Vài ghi nhận nhân đọc Hồi ký Trần Văn Giàu
Vài ghi nhận
nhân đọc
Hồi ký Trần Văn Giàu
Lữ Phương
Khi mất vào năm 100 tuổi (1911-2010), ông Trần Văn Giàu nổi danh như một nhà giáo dạy lịch sử. Nhưng với bản thân lịch sử thì ông cũng đã nổi tiếng từ lâu như một người đã tổ chức thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Nam Bộ, và cũng trong quá trình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này ông cũng nổi tiếng cả với những đồn đãi rất xấu cho uy tín chính trị của ông. Mục đích hồi ký [1] của ông là nhằm xoá đi cái màn sương mờ đục phủ lên đoạn đời ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa phức tạp đó – 1940 -1945 –, kể lại một cách chi tiết toàn bộ quá trình ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng 8 nói trên ở Nam kỳ, góp tài liệu làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử hiện đại của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nhằm mục đích phơi bày sự thật về những kẻ mà ông cho rằng đã dùng những thủ đoạn tồi tệ để bôi nhọ ông, làm ông khổ sở, cho mãi đến cuối đời.
*
Chúng ta đều biết Trần Văn Giàu là một người cộng sản thuộc thế hệ 30
của thế kỷ trước. Một trong những nhà mácxit đầu tiên của Việt Nam thời
bị thực dân đô hộ. Dự tính sang Pháp du học để trở thành một trí thức
khoa bảng, ông lại bỏ ngang, gia nhập Đảng cộng sản Pháp và được Đảng
này giới thiệu qua học trường Stalin ở Nga (cũng gọi là Đại học Phương
Đông, từ tháng 5-1931 đến tháng 8-1932). Chủ nghĩa Marx mà ông tiếp thu
vào thời kỳ này là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc trưng Liên Xô gọi
là học thuyết “Mác-Lênin”, có nguồn từ Lenin nhưng dần dà suy thoái qua
những luận giải của Stalin : hạ triết học Marx xuống thành một thứ cẩm
nang thực dụng, một công cụ phục vụ chế độ toàn trị, coi Liên Xô là
trung tâm cách mạng vô sản toàn cầu, Đệ tam Quốc tế do Liên Xô lãnh đạo
là chỗ dựa vững chắc nhất của phong trào giải phóng dân tộc... Do nguồn
gốc đào tạo này, lại hoạt động ở miền Nam, không giao lưu trực tiếp với
Trung Quốc, nên tư duy cách mạng vô sản của ông mang đậm sắc thái
bôn-sê-vích kiểu Nga, không giống các đồng chí của ông ở miền Bắc, bị
tác động khá mạnh lý luận cách mạng Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Một
cách tự nhiên, theo phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ ông tin
tưởng vô điều kiện rằng Liên Xô là một mô hình mácxit đích thực duy
nhất, hiển nhiên vì thế mà xem Đệ Nhị Quốc tế là bọn phản bội xấu xa
còn bọn Đệ tứ là kẻ thù nội tại nguy hiểm không kém gì đế quốc tư bản.
Chính ông đã nhận rằng quan điểm cách mạng của ông bấy giờ có phần
nghiêng về tả khuynh, ảnh hưởng mạnh mẽ từ Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản.
Ông cũng nhận thêm rằng chính vì vậy mà suốt một thời gian dài ông
không quan tâm đến Nguyễn Ái Quốc [2] – người mà chúng ta biết tư duy
cách mạng đã bắt nguồn từ Đại hội 5 QTCS (1924) và Đại hội 7 QTCS
(1935), không tham dự Đại hội 6 QTCS (1928) [3]– và thái độ đó của ông
chỉ thay đổi khi ông gặp Nguyễn Ái Quốc khi đã về nước lãnh đạo và mang
tên Hồ Chí Minh. Điều này không được ông Giàu trình bày trong hồi ký
nhưng được phân giải khá thành thật ở một nơi khác.[4]
Môi trường hoạt động của Trần Văn Giàu khá đặc biệt. Hồi ký cho biết
cuộc đời “cách mạng chuyên môn” của ông bắt đầu khi tốt nghiệp Đại học
Stalin về nước (vào năm 1933) : do xứ ủy cũ vừa bị thực dân phá tan,
ông đã phải lo xây dựng ngay xứ ủy mới trong một hoàn cảnh mà ông diễn
tả là “Trung ương không có”
nên “phải vạch lấy con đường mà đi”.
Công việc ấy chưa đến đâu thì ông bị bắt. Lần thứ nhất 1933, một năm
thì được tha, nhưng lần thứ hai vào 1935 trầm trọng hơn. Bị kết án 5
năm (và 10 năm quản chế), ông không thể tham gia cuộc đấu tranh trên
mặt trận báo chí và nghị trường diễn ra công khai ở các đô thị thời Mặt
trận Bình dân từ 1936 dến 1939, nếu có hưởng được dư vang gì của phong
trào này chỉ là sống được dễ dãi hơn khi ở tù. Đúng hạn 5 năm, về sum
họp gia đình chưa đến chục ngày, khi Chiến tranh Thế giới II nổ ra, tất
cả mọi hình thức hoạt động yêu nước không-cộng sản hoặc cộng sản (dù Đệ
tam hay Đệ tứ) đều bị thực dân coi là bất hợp pháp, nên ông đã bị gom
ngay vào “căng” Tà Lài (nơi giam giữ những phần tử bị nghi ngờ). Nhưng
cũng từ khu rừng miền Đông Nam Bộ này cuối năm 1941, ông đã tổ chức
vượt ngục thành công để trở lại hoạt động. Và lần này, trong điều kiện
khó khăn hơn trước gấp bội: cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vào cuối năm 1940 do
Trung ương lãnh đạo vừa thất bại tan tác.
