Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Trung Quốc : Tình thế trong và ngoài nước trước khi nhà Thanh sụp đổ (3)

Trung Quốc : Tình thế trong và ngoài nước trước khi nhà Thanh sụp đổ (3)

- Hồ Bạch Thảo — published 25/08/2014 00:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương III : Cách mệnh và lập hiến đối chọi [1901-1911]



Tình thế trong và ngoài nước
trước khi nhà Thanh sụp đổ


Hồ Bạch Thảo


Chương ba

Cách mệnh và lập hiến đối chọi
[1901-1911]


lks

Lương Khải Siêu [1873-1929]

Nguồn : Wikipedia


1. Cao trào ái quốc bài Mãn


Sau chiến bại Nhật năm Giáp Ngọ [1894], cuộc vận động về thay đổi chính trị dấy lên ; khởi nghĩa chống Mãn Thanh của Tôn Trung Sơn bắt đầu, biến pháp duy tân của Khang Hữu Vi từ đó cũng chuyển biến. Tháng 12/1898 Lương Khải Siêu tại Hoành Tân, Nhật Bản sáng lập Thanh Nghị báo chỉ trích Từ Hy, đề cao Quang Tự ; sau đó biên dịch sách Tây phương. Lúc này Lương cũng qua lại trao đổi với Tôn Trung Sơn ; cùng Tôn luận đàm sảng khoái, cho rằng “ Gần đây các nước hưng thịnh, không thể không có giai đoạn phá hoại trước đó ” rồi hô hào “ chủ nghĩa phá hoại là việc bất đắc dĩ ”. Cái gọi là phá hoại tức cuộc cách mệnh chống Mãn Thanh, đề cao dân quyền tự do. Rồi nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc, gọi triều đình Thanh là “ nghịch đảng ”, “ chính phủ nguỵ ” ; ngôn luận của Lương so với những lời trước đó giống như hai người, kịch liệt không thua gì người trong đảng cách mệnh.


Sau khi Thanh Nghị báo đình bản, tháng 2/1902 Lương xuất bản Tân dân tùng báo, ra sức tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc, dân quyền ; cho rằng Trung Quốc mất vào tay dân tộc khác vì thiếu tư tưởng quốc gia. Hô hào triệt để tiêu diệt chính quyền chuyên chế, cách mệnh là con đường độc nhất vô nhị cứu Trung Quốc. Cùng năm lại sáng lập Tân tiểu thuyết báo, chuyên cổ suý cách mệnh.


Thanh nghị báo mỗi số phát hành được mấy ngàn bản, riêng Tân dân tùng báo đến hơn 1 vạn bản ; cho dù triều đình Thanh cấm, vẫn được tìm cách vận chuyển, lưu hành trong và ngoài nước ; tuy do bút lực của Lương gây nhiều cảm tình, nhưng điều quan trọng là Lương nói được điều dân muốn nói, thích hợp nhu cầu của nhân dân. Hoàng Tông Hiến ca tụng nghị luận của Lương “ Kinh tâm động hồn, một chữ ngàn vàng, không ai có bút lực như vậy, nhưng lòng của mọi người thì vẫn nằm trong đó ; tuy người cứng như sắt đá cũng cảm động. Từ trước tới nay, mãnh lực của văn tự, đạt được đến như vậy là cùng ”. Nghiêm Phục cũng khen “ Là tiếng nói tiên phong của Á châu trong thế kỷ thứ hai mươi ”.


Vào khoảng năm 1900, số lưu học sinh Trung Quốc tại Nhật hơn 100, đều là những người có chí lớn, tổ chức Lệ chí hội, phát hành Dịch thư hối biên, giới thiệu Tây phương cách mệnh và lịch sử. Năm 1901, những tổ chức Quốc dân báo, Quảng Đông độc lập hiệp hội, chủ trương bài Mãn đều được Tôn Trung Sơn chi trì ; sau đó số học sinh tăng thêm. Năm 1902 lại xuất bản Du học dịch biên, tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cùng quốc dân giáo dục, thành lập lưu học sinh hội quán. Tháng 4, Chương Bỉnh Lân [1869-1936] tại Đông Kinh cử hành Hội kỷ niệm 242 năm Trung Hạ mất nước, hoài niệm nhà Minh mất, số tham dự 100 người. Tháng 7, Cử nhân Ngô Kính Hằng [1865-1953] giận viên Công sứ Thái Quân không bảo lãnh cho học sinh tự phí học trường Lục quân học hiệu, bèn đến Sứ quán chống đối, bị cảnh sát Nhật áp giải xuất cảnh, nên không ít học sinh bỏ lớp đòi về nước để phản đối. Năm 1903 hơn 1 000 học sinh họp tân niên, diễn thuyết phản Mãn phục Hán, toàn hội trường khích động. Hội đồng hương các tỉnh ra các tập san như Hồ Bắc học sinh giới, Chiết Giang triều, Giang Tô, Tân Hồ Nam. Học sinh người Hồ Nam, Trần Thiên Hoa [1875-1905], trước tác Mãnh hồi đầu, Kinh thế chung, nói rõ chỉ có cách mệnh giành độc lập, lật đổ Mãn Thanh mới có thể cứu nước.


Trào lưu cách mệnh trong nước mạnh nhất tại Thượng Hải, phần lớn là du học sinh từ Nhật Bản trở về. Năm 1901 Tập Dực Huy, người từng tham gia phong trào triệu tập quốc hội của Đường Tài Thường, phát hành Đại lục nguyệt san, tuyên truyền bài Mãn. Năm 1902 Hàn lâm xuất thân Thái Nguyên Bồi [1868-1940] cùng Chương Bỉnh Lân, Hoàng Tông Ngưỡng tổ chức Trung Quốc giáo dục hội giúp cho học sinh công lập Nam Dương thành lập Ái quốc học xã, phát hành tạp chí Học sinh thế giới, đàm luận nhiều về cách mệnh. Năm 1803 Trâu Dung [1885-1905] một học sinh quê tại Tứ Xuyên từ Nhật Bản trở về Thượng Hải phát hành Cách mệnh quân, kịch liệt như Mãnh hồi đầu của Trần Thiên Hoa. Tiếp đến vào các tháng 6,7, Tô báo đăng tải các bài ủng hộ như Cách mệnh quân tự, Độc Cách mệnh quân, Giới thiệu Cách mệnh quân, cùng những bài chống Mãn Thanh của Chương Bỉnh Lân, gọi Quang Tự là thằng hề vô tri. Thanh đương cục yêu cầu bắt Chương Bỉnh Lân, Trâu Dung ; cùng cấm chỉ Quốc dân nhật báo, Đãng Lỗ tùng thư, Tự do huyết, Nữ giới chung, Nữ tử thế giới.


