Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước: Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân

Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước: Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân

- Trần Văn Thọ — published 10/02/2015 18:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Trông người mà ngẫm đến ta

Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước:
Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân


Trần Văn Thọ


Trước khúc ngoặt của lich sử, vận mệnh đất nước và dân tộc tất nhiên tùy thuộc vào hành động của nhũng người có trách nhiệm. Dĩ nhiên tiên đề là phải có tinh thần yêu nước, có ý chí, có ý thức trách nhiệm, nhưng nếu không đủ trí tuệ, không có đầu óc linh hoạt cảm nhận ngay được cái mới để từ bỏ nhanh những tư tưởng lỗi thời thì sẽ đưa ra những quyết định sai lầm hoặc bỏ mất thời cơ.

Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản là một nước phong kiến, bế quan tỏa cảng, xã hội phân chia thành các giai cấp sĩ, nông, công, thương và chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Thế rồi chiến thuyền Mỹ của đô đốc Perry xuất hiện ở vịnh Edo năm 1853 đã khuấy động cả xã hội phẳng lặng đó. Nhưng chỉ có 15 năm (Minh Trị duy tân bắt đầu năm 1868), các sĩ phu, các lãnh đạo của Nhật đã biến một đất nước phong kiến bảo thủ trở thành một nhà nước tiếp thu toàn diện thế giới văn minh để tiến lên hàng các quốc gia thượng đẳng. Ý chí, trí tuệ và sự chuyển dịch tư tưởng rất nhanh của những lãnh đạo thời đó đã xoay chuyển đất nước một cách ngoạn mục với một tốc độ có thể nói là kỳ diệu.

Thời đại Edo ở Nhật kéo dài từ năm 1603 đến năm 1867. Quyền cai trị đất nước tập trung vào chính quyền Mạc Phủ đóng tại Edo (Tokyo ngày nay) do các tướng quân của dòng họ Tokugawa nối tiếp nhau lãnh đạo. Thiên hoàng (đóng đô ở Kyoto) chỉ có vai trò tượng trưng. Cả nước chia thành 277 phiên (han), mỗi phiên có một lãnh chúa (daimyo) đứng đầu. Cứ hai năm một lần các lãnh chúa phải về Edo chầu tướng quân, một quy chế lập ra để duy trì sự trung thành của các phiên đối với Mạc Phủ. Tuy nhiên từ đầu thế kỷ 19, một số phiên ở phía tây nam mạnh lên về kinh tế và quân sự nên sự gắn bó với Mạc Phủ yếu đi. Hai phiên mạnh nhất thời đó là Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay) và Choshu (Yamaguchi ngày nay). Về đối ngoại, chính quyền Edo theo chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ cho ngoại lệ là cảng Nagasaki được giao thương với nước ngoài.

Năm 1853, hạm đội Mỹ do đô đốc Perry dẫn đầu ghé cảng Uraga ở vịnh Edo, yêu cầu Mạc Phủ mở cửa giao thương. Cả xã hội náo động vì sự kiện này. Đến năm 1858, Perry lại đến và yêu cầu ký kết các hiệp ước bất lợi cho Nhật với hai nội dung chính là Nhật mất chủ quyền về thuế quan (không được dùng thuế quan để bảo hộ sản phẩm trong nước khi mậu dịch với nước ngoài) và không có quyền tài phán đối với người nước ngoài cư trú tại Nhật. Chính quyền Mạc Phủ sợ các nước phương tây gây chiến nên đồng ý ký các hiệp ước đó. Ngoài Mỹ, các nước khác như Pháp, Anh, Hoà Lan, Nga cũng ép Nhật ký các hiệp ước tương tự.

Lúc đó chính trị Nhật rối bời và chia ra nhiều phe có các lập trường khác nhau. Đối nội có 2 quan điểm: “tôn vương” (chủ trương dành thực quyền về cho thiên hoàng) hay duy trì thể chế cũ (do Mạc Phủ cai trị); đối ngoại cũng có hai quan điểm: bài ngoại (nhương di) hay khai phóng (mở của giao thương và học tập nước ngoài). Như vậy kết hợp lập trường đối nội và đối ngoại có tới 4 phe phái. Đặc biệt hai phiên mạnh nhất Satsuma và Choshu lúc đầu có tư tưởng bài ngoại, quyết chống Tây phương bằng vũ lực. Nhưng về mặt đối nội thì hai bên có lập trường khác, Satsuma ủng hộ Mạc Phủ trong khi Choshu thì tôn vương. Do khác nhau về chính sách đối nội, hai phiên này mâu thuẫn nhau, có lúc xảy ra giao tranh khi Satsuma vâng lệnh Mạc Phủ cử binh đi chinh phạt Choshu.