Qua những tài liệu liên quan, chúng ta biết rằng do đánh giá tình hình
không chính xác, kế hoạch bị lộ do có nội gián, đặc biệt là sự liên lạc
giữa trung ương và địa phương khó khăn, lệnh đình chỉ cuộc khởi nghĩa
đến không kịp, sự thất bại đó đã dẫn đến những hậu quả thảm hại chưa
từng có cho Đảng cộng sản. Cuộc nổi dậy bị dìm trong bể máu của hàng
nghìn người, những ai sống sót đều thu mình lại trong hoài nghi, bi
quan, bất động ; trong khi đó hầu hết các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu quan
trọng của Đảng đều bị bắt và bị giết (như Tạ Uyên, Hà Huy Tập, Nguyễn
Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…), hoặc bị đi
tù (Lê Hồng Phong [chết ở Côn Đảo năm 1942], Lê Duẩn, Dương Bạch Mai,
Nguyễn Văn Tạo…). Ông Giàu đã vượt “căng” Tà Lài trong tình thế đó và
đã phải bắt đầu mọi việc như hồi 1933 : làm lại cuộc cách mạng không có
sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng. Do bị tách rời khỏi mọi hoạt
động bên ngoài khá lâu, lại thừa kế một khoảng không về tổ chức, ông
không có cách gì để biết được xứ ủy Nam Kỳ cũ còn tồn tại hay không,
cũng như không thể biết Trung ương có còn tồn tại hay không, do đó cũng
không hề biết được ngay vào năm ông tổ chức vượt ngục, lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc đã từ Trung Quốc về nước tham dự hội nghị Trung ương lần thứ 8
ở Cao Bằng (tháng 5-1941) để thành lập Mặt trận Việt Minh – điều mà
trong hồi ký của mình, ông Giàu cho biết đến mãi sau ngày 2 tháng 9 năm
1945, khi cách mạng tháng 8 thành công rồi ông mới có được thông tin
cùng một lượt với việc nối lại quan hệ với Trung ương.
Tự mình đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hoàn cảnh đó, những gì ông đem
ra vận dụng đều dựa vào những điều đã học được tại trường Stalin khoá
1931-1932. Lòng tin vào cách mạng của ông đã đi theo bước chân của Hồng
quân Liên Xô chống phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Sách gối đầu giường của ông về hoạt động là những gì Lenin viết về cuộc
khởi nghĩa Petrograd 1917, có lẽ vì vậy mà ông tỏ ra không mấy quan tâm
đến những thứ lý luận đặc trưng Trung Quốc do Mao Trạch Đông xướng
xuất, như lấy nông thôn bao vây thành thị, chiến thuật biển người,
chiến tranh du kích, văn nghệ công nông binh kiểu Diên an, rồi sau này
là cải cách ruộng đất, chỉnh phong, chỉnh huấn v.v… Ông Giàu cho rằng
phương pháp giành quyền lực cho Đảng cộng sản chỉ có thể thực hiện được
bằng cách chuẩn bị thật đầy đủ những chỉ dẫn của Lenin, diễn ra dưới
hình thức vũ trang của đông đảo quần chúng tại chỗ được chỉ đạo đồng
loạt tiến lên chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của nhà nước thống trị,
chứ chủ yếu không phải từ ngoài đánh vào, từ xa vận động tới. Ông cho
rằng chính đây là định hướng cốt tử để tập trung kế hoạch xây dựng lực
lượng thật vững mạnh ngay tại những xí nghiệp, những công sở, những cơ
quan yết hầu chiến lược của các thành phố, thị xã… và trong khi nắm
vững trọng tâm hoạt động, nếu có quan hệ gì đến nông thôn thì chỉ nên
khai thác các vùng phụ cận thành thị để yểm trợ, phối hợp như cất giấu,
chế tạo vũ khí, huấn luyện, hội họp, dự trữ, tiếp tế… và cuối cùng
trong cao trào nổi dậy sẽ kéo lực lượng ven đô về cùng tác chiến chung
với các trung tâm.
Ông Giàu cho biết, trong các văn bản của Đảng Việt Nam, ông chỉ dựa vào
Nghị quyết lần thứ 6 của Trung ương họp tại Bà Điểm cuối năm 1939, do
tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Nhưng hoàn cảnh tiếp cận văn bản đó
thật li kỳ : hồi còn ở Tà Lài ông chỉ nghe qua do các bạn tù phổ biến,
nay muốn nghiên cứu lại thì sau khi hỏi han không gặp được ai nhớ lại
cho đầy đủ, cuối cùng mới may mắn tìm được một số đoạn chép tay rời rạc
giấu trên mái lá của chuồng trâu trong nhà một đồng chí quen biết! Cố
gắng tiếp thu cái thần của nó rồi đem so sánh với những điều mà ông
biết trước đó, ông nhận thấy đã có sự di chuyển quan trọng về chỉ đạo
chiến lược : trong hai nhiệm vụ phản đế và cải cách điền địa của cách
mạng tư sản dân quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo, thay vì nghiêng về
hướng cải cách điền địa như nhiều năm trước đây, Nghị quyết 1939 đã đưa
vấn đề chống đế quốc lên hàng đầu, coi đó như nhiệm vụ “chính cốt”.
Điều này phù hợp hoàn toàn với tình thế bấy giờ ở Việt Nam, khi chiến
tranh nổ ra đẩy các thế lực đế quốc vào chỗ suy yếu tạo điều kiện cho
các thuộc địa vùng lên giành độc lập và gác lại các vấn đề khác của
cách mạng vô sản. Nhận định này của Trần Văn Giàu, tuy không được chỉ
đạo của Trung ương nhưng cũng phù hợp với Nghị quyết của Trung ương
tháng 5-1941, coi thời cơ giành độc lập đã đến, chủ yếu khai thác triệt
để sự xâu xé lẫn nhau giữa Pháp và Nhật, biểu hiện rất rõ qua chỉ thị
“Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và đã lãnh đạo thành
công khởi nghĩa ở Bắc và Trung.