Năm 1903 Hoàng Hưng [1874-1916], Trần Thiên Hoa, Tống Giáo Nhân thành lập Hoa hưng hội tại Hồ Nam ; Thái Nguyên Bồi, Từ Tích Lân, Cung Ngọc Thuyên, Đào Thành Chương thành lập Quang phục hội, phần lớn các thanh niên và hội đảng gia nhập. Năm 1904 học sinh tại Hồ Bắc cùng thanh niên quân nhân bọn Lưu Trinh thành lập Khoa học bổ tập sở, cùng tương thông với Hoa hưng hội. Năm này Hoa hưng hội kế hoạch nổi dậy tại Hồ Nam ; được Khoa học bổ tập sở, Quang phục hội, học sinh tại Chiết Giang và Ca Lão hội chuẩn bị hưởng ứng, nhưng bị tiết lộ nên thất bại. Năm 1905, một thanh niên tỉnh Hồ Bắc Vương Hán mưu giết viên Khâm sai tại Chương Đức [Hà Nam], thanh niên tỉnh An Huy Ngô Việt mưu tạc đạn 5 viên Đại thần tại Bắc Kinh trên đường ra nước ngoài khảo sát, việc không thành đều tuẫn nạn.


Mục đích của cách mệnh không chỉ lật đổ triều đình nhà Thanh, đối ngoại còn muốn đề kháng xâm lược. Việc trước là nhân của việc sau, do bởi Thanh triều hủ bại, không có sức bảo vệ chủ quyền quốc gia, khiến liệt cường hung bạo, tước đoạt gia tăng không ngừng, chỉ còn cách là tự cứu mình. Phần tử trí thức hiểu được như vậy, không ít dân chúng cùng đồng cảm. Điều ước Tân Sửu vừa mới ký kết, tháng 11/1901 tại phía nam tỉnh Trực Lệ xẩy ra việc chống đối bồi thường cho giáo dân, với khẩu hiệu “ Tảo Thanh diệt Dương ” 1, lan tràn đến các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, kéo dài trong vòng nửa năm. Từ năm 1902-1905, tại Quảng Tây các hội đảng dấy lên, thế lực lan ra đến khắp tỉnh, liên kết với Hưng trung hội ; Tổng đốc Lưỡng Quảng Sầm Xuân Huyên phải đốc quân hai lần, đánh dẹp trong vòng 5 tỉnh, thấy được tình hình trầm trọng.


Mấy năm trong giai đoạn này, quân Nga càng tỏ ra bất nghĩa, lửa giận trong dân chúng lại dấy lên. Năm 1902, kẻ sĩ ái quốc tại Thượng Hải phát hành báo Nga sự cảnh văn để báo động người trong nước. Trần Thiên Hoa hô hào các giới hợp lực chống quân Tây dương xâm lược, cải sửa điều ước, khôi phục chính quyền, khiến Trung Quốc được hoàn toàn độc lập. Hoàng Hưng lãnh đạo lưu học sinh tại Nhật Bản tổ chức “ Cự Nga nghĩa dõng hội ”, phái đại biểu về nước vận động ; học sinh Bắc Kinh, Hồ Bắc nổi lên hưởng ứng. Cùng năm các thân sĩ thương gia gốc Quảng Tây lưu ngụ tại Thượng Hải, giận viên nguyên Tuần phủ Quảng Tây Vương Chi Xuân mượn quân Pháp tại Việt Nam bình loạn, bèn liên hợp với các tỉnh chống Pháp. Năm sau thanh niên người tỉnh An Huy, Vạn Phúc Hoa, dùng súng bắn Vương Chi Xuân tại Thượng Hải, nhưng bị bắt tự xưng rằng “ Cầu nhân được nhân, ta chết đúng chỗ ”. Cùng năm, tại Vân Nam Chu Vân Tường tổ chức “ Bảo Điền hội ” 2, phản đối Pháp xây thiết lộ tại Vân Nam, người theo có đến hàng vạn. Năm 1905, Trần Thiên Hoa phản đối người Nhật ràng buộc lưu học sinh bèn nhảy xuống biển tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh bi tráng, do đó toàn thể lưu học sinh Trung Quốc cùng bãi khoá, lại nhân người Hoa bị kỳ thị, dẫn đến việc chống Mỹ.


Người Hoa đến Mỹ với số lớn vào năm 1849. Vào thập niên năm 1860, Mỹ xây đường sắt qua phía tây, cần lao động cực nhọc lương rẻ, chỉ có người Hoa mới chịu đựng được, chẳng bao lâu nhân số tăng lên hơn 10 vạn, khiến người Mỹ tăng kỳ thị. Năm 1882, Mỹ chủ trương hạn chế công nhân người Hoa. Năm 1885 tại các tiểu bang Wyoming [Hoài Nga Minh châu], California [Gia châu] xẩy ra những vụ cướp, đốt, giết người Hoa, số người chết đến vài chục người. Năm 1894, Trung Mỹ lập Hạn chế Hoa công điều ước kỳ hạn 10 năm. Tháng 12/1904 Trung Quốc tuyên bố việc cấm chỉ đã chấm dứt, nhưng Mỹ không chịu. Tháng 5/1905 thương nhân và thân sĩ Thượng Hải phản đối việc tái ký kết Hạn chế Hoa công điều ước, yêu cầu nước Mỹ trong 2 tháng cải lương việc bài Hoa, công bình đối xử với Hoa kiều ; nếu không sẽ trả đủa bằng cách không dùng hàng hoá Mỹ, không đi thuyền Mỹ, không giao thiệp buôn bán, thông dịch, không vào học trường Mỹ. Những nơi hưởng ứng đầu tiên như Quảng Đông, Phúc Kiến, các bang hội tại Thượng Hải ; bắt đầu từ ngày 18/7 các công nhân, thương nhân, học sinh tại hầu hết các thành thị trong nước đều phản đối. Nước Mỹ mấy lần kháng nghị, phái thêm quân hạm ; các quốc gia Âu châu vu rằng đây là bài ngoại, giống như phong trào chống Tây phương trước năm Canh Tý [1900]. Qua triều đình nhà Thanh và quan lại địa phương mở lời cấm chỉ, hơn một năm sau mới thực sự dừng. Nước Mỹ mậu dịch tại Hoa bị giảm 40 %, sản lượng công nghiệp Trung Quốc được đề cao, đầu tư cho xưởng và mỏ khoáng tăng thêm 2 lần. Từ đó việc chế ngự ngoại hoá trở thành công cụ chống lại sự áp chế của ngoại quốc.


Cuộc vận động thu hồi chủ quyền, là một lãnh vực khác của lòng ái quốc. Từ năm 1898 trở về sau, đường sắt và khoáng sản tại Trung Quốc cơ hồ vào trong tay ngoại quốc, đáng được thu hồi. Năm 1904, Trương Chi Đổng cho rằng Mỹ vi phạm điều ước, yêu cầu đem nguyên điều ước phế bỏ. Thân sĩ dân chúng tại 3 tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc tranh đấu mạnh, dư luận trong nước ủng hộ, lưu học sinh tại Nhật tổ chức Tương, Việt, Ngạc [Hồ Nam, Quảng Đông, Hồ Bắc] tam tỉnh thiết lộ liên hiệp hội, học sinh lưu học tại Mỹ Vương Sủng Huệ dẫn chứng pháp lý vạch ra rằng chính phủ Mỹ không có quyền can dự. Chính phủ Mỹ nhận thấy dân chúng 3 tỉnh ngang ngạnh, lại nhân lúc bài xích hàng hoá Mỹ, nên tỏ ra hoà hoãn ; cuối cùng phế bỏ điều ước vào năm 1905. Từ đó không những tiếp tục triển khai vận động thu hồi thiết lộ mà còn thu hồi mỏ khoáng.


