Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Trung Quốc : Tình thế trong và ngoài nước trước khi nhà Thanh sụp đổ (1)

Trung Quốc : Tình thế trong và ngoài nước trước khi nhà Thanh sụp đổ (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 09/08/2014 00:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương một : Liệt cường gia tăng tranh đoạt [1901-1911]




Tình thế trong và ngoài nước
trước khi nhà Thanh sụp đổ


Hồ Bạch Thảo


Chương một

Liệt cường gia tăng tranh đoạt
[1901-1911]


anh

Chiến tranh Nhật Nga kết thúc, ký điều ước ngày 5/9/1905
tại Portsmouth [New Hampshire, USA]

Nguồn : http://zh.wikipedia.org/zh/日俄


1. Nhật Nga chiến tranh cùng quân Nhật xâm lược phía bắc Trung Quốc


Nước Nga xâm nhập đông bắc Trung Quốc do loạn Nghĩa Hoà đoàn ; đây là một phần hành động của liên quân 8 nước, đáng do liên quân xử lý sau đó ; nhưng nước Nga vốn có chủ đích, nên đơn độc tự giải quyết. Ngày 9/11/1900 Đề đốc hải quân Nga tại Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh] Alexieff [A Lai Khắc Tức Phu] bắt ép viên Thịnh kinh tướng quân Tăng Kì ký tạm thời hiệp định, trong điều kiện viên này bị khống chế gần như bị bắt, để đặt Phụng Thiên [tỉnh Liêu Ninh hiện nay] dưới quyền kiểm soát của Nga. Triều đình nhà Thanh mệnh Sứ thần Dương Nho tại Nga giao thiệp để thủ tiêu hiệp định này và xin lập điều ước chính thức. Đại biểu nước Nga, viên Đại thần Uy Đặc đề ra những điều kiện rất khó khăn không những đòi tước đoạt quyền lợi Trung Quốc tại Đông Tam tỉnh 1, mà lại còn can thiệp đến miền Hoa bắc, Mông Cổ, Tân Cương. Tin tức truyền đi, các nước Anh, Nhật rất chấn động, cảnh cáo Lý Hồng Chương, Dịch Khuông, cùng thuyết phục Lưu Nhất Khôn, Trương Chi Đổng không thể thừa nhận ; mọi việc phải để các nước trong liên quân cùng bàn. Nga cho Lý biết rằng, nếu như không lập điều ước thì không thể tương trợ và sẽ vĩnh viễn đóng tại vùng đông bắc. Lý Hồng Chương muốn Nga trợ giúp đàm phán công ước Bắc Kinh, nên chủ trương ký điều ước với Nga trước ; nhưng Lưu, Trương cực lực phản đối. Từ Hy vốn sợ nước Nga, mà cũng không muốn chịu tội với các nước khác ; nên một mặt khẩn khoản Nga hãy thư thả, một mặt hứa mở cửa đông bắc, để Anh, Nhật, Mỹ bàn bạc với Nga. Nga lại tiếp tục uy hiếp Lý và Dương Nho ; riêng Anh, Nhật khuyên Lý cự tuyệt, cổ vũ Lưu, Trương ngăn cản. Vào ngày 12/3/1901, Uy Đặc đem bản cảo điều ước sửa đổi, hẹn Dương Nho trong 15 ngày phải ký ; lúc này Lý và Lưu, Trương tranh luận, riêng tại nước ngoài thì Anh, Pháp, Nga khẩu chiến qua con đường ngoại giao. Công sứ Nga P. M. Lessar nói với Lý rằng “ Muốn giao hảo với Nga thì ký, nếu muốn quyết liệt thì tuỳ ý ”. Lãnh sự Anh, Nhật khuyên Lưu, Trương rằng “ Điều ước với Nga quyết không thể chấp thuận được, sẽ đem hết sức ra giúp ”. Lý xin ký để khỏi nguy hiểm ; Lưu, Trương cho rằng không ký, bất quá Nga hoãn giao Đông Tam Tỉnh, nhưng tránh khỏi việc chia cắt. Từ Hy lại tiếp tục yêu cầu nước Nga trì hoãn, vì bây giờ chưa có thể quyết định.