Xứ uỷ Nam Kỳ – do ông vận động thành lập vào tháng 10 năm 1943 và được
bầu làm bí thư –, vì cách bức về liên lạc, không nhận được bất cứ chỉ
thị nào của Trung ương, nhưng cũng đã nhìn thấy cơ hội đó, để có những
hành động thích hợp và đã thành công. Điều đó đã biểu hiện rõ ràng qua
nhận thức của ông Giàu trong việc xác định “đối tượng trực tiếp” mà khởi nghĩa
cách mạng cần đánh đổ ở Nam kỳ: đó sẽ không phải là thực dân Pháp (vì
đã bị Nhật tước khí giới) cũng không phải là phát xít Nhật (vì Nhật đã
đầu hàng) mà là “chính quyền bù nhìn”
do Nhật dựng nên, mà chính quyền này lại “đang rệu rã và không có ý chí đề kháng
đáng kể”, cho nên nếu trung lập hóa được quân Nhật thì việc đánh
đổ chính quyền ấy “sẽ thành công
nhanh chóng và không gặp khó khăn gì lắm”. Phân tích ấy của ông
Giàu xác nhận rằng tương quan lực lượng đã thay đổi hoàn toàn có lợi
cho cách mạng. Và điều đó hàm nghĩa rằng các đảng phái, tôn giáo phi
cộng sản, dù có quần chúng và vũ khí, xưa nay thường dựa vào phát xít
và thực dân để hoạt động nay hoàn toàn thất thế. Vấn đề chỉ còn là thời
cơ và thời cơ cũng đã đến như một món quà giúp những chuyên viên nổi
dậy mở màn và chấm dứt cuộc giành chính quyền nhanh chóng và không mấy
khó khăn : nghìn năm có một, một khoảng trống về quyền lực nhà nước đã
xuất hiện, khi cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 của Nhật đối với Pháp diễn
ra rồi sau đó không lâu Nhật phải đầu hàng vô điều kiện (14-8-1945) vì
hai trái bom nguyên tử của Mỹ.
*
Ông Giàu cho rằng những cố gắng của ông dù sao cũng chỉ là những mò mẫm
“bất đắc dĩ”, không tránh khỏi sai biệt và cả sai lầm khi so với đường
lối của Trung ương. Đọc hồi ký ông viết, không thấy ông nói đến những
sai lầm, cũng không thấy nhắc đến những điều ông bị Trung ương phê phán
một cách chính thức, nhưng chỉ thấy ông nói đến những sai biệt và cho
rằng những sai biệt ấy là sự vận dụng những nguyên lý vào những điều
kiện khác nhau, vấn đề là xét xem sự vận dụng ấy có mang đến thành công
hay không. Biện luận này của ông đã được thực tế xác nhận qua những
chuẩn bị chu đáo của xứ uỷ Nam Kỳ về mặt chủ quan để đón nhận những
thuận lợi do thời cơ mang đến.
Tuy vậy, khi đem đường lối mà ông Giàu áp dụng ở miền Nam, so với đường
lối Trung ương để xét vấn đề một cách tổng thể, chúng ta thấy nhiều so
le quan trọng, quan trọng nhất là thiếu một nội dung cụ thể để hình
thành mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc trong tình hình đặc
biệt của Việt Nam vào lúc bấy giờ. Mọi người đều biết, trong khi Trung
ương, chủ trương cố ý che giấu bớt nguồn gốc cộng sản của chính quyền
mới thành lập (sau đó không lâu đã phải công khai tuyên bố giải tán
Đảng để đưa vào bí mật) thì trong cuộc diễu hành 2 tháng 9 ở Sài gòn,
như ông Giàu đã mô tả trong hồi ký, cờ búa liềm lại quá nặng vì quá lớn
khi được dương lên ! Mọi người cũng đều biết, trong tình thế bị cách
biệt hoàn toàn với với “phe dân chủ ” (cách mạng Trung Quốc chưa thắng
lợi), lại bị đủ loại thế lực chống cộng sản (trong và ngoài) bao vây tứ
phía và thực dân Pháp thì chuẩn bị trở lại phục hồi sự thống trị bằng
vũ lực, Trung ương đã chủ trương hoà hoãn, thương lượng bằng nhiều cách
để chuẩn bị đối phó thì trong Nam ông Giàu, mặc dầu hiểu rõ sự cần
thiết của Mặt trận, nhưng vẫn cứ bám chặt vào những chuẩn mục cách mạng
vô sản mà Lenin đã áp dụng ở Petrograd, qua đó phân tuyến ta địch để xử
lý các vấn đề nẩy sinh, nhất là trong nội bộ dân tộc.
Trước những khác biệt về chủ trương chiến lược đó, thái độ của ông Giàu
với một số cán bộ lãnh đạo Trung ương, đặc biệt với Hoàng Quốc Việt là
người đại diện của Trung ương được cử vào Nam sau ngày 2-9-1945, có
nhiều điều phức tạp hơn những gì ông đã viết. Không phải ông không đúng
khi cùng với Phạm Ngọc Thạch phản đối lệnh của Hoàng Quốc Việt giải tán
Thanh niên Tiền phong vì tổ chức này thực chất do xứ uỷ lập ra nhờ khôn
khéo tranh thủ được sự đồng ý của Nhật, dùng làm bình phong tập hợp một
cách rộng rãi công khai và các tầng lớp quần chúng chuẩn bị cho khởi
nghĩa và thực tế đã đóng vai trò cực kỳ lợi hại trong khởi nghĩa. Sự
phẫn nộ của ông Giàu cũng chính đáng khi thấy Hoàng Quốc Việt đứng ra
xin tha cho Trần Văn Vi vì ông này trong khi được xem là nhân vật số 1
của xứ uỷ Giải phóng lại chính là người, theo sự trình bày của ông
Giàu, “đã dẫn đầu mấy ngàn tín đồ Hoà
Hảo có vũ trang kéo vào Cần Thơ, tháng 9 năm 1945, đòi nắm chính quyền
trên 7 tỉnh miền Tây Nam Bộ”. Chúng ta không có điều kiện để
biết lý do hành động thật sự của Hoàng Quốc Việt, nhưng giả định sự
trình bày của ông Giàu là đúng trong những trường hợp nói trên, thì một
cách khách quan cũng không vì thế mà có thể cho rằng trong rất nhiều
trường hợp thái độ của ông Giàu là đúng hoàn toàn.
