Trung Quốc : Tình thế trong và ngoài nước trước khi nhà Thanh sụp đổ (2)
Tình thế
trong và ngoài nước
trước khi nhà Thanh sụp đổ
Hồ Bạch Thảo
Chương hai
Mưu sống
còn
Thanh triều học đòi biến pháp
[1901-1911]
Trương Chi Đổng [1837-1909]
1. Ngượng mặt biến pháp :
Từ Hy tiêu diệt biến pháp của phái Khang Hữu Vi năm Mậu Tuất [1898] tạo thành mối đại hoạ huỷ diệt quốc gia ; đợi đến khi quân Tây phương tiến vào kinh thành, hoảng hốt chạy trốn, khốn nhục không cùng. Biết rằng số phận của bà tuỳ thuộc vào sự vui buồn của ngoại quốc, bèn xuống chiếu trách tội mình, cầu tiến nhân tài, rồi sau cùng tuyên bố biến pháp để xu mị ngoại quốc. Trương Chi Đổng, người ủng hộ chính quyền Từ Hy, nói “ Biến pháp tất mọi sự khai thông, thương vụ của các nước sẽ mỗi ngày một thịnh… Không biến pháp không thể hoá giải cừu hận ngoại quốc trong lòng dân và cũng không thể biến đổi quan điểm cừu hận triều đình của ngoại quốc ”. Viên Quân cơ đại thần mới nhậm chức Lộc Truyền Lâm là anh em rể Trương Chi Đổng, cùng đương quyền Vinh Lộc, muốn mượn biến pháp để làm sáng tỏ lập trường ; riêng Từ Hy tuyên bố biến pháp thì cũng ngượng miệng, nên vào ngày 1/12/1900 xuống dụ cho các Đại thần, Tổng đốc, Tuần phủ mệnh điều trần về cải cách triều đình, quan lại, trị nước, dân sinh, học hiệu, khoa cử, binh chính. Ngày 21/1/1901, với danh nghĩa vua Quang Tự, chính thức ban bố chiếu biến pháp ; mở đầu “ Mấy chục năm gần đây, tệ trạng nối tiếp, lần lữa che đậy rồi gây thành mối hấn lớn. Hiện đang lúc nghị hoà, mọi việc chính sự cần phải chỉnh đốn… Lấy điều sở trường của ngoại quốc để bổ cứu sở đoản của Trung Quốc. Rút kinh nghiệm về sự sai lầm trước, để làm thầy dạy cho việc sau này ”. Tiếp đến bảo rằng “ Nghịch Khang [Hữu Vi] bàn về tân pháp là loạn pháp chứ không phải là biến pháp… Hoàng thái hậu chẳng bao giờ không nghĩ đến canh tân, Trẫm há chẳng muốn bỏ cũ hay sao ? Nay cung kính thừa theo mệnh Thái hậu, một lòng chấn hưng… ”. Đoạn này nhắm mục đích xoá bỏ tội trạng gây cuộc chính biến Mậu Tuất [1898] của Từ Hy và ngược lại kết tội Khang Hữu Vi. Lại bàn thêm “ Trung quốc suy nhược tại tập quán quá sâu,… lầm lỡ quốc gia tại chữ ‘tư’, gây hoạ cho thiên hạ tại chữ ‘lệ’ ; gần đây học Tây pháp chỉ học ngôn ngữ, văn tự, chế tạo, khí giới mà thôi ; đó chỉ là bề ngoài của Tây học, chứ chưa phải là nguồn gốc. Kẻ trên khoan, người dưới giản, nói là làm, làm thì đúng ; đó là lời di huấn của Thánh xưa, mà cũng là căn bản phú cường của Tây phương ”. Cuối cùng đòi hỏi tâu lên những ý kiến cụ thể.
Đạo dụ đề cập đến những nét chủ yếu về biến pháp, so với “ Khuyến học thiên ” của Trương Chi Đổng không khác bao nhiêu. Trong cuộc biến pháp năm Mậu Tuất, Khang Hữu Vi cùng Quang Tự hợp tác, Khang là người chủ động ; lần này Trương Chi Đổng và Từ Hy hợp tác, người chủ động là Trương. Trương Chi Đổng và Lưu Khôn Nhất đã từng dâng biểu về biến pháp gồm 3 phần : thứ nhất, hưng học bồi dưỡng nhân tài ; thứ hai, bàn về việc chỉnh đốn ; thứ ba, luận về chọn thi hành theo Tây pháp.