Các nước kinh doanh khoáng sản suốt cả lưu vực sông Hoàng Hà, Trường Giang, cùng các miền đông bắc, tây nam. Năm 1903, các tỉnh bắt đầu tự liệu biện ; 1904 khởi đầu đòi thu hồi khoáng quyền. Năm 1905 đã có sự thu hồi tại Chiết Giang, Phúc Kiến ; riêng cuộc vận động thu hồi khoáng quyền của Phúc công ty nước Anh tại Sơn Tây trở nên kịch liệt. Thân sĩ cùng học sinh đại học Sơn Tây, cùng các học đường văn võ biểu thị quyết tâm ; lưu học sinh tại Nhật Bản cũng quyết không chịu nhường. Năm 1906, Lý Bồi Nhân, một lưu học sinh cũng vì việc này nhảy xuống biển tự tử. Tư tưởng bài Mãn Thanh dâng cao, thanh niên đã đến lúc không tiếc đến sinh mệnh, cơ cấu lãnh đạo cách mệnh ứng theo thời vận mà xuất hiện.




2. Lực lượng cách mệnh đoàn kết dưới sự lãnh đạo Đồng minh hội của Tôn Trung Sơn



Vào khoảng năm 1900 thanh uy phái Bảo hoàng còn thịnh, Lương Khải Siêu không những chiếm ưu thế tại Honolulu [Mỹ], nơi phát xuất Hưng trung hội, lại xưng hùng trên văn đàn ; ngoài tài văn chương, Lương cũng hô hào cách mệnh. Thanh niên tại Thượng Hải, Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Lương, nhưng cũng tỏ ra khâm phục người đề xướng cách mệnh Tôn Trung Sơn. Tôn tự thuật rằng vào năm 1895, cách mệnh lần đầu tiên thất bại “ Dư luận trong nước ai cũng cho bọn chúng tôi là loạn thần tặc tử, đại nghịch bất đạo, lời nguyền rủa nghe đầy tai ; bọn chúng tôi đến chỗ nào, phàm biết được đều cho là độc hại như rắn, mãnh thú, không dám giao du. Nhưng sau cuộc thất bại năm Canh Tý [1900], thì ít nghe những lời chỉ trích, những kẻ sĩ hiểu biết phần đông than tiếc, hận sự việc trước không thành. Quan điểm trước sau khác nhau như trời với vực, bọn chúng tôi được an ủi nhiều, biết rằng sự mê mộng của người trong nước đã đến lúc tỉnh ngộ ”. Từ đó lưu học sinh tại Nhật tự động đến tiếp xúc với cách mệnh, tại Honolulu trước kia có Binh học hội ; năm 1903 thiết lập Quân sự học hiệu tại Đông Kinh [Nhật] ngoài lời thề “ Khu trừ Thát Lỗ, khôi phục Trung Hoa ” còn thêm “ sáng lập dân quốc, bình quân địa quyền ” ; bao hàm dân tộc, dân quyền, dân sinh chủ nghĩa trong đó. Với lập trường như vậy, Hưng trung hội khẩn cấp tuyên truyền, để quần chúng phân biệt rõ cách mệnh với bảo hoàng, không còn lẫn lộn. Mùa thu năm đó, Tôn Trung Sơn tại Honolulu, viết văn và diễn thuyết, bác lập luận “ Danh là bảo hoàng, thực chất là cách mệnh ” của Lương Khải Siêu ; khẳng định cách mệnh và bảo hoàng là hai con đường khác nhau ; Hán, Mãn quyết không tương dung, Hồng môn [Thiên địa hội] nên theo cách mệnh, Hán tộc có tiền đồ. Mùa xuân năm 1904 đến San Francisco [Cựu Kim Sơn] lại đặt thêm chương trình cho phù hợp với tôn chỉ cách mệnh, và phát biểu “ Giải quyết vấn đề Trung Quốc ” thuyết minh cho nhân sĩ Âu Mỹ rằng chính phủ Mãn Thanh không phải đại biểu của nhân dân Trung Quốc, dân Trung Quốc không thù ngoại bang, Trung Quốc có thể cách tân tiến bộ, thế giới cộng hưởng thái bình.


Năm 1903, học sinh phái đến châu Âu, trong đó có một số thành phần bài Mãn. Mùa xuân năm 1905, Tôn Trung Sơn được mời đến gặp tại các nơi như Bá Linh, Ba Lê ; trong đó có hơn 70 người nguyện tham gia cách mệnh. Lưu học sinh tại Nhật, tuy không đồng tổ chức, nhưng tâm tình bài Mãn Thanh nồng nhiệt như lửa ; những người từng tại trong nước khởi nghĩa như Hoàng Hưng, Tống Giáo Nhân, Trương Kế rất khát vọng Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Vào tháng 7 năm đó, Tôn trở lại Đông Kinh, được hoan nghênh nhiệt liệt. Tôn bảo Trung Quốc không nên sợ các nước âm mưu chia cắt, chỉ sợ tự mình không đoàn kết ; nếu như các tỉnh hiệu triệu khởi nghĩa riêng, cục diện biến thành phân tranh, ngoại quốc thừa cơ can thiệp, Trung Quốc ắt mất. Rồi thương thảo tổ chức “ Đồng minh hội ”, ngày 20/8 thành lập, cử Tôn làm Tổng lý ; hơn 300 đại biểu tham gia, bao quát Hưng trung hội của Tôn Trung Sơn, Hoa hưng hội của nhóm Tống Giáo Nhân và Hoàng Hưng ; Ái quốc học xã tại Thượng Hải của Chương Bỉnh Lân, Thái Nguyên Bồi, Ngô Kính Hằng ; Thanh niên hội của Trương Kế, và Quang phục hội, Nhật tri hội. Thời kỳ Hưng trung hội, chủ yếu hội viên tại Quảng Đông ; nay Đồng minh hội bao gồm nhân sĩ toàn quốc. Năm 1906 Đồng minh hội quy định phương lược cách mệnh, tổ chức Quân chính, cùng Trung Hoa dân quốc quốc hiệu. Tại tuyên ngôn Quân chính phủ xác định cách mệnh ngày hôm nay với cách mệnh trước kia không giống nhau ; ngoài việc đánh đuổi Thát Lỗ khôi phục Trung Hoa còn có nhiệm vụ cải biến thành nước dân chủ. Tinh thần nhất quán là tự do, bình đẳng, bác ái ; trước đây là anh hùng cách mệnh, ngày nay là quốc dân cách mệnh. Chính cương của việc trị nước gồm : thứ nhất đánh sụp chính phủ Mãn Thanh, khoan dung các quân Mãn, Hán ; thứ hai khôi phục Trung Hoa, trả chính quyền cho người Hán ; thứ ba kiến lập dân quốc, do cách mệnh bình dân kiến lập quốc dân chính phủ, quốc dân có quyền tham chính, chế định hiến pháp ; thứ tư bình quân đất đai, cải lương xã hội. Chia làm 3 giai đoạn thi thố : kỳ thứ nhất, quân pháp trị trong vòng 3 năm, sau khi phá xong địch, quân chính phủ tổng nhiếp hành chánh địa phương, tảo trừ mọi tệ đoan chính trị xã hội ; kỳ thứ hai, ước pháp trị trong vòng 6 năm, giao quyền tự trị địa phương cho nhân dân, quyền của quân chính và nhân dân do ước pháp quy định ; kỳ thứ ba, do hiến pháp trị, quân chính phủ giải trừ quân sự hành chánh quyền, tổ chức quốc hội, chính trị do hiến pháp thi hành.


