Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Triệu Đà và nước Nam Việt

Triệu Đà và nước Nam Việt

- Hồ Bạch Thảo — published 29/05/2009 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Triệu Ðà và nước Nam Việt


Hồ Bạch Thảo




Chánh sử nước ta thời xưa và phần lớn các bộ sử ngày nay đều công nhận nước Nam Việt do Triệu Ðà lập nên là tiền thân của nước Việt Nam ngày nay ; tuy vậy cũng có một vài sử gia không công nhận điều đó. Người phản đối đầu tiên là Ngô Thời Sĩ, một nhà viết sử và cũng là danh thần thời Lê mạt ; trong Việt Sử Tiêu Án, phần giới thiệu Triệu Ðà ông viết :


« Xét sử cũ : An Dương Vương mất nước để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ “Triệu Vũ đế”. Người đời theo sau đó, không biết là việc không phải. Than ôi ; đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Ðà khởi ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để ky my lấy dân chứ chưa từng đến nước ta… Triệu Ðà kiêm tính Giao Châu, cũng như Nguỵ kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đem Nguỵ tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử nước ta cũng có thể đem Triệu tiếp theo An Dương Vương. Không thế xin xem lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.» 1


Lập luận của Ngô Thời Sĩ có những điểm cần phải thảo luận :


* Việc phân biệt giữa đất Việt thuộc Nam Hải, Quế Lâm và đất Việt thuộc Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam không hợp lẽ vì lịch sử ghi nhận rằng tất cả vùng đất này đều ở phía nam Ngũ Lãnh, thuộc dòng giống Bách Việt. Triệu Ðà ly khai khỏi Tần, Hán ; kinh dinh vùng đất này lập nên nước Nam Việt độc lập. Sau gần một thế kỷ, Hán Vũ đế thôn tính Nam Việt, phần đất này bị chia thành 9 quận : Ðam Nhĩ, Chu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Chỉ có một điều khác duy nhất là trải qua gần ngàn năm đô hộ, 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam giành lại được độc lập, đó là nước Việt Nam ngày nay ; còn các quận còn lại nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc, thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây ngày nay.


* Bảo rằng nhà Nguỵ không thể nối tiếp Lưu Thiện thuộc Hậu Hán ; Ngô Thì Sĩ theo quan điểm “ chính thống, nguỵ triều ” thời xưa, cho các triều đại Hán, Ðường là chính thống, còn các triều : Nguỵ, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tuỳ là nguỵ triều. Lập luận này vô hình trung gạt bỏ 400 năm lịch sử Trung Quốc, các nhà viết sử ngày nay không chấp nhận như vậy. Cũng cùng một lẽ, gạt bỏ nhà Triệu, vô hình trung biến 100 năm lịch sử Việt Nam thời đó, thành thời đô hộ !


* Nêu lên việc “ Triệu Ðà khởi ở Long Xuyên ”, Ngô Thì Sĩ muốn nhắc đến gốc gác Triệu Ðà người đất Chân Ðịnh, Trung Quốc, làm quan cho nhà Tần với chức Long Xuyên lệnh. Xét về tiểu sử xuất thân thì Triệu Ðà cũng tương tự như George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ quốc. Washington gốc người Anh, Triệu Ðà gốc Trung Quốc ; Washington từng là sĩ quan trong quân đội thuộc địa Anh, thì Triệu Ðà từng giữ chức Long Xuyên lệnh cho nhà Tần ; Washington là tổng thống đầu tiên nước Mỹ, thì Triệu Ðà là người lập ra nước Nam Việt. Nếu bảo khác, thì chỉ khác ở phần cuối ; nước Mỹ trường tồn, còn nước Nam Việt của Triệu Ðà bị chết yểu !


* Dùng chữ “ lập quốc ở Phiên Ngung ”, nói chính xác hơn là đóng đô tại Phiên Ngung, tức Quảng Châu ngày nay. Thiết nghĩ thủ đô có thể đặt bất cứ nơi nào trong nước, hoặc ở Phiên Ngung, hoặc ở Long Biên [Hà Nội] đều có giá trị như nhau.


