Hậu Cộng Sản Tối Tăm Thần Linh Chưởng
Hậu
Cộng Sản Tối Tăm
|
Đọc
"Mao Trạch Đông
ngàn năm công tội"
Tác
giả: Tân
Tử Lăng,
nguồn : Diễn
Đàn –
Forum
Phan Huy Đường
Một tiểu thuyết giang hồ dã sử thú vị. Có lúc như đọc Tam Quốc Chí, từ tựa chương mục tới lời bình kiểu Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương. Nhưng nghệ thuật xây dựng truyện, dẫn dắt lời kể, tác tạo nhân vật và văn phong thì… thua xa. Liên tưởng tới Kim Dung chắc khớp hơn : cũng có những anh hùng hảo hớn bỗ bã siêu việt, những âm mưu đen tối khó lường, cũng đầy tình tiết éo le, bất ngờ, những chân kinh huyền bí, những giải mã trời ơi đất hỡi, những giảng dạy biết rồi khổ lắm nói mãi, et tutti quanti.
Cốt truyện thế này. Mao Sushi – thứ thiệt đó, ruột cá hồng, vỏ xôi trắng, tổng thể là gì, bố ai biết được, ngoài Tân Tử Lăng – lên nắm chính quyền năm 1949, được Xtalin Giáo Chủ ve vãn, phong làm đệ nhị anh hùng của Cộng Sản Giáo thế giới. Mao Đại Hiệp liền mơ hão : Ta sẽ là đệ nhất anh hùng, Giáo Chủ của phong trào Cộng Sản thế giới, Minh Chủ võ lâm, sau khi Xtalin chết. Đây là lý do cơ bản khiến lịch sử cách mạng Trung Quốc sang trang, giang hồ sóng gió.
Mao Đại Hiệp bèn ra tay chứng minh với thiên hạ rằng mình xứng đáng với ngôi vị đó :
1/ Mao Đại Hiệp sai Bành Đức Hoài đánh Mỹ tại Đại Hàn. Bành Đức Hoài cầm chân được Mỹ ở vĩ tuyến 38. Qua đó Mao Đại Hiệp chứng minh với đời : Ta không sợ Mỹ, Ta đủ sức đánh ngang tay với Mỹ. Kèm theo, còn có âm mưu đen tối này : dùng Đại Hàn làm trận địa còn hơn phải đánh Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc, dùng anh Bắc Hàn làm bia đỡ đạn.1
2/ Năm 1953, Xtalin Giáo Chủ quy tiên, Mao Đại Hiệp tự tiện kế vị. Nhưng người đời chẳng mấy ai công nhận. Mao Đại Hiệp phải ra tay giành cương vị ấy. Sau khi đã biểu diễn võ công trác tuyệt tại Đại Hàn, đã đến lúc Mao Đại Hiệp phải thi thố văn tài. Mao Đại Hiệp bèn xé bỏ cương lĩnh giang hồ thời cách mạng dân tộc dân chủ, phát huy chân kinh Mác–Lenin–Tư-tưởng-Mao-Trạch-Đông, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chứng minh với đời rằng Ta xây dựng thiên đường nơi trần thế nhanh hơn, giỏi hơn cả Xtalin, Ta xứng đáng là Giáo Chủ của Cộng Sản Giáo. Vì Mao Đại Hiệp zốt kinh tế học, chưa luyện qua Tư Bản Luận Thánh Kinh, nên kết quả hỡi ơi : Đại Tiến Vọt và Công Xã Hoá sập xuồng, 37,55 triệu người chết đói, kinh tế sụp đổ.
3/ Vì sợ mang tiếng nghìn thu, Mao Giáo Chủ giở trò Ma Giáo.
a/ Nhử Tả Sứ Lâm Bưu theo mình làm Đại Cách Mạng Văn Hoá, tiêu diệt Hữu Sứ Lưu Thiếu Kỳ và bè lũ (80% giáo trách), đẩy giang hồ vào cơn dông bão 10 năm.
b/ Đưa Giang Thanh Quái Bà Bà và Tứ Quỷ Bang lên vũ đài, tiêu diệt Lâm Bưu Tả Sứ, bỏ chết Chu Ân Lai thừa tướng (sau này).
c/ Dùng Hoa Quốc Phong làm bù nhìn che mắt thiên hạ. Dụ dỗ Chu Ân Lai thừa tướng rồi Hộ Pháp Vương Đặng Tiểu Bình đỡ đầu cho Giang Thanh Quái Bà Bà làm Lã Hậu.