Đồng minh hội thành lập là kỷ nguyên mới của cách mệnh, các đoàn thể trước kia chưa từng liên lạc với nhau nay hợp làm một, ý chí của thanh niên do đó tập trung, cùng chung mục tiêu phấn đấu. Nội dung cương lãnh, bài Mãn và kiến lập quốc gia dân tộc, là yêu cầu chung của cộng đồng ; lật đổ chuyên chế, người trong nước bình đẳng cùng kiến lập “ quốc gia xã hội ” càng cổ vũ nhân dân. Tôn Trung Sơn được các nhà ái quốc công nhận là lãnh tụ, chưa đến 1 năm hội viên lên đến hơn vạn người, “ Học giới, công giới, thương giới, quân giới, hội đảng không ai là không hướng về cùng một chủ nghĩa, mọi người cùng ra sức ”. “ Từ đó phong trào cách mệnh ngày ngày tăng cao, tiến bộ nhanh ngoài ý liệu ”, Tôn “ tự tin sự nghiệp cách mệnh có thể thành tựu trong cuộc đời ” của ông.


Thời đại Hưng trung hội, đảng cách mệnh tại Hương Cảng, Honolulu, San Francisco đều có báo chí, nhưng ảnh hưởng không mấy mạnh mẽ. Sau khi Đồng minh hội thành lập, dùng Dân báo, Nguyệt san làm cơ quan ngôn luận. Số đầu tiên xuất bản vào tháng 11/1805, Tôn Trung Sơn soạn lời nói đầu chính thức nêu lên 3 đại chủ nghĩa : dân tộc, dân quyền, dân sinh làm nguyên tắc cơ bản xây dựng nước. Trước hết Tôn đề xuất lịch sử tây phương chứng minh 3 nguyên tắc lần lượt diễn tiến, trước hết là dân tộc, dân quyền, rồi đến dân sinh chủ nghĩa vào thế kỷ thứ hai mươi. RiêngTrung Quốc bị dị tộc dày xéo, ngoại quốc xâm bức, ngàn năm chuyên chế độc hại nên dân tộc và dân quyền phải ưu tiên. Dân tộc chủ nghĩa lúc bấy giờ không phải đơn thuần bài Mãn, còn kiêm cả đối ngoại, tuy nhiên mang tính thoả hiệp, như thừa nhận những điều ước, ý muốn giảm thiểu áp lực. Vấn đề kinh tế cũng cần sớm giải quyết, bởi vậy đồng thời cũng đề cập dân sinh chủ nghĩa.


Ngoài 2 tờ báo nêu trên, học sinh du học tại Nhật còn lập thêm hàng chục báo, tập san như : Vân Nam, Tứ Xuyên, Động Đình ba, Hà Nam, Hạ thanh, Tấn thanh  sách chuyên đề có hơn trăm loại ; trong nước xuất bản sách báo về các đề tài chống Mãn Thanh, cổ suý cách mệnh, phản kháng liệt cường, cũng không thiếu.




3. Thắng lợi về tư tưởng chiến



Bốn năm kể từ năm 1899, là thời kỳ Lương Khải Siêu đứng đầu chốn văn đàn ; ảnh hưởng lớn không ai địch nổi. Từ năm 1903 tư tưởng Lương chuyển biến, vào tháng 2 năm đó Lương đến châu Mỹ, vẫn tin rằng “ Trung Quốc vạn lần không thể không cách mệnh ; bỏ cách mệnh đi, không có cách nào khác ” ; nhưng chỉ vài tháng sau hốt nhiên tuyên bố “ Không dám nói đến cách mệnh nữa ! ”. Tháng 11, trong phần mở đầu tập san ông viết nội dung không những không bàn đến việc bài Mãn, cách mệnh ; còn bài xích cả cộng hoà. Cứ theo lời ông giải thích sau đó với lập luận như sau : thứ nhất, vì thấy rằng học sinh bị tư tưởng cách mệnh tuyên truyền trở nên náo loạn, nên không muốn thanh niên bị lầm lỡ vì thuyết phá hoại ; thứ hai, tự do bình đẳng lưu tệ vô cùng, khiến trật tự bị phá ; quốc gia nhân dân đã bị khổ cực, một khi mối loạn xẩy ra, người ngoài lợi dụng cướp đoạt có thể đi đến mất nước. Những điều nghe thấy tại Mỹ như việc dùng thủ đoạn trong tuyển cử, kết quả không chọn được người tài năng, cũng một phần ảnh hưởng, khiến Lương cho rằng cộng hoà không bằng lập hiến. Trong bụng Lương “ Tính bảo thủ hoặc tiến thủ tuỳ lúc giao tranh, tuỳ cảm tình biểu lộ, bởi vậy lập trường trước sau có phần mâu thuẫn ” rồi đi đến chỗ chống đối cách mệnh.


Đối tượng phái bảo hoàng và cách mệnh tranh thủ phần lớn là lưu học sinh cùng Hoa kiều. Năm 1903 hội bảo hoàng chiếm ưu thế, Khang Hữu Vi tại Nam Dương hoạt động có hiệu quả. Cũng vào cuối năm đó tình hình biến đổi, trong và ngoài nước hướng về cách mệnh ngày một đông, nếu như cách mệnh thành, địa vị của Lương sẽ mất thế trọng yếu. Lúc này Lương đang tại Mỹ quyên mộ tiền để hoạt động, nhưng việc Quang Tự trở lại ngôi thì không có khả năng, vậy nếu không nói về cách mệnh thì “ có danh mục gì để nói ! ”. Lương bàn đến cách mệnh có đổ máu và không đổ máu “ Phá hoại không đổ máu như trường hợp Nhật Bản, có đổ máu như nước Pháp ; Trung Quốc làm được phá hoại không đổ máu, ta đốt hương lên cầu khẩn ; Trung Quốc như không thể tránh cách mệnh đổ máu, ta lấy thế làm đau ! ”. Có thể thấy Lương hy vọng một cuộc cách mệnh không đổ máu, tức lập hiến.