Hãy thử so sánh chủ trương của xứ uỷ Nam kỳ qua ứng xử của Trần Văn
Giàu với ứng xử của Trung ương qua hành động của Hồ Chí Minh – thí dụ
đối với vua Bảo Đại, với phe Tàu Tưởng (có cả những lực lượng bản xứ
tùng theo để chia quyền với cộng sản) sang Việt Nam giải giới quân
Nhật, với việc thương lượng với thực dân Pháp để có thời gian chuẩn bị
cho cuộc tranh đấu mới … – thì không thể cho rằng ý kiến của Hoàng Quốc
Việt, với tư cách đại diện của Trung ương, là sai lầm trong mọi trường
hợp. Nhất là những ứng xử liên hệ đến sách lược liên minh hành động với
những thế lực bản địa (như với phe Hoà Hảo và Đệ Tứ…) hoặc các quyết
định có ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu toàn cục (như phát lệnh kháng
chiến toàn quốc). Nhìn chung, ta có thể cho rằng nếu đường lối của xứ
uỷ Nam kỳ do ông Giàu lãnh đạo đã sáng tạo ra những hình thức táo bạo,
linh hoạt, tạo được sức mạnh vượt qua các phe phái (thân Nhật, phi cộng
hoặc chống cộng) để tiến lên giành quyền lực cho cách mạng thì xét trên
tổng thể và lâu dài lại không hoàn toàn thích đáng.
Ý nghĩa của đường lối ấy chỉ tỏ ra có hiệu lực tích cực vào một thời cơ
đặc biệt thuận lợi nào đó về mặt chiến thuật, ở đó cuộc khởi nghĩa có
điều kiện phát triển tốt nhất và kết thúc nhanh chóng nhất ngay tại các
trung tâm đầu não của địch theo mô hình Petrograd – nói cụ thể là vào
khoảng từ 9-3-1945 (ngày Nhật đảo chánh Pháp) đến 14-8-1945 (ngày Nhật
đầu hàng đồng minh), chứ không thể vượt khỏi thời điểm ấy để trở thành
định hướng cho cả giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ chống đế quốc mà
nội dung của nó đã được khẳng định từ lâu về mặt lý luận là cuộc cách
mạng tư sản dân quyền trong đó mặt trận dân tộc thống nhất là công cụ
quyết định để Đảng cộng sản tập hợp lực lượng thực hiện các chương
trình tối thiểu của mình.
*
Khi nhìn lại mọi việc, chắc hẳn ông Giàu biết rõ điều đó và cũng chỉ
muốn Trung ương Đảng thông cảm với tinh thần trách nhiệm cách mạng cao
nhất của ông trong những giới hạn của hoàn cảnh mà ông không thể vượt
qua, quan trọng nhất là không thể liên lạc được với Trung ương trong
suốt quãng thời gian nói trên. Tuy vậy khi đọc hồi ký của ông chúng ta
lại thấy ông tỏ ra khá bực bội với “mấy
ông lớn trong Trung ương”, trong đó có Trường Chinh và Hoàng
Quốc Việt, nguyên nhân như ông trình bày là do ông nghĩ rằng mấy “ông
lớn” đó, đặc biệt Hoàng Quốc Việt, đã đứng hẳn về phía những kẻ đã đặt
điều vu cáo cho ông nhiều tội lỗi tầy đình nên luôn luôn tỏ ra thành
kiến và đánh giá ông một cách không công bằng, ngay trong những ngày
diễn ra cách mạng tháng 8 và cả về sau này nữa.
Hồi ký của ông đã để ra nhiều đoạn nói đi nói lại nhận định này mà theo
sự trình bày của ông là hoàn toàn bất công và sai sự thật, bao gồm mấy
việc quan trọng như sau : 1935, bị bắt ông đã đầu hàng và khai báo một
đảng viên cộng sản Pháp có nhiệm vụ liên lạc với Đông Dương; 1941 ông
được Pháp tổ chức cho vượt “căng” Tà Lài để ra ngoài giả bộ hoạt động
cách mạng nhưng thật sự là “phá cộng sản”; 1944 không hiểu sao người ta
lại cho rằng ông đã chỉ điểm một đồng chí ở Trung ương được cử vào Nam
để điều tra “vụ Trần Văn Giàu” ; 1945 theo Nhật lập ra Thanh niên Tiền
phong và lấy “cờ vàng sao đỏ” làm biểu tượng cho tổ chức này để đối lại
với “cờ đỏ sao vàng” của Việt Minh. Còn nhiều chuyện khác nữa nhưng kết
lại mọi việc đều quy về một tội khủng khiếp đối với một người Việt Nam
và hơn nữa một người Việt Nam theo nghề “cách mạng chuyên môn” : đó là
tội thoả hiệp có hệ thống với các loại kẻ thù của dân tộc, từ Tây đến
Nhật, để bán đứng đồng chí và phá hoại cách mạng. Một cái tội như vậy
thật đáng chết, như phe xứ uỷ Giải phóng đã từng tuyên án đối với ông,
thực chất chỉ là hoàn toàn vu cáo, vậy mà sau này khi ra công tác ở
chiến khu Việt Bắc 1951, ông đã bị Hoàng Quốc Việt dựa vào đó để hỏi
cung suốt một buổi tối chỉnh huấn, có một anh cố vấn Tàu “trẻ bân” ngồi
nghe bên cạnh một tay phiên dịch !
Đối với một người cộng sản kỳ cựu như ông, những cung cách ứng xử miệt
thị và nghi ngờ ấy là cực kỳ đau đớn, nhục nhã cho nên sau nhiều lần
muốn chết đi cho xong, ông đã gượng dậy, quyết chí bỏ công đi tìm nhân
chứng, hồ sơ, lật lại các sự việc để minh oan cho mình, kết quả là
trong rất nhiều trang hồi ký từng việc một đã được xới lại và xuất hiện
trở lại với những chi tiết thực sự của chúng. Tất cả đều chứng minh là
ông vô tội. Tất cả đều được ông kết luận là do sự vu cáo của hai nhân
vật trong xứ uỷ Giải Phóng tên là Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự mà ra.