Tất cả để thực hiện âm mưu gia đình trị : truyền ngôi Giáo Chủ cho vợ là Giang Thanh Quái Bà Bà, rồi truyền ngôi ấy cho cháu Mao Viễn Tân Thiếu Hiệp, với trách nhiệm viết lại lịch sử, bảo vệ thanh danh muôn đời cho Mao Đại Hiệp. Chỉ hai thế hệ là xong.
Lôgic vận động của "Lịch Sử", sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiểu thuyết này chỉ có thế thôi.
Thế mà viết thành một tiểu thuyết hấp dẫn ! Tài thật.
Có lẽ vì nó nêu nhiều sự kiện trong lịch sử cận đại của Trung Quốc mà ai cũng quan tâm, nhưng không ai khẳng định được thực hư thế nào vì thiếu tài liệu lịch sử đáng tin cậy. Chính tác giả cũng phải phàn nàn về điều ấy, để rào trước những chất vấn ? Hiếm lắm tác giả mới cung cấp được bằng chứng về những chuyện mình kể, và khai thác chúng liền :
"Theo tư liệu ghi chép của Mao Viễn Tân và Trương Ngọc Phượng, ngày 15-7-1976, Mao Trạch Đông gặp Mao Viễn Tân, Hoa Quốc Phong, Giang Thanh, Uông Đông Hưng, Trương Ngọc Phượng, đưa ra danh sách Thường vụ Bộ Chính trị sau Mao, theo trình tự: Mao Viễn Tân, Hoa Quốc Phong, Giang Thanh, Trần Tích Liên, Kỷ Đăng Khuê, Uông Đông Hưng, Trương Ngọc Phượng."
Nhưng chắc chắn truyện hấp dẫn nhờ tài và kỹ thuật viết tiểu thuyết của tác giả : rất phù hợp với văn hoá quần chúng Tàu nói chung, văn hoá chưởng nói riêng.
Đọc những câu văn sau :
"thông qua Đại cách mạng văn hoá, Mao hầu như đã trị hết các công thần danh tướng."
"Các vị vua “hùng tài đại lược” trong lịch sử đều không từ thủ đoạn nào để củng cố ngai vàng của họ. Chu Nguyên Chương hầu như đã giết sạch các công thần giúp ông ta dựng nên nghiệp lớn."
ắt nhớ "truyện Tàu."
"Năm 1938 khi Giang Thanh kết hôn với Mao Trạch Đông, Bộ Chính trị đã có quyết định cấm Giang Thanh trong 20 năm không được giữ chức vụ nào trong đảng, không được dính líu đến vấn đề nhân sự và tham gia sinh hoạt chính trị."
Thế đấy, từ Đắc Kỷ qua Bao Tự, tới Từ Hi Thái Hậu, các triều đại Trung Quốc đều tiêu vong vì mấy nàng tiên mà !2
"Trước cuộc họp, Mao gọi Chu Ân Lai, Đào Chú, Trần Bá Đạt, Khang Sinh đến hỏi ý kiến về người thay thế Lưu Thiếu Kỳ. Mao và 4 người viết tên người đó lên bàn tay mình, khi mở ra, tất cả đều một chữ “Lâm”".
Bạn đọc còn nhớ Chu Du và Khổng Minh tại trận Xích Bích không ?
"Lưu nhận trách nhiệm về “sai lầm đường lối” lần này. […] Ông cũng xin từ chức Chủ tịch nước và uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, cùng vợ con về quê làm ruộng…"
Bạn còn nhớ chuyện Trần Bình – Lưu Bang không ?
