Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tinh thần tiểu thuyết

Tinh thần tiểu thuyết

- Nguyễn Thị Từ Huy — published 15/01/2013 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


TINH THẦN TIỂU THUYẾT
(Đọc Tiểu luận của Kundera)


Nguyễn Thị Từ Huy




Kundera thuộc về số các nhà văn tìm hiểu rất kỹ công việc của mình, nắm rất vững lịch sử phát triển của thể loại, và sáng tác với ý thức đầy đủ của một người biết rõ quá khứ, biết mình đang ở đâu và cần sáng tạo trên cơ sở nào. Cuốn Tiểu luận 1 cho ta thấy một cách khá toàn diện các quan niệm của nhà văn về nghề nghiệp, về lao động sáng tạo và về thể loại tiểu thuyết. Trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu một vài khía cạnh của tinh thần tiểu thuyết châu Âu theo nhận thức của Kundera 2.


1. Tinh thần hiểu biết và khám phá


Milan Kundera đặt công việc của tiểu thuyết song song với công việc của triết học. Cũng như triết học, « tiểu thuyết đã khám phá, theo kiểu của nó, bằng logic riêng của nó, những mặt khác nhau của tồn tại » (11). Tiểu thuyết khám phá, trình bày sự hiểu biết của con người về đời sống và về chính nó. Có khi tiểu thuyết còn đi trước triết học. Kundera nói rằng : “ Tiểu thuyết biết đến cõi vô thức trước Freud, biết đến đấu tranh giai cấp trước Marx, nó thực hành hiện tượng học (cuộc tìm kiếm bản chất các tình huống của con người) trước các nhà hiện tượng luận ” (40). Tiểu thuyết đích thực mang lại cho con người sự hiểu biết về một hiện tượng trước đó chưa từng được biết tới. Thế nên « khám phá » trở thành một phẩm chất của tiểu thuyết. Kundera tâm đắc với quan niệm của Herman Broch cho rằng có những điều chỉ có tiểu thuyết mới khám phá ra được, mới giúp con người hiểu được, cho rằng : “ hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết ” (12). Và vì thế ông có định nghĩa này về lịch sử tiểu thuyết châu Âu : « Sự tiếp nối các khám phá […] làm nên lịch sử tiểu thuyết châu Âu » (12).


Kundera, cũng như những người khác, thừa nhận vai trò đặc biệt của Don Quijote trong lịch sử tiểu thuyết : cuốn tiểu thuyết mở đầu cho thời kỳ hiện đại, cuốn tiểu thuyết về cuộc phiêu lưu của con người vào trong thế giới vô tận, cuộc phiêu lưu của con người tìm kiếm bản thân mình. Ông cũng nhận thấy quá trình phát triển của tiểu thuyết từ Cervantes tới Kafka là quá trình thu hẹp chân trời phiêu lưu của con người : Don Quijote có thể dấn mình vào thế giới bao la với những cuộc viễn du bất định. Đời sống của chàng chính là những cuộc viễn du đó. Qua Balzac, Flaubert, chân trời viễn du bị thu hẹp lại, lúc này chỉ còn cõi vô tận của tâm hồn, không còn cõi vô tận của thế giới. Rồi đến K. của Kafka, cả cái cõi tâm hồn ấy cũng biến mất, hoặc nó trở thành “ một thứ ruột thừa gần như vô dụng của con người ” (16). Con người chỉ còn đối diện với bản án của mình. Vậy thì, lịch sử tiểu thuyết sẽ đi tới đâu cùng với Kundera ? Chính ông đã đặt câu hỏi rằng phải chăng tiểu thuyết « đã khai thác hết khả năng, các tri thức và các hình thức của nó ? » (22) Khi tìm cách trả lời câu hỏi này, ông nhận ra là vẫn còn những tiếng gọi chưa được nghe thấy, đúng hơn là chưa được khai thác hết. Trong đó có bốn tiếng gọi mà ông đặc biệt nhạy cảm : tiếng gọi của trò chơi, tiếng gọi của giấc mơ, tiếng gọi của tư duy và tiếng gọi của thời gian. Đó là những tiếng gọi, theo Kundera, còn có khả năng mời các nhà tiểu thuyết tiếp tục khám phá. Đương nhiên các tiểu thuyết gia có quyền đồng tình ít hay nhiều, hay không đồng tình với ông về điểm này, họ có thể tìm thấy những tiếng gọi dành riêng cho họ, mà như thế mới đúng với cái tinh thần của tiểu thuyết mà chính Kundera đã nêu lên : khám phá, mang lại những nhận thức mới mẻ.