Chính những kẻ xấu này đã tìm cách vu cáo ông tạo nên nghi kị của Trung
ương với ông.
Vấn đề “hai xứ uỷ” [5] trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám ở
Nam Bộ chủ yếu với hai nhân vật Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự nói trên (ông
Giàu không kéo vào đây một số nhân vật khác) vì vậy đã trở thành đầu
mối gây nên oan khuất cho ông. Theo sự trình bày của ông thì cái gọi là
xứ uỷ Giải phóng này chỉ bao gồm một số phần tử rất ít của xứ uỷ cũ còn
sót lại sau cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1940, không hoạt động gì cả mà
chỉ nằm im chờ thời. Sau khi ông Giàu lập ra xứ uỷ mới (tháng 10-1943)
và hoạt động một thời gian, đến tháng 4-1945 (sau Nhật đảo chánh) thì
từ “căng” Bà Rá trở về, Trần Văn Vi mới cho khôi phục lại xứ uỷ cũ ở Mỹ
Tho, có Bùi Văn Dự làm phó (và vì có cơ quan tuyên truyền mang tên Giải
phóng, nên gọi là “xứ uỷ Giải phóng” để phân biệt với xứ uỷ do ông Giàu
lập ra mang tên “xứ uỷ Tiền phong” vì có tờ báo mang tên Tiền phong).
Nghe biết việc này ông Giàu đã tìm cách gặp họ để đặt vấn đề thống nhất
nhưng không có kết quả sau nhiều lần thương lượng; và lý do họ nêu ra
để không thể hợp tác được với Trần Văn Giàu là vì Trần văn Giàu là một
Việt gian phản cách mạng với nhưng tội lỗi đã kể trên, đính chính thế
nào họ cũng không nghe. Trong hồi ký, sau khi ngẫm nghĩ cả một đời, ông
Giàu vẫn viện ra ác ý, lòng đố kị tầm thường của con người để giải
thích sự vu cáo đó. Ông nói rằng nếu như mình là một anh bí thư của một
chi bộ xã ở một xó Đồng Tháp Mười nào đó thì chẳng sao, nhưng đằng này
ông lại là bí thư xứ uỷ lừng lẫy tên tuổi và tài năng nên mới bị ganh
ghét, như ý nghĩa một câu Kiều : chữ tài liền với chữ tai một vần ! Có
chỗ ông nại thêm lý do : trong khi ông tìm mọi cách mà không gặp được
Trung ương để giải thích thì do họ liên lạc được nên họ mới có cơ hội
để gièm pha làm cho Trung ương hiểu sai về ông.
Giả sử như tin vào những gì ông Giàu trình bày chúng ta không thể không
nêu ra câu hỏi sau đây : tại sao với một sự vu cáo tầy trời như vậy mà
nhiều lần cho điều tra, Trung ương vẫn cứ tin vào lời lẽ vô lý, thiếu
bằng cớ của những kẻ cố ý hại người đó ? Nhất là dễ tin đến mức suốt
trong một thời gian dài, trong khi vẫn tiếp xúc với phe Giải phóng để
nghe họ thì Trung ương lại cố tình né tránh không liên lạc trực tiếp
với ông để làm cho ra lẽ ? Ông cũng cho biết từng đưa nhiều người ra
Bắc liên hệ để tường trình mọi việc nhưng kết quả lại tồi tệ hơn : cuối
cùng Hoàng Quốc Việt đại diện Trung ương vào Nam không phải để giải oan
hoặc xử lý ngay cho ông mà phải sau một thời gian xảy ra bất đồng rồi
mới kết luận rằng Trần Văn Giàu “vô kỷ luật, vô chính phủ” phải được
(cùng với Phạm Ngọc Thạch) đưa ra Bắc !
*
Chúng ta cảm động khi đọc những lời thống thiết của một người viết hồi
ký mà mục đích không có gì hơn là muốn đòi lại sự thật cho mình để được
thanh thản ra đi vĩnh viễn, nhưng rất ngần ngại khi xem những lý giải
của ông về những oan khuất mà ông phải chịu đựng là hoàn toàn thoả
đáng. Ông đã nhập hai vấn đề làm một : một bên là những lời vu cáo giả
định đến từ những kẻ ganh ghét ông và một bên là những sai biệt, có thể
nói cả những bất đồng, của ông với Trung ương và bị Trung ương phê
phán. Thực sự đó là hai vấn đề mà cái logic toát ra từ những gì ông
viết trong hồi ký đã cho chúng ta thấy như vậy : hai vấn đề dó khác
nhau, mỗi vấn đề có những tính chất riêng, có quan hệ với nhau nhưng
không đồng nhất. Vấn đề khác biệt về đường lối giữa xứ uỷ Nam Kỳ với
Trung ương đã được nói ở trên : nó bộc lộ thật rõ trong quan điểm lý
luận về cách mạng dân tộc dân chủ giữa hai bên và cả trong việc ông
Giàu bày tỏ quyết liệt sự bất đồng của mình với Hoàng Quôc Việt sau
ngày 2 tháng 9 ở Sài gòn trong một số chủ trương cụ thể. Những sai biệt
và bất đồng này là có thật, phần lớn do hoàn cảnh khách quan quy định,
không thể dựa hoàn toàn vào những tị hiềm cá nhân để giải thích.