* Về việc đánh nước ta, thì Sử Ký chép dưới đây, ghi nhà Tần đánh năm [-214], nếu Triệu Ðà có tham dự trận đánh này thì cũng là một viên quan thừa lệnh của vua Tần ; riêng việc Triệu Ðà đánh Tượng Quận sau đó tức giành lại đất Tượng Quận từ tay nhà Tần.


Gọi là tranh luận thì ai cũng muốn giành lẽ phải về mình, nên không tránh khỏi thiên kiến. Muốn có sự phán xét công bằng, độc giả cần tham khảo hai bộ sử đầu tiên đề cập đến Triệu Ðà vả nước Nam Việt : Sử ký của Tư Mã Thiên, quyển 113, mục Nam Việt Liệt Truyện và Hán Thư của Ban Cố, quyển 95, mục Liệt truyện. Sử Ký, phần Bản Kỷ, quyển 6 chép :


Năm [Tần Thủy Hoàng] thứ 33 [-214] dùng dân bỏ trốn, dân ở rể, dân buôn cho làm lính ; đánh chiếm đất Lục Lương đặt ra Quế Lâm [Quảng Tây], Nam Hải [Quảng Ðông], Tượng Quận [An Nam] 2


Nhận thấy cuốn Hán Thư của Ban Cố có đầy đủ mọi dữ kiện được ghi trong Sử Ký, lại thêm nhiều chi tiết như thư của Hán Văn Ðế gửi cho Triệu Ðà, nên chúng tôi xin dịch nguyên văn như sau :

Nam Việt vương Triệu Ðà, người đất Chân Ðịnh [Trung Quốc]. Bấy giờ nhà Tần thôn tính thiên hạ, lược định Dương Việt, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận ; đày dân đến sống chung với người Việt đã 13 năm ? Vào thời Nhị Thế, Nam Hải Uý Nhâm Ngao bệnh gần chết, triệu Long Xuyên Lệnh Triệu Ðà đến bảo rằng :

 “ Nghe rằng bọn Trần Thắng nổi loạn, hào kiệt phản nhà Tần cùng đứng lên, Nam Hải là đất xa xôi, sợ giặc cướp xâm phạm. Ta định mang binh chặn con đường mới mở, để phòng bị chư hầu gây biến, nhưng lại bị đau nặng. Vả lại đất Phiên Ngung dựa vào núi hiểm trở, nam bắc, đông tây rộng đến ngàn dặm, lại có người Trung Quốc theo, có thể làm chủ châu này. Những người trưởng lão trong quận không ai đủ khả năng để mưu việc, nên mời ông đến để bàn.”

Bèn giao cho Ðà văn thư giữ chức Nam Hải Uý. Rồi Ngao mất, Ðà truyền hịch đến các quan ải Hoành Phố, Dương Sơn và Hoàng Khê rằng :

 “ Giặc cướp đến, hãy gấp cắt đường, họp binh để tự thủ.”

Nhân dùng pháp luật giết quan lại nhà Tần đặt ra, dùng người cùng phe đảng để cố thủ. Nhà Tần đã diệt, Ðà đánh lấy Quế Lâm, Tượng Quận tự lập làm Nam Việt Vũ Vương.

Khi vua Hán Cao đế bình định thiên hạ, nghĩ rằng Trung Quốc đã nhiều đau khổ, nên tha cho Ðà không đánh dẹp. Vào năm Hán Cao Tổ thứ 11 [-196] sai sứ Lục Giả đến phong Ðà làm Nam Việt Vương ; chẻ ấn phù 3 thông sứ, hoà hiếu với Nam Việt, không còn để mối hại ở phương nam, đất này tiếp giáp với Trường Sa.

