Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tranh chấp Biển Đông Nam Á -III

Tranh chấp Biển Đông Nam Á -III

- Vũ Quang Việt — published 14/12/2010 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Tranh chấp Biển Đông Nam Á:
đi tìm giải pháp hòa bình và công lý
dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế


Vũ Quang Việt

 

Phần III. Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý

 

Về quần đảo Paracels (Hoàng Sa) : giải pháp song phương

Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc và do đó hai nước cần ngồi lại thương thảo hoặc yêu cầu Tòa án Quốc tế phân xử. Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Gia Long và Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền ở đây, với đầy đủ bằng chứng lịch sử được ghi trong chính sử của nhà nước và được người phương tây sống cùng thời ghi nhận qua sách vở được xuất bản. Tuy nhiên vì lo chống Pháp, vua quan Việt Nam đã có thời bỏ lơ, không hành xử chủ quyền như trước. Khi Pháp chiếm Việt Nam, cũng có một thời gian Pháp lơ là không hành xử đúng mức để bảo đảm chủ quyền của Việt Nam ở đó. Thời gian lơ là này đã để ngỏ đảo Woody (Phú Lâm) như đất vô chủ cho tư nhân người Hoa và người Nhật vào khai thác phốt phát vì có lẽ Pháp coi những hòn đảo này là không quan trọng. Khi chính quyền cát cứ ở Quảng Đông tuyên bố chủ quyền năm 1909, và sau đó vào năm 1932, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc gửi công hàm cho Pháp lập luận là Paracels thuộc họ, dựa vào Hiệp định Pháp Thanh năm 1887 phân chia biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Bộ (Tonkin). Họ cho rằng Hiệp định này ghi đảo phía đông kinh tuyến 108.2 là thuộc Trung Quốc, do đó quần đảo Paracels nằm ở phía đông là thuộc họ. Lý luận này sai lầm vì Paracels nằm ở Trung Phần, không thuộc Bắc Bộ (Tonkin) nên không thể là cơ sở của lập luận.[122]

Lập luận đòi chủ quyền của Trung Quốc lúc đó hoàn toàn không dựa trên bằng chứng lịch sử mà sau này và cho đến ngày này chính quyền Trung Quốc và học giả Trung Quốc tìm đủ mọi cách chứng minh một cách không thuyết phục là cả ngàn năm Paracels là đất Trung Quốc.  Mãi đến năm 1933, chính phủ Pháp ở Paris mới chính thức tuyên bố chủ quyền do áp lực của dư luận ở thuộc địa Việt Nam gồm cả người Pháp lẫn người Việt.

Tuy nhiên Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm đảo Pattle (Hoàng Sa) năm 1974 là hoàn toàn không thể chấp nhận được và vi phạm Hiến Chương Liên Hợp Quốc (Điều 2 mục 3) :

Mọi thành viên [LHQ] phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình không gây nguy hiểm đến hòa bình và an ninh của thế giới, và công ly.

All Members shall settle their international disputes by peaceful means in such a manner that international peace and security, and justice, are not endangered.

Việc chiếm cứ bằng bạo lực như thế sẽ vĩnh viễn không bao giờ được người Việt Nam chấp nhận và như thế mãi mãi Trung Quốc sẽ bị coi là kẻ xâm lược đối với dân tộc Việt, nếu không được hai chính phủ ngồi lại thương thảo, xem xét tìm kiếm một giải pháp hợp lý nhất. Tại sao ba lần (1932, 1937, 1947)[123] Trung Quốc từ chối thương lượng với Pháp, hoặc giữa hai bên hoặc thông qua Tòa Án Quốc tế làm trọng tài chỉ có thể hiểu là Trung Quốc không đủ bằng chứng nên sợ thua và do đó không thể dùng bạo lực để kiểm soát Biển Đông Nam Á trong tương lai.


Về quần đảo Spratlys (Trường Sa): giải pháp đa phương 3 bước

Phần trước đã phân tích rằng, trước khi Pháp xuất hiện ở khu vực, quần đảo Trường Sa là khu vực không người ở, là vùng đất vô chủ - terra nullius.

Tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa đã tạo ra một số vấn đề rất phức tạp như sau:

·    Khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Đây là lý do Phi không thể chấp nhận tuyên bố của Pháp năm 1933. Thêm lý do nữa là khi Pháp tuyên bố chủ quyền thì Phi, Mã Lai v.v. lại chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói.

·    Pháp lấy lý do Trường Sa là đất vô chủ để tuyên bố chủ quyền năm 1933 thì điều này không hoàn toàn đúng vì Anh là nước đã tuyên bố chủ quyền trước Pháp ở vài hòn đảo trước đó. Năm 1877, chính quyền thuộc địa Anh ở đảo Labuan (một đảo nhỏ, phía bắc Borneo, do Anh mua lại của Brunei năm 1846) đã cấp giấy phép cho một nhóm doanh nhân và cho phép họ cắm cờ Vương quốc Anh lên đảo Spratly (Trường Sa) và đảo Amboyna Cay (An Bang) để hoạt động thương mại. Hai đảo này đã được đăng ký là lãnh thổ Vương quốc Anh trong những hồ sơ chính thức.[124]  Lúc đó Anh không chính thức phản đối Pháp vì nhu cầu chống Nhật. Điều viết ra ở đây chỉ nhằm nói tới sự phức tạp của vấn đề chứ không ảnh hưởng gì đến tính hợp pháp về tuyên bố chủ quyền của Pháp.

·    Pháp chỉ ghi có 6 đảo, đá ở Trường Sa trong tuyên bố chủ quyền năm 1933.[125] Thực chất là Trường Sa có đến khoảng 170 điểm tự nhiên, với 36 đảo, đá nhỏ tí nhô lên mặt nước, và các bãi cát, v.v.[126] nên ngay việc định nghĩa và xác định nơi cụ thể đã có vấn đến. Vậy chỉ một tuyên bố, liệu Pháp có quyền làm chủ cả những nơi họ chưa biết tới? 

·    Pháp cũng không có đủ tài lực thực hiện chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn như thế cho nên Pháp chỉ có thể kiểm soát được đảo Itu Aba là đảo lớn nhất vào năm 1938, sau đó đảo này bị Nhật chiếm, rồi được Nhật trao lại cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan). 

·    Các đảo đá quá nhỏ (trừ Itu Aba) nên bỏ ngỏ.

·    Sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên phủ, Việt Nam Cộng hòa được Pháp chính thức giao lại Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956.  Còn Trường Sa cho đến nay Pháp vẫn chưa chính thức trao trả.  Tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa coi mình có quyền tiếp nối chủ quyền của Pháp nên cùng thời gian trên gửi quân chiếm một số đảo ở Trường Sa. Các nước khác trong vùng ĐNA cũng tuyên bố chủ quyền và ra sức chiếm những nơi không người.

·    Trung Quốc là nước duy nhất dùng bạo lực để chiếm đảo của Việt Nam vào năm 1988.

Vấn đề phức tạp nhất mà bất cứ một tòa án nào cũng phải xem xét ngoài thực tế phức tạp vừa nói trên còn là hai câu hỏi:

·    Liệu một đế quốc hùng mạnh như Pháp có sức đe dọa nhiều nước kém phát triển ở ĐNA đang bị cai trị mà chỉ một câu tuyên bố chủ quyền ở một vùng đất vô chủ là có thể làm chủ tất cả các hòn đảo ở Biển ĐNA, dù chính Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi, và lại bị Nhật phản đối?

·    Lợi ích sẽ được định như thế nào trên một khu vực rộng lớn mà kết cấu hầu hết là đá? Ngay cả Itu Aba cũng chưa chắc đã đủ tư cách pháp lý để được coi là đảo. Và dù được coi là đảo, dựa vào các tiền lệ xử án của Tòa án Quốc tế đảo này cũng có thể sẽ không có hoặc bị hạn chế quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy thì dù có chủ quyền, lợi ích có thể có ở các đảo đá này cũng có thể rất nhỏ. Và trước hết, lợi ích này cũng không thể thực hiện được khi chưa có giải pháp.   

Việt Nam có thể dùng lý luận thừa kế hợp pháp các yêu sách chủ quyền của Chính phủ Pháp năm 1933 để yêu sách. Tuy nhiên điều này sẽ không bao giờ đưa đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Biển Đông.

Sẽ là một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan nếu bỏ sang một bên thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở ĐNA. Và dù không bỏ qua thì các đảo đá ở Trường Sa theo công pháp quốc tế khó lòng cho phép một nước làm chủ một vùng biển lớn chung quanh.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của vấn đề. Yêu cầu quan trọng nhất là Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với vùng nước cũng như các tài nguyên liên quan trong đường ranh giới 9 đoạn hình chữ U tại biển ĐNA, tuyên bố hoàn toàn không thể được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế.

Không nghi ngờ gì khi bất kì tòa án quốc tế nào cũng sẽ từ chối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Và cũng không nghi ngờ gì khi việc áp đặt đòi hỏi chủ quyền với hơn 80% diện tích biển Đông Nam Á như vùng nội thủy của Trung Quốc sẽ chịu sự phản đối không chỉ từ các quốc gia ĐNA mà còn từ tất cả các cường quốc trên thế giới vì nó vi phạm Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.

Việc đưa ra yêu sách bằng vũ lực có vẻ không phải là khả năng có thể xảy ra trừ khi Trung Quốc bằng cách nào đó trở thành một quốc gia phát xít. Nếu điều này xảy ra thì đó là điều thật không may mắn cho hòa bình khu vực và hòa bình thế giới, các quốc gia trong khu vực không xem nhẹ khả năng ít có thể xảy ra đó khi việc đầu tư một cách lãng phí cho quân sự đang được tiến hành khá nhanh chóng.