Chính là với tinh thần này nên đối tượng khám phá, đối tượng khảo sát của tiểu thuyết không phải là hiện thực mà là cuộc sống. Mệnh đề này thoạt nghe có vẻ như vô lý, ai đó có thể lập luận rằng hiện thực đâu có tách rời cuộc sống. Tuy nhiên Kundera (và nhiều nhà văn khác) thấy rằng hiện thực không đồng nhất với cuộc sống. « Cuộc sống không phải là những gì đang diễn ra, cuộc sống là vùng các khả năng của con người, tất cả những gì con người có thể trở nên, tất cả những gì nó có thể » (49). Viết tiểu thuyết là để khám phá ra các khả năng của con người. Với quan niệm này viết tiểu thuyết không có gì chung với những gì mà lý luận phản ánh thô thiển trình bày. Độc giả « cần hiểu cả nhân vật lẫn thế giới của nó như là những khả năng » (49), và cần hiểu rằng nhà tiểu thuyết là « người thám hiểm cuộc sống » (51). Suy cho cùng thì quan niệm này không hoàn toàn mới mẻ, các nhà văn và các nhà phê bình văn học phương Tây đã nói như thế gần suốt thế kỷ XX. Tuy nhiên, cũng chính trong cái thế kỷ XX đó, mà thậm chí sang cả thế kỷ XXI, trên thế giới vẫn còn có những khu vực, những cá nhân, những tập thể vẫn khăng khăng lấy hiện thực làm tiêu chí để đánh giá tác phẩm văn học, thậm chí lấy hiện thực để lên án, kết tội các sáng tạo nghệ thuật. Có thể đấy là lý do (thêm vào những lý do khác) để Kundera rất tâm đắc với Kafka, một nhà văn sinh ra ở Séc, sống ở nước ngoài và viết bằng tiếng nước ngoài. Kundera nói về các tiểu thuyết của Kafka, về đạo đức hiểu biết của tiểu thuyết Kafka như sau : « chúng nắm bắt một khả năng của cuộc sống (khả năng của con người và của thế giới của y) và như vậy khiến chúng ta thấy chúng ta là ai, chúng ta có thể trở nên như thế nào » (49). Tiểu thuyết giúp con người thấy được chính mình và tương lai của mình, đấy là cơ sở để người ta nói tới tính tiên tri của tác phẩm Kafka. Kafka đã khám phá ra những khả năng của con người trong một thế giới chỉ hiển lộ sau khi ông mất : thế giới toàn trị trong đó đời sống riêng tư của con người bị xâm phạm, con người bị kết án mà không rõ mình bị tội gì, đến mức phải tuyệt vọng đi tìm tội lỗi của mình. Đôi mắt của hai kẻ giúp việc trong Lâu đài không ngừng theo dõi K. bất kể lúc nào, kể cả khi anh làm tình, những đôi mắt đó có phải đã dự báo cho cái máy nghe trộm đặt trong phòng ngủ của các nhân vật trong bộ phim Cuộc sống của những người khác 3 ? Kafka đã nhìn thấy trước cái xã hội của toà án và vụ án nơi « người ta lập ra một vụ án không phải để đem lại sự công bằng mà là để tiêu diệt kẻ bị buộc tội » (407). Ông đã khám phá ra, trong các tiểu thuyết của mình, cái xã hội trong đó « nếu một tòa án áp đặt một chế độ vụ án thì toàn dân bị trưng tập vào những vận hành lớn của vụ án và nhân lên gấp trăm lần tính hiệu quả của nó, mỗi người dân đều biết mình có thể bị buộc tội bất cứ lúc nào và nhẩm tính sẵn trước một sự tự phê bình, tự phê bình : sự lệ thuộc của người bị buộc tội đối với kẻ buộc tội ; khước từ cái tôi của mình ; tự xóa bỏ tư cách cá thể của mình » (406). Một nhân vật như Lưu Hiểu Ba, gần một thế kỷ sau khi cuốn Vụ án được viết ra, bị đặt vào một trạng huống hai mặt : một mặt ông bị những kẻ này kết án, tống vào tù và mặt khác ông lại được những người kia tặng thưởng. Những trạng huống nhân sinh hoàn toàn thực ấy có phần khôi hài, cũng không kém phần bi đát, hay nói theo cách của Kundera, có tính chất tiểu thuyết, có tính chất Kafka. Và Kundera kết luận rằng « Franz Kafka đã nói về thân phận con người của chúng ta (như nó biểu hiện ra trong thế kỷ này) điều mà không một suy tưởng xã hội học hay chính trị học nào có thể nói được với chúng ta. » (120) Điều mà chỉ duy nhất tiểu thuyết mới làm được.