Thời Cao Hậu, các quan xin cấm người Việt mua bán đồ sắt. Ðà nói :

 “ Cao Hoàng đế lập ta, thông sứ giả và đồ vật ; nay Cao Hậu nghe lời sàm tấu của bề tôi, phân biệt man di, cấm tuyệt khí vật. Ðây chắc là kế của Trường Sa Vương, dựa vào Trung Quốc muốn diệt Nam Hải để làm vua và lập công. ”

Rồi Ðà tự tôn hiệu là Nam Vũ Ðế, mang binh tấn công biên giới Trường Sa, đánh bại mấy quận. Cao Hậu sai Tướng quân Long Lự hầu Táo đánh. Lúc bấy giờ nắng nóng, quân sĩ bị dịch nặng, không vượt qua được Ngũ Lãnh. Hơn năm sau Cao Hậu mất, bèn cho bãi binh. Ðà nhân dịp dùng binh uy và tài vật hối lộ Mân Việt, Tây Âu Lạc, đem những nước này thống thuộc. Vị trí đông tây hơn 1 vạn dặm, ngồi trên xe mui vàng, trương cờ tả đạo 4, nghi vệ ngang hàng với Trung Quốc.

Vào thời Hán Văn Ðế năm thứ nhất [-179], lúc Thiên tử mới lên cai trị thiên hạ, bố cáo cho các di bốn phương về sự lên ngôi, lời dụ đầy thịnh tình. Bèn đặt người coi sóc phần mộ người thân của Triệu Ðà tại Chân Ðịnh, hàng năm cúng tế ; triệu người em đến, cho làm quan cao và ban thưởng hậu. Lại sai Thừa tướng [Trần] Bình chọn sứ giả có khả năng đến nước Việt, Bình tâu rằng Lục Giả thời tiên Ðế đã từng đi sứ nước Việt. Thiên tử ban chiếu cử Lục Giả làm Thái trung Ðại phu, một viên Yết giả làm Phó sứ ; lại ban cho Ðà thư như sau :

Hoàng đế ân cần thăm hỏi Nam Việt Vương mà lòng những buồn lo khôn xiết. Trẫm là con thứ của Cao Hoàng Ðế, bị đưa ra ngoài làm phiên trấn tại đất Ðại ; trấn nhậm nơi xa xôi, cuộc sống chất phác quê mùa, chưa từng viết thư. Chẳng may Cao Hoàng Ðế lìa trần, Hiếu Huệ Hoàng Ðế mất sớm ; Cao Hậu tự lâm triều nhưng bị tật, ngày ngày không khá hơn, nên việc chính trị lỗi đạo. Người họ Lữ lộng quyền gây biến loạn pháp, mà không chế ngự được ; sau khi Hiếu Huệ Ðế mất, chúng tự tiện đổi Ðế hiệu sang họ khác. Nhờ uy linh của tổ tông cùng công sức của các công thần, bọn chúng bị giết sạch. Trẫm là Vương Hầu, các quan cố ép, nên không thể không lập, nay tôn lên làm vua.

Mới đây nghe rằng Vương gửi thư cho Long Lư Hầu muốn được thăm hỏi các em và xin bãi hai tướng tại Trường Sa. Qua thư của Vương, Trẫm đã bãi viên Bác Dương Hầu, cho người thăm hỏi em Vương tại Chân Ðịnh, cùng tu sửa phần mộ tiên nhân. Trước đây nghe tin Vương phát binh nơi biên giới, gây cướp bóc tai hoạ không ngừng, đương thời dân đất Trường Sa đã khổ, vùng Nam Quận lại càng quá lắm ; riêng dân nước Vương có lợi gì hơn ? Chắc sĩ tốt, tướng lại cũng bị tổn thất nhiều, cho đến nỗi vợ mất chồng, con mồ côi cha , bố mẹ già không người nương tựa, được một mất mười, Trẫm không nỡ làm như vậy. Nay Trẫm định chia đất này theo kiểu răng chó để chế ngự lẫn nhau, bèn đem việc này hỏi các lại. Lại tâu rằng :

 Cao Hoàng xưa đã đặt giới hạn đất của Vương tại Trường Sa rồi, không thể tự tiện sửa đổi được.