Sau khi Trung Quốc bỏ yêu sách biển nằm trong đường chữ U, các nước có thể tiến hành đàm phán. Cuộc đàm phán này sẽ không đòi hỏi các nước tham gia đàm phán phải chấp nhận một điều kiện gì khác hơn là Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 (LBLHQ).  Việc bỏ qua quá khứ thực dân được nói đến ở trên hoàn toàn không phải là điều kiện. Tất nhiên cuộc đàm phán cũng phải xem xét đến hồ sơ của từng nước để đạt được công lý và công bình.

Có 3 bước để triển khai.

Bước đầu tiên là đạt được một thỏa thuận, về nguyên tắc, về bản chất của kết cấu tự nhiên ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chưa cần quyết định nước nào có quyền sở hữu các đảo nhỏ, rạn san hô, đảo san hô… để xem liệu chúng nên được xác định là các đảo hay các đảo đá theo Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc (LBLHQ) .[127]  Trọng tài quốc tế hoặc là một ủy ban quốc tế với các chuyên gia về Luật biển có thể hỗ trợ được trong việc này.

Bước thứ hai là có một giai đoạn tạm ngừng (đồng nghĩa với việc không khai thác tài nguyên trong và xung quanh khu vực các quần đảo này tính dựa theo thỏa thuận ở bước đầu) cho tới khi quyền sở hữu của các cấu trúc tự nhiên này được xác định. Một đảo (island) được định nghĩa theo LBLHQ sẽ được hưởng vùng đặc quyền kinh tế với diện tích hạn chế dành cho các đảo nhỏ, trên cơ sở tiền lệ phán quyết của tòa án công lý quốc tế. Các đảo đá (rocks) không có vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng bước này cho các nước khai thác các vùng nằm ngoài vùng tranh chấp.

Bước thứ ba là giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA.

Một giải pháp cho xung đột biển ĐNA ít nhất phải dựa trên cơ sở LBLHQ. Theo đó, một quốc gia ven biển có thể mở rộng chủ quyền của mình ra ngoài vùng lãnh thổ đất liền và vùng nước nội thủy sang vùng tiếp giáp, được mô tả như vùng lãnh hải được tính từ đường cơ sở (Điều 2 và Điều 5). Vùng lãnh hải không rộng quá 12 hải lý (Điều 3).

Nhằm cho phép các quốc gia ven biển sở hữu nhiều tài nguyên thiên  nhiên gắn với vùng đất có chủ quyền hơn, sau nhiều cuộc tranh luận giữa các quốc gia, các nước được phép có quyền chủ quyền với mục đích khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (điều 56). Vùng đặc quyền kinh tế có thể kéo dài thêm dựa cả trên thềm lục địa của bờ biển của quốc gia đó, đường cơ sở. Nếu tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên tuyên bố của quốc gia khác, xung đột phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại. Tại vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia có quyền chủ quyền nhằm (sovereign rights for) mục đích khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng không có chủ quyền (sovereignty). Luật Biển LHQ phân biệt hai quyền: quyền chủ quyền nhằm..chủ quyền. Khi có chủ quyền, nước có chủ quyền có thể cấm tàu bè và máy bay đi qua, hoặc bắt các nước không có chủ quyền phải xin phép và chịu sự kiểm sóat và hạn chế nhất định. Quyền chủ quyền nhằm… chỉ là quyền khai thác kinh tế. Nhưng ở đây, Trung Quốc cho rằng nước có Quyền chủ quyền nhằm…khai thác kinh tế ở vùng đặc quyền kinh tế cũng có quyền cấm tàu quân sự đi qua, như đã định làm nhiều lần với tàu Mỹ.

Do đó, mỗi quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và trên không không hạn chế trong vùng đặc quyền kinh tế trừ khi các hoạt động này cản trở hoặc gây hại việc thực hiện quyền chủ quyền của chủ sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Ngay cả ở vùng lãnh hải, việc bay qua không phận thì không được phép nhưng việc đi lại không gây hại lại được phép theo LBLHQ.

Theo LBLHQ, có vẻ hầu hết các kết cấu tự nhiên trong các vùng biển ĐNA này là các đảo đá, không phải là đảo. Điều 121 xác định các đảođảo đá như sau:

(1)      Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

(2)      Trừ khi phải tuân thủ khoản (3), lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

(3)      Những hòn đảo đá là nơi không thể tự nó duy trì như nơi cư trú hay đời sống kinh tế của con người, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế hay thềm lục địa.  

Vào thời điểm các nước đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển ĐNA, tức là vào đầu thế kỉ 19, thậm chí các đảo nhỏ dù luôn nổi lên trên mặt nước vào lúc thủy triều lên và được bao bọc bởi một số đất và cây cối cũng không thể tự nó đảm bảo sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế của riêng họ, và do đó, cũng rất có thể được xem là các đảo đá tại Tòa án Công lý Quốc tế. Tòa án Công lý Quốc tế sẽ xem xét cả thời điểm yêu sách được đưa ra, chứ không phải chỉ xem xét trên cơ sở thời điểm hiện tại hay tương lai của cuộc tranh chấp khi một nước yêu sách đã có năng lực kinh tế khai thác tài nguyên thiên nhiên như đánh bắt cá, khai thác dầu, từ đó có thể xuất khẩu để mua các nhu yếu phẩm hằng ngày đảm bảo duy trì dân số.

Đảo đá chỉ có vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý.

Đá ngầm (reefs) ở dưới mực nước biển vào lúc thủy triều thấp theo điều 6 rõ ràng không được tính như là các đảo đá và không thể có vùng lãnh hải. LBLHQ viết về các đá ngầm như sau:

“Trong trường hợp các đảo nằm trên san hô hay các đảo có đá ngầm ở ven bờ bao quanh, thì đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cùng của các mỏm đá, như đã được thể hiện trên các hải đồ được quốc gia ven biển chính thức công nhận”.

Đó là lý do tại sao, theo điều 60, các đảo nhân tạo và các thiết bị, công trình không được hưởng quy chế đảo:

“Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”.  

Hiện nay nhiều nước đã xây dựng các đảo nhân tạo trên các đảo đá ở biển ĐNA với hy vọng sẽ đòi được vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế, nhưng điều 60 của LBLHQ đã loại bỏ chúng.

Nhìn chung, như đã nêu ở trên, hầu hết các cấu trúc tự nhiên ở biển ĐNA có thể sẽ được Tòa án Công lý Quốc tế phán quyết là các đảo đá và do đó, chúng chỉ có vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý.

Ngay cả khi được coi là đảo, Tòa án Công lý Quốc tế cũng sẽ hạn chế không gian của vùng đặc quyền kinh tế trong các cuộc tranh chấp về các vùng đặc quyền kinh tế (và do đó cả thềm lục địa) khi hai nước có bờ biển đối nhau và khi đường trung tuyến được sử dụng để phân định ranh giới trên biển. Clagget [128] đã phân tích sâu vấn đề này và chỉ ra rằng các đảo nhỏ sẽ bị bỏ qua , không được coi là căn cứ để xác định đường trung tuyến vì công bằng và cân xứng là các nguyên tắc được Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra độc lập với LBLHQ để xác định trung tâm của đường ranh giới trên biển. Một vài nhận định của Clagget dựa trên các quyết định trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế, ví dụ như:

 

Trong trường hợp các bên quốc gia tranh chấp nhìn đối diện nhau qua vùng nước (quốc gia đối diện), thay vì liền kề nhau trên cùng một bờ biển (quốc gia liền kề), tòa án sẽ bắt đầu công việc của mình bằng các xây dựng, giống như một đường ranh giới dự kiến, một đường trung tuyến giữa hai quốc gia.

Hơn nữa, với các quốc gia đối diện nhau, việc sử dụng đường trung tuyến nhìn chung thường đảm bảo một kết quả phân định công bằng và cân xứng. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó giải thích trong quyết định đầu tiên về thềm lục địa trong Các Vụ Thưa kiện về Thềm Lục địa ở Biển Bắc như sau: “Với khu vực thềm lục địa trải dài và chia cắt, các quốc gia đối diện nhau có thể tuyên bố chủ quyền của mình trên cơ sở đường kéo dài tự nhiên của lãnh thổ. Những đường kéo dài gặp nhau và chồng lấn, và do đó, có thể được phân định bằng cách sử dụng đường trung tuyến ở giữa; và, bỏ qua sự hiện diện của các đảo nhỏ, đảo đá và các chỗ nhô ra nhỏ ở ven biển, có thể được loại bỏ sự phân chia méo mó bất cân xứng bằng các cách  khác, đường phân chia phải có hiệu lực phân chia công bằng một khu vực cụ thể có liên quan… Vụ thưa kiện loại này do đó sẽ khác với loại trường hợp các quốc gia liền kề cùng chung bờ biển và không có đường bờ biển đối diện trực tiếp ngay trước mặt, và không đặt ra cùng một loại vấn đề….”

“Trường hợp khác, ở Guinea/Guinea-Bissau, tòa án đã vẽ đường ranh giới hoàn toàn bỏ qua sự hiện diện của các đảo nhỏ trong trường hợp nó không gây ra sự méo mó hay bất cân xứng.”

“Quy định là các đảo nhỏ, đặc biệt là các đảo không người ở, không có giá trị kinh tế đáng kể và nằm cách xa đất liền của nước sở hữu chúng, thì sẽ bị bỏ qua, không được xem là điểm cơ sở để xác định đường trung tuyến như đã nêu một phần trong điều 121 (3) của Công ước, theo đó, “các đảo đá không thể tự nó duy trì như nơi cư trú hay đời sống kinh tế của con người thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.”

Nếu các đảo nhỏ nằm trong vùng biển được trao [quyền] cho quốc gia khác, các đảo này sẽ bị bỏ qua như là điểm cơ sở xác định đường trung tuyến và giới hạn trong khoảng 12 hải lý.” 

