Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và đại học Việt Nam

Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và đại học Việt Nam

- Trần Hữu Dũng — published 15/01/2011 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Trí thức Việt Nam ở nước ngoài
và đại học Việt Nam


Trần Hữu Dũng



Khó biết chính xác tổng số người gốc Việt Nam đã hoặc đang giảng dạy tại các trường đại học, hoặc làm việc ở các viện nghiên cứu ở nước ngoài là bao nhiêu, nhưng có thể ước đoán rằng con số này có thể gần bằng con số các đồng nghiệp của họ ở các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước.1 Tất nhiên, thành phần trí thức người Việt ở nước ngoài này cũng rất đa dạng. Có người đã về hưu, con cháu đã trưởng thành, và hầu như không còn nhớ tiếng Việt. Có người vừa tốt nghiệp tiến sĩ, có liên hệ thường xuyên với quê nhà, và nói, viết tiếng Việt không thua gì người trong nước.

Có thể khẳng định rằng, dù ít dù nhiều, ai mang giòng máu Việt Nam đều muốn nền giáo dục ở quê cha đất tổ, đặc biệt là giáo dục đại học, sáng sủa hơn. Những người sống trong môi trường đại học các nước tiên tiến, hầu như mỗi ngày khi đọc tin tức từ trong nước về thực trạng giáo dục Việt Nam, thường phải chép miệng thở dài.. Sự trăn trở này không chỉ xuất phát từ lòng quyến luyến quê hương (hay, rộng hơn, từ sự bức xúc trước những chênh lệch giữa các xã hội tiền tiến và hậu tiến) nhưng, gần gũi hơn, còn từ ký ức về thời mình còn trẻ, nhớ lại sự ham muốn học hỏi trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn của chính mình. Rồi, so sánh với ngày hôm nay, khi đã “công thành danh toại” thì chính người trí thức ấy lại phục vụ cho nền giáo dục của nước người, cho những sinh viên ngoại quốc! Đó chẳng là, phần nào, một sự bội phản hay sao?

1

Nhưng, dù có nóng lòng vì lương tâm, vì sở nguyện, chúng ta phải nhận rằng việc “vực dậy” nền đại học Việt Nam khó xảy ra trong dăm ba năm nữa. Đó là một công trình cần kế hoạch, quyết tâm, và kiên trì, không thể thực hiện bằng những khẩu hiệu êm tai, những chỉ tiêu không thực tế. Cải cách giáo dục, ở bất cứ quốc gia nào, bao giờ cũng đòi hỏi những nỗ lực trường kỳ, không ngừng nghỉ. Ở nước ta hiện nay thì những suy kém về giáo dục – nhất là ở cấp đại học – quá đỗi trầm trọng, thể chế lại quá cứng nhắc, ù lỳ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự ù lỳ này sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt. Về phần họ, hầu hết trí thức Việt Nam ở hải ngoại đều đang đầu tắt mặt tối lo cho sự nghiệp của mình, hoặc đã vào khoảng đời mà năng lực sức khoẻ của họ không còn nhiều nữa. Như vậy, gác qua một bên những vấn đề to tát như “vai trò trí thức trong thời kỳ toàn cầu hoá”, v.v. (mà người viết bài này đã đề cập trong nhiều bài khác2), câu hỏi thực tế cho những người trí thức gốc Việt ở hải ngoại ưu tư đến tiền đồ dân tộc là làm thế nào để kết hợp công việc cá nhân, đời sống thực tế của họ, với cố gắng, trong chừng mực có thể, phát triển nền đại học của quê hương mình, cho em cháu mình.

Vì sự đa dạng của ngành nghề, về cường độ của ước muốn, tầm mức của khả năng, không thể lập ra một hình mẫu nào cho sự đóng góp của trí thức Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển của đại học trong nước. Tuy nhiên, có một bộ phận của tập thể trí thức này, gồm những người đã hoặc đang giảng dạy ở các trường đại học, làm việc cho các viện nghiên cứu ở nước ngoài, mà kỳ vọng vào sự đóng góp của họ đối với Việt Nam là cao nhất và khả năng của họ cũng là thiết thực nhất. Bài này sẽ tập trung vào những người ấy.