Sang thập niên 1860, tình hình biến chuyển theo một hướng hoàn toàn mới. Năm 1863, do chính sách bài ngoại, Satsuma đã bắn vào thương thuyền của Anh và chiến tranh xảy ra. Nhưng với vũ khí tối tân, Anh đã thắng dễ dàng. Cũng trong thời gian đó, Choshu tấn công thương thuyền của Mỹ, Pháp và Hoà Lan tại eo biển Kanmon. Ba nước phản kích và Choshu thua ngay. Sau dịp thử sức này, cả Satsuma và Choshu nhận thấy không thể đối đầu với Tây phương bằng quân sự mà phải có chiến lược khác. Cùng lúc đó ý kiến của các nhà tư tưởng như Yoshida Shoin và Takasugi Kensaku ngày càng được chú ý. Yoshida cho rằng không biết người thì làm sao thắng được người trong các cuộc tranh chấp. Takasugi, học trò của Yoshida, triển khai ý ấy thành chính sách cụ thể “phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài”. Takasugi cũng là người được Choshu cử đi gặp đại diện các nước Mỹ, Pháp và Hoà Lan để xin hoà sau cuộc xung đột ở eo biển Kanmon.

Với sự chuyển hướng của hai phiên mạnh nhất, khuynh hướng hoà hoãn với nước ngoài và học tập văn minh tây phương dần dần chiếm ưu thế. Vấn đề còn lại là đối nội: thế lực nào sẽ lãnh đạo trong thời đại học tập nước ngoài để xây dựng đất nước? Tại phiên Satsuma, với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo sang những người trẻ như Saigo Takamori và Ohkubo Toshimichi, hai người mà sau này giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng thời đại Minh Trị, ý thức ủng hộ Mạc Phủ ngày càng phai nhạt và dần dần họ thấy phải đoàn kết chung quanh thiên hoàng, biểu tượng cho sự thống nhất dân tộc, mới đưa đất nước vào giai đoạn mới.

Vào thời điểm đó, sự xuất hiện của Sakamoto Ryoma, một chí sĩ thuộc phiên Tosa (Kochi ngày nay), trên vũ đài chính trị rất đúng lúc. Lúc 18 tuổi (năm 1853) trên đường từ Tosa lên Edo để học kiếm thuật, Sakamoto đã tận mắt chứng kiến hạm đội hiện đại của Perry, cảm nhận sức mạnh của phương Tây và thấy Nhật phải thay đổi mới thoát được nguy cơ bị thực dân hóa. Tương truyền rằng sau đó ông đã tìm đọc hết những sách kinh điển của các nước tây Âu vừa mới được dịch sang tiếng Nhật. Chuyện kể rằng ông đã nói với người bạn đồng hương lâu ngày mới gặp lại rằng “vũ khí quan trọng của thời đại bây giờ không phải là thanh gươm cây kiếm, cũng không phải là súng ống mà là cái nầy đây” (ông rút trong túi ra đưa cho bạn xem cuốn Vạn quốc công pháp vừa được phát hành (năm 1865), đây là cuốn sách dịch từ cuốn Elements of International Law của Henry Wheaton.

Sakamoto nhận thấy Mạc Phủ không còn uy tín và năng lực để lãnh đạo đất nước trong thời đại mới nên đã vận động quy tụ thế lực mới mà bắt đầu bằng việc điều đình để hai phiên mạnh nhất là Satsuma và Choshu làm hoà với nhau. Kết cuộc ông đã thành công và đồng minh Satsuma-Choshu ra đời. Họ đã liên hiệp với hai phiên khác là Tosa và Hizen (Saga ngày nay) tạo thành lực lượng tôn vương mạnh mẽ. Saigo Takamori trở thành chỉ huy trưởng của lực lượng nầy.

Hình trái: Saigo Takamori ; phải:  Katsu Kaishu

Hội đàm Saigo-Katsu ở đền Atago, ngoại thành Edo

Trước sức mạnh của phe tôn vương, tướng quân đương thời và cũng là tướng quân cuối cùng của Mạc Phủ là Yoshinobu thỏa hiệp bằng cách trả lại thực quyền cho thiên hoàng (tháng 10/1867) với hy vọng tham gia chính phủ mới trong đó quyền lợi của Tokugawa được duy trì. Tuy nhiên kết cuộc phía Tokugawa thấy mình bị mất quá nhiều quyền lợi, chẳng hạn phải giải tán quân đội đã có từ trước, nên đã đem quân chống lại phía thiên hoàng. Cuộc nội chiến kéo dài gần nửa năm, cuối cùng Tokugawa suy yếu phải rút quân về cố thủ thành Edo. Tướng giữ thành lúc đó là tổng đốc lục quân Katsu Kaishu. Quân đội phía thiên hoàng do Saigo Takamori chỉ huy tiến về Edo chuẩn bị vây thành.

