Vài hàng xin nói lại với ông Trương Phước Trường
Vài hàng xin nói lại với
ông Trương Phước Trường
Lữ Phương
Tôi không ngại gì mà không nói rằng tôi là người đầu tiên vận dụng khái niệm “ mô thức đổi mới ” để tổng kết đường lối “ đổi mới ” do Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện suốt hơn hai mươi năm qua, và đã trình bày điều đó trong bài Vì đâu nên nỗi – Tác dụng văn hoá của “đổi mới” xét như một mô thức (xin xem Diễn Đàn và Viet-studies). Vì vậy khi thấy ông Trương Phước Trường trong bài “ Đổi mới ” và “ dân chủ ” (xem Diễn Đàn) muốn thảo luận với tôi về đề tài này tôi hy vọng được khai sáng để bổ sung cho sự suy nghĩ của mình đối với một vấn đề quan trọng mà những người trong nước đều biết là khá “ nhạy cảm ”, nhất là khi lại được xới lên bằng một thái độ phê phán triệt để và phi chính thống.
Nhưng rất tiếc tôi đã thất vọng hoàn toàn. Trong bài viết của mình, ông Trường có nhắc đến từ “ mô thức ” nói trên, nhưng trong triển khai để trình bày ý kiến phản biện bài viết của tôi, ông lại không chịu quan tâm đầy đủ nội dung mà tôi đã xác định cho khái niệm đó ngay từ những dòng đầu tiên trong bài viết của mình, sự xác định mà bất cứ ai đọc bài viết đó bằng một sự chăm chú cần thiết đều nhận thấy rất rõ nội hàm của nó là “ một mô thức phát triển tổng thể ”, trong đó hoạt động kinh tế chỉ là lĩnh vực cục bộ nằm trong một dự phóng vĩ mô về chính trị và ý thức hệ mà những nhà lý luận của Đảng gọi là một hình thái kinh tế - xã hội quá độ trong quy trình “ tiến lên chủ nghĩa xã hội ” theo định hướng của “ học thuyết Mác-Lênin ”.
Trong khi cố ý né tránh thảo luận việc tôi phân tích khá chi tiết cái ý thức hệ “ Mác-Lênin ” làm nền cho hình thái kinh tế - xã hội đó, và cùng với quá trình chuyển biến dai dẳng mà kết quả đã dẫn tới chính sách đổi mới của Đảng cộng sản ngày nay – về lý luận, có thể tiếp cận như một “ mô thức phát triển tổng thể ”, có tính lịch sử, cùng với các hậu quả đặc biệt về mặt văn hoá của nó – ông Trường lại dựa vào việc né tránh đó của ông để quy giản hệ thống biện luận cụ thể của tôi vào một yếu tố phổ quát và duy nhất, rồi gán cho biện luận đó một sai phạm hoàn toàn giả tưởng, cho rằng tôi đã quan niệm kinh tế như một lĩnh vực riêng rẽ, có nội dung khu biệt, không dính dáng gì đến những hoạt động khác như chính trị, văn hoá, giáo dục, từ đó bày tỏ sự bất đồng với luận điểm của tôi, dựa trên nhận định rằng tôi đã không thoả đáng khi xem chủ trương đổi mới kinh tế là nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng xuống cấp trầm trọng cho đời sống văn hoá và tinh thần ở Việt Nam hiện nay.
Tôi không hiểu được bằng cách nào mà ông Trường lại có được một nhận định như vậy trong việc đọc văn bản của người mình muốn thảo luận, vì thế tôi nghĩ sẽ rất khó bàn luận thêm với ông về những vấn đề khác, như khi ông cho rằng Trung Quốc cũng đổi mới kinh tế, nhưng không vấp phải sự xuống cấp về văn hoá như Việt Nam vì Trung quốc có… Khổng Tử, hoặc khi ông dựa vào một niềm tin nào đó để cho rằng Việt Nam hiện nay chỉ cần hình thành một cơ chế bàn cãi dân chủ mà ông gọi là “ dân chủ hiện đại ” để tìm ra biện pháp cụ thể thực hiện khẩu hiệu “ Đảng lãnh đạo dân làm chủ nhà nước quản lý ”, chứ không cần phải “ đi tìm cho ra một mô thức “ mới ” về phát triển dựa trên các nguyên tắc “ mới ” về văn hoá dân chủ hơn, và hiện đại hơn ”, như tôi đã “ ước mong ”.
Tất cả những vấn đề do ông gợi ra đó, tôi thấy rất hấp dẫn, vấn đề nào cũng đáng quan tâm, nhưng tôi không muốn đề cập, không phải vì ngại theo cái hướng lập luận của ông sẽ sa vào chỗ lạc đề, mà chỉ vì tôi thấy khi ông xới ra những vấn đề ấy ông đã đặt chúng trên một thái độ thiếu thận trọng ngay từ đầu trong việc tiếp cận văn bản của người khác, không thuận lợi cho các cuộc thảo luận về học thuật, nên tôi nghĩ, mọi bàn bạc thêm sẽ là vô ích, không cần thiết.
14-1-2011
L. P.
Các thao tác trên Tài liệu