Tháng 4/1901, đặt thêm Đốc biện chính vụ xứ, do Vinh Lộc chủ trì, phụ tá có Lộc Truyền Sâm, Cù Hồng Cơ; danh sách gồm Dịch Khuông, Lý Hồng Chương, Côn Cương, Vương Văn Thiều, Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Đổng, cùng Viên Thế Khải. Trong đó những nhân vật quan trọng như Lý Hồng Chương mất vào tháng 11/1901, Lưu mất vào tháng 10/1902, Vinh Lộc mất vào tháng 4/1903, kế đó là Dịch Khuông. Còn lại 2 Đốc phủ làm cột trụ là Trương Chi Đổng và Viên Thế Khải ; Trương đã trên 70 tuổi, riêng Viên Thế Khải chỉ hơn 40, sinh lực dồi dào, sẵn sàng nắm giữ địa vị quan trọng của Lý Hồng Chương trước kia.
Bốn mươi năm về trước Tổng thự nắm giữ mọi việc liên quan đến nước ngoài, nhưng thiếu quan chuyên môn ; nay theo lời yêu cầu của ngoại quốc vào tháng 7/1901 cải thành bộ ngoại vụ. Vào tháng 9/1903 lập thương bộ ; tháng 10/1905 lập bộ tuần cảnh, tháng 12 lập bộ học cùng luyện binh xứ. Các nha thự bị triệt bỏ, tại trung ương có Chiêm sự phủ, Thông chính ty ; tại địa phương có Hà Đông hà đạo Tổng đốc, Quảng Đông tào vận Tổng đốc, cùng Tuần phủ Hồ Bắc, Vân Nam.
Lúc cơ quan phụ trách biến pháp, Đốc biện chính vụ xứ mới thành lập, phần lớn trên mặt giấy ban hành những cải cách nhỏ như : năm 1902 cho phép người Mãn, Hán được thông hôn, cấm phụ nữ bó chân vv… Ngoài ra đáng chú ý chính sách mới, có 3 điều sau đây :
- Thứ nhất, thiết lập cảnh sát. Lúc liên quân vào Bắc Kinh, tại vùng chiếm đóng, Nhật Bản dùng người Hoa để bảo vệ an ninh ; Viên Thế Khải theo cách này, thiết lập cảnh sát tại Thiên Tân, Bảo Định, người chủ trì là Triệu Bỉnh Quân. Năm 1902, ban chiếu mệnh cả nước bắt chước thi hành ; điều tốt thì không đủ, nhưng nhũng nhiễu dân thì có thừa.
- Thứ hai, cấm thuốc phiện. Thời Quang Tự mỗi năm nhập hơn 10 vạn gánh, trong nước sản xuất gấp bội, đến 40 vạn gánh ; đa số dân hút thuốc phiện, quan lại, binh lính hầu như ai cũng hút. Tháng 9/1906, chiếu quy định trong 10 năm phải cấm tuyệt. Năm 1908, nước Anh chấp nhận mỗi năm giảm số lượng nhập khẩu từ Ấn Độ 1/10, tại trong nước Trung Quốc cấm trồng. Tháng 2/1909, do lời đề nghị của Tổng thống Mỹ W. H. Taft [Đáp Phu Thoát], mở hội nghị Vạn quốc cấm thuốc phiện tại Thượng Hải, thành tựu cấm thuốc phiện tại Trung Quốc được công nhận.