Trước khả năng nước ngoài tìm cách thôn tính Nhật, những nhà lãnh đạo hai bên Mạc Phủ và thiên hoàng phải có quyết định để tránh tổn thất lớn cho đất nước. Cuối cùng, phân tích lực lượng hai bên và tình hình thế giới, và suy nghĩ về tương lai đất nước, tướng Katsu đã đi đến quyết định là phải đầu hàng quân đội thiên hoàng mới cứu được nước Nhật ra khỏi thảm họa. Ông thuyết phục phe chủ chiến trong thành và hứa sẽ đưa ra các điều kiện đầu hàng không phương hại đến tính mạng và tài sản tối thiểu của gia đình, thân tộc và quan lại của Mạc Phủ.

Cuộc đàm phán giữa hai tướng Saigo và Katsu đã diễn ra thuận lợi ngoài dự tưởng của Katsu, nhất là thái độ rất hoà nhã và khiêm tốn của Saigo đối với người chiến bại đã làm phía Tokugawa thấy yên tâm và không hề có mặc cảm của người thất thế. Phía tướng Katsu cũng trình bày nội tình của phe Tokugawa với thái độ chân thành. Saigo đã đồng ý các điều kiện đầu hàng. Ông đã về thuyết phục những người chủ chiến phía thiên hoàng. Với uy tín của Saigo mọi người đã chấp nhận chấm dứt chiến tranh theo kết quả cuộc hội đàm của Saigo và Katsu. Lịch sử đã ghi lại sự kiện nầy bằng 4 chữ Vô huyết khai thành (mở của thành đầu hàng để tránh đổ máu). Tướng quân Yoshinobu được cho về sống cuộc đời ẩn dật tại Shizuoka (gần núi Phú sĩ). Những người tài giỏi của thời Tokugawa được chính quyền Minh Trị mời cộng tác. Đặc biệt tướng Katsu được mời làm bộ trưởng hải quân vì ông nguyên là chuyên gia về kỹ thuật quân sự tây phương, am hiểu nghệ thuật cầm quân trên biển. Hải quân của Nhật được cận đại hóa và sau nầy giành thắng lợi trong chiến tranh Nhật Nga (1905) một phần to lớn có công lao của Katsu, nói rộng ra là nhờ chính sách đặt lợi ích dân tộc lên trên hết của những người lập ra chính quyền Minh Trị nên những người tài của chế độ cũ được trọng dụng.

Vài tháng sau sự kiện vô huyết khai thành, Edo được đổi tên là Tokyo (tháng 7/1868) và sau đó ít lâu Minh Trị thiên hoàng dời đô từ Kyoto về Tokyo (tháng 10/1868), đánh dấu một thời đại mới.

Như vậy chỉ trong vòng 15 năm Nhật Bản đã làm được cuộc cách mạng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Có thể tóm tắt những yếu tố làm nên kỳ tích này.

Thứ nhất, các sĩ phu, các lãnh đạo thời đó đã đặt tiền đồ, vận mệnh đất nước lên trên hết nên đã thỏa hiệp nhanh chóng. Họ đã khôn khéo dùng thiên hoàng làm biểu tượng để dễ thống nhất các lực lượng vốn đã phân tán do chế độ phiên trấn thời Mạc Phủ. Trước nguy cơ bị nước ngoài thống trị, dù với lập trường nào, họ cũng cảm thấy trách nhiệm với đất nước nên đã giải quyết các tranh chấp nội bộ rất nhanh, đã không kéo dài các cuộc nội chiến làm hao tổn nội lực.

Thứ hai, những sĩ phu, những lãnh đạo của Nhật thời đó thức thời nhanh chóng nên đã thay đổi chiến lược một cách ngoạn mục. Mới đánh một trận họ đã nhận ngay ra được sức mạnh quân sự của Âu Mỹ, mới đọc một số sách vở đã ngộ ra được sức mạnh của văn minh phương Tây và thấy là mình phải học hỏi để canh tân đất nước. Đằng sau những phán đoán chính xác và thay đổi chiến lược kịp thời nầy là tinh thần và nỗ lực học hỏi, tìm hiểu nguồn gốc sức mạnh của những người, những thế lực mới lạ đến từ phương Tây.

Ngày nay với tiến bộ của khoa học về phương tiện đi lại và liên lạc, việc tiếp xúc học hỏi với bên ngoài quá dễ dàng. Tuy nhiên không ít trường hợp lãnh đạo của nhiều nước phải mất hàng chục năm mới thực hiện được vài cải cách, mất hàng nửa thế kỷ hay lâu hơn mới thay đổi được tư duy, chiến lược cần thiết để đất nước phát triển./.

Tokyo trước thềm năm 2015

Trần Văn Thọ



Nguồn:
 Bài do tác giả gửi Diễn Đàn. Xem thêm, bài liên quan của Nguyễn Văn Khoa : Vài suy nghĩ...

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us