TRUNG-VIỆT VIỆT-TRUNG, KỲ VỌNG CỦA TIỂU THUYẾT
TRUNG-VIỆT
VIỆT-TRUNG,
KỲ VỌNG CỦA TIỂU THUYẾT
Nguyễn
Đức Tùng
(Tham
Luận Gởi Hội Thảo Ra Mắt Sách
Toronto July 16. 2016)
Tháng Mười năm ngoái, 2015, ở Hàng Châu, một người chủ hiệu xe hơi sang trọng, nói tiếng Việt khá lưu loát, pha tiếng Anh, trong cuộc trò chuyện rất lan man đã hỏi tôi rằng tại sao Việt Nam mang ơn Trung Quốc trong chiến tranh mà nay lại thường chống đối họ như vậy?
Tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung lại còn lan man hơn nữa, nhưng là một tận cùng đứng đắn của sự lan man. Tôi nghĩ, đó cũng là cố gắng trả lời câu hỏi của ông bạn người Hoa mới quen kia. Đọc cuốn sách của Đỗ Quyên, tôi có đôi điều mừng, hứng khởi, và vài lo lắng nghĩ ngợi. Cuốn sách là một kiểu mẫu thể loại mới. Tác giả có ý phối hợp rõ ràng giữa năm loại khác nhau trong một: tiểu thuyết, thời sự, chính luận, khoa học giả tưởng, và các comment như chúng ta thường đọc ở báo điện tử hay trên facebook. Loại thứ năm là một loại hình diễn ngôn mới, chưa hẳn văn học, nhưng ngày càng phổ biến. Đặc điểm của thể này là tùy bút, pha tạp, rất cá nhân, ít chịu trách nhiệm, nhưng cung cấp những thông tin và bình luận nhiều khi đặc sắc hơn cả phương tiện quy ước.
Tiểu thuyết thời sự, như tác giả gọi tác phẩm của mình, thì vẫn là tiểu thuyết. Tức là chúng thường xuyên vận động giữa hành động và suy nghĩ, giữa sự kiện và cảm xúc, gần như bao giờ cũng nói về cái riêng và cái chung. Cuốn sách của Đỗ Quyên, cái chung thì nhiều mà cái riêng thì ít. Đền bù lại, những cái riêng ít ỏi ấy gần như bao giờ cũng là những chi tiết sáng lấp lánh.
Khái niệm liên văn bản được nói đến nhiều trong những năm gần đây. Thật ra không một tác phẩm nào không có tính liên văn bản, nhưng cũng như đối với bất kỳ một phẩm chất nào khác, rõ ràng có những tác phẩm mà tính chất ấy nổi bật hơn hẳn. Cuốn sách của Đỗ Quyên là một thí dụ: các cắt dán, các trích dẫn, các nguồn tin thời sự, các sự kiện có thật. Giữa những thủ thuật ấy, việc đổi tên của các nhân vật và quốc gia, theo tôi là không đóng góp gì nhiều về nghệ thuật, thậm chí đôi khi phản cảm, nhưng tất nhiên có thể tránh cho tác giả những rắc rối về luân lý hoặc pháp lý. Dù sao tính chất liên văn bản là một phát hiện quan trọng, và nhà văn nào thấm đẫm tinh thần của nó, biết sử dụng như một phương pháp văn học, sẽ thu được nhiều lợi ích trong sáng tác của mình. Tác giả cuốn sách này ý thức rõ về điều ấy.
Tiểu thuyết bao gồm những chuyện kể, có thật và không có thật. Chuyện có thật khó hiểu hơn chuyện không có thật, tức là khó đi đến tận cùng sự thật của nó. Trung-Việt Việt-Trung bao gồm nhiều chuyện thật. Nhưng tiểu thuyết cũng là trò chơi, và tính chất trò chơi ấy, thể hiện qua hình thức và nội dung, được tổ chức theo nhiều cấp độ. Tiểu thuyết đơn giản được trình bày sao cho các nguyên nhân và kết quả được sắp xếp theo thứ tự trước sau. Ở cấp độ cao hơn, trò chơi tiểu thuyết được cấu trúc phức tạp, gồm những kết nối bên trong và bên ngoài, đôi khi trở nên khó đọc và cần những diễn dịch. Giải thích, khen ngợi, chỉ trích, phê bình, comment, là cần thiết cho tiểu thuyết hiện nay.
Trung-Việt Việt-Trung lại là một thí dụ mới của diễn ngôn hậu hiện đại tiếng Việt. Thể hiện trước hết ở đề tài, không đề tài nào không chạm tới được, chứ không phải chỉ có Trung Quốc và biển Đông như nhiều người có thể tưởng, và chúng xen kẽ vào nhau, đôi khi một cách hỗn loạn như chính đời sống, đôi khi được bố cục một cách chặt chẽ với tay nghề cao. Ở bút pháp, một lối viết dàn trải, dài hơi, rối rắm, khi đẹp thì đẹp hừng hực, đẹp như lửa, nhưng cũng dễ hụt hơi, mà Đỗ Minh Tuấn và Trần Văn Nam gọi là thi pháp đại dương, mà Đặng Thân gọi là phi hư cấu sử ký. Ở giọng điệu châm biếm, mặc dù kín đáo và nhẹ nhàng, đôi khi kín đáo và nhẹ nhàng một cách quá đáng, mà Đỗ Kh. gọi là không nhân nhượng. Ở lối viết chồng chéo liên văn bản và liên lịch sử, đồng đại và lịch đại. Và cuối cùng ở cách trình bày cốt truyện tiểu thuyết và cách giải quyết các xung đột của cốt truyện ấy, tức là cách giải quyết các tình huống cao điểm và cách kết thúc.