- Về Lãnh sự tài phán 1, các nước cho rằng pháp luật Trung Quốc không tốt nên không chịu huỷ bỏ. Tháng 3/1902 mệnh Sứ thần tra xét luật lệ các nước, tháng 5 phái Thẩm Gia Bản, Ngũ Đình Phương chủ trì ; Thẩm chuyên về Trung luật, Ngũ chuyên về Tây luật. Cùng năm thương ước giữa Trung Anh, đến năm sau Trung Mỹ, Trung Nhật đều ghi rằng các nước chấp nhận hiệp trợ Trung Quốc chỉnh đốn luật lệ, nguyện triệt tiêu Lãnh sự tài phán. Tháng 4/1905 tuyên bố bỏ hình phạt lăng trì, bêu đầu, mổ thây ; hình phạt chỉ đến chém đầu là cùng. Cơ quan Thẩm phán theo lối mới được thành lập tại Đông Tam Tỉnh, Trực Lệ, Giang Tô, Hồ Bắc ; khiến hành chính và tư pháp dần dần cách ly.
2. Viên Thế Khải cùng Bắc dương tân quân
Trung Quốc lục quân được huấn luyện và dùng súng Tây dương trải qua 30 năm, nhưng chỉ là hình thức ; qua cuộc chiến năm Giáp Ngọ với Nhật, bị vùi xuống tận đất đen. Ngay sau đó có nghị bàn về huấn luyện tân quân, đầu tiên sai viên Diêm chính sở muối Trường Lô Hồ Bỉnh Phân huấn luyện 5 000 quân, đặt tên là Định vũ quân ; lại đem đạo quân thiện chiến của Niếp Sĩ Thành đổi tên là Vũ nghị quân, cả hai đều đóng tại Thiên Tân. Cùng năm Trương Chi Đổng lập Tự cường quân cùng Lục sư học đường tại Giang Tô ; năm sau lại lập Hộ quân doanh và Vũ bị học đường tại Hồ Bắc ; tất cả đều do người Đức huấn luyện. Viên Thế Khải rất đau buồn về việc quân lính hủ bại, nhiều lần dâng thư điều trần ; lại nhân Định vũ quân đã biên chế được một năm, mà hiệu quả không cao, triều đình bèn giao cho Viên Thế Khải phụ trách. Với số quân này, Viên lại mộ thêm hơn 2 000 tân binh, thành lập Tân kiến lục quân ; đạo quân được mô phỏng theo quy chế quân Đức, Nhật, dùng Hàn lâm Từ Thế Xương làm Đốc luyện xứ tham mưu. Dưới quyền có các Sĩ quan tốt nghiệp Bắc dương vũ bị học đường như Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Ngọc Chương, Vương Sĩ Trân phân nhiệm bộ binh, pháo binh, công trình binh, bọn Tào Côn, Lý Thuần giữ chức Đội quan ; ngoài ra còn có Trương Huân, Nghê Tự Xung xuất thân từ đạo quân Tương, Hoài đến hợp tác ; huấn luyện viên phần lớn là người Đức. Trước kia Hoài quân của Lý Hồng Chương, chia hai bộ phận hành quân và huấn luyện riêng biệt ; nay Tân kiến lục quân của Viên Thế Khải thì quan chỉ huy kiêm cả huấn luyện. Sau chính biến Mậu Tuất [1898] quân Viên lên tới 1 vạn người ; được viên Nghị viên người Anh Charles Beresford [Bối Tư Phúc] quan sát, tỏ ấn tượng tốt ; sau đó đạo quân này cải thành Vũ vệ hữu quân. Trong biến loạn Nghĩa hoà đoàn, Vũ vệ quân bị tiêu diệt, chỉ riêng Hữu quân điều đến Sơn Đông thì không những an toàn mà lại biên chế thêm được 20 doanh, quân số 20 000 ; Tự cường quân cũng giao cho Viên Thế Khải huấn luyện tiết chế.
