219-220.

4. Quốc Sử Di Biên, Sđd., trang 233.

5. Quốc Sử Di Biên, Sđd., trang 263.

6. Quốc Sử Di Biên, Sđd., trang 364.

7. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, trang 136. (http://viethoc.org)

8. Quốc Sử Di Biên, Sđd., trang 280.

9. Quốc Sử Di Biên, Sđd., trang 365.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us