Cuộc chiến về tư tưởng giữa cách mệnh và bảo hoàng bắt đầu từ năm 1903 tại Thượng Hải và Honolulu, rồi lan đến San Francisco, Hương Cảng, Singapore. Sau năm 1905, Dân báo của phe cách mệnh, và Tân dân tùng báo của Lương đối chọi, bút chiến. Khi Dân báo phát hành số đầu, thì tư tưởng Lương đã chuyển biến được 2 năm ; trong số này ngoài lời nói đầu của Tôn Trung Sơn và 4 thiên chuyên văn về dân tộc, dân quyền, phần còn lại tập trung đả kích Tân dân tùng báo. Cuộc tranh luận triển khai từ đó, những cây bút tham gia Dân báo như Uông Triệu Minh [Tinh Vệ], Hồ Hán Dân, Trần Thiên Hoa, Chu Chấp Tín, Lưu Sư Bồi, Chương Bỉnh Lân ; Uông, Hồ văn chương lưu lợi có mãnh lực, riêng Tân dân tùng báo chỉ một mình Lương ứng chiến ; trọng tâm tranh luận gồm :


– Thứ nhất về vấn đề cách mệnh. Tân dân tùng báo cho rằng cách mệnh tất sinh nội loạn, nội loạn sẽ bị liệt cường can thiệp dẫn đến qua phân 3 ; cần tìm cách cải lương chính phủ hiện tại, thi hành quân chủ lập hiến. Dân báo cho rằng cách mệnh là vấn đề nội chính, không bài ngoại ; tình thế quốc tế hiện tại không dẫn đến qua phân Trung Quốc, nếu nước ngoài có can thiệp cũng không đáng sợ, càng tăng lòng căm thù địch. Chính phủ hiện tại không thể cải lương, chỉ có cách là lật đổ.


– Thứ hai về vấn đề bài Mãn. Tân dân tùng báo cho rằng hiện tại người Hán còn thiếu năng lực lập quốc vả lại vẫn được bình đẳng với Mãn về chính trị và pháp luật, cần dung hợp các tộc trong nước thành một dân tộc để chống với các dân tộc ngoại lai ; nếu kiên trì bài ngoại tức ôm chủ nghĩa phục cừu bạo động. Dân báo cho rằng bài Mãn tức bài trừ chính phủ Mãn tộc ác liệt, khi chính phủ này sụp đổ thì các dân tộc sẽ dung hợp ; bài Mãn lập chính phủ mới là điều tiên quyết, hy vọng Mãn châu lập hiến là điều không có khả năng.


– Thứ ba về vấn đề nhân quyền. Tân dân tùng báo cho rằng Trung Quốc không thể thi hành cộng hoà, ngay cả quân chủ lập hiến hiện nay cũng chưa nên thi hành, vì tư cách của người trong nước chưa đủ, điều kiện chưa hoàn bị, miễn cưỡng thi hành sẽ đi đến chỗ mất nước, chỉ nên thi hành Khai minh chuyên chế 4 trong vòng mười năm. Dân báo viện dẫn học thuyết Thiên phú nhân quyền 5, cho rằng nhân dân có sẵn tư cách cộng hoà quốc dân, quốc dân năng lực ; tự do bình đẳng là công cụ của loài người, Trung Quốc cũng không nằm ngoại lệ. Một khi cách mệnh thực hiện, nhân dân làm chủ chính phủ, người trong nước sẽ được bồi dưỡng thực hành dân chủ chính trị.


– Thứ tư vấn đề đất đai. Tân dân tùng báo cho rằng so với Tây phương thì tại Trung Quốc ruộng đất bị địa chủ chiếm đoạt không quá nhiều ; nếu vấn đề cải cách đất đai thi hành lúc cách mệnh mới nổi lên, bọn du đãng vô lại sẽ thừa cơ chiếm đoạt tài sản người giàu, đất nước trở nên đại loạn ; nếu như thi hành sau cách mệnh thì tệ nạn cũng nhiều, vậy nên giải quyết vấn đề tư bản trước rồi mới bàn đến ruộng đất “ Đệ nhất nghĩa dùng chính sách tưởng lệ tư bản, đệ nhị nghĩa bảo hộ kẻ lao động ”. Dân báo cho rằng cách mệnh mang phúc lợi cho đa số dân nghèo ; nếu như so sánh tại Mỹ ruộng đất do thiểu số làm chủ, tư bản cũng vậy, giàu nghèo chênh lệch quá xa “ Muốn giải quyết vấn đề xã hội, trước đó phải giải quyết vấn đề ruộng đất, giải quyết ruộng đất không ngoài việc quốc hữu hoá ruộng đất, khiến ruộng đất không vào tay một ít người ”. Đất đai cả nước đưa vào quốc hữu, như vậy tư bản quốc gia đưa vào quốc hữu, dùng quốc gia làm đại tư bản, từ đó sinh sản ra.


Hai báo tranh luận, biểu hiện cuộc đấu tranh giữa hai phái cách mệnh và bảo hoàng. Trải qua nửa năm, Lương cảm thấy không dễ chống chọi, bèn nhờ sự trợ giúp của Từ Phật Tô tại Thượng Hải. Tháng 7/1906 báo Tân dân tùng báo đăng bài của Từ nhan đề “ Thư khuyến cáo đình chỉ lập luận bài bác ”, nhưng Dân báo không chấp thuận.


Cuộc tranh luận kéo dài đến 2 năm, đến tháng 8/1907 Tân dân tùng báo đình bản, riêng Dân báo vẫn tiếp tục tiến công, đến tháng 10/1908 bị cảnh sát Nhật đóng cửa. Tân dân tùng báo ở vào thế kém, Dân báo đứng vào thế thượng phong ; do Tân dân chỉ có một mình Lương Khải Siêu chống chọi, riêng Dân báo thì lực lượng hùng hậu, học thức không thua gì Lương. Lại cần phải nói thêm lập trường của phe cách mệnh nhất quán, riêng Lương Khải Siêu thì đi hàng hai, vừa chủ trương bảo hoàng, lại hướng Thanh triều yêu cầu cải cách, có lúc đưa những lời ai oán như “ Chính phủ như vậy, không thể không mất nước, nếu đợi mất, thì hãy tự nguyện mất đi ! ” Riêng Tôn Trung Sơn bảo rằng “ Đồng minh hội thành lập, phong trào cách mệnh một ngày đi ngàn dặm, tiến bộ nhanh ngoài ý liệu ”. Tuy rằng thời đại và nhân tâm khiến như vậy, nhưng công của Dân báo không thể quên được.