Uy Đặc tìm mọi cách dụ dỗ và uy hiếp Dương Nho không được, bèn trách cứ Lý Hồng Chương rằng “ Trung Quốc nghe lời sàm của Anh, Nhật, không nghe lời trung thực của Nga… đáng phải tuyệt giao, Nga sẽ tự hành động… sau này bàn đến công ước sẽ cứng rắn hơn ”. Lý rất sợ, điện cho triều đình tại Tây An rằng “ Hoạ hoạn tại trước mắt, hãy mau định đại kế ”. Lưu Khôn Nhất nói “ Anh, Nhật ra sức giúp, đừng coi nhẹ ”. Kỳ thực nước Nga bị Anh, Nhật, Mỹ kháng nghị ; tuy ngoài mặt cứng nhưng trong lòng đã nhũn ; đầu tháng 4/1901 tuyên bố vấn đề Trung Quốc chờ cho mọi việc định sẽ đề xuất. Vào tháng 8, lúc công ước với các nước sắp ký, Lý Hồng Chương yêu cầu Nga triệt binh, P. M. Lessar biểu thị nếu đem thiết lộ đông bắc, khai thác khoáng sản, cùng quyền ưu tiên công thương nghiệp giao cho Đạo Thắng ngân hàng [của Nga] thì sẽ triệt binh. Tháng 10 Lý Hồng Chương đòi triệt binh, không chấp nhận điều kiện liên quan đến kinh tế. Công sứ P. M. Lessar giận dữ cho rằng nghe những lời nói sàm của các nước khác rồi sinh sự. Trước khi Lý mất 1 ngày, P. M. Lessar vẫn còn áp lực ; sau đó Dịch Khuông và viên tân Toàn quyền đại thần Vương Văn Thiều tiếp tục đàm phán.


Vào ngày 3/1/1902, Anh, Nhật ký điều ước nhắm giúp Nhật đối phó với Nga ; trong đó quy định nếu như Anh hoặc Nhật khai chiến với nước thứ ba, thì nước kia đứng trung lập ; nếu có nước khác liên kết với nước thứ ba, thì Anh, Nhật sẽ liên kết đánh lại. Có điều ước trong tay, Nhật Bản không còn sợ Nga, và uy tín quốc tế lên cao, nghiễm nhiên thành nước lãnh đạo tại châu Á. Nước Mỹ cho rằng Anh, Nhật đồng minh phù hợp với chủ nghĩa môn hộ khai phóng Mỹ từng nêu lên, nên ủng hộ ; riêng nước Nga thì kinh hãi vì hành động này, buộc Nga phải rút ra khỏi miền đông bắc Trung Quốc.


Anh, Nhật đã trở thành đồng minh, tình thế quốc tế bất lợi, nước Nga không thể khảo xét lại thái độ đối với Trung Quốc. Ngày 8/4/1902, Trung Nga ký điều ước “ Trung, Nga trao và nhận miền Đông Tam Tỉnh [Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh] ” ; nội dung Nga thừa nhận quyền lợi Trung Quốc tại miền Đông bắc, nếu tương lai không có biến loạn nước Nga sẽ chia làm 3 kỳ triệt binh trong vòng 18 tháng, mỗi kỳ cách nhau 6 tháng ; đây chỉ là kế hoãn binh, Nga không muốn thực sự thi hành. Vì vấn đề Âu châu, vào tháng 8 cùng năm, Hoàng đế nước Đức, Wilhelm II von Deutschland đệ nhị, hội đàm với Nga hoàng, Ni Cổ Lạp thứ 2, trong đó có đề cập đến hoạ da vàng, cùng đối phó với Anh, Nhật, khuyên Nga đông tiến, nguyện củng cố hậu phương. Nga triệt binh kỳ thứ nhất, chỉ rút quân ra khỏi phía tây sông Liêu Hà [Liaohe river] Liêu Ninh, rồi tập trung tại vùng phụ cận Nam Mãn thiết lộ ; riêng đợt triệt binh thứ 2 không thi hành, lại vào tháng 4/1903 đòi Trung Quốc yêu sách mới. Nhật và Anh khuyên Trung Quốc đừng nhận, đồng thời hướng Nga kháng nghị. Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt [La Tư Phúc] rất ghét Nga, muốn Trung Quốc và Hàn Quốc dựa vào Nhật Bản, không chấp nhận nước Nga làm quá ; riêng Hoàng đế Đức thì khuyên Sa hoàng không thể rút lui. Vào tháng 7, nội các Quế Thái Lang của Nhật đàm phán với Nga, đề nghị Nga thừa nhận quyền ưu việt của Nhật tại Triều Tiên, Nhật Bản thừa nhận lợi ích của Nga tại Mãn Châu, nhưng không phương hại đến quyền lợi của Nhật và các nước khác ; nhưng thái độ Nga cường ngạnh, lập phủ Tổng đốc tại Viễn Đông, Nhật Nga giao thiệp trong vòng 4 tháng nhưng không có kết quả ; do đó dấy lên sự kiện nhân dân Trung quốc chống lại Nga, mâu thuẫn Nga Nhật đến hồi kịch liệt, dẫn đến chiến tranh Nga Nhật bạo phát vào năm 1904.


Nhật Bản từ lâu ôm lòng quyết thắng bại với Nga ; sau khi Anh, Nhật đồng minh thành lập, tự cho cơ hội đã đến. Ngoài ra Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt cũng đả kích Nga quyết liệt và thông báo cho các nước Đức, Pháp biết rằng nếu giúp Nga ; Mỹ sẽ lập tức trợ giúp Nhật.