Sau hoà ước Tân Sửu [1901], chiếu mệnh khuyếch trương quân Bắc Dương, Hồ Bắc vũ bị học đường, cùng các doanh do Viên phụ trách. Lại tuyển lựa quân từ Lục dõng, Phòng dõng để biên chế thành những doanh thuộc Thường bị quân, Hậu bị quân, cùng Tuần cảnh doanh [Hiến binh]. Thường bị quân mỗi trấn hơn 1 vạn, vì chưa đủ số nên vẫn tiếp tục tuyển mộ. Năm 1902, Viên thiết lập quân chính ty, bộ thuộc được cải tên là Thường bị quân, đặt 3 bộ phận : binh bị, tham mưu, giáo luyện, do Vương Thế Trân, Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Ngọc Chương đảm trách, trước tiên biên chế thành 2 trấn. Chiếu mệnh các tỉnh phía bắc như Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây ; các tỉnh phía nam như Giang Tô, An Huy, Giang Tây, Hồ Nam tuyển chọn các tướng biền đến Bắc Dương, hoặc Hồ Bắc học đường học tập ; học thành trở về tỉnh làm việc, mỗi năm các trường vũ bị lại phái người đến tỉnh duyệt binh. Trương Chi Đổng là thư sinh, không rành việc quân lữ, chỉ bàn việc binh trên mặt giấy. Riêng Viên Thế Khải trải qua việc binh từ lâu, tự biết có địa vị hôm nay là nhờ dưới tay có đạo quân tinh luyện ; Bắc dương là nơi quốc phòng trọng yếu, trung ương đem hết sức ra chi trì, nên uy thế mạnh hơn Trương nhiều.
Năm 1903, Viên kiêm giữ chức Tổng binh nơi kinh kỳ, Thiết Lương làm Hội biện. Khi trung ương lập Luyện binh xứ, các tỉnh lập Đốc biện công sở ; Dịch Khuông giữ chức Tổng lý Luyện binh xứ, Viên Thế Khải làm Hội biện, Thiết Lương làm Tương biện, Từ Thế Xương giữ chức Đề điệu ; Lưu Vĩnh Khánh, Đoàn Kỳ Thuỵ, Vương Thế Trân giữ chức Quân chính, Quân lệnh, Quân học tại 3 ty. Năm 1904, Bắc Dương thành lập xong 3 trấn, 1 trong 3 trấn đóng tại kinh kỳ. Mỗi trấn gồm 15 000 chia làm 2 hiệp 2 bộ binh, mỗi hiệp có 2 tiêu ; 1 tiêu kỵ binh và 1 tiêu pháo binh ; công binh và vận tải mỗi thứ 1 doanh. Năm 1905, định tân quân cho mỗi tỉnh, gọi là lục quân ; tháng 9 diễn tập tân quân Bắc Dương tại Hà Gian [Hejian, Hà Bắc], năm 1906 lại cử hành tại Chương Đức 3 tỉnh Hà Nam. Lúc bấy giờ có 6 trấn Bắc Dương, Hồ Bắc 1 trấn, Giang Tô 1 trấn ; tháng 11 bộ lục quân thành lập, Thiết Lương giữ chức Thượng thư. Đến năm 1911, tân quân toàn quốc có 16 trấn, riêng 6 trấn Bắc Dương trang bị và huấn luyện khá tinh. Viên Thế Khải giữ chức Tổng đốc Trực Lệ, nắm quân Bắc Dương ; tuy chức tước không bằng Lý Hồng Chương trước kia, nhưng thực lực vượt quá.
Về giáo dục quân sự, ngoài việc huấn luyện trong quân doanh, năm 1902 Viên cho mở Bảo Định hành doanh tướng biền học đường. Năm 1903 mở Vũ bị tiểu học, Lục quân tốc thành học đường. Năm 1906 đổi Lục quân tốc thành học đường thành Bảo Định quân quan học đường, là cơ cấu giáo dục tối cao. Ngoài ra các tỉnh cũng đặt Vũ bị học đường và số người sang Nhật Bản học cũng không ít. Cho đến năm 1910, số tốt nghiệp trường vũ bị từ các nguồn hơn 670 người ; thời cuối Thanh và đầu Dân quốc, các tướng lãnh quan trọng xuất thân từ Bắc Dương vũ bị học đường, Bảo Định quan quân học đường, hoặc từ Nhật Bản; trong đó số tham gia cách mệnh cũng không ít.
