Về cuốn sách của R. Pipes
Về
cuốn Chủ nghĩa
cộng sản
của Richard Pipes
Lữ Phương
Tôi có mấy nhận xét nhỏ sau đây khi đọc cuốn Chủ nghĩa cộng sản nói trên của Richard Pipes (do Phạm Minh Ngọc dịch từ tiếng Nga, xuất hiện 6 kỳ trên talawas). Những ý kiến này giả định sự trung thực của sự chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Nga và từ tiếng Nga sang tiếng Việt.
Về tên sách và tác giả :
Tên đầy đủ của cuốn sách: Communism: a History (Modern Library, 2001 bìa cứng, 192 trang). Có bài giới thiệu là Communism: A Brief History (2001, Random House). Dù sao thì cũng không phải là cuốn Communism, the Vanished Specter cũng của Pipes xuất bản 1994.
Tác giả là một người Mỹ gốc Ba Lan, sinh năm 1923.
Theo nhiều bài giới thiệu thì R. Pipes là một sử gia về Nga và về cộng sản ở Đại học Harvard mà cũng là một thập tự quân then chốt chống Liên bang Xôviết vào những năm 1970 và 1980. Từng cố vấn cho Stanford Research Institute từ 1973 đến 1978, cũng cố vấn cho một khuôn mặt tân bảo thủ là Thượng nghị sĩ Henry M. Jackson ở Washington. 1981 thành viên của Uỷ ban An ninh Quốc gia, giữ chức Giám đốc Cơ quan East European and Soviet Affairs trong nhiệm kỳ của Ronald Reagan. Thành viên của Committee on the Present Danger , được George H.W. Bush phụ trách CIA vào lúc bấy giờ giao cho chủ trì “Team B” Strategic Objectives Panel – trong đó có Paul Wolfowitz – để đối trọng với “Team A”, cùng với National Intelligence Estimates đánh giá khả năng và ý định của Liên xô.
Khách quan là như vậy nhưng trong thực tế nhóm của Pipes đã liên kết với những chính khách cực đoan bên ngoài như William Van Cleave, John S. Foster, Donald Rumsfeld, Dick Cheney, vận động cho một đường lối chống cộng, chống Liên xô hết sức cứng rắn trong giới cầm quyền Mỹ, đối lập với đường lối gọi là “thực tế” (Realpolitics) của Henry Kissinger và cổ xuý cho một chủ trương chôn vùi chính sách hoà hoãn của Mỹ với khối cộng sản, xoá bỏ Liên Xô, cho rằng tuy là một đế quốc nguyên tử mang tham vọng thống trị thế giới nhưng Liên Xô vẫn có thể đánh bại được.
Trong sự nghiệp thẩm định tình báo chống cộng căng thẳng này, có một sự kiện mà khi viết về Richard Pipes, người ta hay nhắc lại với một giọng điệu chế giễu vì tính chất kỳ quái của nó là việc “Đội B” đã phát hiện ra một thứ tầu ngầm nguyên tử của Liên Xô mà ông ta cho rằng với kỹ thuật của mình, Mỹ không thể phát hiện được vì thứ tầu ngầm ấy đã được trang bị bằng một thứ thiết bị âm thanh… phi âm thanh (non-acoustic) ! Đó là một điều cực kỳ nguy hiểm nếu không nói là liều lĩnh : dựa vào một phát kiến tưởng tượng để đề ra một đường lối thực tế. Nhưng Pipes vẫn cho là có đủ lý do để bảo vệ phát hiện ấy.
Thái độ hiếu chiến, cực đoan của nhóm Pipes trong Chiến tranh Lạnh đã bộc lộ thành những hình thức vận động nhiều khi không che giấu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Pipes hớ hênh tuyên bố là “chính sách hoà hoãn đã chết” và vì đó phải quay trở lại Đại học Harvard hành nghề dạy học. Mưu toan không thành công, nhưng âm thầm bên trong chính giới Mỹ, những lý lẽ của xu hướng cực đoan này đã tạo ra những áp lực thúc đẩy việc sản xuất vũ khí ồ ạt diễn ra vào cuối nhiệm kỳ Carter và tăng mạnh vào thời Reagan.