Nhật chủ trương đánh trước, tuyên chiến sau. Vào ngày 8/2/1904 tập kích quân cảng Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh], ngày hôm sau chiến thắng tại Incheon [Nhân Xuyên, Triều Tiên] và phong toả Lữ Thuận. Ngày 10/2 chính thức tuyên chiến ; chiến tranh Nga, Nhật không xẩy ra tại các nước này, chủ yếu chiến trường tại phía đông sông Liêu Hà, Trung Quốc. Tháng 5, một cánh lục quân Nhật vượt qua phía tây sông Áp Lục [Triều Tiên], một cánh khác đổ bộ lên bán đảo Liêu Đông [Liaodong, Liêu Ninh]. Tháng 10, hai lần đánh bại quân Nga tại Liêu Dương [Liaoyang, Liêu Ninh] và phía bắc Sa Hà [Liêu Ninh]. Tháng 1/1905, Nhật đánh chiếm cảng Lữ Thuận, tháng 3 chiếm Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh], cuộc chiến trên bộ kết thúc. Tháng 5, danh tướng Nhật, Hương Bình Bát Lang, tiêu diệt hạm đội Nga từ Âu Châu tới, tại eo biển Đối Mã [Nhật], kết thúc cuộc chiến.


Nga Nhật chiến tranh bắt đầu từ hải chiến tại Nhân Xuyên, lại được kết thúc bởi hải chiến khác tại eo biển Đối Mã. Quân Nga tử trận hơn 4 vạn, quân Nhật hơn 8 vạn, theo thống kê của triều Thanh dân Trung Quốc tử thương đến 2 vạn, tài sản tổn thất 6 900 vạn lượng bạc.


Thắng lợi của Nhật Bản có ý nghĩa mất còn, nên cả nước nhất trí, không màng đến sự hy sinh. Tuy nhiên việc hạm đội Anh tìm cách khiên chế khi hạm đội Nga điều sang đông, nước Mỹ viện trợ cho Nhật, cùng hai nước ủng hộ Nhật trên trường ngoại giao cũng có quan hệ lớn. Ngoài ra Chính nghĩa quân xuất phát từ dân gian miền đông bắc Trung Quốc, tập kích hậu phương Nga, phá hoại giao thông cũng có ảnh hưởng. Nước Nga bại, Nhật cũng kiệt sức, qua sự điều giải của Theodore Roosevelt, hai nước hội đàm tại Portsmouth [New Hampshire, USA]. Ngày 5/9/1905 ký hoà ước, nước Nga thừa nhận Nhật bảo hộ Triều Tiên, nhường cho Nhật Bản Lữ Thuận, Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh], đường sắt Nam Mãn 2 cùng phía nam đảo Khố Hiệt [Nga], và hai nước lưu binh tại Mãn Châu để bảo vệ đường sắt.


Điều ước Portsmouth với Nga chưa đủ làm cho Nhật vừa ý, nước này vẫn ôm tham vọng khống chế miền đông bắc Trung Quốc, như điều ước Mã Quan từng ký với Trung Quốc trước kia. Trải qua hơn một tháng tranh luận, ngày 22/12/1905 “ Đông Tam tỉnh thiện hậu sự nghi điều ước ” 3 ký kết tại Bắc Kinh, trong đó Chính ước tương tự như điều ước ký với Nga, quy định quyền lợi của Nhật tại cảng Lữ Thuận, Đại Liên và thiết lộ Nam Mãn. Về Phụ ước dành cho Nhật 16 địa điểm buôn bán tại miền đông bắc, Nhật Bản theo lệ quân Nga trước đó, lưu binh bảo vệ đường sắt ; tiếp tục kinh doanh tuyến đường sắt An Đông [Dandong, Liêu Ninh] – Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh]. Năm sau Nhật lập Quan Đông Tổng đốc phủ thống trị Lữ Thuận, Đại Liên, lực lượng bảo hộ đường sắt ; đây là cơ quan quân sự, chính trị nhắm xâm chiếm miền đông bắc Trung Quốc.