4. Dự bị quân chủ lập hiến



Sau thập niên 1880, quân chủ lập hiến được đề xướng rồi dần dần phong trào trở nên rầm rộ bởi biến pháp của Khang Hữu Vi, bắt chước chế độ tại Nhật Bản mở nghị viện, thi hành quân dân hợp trị. Năm 1904, người thuộc phái duy tân là Trương Tái từng đông du Nhật Bản, khuyên Tổng đốc Trương Chi Đổng tâu về lập hiến. Lại cho in cả “ Nhật Bản hiến pháp ” gửi lên triều đình, cùng soạn tác phẩm như “ Nhật Bản hiến pháp nghĩa giải ”, “ Nghị hội sử ”. Viên Sứ thần tại Pháp, Tôn Bảo Kỳ, cũng xin định hiến pháp và pháp luật ; các báo tại Thượng Hải cùng hưởng ứng. Có người nêu chiến tranh Nga Nhật làm bằng chứng, cho rằng Nga là nước lớn châu Âu “ bị Nhật làm khốn, thuyết về chủng tộc mạnh yếu do đó bị phá ; dân da vàng chúng ta cũng có thể tự phấn chấn được ”. Quân dân Nhật Bản một lòng, do bởi lập hiến ; lập hiến giúp cho cường thịnh và nội bộ không ngờ vực lẫn nhau. Thậm chí Từ Hy xem Nhật Bản hiến pháp do bọn Trương Tái dâng lên, cũng nói “ Nhật Bản có hiến pháp, đối với quốc gia thật tốt ”.


Nguyên nhân chính khiến tập đoàn Mãn Thanh phải quay sang lập hiến do bởi phong trào bài Mãn dâng cao. Mãn, Hán không hoà mục hiện rõ nét tại vận động duy tân, tất cả những người chủ trương duy tân đều là Hán, phần lớn những người chống đều thuộc Mãn. Sau cuộc chính biến năm 1898, những người bị tru lục đều là Hán, nhất thời người Mãn bài Hán cực thịnh. Tháng 6/1904, với danh nghĩa mừng thọ Từ Hy 70 tuổi, tuyên chiếu ngoại trừ Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Văn “ kỳ dư những người bị án trong vụ Mậu Tuất [1898] đều được miễn tội cũ, để tự đổi mới ” nhắm xoa dịu thời cuộc.


Khi việc thắng bại giữa Nhật, Nga đã rõ, không khí cách mệnh bài Mãn dương cao. Lương Khải Siêu cho rằng quân chủ lập hiến là phương thuốc hiệu nghiệm nhắm cứu quốc, cường quốc. Trương Tái cũng cho rằng cách mệnh rất thịnh, sợ sinh đại loạn, khiến ngoại quốc can thiệp, “ lập hiến có thể yên trên, bảo toàn dưới ” ; bèn hướng Viên Thế Khải trình bày lập hiến không thể hoãn được “ Không đổi chính thể, chỉ bổ cứu chi tiết, thực vô ích… Nhật, Nga thắng thua là lập hiến và chuyên chế thắng thua vậy ”. Trương hy vọng biến Viên thành một Y Đằng Bác Văn Trung Quốc, hoàn thành hiến pháp.


Ngày 2/7/1905 Viên và Trương Chi Đổng cùng Tổng đốc Lưỡng Giang Chu Phức tấu xin sau 12 năm sẽ chính thức lập hiến. Từ Hy cho rằng bà đã ngoài 70 tuổi, thì chuyện 12 năm sau không phải là điều lo của bà ; nếu chống lại thì cũng khó giữ mạng sống, vì mấy năm gần đó Khang Hữu Vi đã tìm cách cho người ám sát. Ngày 16/7, chiếu sai 5 viên Đại thần xuất dương khảo sát ; bọn Trấn quốc công Tái Trạch 3 người, đến Nhật Bản, Anh, Pháp, Tỷ Lợi Thì ; bọn Đoan Phương 2 người đến Mỹ, Đức, Ý, Áo. Lúc sắp lâm hành bị thanh niên cách mệnh Ngô Việt hành thích, tuy việc không thành nhưng cũng chứng tỏ lập hiến không có lợi cho cách mệnh, chỉ có lợi cho Mãn Thanh. Vào tháng 11, Từ Hy tiến thêm một bước mệnh Đốc biện chính vụ xứ [cơ quan được thiết lập năm 1901 để thi hành tân chính] trù tính tổng quát, lập Khảo sát chính trị quán, biên soạn sách chuyên thư cho phù hợp với thể chế Trung Quốc.


Tháng 12, năm viên Đại thần lại khởi hành, trước tiên đến Đông Kinh, Nhật Bản. Hùng Hy Linh, tuỳ viên của Đoan Phương nhiều lần tiếp xúc với Lương Khải Siêu. Lương và Dương Độ giúp bọn họ soạn thảo Khảo sát báo cáo và tấu thư, kiến nghị trong vòng 5 năm cải biến sang chính thể lập hiến. Sau đó phái đoàn tiếp tục đến Mỹ và Âu Châu, đến tháng 8/1906 thì trở về nước. Viên Thế Khải đầu tiên xin thực hành ; trước hết các quan tại kinh đô cùng thương gia, thân sĩ tham dự chính vụ địa phương. Tái Trạch cho rằng lập hiến giúp cho quân quyền vững chắc, mối hoạ từ bên ngoài bớt đi, nội loạn yên dần ; hiến pháp phỏng theo Nhật Bản, thực nghiệp phỏng Nhật Bản và Đức. Ngày 1/9 ban dụ bàn định quan chế, mở rộng giáo dục, thanh lý tài chính, chỉnh đốn vũ bị, mở rộng tuần cảnh, để dự bị cơ sở lập hiến ; đợi vài năm sau tái xét tình hình, định kỳ hạn thực hành. Đó là nội dung cái gọi là Dự bị lập hiến chiếu, ngoài mưu đồ khiến dân “ nhìn rừng mai cho đỡ khát ” 6, còn có tác dụng trong việc vãn hồi trật tự, giảm thiểu chống đối.


Bọn Đại thần Tái Trạch tại Nhật Bản dâng bản tâu cho rằng chính thể lập hiến lợi cho vua, cho dân ; riêng bất tiện cho quan. Lúc trở về trình bày việc tất nhiên phải cải cách quan chế, nếu không thì tình trạng phiên trấn đời Đường, quân phiệt tại Nhật Bản sẽ xuất hiện ngày nay. Trong mấy chục năm nay, triều Thanh rất kỵ việc để cho địa phương quyền lớn, lợi dụng lập hiến để cải định quan chế, ngăn bớt Tổng đốc, Tuần phủ người Hán, tập quyền trung ương ; Viên Thế Khải là một trong những mục tiêu bị loại. Bài Viên là những người Mãn cùng Viên tham gia hội nghị biên định quan chế, như Tái Trạch, cùng Quân cơ đại thấn Thiết Lương, Vinh Khánh. Viên không có thành kiến về Hán, Mãn ; tuy nhiên bọn Tái Trạch sợ như lời Lương Khải Siêu tiên đoán rằng lập hiến sẽ làm cho uy thế người Hán tăng cao. Nguyên tắc dự định cải quan chế, muốn thu quyền quân sự, tài chánh của Tổng đốc, Tuần phủ trở về triều đình ; trong hội nghị Viên Thế Khải cùng Thiết Lương xung đột, Ngôn quan 7 cũng cho rằng chế độ quan lại không thể bành trướng, cần thay đổi dần dần. Chủ trì tổng quát là Dịch Khuông bèn dùng biện pháp trì hoãn, chỉ bàn trước về quan chế tại trung ương. Ngày 6/11 ban bố : Nội các, Quân cơ xứ, Ngoại vụ bộ, Lại bộ, Học bộ y như cũ ; Tuần cảnh bộ cải thành Dân chính bộ, Hộ bộ cải thành Độ chi bộ ; Thái thường, Quang lộc, Hồng lô tự nhập Lễ bộ ; Binh bộ cải thành Lục quân bộ, cho Luyện binh xứ, Thái bốc tự nhập vào, riêng Hải quân bộ, Quân tư phủ trong khi chưa kịp lập tạm quy vào Lục quân bộ ; Hình bộ cải thành Pháp bộ ; Đại lý tự cải thành Đại lý viện ; Lý phiên viện cải thành Lý phiên bộ. Trừ bộ Ngoại vụ, các bộ đặt 1 Thượng thư, 2 Thị lang, không phân biệt Mãn Hán. Đứng đầu các bộ mới đặt có 7 người Mãn, 4 Hán, 1 Mông Cổ, 1 Hán quân 8.