Thật sự thì thái độ cứng rắn của Pipes không hẳn là thất bại, tiềm tàng nó vẫn chờ dịp để bột phát. Nhóm người theo đường lối bảo thủ do Pipes tập hợp đó hiện nay đã được Tổng thống Bush quy tụ để thực hiện đường lối đơn phương của một siêu cường chưa từ bỏ giấc mộng làm bá chủ thế giới. Việc Bush bịa ra kho vũ khí giết người hàng loạt của Saddam Hussein để huy động phe cánh lao vào cuộc xâm lăng Iraq thực hiện chính sách bá quyền của Mỹ ở Trung Đông chính là một thứ kịch bản của “Đội B”, an toàn hơn cho Mỹ (vì Iraq không phải là Liên Xô) nhưng tính chất phiêu lưu thì cũng y như vậy.
Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Pipes vẫn giữ thái độ chống cộng và chống Nga quyết liệt. Quan hệ chặt chẽ với những tổ chức hữu khuynh và tân bảo thủ như Freedom House, Hudson Institute, Heritage Foundation. Tháng 6-2007 ra tuyên bố chung với Hudson Institute kết án Nga “đã quay trở vể cách ứng xử kiểu Liên bang Xô viết”. Dự bàn tròn do Heritage Foundation tổ chức thảo luận về đề tài “Nạn nhân và tội ác của cộng sản từ 1917 đến nay”… sau đó cùng với một số tổ chức chống cộng khác thiết lập đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản ở Washington, DC. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo ở Milan, Pipes cảnh báo rằng “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” có thể sẽ phát khởi trong trường hợp Nga từ chối tham gia chương trình tên lửa bảo vệ Đông Âu và bành trướng ảnh hưởng trong khối xô viết cũ. V.v…
(Xem Wikipedia/ Richard Pipes ; Boston Globe ngày 2.11.2003, 11/2/2003; Right Web, 5.09.2007… )
Về cuốn Chủ nghĩa cộng sản :
Cuốn sách mới này chỉ là một trong 18 cuốn sách mà Pipes đã viết về Nga và Liên Xô từ 1961 đến nay với tư cách vừa là một nhà nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng vừa là quan điểm của một nhân vật cao cấp trong ngành tình báo chống cộng của Nhà nước Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh đã nói trên. Cuốn sách xuất hiện sau khi khối cộng sản đã sụp đổ một thời gian khá lâu, nội dung có thể nói là không có gì mới mẻ : trước Pipes, người ta đã viết quá nhiều điều tương tự rồi (trong đó có cả những nhà nghiên cứu xuất thân trong khối xô viết cũ), những gì Pipes viết được cho là đúng đều đã trở thành những chuyện hiển nhiên. Cái mới trong sách của Pipes chỉ là tổng hợp lại thành một tài liệu phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc, mục đích để gọi là nói lên một “lời ai điếu” muộn màng cho chủ nghĩa cộng sản mà ông căm ghét suốt đời và đã góp phần chôn vùi nó xong rồi mà vẫn chưa hết căm ghét nên cần thiết phải kích động người khác căm ghét tiếp tục.
Một
đồng nghiệp
của Pipes đã coi thái độ ấy ấy là cực
đoan cho nên có lẽ cũng chính vì đó
không ít người đọc thận trọng, sau khi biết
được hành trạng chính trị của ông, đã
rất khó tránh khỏi nghi ngại khi tiếp xúc
với những ý tưởng mà ông đã dàn
trải qua cuốn sách ấy. Cố ý tìm trên
mạng một bài phê bình nghiêm chỉnh
sau khi đã đọc cuốn sách (qua bản dịch của
Phạm Minh Ngọc) nhưng không thấy, tôi đã
thử tự mình kiểm tra một vài dẫn chứng của
Pipes dính líu đến đề tài quen thuộc từ
lâu của tôi là học thuyết Marx, và
bỗng thấy lòng tin tưởng của tôi về phương diện học thuật (điều mà tôi
vẫn cho rằng
người ta vẫn có thể giữ được sự tinh khiết
cho nó, độc lập với các quan điểm chính
trị khác nhau) đối với vị giáo sư ở Harvard
này đã sụp đổ hoàn toàn.