2

Hãy lấy trường hợp điển hình của một giáo sư mà nhiệm vụ chính là giảng dạy (khác những người mà nhiệm vụ chính là quản lý hay nghiên cứu) ở Mỹ làm ví dụ. Trong các trường đại học Mỹ, mỗi giáo sư như vậy thường được đánh giá định kỳ (để tăng lương, thăng thưởng hoặc chỉ để quyết định có lưu dụng hay không) qua ba tiêu chuẩn: giảng dạy, dịch vụ, và nghiên cứu (hệ số của mỗi tiêu chuẩn là tùy phân khoa, tùy học vị, đôi khi có thể thương lượng giữa giáo sư và trưởng khoa). Trong mỗi phương diện đó, tôi nghĩ người trí thức Việt Nam ở nước ngoài (tiếp tục lấy ví dụ ở Mỹ) đều có thể lập một chương trình làm việc vừa thuận lợi cho sự nghiệp cá nhân, vừa đóng góp cho nền giáo dục đại học Việt Nam.

Trước nhất, về mặt giảng dạy, tức là phần vụ liên hệ trực tiếp đến sinh viên, thì tất nhiên người Việt Nam ở hải ngoại không thể thường xuyên “đứng lớp” ở Việt Nam như các đồng nghiệp trong nước. Nhiều người đã thu xếp để thỉnh thoảng hồi hương làm việc ấy, nhưng số này cũng là ít. Đa số (nhất là các giáo sư trẻ, chưa vào biên chế) đều bận rộn suốt năm với việc giảng dạy ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người viết bài này thì sinh viên Việt Nam ngày nay rất tinh thông Internet, và không ít em đã gửi email đến các giáo sư người Việt ở nước ngoài để xin hướng dẫn đề tài luận văn, giới thiệu sách báo chuyên ngành (ngay cả sách báo xuất bản trong nước!) mà các em cần đọc. Các giáo sư người Việt ở nước ngoài nên có những “trang nhà” bằng tiếng Việt trên mạng Internet và khuyến khích sinh viên trong nước liên hệ với họ. Rồi mỗi khi về nước, nên nhín chút thời giờ giao lưu với các em, tổ chức những buổi thuyết trình, trả lời phỏng vấn của các báo... Vẫn biết rằng đa số trí thức chân chính đều rất ngại “tự phô trương”, nhưng đến một chừng mực nào đó, và với một sự khiêm cung chân thật, nên “mở rộng cửa” đón tiếp các bạn trẻ Việt Nam trong không gian Internet. Đó cũng là một cách đóng góp cho giáo dục đại học Việt Nam.

Thứ hai, về “dịch vụ”, mà trong quy chế các đại học Mỹ thường gồm những hoạt động như là làm thành viên của các hội đồng, các uỷ ban trong trường, cũng như các hoạt động ngoài trường như là thành viên của các hiệp hội nghề nghiệp quốc gia hoặc quốc tế (nếu là trong ban chấp hành các hội đoàn, các tổ chức này thì lại càng được “đánh giá cao”). Như vậy, trong lãnh vực “dịch vụ”, các giáo sư người Việt có thể liệt kê những hoạt động của mình ở Việt Nam, hoặc với những tổ chức trong nước (gồm cả việc tổ chức những cuộc trao đổi giữa đại học của họ và một đại học Việt Nam) trong “thành tích” cá nhân của họ đối với đại học của họ ở nước ngoài.