Mặc dù các tranh chấp ở biển ĐNA rất phức tạp, việc chấp nhận phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế không nghi ngờ gì sẽ dẫn tới một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan, nhưng phải được sự chấp thuận trước của tất cả các nước sở hữu các đảo nhỏ, đảo đá.. ở biển ĐNA.

Một lối thoát trong bước 3 để giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA bao gồm 2 lựa chọn:

  1. Tất cả các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA nên được xem là tài sản chung của tất cả các quốc gia có bờ biển giáp với biển ĐNA. Nguồn thu nhập ròng từ tài nguyên trong biển ĐNA nên được phân chia theo tỷ lệ tương ứng với quy mô của đường cơ sở thẳng ven biển của mỗi quốc gia.

  2. Các nước có chủ quyền đối với những điểm mà họ đang chiếm giữ, nhưng chỉ có đảo đá và đảo nhỏ có vùng lãnh hải 12 hải lý.

Clagett[129]  cũng tiến hành một nghiên cứu mang tính thử nghiệm trong việc phân chia dựa trên đường bờ biển của các quốc gia liên quan và bỏ qua tất cả các kết cấu đả ở biển ĐNA. Điều quan trọng cần nhắc là các đường bờ biển này do Clagett giả định cần được kiểm tra lại, nhưng nó cũng cho thấy định hướng về một giải pháp công bằng và hợp lý cho xung đột ở biển ĐNA. Quan trọng hơn thế, nghiên cứu này dựa việc phân lợi ích cho toàn Biển ĐNA, bỏ qua ai là chủ nhân các đảo Paracels và Spratlys.

Việc tổ chức phân chia lợi ích có thể thông qua một cơ quan đa quốc gia quản lý vùng biển ĐNA do các nước có biên giới với biển ĐNA tổ chức ra. Để tạo đoàn kết giữa các nước ASEAN, một phần lợi ích có thể đem chia sẻ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại cho các nước trong khu vực không có biển. 

 

Chiều dài bờ biển tương ứng (hải lý)

Tỷ lệ trong tổng chiều dài bờ biển

Diện tích đáy biển được giao (hải lý vuông)

Tỷ lệ phần trăm đáy biển

Trung Quốc

789

29.9

191,819

26.2

Indonesia

35

1.3

28,086

3.8

Malaysia

510

19.4

92,732

12.8

Philippines

667

25.3

221,896

30.3

Việt Nam

635

24.1

196,582

26.9

 

PHỤ LỤC

Niên đại các sự kiện lịch sử liên quan đến Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratlys) với chú giải

 

....

Các bản đồ và các tài liệu từ thời Hán liên quan đến hai khu đảo. Coi trong bài viết. .

Nhà Minh (1368-1644)

Kê Lung Sơn (Ji Long Shan, 雞籠山) là tên cổ của Đài Loan ngày nay, vào thời nhà Minh cũng không được coi là thuộc Trunq Quốc, mà Minh Sử ghi vào phần nước ngoài. Đảo to như thế, lại gần lục địa mà vẫn chưa được coi là thuộc cương vực Trung Quốc thì khó lòng các đảo nhỏ và xa xôi như Hoàng Sa và Trường Sa lại được để ý tới. 

Năm 1624, Hà Lan chiếm Đài Loan làm thuộc địa, và đưa người Hoa từ lục địa sang làm việc.

Nhà Thanh (1644-1912)

1662, Trịnh Thành Công (Zheng Cheng-gong, 郑成功) người trung thành với nhà Minh đánh bại người Hà Lan. Lực lượng này sau đó bị nhà Thanh đánh bại năm 1683 , Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc. 

Tháng 1/1789

Nguyễn Huệ xưng danh Hoàng Đế Quang Trung, thay vì chỉ xưng vua sau khi đánh bại đoàn quân xâm lược nhà Thanh, ước khoảng 200.000. Cuộc xưng vương này là hành động tượng trưng nhằm chứng tỏ rằng Việt Nam là quốc gia độc lập với Trung Quốc

1802

Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất Việt Nam và lập ra nhà Nguyễn.

1816

·        Vua Gia Long, cũng theo bước chân Quang Trung, xưng danh Hoàng Đế. Cắm cớ trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Sự kiện này được Giám mục Bishop Jean Louis ghi lại trong quyển sách Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes, xuất bản năm 1833. Phần trích và dịch có trong bài chính.

·        Hành động của vua Gia Long và quần đảo Hoàng Sa (Paracels) cũng được Jean Baptiste Chaigneau ghi lại trong  Memoire Sur La Cochinchine (1769-1825), viết trước năm  1825 (năm ông chết) và được xuất bản năm 1925 trong Bulletin Des Amis du Vieux Hue, no. 2, 4, 6. Phần trích và dịch có trong bài chính.

1833, 1834, 1835, 1836

Vua Minh Mạng sai tổ chức độ thủy thủ gửi ra Hoàng Sa xây miếu, trồng cây, vẽ bản đồ. Các việc này đều được ghi trong Đại Nam Thực Lục, chính sử nhà Nguyễn. Phần trích và dịch có trong bài chính. Cho đến nay vẫn chưa rõ kết quả của việc sai vẽ bản đồ như thế nào và để ở đâu.

1847

Đoạn báo cáo này cho thấy tàu đắm ở Hoàng Sa là thường xuyên. Nơi đắm tàu phải là các đảo ở Paracels nhưng phía gần bờ biển Việt Nam nếu trôi dạt tới Việt Nam.  Và việc vua chúa đối đãi tử tế với người đắm tàu cũng rất là bình thường. Từ đó có thể hiểu nhiều nhà hàng hải tây phương coi Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Tạp chí "Allen's Indian mail, and register of intelligence for British and foreign India, China and all parts of the East", Vol.  5, do H. Allen and Co. ở London xuất bản năm1847, ở trang 462 có nó đến thái độ nhân đạo của vua nhà Nguyễn, và so với thái độ mọi rợ của Thuyền trưởng Pháp, M. La Pierre, người tấn công và giết hại cả ngàn người với lý do đòi hỏi nhà vua thả các giám mục Pháp bị bắt, mà bản báo cáo này cho là không đúng sự thật.  Bản báo cáo viết: “Không phải quá lời khi nói rằng không có quốc gia nào ở châu Á lại nhân đạo và rộng rãi với người nước ngoài như dân ở đây…Chỉ trong vài năm qua, đã cho thấy chứng cứ về tính cách này mà Châu Âu văn minh có thể thấy xấu hổ. Thuyền bè nước ngoài liên tục bị đắm và thủy thủ - Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hòa Lan, châu Âu, Ấn độ - bị trôi dạt vào bờ; các thủy thủ đó trong mọi trường hợp đều bị thương, nhưng được đối xử tử tế, với sự thông cảm hiếm thấy…tàu  câu Castle Huntley, trọng tải 1500 tấn, bị đắm 16 tháng trước đó ở Paracels, 60 thủy thủ bị trôi đến đàng ngoài, gần như chết, nhưng lại được những sinh vật tử tế này săn sóc rất ân cần; họ được ăn, mặc, chăm nuôi; người yếu được kiệu; lại được phát tiền mua các thứ cần thiết, và nhà vua lại gửi họ lên tàu đi Singapore do chính ông lái.”

“It needs no violence of language to state the fact that, there is no a nation in all Asia so human or generous in their treatment of foreigners, as this people. ….The last few years alone have furnished such illustrations of this characters as might put civilized Europe to the blush. Foreign ships have been repeatedly wrecked, and their crews – French, British, Spanish, Dutch, European sailors and lascars – cast away on that iron-bound but hospitable coast; and the shipwrecked mariners have in every instance not only been uninjured, but treated with a kindness and sympathy perfectly romantic. …The ship Castle Huntley, of 1500 tons , was wrecked only sixteen months ago on the Paracels , and sixty crews of her cast away on the Cochin Chinese coast, more dead than alive, were taken care of by these kind creatures with the utmost tenderness; they were fed, clothed and nursed; the weak were carried in sedan chairs; money were provided for their necessities; and finally, the King sent them down to Singapore in a ship freighted by himself on purpose. “           

1/9/1858

Pháp tất công Đà Nẵng với lý do bảo vệ người Công giáo bị bách hại, mở đường cho quá trình chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Sau Đà Nẵng, Pháp chiếm 4 tỉnh miền Tây, bắt buộc Việt Nam ký hòa ước 1862 nộp 3 tỉnh cho Pháp.  Đây là thời trị vì của vua Tự Đức (1847-1883). Trung Quốc dự định can thiệp vì họ coi Việt Nam là nước chư hầu, nhưng bị Pháp đánh bại trong cuộc chiến tranh ở biên giới, buộc Trung Quốc phải ký hiệp ước Thiên Tân. 

1876-1877

Một tác giả người Hoa viết trên Ming-Pao Nguyệt san (Ming-pao Monthly) cho rằng Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc ở Anh, Kuo Sung-tao, nói rằng Paracels thuộc Trung Quốc và vào năm 1883 chính phủ nhà Thanh đã chính thức phản đối cuộc thám hiểm ở đảo này do Đức tổ chức. [130] Điều này tác giả Samuels nói rằng nội dung phản đối không rõ, không được ghi lại chính thức trong thư khố Anh và do đó không thể coi là tuyên bố chủ quyền.