2. Nhật, Mỹ đối kháng, khiến việc khai phóng đông bắc thất bại


Đầu triều Thanh quy định đông bắc là vùng cấm, không cho phép dân di cư ra khỏi Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc] ; tuy nhiên sau đó lệnh này chỉ còn trên danh nghĩa, không những lính tráng, nhà buôn, thợ thuyền mà dân chúng vùng Sơn Đông, Trực Lệ đến mỗi ngày một đông ; thành, trấn thiết lập, dân khai khẩn tung ra các nơi. Vào giữa thế kỷ thứ 19, do mối lo về nước Nga mỗi ngày mỗi gấp, nạn lụt tại sông Hoàng Hà xẩy ra nhiều, nên có chương trình di dân để củng cố biên giới, thiết lập quận huyện tại hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Sau chiến tranh Trung Nhật, rồi Nhật Nga, vấn đề di dân kinh dinh càng thêm mạnh, nhân đường xe lửa được thiết lập việc đi lại tiện lợi hơn, gia tăng di dân về phía đông, số nhân khẩu vùng này từ con số triệu, lên đến hàng chục triệu. Ngoài ra tại đây ngoại quốc mở mang nhiều nơi buôn bán, khuếch trương thực nghiệp. Trước kia chế độ quan lại tại Đông Tam Tỉnh so với toàn quốc không giống, nơi này đặt Tướng quân để cai trị, riêng tỉnh Phụng Thiên [Liêu Ninh cũ] đặt thêm Phủ doãn. Năm 1906, cải cách Đông Tam Tỉnh để phù hợp với thời thế mới, sai Thượng thư Tái Chấn, Từ Thế Xương đến khảo sát, ra lệnh Tướng quân 3 tỉnh chỉnh đốn quan cai trị, khai thác rộng tài nguyên. Năm 1907, cải Thịnh kinh tướng quân thành Đông Tam Tỉnh Tổng đốc, các tỉnh đặt thêm Tuần phủ, cử Từ Thế Xương làm Tổng đốc, Đường Thiệu Nghi làm Tuần phủ Phụng Thiên. Từ, Đường quan hệ nhiều với Viên Thế Khải, do đó kẻ cầm quyền trong ngoài Sơn Hải Quan tăng cường hợp tác.


Một trong những động cơ để Mỹ giúp Nhật chống Nga là chủ trương mở cửa miền đông bắc Trung Quốc, riêng Nhật cũng đã bằng lòng điều đó. Sau khi hiệp ước Nhật Nga thành lập, viên phụ trách về hoả xa của Mỹ, E. H. Harriman, lập hợp đồng mua Nam Mãn thiết lộ. Nhưng sau khi ký Đông Tam Tỉnh thiện hậu sự nghi điều ước với Trung Quốc, Nhật lật lọng, độc quyền, huỷ hợp đồng với Mỹ. Mỹ thấy Nhật thất tín bèn tìm cách đối kháng, do viên Lãnh sự tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh] W. Straight tìm cách hợp tác với Đường Thiệu Nghi. Đường từng du học tại Mỹ, lại cùng Viên Thế Khải làm việc tại Triều Tiên ; nên khi công danh của Viên thăng tiến, Đường cũng lên theo. Chính sách của Đường và Viên muốn quốc tế hoá vùng Đông Tam Tỉnh; mượn lực lượng Anh, Mỹ khống chế Nhật, Nga xâm lược. Tháng 8/1907, Đường và W. Straight ký hiệp nghị sơ bộ, nội dung Mỹ cho mượn tiền phát triển miền đông bắc, cải cách tiền tệ, chủ yếu lập các tuyến đường sắt từ Tân Dân [Xinming, Liêu Ninh] đến Pháp Khố Môn [Fakumen, Liêu Ninh], từ Thao Nam [Taonan, Cát Lâm] đến Hắc Long Giang ; nhắm chế ngự Nam Mãn thiết lộ. Khi mới khởi công Tân-Pháp thiết lộ, Nhật Bản cương quyết phản đối, nên người Mỹ tỏ ra nghi ngờ không quyết. Tháng 11, Đường và Từ Thế Xương quay sang hợp đồng với Anh, lại bị Nhật tiếp tục phản đối, cuối cùng Tân-Pháp thiết lộ đành phải gạt bỏ.


Cũng năm này [1907] quan hệ giữa Nhật Mỹ trở nên khẩn trương, nước Đức cũng kỵ Nhật giao thiệp với Nga, Anh, Pháp, bèn tỏ ý đồng minh với Trung, Mỹ, để thừa cơ chiếm được quyền lợi kinh tế tại Trung Quốc. Lúc bấy giờ Viên Thế Khải giữ chức Thượng thư ngoại vụ, rất đồng ý việc này. Năm 1908 nước Mỹ giảm thu tiền bồi thường chiến phí năm Canh Tý [1900] để Trung Quốc dùng vào việc giáo dục. Trung Quốc bèn cử Đường Thiệu Nghi làm chuyên sứ đến cảm ơn, nhưng thực chất là mượn thêm tiền, cùng thảo luận vấn đề Trung, Mỹ, Đức đồng minh, nhưng Nhật Bản đã ra tay trước. Lúc Đường mới đến Hoa Thịnh Đốn thì Sứ thần Nhật ký với Quốc vụ khanh Mỹ E Root [La Đức] hiệp định duy trì tại Hoa công bình công thương nghiệp cơ hội, cùng lãnh thổ Trung Quốc hoàn chỉnh ; nhân Tổng thống Theodore Roosevelt [La Tư Phúc] cũng muốn dùng Nhật chống lại Nga, vì vậy chuyến đi của Đường Thiệu Nghi thất bại.