Như một tác giả, tôi mừng cho Đỗ Quyên đã thoát ra khỏi cái tháp ngà của người viết. Tháp ngà ấy có hai tầng. Dưới là tháp ngà văn học, mà nhiều người biết định nghĩa, tôi không nhắc ở đây nữa. Tầng thứ hai là tháp ngà chính trị, tức là văn học có thể trở thành cuộc đấu tranh lý luận, nhưng không thể là biểu tình, không đường phố. Là quan điểm của truyền thông chính thống, mà tác giả đôi khi, có thể là vô thức, vẫn là một đứa con ngoan bỏ nhà ra đi. Tác phẩm này đã làm cho anh trở thành một người thoát khỏi tháp ngà, đặt tay lên bánh xe của cỗ máy lịch sử, đang rung chuyển, đầy bụi bặm, loáng dầu mỡ. Không những viết, anh còn đẩy cho nó một cái. Nguy hiểm.
Tôi lại có vài nghĩ ngợi khác. Tức là khác tác giả.
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã kiên trì và khéo léo giữ hòa bình. Nhưng chúng ta càng kiên trì, càng khéo léo, tập đoàn bành trướng và bá quyền Trung Nam Hải càng lấn tới, vì họ quyết tâm cướp Biển Đông của chúng ta một lần nữa!
(trang 277)(*)
Thật ra, xét nguồn gốc, tiểu thuyết ban đầu không phải là những cố gắng nghệ thuật. Bởi vậy mà từ xưa, từ Tây sang Đông, nó thường bị xã hội, người đọc và ngay cả các tác giả, xem là hình thức giải trí, hiểu theo nghĩa mua vui nhiều hơn là giáo dục. Cũng bởi vậy mà một số nhà tiểu thuyết ngày trước thường lấy bút hiệu hoặc đề vô danh chứ không để tên thật. Vậy thì tiểu thuyết, ít nhất là trong truyền thống của nó, phải mang đặc tính giải trí, mua vui, dù đó là sự giải trí cao cấp, cái mua vui lành mạnh, trước khi nói đến ý nghĩa và những tác động về thông tin và giáo dục hay tranh luận. Vì nghĩ thế, lối viết chính luận, nghiêm trang, không phải trong các trích dẫn mà còn là giọng văn chính của tác giả xuyên suốt, làm tôi ngạc nhiên. Tiểu thuyết cần tiếng cười, hay nước mắt, hay cả hai, nhưng sách của Đỗ Quyên hãy còn hơi ít. Khi người ta không thể viết lãng mạn theo kiểu ái tình diễm ảo, thì châm biếm và hài hước trở nên bắt buộc. Trong một số trường hợp đặc biệt, như trong thủ pháp hiện thực huyền ảo, chất hài hước có thể được thể hiện bằng chính lối văn trang nghiêm, nhưng phải thông qua hình tượng có tính thuyết phục.
Mối lo thứ hai là cấu trúc tác phẩm. Do tập hợp nhiều cách viết, nhiều thông tin khách quan và hoàn toàn chính xác, thậm chí có những nguồn tài liệu quý báu, có những phần nặng về khoa học giả tưởng, những phần nặng về chính luận hay thời sự, các nhân vật giả tưởng và các nhân vật có thật cùng xuất hiện, sự đòi hỏi của tính tổ chức và tính cấu trúc là rất cao của tác phẩm này. Có người thích nghe các ca sĩ nổi tiếng hát liên khúc, tức là các đoạn ngắn của nhiều ca khúc ghép vào nhau. Có nhiều người thích, nhưng tôi thì không.
Nội dung chủ đạo cuốn tiểu thuyết là chính trị: mối quan hệ Việt Trung, cuộc xung đột ở Biển Đông, mối quan hệ Mỹ Việt và Mỹ Trung, các sự kiện cụ thể như giàn khoan, các quan hệ giữa những người đứng đầu hai nước. Đề cập như thế là đúng, nhưng không đầy đủ. Trong một vài trường hợp không đầy đủ có thể dẫn đến không đúng. Đọc xong cuốn sách tôi tin rằng nhiều người sẽ có nhiều câu hỏi, và có lẽ hầu hết câu hỏi của họ sẽ xoay quanh chủ đề Trung Việt và Biển Đông.
Thế bạn còn đòi gì nữa?
Tôi đòi hỏi, tức là kỳ vọng, ở tác giả này, một nhà tiểu thuyết mới, mà bằng cách nào lại là công việc của anh, của nhà văn, sẽ mang lại câu hỏi sau đây cho độc giả: bản chất của mối quan hệ Trung Việt là gì? Những động lực nào sẽ làm thay đổi diễn trình của xung đột Biển Đông.