Một trong những nhận thức về đời sống mà bản thân Kundera tặng cho độc giả của tiểu thuyết, đó là việc ông ý thức rất rõ rằng ông viết trong thời kỳ của những nghịch lý mà ông gọi là “ những nghịch lý cuối kết ”, và thời kỳ này còn lâu mới kết thúc. Những nghịch lý cuối kết ấy, Kundera nói rõ, cũng không phải là thực tại, mà là một khả năng. « Một hình ảnh khả dĩ của châu Âu. Một tình thế khả dĩ của con người » (50) Và tham vọng hiểu biết của các tiểu thuyết Kundera là ở chỗ chúng muốn vẽ nên « tấm bản đồ hiện sinh » của thời đại, của thời Hiện đại. Mong muốn của Kundera là dùng tiểu thuyết để hiểu lịch sử châu Âu. Để làm được điều đó Kundera thường quay về với cội nguồn, tức là những thời đại trước. Vì thế mà nhân vật của ông thường có quá khứ hay cội rễ ở một thế kỷ khác hay ở một nhân vật lịch sử của thời kỳ trước. Kundera giải thích về nhân vật Esch : « Cội rễ của Esch (mà ta không biết gì về tuổi thơ) nằm ở một thế kỷ khác. Quá khứ của Esch, đó là Luther » (60). Lịch sử của châu Âu được thám hiểm và được thấu hiểu qua các cá nhân, qua các trạng huống mà các cá nhân lâm vào, qua các cuộc phiêu lưu của họ. Đó là cách làm của tiểu thuyết, hẳn nhiên rồi, một cung cách hoàn toàn khác với lịch sử hay triết học. Vậy nên Kundera cho rằng để phán xét tinh thần của một thế kỷ, cần căn cứ không chỉ vào các tư tưởng, quan niệm lý thuyết của thời kỳ đó, mà còn phải tính đến cả nghệ thuật và đặc biệt là tiểu thuyết. Ta hiểu tại sao những cuốn tiểu thuyết, những tác phẩm bị loại bỏ một cách cố tình ra khỏi sinh hoạt văn học chính thống đương thời lại có khả năng có một chỗ trong tương lai, trong đánh giá của các thế hệ tương lai, khi họ nhìn lại toàn bộ tinh thần của một thời kỳ trong quá khứ.