Tháng 10/1909, Tổng đốc Đông Tam Tỉnh, Tích Lương, cùng Tuần phủ Phụng Thiên Trình Đức Toàn kế tục chính sách của Từ, Đường trước kia cùng với Lãnh sự Mỹ W. Straight ký hợp đồng lập thiết lộ từ Cẩm Châu [Jinzhou, Liêu Ninh] đến Viên Hồn [Heihe, Hắc Long Giang], lộ tuyến cách Nam Mãn thiết lộ tương đối xa, nhưng Nhật, Nga cũng đồng phản đối. Quốc vụ khanh Mỹ P. C. Knox [Nặc Khắc Tư] đề ra kế hoạch trung lập Mãn Châu thiết lộ, do liệt cường cho Trung Quốc vay tiền mua lại Mãn Châu thiết lộ ; cùng đầu tư xây các thiết lộ khác như Cẩm-Viên ; nhưng nước Anh phản ứng lạnh nhạt, Pháp, Đức vẫn giữ ý kiến cũ, còn Nhật, Nga thì cương quyết phản đối. Hậu quả Mỹ cô độc không làm gì được thêm ; riêng Nga, Nhật lại cấu kết mật thiết hơn, trong năm 1910, hai lần ký mật ước không cạnh tranh tại Mãn Châu, giữ vùng này nguyên tình trạng, bảo hộ lợi ích hai nước, ngăn chặn hoạt động của các nước khác.


Từ năm 1907 trở về sau Nhật Bản càng sinh sự tại miền đông bắc : Thứ nhất là thiết lộ Cát-Trường ; nước Nga nhường cho Nhật Bản Nam Mãn thiết lộ, phía bắc khởi đầu từ Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] ; Nhật Bản lại muốn xây thiết lộ từ Trường Xuân đến tỉnh thành Cát Lâm rồi kéo dài đến Triều Tiên. Thứ hai là An Đông 4 - Phụng Thiên thiết lộ ; trước đó tuy chưa được Trung Quốc chấp nhận, Nhật Bản tự tiện xây và đặt trại binh. Thứ ba là Gián Đảo trên sông Đồ Môn [Tumen river, Cát Lâm] gần biên giới ; đất này thuộc Trung Quốc, nhưng Nhật cho là thuộc Triều Tiên và công nhiên đóng quân lập trại.




3. Nước Anh gây hấn tại Tây Tạng



Nước Nga và Tây Tạng tiếp xúc dựa vào trung gian của Tu sĩ Dorjieff, người Nga. Dorjieff sống tại Lạp Tát [Lhasa, Tây Tạng] lâu, được Đạt Lại Lạt Ma 5 thứ 13 tin dùng. Lạt Ma thứ 13 rất ghét nước Anh, lại bất mãn với triều Thanh ; Dorjieff khuyên nên thân Nga ; vào năm thập niên 90 thế kỷ 19, Sứ Tây Tạng, Nga thường qua lại. Vào năm 1902, có lời đồn rằng Trung Quốc đem quyền lợi tại Tây Tạng hứa giao cho Nga. Lúc này tranh chấp giữa Anh, Tạng lại dấy lên, Anh mang quân vào biên giới ; Nga bèn chất vấn, Anh đáp lại rằng Anh, Tạng quan hệ mật thiết, chỉ mong Tây Tạng tuân theo điều ước.


Năm 1903, Tổng đốc Ấn Độ sai Thượng tá Younghusband [Vinh Hách Bằng] mang quân vào đất Tây Tạng. Từ tháng 3-5/1904 liên tiếp đánh bại quân Tây Tạng, Lạt Ma bèn tuyên chiến với quân Anh. Tháng 7 quân Anh đại phá quân Tạng tại Giang Tư [Gyangze, Tây Tạng] rồi trên đường tiến quân hướng Lạp Tát, Lạt Ma phải chạy lên phía bắc tỉnh Thanh Hải [Qinghai], rồi đến Khố Luân [Hure, Nội Mông]. Ngày 3/8 quân Anh vào Lạp Tát, ngày 7/9 Nhiếp chính Tây Tạng ký hoà ước với Younghusband, dành cho Anh mở các địa điểm buôn bán tại Giang Tư [Tây Tạng], Hát Đại Khắc [Tây Tạng], Á Đông [Yadong,Tây Tạng] và đóng quân tại Xuân Phi [Chunpi, Tây Tạng] ; ngoài ra phải dẹp bỏ các pháo đài tại biên giới Tạng-Ấn ; bồi thường binh phí 500 000 bảng Anh ; không được nhường đất, đường, điện, mỏ khoáng cho các nước khác, hoặc đem các tài nguyên ra cầm cố.