"Trong cuộc họp Bộ Chính trị hạ tuần tháng 4, Mao nói trước mặt Lâm Bưu và 4 tướng Hoàng, Ngô, Lý, Khưu: “Tôi không làm Chủ tịch nước, cũng không đặt chức danh Chủ tịch nước. Tôn Quyền khuyên Tào Tháo làm Hoàng đế, Tháo nói Tôn Quyền muốn nướng ông ta trên lò lửa. Tôi khuyên các ông đừng coi tôi là Tào Tháo, và các ông cũng đừng làm Tôn Quyền”."
Hết xảy.
Đầu năm 1972, Mao trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo, đã có lúc hôn mê. Sau sự kiện này, sức khỏe của ông không hồi phục được nữa. Khi tình huống nguy cấp đã qua, Mao liền biểu diễn màn kịch “trao quyền bên giường bệnh”, cài bẫy Chu Ân Lai. Theo những người có mặt kể lại: Mao ngoảnh đầu về phía Chu:
- Tôi không qua khỏi được rồi, tất cả dựa vào ông.
Chu nói ngay:
- Sức khỏe của Chủ tịch không có vấn đề lớn, vẫn phải dựa vào Chủ tịch.
Mao lắc đầu:
- Hỏng rồi, tôi không qua khỏi được nữa rồi. Sau khi tôi chết, mọi việc do ông lo liệu.
Giang Thanh đứng bên trợn tròn mất, hai tay nắm chặt, toàn thân như sấp nổ tung.
Chu Ân Lai thu đôi chân lại, tay đặt trên đầu gối, ngồi thõng lưng, hơi ngả về phía trước, như đông cứng lại. Những câu nói trên của Mao rõ ràng là trao cho Chu quyền quản lý đảng, chính quyền và quân đội, mà lại nói trước mặt Giang Thanh. Mao nói tiếp:
- Quyết định thế nhé, các người thực hiện đi.
Một con người được tôi luyện về chính trị như Chu Ân Lai tất nhiên không nhẹ dạ tin vào lời hứa trao quyền của Mao như Lâm Bưu. Nếu thật sự muốn trao quyền, Mao phải triệu tập cuộc họp Ban chấp hành trung ương, ít nhất là Bộ Chính trị, tuyên bố trước mọi người, rồi Trung ương ra nghị quyết tương ứng, mới có giá trị. Đóng kịch trước giường bệnh, trước mặt Giang Thanh, lão Mao già dặn kinh nghiệm muốn gì? Chu Ân Lai biết câu trả lời Mao chờ đợi ở ông là “Tôi kiến nghị trong thời gian Chủ tịch lâm bệnh, để đồng chí Giang Thanh làm Quyền Chủ tịch. Tôi sẽ phụ tá đồng chí Giang Thanh như phụ tá Chủ tịch”.
Có khác gì cảnh Lưu Bị "thử lòng" Không Minh trên giường bệnh ở Bạch Đế Thành ? Còn "siêu" hơn nhiều : tác giả Tam Quốc chỉ kể chuyện thôi, nhường cho Mao Tôn Cương bình luận. Tân Tử Lăng thủ luôn cả hai vai, thế mới tài. Hè hè…
"Mao cho Giang với thân phận tôn quý “Lã Hậu” đến phủ Đặng nhận sai lầm, là muốn xin ông đóng vai “Tiêu Hà” thời nay."
Bạn chưa quên chuyện Tiêu Hà phụ tá Lã Hậu giết Hàn Tín, cai quản triều đình sau khi Lưu Bang chết chứ ?
Nội thế thôi đã hấp dẫn quá rồi. Nhưng có lẽ điều hấp dẫn nhất do tài "hành văn" của Tân Tử Lăng. Phải so sánh với Kim Dung mới xứng.
Tân Tử Lăng có nội công uyên bác thâm hậu chưa từng thấy. Chàng có cặp mắt thần, từ xa tít mù tắt mà nhìn rõ được từng hành vi của các nhân vật lịch sử khó gặp này :
"Mao bước ra khỏi phòng đi bách bộ quanh vườn trúc, trầm ngâm suy nghĩ, 36 kế lướt nhanh trong đầu."