Tôi cho rằng bản chất của mối quan hệ Trung Việt là mối quan hệ giữa hai chính quyền và hai chính đảng cầm đầu các chính quyền ấy, trong bối cảnh xung đột quốc tế, kể cả khi đã tính vào đó các yếu tố khác, như Hoa Kỳ và Nhật và các nước Đông Nam Á. Các cỗ máy lịch sử đang chạy xình xịch ở Trung Nam Hải và ở Ba Đình, chứ không phải ở đâu khác. Nhiều người mơ ước chúng ở đâu khác, như trong trái tim của dân oan mất đất chẳng hạn, nhưng sự thực không phải, chưa phải. Mặc dù đã hé lộ ra bước chân của lịch sử: sức mạnh của dư luận trong và ngoài nước, của lề trái, của mạng xã hội là rất lớn trong vụ cá chết ở miền Trung.
Dù sao, bản chất của xung đột Việt Nam và Trung Hoa hiện vẫn còn là mối quan hệ giữa đảng cầm quyền Trung Quốc và đảng cầm quyền Việt Nam. Dân tộc Việt Nam và cả dân tộc Trung Hoa, muốn thoát ra khỏi cuộc xung đột này, nhiều khi đẫm máu, nhiều khi bẩn thỉu, đê tiện, thì phải thoát ra khỏi các ông chủ của họ. Nhưng nói như thế thì lại buộc một nhà tiểu thuyết phải giải quyết những vấn đề lịch sử hay sao?
Tôi không có câu trả lời. Chính tác giả đặt ra tham vọng ấy. Và hình như anh đã tìm cách đề cập đến nó một cách khá tinh tế trong chương nói về các phong trào dân chủ của sinh viên học sinh Hồng Kông. Vậy trong tương lai liệu Đỗ Quyên có còn trở lại với đề tài này không, với tiểu thuyết không, hãy còn là một ẩn số. Biết đâu anh sẽ viết một cuốn khác, như Việt-Mỹ Mỹ-Việt? Nhưng những gì anh đã làm được, về sáng kiến thể loại, về khả năng làm chủ ngòi bút trong nhiều trường hợp, về giọng văn tuy rườm rà nhưng duyên dáng, nhiều đoạn gần như sự hỗn hợp kỳ lạ giữa hài hước và tình tứ, là đặc sắc và có ý nghĩa đối với văn học. Tôi muốn nói là phong cách văn học. Kỹ thuật tự sự và phóng sự, lối tiếp cận lịch sử, chủ nghĩa hậu hiện đại, cách xử lý các thông tin khách quan và báo chí, kiến thức khá vững chãi, gần như uyên bác, và sự phối hợp giữa các yếu tố ấy, khi thì song phương khi thì đa phương, và nếu một người có dịp so sánh với thơ của cùng tác giả này, đã tạo ra những điều khác lạ. Cuốn sách hình như đã được viết kỹ hơn, săn sóc kỹ hơn là tôi tưởng. Một thứ trường ca Đỗ Quyên trong văn xuôi, ít buồn bã hơn, nhưng không kém đau khổ hơn. Tôi sẽ không nói thêm về nghệ thuật ở đây nữa, đâm ra quá dài. Nhưng chính vì thế mà con đường đi khác thường này của tác giả hãy còn rộng rãi, xa vời. Chúng ta nên vui mừng vì điều đó.
Trở lại với cuộc nhàn đàm ở Hàng Châu, tôi có trả lời. Ở Việt Nam đúng là có những người thấy nên mang ơn Trung Quốc trong cuộc chiến tranh hai mươi năm thế kỷ trước. Số ấy nhiều, bao gồm những kẻ hưởng đặc quyền, và cũng bao gồm cả những trí thức, nhà văn chẳng có đặc quyền gì cả. Nhưng tôi thì không. Thứ hai là, không có một dân tộc nào nên coi dân tộc khác là kẻ thù. Một nước Trung Hoa có chế độ dân chủ tất nhiên sẽ là bạn của Việt Nam chúng tôi. Nhưng hiện nay chưa có thứ ấy.
Nguyễn Đức Tùng
July 01. 2016, Canada Day
------------------
(*) Tiểu thuyết thời sự Trung-Việt Việt-Trung của Đỗ Quyên, do Người Việt Books xuất bản năm 2016, dày 450 trang, không kể bìa, với lời tựa của nhà văn Đỗ Minh Tuấn và một tiểu sử ngắn của tác giả, in sau cùng. Trang bìa sau có các lời nhận xét của nhà văn, nhà phê bình Đặng Thân; nhà thơ Đỗ Kh.; nhà văn, nhà báo Phan Tấn Hải. Sách in đẹp, trên giấy mềm và dày, bìa trình bày khá đẹp, nhan đề kiểu thư pháp, hơi cũ nhưng gọn gàng, kiểu chữ in lớn tròn trịa, dễ đọc, giá bán 20 USD. Một trong những cuốn sách in đẹp của NXB Người Việt Books.
Các thao tác trên Tài liệu