3. Trương Chi Đổng và tân giáo dục
Trước đó chính phủ thiết lập học đường theo kiểu Tây phương không nhiều ; phạm vi lại hẹp, chỉ hạn trong vấn đề ngữ văn, kỹ nghệ, quân sự. Rồi viên quan lớn như Trương Chi Đổng rất nhiệt tâm hưng học, đặc biệt lúc làm Tổng đốc Lưỡng Hồ đã thiết lập Lưỡng Hồ thư viện 4 với 6 bộ môn : kinh học, lý học, sử học, toán học, văn học, kinh tế. Năm 1893 lại lập Tự cường học đường, chia ra 4 môn : phương ngôn, cách trí, toán học, thương vụ. Sau chiến tranh Trung Nhật, tâu xin mở rộng học đường ; sáng lập Trử tài học đường tại Nam Kinh, chia làm 4 bộ môn : giao thiệp, công nghệ, nông chính, thương vụ. Kế đó lập nông vụ, công nghệ học đường tại Hồ Bắc, các phủ đều lập học đường. Vào năm 1895, Thịnh Tuyên Hoài thiết lập tại Thiên Tân Trung Tây học đường, gồm 2 bậc đầu đẳng và nhị đẳng ; đầu đẳng tương đương với đại học, nhị đẳng tương đương với trung học. Năm sau lập Nam Dương công học tại Thượng Hải, chia làm thượng, trung, ngoại ; tương đương với đại học, trung học, tiểu học. Ngoài việc giáo dục, Trương Chi Đổng lập nhiều công trình vũ bị, công nghiệp tại tỉnh Hồ bắc, tạo cơ sở giúp cho cách mệnh Tân Hợi thành công trong tương lai, khiến Tôn Trung Sơn có lời bình về Trương như sau : “ Trương Chi Đổng là nhà đại cách mệnh, nhưng chưa từng nói về cách mệnh ”.
Trong tờ tâu về biến pháp của Trương Chi Đổng và Lưu Khôn Nhất, tại mục 1 Hưng học dục tài, có 4 việc : lập học đường, cải khoa cử, đình chỉ khoa thi võ, tưởng thưởng du học. Vào tháng 6/1901 chiếu mệnh bắt đầu từ năm sau thi Hương và thi Hội dùng luận sách, không dùng văn Bát cổ 5 và đình chỉ khoa thi võ. Tháng 9 đổi thư viện các tỉnh thành học đường, chia đặt các học đường đại học, trung học, tiểu học, mông dưỡng tại các tỉnh, phủ, châu, huyện ; phàm do học đường khảo thí tốt nghiệp hợp cách, được cấp bằng Cống sinh, Cử nhân, hoặc Tiến sĩ. Năm 1902, ban hành chương trình học. Năm sau Trương Chi Đổng, Viên Thế Khải cho rằng khoa cử làm trở ngại việc học, tâu xin giảm khoa cử. Bèn sai Trương Chi Đổng cùng viên quản lý đại học tại kinh sư Trương Bách Hy định lại chương trình, phần lớn theo cách của Nhật Bản. Tháng 2/1904 ban bố chương trình, 2 năm sau giảm các kỳ thi trúng ngạch thi Hương, trúng ngạch thi tại tỉnh; đợi khi cải cách thành hiệu sẽ đình chỉ khoa cử.
Sau chiến tranh Trung Nhật, phong trào cách mệnh lên cao ; bọn Viên Thế Khải, Trương Chi Đổng báo động tình hình khẩn cấp, xin bỏ khoa cử, mở mang học đường để thu nhân tài và cũng là cách ngăn cản mầm bạo động. Ngày 2/9/1905 dụ tuyên bố kể từ năm sau bỏ thi Hương và thi Hội ; vào tháng 3 lập bộ học, định tôn chỉ giáo dục gồm : trung quân, tôn Khổng, thượng công, thượng vũ, thượng thực ; lấy cổ học trung quân, tôn Khổng để bảo vệ chế độ làm thể [căn bản] ; dùng công chính, vũ bị, thực dụng của Tây phương làm dụng [phương tiện]. Cao đẳng giáo dục trực thuộc bộ học, trung đẳng trở xuống thuộc tỉnh, huyện. Ngoài trường công, còn có tư nhân mở trường, thịnh hành tại các tỉnh Giang Tô, Hồ Nam. Năm 1898, Nghiêm Tu thiết lập tư thục tại Thiên Tân, mời Trương Bá Linh xuất thân từ Bắc Dương thuỷ sư học đường chủ trì, năm 1911 cải thành Nam Khai trung học, đến năm 1919 trở thành Nam Khai đại học.