Nay lấy đất của Vương không đủ lớn thêm được, lấy của cải của Vương cũng không đủ giàu thêm được, thôi thì từ Ngũ Lĩnh trở về nam do Vương tự trị. Tuy nhiên với danh hiệu Ðế mà Vương tự xưng ; như vậy có hai Ðế cùng tồn tại, lại không còn sứ giả đi lại, tức là tranh chấp. Nếu tranh giành mà không biết nhường nhịn, bậc quân tử không ai làm như vậy. Mong rằng sẽ cùng Vương bỏ sai lầm cũ , để hai nước thông sứ như cũ. Bởi vậy Trẫm sai Lục Giả mang dụ cáo Vương, Vương hãy nhận lấy, đừng đánh phá thêm nữa. Gửi kèm 50 áo thượng trước, 30 áo trung trước, 20 áo hạ trước ; mong Vương thuận theo điều vui, tiêu sầu, gửi lời thăm hỏi lân quốc.”

Lục Gỉả đến, Nam Việt Vương sợ bèn cúi đầu tạ, nguyện phụng chiếu chỉ anh minh, vĩnh viễn làm phiên thần, tròn chức cống ; rồi hạ lệnh cho người trong nước rằng :

 “Ta nghe rằng hai người hùng không nên đứng ngang nhau, hai người hiền không đáng cùng được suy tôn. Hoàng đế nhà Hán là bậc hiền Thiên tử ; nên từ nay trở về sau, ta không xưng Ðế, bỏ nhà vàng, cờ tả đạo.”

Rồi viết thư xưng rằng :

Man di Ðại trưởng lão thần [Triệu] Ðà liều chết tái bái, dâng thư Hoàng đế Bệ hạ : Lão phu là viên quan lại xưa tại đất Việt, hân hạnh được Cao Hoàng đế ban cho ấn tỷ, chức Nam Việt vương, cho làm ngoại thần, đúng thời lo chức cống. Hiếu Huệ Hoàng đế lên ngôi, vì nghĩa không nỡ cắt đứt, nên ban cho lão phu trọng hậu. Từ khi Cao Hậu lâm triều dụng sự, gần kẻ sĩ nhỏ nhen, tín lời sàm tấu, phân biệt đối xử với man di, ra lệnh rằng : “Không [bán] cho dân Việt man di bên ngoài khí dụng đồ sắt làm ruộng ; ngựa, trâu, dê thì [bán] cho con đực, không bán con cái.” Lão phu ở nơi hoang tịch, ngựa, trâu, dê răng dài đã già, nên không có để dùng vào việc tế tự, thật đáng tội chết ; bèn sai 3 người : Nội sử Phiên, Trung úy Cao, Ngự sử Bình dâng thư tạ lỗi nhưng không được phúc đáp. Lại nghe đồn rằng phần mộ cha mẹ bị huỷ hoại, anh em họ hàng bị tru phạt ; bèn bàn với bọn thuộc lại rằng :

 “Nay ở trong triều không được vinh danh bởi nhà Hán, ngoài cõi thì không có gì cao sang”

Nên đổi danh hiệu xưng Ðế ; tự làm Ðế nước mình, không dám phạm đến thiên hạ.

Cao Hoàng hậu nghe được giận lắm, tước bỏ tên Nam Việt, không cho sứ giả lưu thông ; Lão phu nghĩ rằng do Trường Sa vương sàm tấu, nên phát binh đánh biên giới nước này. Vả lại phương nam đất ẩm thấp, phía trung tây có man di Tây Âu, dân bán khai, hướng nam xưng Vương ; phía đông có Mân Việt, dân có vài ngàn người, cũng xưng Vương ; tây bắc có Trường Sa, dân bán khai cũng xưng vương, nên lão phu mạo lấy danh hiệu Ðế để tự vui mà thôi. Lão phu đích thân cai quản hàng trăm ấp, đông tây nam bắc rộng hàng ngàn vạn dặm, giáp binh hơn trăm vạn, nhưng hướng về phương bắc thờ nhà Hán ; cớ sao vậy ? Không dám phản bội tiên nhân mà thôi.