1877

Anh cho phép công ty tư cắm cờ chủ quyền khai thác hai đảo  Spratly Island và Amboyna Cay ở quần đảo Spratlys (Trường Sa) vào năm 1877.[131]

Tháng 9/1883

Pháp lại tấn công Đà Nẵng và chiếm Thuận An, nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Huế, chấp nhận Nam Việt Nam là thuộc địa Pháp, Bắc và Trung Việt là xứ bảo hộ. [132]

6/ 6/1884

Vua nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Patenotre. Hòa ước này là cơ sở cho chính sách thuộc địa của Pháp ở Việt Nam. Theo Điều 1, “Việt Nam chấp nhận đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Pháp sẽ đại diện Annam trong mọi hoạt động ngoại giao. Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đặt dưới sự bảo vệ của Pháp.[133]

9/6/1885 

Hiệp ước Thiên Tân nhấn mạnh những gì đã ký ngày 11 tháng 3 năm 1884 là,[134] bảo đảm Pháp sẽ rút khỏi Đài Loan để có thương quyền ưu đãi và nhà Thanh phải từ bỏ bá quyền lịch sử ở Việt Nam. (1) Trung Quốc phải lập tức rút quân về phía biên giới Trung Quốc và (2) phải tôn trọng trong hiện tại và tương lai các hiệp ước đã ký hoặc sẽ ký giữa Pháp và triều đình Huế.[135] Việc phân ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam được thực hiện sau đó vào năm 1887. 

26/6/1887

Việc phân định biên giới Trung Quốc và Bắc kỳ (Tonkin) bắt đầu vào cuối năm 1885 và hoàn thành vào năm1887.  Hiệp ước này được ký ở Bắc Kinh vào ngày 26 tháng 6 năm 1887 giữa đại diện Pháp và Trung Quốc. Hiệp định đó có tên “Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin”. Đoạn dịch ở đây rất quan trọng vì chính quyền Trung Quốc và học giả Trung Quốc đã sử dụng nó để cho là Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Điểm quan trọng cần vạch ra là Hoàng Sa nằm ở Trung Phần không thuộc Bắc kỳ (Tonkin), như tên của Hiệp định đã nói rất rõ. Nhiều tác giả trong đó có cả Marwyn S. Samuels, [136] một tác giả có thể coi là khách quan, đã sai lầm trong việc hiểu Hiệp định trên khi cho rằng Lý Chuẩn được gửi ra Paracels (Hòang Sa) là nhằm thực hiện Hiệp ước 1887, nhắc lại những gì Trung Quốc viết cho Bộ Ngoại giao Pháp năm 1932 cho rằng Hiệp định này giao Paracels cho Trung Quốc (coi ghi chú 1932).  Tác giả này và các tác giả khác không phân tích để thấy rằng nếu kéo đường kinh tuyến này dài xuống miền Trung Việt Nam thì nó đi vào cả đất liền của Việt Nam.[137]

Hiệp định đó viết :

« Từ Quảng Đông, các điểm tranh cãi nằm ở phía đông Móng Cái, thêm vào biên giới đã được hai bên khẳng định, có thể coi là thuộc Trung Quốc. Các đảo ở phía đông dọc theo đường kinh tuyến 105°43’ tính từ Paris, tức là theo trục bắc nam, đi qua phía tây đảo Trà Cổ và coi là đường biên giới thuộc về Trung Quốc. Đảo Gotho (Cồn Cổ) và các đảo khác ở phía tây đường kinh tuyến thuộc An Nam”.

From Quangdong, the disputed points lying on the east to the northwest of Mongcai, in addition to the boundary confirmed by the two sides, can be regarded as belonging to China. The islands on the east along the 105°43’ meridian of Paris, i.e. along the north south axis, crossing the west of the island Tch’a Kou or Ouan-Chan (Trà Cổ) and serving as the boundary line also belonged to China. The islands Gotho and other islands on the west of the meridian belonged to Annam.”[138]

17/10/1887

Thiết lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm ba phần của Việt Nam (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ), Cam Bốt và Lào.

1895

Nhà Thanh nhường Đài Loan cho Nhật sau khi thua trận.  Sau Thế chiến Thứ hai, Cộng hòa Dân Quốc trốn chạy ra đảo năm 1949. Nhật chính thức trả Đài Loan cho Trung Quốc sau 1952. [139]

1899

Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer, ra lệnh xây hải đăng ở Hoàng Sa. Việc này không thực hiện được vì thiếu tiền. 

1895 – 1896

Vụ việc La Bellona và Imeji Maru. Hai tàu này bị đắm gần Paracels (Hoàng Sa), một cái năm 1895 và một cái năm 1896. Ngư dân ở đảo Hải Nam, Trung Quốc ra nhặt đồng và tìm cách bán. Công ty bảo hiểm hai tàu này phản đối với chính phủ Trung Quốc (nhà Thanh). Chính phủ Trung Quốc trả lời là Trung Quốc không trách nhiệm vì Paracles không phải là lãnh thổ Trung Quốc mà cũng chẳng phải là lãnh thổ Annam.[140]

1902

Tàu kiểm tra dưới sự điều khiển của đô đốc Lý Chuẩn (Lichun/lizhun) ra Paracels.[141] Nhóm này ra đó cắm cờ, và dựng bia mà Quân Giải phóng Trung Quốc cho rằng họ đã tìm thấy nâm 1979.[142] Marwyn Samuels cho rằng tây phương không để ý đến chuyện này. Bà Chemillier-Gendreau thì cho rằng chuyến đi năm 1909 của Lý Chuẩn mới ra đó dựng cờ và mới kéo dài 1 tháng. Bản báo cáo cho thấy sự hiểu biết về đảo của đoàn này rất sơ sài vì có lẽ chỉ đi qua cho biết. Nếu không thì không có chuyến thứ hai vào năm 1908. Vậy thì cũng nên đánh dấu hỏi và kiểm kê lại tài liệu về hoạt động năm 1902 của Lý Chuẩn.[143] Tuy vậy, nguồn tài liệu của bà Chemillier-Gendreau đưa ra vẫn chưa rõ ràng. Hai tác giả trên có người nói 1909, có người nói 1908. Theo Hoàng Phùng Quân, đọc sách Trung Quốc nói đến Lý Chuẩn Tuần Hải Ký (李 准 巡 海 記) năm Tuyên Thống nguyên niên, tức là năm 1909. Từ đây sẽ dùng ngày này. 

1907

Lo sợ Pháp sẽ chiếm, nhà doanh nghiệp và mạo hiểm Nhật Nishizawa Yoshiji chiếm Pratas Island (Trung Quốc gọi là Đông Sa). Tỉnh trưởng (Governor) Quảng Đông phải trả tiền để chuộc lại đảo. (Đảo này không nằm trong khu vực tranh chấp ngày nay).[144]

1908-1909

Chuyến đi thứ hai mà Quảng Đông tổ chức xảy ra 1909. Tỉnh trưởng Quảng Động sợ Nhật chiếm Paracels (Hoàng Sa) nên đã lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tổ chức chuyến đi ra đó một tháng. Chương trình 8 điểm được dựng lên và được Hoàng đế chấp thuận, coi Hoàng Sa thuộc Hải Nam. Theo Samuels, kế hoạch này vì lý do nào đó đã không được tỉnh trưởng mới thực hiện. [145]   Sự kiện có Hoàng đế TQ chấp thuận được một tác giả người Hoa nói đến nhưng Samuels viết trong ghi chú là “tìm trong các báo cáo thời Quang Tự (光绪, Quangxu, Kuang Hsu), Phổ Nghi (溥仪, Puyi, Hsuan T’ung) khoảng thời gian 1907-09 đều không thấy có quyết định nào của Hoàng đế về việc này….Xem xét các thông báo địa phương (Fang-chih) cũng không thấy”. [146]

Một cuộc viễn hành khác từ Hồng Kông được tổ chức vào 21 tháng 5 năm 1909 để cắm cờ Trung Quốc trên đảo và để tuyên bố chủ quyền. Những hành động này cho thấy khẳng định rằng Trung Quốc đã chiếm cứ và cai trị cả ngàn năm là không đúng sự thật. Đã thật sự cai trị được sao lại liên tiếp sai người ra tìm hiểu về đảo và cắm cờ? [147]

Những sự kiện này chỉ là hành động của chính quyền địa phương, không đại diện cho Trung Quốc.  

1920

Công ty Nhật Mitsui-Bussan Kaisha yêu cầu Pháp cho phép khai thác phốt phát ở vài hòn đảo ở Paracels (Hoàng Sa). Pháp thực hiện quyền kiểm soát biển, thu thuế hải quan ở Paracels (ở đâu thì không rõ).[148]

1920

1919, phong trào Ngũ Tứ (May fourth movement) nổ ra ở Trung Quốc phản đối các điều khoản áp đặt của Hiệp ước Versailles, chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Năm 1920 Tôn Dật Tiên lập chính quyền cách mạng ở miền Nam Trung Quốc. Trung Quốc bị chia lẻ thành nhiều chính quyền cát cứ. Năm 1925, Tôn chết, Tưởng giới Thạch chiếm quyền và bắt đầu chiến dịch phản cát cứ, nhằm thống nhất Trung Quốc. 

1921

Tỉnh trưởng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây), một chính quyền cát cử dưới quyền kiểm sóat của đội quân Ch’en kang-ming[149], tuyên bố Paracels là một phần của Yai Hien (ở đảo Hải Nam).  Trung Quốc không yêu sách Trường Sa (Spratlys). 

Pháp không trả lời vì coi đây là chính quyền cát cứ địa phương không được chính quyền trung ương của Tưởng Giới Thạch (蔣介石) hay thế giới công nhận.[150] Tonnesson nói đến một ghi nhận (memoire) ở Bộ Ngoại giao Pháp, cho thấy Pháp biết chuyện này nhưng không cho biết tại sao Pháp lại không phản ứng.[151] 

1921-1926

Hồ Duy Niên (Ho Jui-nien) người gốc Đài Loan (lúc đó là thuộc địa Nhật) được chính phủ cát cứ tỉnh Quảng Đông cho độc quyền khai thác phốt phát ở Paracels [thực ra chỉ ở đảo Woody  (Phú Lâm) trong khu Amphitrite]. Các nhà doanh nghiệp khác phản đối vì họ cho rằng công ty của Hồ Duy Niên là do Nhật làm chủ. [152] 

Đảo Woody  (Phú Lâm) có trữ lượng phốt phát phân chim lớn nhất Paracels.