Sau chính biến năm Mậu Tuất, đại học tại kinh sư may mắn tồn tại, năm 1902 khôi phục, thiết lập khoa dự bị và khoa tốc thành ; dự bị khoa chia thành chính khoa, nghệ khoa ; tốc thành khoa chia ra các quán : sĩ học, sư phạm, dịch học. Học sinh lấy từ các trường cao đẳng tại tỉnh, cùng các Giám sinh, Cống sinh, Cử nhân. Thiên Tân Trung Tây học đường, năm 1903 đổi thành Bắc Dương đại học, người Mỹ Chores D. Tenneg [Đinh Lập] giữ chức Hiệu trưởng. Thượng Hải Nam Dương công học thượng viện (Đại học) do người Mỹ John D. Ferguson [Phúc Khai Sâm] làm Giám viện. Sơn Tây đại học thành lập năm 1902, do người Anh Mair Duncan [Đôn Sùng Lễ] làm Tổng giáo tập. Các tỉnh đều thiết lập trường cao đẳng, tương đương với đại học dự bị.
Vào khoảng năm 1909, số sinh viên tại kinh sư khoảng 800 người, số sinh viên tốt nghiệp tốc thành khoảng trên 100 ; nói về chất lượng thì không bằng đại học giáo hội Thượng Hải Saint John's University. Số học sinh cao đẳng toàn quốc khoảng hơn 4 000, học sinh chuyên môn khoảng 20 000, học sinh phổ thông trung học khoảng hơn 40 000, thực nghiệp sư phạm khoảng 40 000, học sinh tiểu học khoảng 1 500 000. Về số lượng Tứ Xuyên, Trực Lệ đứng đầu ; dưới là Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam.
Bốn năm trước đó số học sinh toàn quốc các cấp chỉ có 150 000, như vậy tỷ lệ gia tăng không ít ; nhưng về chất lượng giáo dục và thiết bị thì rất yếu kém. Các Giáo sư đại học, cao đẳng, hoặc chuyên nghiệp 25 % khoa cử xuất thân, 30 % lưu học Nhật Bản, 10 % người Nhật. Tại trung đẳng học đường, số Giáo sư khoa cử xuất thân 33 %, tiểu học 45 %. Cái gọi là Giáo sư hợp cách, chỉ được huấn luyện sư phạm trong một thời gian ngắn. Năm 1906 định chương trình học cho nữ sinh, hạn về ngành sư phạm và tiểu học ; tại Thiên Tân, Viên Thế Khải lập Bắc Dương nữ tử sư phạm học đường, là trường chuyên môn đầu tiên cho phái nữ lúc bấy giờ.
Sau khi hô hào biến pháp, số học sinh lưu học nước ngoài thêm thịnh ; đặc biệt tại Nhật Bản. Trương Chi Đổng hết sức cổ võ lưu học ngoại quốc, cho rằng xuất dương 1 năm hơn ngồi đọc sách Tây phương chục năm ; 1 năm du học hơn 3 năm học trong nước. Lại cho rằng lưu học Tây dương không bằng Nhật Bản ; vì phí tổn ít, chữ viết dễ hiểu, lại phong tục tương tự, dễ bắt chước để thi hành. Lưu học Nhật Bản bắt đầu vào năm 1896, chỉ hơn 10 người. Sau đó Công sứ Nhật Bản Thỉ Dã Văn Hùng khuyên Tổng thự đem 200 học sinh du học, nước Nhật nguyện giúp đỡ. Vào năm 1899, các tỉnh Hồ Bắc, Chiết Giang, cùng Nam Bắc Dương phái tổng số 54 người sang Nhật. Năm 1903, tại Đông Kinh, Nhật Bản lập riêng trường dạy học sinh Trung Quốc. Năm 1905 số du học sinh đạt đến ngàn người, có cả nữ sinh. Năm sau số học sinh lên đến gần 1 vạn. Các học sinh đã nhập học, 60 % học sư phạm và cấp tốc chính trị, 30 % học khoa học phổ thông, 3 % học cao đẳng và chuyên môn, 1 % học đại học. Công sứ Trung Quốc tại Nhật trách rằng học sinh tham gia cách mệnh, nên mấy lần sinh sự, yêu cầu nghiêm định chương trình ; nên sau đó số học sinh giảm bớt nhiều.