Lão phu tại đất Việt 49 năm, nay đã bồng cháu, nhưng dậy sớm ngủ muộn, nằm không yên chiếu, ăn không biết ngon, mắt không nhìn sắc đẹp, tai không nghe chuông trống âm nhạc, vì không được phụng thờ nhà Hán. Nay may mắn được Bệ hạ thương xót, ban cho hiệu cũ, cho sứ Hán đến như xưa, lão phu chết xương không nát, không dám cải hiệu xưng đế nữa ! Nhân hướng về phương bắc, qua sứ giả dâng hiến 1 đôi bạch bích, 1000 chim thuý điểu, 10 sừng tê giác, 500 vỏ sò tía, 1 nồi mọt quế 5, 40 thuý điểu sống, 2 chim khổng tước. Nay liều chết bái tiếp, để chờ nghe phán xét của Hoàng đế Bệ hạ.”

Lục Giả trở về thông báo, Hán Văn đế rất vui ; đến đời Hiếu Cảnh [-156 --140] xưng thần sai sứ vào triều cống, nhưng tại trong nước vẫn xưng trộm Ðế hiệu như cũ, riêng sứ giả đến Thiên tử thì xưng Vương như các chư hầu khác.

Ðến đời Hán Vũ đế Kiến Nguyên năm thứ 4 [-137] cháu Triệu Ðà là Hồ làm Vương Nam Việt. Lên ngôi được 3 năm, Vương Mân Việt tên Sính đánh biên giới phía nam, bèn sai sứ giả dâng thư đến nhà Hán rằng :

Hai nước Việt đều là phiên thần, không được phép tự tiện đánh lẫn nhau ; nay Ðông Việt xâm lấn thần, thần không dám mang quân đánh trả, vậy xin Thiên tử ban chiếu phân xử.”

Khi đó Thiên tử khen Nam Việt làm nhiều điều phải, giữ điều ước ; rồi sai 2 tướng hưng binh đánh Mân Việt. Quân chưa qua khỏi Ngũ Lãnh, em vương Mân Việt là Dư Thiện giết Sính xin hàng, nên cho bãi binh.

Thiên tử sai Nghiêm Trợ đến phủ dụ, Nam Việt vương Hồ cúi đầu thưa rằng :

 “ Thiên tử đã hưng binh tru diệt Mân Việt, chết cũng muốn báo đức ! ”, Bèn sai Thái tử Anh Tề vào chầu ; lại nói với Trợ rằng :

 “Nước mới bị giặc đến cướp, chỉ cho sứ giả đi thôi. Hồ ngày đêm cũng mong được yết kiến Thiên tử.”

Sau khi Trợ từ giả, các đại thần can gián Hồ rằng :

 “ Nhà Hán hưng binh tru diệt Sính, việc này kinh động đến Nam Việt ; vả lại Tiên vương trước kia đã để lại lời giáo huấn rằng thờ Thiên tử đừng để thất lễ, không nên nghe lời nói ngọt vào triều kiến ; vào triều kiến thì không trở về được nữa ; đó là cái thế mất nước ! ”

Do đó Hồ xưng bệnh, không vào triều kiến. Hơn 10 năm sau Hồ thực bệnh nặng, Thái tử Anh Tề xin trở về. Hồ mất, đặt tên thuỵ là Văn Vương.

Anh Tề lên làm vua, tiếp tục giữ ấn tỷ từ thời Vũ Ðế, Văn Ðế. Anh Tề lúc còn tại Hàm Ðan, lấy người con gái họ Cù, sinh con trai tên Hưng. Rồi nối ngôi, dâng thư xin lập Cù Thị làm Hoàng hậu, Hưng thừa kế. Nhà Hán mấy lần sai sứ giả đến phủ dụ, Anh Tề phóng túng thích tự tiện sát sinh làm vui, sợ phải vào triều kiến, muốn dùng pháp luật nhà Hán làm chư hầu, nên lấy cớ bệnh không vào triều kiến ; bèn sai con thứ Công vào làm túc vệ. Lúc Anh Tề mất, đặt tên thuỵ là Minh Vương.