5. Hành động của cách mệnh và lập hiến



Đảng cách mệnh lúc nào cũng chuẩn bị hành động, sau khi Đồng minh hội thành lập lại càng thêm tích cực. Ngô Việt dùng tạc đạn mưu giết 5 viên Đại thần chuẩn bị ra nước ngoài khảo sát chính trị, khiến nhân tâm chấn động mạnh. Tôn Trung Sơn đến Nam Dương trù hoạch, sai người đến các vùng hạ lưu sông Trường Giang, Lưỡng Quảng, Tứ Xuyên, Vân Nam để liên lạc vận động học sinh, hội đảng ; đặc biệt chú ý đến tân quân 9. Năm 1905, lưu vực sông Trường Giang tao động ; hoặc chống giáo dân, chống quyên góp, hoặc dành lương. Các đảng viên Đồng minh hội như Lưu Đạo Nhất, Thái Thiệu Nam liên lạc với học sinh tỉnh Hồ Nam, vận động các hội đảng, công nhân mỏ khoáng, khởi sự vào ngày 4/12/1906 tại Bình Hương [Pingxiang], Vạn Tái [Wanzai] thuộc phía tây tỉnh Giang Tây, và Ly Lăng [Liling], Lưu Dương [Liuyang] phía đông Hồ Nam, thực lực đến mấy vạn, lưu học sinh tại Đông Kinh tranh nhau về nước tham gia. Bọn Triệu Thanh, Nghê Ánh Điển thuộc tân quân trấn thứ 9, tại Giang Tô chuẩn bị theo, nhưng chưa kịp cử sự. Lãnh tụ cuộc nổi dậy là Cung Xuân Thai tự xưng “ Đô đốc Trung Hoa dân quốc quân, Nam quân cách mệnh tiên phong đội ”, yết thị chính cương của Đồng minh hội, tuyên bố nhận mệnh của Trung Hoa dân quốc chính phủ “ kiến lập cộng hoà dân quốc, quyền đất đai của dân bình đẳng ”. Cuộc phấn đấu kéo dài hơn một tháng thì thất bại, bọn Lưu Đạo Nhất bị giết tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], Triệu Thanh thuộc tân quân bị cách chức. Cơ sở đảng thuộc các tỉnh lưu vực sông Trường Giang bị phá huỷ, nhưng thanh vọng của Đồng minh hội tăng cao.


Sau tháng 2/1907 dân biến dấy lên tại các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, An Huy ; tình thế có lợi cho đảng cách mệnh, đây là năm cách mệnh cử sự nhiều nhất. Tháng 6, Đồng minh hội liên tục phát động tại Triều Châu [Chaozhou, Quảng Đông], đều bị thất bại. Từ Tích Lân thuộc Quang phục hội cùng Thu Cấn Đồng minh hội chia nhau hoạt động tại An Khánh [Anqing], tỉnh An Huy, cùng Thiệu Hưng [Shaoxing], Chiết Giang, nhắm huấn luyện học sinh, liên hợp các hội đảng. Tháng 7, Từ Tích Lân cử sự tại An Khánh, giết viên Tuần phủ người Mãn, Ân Minh ; sau bị bắt rồi giết. Tại Thiệu Hưng, việc tiết lộ, Thu Cấn cũng bị bắt rồi bị giết. Thu Cấn là nữ đảng viên đầu tiên hy sinh, nàng người Chiết Giang, năm 1904 từng xuất dương sang Nhật 2 năm. Vụ án phát giác, khiến viên Tổng đốc Lưỡng Giang Đoan Phương sợ hãi thốt lên “ Từ nay trở về sau bọn ta sẽ không có một ngày yên gối ” ; nhân vụ án Thu Cấn, Tuần phủ Chiết Giang và Tri phủ Thiệu Hưng bị dư luận chỉ trích ; hành động của cách mệnh làm quan lại nhà Thanh khiếp sợ và khích động lòng dân chúng công phẫn.


Vào năm 1905 Tôn Trung Sơn liên lạc với người Pháp ; tháng 3/1907 Tôn đến Hà Nội, Việt Nam, tìm cách tiếp xúc với dân châu Khâm [Qinzhou] tại biên giới, tổ chức “ Vạn nhân hội ”, hô hào chống quyên góp. Tổng đốc Lưỡng Quảng Chu Phức sai tân quân đến đánh dẹp ; Tôn một mặt sai Hoàng Hưng vận động tân quân kết hợp với thân sĩ đoàn luyện, một mặt mua khí giới của Nhật để nhờ quan quân Pháp tại Việt Nam giúp luyện binh, mưu một lần dấy lên có thể thu phục Lưỡng Quảng. Vào tháng 9 nổi dậy tại châu Khâm, do tân quân chần chờ nhìn ngó nên đi đến thất bại. Tôn lại chiêu tập đoàn dõng tại Quảng Tây, vào tháng 11 chiếm pháo đài tại trấn Nam Quan ; Tôn cùng Hoàng Hưng, Hồ Hán Dân đích thân đến đốc quân, ra sức chiến đấu trong 7 ngày đêm. Vào đầu năm 1908, Tôn không tiện trú lâu tại Việt Nam, bèn di chuyển sang Tân Gia Ba ; mệnh Hoàng Hưng tiếp tục mưu đồ tại các châu Khâm, Liêm, Hoàng Minh Đường kinh dinh Vân Nam. Tháng 3 Hoàng Hưng vào châu Khâm, tháng 4 đánh bại quân Thanh, rồi chuyển sang hoạt động tại vùng giáp giới hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, đến tháng 5 rút về Việt Nam. Cuối tháng 4 Hoàng Minh Đường chiếm thành phố Hà Khẩu [Hekou] thuộc tỉnh Vân Nam, chống cự trên 20 ngày. Tháng 11 viên đội tân quân Hùng Thành Cơ nỗi dậy tại An Khánh [Anqing, An Huy], hơn 200 người chết.