2. Tinh thần hoài nghi và tra vấn



Điều này không có gì mới, tinh thần hoài nghi và tra vấn của tiểu thuyết không phải là một phát kiến của Kundera. Bản thân các nhà tiểu thuyết như Nathalie Sarraute, Alain Robbe-Grillet đã nói tới đặc trưng này từ lâu trong các tiểu luận và thể nghiệm nó trong sáng tác của họ 4. Và giới nghiên cứu cũng đã phân tích rất kỹ. Vì vậy không cần phải dừng lại lâu ở luận điểm này. Nếu Kundera nhấn mạnh lại tinh thần hoài nghi và tra vấn, thì có lẽ là vì không phải tất cả đều ý thức được điều đó, vì người ta vẫn tiếp tục viết những cuốn tiểu thuyết để khẳng định các xác tín, để minh họa những chân lý bên ngoài tiểu thuyết, hay thậm chí để trở thành nô dịch cho một ý hệ.


Kundera nhắc lại rằng những người sáng lập ra Thời Hiện Đại là Descartes trong lĩnh vực triết học và Cervantes trong lĩnh vực văn chương. Thời hiện đại bắt đầu cùng với việc thế giới đánh mất Thượng Đế, đánh mất đấng Phán Xét tối cao, đánh mất tính rõ ràng, chắc chắn để rơi vào tình trạng nhập nhằng đáng sợ, tình trạng bấp bênh và đáng ngờ. Một thế giới như vậy bắt đầu cùng với Don Quijote. Kundera cũng nhận thấy sự kết thúc của di sản của Cervantes cùng với chế độ toàn trị. Ông nói rõ “ tiểu thuyết không thể tương hợp với thế giới toàn trị ” (21). Tiểu thuyết sẽ chết dưới những cấm đoán, những kiểm duyệt, dưới áp lực của ý hệ. Tinh thần tiểu thuyết (được đặc trưng bởi sự hoài nghi, sự tra vấn) xung khắc tuyệt đối với chân lý toàn trị, hai thứ đó mãi mãi không thể dung hòa được với nhau. Phải chăng đấy là lý do để Kundera lựa chọn thân phận lưu vong ? Phải chăng thân phận lưu vong là một lựa chọn tất yếu nếu ông muốn trở thành một nhà tiểu thuyết, nếu ông không muốn viết những cuốn tiểu thuyết chết ? Theo Kundera, tính toàn trị chỉ sản sinh ra được những cuốn tiểu thuyết “ bị rơi ra ngoài lịch sử ” của tiểu thuyết, những cuốn tiểu thuyết đánh dấu cái chết của tiểu thuyết. Đó mới là cái chết thực sự của tiểu thuyết. Bởi vì chỉ có những cuốn tiểu thuyết thể hiện tinh thần hoài nghi, tra vấn, tinh thần khai phá những vấn đề mới của sinh tồn, tinh thần đặt lại vấn đề, tra vấn về những giá trị đã được khẳng định, mới có thể đi vào lịch sử tiểu thuyết mà thôi.



3. Tinh thần hài hước



Tiểu thuyết có khả năng biến tất cả những gì nghiêm túc thành hài hước. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn Tiểu luận này Kundera thường xuyên nhắc tới Cervantes, Rabelais và Kafka. Đó là những bậc thầy của nghệ thuật cười. “ Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lý thuyết mà từ tinh thần hài hước. […] Nghệ thuật bắt nguồn cảm hứng từ cái cười của Thượng Đế ” (167) Kundera phát hiện ra rằng Rabelais sợ nhất là những kẻ agélaste, những kẻ không biết cười. Kundera phân biệt cái hài hước như là một phát kiến của tiểu thuyết với cái cười chế giễu, châm biếm. Ông nhắc lại phát biểu của Octavio Paz : cái hài hước chỉ hình thành cùng với Cervantes, chỉ hình thành cùng sự ra đời của tiểu thuyết. Cái hài hước khác với sự châm biếm đả kích ở chỗ : nó khiến cho tất cả trở thành nhập nhằng nước đôi. Cái hài có thể tạo ra tiếng cười sảng khoái nhưng cũng có thể gắn với nỗi buồn mênh mông. Kundera đã đọc Kafka để thấy rõ “ cái hài của nỗi buồn ” như một sản phẩm đặc biệt của chất Kafka. Ông thấy những cảnh tình dục ở Kafka đều hài hước và đều rất buồn.