Không chỉ thế, chàng thính tai kinh hoàng, nghe được cả sự im ắng :
"Cả hội trường bỗng im ắng tới mức đáng sợ. Những người có mặt lắng tai nghe, không để lọt một chữ nào. Một tiếng ho của Mao Trạch Đông làm rụng đoạn tàn thuốc lá dài trên tay ông, phá vỡ sự im lặng trên hội trường, […] "
Nhưng vẫn chưa đáng nể bằng :
Mao tính toán: hãy để các người khôi phục sản xuất, đợi khi khó khăn trước mắt qua đi, không để các người kịp thanh toán ba ngọn cờ hồng, ta sẽ ra tay trước, phát minh lý luận mới, tổ chức lực lượng mới, phê phán các người hữu khuynh, đi con đường tư bản chủ nghĩa, khiến các người rơi vào thế bị động, trở tay không kịp.
Té ra, nhờ võ công Nhập Tâm Đại Tà Tà Siêu Thực Pháp, Tân Tử Lăng có khả năng đi guốc trong đầu Mao Đại Hiệp !
Vẫn chưa thấm thía vào đâu cả, chàng đi guốc ngay trong lòng Mao Đại Hiệp :
"Hôm ấy, sau bữa trưa, Mao thấy bồn chồn không yên: […]"
Và đây mới là hình thái hậu hiện đại của môn võ công độc nhất vô nhị này, nó cho phép tác giả thần giao cách cảm với da thịt của Mao Đại Hiệp, kể cả sau khi Mao Đại Hiệp đã… chết :
"Mỗi khi nghĩ đến điều này, Mao rùng mình ớn lạnh."
Nhưng đó vẫn chưa phải đỉnh cao của môn Nhập Tâm Đại Tà Tà Siêu Thực Pháp. Nó còn cho phép Tân Tử Lăng đi guốc vào "tiềm thức" của mọi người :
"Trong tiềm thức, đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng cảm thấy chỉ có tín ngưỡng vô hạn, sùng bái vô hạn Mao Trạch Đông, thì mới có an toàn chính trị cho bản thân và gia đình. Một cao trào sùng bái cá nhân mang tính chất toàn dân vừa bị ép buộc, vừa tự nguyện, như một dòng thác lũ tràn ngập nước Trung Hoa."
Đọc tác giả uyên thâm đến thế, không mủi lòng sao được ? Đại văn hào đã hào phóng rủ ta ngồi bên cạnh chàng, thủ vai thượng đế, chiêm ngưỡng các con rối kia múa máy, từ trong tâm linh, trí não, đến tận da thịt. Sướng hết xảy, hè hè ! Để cùng nhau – nghệ thuật là quyến rũ mà – kết luận :
"Ông ta muốn thực hiện đế chế dưới danh nghĩa cách mạng, quả thật không nói ra được, mà nói ra cũng danh không chính, ngôn không thuận. Do đó, ông ta dùng hàng tràng lý luận cách mạng, “bố trí chiến lược vĩ đại” lần này đến lần khác, các phong trào chính trị triền miên, các âm mưu quỷ kế nối tiếp, giấu kín ý đồ thật sự của mình, làm cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân xoay như chóng chóng chạy theo ông ta, để đạt mục đích đen tối của mình."
Thế thì những tay hùng lược như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, et tutti quanti đều chỉ là những con rối xoay như chong chóng trong bàn tay của một gã phù thuỷ. Không còn là Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở tranh hùng hay Tam Quốc Chí nữa. Chỉ là Thuỷ Hử thôi. Đúng hơn, là truyện chưởng Kim Dung.
Câu văn sau đáng làm mẫu mực cho "nghệ thuật" hành văn kiểu này. Mời bạn thưởng thức và đố bạn biết đó là lời tường thuật của sử gia, suy luận của triết gia hay là tâm tư thầm kín đen tối của Mao Đại Hiệp ?