Học sinh lưu học Tây phương, xét về số lượng thua xa Nhật Bản. Từ năm 1880, sau khi số học sinh lưu học Mỹ quốc bị gọi về, chỉ còn một ít quan quân học hải quân tại Anh, Pháp và số học sinh tự túc, cùng giáo hội gửi đi. Đến năm 1896, Tổng thự gửi đến học tại các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, mỗi nơi 4 người. Năm 1903, Giang Nam và Bắc Kinh đại học mỗi nơi phái 16 người đến Mỹ, Đức ; Hồ Bắc phái 40 người đến các nước Mỹ, Tỷ Lợi Thì, Đức, Nga. Năm 1904, chuẩn cho mỗi tỉnh gửi đi từ 10 đến 40 người. Năm 1909, dùng ngân khoản gửi sang Mỹ mỗi năm 60 lưu học sinh ; lập Du học dĩnh nghiệp quán tại vườn Thanh Hoa phía tây Bắc Kinh, năm 1911 đổi tên thành Thanh Hoa học đường.
Việc cải cách giáo dục tuy chưa gặt hái hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng cũng mang ý nghĩa thời đại. Truyền thống giáo dục tư gia trong 2000 năm, chế độ khoa cử hàng ngàn năm, trên 500 năm khảo thí theo lối văn bát cổ đều bị thủ tiêu. Từ nay trở về sau môn loại và nội dung khoa học mỗi ngày một khuếch trương, mở mang rất nhiều quan niệm, tăng tiến tư tưởng ái quốc, giúp nhận định hiện trạng cần phải cải tạo, nhân đó hâm mộ cách mệnh hoặc lập hiến. Điều này nhà đương cục chủ trương giáo dục mới không muốn chút nào, chỉ do họ liệu tính không kịp với sự chuyển biến thời đại mà thôi.
4. Khó khăn trong việc phát triển thực nghiệp
Cứu nghèo đói phải nhờ thực nghiệp, trước đây với các chính sách để quan lo, rồi đến quan và dân cùng lo tỏ ra không hữu hiệu. Năm 1897, mệnh quan góp cổ phần vào ; năm 1898 định chương trình tưởng thưởng chấn hưng công nghệ. Kế đó trong vòng 5 năm, số xưởng và mỏ khoáng mới lập được 80 đơn vị, so với mấy chục năm về trước gia tăng gấp bội ; phần lớn là xưởng dệt, Nam Thông đại sinh sa xưởng của Trương Kiển nằm trong đó.
Tổng đốc Trương Chi Đổng, Lưu Khôn Nhất ra sức tâu rằng ngoài thương nghiệp, các nước Tây phương giàu mạnh nhờ công nghiệp, do đó triều đình cũng tỏ ra lưu ý. Năm 1901, mệnh các tỉnh lập học đường về công nghệ, nông vụ, định chương trình về mỏ khoáng. Năm 1903, chế định thương luật, trù hoạch công ty nông vụ, công nghệ, khoáng sản. Lập bộ thương nắm thương vụ, công nghệ, đường sá, điện, nông tang, ngân hàng vvv… Năm 1906 bộ thương cải tổ thành bộ nông công thương và bưu điện ; kế đó năm 1907, lập “Hoa thương biện lý thực nghiệp tước thưởng chương trình” quy định ban thưởng tước cho các chủ xí nghiệp tuỳ theo vốn đầu tư, đại để vốn từ 20 vạn đến 100 vạn được làm Nghị viên của bộ này, vốn từ 1 600 vạn đến 2 000 vạn được ban tước tử 6.