Kundera cũng nhắc lại giả thiết của những người cho rằng tai họa của chủ nghĩa toàn trị Nga có thể có nguồn gốc từ chủ nghĩa duy lý vô thần của châu Âu thế kỷ XVIII, từ sự tuyệt đối hóa sức mạnh lý trí. Về điểm này người ta có thể không đồng ý với ông vì trong thực tế chủ nghĩa toàn trị có thể xuất hiện cả ở những nơi mà sức mạnh trí tuệ hầu như rất ít được ý thức. Vì sao có sự liên hệ với thế giới toàn trị ? Vì thế giới toàn trị không biết đến sự hài hước, không chấp nhận sự nhập nhằng nước đôi, hay không biết đến sự đa âm. Thế giới toàn trị ưa sử dụng quyền lực của sự phán xét, quy kết, đó là những gì rất xa lạ với tinh thần tiểu thuyết. Bởi vì chính trong môi trường của cái hài hước mà các phán xét đạo đức bị treo lại. Kundera nói : “ Treo phán xét đạo đức lại không phải là sự vô đạo đức của tiểu thuyết, đấy chính là đạo đức của tiểu thuyết ” (180). Đạo đức đó của tiểu thuyết nhằm « chống lại thói quen bất trị của con người cứ muốn phán xét tức thì, lúc nào cũng phán xét, phán xét mọi người, phán xét trước và chẳng cần hiểu » (180), phán xét theo các định kiến có sẵn và lấy sự hiểu biết hạn hẹp của mình làm chuẩn. Dựa trên việc tiểu thuyết, với cách thức của nó, góp phần xóa bỏ cái thói quen phán xét (một thói quen « ngu xuẩn », « đáng ghét », « độc hại »), mà Kundera có thể nhận định rằng sở dĩ xã hội phương Tây trở thành đại diện cho các quyền con người là nhờ một thói quen khác được hình thành lâu dài cùng với nghệ thuật châu Âu, nhất là thể loại tiểu thuyết. Nền nghệ thuật đó “ dạy cho người đọc biết tò mò về kẻ khác và cố gắng tìm hiểu những chân lý khác với chân lý của mình ” (181). Đó là thói quen tìm hiểu và chấp nhận những gì khác biệt với mình. Vậy là các quyền con người của phương Tây, xét từ phương diện này, có thể được coi như là thành quả của tiểu thuyết và nghệ thuật. Đến đây ta thấy Kundera đã đẩy sức mạnh và hiệu quả của tiểu thuyết tới đâu. Tới tận khả năng bảo vệ quyền con người. Nhờ vào tinh thần hài hước của nó, nhờ vào “ cơn say của tính tương đối nhân thế, niềm vui thú kỳ lạ nảy sinh từ niềm tin chắc rằng chẳng có sự tin chắc nào cả ” (210).



4. Tinh thần tự do


Mặc dù trong tập Tiểu luận Kundera không một lần nào dùng cụm từ « tinh thần tự do » nhưng rất nhiều lần ông phân tích đặc điểm tự do này của thể loại tiểu thuyết. Ông không ngần ngại khẳng định rằng « lịch sử tiểu thuyết (hội họa, âm nhạc) lại được sinh ra từ niềm tự do của con người » (191). Chính vì thế mà tiểu thuyết là một thể loại xung khắc với chế độ toàn trị, cái chế độ chỉ cho phép công bố và lưu hành những cuốn tiểu thuyết « chết », như đã nói ở trên. Và cũng vì thế mà « một nhà tiểu thuyết phải phi hệ thống hóa một cách có hệ thống tư tưởng của mình, đạp tung cái rào chắn tự anh đã dựng lên quanh các tư tưởng của mình » (353). Điều này giải thích tại sao những cuốn sách được viết ra trong tinh thần nô lệ, được viết ra bởi những kẻ nô lệ (đôi khi là những kẻ nô lệ tưởng rằng mình tự do), dù có được tung hô đến đâu thì rốt cuộc cũng không thể nào tìm thấy một chộ trong lịch sử tiểu thuyết.