Thứ ba là về “nghiên cứu”, cụ thể là những bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, các quyển sách, các báo cáo cho các hội nghị, và “tốt” hơn nữa là những đề tài được tài trợ từ những nguồn ngoài trường. Đối với những giáo sư trẻ thì phần “nghiên cứu” là quan trọng nhất vì nó sẽ là “lý lịch” của họ khi họ muốn đổi trường. Chẳng những cần có bài trên các tạp chí quốc tế, mà các tạp chí này cũng phải ở hạng cao: bài được đăng trong các báo đã có lịch sử lâu đời, “top ten” trong ngành thì tất nhiên là “được giá” hơn bài trong các tạp chí tầm tầm, hoặc mới xuất hiện, ít người biết. Tiếc thay, hiện nay chưa có một tạp chí nào ở Việt Nam (tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài) có đủ uy tín quốc tế để các nhà khoa học Việt Nam ở hải ngoại đăng trên đó để “kiếm điểm” với cấp trên. (Để so sánh, ở Trung Quốc có hơn 200 tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh, và ở hầu hết các quốc gia láng giềng khá phát triển như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, thậm chí Singapore, Malaysia... đều có những tạp chí quốc tế mà các nhà nghiên cứu ở những quốc gia khác rất hãnh diện nếu có bài được đăng trên đó). Bởi thế, trừ khi được sự thông cảm đặc biệt của trưởng khoa, những bài họ viết cho các tạp chí Việt Nam (nhất là nếu họ viết bằng tiếng Việt, chính nó cũng là một khó khăn rất lớn cho những người đã được đào tạo ở nước ngoài) đều là những bài “cúng chùa”, không giúp ít gì cho sự nghiệp của họ ở nước ngoài. Ngược lại, nếu họ đánh giá “phần thưởng tinh thần” cho họ là cao, thì chính những bài ấy (nhất là những bài viết dễ hiểu cho sinh viên Việt Nam) lại có ảnh hưởng rất lớn!

Đó là chưa nói đến vấn đề ngôn ngữ. Dù có muốn viết cho các tạp chí khoa học trong nước, cái khó khăn cho người Việt ở nước ngoài, nhất là những người đã được đào tạo nhiều năm ở hải ngoại là vấn đề ngôn ngữ. Chính vì vấn đề ngôn ngữ nên những người này, dù có thiện chí hi sinh thời gian để viết báo hoặc soạn thảo giáo trình cho độc giả (sinh viên) trong nước thì cũng thấy đó và một việc hết sức khó khăn, mất quá nhiều thời giờ.

Tuy nhiên, có một thành phần đặc biệt hữu ích cho đại học Việt Nam là những trí thức Việt Nam đã có kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo ở các đại học, các viện nghiên cứu, ở nước ngoài.3 Tuy số người này trong tập thể trí thức người Việt ở hải ngoại còn tương đối ít, họ sẽ mang những kinh nghiệm vô cùng quý báu về tổ chức đại học, về tuyển mộ giáo sư, về chương trình học, mà một giáo sư bình thường ít khi có được.

3

Ngoài những “trách nhiệm” mà người Việt Nam ở nước ngoài có thể cảm thấy đối với nền đại học trong nước, còn một sự thật này: không gì đem lại hạnh phúc hơn khi thấy việc mình làm có ảnh hưởng đến người khác, nhất là lớp trẻ. Đó chính là phần thưởng cao quý nhất mà người trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ nhận được khi đóng góp vào sự phát triển của đại học Việt Nam. Hơn thế nữa, ưu thế độc đáo của người trí thức Việt Nam ở nước ngoài là trong cương vị cầu nối sinh hoạt trí thức ở Việt Nam (và về Việt Nam) với sinh hoạt trí thức thế giới. Không thể nhấn mạnh hết tầm quan trọng của sự tích hợp này.

Nhìn chung, tầm mức, hiệu quả, và lãnh vực mà trí thức người Việt hải ngoại có thể đóng góp vào sự lớn mạnh của nền đại học Việt Nam là tùy phần lớn vào bốn yếu tố: môi trường vật chất, tư duy, cơ chế, và xã hội.