Ngày 25 tháng 7 năm 1925, công ty ở đảo Phú Lâm ghi nhận thấy có một tàu chiến Pháp. Tàu này bỏ xuống đảo 5 người và hai ngày sau trở lại đón họ. Tàu không có hành động chiếm đóng đảo.[153]

Ngày 3 tháng 7 năm 1926, một tàu chiến khác lại tới đảo Phú Lâm nhưng cũng không chiếm đảo.[154]

Lo sợ Nhật chiếm đảo Phú Lâm, Quảng Đông gửi công nhân người Hoa ra đảo, nhưng khi thấy chủ nhân và thiết bị của Nhật, công nhân người Hoa tự rút vì đang có phong trào bài hàng hóa Nhật.

Đảo Phú Lâm lúc này chẳng nằm dưới sự kiểm sóat của Trung Quốc cũng chẳng nằm dưới sự kiểm soát của Pháp.

Nhật không chấp nhận yêu sách của Pháp ở Paracels (Hoàng Sa), và coi tranh chấp ở đây là giữa Nhật và Trung Quốc.[155] Vì thấy có Nhật ở đảo Phú Lâm, Pháp chưa muốn hay chưa dám thực hiện chuyền làm chủ ở đó. 

8/3/1925

Một đoàn khoa học do Tiến sĩ  A. Krempf, Giám đốc Viện Hải Dương (Director of the Oceanographic Service), đi trên tàu đánh cá  de Lanessan ra đảo Paracels.

Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa (Paracels and Spratlys) thuộc Pháp.[156]

23/9/1930

Toàn quyền Đông Dương gửi tàu Malicieuse  ra Trường Sa (Spratlys). Đoàn này cắm cớ Pháp trên một ngọn đồi. Bản Thông cáo ngày 23 tháng 9 năm 1930 được gửi đến các nước lớn nói về việc này.[157]

1931-1932

Trung Quốc cấp một hợp đồng khai thác phốt phát ở Hoàng Sa (Paracels). Chính phủ Pháp gửi một công hàm (a Note) về chủ quyền đẩo cho đại diện Trung Quốc (Legation) ở Paris ngày 4 tháng 12 năm 1931.

29 tháng tư năm 1932 - Chính phủ Pháp chính thức phản đối, lấy lý do chứng cứ chủ quyền lịch sử ở đó của Annam mà Pháp tiếp nhận. Cùng năm, Pháp đề nghị đem vấn đề tranh chấp xử ở tòa án quốc tế, Trung Quốc không đồng ý. [158]

26/7/1933

Pháp sát nhập Spratys (Trường Sa) vào Đông Dương. Ba tàu Pháp Alerte, Astrabale, và De Lanessa được gửi thăm quần đảo và chính thức tuyên bố là lãnh thổ Pháp trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ. Sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp cho in tin này trên Công báo Chính thức của nhà nước Pháp (French Journal Official) ngày 26 tháng 7 năm 1933 (trang 7837). [159]

21/12/1933

Toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh Số 4762-CP ngày 21 tháng 12 năm 19933, sát nhập Spratys (Trường Sa) vào tỉnh Bà Rịa của Thuộc địa Nam Kỳ (Cochinchina) của Pháp.  Pháp cũng chỉ tuyên bố chủ quyền trên 6 hòn đảo chứ không phải tất cả các đảo ở Trường Sa, như vậy theo bà Chemillier-Gendreau việc có thể coi giải thích yêu sách tất cả các đảo là có vấn đề.[160]

Sắc lệnh trên có tên những đảo sau:  Spratly (đảo Trường Sa), Amboyna Cay, Itu-Aba, và hai nhóm đảo Loaito và Thi-tu. [161] Đếm số đảo thì chỉ có 5 đảo so với số 6 mà Chemillier-Gendreau nói tới. Theo Nguyễn Nhã,[162] nhóm Loaito chỉ có 1 đảo, còn lại đá, cồn, bãi, nhưng phía đông có đảo dừa, nếu kể thì là 6 đảo. Khu Loaito và Thị-tứ hiện do Phillipines chiếm đóng.

1933

Trừ Nhật, không nước nào phản đối Pháp về tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa. [163] Ba cường quốc khác ở khu vực là Mỹ (lúc đó đang chiếm Philippines, Trung Quốc, và Hòa Lan (đang chiếm Indonesia không lên tiếng.  Theo Tonnesson, mặc dù không thấy có tư liệu gì ở Bộ Ngoại giao Pháp cho thấy Trung Quốc phản đối, tài liệu tình báo Anh cho thấy một bộ trưởng Trung Quốc được lệnh phản đối.[164]

1934

Pháp thực hiện một cuộc nghiên cứu về địa lý và địa chất khu vực Trường Sa.

28/2/1937

Pháp lại đề nghị Trung Quốc hòa giải quốc tế về Hoàng Sa nhưng Trung Quốc từ chối.[165]

1937

Pháp sai người trách nhiệm về công lộ là ông Gauthier ra đảo Pattle (Hoàng Sa) ở Paracels để xem xét khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng như cầu cảng, sân bay, và xây hải đăng.[166] Bà Chemillier-Gendreau coi năm 1937 là năm bản lề đánh dấu việc thực thi chủ quyền của Pháp ở Paracels. [167] 

1938

Và với Nghị định ngày 15 tháng 6 năm 1938 thì việc thực hiện chủ quyền một cách chính thức có thể coi là hoàn tất. [168] Một bia được dựng lên trên đảo Pattle (Hoàng Sa ở Paracels) vào năm 1938, ghi những chữ sau: Cộng hòa Pháp – Vương Quốc Annam – quần đảo Paracels 1816-1838.

Thời gian từ 1937-1938 này một hải đăng và một đài khí tượng cũng được xây trên đảo Pattle (Hoàng Sa), và trên đảo Itu Aba ở Trường Sa (Spratlys). Hải đăng ở đảo Pattle (Hoàng Sa) trong chiến tranh bị phá hủy, Pháp xây lại năm 1947.[169]

Pháp để lại đội cảnh sát An Nam ở đảo Woody (Phú Lâm) và đảo Pattle (Hoàng Sa) ở Hoàng Sa (Paracels) nhằm chống cướp biển và nhằm ngăn cản Nhật sử dụng đảo, và báo cho chính quyền Trung Quốc lý do, coi đây không phải là thực hiện chủ quyền. Lúc này, quân đội Nhật đã có mặt ở hai đảo: đảo Woody (Phú Lâm)  vào tháng giêng năm 1938 và đảo Lincoln vào tháng tư cùng năm.[170]  

1938

Tháng giêng năm 1938 quân đội Nhật đã có mặt ở đảo Phú Lâm (Woody) và đảo Lincoln Island - cả hai đảo đều ở khu Amphitrite (An Vĩnh) trên quần đảo Paracels. Khi tàu Pháp tới họ gặp hai tàu chiến Nhật. Pháp và Nhật cùng đồng hành có quân trên đảo Phú Lâm (Woody).

1938

Khi Pháp chiếm đảo Itu-Aba ở Trường Sa, và ở đó từ năm 1938 đến 1941, đồng thời xây đài khí tượng thì Nhật chiếm các đảo khác ở Trường Sa vì Pháp không có quân. Điều này làm Anh nổi giận vì Pháp đã tuyên bố chủ quyền mà không làm tròn trách nhiệm, tức là Anh không phản đối mà Pháp không làm được việc bảo vệ khu vực Trường Sa. Anh dọa nếu Pháp không làm được thì Anh sẽ tuyên bố chủ quyền mà trước đây vào năm 188 họ đã làm năm 1877.[171] 

28/1/1939 

Nhật chiếm đảo Hải Nam của Trung Quốc.

4/4/1939 

Nhật tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp phản đối, nhưng không có dấu hiệu đánh nhau giữa hai quân đội. Pháp và Nhật đồng hành hoạt động ở hai quần đảo.[172]

Tháng 5/1939

Toàn quyền, Jules Brevie, sửa lại nghị định trước đây, phân thành hai khu hành chính ở quần đảo Paracels: khu Lưỡi Liềm (Crescent) và khu An Vĩnh (Amphitrite).[173]

1941

Nhật chiếm các đảo ở Paracels và Spratlys và sát nhập vào Đài Loan khi Chiến tranh Thế giới lần 2 nổ ra. 

1/12/1943 và 26/7/ 1945

Tuyên bố Cairo Declaration (1December 1943) viết: “Tất cả lãnh thổ mà Nhật chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan, đảo Pescadores phải được trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Nhật cũng phải rút khỏi tất cả mọi lãnh thổ khác đã chiếm đóng bằng bạo lực và tham lam.”[174]

Tuyên bố Potsdam (26 July 1945)[175] nhấn mạnh lại Tuyên bố Cairo và qui định các điều khoản về việc đầu hàng của Nhật.

Cả hai tuyên bố này của Đồng minh hoàn toàn không nói rằng Nhật phải trao trả Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) cho Trung Quốc như Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã viết ra như sau: “Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam và các tư liệu quốc tế khác đã viết ra rõ ràng là tất cả lãnh thổ mà Nhật ăn cấp của Trung Quốc phải trả lại Trung Quốc, và đương nhiê, chúng bao gồm Nam Sa hải đảo.[176]

Thực ra, Liên Xô đã đề nghị trao Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) cho Trung Quốc ở Hội nghị San Francisco năm 1951 nhưng bị bác bỏ (coi 1951).