Các xí nghiệp kinh doanh của tư nhân ; riêng về ngành dệt từ năm 1900 đến 1905 không có xí nghiệp mới. Sau đó 5 năm, gia tăng 11 xưởng, phần lớn tại các thành phố duyên hải, khiến sản lượng tăng gấp đôi ; như xưởng Nam Thông đại sinh sa phát triển rất nhanh, tiền vốn từ 50 vạn lượng tăng đến 200 vạn lượng. Về xí nghiệp làm mì, phát triển tại lưu vực sông Trường Giang, có hơn 10 xưởng. Ngành xi măng có các hãng đứng đầu như Khải tân dương hôi công ty [1907] tại Thiên Tân, xưởng Sĩ mẫn thổ [1906] tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông], Thuỷ nê xưởng [1907] tại Hồ Bắc. Ngoài ra còn có các xưởng thuốc lá, đồ gốm, làm giấy, chế trà, pha lê vv…
Về công nghiệp nặng, Trung Quốc tự tạo đường sắt từ Bắc Kinh đến Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou, Hà Bắc ] do Công trình sư Chiêm Thiên Hữu thực hiện, hoàn thành năm 1908. Từ năm 1896-1900, có vài công ty tự chế thuyền máy, phần nhiều hoạt động trong sông. Năm 1906 trở về sau có hàng chục công ty đóng thuyền máy, tuy nhiên chỉ có vài công ty có số vốn trên 100 vạn, thống kê về trọng tải so với trước tăng gấp hai.
Kể từ 1902-1911, Trung Quốc tự lập xưởng, khai mỏ khoáng, có đến 300 cơ sở ; số tiền đầu tư hơn 7 000 vạn lượng (ngoại trừ công nghiệp quân sự). Nếu so sánh với thời gian từ 1870-1900, thì số lượng cơ sở tăng thêm 2 lần, còn tiền đầu tư tăng 1 lần. Năm 1905-1910 là thời gian đầu tư mạnh nhất, tiền vốn cho công nghiệp nhỏ khoảng 25 %, khai mỏ khoáng chiếm 18 %. Công xưởng phần lớn tại hạ lưu sông Trường Giang, thứ đến Trực Lệ, Sơn Đông ; nhưng tuyệt đối không thể cạnh tranh với ngoại quốc.
Sản xuất về nông nghiệp không cải tiến chút nào, sản phẩm ngoại quốc nhập cảng gia tăng không ngừng. Các nông dân tự canh và địa chủ nếu có it thực phẩm dư thừa thì cũng chỉ qua tiểu thương trao đổi trong địa phương. Đối ngoại mậu dịch, từ năm 1900-1911, trung bình mỗi năm nhập siêu hơn 100 000 000 lượng. Các loại tạp thuế, quyên góp,làm cho nông thôn phá sản mau.
Với cơ cấu tiền tệ tài chánh cũ, không thể cạnh tranh với ngân hàng kiểu mới ; nên sau khi Trung Quốc và nước ngoài thông thương, bị ngân hàng ngoại quốc áp đảo làm chủ. Qua vài thử thách, năm 1904, định chương trình ngân hàng, quan thương cùng đầu tư. Năm 1905 lập ngân hàng bộ hộ, năm 1908 đổi tên Đại Thanh ngân hàng, với số vốn tăng đến 1 000 vạn lượng. Cho đến năm 1911, có đến 12 ngân hàng của người Trung Quốc, chủ yếu phát hành tiền giấy, vay và cho vay, không chú trọng về đầu tư công nghiệp ; dân chúng cũng không thích gửi tiền vào Trung quốc tự biện ngân hàng.
Hồ Bạch Thảo
1 Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] : quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.
2 Hiệp tương đương với lữ đoàn.
3 Chương Đức : nay là An Dương thị [Anyang] thuộc tỉnh Hà Nam.
4 Thư viện : trước kia thư viện có nghĩa là học đường, tại Trung Quốc sau năm 1901 đổi thành học đường.
5 Bát cổ : lối văn đối ngẫu xưa, văn bài chia làm 8 vế gồm : phá đề, thừa đề, khởi giảng, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, thúc cổ, đại kết.
6 Tử : tước vị thời xưa gồm : công, hầu, bá, tử, nam.
Các thao tác trên Tài liệu