Còn về những ân oán giữa ông và mấy nhân vật của xứ uỷ Giải phóng
có thể cũng không hoàn toàn đơn giản như ông diễn giải. Những điều mà
họ vu cáo cho ông cực kỳ trầm trọng, trong thực tế chỉ là những tin
đồn. Có thể do ganh ghét cá nhân mà bịa ra nhưng vẫn chỉ là tin đồn,
không thể bỗng dưng dựng nên những chuyện động trời như vậy mà có thể
làm hại ngay được người ta, bằng cớ là uy tín của ông – trừ việc bị phe
chống đối bên ngoài bôi nhọ (cho đến nay vẫn bị những chuyên viên chống
cộng tiếp tục khai thác) –, lại không hề sứt mẻ đối với quần chúng, với
các đồng chí của ông trong xứ uỷ do ông lãnh đạo, với cả những người từ
chối “khử” ông khi được phe Giải phóng xúi giục, do đó việc chuẩn bị
cuộc khởi nghĩa cho đến ngày thành công đã không bị ảnh hưởng. Phân
tích theo một hướng khác, cũng có thể xem những tin đồn ấy đã bắt nguồn
từ những sự kiện đáng nghi ngờ mà vì một lý do nào đó, chưa thể xác
minh hoặc xử lý nên có thể kéo dài trong dư luận, khiến những mơ hồ ban
đầu trầm trọng thêm vì những đồn đãi mới, những yếu tố mới nẩy sinh
trong đó không thể không nói đến những bất đồng về quan điểm giữa các
nhóm khác nhau trong bản thân hàng ngũ cách mạng trước tình hình mới ở
Nam Bộ, nhất là trong điều kiện thiếu vắng sự lãnh đạo trực tiếp của
Trung ương.[6]
Dù sao thì tạm gác lại những khía cạnh phức tạp khác của vấn đề chưa có
điều kiện để làm rõ ở đây (nhất là quan điểm đầy đủ và khách quan của
nhóm “Giải phóng”) mà chỉ xét chuyện họ quy tội ông Giàu, chúng ta thấy
trong tất cả các thứ mà họ nêu ra đều liên hệ đến chuyện “làm tay sai
cho địch”, thật ghê gớm đối với nội bộ những người cộng sản, nhưng nhìn
sâu vào hiện tượng thì trong đó lại có những chuyện ai cũng có thể nhận
ra sự phi lý của chúng và có thể phủ nhận hết sức dễ dàng – như ông
Giàu đã làm – vì có rất nhiều người hợp tác với ông, biết rõ sự việc
vẫn còn sống và đang giữ những chức vụ quan trọng có thể viện ra làm
nhân chứng (như trong chuyện vượt “căng Tà Lài”, chuyện “cờ vàng sao
đỏ” của Thanh niên Tiền phong…). Tuy vậy trong những tố cáo lại có một
chuyện khởi đầu hơi mập mờ đó là việc năm 1935 một đảng viên cộng sản
Pháp làm nhiệm vụ liên lạc với Đông Dương tên là Deschamps bị bắt sau
khi ông Giàu đi tù không lâu, từ đó sinh ra nghi vấn đây đó về việc
người đảng viên liên lạc bị bắt là do ông Giàu khai báo. Ông cho đó là
không đúng nên sau này đã tìm ra mọi bằng cớ chứng minh được rằng kẻ
khai báo Deschamps là một nhân vật khác, không dính dáng gì đến ông.
Nhưng vào lúc bấy giờ, phần ông thì tiếp tục ở tù (5 năm), phần “đoàn
thể” của ông thì vì hoạt động trong bí mật, cách bức, chưa có cơ hội để
thẩm tra, cho nên mọi việc đã trở thành tiếng đồn treo lở lửng trên số
phận chính trị của ông, rất dễ để những người ganh ghét hoặc bất đồng
với ông khai thác. Tiếng đồn đó là có cơ sở trong thực tế chứ không
phải vu vơ. Nếu Trung ương có bị tác động bởi những báo cáo loại này từ
nguồn tin của “phe Giải phóng” thì cũng chỉ là những thông tin để cảnh
giác và điều tra chứ không thể để tuỳ tiện và dễ dàng kết luận như ông
đã suy luận rằng “các ông lớn Trung ương” đã đứng về phe bên kia để
“trù” ông.
Trong phần cuối của hồi ký, ông Giàu có kể một sự kiện chứng tỏ nhận
xét trên đây là có cơ sở : đó là việc đầu năm 1988 ông được Lê Đức Thọ
– mệnh danh lão Sáu Búa lừng danh mà chỉ nghe tên ai cũng ớn – mời cơm
cùng một số đồng chí lão thành tại Sài gòn, nhân đó ông có đề nghị Lê
Đức Thọ khi về Hà Nội can thiệp với Ban tổ chức Trung ương ra văn bản
khẳng định tính chất không có cơ sở của những vu cáo về ông bấy lâu
nay. Lời đề nghị được chấp nhận và một tháng sau ông Giàu nhận được
quyết nghị do Nguyễn Đức Tâm (đang làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương
thay Lê Đức Thọ) ký, trong đó có những xác nhận làm ông hài lòng, duy
chỉ có vụ Deschamps 1935 thì vẫn quy trách nhiệm cho ông. Tất nhiên ông
Giàu khiếu nại vì ông vẫn cho là mình vô tội, mặc dù những gì ông kể
trong hồi ký về vụ này còn có nhiều chỗ mập mờ (nhất là việc ông nhận
khi bị bắt có khai này nọ, chứ không kiên cường được như Trần Phú) làm
người ta có thể suy diễn vấn đề theo hướng khác. Dù sao với một nhà
cách mạng trung kiên như ông thì một cái kết thúc như vậy cho cả một
đời buồn phiền vì tai tiếng cũng có thể gọi được là thắng lợi “về cơ
bản” rồi.
Điều đó chứng tỏ rằng, nếu có bị Trung ương phê bình thì những phê bình
ấy chủ yếu không hề phát xuất từ mấy chuyện ông bị vu cáo đã bán mình
cho Tây, cho Nhật: mấy chuyện động trời này mà lúc bấy giờ bị Trung
ương cho là cần xử lý thì đời ông chắc hẳn đã chuyển sang hướng khác
hoàn toàn rồi. Trái lại, sau ngày 2 tháng 9, 1945, sau khi bị Hoàng
Quốc Việt ngưng chức xứ uỷ Nam kỳ, chuyển ông ra Bắc gặp Trung ương
(chắc chắn là để kiểm điểm), khi ông đề đạt nguyện vọng được sang Mặt
trận Biển Hồ (Campuchia) hoạt động tiếp tế cho kháng chiến Nam bộ thì
được chấp nhận ngay, không có gì cần thẩm tra lâu dài. Đầu năm 1947,
ông được điều động về Việt Bắc đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Thông
tin. Năm 1951, trong một đợt chỉnh huấn theo kiểu Mao, bị Hoàng Quốc
Việt đem chuyện cũ ra hoạnh hoẹ, nhưng cũng chẳng làm gì được ông. Năm
ấy ông vẫn tham gia Bộ giáo dục, để từ đó về sau luôn nhận lãnh các
chức vụ quan trọng trong ngành này. Trong lí lịch của ông, vụ Deschamps
thực sự chỉ còn là một vết mờ, dù chưa xoá hẳn được nhưng chẳng liên
can gì đến những vu cáo động trời từng đồn đãi trong dư luận.