Thứ nhất, về môi trường vật chất để làm việc. Dù có thiện chí đến bực nào, không giáo sư nào (trong nước cũng như từ nước ngoài về) có thể hoạt động hết năng suất của mình nếu không được một văn phòng riêng, tĩnh lặng, để làm việc. Số sinh viên mỗi lớp phải vừa phải. Số giờ đứng lớp cũng không hơn ở các đại học tiền tiến (trung bình khoảng 9 giờ mỗi tuần).

Thứ hai, về tư duy. Hiệu quả của sự đóng góp của trí thức Việt Nam ở nước ngoài tuỳ vào “tư duy” của chính quyền, nhất là của cấp lãnh đạo giáo dục. Dùng chữ “tư duy” ở đây để nhấn mạnh rằng nó không chỉ là những biện pháp hành chính, những ưu đãi vật chất (những tấm “thảm đỏ”!) nhưng là sự cần có một môi trường thích hợp cho tự do học thuật, nghiên cứu, và truyền bá kiến thức. Đối với trí thức quen sống ở các quốc gia tiền tiến thì môi trường ấy phải là một bầu không khí “phi chính trị” trong khuôn viên đại học (theo nghĩa rộng). Ngược lại, người trí thức hải ngoại cũng cần thông cảm với những khả năng và hạn chế trong nước. Phải tìm hiểu thực trạng trong nước trước khi có những quyết định “đổi đời”. Không nên có ảo tưởng để rồi não nề thất vọng.

Thứ ba, về cơ chế. Mọi đóng góp của trí thức Việt Nam ở nước ngoài, dù là từ những cá nhân đơn lẻ hay những nhóm nhỏ, cũng đều như hạt cát bỏ biển, chừng nào mà cơ chế trong nước còn không thích hợp, thậm chí có những cơ chế mà trên thực tế đã “đẩy lùi”, làm “vô hiệu hoá” những đóng góp đó như nhiều người chua chát nhận xét. Nghịch lý là: Đóng góp của người trí thức Việt Nam ở hải ngoại chỉ thực sự có hiệu quả khi môi trường đại học Việt Nam “thông thoáng” hơn (về cơ chế cũng như tư duy), nhưng chính sự “thông thoáng” ấy sẽ gia tăng khi có sự đóng góp của trí thức người Việt ở nước ngoài. Góp phần xây dựng cơ chế đại học Việt Nam là một khả năng chưa được tận dụng của trí thức người Việt ở nước ngoài. Như đã nói ở trên, một thành phần trí thức quan trọng là những người đã có kinh nghiệm quản trị hay lãnh đạo đại học. Đó là những nguời đã làm khoa trưởng, chủ nhiệm bộ môn, hoặc điều hành một ủy ban nào đó trong đại học. Hãy đặc biệt lắng nghe ý kiến của những người này trong việc cải tổ cơ chế.

Thứ tư là về mặt xã hội. Hiệu quả đóng góp của trí thức Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển của đại học Việt Nam không chỉ tùy thuộc vào tâm và tầm của trí thức ấy, vào chính sách và biện pháp cụ thể của nhà nước đối với họ, nhưng, và điều này khá nhạy cảm nên ít được nói đến, còn tùy vào đồng nghiệp của họ ở trong nước. Sự “làm việc chung” giữa trí thức trong nước và trí thức hải ngoại tất nhiên sẽ nảy sinh những vấn đề tế nhị trong giao tiếp, trong sự khác biệt giữa cách ứng xử, trong triết lý sư phạm, trong tư duy cá nhân, và cụ thể nhất là trong những điều kiện thăng thưởng, tiến thân, trong nước so với nước ngoài. Mọi người đều cần một sự cởi mở, một tinh thần thông cảm, cùng phục vụ đất nước, học thuật và thế hệ trẻ. Điều đáng lạc quan là, qua kinh nghiệm ở nhiều nước, những “va chạm” này sẽ ngày càng giảm đi.