Thái tử Hưng lên ngôi, mẹ làm Thái hậu. Thái hậu lúc làm vợ Anh Tề, từng thông gian với An Quốc Thiếu Quý. Năm Nguyên Ðỉnh thứ 4 [-113], sau khi Anh Tề mất, nhà Hán sai An Quốc Quý dụ Vương và Thái hậu vào triều, lệnh Biện sĩ Gián Ðại phu Chung Quân tuyên lời, bọn Dõng sĩ Nguỵ Thần phụ vào việc quyết định, Vệ uý Lộ Bác Ða [Ðức?] mang quân đóng tại Quế Dương đợi sứ giả. Vương tuổi nhỏ, Thái hậu là người Trung Quốc, khi An Quốc Thiếu Quý đến lại tiếp tục tư thông ; người trong nước biết việc này , nên số đông không ủng hộ Thái hậu. Thái hậu sợ loạn nổi lên, muốn nhờ uy nhà Hán khuyên Vương cùng bầy tôi uy tín nội thuộc ; tức nhân dịp đưa thư sứ giả, xin làm tỷ nội chư hầu, 3 năm đến yết triều một lần, bỏ quan ải biên giới. Thiên tử chấp nhận, ban ấn bạc cho Thừa tướng Lữ Gia, cùng ấn cho Nội sử, Trung uý, Thái truyền ; kỳ dư được tự đặt lên ; bỏ các hình phạt như khắc chữ vào mặt, cắt mũi, dùng pháp luật nhà Hán. Vương và Thái hậu chuẩn bị hành lý tư trang để vào triều. 

Trong nước có tướng Lữ Gia tuổi cao, từng làm Thừa tướng cho 3 đời vua, có hơn 70 người trong họ làm quan cao hoặc Trưởng lại, con trai đều lấy Công chúa, con gái lấy con em dòng Tôn thất ; lại liên kết với Tần vương tại Thương Ngô. Gia giữ địa vị quan trọng, người nước Việt tin phục, phần lớn chịu làm tai mắt, được lòng dân chúng nhiều hơn Vương. Lúc Vương dâng thư lên nhà Hán, Gia mấy lần can gián nhưng Vương không nghe. Trong bụng muốn làm phản, nên mấy lần xưng bệnh không đến gặp sứ giả nhà Hán. Sứ gỉa chú ý đến Gia, nhưng tình thế chưa diệt được. Vương và Thái hậu cũng sợ bọn Gia ra tay trước, muốn trao quyền cho sứ giả diệt bọn Gia. Rồi mở tiệc mời sứ giả cùng các đại thần đến ăn uống. Em Gia làm tướng, đưa quân lính đến đóng ngoài cung. Trong tiệc rượu, Thái hậu muốn khích nộ sứ giả bèn bảo Gia :

Nam Việt nội phụ lợi cho nước, mà tướng quân cho là khó khăn bất tiện, là tại làm sao vậy ? ” 

Sứ giả chần chừ nhìn vào binh trượng, nhưng không dám ra tay. Gia thấy tình hình không ổn, bèn vội đi ra. Thái hậu giận, muốn đâm Gia bằng mâu, nhưng Vương cản được. Sau khi Gia ra khỏi, người em cho rút quân, rồi [Gia] từ chối vì bệnh không thể gặp Vương và sứ giả và âm mưu nổi loạn. Vì Vương không muốn giết Gia, Gia hiểu điều đó, nên để mấy tháng không phát binh. Riêng Thái hậu thì muốn giết Gia, nhưng khả năng không làm được.