Trung Quốc không thừa nhận Lạp Tát điều ước, quyết gánh vác trách nhiệm về ngoại giao. Tháng 3/1905, Đường Thiệu Nghi cùng Đại biểu Anh hội đàm tại Calcutta [Ấn Độ] không thành, lúc trở về lại họp với Công sứ Anh E. M. Satow [Tát Đạo Nghĩa]. Ngày 27/ 4/1906 ký “Tạng Ấn điều ước”, Anh đồng ý không chiếm đất Tạng, không can dự vào chính trị của Tây Tạng, dùng “Lạp Tát điều ước” làm phụ ước ; Trung Quốc cũng hứa không để cho nước khác chiếm đất, hoặc can dự việc chính trị của Tây Tạng. Điều ước này có những điểm bất lợi cho Trung Quốc, nhưng ít ra người Anh đã công nhận quyền làm chủ của Trung Quốc tại Tây Tạng. Ngày 20/4/1909 Trung Quốc tiếp tục đính ước với Anh “Tạng Ấn thông thương chương trình”, lấy lại được một số quyền lợi. Lại dùng Triệu Nhĩ Phong làm Đại thần Tứ Xuyên, Vân Nam, phụ trách kinh dinh vùng Tây Khang [Xikang, Tây Tạng] vào năm 1906-1908 ; việc làm quá gấp nên bị dân Tây Tạng oán.


Đại Lại Lạt Ma đến Khố Luân ; nhân Nga bị Nhật đánh bại, không có cách trợ giúp. Tháng 9/1908 triều đình nhà Thanh mời đến Bắc Kinh chiêm cận, được gia phong ; lại một lần nữa xác định quyền làm chủ của Trung Quốc. Lạt Ma thấy nước Nga không thể dựa, thế lực của Trung Quốc tăng cao, bèn chuyển sang thân Anh, trực tiếp nói chuyện với Sứ Anh John N. Jordan. Tháng 12/1909 Lạt Ma trở về Tây Tạng. Tháng 2/1910 quân Tứ Xuyên đến Lạp Tát, Lạt Ma xuất bôn lần thứ hai, xin Tổng đốc Ấn Độ bảo hộ ; nhà Thanh bèn cách bỏ danh hiệu của Lạt Ma. John N. Jordan kháng nghị, chỉ trích Trung Quốc nhiễu loạn hoà bình tại Tây Tạng, nếu muốn thay đổi chính sách tại nơi này, phải thương lượng với Anh. Bộ ngoại vụ đáp lại rằng quân vào Tây Tạng chỉ làm nhiệm vụ cảnh sát, Trung Quốc không thể vì một người bỏ đi mà thay đổi chính sách tại Tây Tạng.




4. Các nước khuếch trương quyền lợi



Căn cứ điều ước năm Tân Sửu [1901] cần phải cải sửa thương ước. Trước hết đàm phán với nước Anh, đại biểu Anh là James L. Mackay [Mã Khải], chủ trương bỏ thuế ly kim 6 ; phía Trung Quốc có Lữ Hải Hoàn, Thịnh Tuyên Hoài đưa điều kiện tăng thuế đến 15 %. Trải qua 10 tháng hội đàm, vào ngày 5/9/1902 thành lập “Tục đính thông thương hàng thuyền điều ước” nội dung như sau :


- Thứ nhất, thuế nhập khẩu lên đến 12 %, xuất khẩu 7 % ; bỏ thuế ly kim, đợi các nước đồng ý sẽ chinh thu.


- Thứ hai, mở mang hàng hành tại các sông nội địa, thuyền ngoại quốc được ghé 10 chỗ trên sông Châu Giang [Pearl River]. Mở các địa điểm buôn bán tại Huệ Châu [Huizhou] Quảng Đông ; An Khánh [Anqing], Trường Sa [Changsha], Vạn Châu [Wanzhou, Tứ Xuyên] dọc theo sông Trường Giang ; Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh], An Đông [Andong, Liêu Ninh], Đại Đông Cấu [Liêu Ninh] thuộc miền đông bắc, và Bắc Kinh. Các thuyền buồm Trung Quốc cũng phải chịu thuế giống như thuyền máy ngoại quốc.


- Giúp cho người nước ngoài được tiện lợi trong việc đầu tư, cho phép người Trung Quốc và ngoại quốc chung cổ phần kinh doanh, lập chương trình chế định tiền tệ, thống nhất đo lường.


Những điểm quan trọng trong thương ước mới là tăng thuế, điều này chỉ tuyên bố trên giấy tờ, nhưng thực chất không đạt được như vậy ; riêng mậu dịch với ngoại quốc tăng gấp 3, số lượng ngoại quốc đầu tư cũng tăng gấp hai.