Cuối cùng, cần nói đến một bộ phận (không nhỏ) trí thức ở hải ngoại mà, vì lý do này hoặc lý do khác, không có liên hệ gì (thậm chí thờ ơ!) đến đại học Việt Nam. Thiết nghĩ, họ vẫn có ảnh hưởng đến các bạn trẻ trong nước trong vai trò những tấm gương trí thức trong sự đam mê công việc, trong những thành đạt, trong sự chính trực của họ. Có lẽ họ không nghĩ đến điều này nhưng khi đọc tên (có vẻ như) của một người Việt Nam, người Việt Nam khắp nơi đều hãnh diện.

Tương lai Việt Nam là tùy thuộc vào nỗ lực của mọi người. Người trí thức ở hải ngoại có nhiệm vụ đóng góp vào nỗ lực này. Tất nhiên những người đã công thành danh toại thì có thể đóng góp nhiều hơn, song thế hệ trẻ vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài cũng phải đóng góp vào sự nghiệp ấy, dù phải thông cảm là họ còn trong giai đoạn bận rộn tạo dựng sự nghiệp cá nhân. Một trong những thất vọng của người viết bài này là không ít các tiến sĩ trẻ đã quyết định không hồi hương. Hi vọng là sau ít năm các bạn ấy sẽ về, song những bạn lập gia đình với người nước ngoài thì triển vọng về nước chắc sẽ là rất thấp. Như đã viết trong một bài khác,4 trên quan điểm cá nhân thì những người này không có gì đáng trách (vì há chính những trí thức Việt Nam ở hải ngoại hiện nay, trong đó có người viết bài này, không là những người đã có lần “hoãn” việc hồi hương đó sao?). Có nhiều lý do để thông cảm sự không về nước của họ, và ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình. Tuy nhiên, nếu những thành phần ưu tú nhất của quốc gia ra đi mà “không hẹn ngày trở lại” thì đại học Việt Nam sẽ ra sao? Cụ thể hơn, phải nhận rằng tình trạng này đã làm nản lòng không ít giáo sư người Việt ở các trường đại học nước ngoài, nhất là những người đã vận động để tìm học bổng cho những sinh viên này du học với kỳ vọng là khi thành tài về nước, họ sẽ là những hạt giống cho sự phát triển của đại học Việt Nam.

Nền đại học Việt Nam chỉ trở thành niềm hãnh diện của chúng ta nếu mọi người, trong cũng như ngoài nước, mọi thế hệ, hi sinh chút ít lợi ích cá nhân để cùng nhau xây đắp nền đại học ấy. Có nhiều việc người trí thức Việt Nam ở hải ngoại có thể làm để giúp ích đại học Việt Nam, không cứ phải về nước giảng dạy, hoặc tìm học bổng cho sinh viên du học. Cần nhất là quyết tâm giúp ích, rồi tìm những việc mình có thể làm được, trong khả năng, và vâng, có thể có lợi cho sự nghiệp cá nhân của mỗi người nữa!



11 tháng 12, 2010

Trần Hữu Dũng

Wright State University
Dayton, Ohio 45435
USA



1 Chính xác, đây là nói về những người có bằng tiến sĩ.

2 Xem, chẳng hạn, Trần Hữu Dũng, 2006, “Trí thức Việt Nam thời “toàn cầu hóa” - Tư duy, kỳ vọng, và trách nhiệm”, trong “Trong Ngần Bóng Gương" (Kỷ yếu mừng Gs. Ts. Đặng Đình Áng thượng thọ 80 tuổi)

3 Tương tự, theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, hậu quả trầm trọng nhất của nạn chảy máu chất xám là sự thất thoát những người có kinh nghiệm quản lý các bệnh viện, các hệ thống y tế.

4 Trần Hữu Dũng, 2004, “Hiện đại hoá, toàn cầu hoá, và vấn đề chảy máu chất xám. “ Tia Sáng, tháng 10.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us