*
Trong lời nói đầu của cuốn hồi ký của mình, ông Giàu có viết dòng sau
đây : “Tôi chỉ viết hồi ký khoảng
thời gian 1940-1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết
trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm”. Thực sự thì với
tuổi đời 100 năm hiếm có của ông, ông đã bỏ ra hết 80 năm (ông bắt đầu
hoạt động khi 20 tuổi) theo đuổi cuộc cách mạng cộng sản, ở nhiều nơi,
làm nhiều việc, đáng chú ý nhất là 50 năm trong ngành giáo dục, nhưng
khi viết hồi ký ông chỉ viết về 5 năm ngắn ngủi, 1940 đến 1945, ngắn
ngủi nhưng ông cho rằng đó là thời gian ông “sống có chất lượng hơn hết”. Nói
cho chính xác về khoảng thời gian này thì phải tính từ cuối năm 1941
khi ông vượt “căng” Tà Lài ra hoạt động cho đến ngày ông lãnh đạo thành
công cuộc khởi nghĩa tháng 8 ở Nam bộ. Hầu hết thời gian trước khi ra
khỏi Tà Lài ông đều sống trong tù. Sau ngày 2 tháng 9, 1945, không theo
thủ tục quy định do Hoàng Quốc Việt đề ra, ông đã tự tiện phát tán “Lời kêu gọi kháng chiến”, để liền
sau đó tự nói với mình: “Thế là đời
chính trị của Trần Văn Giàu đã hết”.[7] Có nghĩa là cuộc sống
“có chất lượng” của ông gom vào những ngày tháng ngắn ngủi ấy cũng đã
hết.
Hiểu theo nghĩa rộng thì thật sự sau đó ông vẫn chưa dứt khỏi nghề làm
làm chính trị vì ông vẫn còn là một đảng viên cộng sản và còn tin tưởng
mãnh liệt vào Lenin (và cả Stalin) mà ông thần phục từ thời thanh niên.
Nhưng có một cái gì đó không còn gì là khí thế vốn có của ông trong mấy
dòng chữ sau đây : “Kiểm lại, tôi
thấy trong hơn ba, bốn mươi năm bị hàm oan, tôi không hề rời công tác,
việc gì giao cho dầu nhỏ tôi cũng làm tròn, không giao việc gì thì tôi
viết sách, viết báo, dạy học và tôi đã đạt những thành tựu tôi mong
muốn, giữ vững tư cách đảng viên, giữa vững nhân cách Việt Nam”.
Nhẫn nhục, khiêm tốn và đã mất đi hoàn toàn cái hơi hám của thứ “chính
trị” định nghĩa như một thái độ dấn thân đầy hứng khởi, sáng tạo để
biến đổi thế gian cùng với cái ý chí mãnh liệt của một người muốn ghi
tên mình vào hàng ngũ những lãnh tụ thay đổi thế gian như trong những
ngày Cách mạng Mùa thu ở Sài Gòn.
Nhưng cũng qua những gì ông viết về những ngày làm “chính trị” có nội
dung trên đây như một hoài niệm mà chúng ta biết được những gì đã diễn
ra thực sự ở Nam Bộ và vai trò thực sự của ông trong cuộc khởi nghĩa
Mùa thu đó : đó sẽ là những tư liệu sống của một người cộng sản vẫn còn
đủ lòng tự trọng để nói lên sự thật, giúp những người viết sử về sau
dựng lại trung thực hơn những gì họ đã viết, đặc biệt làm rõ hơn mối
quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa lãnh đạo và tự phát, ghi
nhận tính sáng tạo đa nguyên trong đấu tranh cách mạng, từ đó hy vọng
chấm dứt được các thứ lý giải có tham vọng không chính đáng muốn quy
mọi hiện tượng phức tạp về một đầu mối giả tạo,[8] và cũng căn cứ vào
đó chấm dứt việc khái quát hoá những sai lầm có giới hạn của ông trong
cuộc khởi nghĩa lịch sử ấy.
Riêng với tôi, một kẻ hậu sinh không quen ông đến độ thân thiết, từ đất
Sài gòn này, cũng có một thời theo tiếng gọi của Marx, của Lenin mà đi
theo con đường làm cách mạng vô sản, nay không còn tin tưởng bao nhiêu
vào con đường ấy nữa, nhưng đọc hồi ký của ông, tôi vẫn quý trọng ông
như một tiền bối, chăm chú theo dõi những việc ông kể về lịch sử đất
nước để mong hiểu thêm lịch sử của con người ông nhiều hơn: tôi đã hiểu
ông như một chiến sĩ vô sản của đất Nam Kỳ mà sự cá biệt độc đáo trong
tính cách của ông đã vượt qua rất xa vai trò ông giữ trong cái tập thể
mà ông muốn phụng sự suốt đời. Ông đam mê, kiên cường, chết sống cho sự
nghiệp chung cũng là để thể hiện vị trí cá nhân của mình đến chỗ cao
nhất. Nhưng cũng chính từ tham vọng “chính trị” ấy ông đã bước ra ngoài
cái chuẩn mực mà lý luận cách mạng của ông đã quy định thành lý do tồn
tại cho cái “đoàn thể” hiện thân cho thứ lý luận đó. Có lẽ từ đó ông
tạo ra bi kịch, oán thù, hiểu lầm, và tiếc nuối cho mình. Và cũng chính
vì vậy mà khi ông làm cộng sản không có Trung ương lãnh đạo thì ông
sống một cuộc sống “ có chất lượng”, tuy bị tai tiếng nhưng đầy say mê
và đạt được vinh quang tột đỉnh. Còn khi ông trở về làm cộng sản có sự
lãnh đạo của Trung ương, thì tuy vẫn có thể trở thành anh hùng nhưng
thâm tâm dường như ông vẫn coi đó chỉ là một thứ anh hùng “phải đạo”,
anh hùng xó bếp. Một thứ anh hùng chấm dứt “anh hùng”. Một thứ chính
trị hết còn là “chính trị”.