Có thể thấy rằng các phương diện trên đây chưa phải là toàn bộ tinh thần của tiểu thuyết. Có nghĩa là vẫn cần phải trở lại với vấn đề này. Trong cuốn Tiểu luận, Kundera còn đề cập đến cả khía cạnh hình thức và kỹ thuật của tiểu thuyết, đương nhiên những khía cạnh đó không tách rời cái gọi là tinh thần tiểu thuyết, vì “ hình thức luôn là một cái gì đó hơn là hình thức ” (168). Chúng tôi dừng lại trên ý tưởng này của Kundera : tiểu thuyết là cái không gian tưởng tượng hình thành cùng với châu Âu hiện đại, cái không gian nơi không còn tồn tại các chân lý tối thượng, nơi mỗi giọng nói đều có quyền được cất lên, và quan trọng hơn, có quyền được nghe và có quyền được hiểu.


Tháng 3/2011

Nguyễn Thị Từ Huy




1 Tiểu luận, Milan Kundera, Nguyên Ngọc dịch, nxb Văn hóa Thông tin & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001. Các trích đoạn dẫn từ tác phẩm này sẽ có số trang đặt trong ngoặc đơn.

2 Độc giả có thể đồng ý hoặc không đồng ý với Kundera về nhận định sau đây : « tiểu thuyết là công trình của châu Âu ; những khám phá của nó, dầu được thực hiện trong những ngôn ngữ khác nhau, là thuộc về châu Âu toàn vẹn. » (12) Không phải là ông không biết đến những nền tiểu thuyết khác như tiểu thuyết Trung Hoa hay Nhật Bản, nhưng « các tiểu thuyết ấy chẳng hề nối liền bằng bất cứ sự liên tục tiến hóa nào với cái công cuộc lịch sử đã sinh ra cùng với Rabelais và Cervantes. » (205) Sự phát triển của tiểu thuyết, lịch sử của tiểu thuyết song hành với lịch sử châu Âu, cái châu Âu trong tính tổng thể của nó chứ tiểu thuyết không là của riêng của bất kỳ nước châu Âu riêng lẻ nào. Mỗi một thời kỳ tiểu thuyết lại trỗi dậy ở một khu vực nào đó của châu Âu. « Cứ như lịch sử tiểu thuyết trong hành trình của nó lần lượt đánh thức dậy các bộ phận khác nhau của châu Âu, xác nhận chúng trong tính đặc thù của chúng, cùng lúc lại sáp nhập chúng vào một ý thức châu Âu chung » (206). Dù sao, khi chỉ ra lý do khiến tiểu thuyết thuộc về châu Âu, Kundera cũng không quên cái giai đoạn lúc tiểu thuyết phát triển rầm rộ ngoài châu Âu với các tên tuổi của Rushdie, Marquez, Chamoiseau…

3 Cuộc sống của những người khác (Das Leben der Anderen) là một phim của Florian Henckel von Donnersmarck (Đức) lấy đề tài về đời sống và các hoạt động của trí thức Đông Đức thời kỳ trước khi bức tường Berlin sụp đổ.

4  Xem cuốn L’ère du soupçon [Thời đại nghi ngờ] của Nathalie Sarraute và cuốn Pour un nouveau roman [Vì một nền tiểu thuyết mới] của Alain Robbe-Grillet.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us