Tháng 5/1946

Một tàu Pháp được gửi ra đảo Pattle (Hoàng Sa) ở Paracels và thấy nhà cửa bị bom tàn phá nặng nề. [177]  Theo Chemillier-Gendreau, vào tháng 3, 1945, một phân đội người bản xứ Đông Dương ở Paracels bị Hải quân Nhật bắt làm tù bình. Mãi đến năm 1946 Nhật mới rời Paracels, và tháng 5 năm 1946, một đội lính Pháp theo tàu Savorgnan de Brazza đổ bộ ra đó và ở vài tháng. [178] Bản báo cáo chính thức của Pháp cho thấy vào năm 1947 Pháp chần chừ chưa muốn trở lại đảo Pattle (Hoàng Sa) vì không thấy giá trị chiến lược.[179]

Tưởng Giới Thạch chỉ chiếm đảo Woody (Phú Lâm) vào năm 1947, nhưng lại không chiếm đảo Pattle (Hoàng Sa). Pháp không kiếm cách đẩy người Hoa ra khỏi đảo Woody (Phú Lâm) ở Paracels cũng như đảo Itu Aba ở Trường Sa.  

Tháng 10/1946

Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố chủ quyền trên Tây Sa (Paracels) và Nam Sa (Trường Sa) và sát nhập vào tỉnh Quảng Đông.

Tháng 12/1946

Đài Loan gửi tàu Thái Bình (Taiping) ra tiếp quản đảo Itu Aba ở Trường Sa từ tay Nhật sau khi Nhật đầu hàng sau Thế chiến. Vào 12 tháng 12, 1946, đảo này được đặt dưới quyền quản lý của tỉnh Quảng Đông. Sau khi Trung Cộng chiếm lục địa, Đài Loan tiếp tục có quân đội ở đây cho đến ngày nay.

28/ 2/1946

Thảo thuận Pháp Trung ký ở Trùng Kháng (Chung King) cho phép Pháp tiếp nhận Bắc Kỳ từ tay Trung Hoa Dân Quốc.[180]

Tháng 1/1947

 (7 hay 13 tháng giêng tùy theo từng nguồn), Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ xuống đảo Woody (Phú Lâm) ở Paracels, chớp thời cơ Pháp không có quân ở đó. Chính phủ Pháp phản đối chính thức và gửi một đội quân ra đảo Pattle (Hoàng Sa) ở Paracels.

Trung Hoa Dân Quốc phản đối và hai bên gặp nhau ở Paris từ 25 tháng 2 to 4 tháng 7, 1947.  Chính phủ Trung Quốc từ chối đề nghị của Pháp đưa vấn đề ra cơ quan tài phán. Vào 1 tháng 12, 1947, Tưởng Giới Thạch ký nghị định đặt tên hai quần đảo bằng tiếng Hoa.[181]

1/10/1949

Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc được thiếp lập ở lục địa.

Tháng 4/1950

Tưởng Giới Thạch rút quân khỏi đảo Woody (Phú Lâm). Trung Quốc (từ đây dùng để gọi Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc) gửi quân thay thế.[182]

1950

Việt Nam tiếp nhận lại từ Pháp chủ quyền trên các đảo trong khu Lưỡi Liềm (Crescent) ở Paracel (không phải các đảo ở Trường Sa vì lúc đó không còn quân Pháp).

Chính phủ Pháp không có ý định trao lại cho Việt Nam chủ quyền ở Trường Sa. Quân đội miền Nam tự ra chiếm khi Pháp rút lui.[183]

Mãi đến 1956 mới tiếp nhận đảo Pattle (Hoàng Sa) ở Paracels.[184]  Hoàng thân Bửu Lộc, chef de cabinet của chính phủ Bảo Đại, chính thức xác định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo  Paracels.[185]

15/8/1951

Trung Quốc, qua Ngoại trưởng Chu Ân Lai tuyên bố ngày 15 tháng 8, 1951 cùng lúc có bản nháp Hòa ước với Nhật là 'Paracels và Spratlys đã luôn luôn là lãnh thổ Trung Quốc.[186] Cần hiểu rằng Trung Quốc và Liên Xô có lẽ đã thông đồng hợp tác với nhau trong việc tuyên bố này. Gần một tháng sau đó, Liên Xô đề nghị trong Hội nghị San Francisco là Nhật giao hai quần đảo cho Trung Quốc. (coi đoạn dưới).

8/ 9/1951

Hòa ước San Francisco[187] ký giữa Nhật và đồng minh nhằm chất dứt Chiến tranh Thế giới Lần 2 nói rõ: “Nhật từ bỏ mọi quyền và yêu sách đối với Spratlys và Paracels.”

Hoàn toàn không có nghị quyết nào giao các quần đảo trên cho nước nào ở Hội nghị này.

Hội nghị bỏ phiếu chống (48 trên 3) đề nghị 13 điểm sửa đổi của Liên Xô trong đó có điểm đòi hỏi Nhật trao lại  Paracels và Spratlys cho Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Lý do dễ hiểu là hai nước đều là cộng sản.[188]

Cả hai phe quốc cộng của Trung Quốc đều không tham dự hội nghị. 

Ngày 7 tháng 9 1951 tại hội nghị này, phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa do Thủ tướng Trần Văn Hữu cầm đầu tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Paracels và Spratlys. Không ai phản đối. 

8/9/1951

Nhật chính thức từ bỏ chủ quyền trên đảo theo Hòa ước San Francisco.

Tháng tư/1952

Ký Hòa ước giữa Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) và Nhật ngày 28 tháng 4, 1952.[189]

Trong Hòa ước này hoàn toàn không nói gì tới việc Nhật trao hai quần đảo Paracels và Spratlys cho Đài Loan.

Trung Quốc cho rằng Mỹ ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo trên và viết như nguyên văn tiếng Anh như sau: “the United States recognized China’s sovereignty over the Nansha Islands [Spratlys] in a series of subsequent international conferences and international practice.” [190] 

Mỹ đã nói rằng Mỹ hoàn toàn không có quan điểm đúng sai về pháp lý liên quan đến các tranh chấp. Nguyên văn   "The US would view with serious concern any maritime claim or restriction on maritime activity in the South China Sea that was not consistent with international law." (US State Department, 10 tháng 5, 1995).[191] 

24/3/1953

Trung Quốc thành lập Công quản Paracels, Spratlys, và Trung Sa, thiết lập một bộ phận hành chính trên đảo Woody (Phú Lâm) thuộc tỉnh Quảng Đông, và từ 1984 thuộc tỉnh Hải Nam. 

1954

Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ vào tháng 5, 1954.  Hiệp định Geneva ký ngày 27 tháng 4, 1954 quyết định Pháp và đồng minh Việt Nam tập trung ở phía Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bộ đội ở Nam tập trung ra miền Bắc, và một cuộc bầu cử tự do sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 để thống nhất đất nước.

1955

Tháng 11, 1955 Pháp gửi một phái đoàn ra đảo Woody (Phú Lâm) để sửa soạn đổ quân. Tháng 12, Trung Quốc chiếm đảo Woody và toàn khu Amphitrite (An Vĩnh) ở quần đảo Paracels. Đài Loan trước đó chiếm đóng đảo này nhưng đã rút quân.[192]

 Từ tháng 4/1956

Tháng 4, 1956, Pháp rút quân khỏi Đông Dương. Pháp chính thức giao lại Paracels (Hoàng Sa) nhưng không giao lại Spratlys (Trường Sa). Quân đội Việt Nam Cộng hòa thay thế quân Pháp ở Paracels, thực chất là đảo Pattle (Hoàng Sa).

22 tháng 8, Quân đội Việt Nam Cộng hòa  đem quân chiếm một số đảo ở Spratlys (Trường Sa) và sát nhập vào tỉnh Phước Tuy. [193],[194]

15/5/1956

Tomas Cloma, một công dân Phillippines tuyên bố khám phá (discover) ra Spratleys (Trường Sa) và đặt tên là Đất Tự do (Freedomland  hoặc tiếng Phi Kalayaan).  Đại biện Pháp ở Manila phản đối và nhắc nhở chính phủ Phi là Pháp có chủ quyền ở đó từ 1933. Nam Việt Nam và Đài Loan cũng phản đối. [195]

Tháng 10, 1956, Đài Loan đuổi Thomas Cloma khỏi đảo Itu Aba.

4/9/1958

Trung Quốc tuyên bố yêu sách Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) và hải phận 12 hải lý trong Tuyên bố của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) về lãnh hải:[196]  “Bề ngàng của lãnh hải của CHNDTQ là 12 hải lý, bao gồm các đất liền và các đảo ngoài bờ, Đài Loan (cách biệt đất liền và đảo ngoài bờ là biển khơi [tức là biển quốc tế]), các đảo xung quanh, quần đảo Penghu, Đông Sa, Tây Sa [Paracels], Trung Sa, Nam Sa [Spratlys]  và cách đảo khác thuộc TrungQuốc.”

Thủ tướng  Phạm Văn Đồng, của Bắc Việt Nam, gửi công hàm cho Chu Ân Lai, tuyên bố nguyên văn như sau:

Thưa đồng chí Tổng lý

      Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

      Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

      Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng.