Thiên tử nghe báo, kết tội sứ gỉả khiếp nhược không quyết. Cho rằng Vương và Thái hậu đã quy phụ nhà Hán, chỉ có một mình Lữ Gia làm loạn, không cần phải dùng đại binh, muốn Trang Tham mang 2000 quân đi. Tham tâu rằng :

 “Vì hữu nghị mà đi thì số đó đủ dùng, nhưng để dùng việc vũ lực thì số đó không đủ”. 

Rồi từ chối, Thiên tử bãi quân của Tham. Tướng Tế Bắc cũ Giáp tráng sĩ Hàn Thiên Thu phấn dõng tâu :

 “ Với nước Việt nhỏ nhoi, Vương làm nội ứng, chỉ có Lữ Gia làm hại, xin dũng sĩ 300 người, ắt chém Gia để báo công.”

Do vậy Thiên tử sai Thiên Thu, cùng em Thái hậu là Cù Lạc mang 2000 quân đi. Khi vào lãnh thổ Việt, thì Lữ Gia đã làm phản. Y hạ lệnh người trong nước rằng :

 “ Vương tuổi trẻ, Thái hậu người Trung Quốc, lại dâm loạn với sứ giả, riêng muốn nội thuộc, mang hết đồ quý của tiên Vương dưng hiến để mong làm vừa lòng Thiên tử, đem tuỳ tùng đến Trường An bán làm tôi đòi. Muốn trục lợi nhất thời, không đếm xỉa đến xã tắc vạn đời của nhà Triệu.”

Rồi cùng em mang quân giết Thái hậu, vua và giết hết sứ giả ; lại sai người báo cho Tần Vương tại Thương Ngô cùng các quận huyện ; lập người con trưởng của Minh Vương với vợ Việt là Thuật Dương Hầu Kiến Ðức lên làm vua. 

Quân của Hàn Thiên Thu nhập cảnh, phá một vài ấp. Sau đó quân Việt mở đường ch lương thực, đến cách Phiên Ngung chưa đầy 40 dặm gặp quân Hàn Thiên Thu, tiêu diệt trọn ; rồi sai người niêm phong c tiết của sứ giả mang đến cửa ải, dùng lời khinh mạn tạ tội,cùng phát binh trấn đóng nơi trọng yếu. Do vậy Thiên tử phán rằng :

 “ Hàn Thiên Thu tuy không thành công, nhưng quân xung phong đầu tiên, nên phong con là Diên Niên chức Thành An hầu. Cù Lạc, có chị làm Thái hậu tình nguyện trước tiên nội thuộc nhà Hán, phong cho người con Quảng Ðức làm Long hầu.” Rồi xá thiên hạ và phán : “ Vua nhu nhược, chư hầu phải phụ giúp. Các ky thần không đánh giặc, để cho Lữ Gia, Kiến Ðức làm phản, ngang nhiên tự lập. Lệnh người Việt, cùng vùng phía nam Giang Hoài mang 10 vạn lâu thuyền đến chinh thảo.”

Mùa thu năm Nguyên Ðỉnh thứ 5 [-112] phong Vệ uý Lộ Bác Ða [Ðức ?] chức Phục ba Tướng quân mang quân xuất phát từ Quế Dương, xuống Hoàng Thuỷ, Chủ tước Ðô uý Dương Bộc chức Lâu thuyền Tướng quân xuất phát từ Dự Chương, xuống Hoành Phố ; Cố Quy Nghĩa, Việt Hầu 2 người giữ chức Qua thuyền ; Hạ Lại Tướng quân xuất phát từ Linh Lăng, hoặc theo dòng Ly Thuỷ, hoặc đến Thương Ngô ; sai Trì nghĩa hầu mang tội nhân Ba Thục, phát quân Dạ Lang theo sông Tường Kha hội hợp tại Phiên Ngung.