Trong vòng hơn một năm, quân cách mệnh càng bị đánh càng dấy lên ; ra sức đả kích lập hiến của Mãn Thanh. Hội bảo hoàng theo con đường khác, sau khi Chiếu dự bị lập hiến ban bố, Lương Khải Siêu tỏ ra lạc quan, cho rằng “ từ đây chính trị cách mệnh tiến đến một giai đoạn ”. Đến lúc triều đình sửa quy chế quan lại, các đồng chí tỏ ra thất vọng, Lương bảo rằng không nên hy vọng triều Thanh tiến quá xa, hãy tự mình làm lấy. Cho rằng tên Hội bảo hoàng quá hẹp, cần phải tổ chức thành chính đảng, đốc thúc chính phủ tái cải cách. Những người được nghe việc này có Dương Độ, Tưởng Trí Do, Hùng Hy Linh, Từ Phật Tô ; ngoài ra còn ngầm liên lạc với Viên Thế Khải, Đoan Phương, Triệu Nhĩ Tốn. Khang Hữu Vi tạm không nêu tên, nhưng Khang đã ra tay trước, vào tháng 10/1906 tuyên bố đổi Hội bảo hoàng thành “ Quốc dân hiến chính hội ”. Lương bèn lập riêng một hội lấy tên là “ Chính văn xã ”, muốn chiêu tập hào kiệt Trung Quốc, thống nhất lực lượng, phỏng theo Đồng minh hội của Tôn Trung Sơn. Lương không muốn Khang tham gia, vì số người chống đối Khang quá nhiều, sợ chính phủ Thanh và đảng cách mệnh dựa vào đó vùi dập Chính văn xã. Trịnh Thọ Tư, Trương Tái, Thang Thọ Tiềm tại Thượng Hải cũng vui mừng về việc triều Thanh dự bị lập hiến, vào tháng 12 thành lập “ Dự bị lập hiến công hội ”. Lương Khải Siêu mong muốn Dương Độ tham gia Chính văn xã, nhưng Dương không chịu đứng dưới người, vào tháng 5/1907 tự lập “ Hiến chính công hội ” tại Đông Kinh.


Triều đình nhà Thanh chấn động bởi việc Tuần phủ An Huy bị giết, vào tháng 7 ban chiếu hỏi các nơi về phương cách lập hiến, cùng trình tự thi hành. Viên Thế Khải tâu rằng cần làm rõ đại tín, lập nội các chế, thiết Tư chính viện, đặt Tư nghị cục tại các tỉnh, dự trù Nghị sự hội. Tháng 9 tuyên bố đặt Tư chính viện, tháng 10 lập Tư nghị cục, dự trù Nghị sự hội ; phái lập hiến lại cho rằng cơ hội đã đến. Ngày 17/10 Chính văn xã thành lập tại Đông Kinh, tuyên ngôn muốn cứu quốc phải cải tạo chính phủ, muốn cải tạo chính phủ cần thành lập chính trị lập hiến ; “ Hành động một cách có trật tự, theo yêu cầu chính đáng. Đối với Hoàng thất tuyệt đối không có tâm địa can phạm sự tôn nghiêm, đối với quốc gia không có hành động quấy nhiễu trị an ”. Bọn họ mưu hoà hợp với Túc thân vương Thiện Kỳ, cùng dâng thư phỏng vấn Tổng tài Tư chính viện Nhật Bản Phổ Luân ; lại liên lạc Viên Thế Khải, tìm cách lôi kéo Viên cùng Sầm Xuân Huyên, kẻ tình địch chính trị của Khánh thân vương Dịch Khuông. Riêng Từ Hy vẫn không quên mối hận với Khang, Lương. Cũng vào năm này, thân sĩ tỉnh Hồ Nam, Chiết Giang xin lập nghị viện do dân tuyển, học sinh khai hội diễn thuyết ; bèn xuống chiếu cấm chỉ. Hoạt dộng của phái lập hiến gặp kết quả tương phản.


Chính văn xã mới thành lập, khiếm khuyết nhân sự, riêng Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu không thể xuất hiện, nên đem Mã Lương, một ông lão 79, đứng đầu. Năm 1708, Tổng xã tại Thượng Hải công khai hoạt động, cùng với Dự bị lập hiến công hội kẻ hô người ứng, đại biểu tại các tỉnh cùng Hoa kiều dâng thư, yêu cầu mở quốc hội trong vòng 2, 3 năm. Triều Thanh đả kích, lại đem một thành viên Chính văn xã ra xét xử.


Dương Độ, muốn tranh sủng ái của triều đình, tuyên bố rằng Chính văn xã bài xích Viên Thế Khải, cũng không có ích cho Trương Chi Đổng. Viên tâu với Từ Hy rằng Chính văn xã do Khang, Lương lập sẽ làm điều có hại cho triều đình ; lại có Hoa kiều gửi thư thỉnh nguyện các việc như yêu cầu Từ Hy từ bỏ chính trị, dời đô xuống Giang Nam, cải quốc hiệu Trung Hoa, càng làm cho Từ Hy tức giận. Ngày 30/8 tra cấm Chính văn xã. Ngày 28/8 phát hành Hiến pháp cương yếu, và Nghị viên tuyển cử pháp cương yếu ; tuyên bố rằng tiếp tục trù bị trong thời gian 9 năm mới xong, đến lúc đó sẽ ban bố hiến pháp, triệu tập nghị viên. Hiến pháp cương yếu ghi rõ vĩnh viễn tôn trọng Đại Thanh hoàng đế, quân thượng thần thánh trang nghiêm không thể xâm phạm ; có quyền : định pháp luật, triệu tập và giải tán nghị viên, đặt quan lại, thăng, truất ; thống suất hải, lục quân cùng biên định quân chế, tuyên chiến, giới nghiêm, nắm tổng quát về tư pháp. Trong phạm vi pháp luật, thần dân có quan lại, Nghị viên đại diện ; được kết hội, ngôn luận tự do ; có nghĩa vụ đóng thuế, đi lính. Nói tóm lại Hiến pháp cương yếu này không ngoài việc bảo vệ quyền lợi của vua, cực độ đề cao quyền lực quân chủ.


Hồ Bạch Thảo









1 Tảo Thanh diệt Dương : quét sạch nhà Thanh, diệt Tây dương.



2 Bảo Điền hội : Điền tức Vân Nam, ý chỉ hội bảo vệ tỉnh Vân Nam khỏi sự xâm phạm của người Pháp.



3 Qua phân : chia cắt từng mảnh như cắt dưa hấu.



4 Khai minh chuyên chế : chính thể chuyên chế có cải cách, không coi vua có thần quyền.



5 Thiên phú nhân quyền : nhân quyền là quyền tự nhiên của con người.



6 Vọng mai chỉ khát : nghĩa đen nhìn vào rừng mai, thèm khiến nước miếng chảy ra nên đỡ khát ; nghĩa bóng dùng chiêu bài không có khả năng thực hiện được, nhắm mê hoặc lòng người.



7 Ngôn quan : quan chuyên về can gián đàn hặc, tương tự như Ngự sử.



8 Hán quân : thuộc dòng dõi đạo quân người Hán, hàng nhà Thanh thời cuối Minh.



9 Tân quân : quân Thanh triều được huấn luyện theo lối mới.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us