 Chính phủ Trung Quốc cho rằng qua thư này, Việt Nam chấp nhận chủ quyền ở hai khu đảo. Điều này đáng tranh luận vì (1) Phạm Văn Đồng (PVĐ) lúc đó không đại diện miền Nam vì hai khu đảo trực thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa nên dù có ủng hộ chủ quyền Trung Quốc thì tuyên bố này không có giá trị về mặt pháp lý; (2) Cả chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam, đều phản đối yêu sách của Trung Quốc); (3) Tuyên bố của PVĐ cũng rất mơ hồ vì Bắc Việt Nam chỉ nói ủng hộ hải phận 12 hải lý, chứ không nhắc đến hai quần đảo Paracels và Spratlys; và (4) Bắc Việt Nam là nước đang đương đầu với chiến tranh, lại dựa vào viện trợ của Trung Quốc do đó không thể phản đối dù muốn, do đó cắt nghĩa là PVĐ ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc là không công bằng.[197]

13/5/1969

Báo Nhân Dân, xuất bản thông tin sau:

Ngày 10 tháng 5, một máy bay quân sự Mỹ xâm phạm vào không phận Trung Quốc, trên  Yong Xing và Dong dao, hai trong các đảo ở Tây Sa [Paracels], trong tỉnh Quảng Đông [dịch lại từ tiếng Anh].[198]

Tin này và tuyên bố của PVĐ năm 1958 nói ở trên đã được Trung Quốc sử dụng nhằm chứng minh Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền ở Paracels và Spratlys. Tuy nhiên, Monique Chemillier-Gendreau, cho rằng “Trong tình thế như thế, bất cứ một tuyên bố nào của chính quyền Bắc Việt đều không có giá trị với vấn đề chủ quyền. Đây không phải là chính phủ có quyền lực pháp lý lãnh thổ đối với các đảo trên. Không ai có thể từ bỏ quyền mà mình không có.[199]  Thực tế là lúc đó chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam) quản lý Trường Sa và khu Lưỡi Liềm (Crescent) của Paracels, như đã từng được nhà Nguyễn và Pháp kiểm soát trước đó. Hơn nữa chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (được miền Bắc ủng hộ) đã phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng vùng Lưỡi Liềm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.[200] 

10/7/1971

Chính phủ Philippine tuyên bố ngày 10 tháng 7 năm 1971 là đã gửi công hàm cho Đài Loan yêu cầu rút quân ra khỏi đảo Itua Aba (ở Trường Sa). Philippines yêu sách 53 đảo, đá kể các đảo Spratly, Itu Aba, Pag-asa, Nam Yit Islands, West York Island, North Danger Reef, Mariveles Reef và Investigator Shoal.

Có hai lý do đưa ra: (1) đây là vùng đất vô chủ (terra nullius) vào thời điểm chiếm đóng là năm 1930 và (2) sau khi Nhật đầu hàng, từ bỏ chủ quyền sau Hòa ước San Francisco năm 1951 mà không xác định rõ ai được hưởng quyền thừa kế, do đó các đảo này bỏ trống, cho phép chiếm đóng. Vào tháng 4 năm 1972, chính phủ Philippines sát nhập khu "Kalayaan" vào tỉnh Palawan. [201]

27/2/1972

Thông cáo Thượng Hải ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc, ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc và tạo cơ sở cho việc thiết lập bang giao giữa hai nước vào 1 tháng 1 năm 1979.

Vào 25 tháng 10 năm 1971, Chính phủ Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc thay thế chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ở ghế thường trực Hội đồng Bảo an tại Liên Hợp Quốc.

19/1/1974

 Trung Quốc tấn công và chiếm khu Lưỡi Liềm (Crescent) ở Paracels từ quân lực Việt Nam Cộng hòa và sát nhập vào tỉnh Quảng Đông( từ 13 tháng 4, 1988 thí sát nhập vào tỉnh Hải Nam). 

Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lên án mạnh mẽ Trung Quốc. Vào ngày 20 tháng 1, 1974,  Quan sát viên của VNCH yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét cuộc xâm lăng bằng bạo lực này. Hội đồng Bảo an không có hành động gì.

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (miền Bắc) vì nhận viện trợ của Trung Quốc vẫn im lặng.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra tuyên cáo như sau: "Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại, có khi rất phức tạp, cần được nghiên cứu. Trước sự phức tạp của vấn đề, các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết bằng thương lượng."[202]

14/2/1975

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra sách trắng khẳng định chủ quyền trên Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa).

30/4/1975

Việt Nam Cộng hòa bại trận.

5-6/5/1975

Hải quân của chính quyền mới ra Trường Sa thay thế quân Việt Nam Cộng Hòa ở Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa).

Tháng 9/1975

10 tháng 9, 1975, Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) nhắc nhở chủ quyền của Trung Quốc ở Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa).[203]

Ngày 29 tháng 9, 1975, Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Phó Thủ tướng, nói với đoàn ngoại giao ở Bắc Kinh là “ Paracels và Spratlys sẽ là vấn đề cần thảo luận trong tương lai.” [204]

2/7/1976

Việt Nam thống nhất.  Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời.

12/5/1977

Việt Nam ra tuyên cáo về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đường cơ sở được công bố sau đó vào 12 tháng 11, 1982. Đường cơ sở cho hai khu quần đảo Paracels và Spratlys sẽ được định sau.[205]  

2/3/1978

Philippines chiếm đảo Lankian Cay ở  Spratlys (Trường Sa).

7/1/1979

Cuối năm 1978 Việt Nam tiến chiếm Cambodia, lấy Phnom Penh vào ngày 7 tháng giêng 1979.

15/2/1979

Trung Quốc tấn công qua biên giới Bắc Việt Nam với đội quân 200,000 troops, nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. 

2/5/1979

Ký hợp đồng 25 năm cho Liên Xô thuê cảng quân sự Cam Ranh tới năm 2002[206].

21/12/1979

Malaysia chiếm đảo Swallow Reef (Terumbu Layang).  Malaysia xuất bản bản đồ về thềm lục địa bao gồm 12 đảo ở Spratly thuộc bang Sabah.

Cuối năm 1982

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, trong chuyến thăm Indonesia cuối năm 1982, tỏ ra hòa dịu khi nói về yêu sách cạnh tranh nhóm đảo Natuna giữa Việt Nam và Indonesia, và vào năm 1984 ở Hà Nội cũng tỏ cùng cử chỉ hòa dịu với Malaysia nhằm giải quyết tranh chấp về Amboyna Cay. Malaysia và Vietnam đã giải quyết thành công khác biệt và đã nộp chung một yêu sách có phân chia thềm lục địa ngày 6 tháng 5 2009 cho Ủy Ban Liên Hợp Quốc về hạn định thềm lục địa.

1983

Malaysia yêu sách Swallow Reef (Layang Layang) và Amboyna Cay được sát nhập vào bang Sabah.

1984

Brunei thiết lập vùng đặc quyền đanch cá bao gồm đá nổi Louisa Reef.

1985 đến tháng 12/ 1991

Liên Xô ngày càng yếu sau khi Mikhail Gorbachev thắng cử vào tháng 3, 1985 và hoàn toàn tan rã vào tháng 12, 1991. 

Tháng 2/1988

Trung Quốc gửi lực lượng hải quân ra Spratlys (Trường Sa) nhằm biểu dương lực lượng.

Tháng 3/1988

Trung Quốc tiến chiếm đá Johnson South Reef ở Spratlys của Việt Nam. Việt Nam giữ được đá Johnson North Reef và đá Lansdowne Reef. Về phía Việt Nam, chết 3 người, bị thương 11 người với 61 người mất tích. Trung Quốc trả 9 tù binh và 61 mất tích coi như mất.   Trung Quốc thông báo chết 6 người và bị thương 21 người.[207]

Tháng 5/1989

Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình ở Thiên An Môn bằng quân đội. Trung Quốc bị khắp nơi lên án và liên hệ ngoại giao bình thường với nước khác đóng băng, thương mại võ khí đình chỉ.

1990

Indonesia tổ chức lần đầu các buổi gặp gỡ không chính thức hàng năm được gọi là South China Sea Workshop gồm 6 nước có yêu sách Spratlys Islands; các cuộc họp kéo dài trong khoảng thời gian 1990-2001. Hoạt động này do Canadian International Development Agency (CIDA) tài trợ.

25/2/1992

Trung Quốc chính thức công bố Luật về lãnh hải và vùng tiếp nối trong đó Paracels và Spratlys được coi là lãnh thổ Trung Quốc (Điều 2).[208]

Tháng 5/1992

Tháng 5, 1992, công ty dầu lửa quốc doanh Trung Quốc China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) và Crestone Energy (công ty Mỹ có trụ sở ở Denver bang Colorado) ký hợp đồng thăm dò chung ở khu Wan’an Bei-21 block, rộng 25,155 km² ở Spratlys. Hợp đồng này được kéo dài thêm năm 1999 sau khi Crestone chưa hoàn thành thăm dò.[209]

Tháng 4, 1992, Việt Nam  phản đối và tuyên bố rằng khu thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chồng lần với 133 và 134 của Việt Nam, nơi mà  PetroVietnam, và ConocoPhillips Vietnam Exploration & Production, một đơn vị của ConocoPhillips hợp tác.

Tháng 5/1993

Tuyên bố bầu cử tự do ở Cam Bốt sau khi quân đội Việt Nam rút khỏi đó, mở đường cho việc bình thường hóa liên hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác.

Tháng 10/1994

Tờ Far Eastern Economic Review (13 tháng 10 1994) đưa tin một tàu Trung Quốc đo đạc địa chấn cho công ty Crestone đã phải rút lui sau khi bị hải quân Việt Nam thách thức.

Tháng 11/1994

Công ty Mỹ Exxon ký hợp đồng 35 tỷ US với Indonesia nhằm khai thác các giếng khí ở bắc đảo Natuna. Trung Quốc có yêu sách một phần khu này.

Tháng 2/1995

Trung Quốc chiếm đá Mischief Reef của Phi.  Nhóm thủy thủ đánh cá Trung Quốc bị lực lượng quân sự Phi đẩy ra vào 20-28 tháng 3, 1995.

11/7/1995

Bình thường hóa ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.

28/7/1995

Việt Nam trở thành thành viên của Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN).

4/11/2002

ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa." Tuyên bố này có sự cam kết tự nguyện của các bên không sử dụng vũ lực ở Biển ĐNA.