Mùa đông năm thứ 6 [-111], Lâu thuyền Tướng quân mang tinh binh công hãm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn, tịch thu được thuyền lúa của Việt, rồi tiến quân bẻ gảy mủi nhọn quân Việt. Vì quân Viêt có mấy vạn người, nên đợi Phục ba Tướng quân tăng cường. Phục ba Tướng quân cùng tội nhân, đường xa nên đi sau, cùng lâu thuyền họp binh quân hơn 1000 người, rồi cùng tiến. Lâu thuyền tiến trước, đến Phiên Ngung, Kiến Ðức và L Gia thủ trong thành. Lâu thuyền chọn nơi thuận tiện, đóng phía đông nam, Phục ba đóng phía tây bắc. Ðến chiều, Lâu thuyền đánh bại quân Việt, phát hoả đốt thành. Việt vốn nghe tiếng Phục ba, nhưng vì trời tối nên không biết quân nhiều ít.

Phục ba đóng quân, sai sứ chiêu hàng ; ban cho sứ giả ấn thụ lệnh chiêu dụ. Lâu thuyền ra sức đánh, quân Việt bi đuổi nên rút về phía trại của Phục ba, đến tối cả thành hàng Phục ba. Lữ Gia, Kiến Ðức nhân trời tối, mang gia thuộc mấy trăm người trốn ra biển. Phục ba hỏi quân đầu hàng, biết chỗ trốn, bèn mang quân truy đuổi. Rồi Hiệu tư mã Tô Hoằng bắt được Kiến Ðức được phong chức Hải thượng hầu, Việt lang Ðô Kê bắt được Gia, được phong Lâm thái Hầu.

Thương Ngô vương Triệu Quang cùng họ với vua nước Việt, nghe tin quân Hán đến, xin hàng, được phong Tuỳ đào hầu ; cùng viên Lệnh Yết Dương Sử Ðịnh hàng Hán được phong An đạo hầu ; tướng Việt Tất Thủ mang quân hàng được phong hầu ; Việt tại Quế Lâm, Ngoã Lạc, Giám cư Ông Dụ Cáo mang 40 vạn nhân khẩu hàng được phong Tương thành hầu. Qua thuyền, Hạ Lại tướng quân, cùng Trì Nghĩa hầu mang quân Dạ Lang chưa đến nơi, thì Nam Việt đã được bình định. Bèn chia đất này thành 9 quận : Ðam Nhĩ, Chu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Phục ba Tướng quân được gia phong, Lâu thuyền Tướng quân có công bẻ gảy quân tiên phong, phá quân phòng thủ được phong Tướng lương hầu.”

Những sử liệu nêu trên chép về nhà Triệu, đáng được làm tài liệu tham khảo.

Hồ Bạch Thảo



1 Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sĩ soạn năm 1775, do hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu dịch năm 1960, bản in trên mạng của Viện Việt Học, trang 10.

2 Tượng Quận : Tên quận thời nhà Tần. Phần lớn sử Trung Quốc và nước ta đều chú giải rằng Tượng Quận là phần đất xưa của nước ta hay quận Nhật Nam. Hán Thư cũng công nhận như vậy, tuy nhiên trong phần Bản Kỷ của Hán Thư có lời ghi duy nhất rằng : “ Bãi bỏ Tượng Quận, chia đất vào 2 quận Uất Lâm và Tường Kha.” Uất Lâm tại Quảng Tây, Tường Kha nằm trong một phần đất Quảng Tây và Quý Châu ; nên có thuyết cho rằng Tượng Quận không thuộc phần đất nước ta. Chúng tôi cho rằng Hán Thư chỉ ghi một lần có khả năng chép sai, và dùng phương pháp phối kiểm cho rằng sử liệu được chép nhiều lần cho rằng Tượng Quận thuộc phần đất tại nước ta, hợp lý hơn.

3 Ấn phù : ngày xưa dùng ấn phù làm tin, bằng cách chẻ làm đôi, để mỗi bên giữ một nữa. Khi sứ gỉả gặp nhau lại, ráp ấn phù lại để xác minh xem có đúng hay không.

4 Tả đạo : loại cờ trang sức bằng lông đuôi cừu, dựng trên xe.

5 Nguyên văn ghi “ quế đố nhất khí ”, Sư Cố giải thích rằng quế đố tức con mọt trên cây quế, ăn có vị cay.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us