*
Hồi ký ông viết đã lâu nhưng chỉ cho xuất hiện sau khi ông mất khiến
chúng ta không khỏi bùi ngùi nhận ra trong hành vi đó ý nghĩa một cuộc
dấn thân tổng lực cuối cùng nhằm vớt vát lại sự chói sáng cho một vầng
hào quang đã bị cái thực thể mà ông phấn đấu hy sinh suốt đời làm lu mờ
đi. Cái hậu mà hồi ký của ông gợi ra có thể làm yên lòng những người
quý mến ông nhưng với ông có thể chỉ là thời điểm để ông nhớ lại “những
đồng tuyết năm xưa” nhiều hơn. Đó là một cái hậu, hiểu theo nghĩa
“chính trị” của ông, có vẻ như không có gì gọi được là “cách mạng vô
sản” cả!
NGUỒN : Thời Đại Mới số 21, tháng 5.2011
Chú thích
[1] Đăng nhiều kỳ từ tháng 12/2010 đến tháng 3/2011 trên hai trang mạng Diễn Đàn và Viet-Studies, đăng lại tòan bộ như Phụ Lục trong số Thời Đại Mới này.
[2] Theo nhận xét của Hoàng Tùng thì Trần Văn Giàu là một trong những người học ở Liên Xô về có ý xem thường Nguyễn Ái Quốc, cho ông này là “dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém” (Diễn Đàn, số 123, tháng 11-2002). Cũng cần chú ý một chi tiết này: lúc bấy giờ, khi nhắc đến Nguyễn Ái Quốc, trong hồi ký, ông Giàu đã gọi bằng “anh”: “Bây giờ Nguyễn Ái Quốc còn sống không, nếu còn thì làm sao anh biết được mọi uẩn khúc ở Nam Kỳ?” Trong một bài viết trên một tạp chí nào đó (tôi quên tên LP), ông Giàu thuật lại chuyện gặp Nguyễn Ái Quốc lần đầu (lúc ấy đã là Hồ Chí Minh) và cũng gọi bằng “anh” nhưng đã bị Hồ Chí Minh khuyên không nên gọi như vậy mà nên xưng hô như mọi người.
[3] Xem Lữ Phương : Từ Nguyễn Tất thành đến Hồ Chí Minh, Chương “Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”
[4] ] Xem Nguyễn Phan Quang : Giáo sư Trần Văn Giàu – Nghe thầy kể chuyện, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2011, tr. 60 -71.
[5] ] Xem Phan Văn Hoàng: “Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu và Cách mạng
tháng Tám 1945 ở Nam bộ”, Hồn
Việt 27-9-2010.
[6] Vấn đề phân hoá chính trị, tôn giáo đặc biệt xảy ra náo nhiệt ở Nam kỳ trong giai đoạn Nhật Pháp ghìm nhau thống trị Việt Nam vào thời kỳ 1940-1945 là một chuyên đề quan trọng cần được nghiên cứu, trong đó sự phân liệt không phải chỉ bộc lộ qua những phe phái khác nhau, mà còn thể hiện trong bản thân những tổ chức cùng một đường lối chung trong đó có cả những tổ chức mệnh danh “cộng sản”, như trong phe Đệ Tứ (Nhóm La Lutte của Tạ Thu Thâu, nhóm Militant của Hồ Hữu Tường, nhóm Octobre của Lư Sanh Hạnh) cả trong hàng ngũ Đệ Tam nữa: về mặt này nếu không kể sự khác biệt giữa Bắc và Nam mà chỉ nói đến Nam bộ thôi thì sự xung đột giữa “hai xứ uỷ” (“Giải phóng” và “Tiền Phong”) không thuần chỉ là vấn đề ganh ghét giữa những cá nhân. Có thể xem vài ghi chép sơ lược của Nguyễn Văn Trấn trong cuốn Viết cho Mẹ và Quốc hội (sách chuyền tay xuất hiện ở Việt Nam năm 1995) về cuộc tranh luận giữa báo Giải phóng (của phe “Giải phóng”) với những luận điểm trong một số bài viết của Trần Văn Giàu (ký Xuyên Vân Nhạn) để phát triển thêm đề tài này.
[7] Trần Hữu Phước ghi : Trần Văn Giàu “không phải là người buông giáo”, Hồn Việt 9-4-2011
[8] Trong phần 4 của Hồi ký, ông Giàu có than phiền về cách viết sử xuyên tạc đó như sau : “Sau 9-3-1945, chị Mười Tốt [(Nguyễn Thị Thập)] còn ở Mỹ Tho, vậy mà theo một đoạn hồi ký của Thép Mới (in ấn năm 1995, nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám), có bài của Thép Mới nói rằng, tháng 3 năm 1945, có chị Mười và Dân Tôn Tử có mặt ở Bắc và Trường Chinh đã trao cho họ chỉ thị: “Nhật-Pháp đánh nhau, hành động của chúng ta”. Ôi! Chị Mười khi ấy ở Mỹ Tho và Dân Tôn Tử (tức đồng chí Trần Văn Vi), ngày 10-3-1945, mới ra khỏi căng (trại giam) Bà Rá thì làm sao họ đem Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 9 tháng 3 về Nam được? Bịa như thế thì than ôi, cũng có người tin, hễ tin như vậy thì tất phải đặt câu hỏi: “tại sao được chỉ thị của Trung ương mà Xứ uỷ Nam Kỳ và anh Giàu không làm theo?”. Sao mà bày đặt ác thế? Ác thế để làm gì? Bịa trắng trợn, sao mà sách ở một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội lại đăng? Tai hại cho lịch sử quá.”
Các thao tác trên Tài liệu