2007

Hợp doanh giữa Petrovietnam và các đơn vị của BP và Exxon Mobil nhằm khai thác khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc phản đối. Công việc tiếp tục tiến hàn vào tháng 7, 2008, Trung Quốc lại phản đối. [210]

6 /5/2009

Malaysia và Vietnam giải quyết khác biệt và nộp đơn chung cho Ủy ban Liên Hợp Quốc về Hạn định Thềm Lục địa. Trung Quốc phản đối. 

7/ 5/2009

Trung Quốc nộp cho Ủy ban Liên Hợp Quốc về Hạn định Thềm Lục địa bản đồ yêu sách biển trong đường chữ U chín đoạn gãy (Việt Nam gọi là đường lưỡi bò). Có bản đồ kèm theo nhưng không có tọa độ chỉ rõ khu vực Trung Quốc yêu sách. Việt Nam và Malaya phản đối.

8/7/2010

Indonesia chính thức gửi Ủy ban Liên Hợp Quốc về Hạn định Thềm Lục phản đối đường chữ U chín đoạn gãy của Trung Quốc, coi nó là vi phạm Luật Biển LHQ và đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc trước đây.

 


Vũ Quang Việt



Xem Phần I.

Xem Phần II.


Chú thích

   

[122] Coi công hàm năm 1932 ở Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 184-186.

[123] Lần 1937 và 1947 đã được ghi trong Ghi nhớ nội bộ của Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 25 tháng 5 năm 1950, coi Chemillier Gendreau, đd,  Annex 11, tr. 187.   Lần đầu 29 tháng 4 năm 1932 không được nói tới nhưng được nói tới trong Chemillier Gendreau, đd,  tr. 40.

[124] Stein TONNESSON, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies 40, I (2006), tr. 3 và 6. Cám ơn anh Nguyễn Ngọc Giao nhắc lại sự kiện này.

[125] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 114 và Annex 30.

[126] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Who's On First? 1996: International Boundaries Research Unit, University of Durham, UK.

[127] United Nations Convention on the Law of the Sea of 10 December 1982, http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm

[128] Brice M. Clagett, đd, coi Part I, the section on Criteria for Delimitation

[129] Brice M. Clagett, đd, coi Part II, table 2. 

[130] Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea, 1982, p.52, Methuan: New York and London.

[131] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40, no. 1, 2006, tr.6.

[132] L. Eastman, Throne and Mandarins: China's Search for a Policy during the Sino-French Controversy (Stanford, 1984)

[133] Albert Billot, L’affaire du Tonkin: histoire diplomatique de l’établissement de notre protectorat sur l’Annam et de notre conflit avec la Chine, 1882–1885, par un diplomate, J. Hetzel et Cie, éditeurs, Paris, 1886.

[134] Lịch sử Việt Nam, Tập II, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội 1985.

[135] L. Eastman, Throne and Mandarins: China's Search for a Policy during the Sino-French Controversy (Stanford, 1984)

[136] The following authors have interpreted erroneously the 1887 Convention in their arguments (footnote 58, Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007):

-  Hungdah Chiu & Choon-ho Park: Legal status of the Paracels and Spratly Islands, Ocean Development and International Law Journal, Vol. 3 (1975), p.  464 and 467.

-  Jian-Ming Shen: International law rules and historical evidence supporting China’s title to the South China Sea islands, Hastings International and Comparative Law Review, vol. 21 (1997), p. 119.

-  Tao Cheng, The dispute over the South China Sea Islands, Texas International Law Journal, vol. 10 (1975), p. 274.

-  John Chao: South China Sea: boundary problems relating to the Nansha and Xisha Islands, Chinese Yearbook of International Law, vol. 9 (1989-1990): p. 119.

-  Steve Kuan Tsy Yu, Who owns the Paracel and Spratlys? An evaluation of the nature and legal basis of the conflicting territorial claims, Chinese Yearbook of International Law, vol. 9 (1989-1990): p. 5, 7 and 8.

-  Choon-ho Park, The South China Sea dispute: Who owns the islands and the natural resources? Ocean Development and International Law Journal, vol. 5 (1978): p. 34.

-  Marwyn Samuels, Contest for the South China Sea, New York/London, 1982, tr. 52-53.

-  Brian Murphy, Dangerous ground: the Spratly Islands and international law, Ocean and Coastal Law Journal, vol. 1 (1994), tr. 201.

-  Elizabeth van De Wie, China and the Law of the Sea Convention, Follow the Sea, New York, 1995, tr. 52-53.

-  Michael Bennet, The PRC and the use of international law in the Spratly Islands dispute, Stanford Journal of International Law, vol. 28 (1992), tr. 446.

[137] Coi thêm lập luận này ở Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007.

[138] Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007.

[139] http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_taiwan

[140] Eveil economique de l’Indochine, no. 741, quoted from footnote 3, Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007.

[141] Marwyn Samuels, Contest for the South China Sea, New York/London, 1982, tr. 53.

[142] Marwyn Samuels, đd, tr. 53.

[143] Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, tr. 99-100.

[144] Marwyn Samuels, đd, tr. 53.

[145] Nt, đd, tr.  54.

[146] Nt., đd, tr. 72.

[147]Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 99.

[148] Nt, đd, tr.  37.

[149] Marwyn Samuels, đd, tr.  56.

[150] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr.. 37.

[151] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40, no. 1, 2006, tr.3.

[152] Marwyn Samuels, đd, tr.  55-56.

[153] Nt, đd, tr.  59.

[154] Nt, đd, tr.  59.

[155] Nt, đd, tr..61.

[156] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr.  37.

[157] Nt,  đd, tr. 38.

[158] Nt, đd, tr. 38.

[159] Stein Tonnesson, đd, tr. 8.

[160] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 114.

[161] Nt, Annex 30, Quyết định của Toàn quyền Đông Dương.

[162]Nguyễn Nhã, đd., coi đoạn 1.3.2, và 1.3.3.   http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2442

[163] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr.  111.

[164] Nt, đd, tr. 7, footnote 14.

[165] Nt, đd, tr. 124. Coi thêm báo cáo chính thức về việc này, tr. 243-244.

[166] Nt, đd, tr.  38-29.

[167] Nt, đd, tr.  96.

[168] Nt, đd, tr.  113.

[169] Nt, tr. đd, tr.  39. Cũng nên xem thêm tr. 254 về ngày xây hải đăng vào tháng 10 năm 1937 theo bản báo cáo chính thức.  

[170] Stein Tonnesson, đd, tr. 11.

[171] Stein Tonnesson, đd, tr. 10.

[172] Marwyn Samuels, đd, tr.  65.

[173] Monique Chemillier-Gendreau, tr. 39.

[174] Cairo Declaration. http://www.ndl.go.jp/constitution/e/shiryo/01/002_46/002_46tx.html.

[175]Potsdam Declaration. http://www.ndl.go.jp/constitution/e/etc/c06.html

[176] The Issue of South China Sea, Ministry of Foreign Affairs People's Republic of China June 2000.  http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm.

[177] Stein Tonnesson, đd, tr. 319.

[178] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 39.

[179] Monique Chemillier-Gendreau, tr. 255. Ghi chú ngày 15 tháng 5, 1950 của Directorate trách nhiệm Asia-Oceania.

[180] Monique Chemillier-Gendreau, Nt, đd, tr. 40.

[181] Nt, đd, tr. 40.

[182] Nt, đd, tr. 116.

[183] Nt, đd, tr. 247. Lá thư Bộ Ngoại giao năm 1951 gửi Bộ Thuộc địa.

[184] Nt, đd, tr.. 116.

[185] Nt, đd, tr. 40.

[186] King. C. Chen, China’s war with Vietnam 1979. 1987: Hoover Institution, Stanford University, p. 45..

[188] James William Morley, The Soviet-Japanese Peace Declaration, Political Science Quarterly, Summer 1957.

[189] Treaty of Peace between the Republic of China and Japan. http://www.taiwandocuments.org/taipei01.htm.

[190] The Issue of South China Sea, Ministry of Foreign Affairs People's Republic of China June 2000. Posted on the website of Federation of American Scientist: http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm.

[191] B.Raman, Re-visiting the South China Sea, 3 April 2001. http://www.southasiaanalysis.org/%5Cpapers3%5Cpaper222.htm.

[192] Stein Tonnesson, nt, đd, tr. 47.

[193] Nguyễn Q. Thắng, Hoàng Sa Trường Sa, nxb Tri Thức, Sàigòn 2008, tr. 170-172,

[194] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 42.

[195] Spratly Islands 101, 8 March 2008, The Pinoy, http://thepinoy.net/?p=1184.

[196] See the translation of the Declaration of the Peoples’s Republic of China on the Territorial Sea, in Ian Lamont, “Defining a Territorial Sea: China’s South China Sea Policy in the 1950s and its 1958 Declaration on the Territorial Sea” http://www.scribd.com/doc/5020468/Proseminar-Chinas-South-China-Sea-Policy-in-the-1950s.

[197] The three legal arguments which have been previously used in courts are discussed in Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007.

[198] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 44.

[199] Nt, đd, tr. 130.

[200] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 128.

[201] Spratly Islands 101, 8 March 2008, The Pinoy, http://thepinoy.net/?p=1184.

[202] Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, Ph.D. thesis, Hochiminh National University, posted on http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2458.

[203] Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an nhân dân, 1995, Hà Nội, tr.147,

[204] Nt, đd, tr. 147.

[205] See US State Department, Limits in the seas, No. 99 Straight baselines: Vietnam, 1983.

[206] Russia and Southeast Asia: a new relationship, Contemporary Southeast Asia, 1 August 2006.

http://goliath.ecnext.com/coms2/gi_0199-6039248/Russia-and-Southeast-Asia-a.html

[209] Spratly islands dispute blocks exploration in South China Sea, http://www.gasandoil.com/goc/news/nts22618.htm

© Thời Đại Mới

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us