Trong vòng 57 năm sau Chiến tranh nha phiến [1842-1899] Trung Quốc mở 45 cửa khẩu buôn bán với ngoại quốc ; sau loạn Nghĩa Hoà đoàn [1901-1910] mở thêm 38 nơi. Giai đoạn đầu lập tô giới cho các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Nhật tại Thượng Hải, Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Thiên Tân, Trấn Giang, Hán Khẩu, Cửu Giang, Yên Đài, Vu Hồ, Trùng Khánh, Hàng Châu, Tô Châu, Sa Thị. Kỳ sau [1901-1902] tại Thiên Tân lập thêm tô giới cho các nước Tỷ Lợi Thì, Nga, Ý, Áo ; tại Cổ Lãng Dự [Gulangyu Island, Phúc Kiến] lập thêm công cộng tô giới ; năm 1904, Nhật Bản lập thêm tô giới tại Trường Sa. Tô giới giống như đất thực dân, có thương điếm, ngân hàng, tập trung công xưởng của các nước.


Người ngoại quốc tại Trung Quốc kinh doanh đường sắt ; trước tiên nước Nga lập tuyến đường sắt Đông Thanh - Nam Mãn tại Đông Tam Tỉnh, hoàn thành năm 1903 ; sau chiến tranh Nga Nhật, năm 1908 Nhật Bản hoàn thành cải sửa lại Nam Mãn thiết lộ. Nước Đức hoàn thành Giao-Tế thiết lộ tại tỉnh Sơn Đông vào năm 1904. Nước Anh hoàn thành Đạo-Thanh thiết lộ [từ Đạo Khẩu đến Thanh Hoá] tại tỉnh Hà Nam vào năm 1907. Pháp hoàn thành Điền-Việt thiết lộ [từ Việt Nam đến Côn Minh] vào năm 1910. Nhật Bản cải tạo hoàn thành An-Phụng thiết lộ tại tỉnh Liêu Đông vào năm 1910.


Ngoài ra còn các đường sắt, mượn tài khoản để xây, nhưng do ngoại quốc khống chế. Như thiết lộ Việt-Hán tại tỉnh Quảng Đông, mượn Mỹ, hoàn thành năm 1904 ; thiết lộ Lô-Hán từ Lô Cấu Kiều đến Hán Khẩu, mượn Tỷ Lợi Thì, hoàn thành năm 1906 ; thiết lộ Quan nội-ngoại từ kinh sư đến Phụng Thiên, mượn Anh, hoàn thành năm 1907 ; Chính-Thái thiết lộ tại tỉnh Sơn Tây, mượn Pháp, hoàn thành năm 1907. Lại mượn từ Anh, xây các thiết lộ : Hỗ-Ninh từ Thượng Hải đến Nam Kinh hoàn thành năm 1908 ; thiết lộ Hỗ-Hàng, từ Thượng Hải đến Hàng Châu, hoàn thành năm 1909 ; thiết lộ Quảng Châu, từ Quảng Châu đến Cửu Long, hoàn thành năm 1911. Ngoài ra thiết lộ Biện-Lạc, từ Khai Phong đến Lạc Dương tỉnh Hà Nam, mượn Tỷ Lợi Thì, hoàn thành năm 1909 ; thiết lộ từ Nam Xương đến Cửu Giang thuộc tỉnh Giang Tây, mượn Nhật, hoàn thành năm 1911 ; thiết lộ từ Cát Lâm đến Trường Xuân, cũng mượn Nhật, hoàn thành năm 1912. Thiết lộ từ Thiên Tân đến Phố Khẩu [Pukou, Giang Tô], mượn tiền Anh, Đức, hoàn thành năm 1912 ; Việt-Hán thiết lộ từ Quảng Châu [Quảng Đông] đến Vũ Xương [Hồ Bắc], mượn tiền từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, từng bộ phận hoàn thành năm 1911. Nói tóm lại các thiết lộ vào cuối triều Thanh, không có thiết lộ nào không nằm trong tay ngoại quốc.


Vào hậu bán thế kỷ thứ 19, thuyền máy các nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga hoạt động tại đại dương, dọc bờ biển, cùng sông ngòi Trung Quốc. Bắt đầu năm 1898, có công ty “Tứ gia Nhật Bản luân thuyền” gia nhập ; năm 1906 lại có công ty “Robert Dollar and Co” của Mỹ. Năm 1907, các công ty Nhật Bản hợp lại thành “Nhật Thanh luân thuyền công ty”, chủ yếu hoạt động tại duyên hải và dọc sông Trường Giang, cùng với 2 công ty “Di hoà” và “Thái cổ” của nước Anh thuộc vào loại lớn mạnh. Tổng kê thuyền máy ngoại quốc tại Trung Quốc chiếm 40 % sự nghiệp hàng hành.