"Lâm Bưu mang tính cách một nhà quân sự, chỉ có thắng bại, không có thoả hiệp, chiết trung. Nhớ3 lại thời chiến tranh giải phóng, Lâm và Bành Chân bất đồng về phường châm chiến lược. Bành Chân khi ấy là uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Cục Đông Bắc, Chính uỷ Liên quân Dân chủ Đông Bắc, sau lưng có Lưu Thiếu Kỳ ủng hộ. Lâm tuy là Tư lệnh Đông Bắc, nhưng trong Đảng chỉ là uỷ viên Trung ương. Cuối cùng báo cáo Mao Trạch Đông, Mao quyết định cử Lâm Bưu làm Bí thư Cục Đông Bắc, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên quân Dân chủ Đông Bắc, Bành Chân bị giáng xuống làm Phó Bí thư kiêm Phó Chính uỷ. Sau giải phóng, từ Đàm Chính đến La Thuỵ Khánh, ai trái ý Lâm Bưu, người đó gặp vận đen4. Giang Thanh. Trương Xuân Kiều là cái thá gì? Dựa vào mụ đàn bà và mấy gã cầm bút liệu có ngăn nổi dòng thác toàn đảng, toàn quân và toàn dân phản đối Đại cách mạng văn hoá không? Liệu cố bịt nổi miệng thế gian, không cho người ta tính sổ nợ làm chết đói mấy chục triệu người không?5 Chỉ có dựa vào Lâm Bưu này, dựa vào Dã chiến quân thứ 4 của ta6, không được Lâm Bưu ủng hộ thì không có Đại cách mạng văn hoá, không có vị trí tối cao của Mao Trạch Đông ngày nay. Trần Bá Đạt nói đúng: Mao không thể chỉ cần vợ, không cần người kế tục.7"
Trong cả pho chưởng thi vị này, chỉ có một nhận định đáng suy ngẫm :
"Tội phạm hàng đầu tạo ra vụ án oan Bành Đức Hoài đương nhiên là Mao Trạch Đông, nhưng không chỉ có ông ta, mà là hợp lực lịch sử của một thể chế, một truyền thống, một nền văn hoá. Chính Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Hạ Long, Đào Chú, La Thuỵ Khanh, Lý Tỉnh Tuyền trong mấy năm sau đó lại bị hợp lực lịch sử không thể kháng cự mà họ đã góp phần tăng cường ấy làm cho thân tàn ma dại, tan cửa nát nhà."
Tiếc thay, trong cả pho truyện không có những suy luận cho phép ta hiểu nội dung cụ thể của nhận định chung chung này. Chán thật.
Quyển sách này gồm hai phần rõ rệt. Phần tiểu thuyết giang hồ dã sử và phần lý luận chính trị – kinh tế về lịch sử Trung Quốc từ 1949 đến hôm nay.
Phần tiểu thuyết giang hồ dã sử dùng để minh hoạ phần lý luận.
Phần lý luận cũng rất thi vị, tuy hơi bị "nhức đầu" nhưng có thể bổ ích, tuy zui zui nhưng chẳng thể nỡ cười bò ra được. Vì tác giả, mặt nào đó, rất chân thành. Trong lĩnh vực này, đời nay, lòng chân thật có thể rất nguy hiểm nhưng vẫn là của quý, đáng quan tâm, đáng tìm hiểu.
Nếu tôi có can đảm đọc lại, sẽ xin hầu chuyện độc giả trong một kỳ sau.
PHĐ
2010-06-02
1 Món này, sau này, bàn dân Ziao Chỉ Quốc cũng được nếm mùi hai lần : lần đầu tại Hội Nghị Genève ; lần sau, khi Mao Đại Hiệp khuyên lĩnh tụ Ziao Chỉ trường kỳ du kích với Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Theo truyền thuyết Ziao Chỉ.
2 Sao ta muốn vì các nàng tiêu vong quá ! Hè hè…
3 ai đang nhớ thế này ?
4 Món này thì chỉ có thể là của Tân Tử Lăng thôi. Đời nào Mao lại cho rằng mấy anh hùng hảo hớn kia bị vận đen !
5 Đây là tư duy của Tân Tử Lăng hay của Mao Đại Hiệp ? Nếu là của Tân Tử Lăng thì Mao Đại Hiệp chỉ là một con rối trong tay Tân Tử Lăng.
6 Ta là ai đây ? Tại sao chỉ có Dã chiến quân thứ 4 thôi ? Mấy Dã chiến quân khác biến đâu mất rồi ?
7 Món này thì đích thực là của Tân Tử Lăng.
Các thao tác trên Tài liệu