Trước chiến tranh Trung Nhật, có hàng trăm xưởng ngoại quốc thiết lập tại Trung Quốc ; sau điều ước Mã Quan lại kiêm thêm việc khai mỏ khoáng. Công xưởng chủ yếu là nhà máy dệt, khoáng sản quan trọng là mỏ than, gồm 86 xưởng, phần lớn do người Nhật và Anh làm chủ. Về ngành dệt, người Anh có các công ty lớn như “Laokungmow Cotton Spining and Weaving Co.” và “Ewo Cotton Mill”. Năm 1908, Nhật có các công ty “Thượng Hải phương chức chu thức hội xã” và “Nhật tín sa xưởng”. Tổng kê, ngành dệt tại Hoa, hai nước Anh, Nhật chiếm hơn 1/3. Riêng chế tàu thuyền, nước Anh tại Thượng Hải có công ty “Shanghai Dock and Engineering Co.”; năm 1910 Nhật mở công ty “Đông Hoa tạo thuyền chu thức hội xã”.


Các nước Đức, Anh, Nga, Nhật đứng đầu về việc khai thác mỏ khoáng tại Trung Quốc. Nước Đức có đường sắt tại tỉnh Sơn Đông, quy định độc quyền khai thác mỏ than dọc đường sắt trong vòng 30 lý. “Phúc công ty” của nước Anh tiếp tục, độc quyền khai thác than tại đông nam Sơn Tây và phía bắc Hà Nam. Mỏ khoáng lớn nhất tại Khai Bình [Kaiping, Hà Bắc] cũng do người Anh chiếm đoạt. Khoáng sản tại miền đông bắc, lúc đầu do người Nga chiếm, sau chiến tranh Nga Pháp, mỏ khoáng tại Nam Mãn và Yên Đài vào tay người Nhật. Năm 1910 Trung Nhật hợp tác khai mỏ than, sắt tại Bản Khê [Benxi, Liêu Ninh], thiết lập xưởng, thành một trung tâm chế thép lớn của Nhật. Thống kê vào cuối triều Thanh, ngoại quốc đầu tư vào khoáng sản chiếm 8/10 tổng số.


Ngân hàng ngoại quốc, buổi đầu có Đông phương ngân hàng mở tại Hương Cảng năm 1845. Ngân hàng quan trọng nhất mở tại Hương Cảng, Thượng Hải năm 1865 mang tên Hối phong ngân hàng [Hongkong and Shanghai Banking Corporation], trong vòng 20 năm ngân hàng này có chi nhánh khắp các cửa khẩu cùng Bắc Kinh. Nước Nga, được Pháp chi trì, thiết lập Đạo thắng ngân hàng vào năm 1895 ; có chi nhánh tại miền đông bắc, cùng Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hán Khẩu, Hương Cảng. Pháp có Đông phương hối lý ngân hàng, Đức có Đức Hoa ngân hàng ; cà hai đều lập chi nhánh tại Thượng Hải năm 1898. Ngân hàng Nhật Bản Hoành Tân chính kim ngân hàng thiết lập chi nhánh tại Thượng Hải cũng vào năm 1898 ; sau đó có chi nhánh tại miền đông bắc cùng Thiên Tân, Triều Tiên, Đài Loan. Mỹ có Hoa Kỳ ngân hàng [The National City Bank of New York] thiết lập phân hàng tại Thượng Hải năm 1902. Ngoài ra còn có ngân hàng của các nước như Tỷ Lợi Thì, Hà Lan. Chủ yếu nhiệm vụ của ngân hàng ngoại quốc cung cấp xuất khẩu mậu dịch, hối đoái quốc tế, thu hút tồn khoản, phát hành tiền. Ngân hàng lớn tại Trung quốc như Hối phong ngân hàng [Hongkong and Shanghai Banking Corporation] có số tồn khoản vào cuối thế kỷ thứ 19 đạt đến 140 000 000 nguyên, không những cung cấp tiền cho thương nhân Tây phương hoạt động, lại cung ứng cho Thanh triều tiền mượn, khống chế phần lớn các mỏ khoáng ; tiền thu từ hải quan chờ bồi thường cuộc chiến năm Canh Tý [1900], cũng do ngân hàng này bảo quản.


Hồ Bạch Thảo





1 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc, chỉ Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.


2Đường sắt Nam Mãn do Nga hoàng xây, từ Trường Xuân, Cát Lâm đến cảng Lữ Thuận [Liêu Ninh]


3 Đông Tam tỉnh thiện hậu sự nghi điều ước : điều ước về việc làm tốt sau này cho miền Đông Tam tỉnh.


4 An Đông : nay là Đan Đông thị [Dandong] thuộc tỉnh Liêu Ninh.


5 Đạt Lại Lạt Ma : lãnh tụ truyền đời của Phật giáo Tây Tạng


6 Ly kim : một loại thuế phụ thu thêm, ngoài thuế chính.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us