Tôi xin dẫn chứng ra đây mấy biện luận hết sức bậy bạ – đúng thế, không thể nói khác – về Marx và chủ nghĩa Marx của Pipes để chứng minh cho thái độ phản học thuật của chuyên viên chống cộng này là như thế nào.
-
« Quan điểm Mác-xít về tiến hoá xã hội xuất hiện dưới ảnh hưởng của học thuyết Darwin, được trình bày trong Nguồn gốc các loài (1859) (…). Ảnh hưởng của Darwin đối với Marx và Engels cao đến nỗi Engels, trong đám tang bạn mình, đã nói : “ Giống như Darwin phát minh ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx phát minh ra qui luật phát triển của lịch sử loài người” ». (Chương 1)
Đây là một nhận xét hết sức dễ dãi, vì không tìm hiểu mà chỉ hời hợt căn cứ vào câu của Engels để nói về Marx, trong khi đó nội dung của câu nói ấy lại hoàn toàn không thích hợp với Marx. On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài) của Charles Darwin xuất hiện năm 1859, trong khi đó thì những luận điểm về chủ nghĩa xã hội của Marx đã hình thành xong vào những năm 1843, 1844 trong những tác phẩm như On the Jewish Question, Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right, Economic and Philosophical Manuscript (Xem Karl Marx, Early Writings, Translated and Edited by T. B Bottomore (McGraw-Hill Book Company, N.Y, 1964). Ngay cả Tuyên ngôn cộng sản do Marx và Engels viết chung (1848) cũng ra đời trước cuốn sách của Darwin 11 năm.
-
« Đây là một học thuyết cứng nhắc, không chấp nhận bất kì một quan điểm khác biệt nào. Marx không hề che giấu thái độ đối với những người bất đồng ý kiến với ông : phê bình, có lần ông đã viết “không phải là con dao mổ mà là vũ khí. Đối tượng của nó cũng là kẻ thù của nó, một đối tượng mà nó không muốn cải chính mà là muốn tiêu diệt”. Vì vậy có thể khẳng định chủ nghĩa Marx là một giáo điều đeo mặt nạ khoa học. » (Chương 1)
Pipes không cho biết nguồn, nhưng câu dẫn trên của Marx là trong bài Góp phần phê phán triết học pháp quyền cùa Hegel (Các Mác, Phri-đrích Ăng-ghen : Tuyển tập, Sự Thật, Hà nội, 1980, Tuyển tập 1, tr. 17). Nguyên văn như sau : “ Chiến tranh chống tình hình của nước Đức! Nhất định rồi (…) Đấu tranh chống tình hình đó, sự phê phán không phải là nhiệt tình của đầu óc, mà là đầu óc của nhiệt tình. Sự phê phán không phải là con dao mổ, mà là vũ khí. Đối tượng của nó là kẻ thù của nó, kẻ thù mà nó muốn không phải là bác bỏ mà là tiêu diệt đi. Vì tinh thần của tình hình đó đã bị bác bỏ rồi ”. Rõ rệt Marx đang nói về sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng quyết liệt thay đổi “ tình hình của nước Đức ” thời đó, chẳng dính dáng gì đến điều mà Pipes gọi là cái học thuyết của Marx được cho rằng “ không chấp nhận bất kì một quan điểm khác biệt nào ” cũng như chẳng dính dáng gì đến thái độ về phê bình của cá nhân Marx mà Pipes cho rằng chỉ muốn “tiêu diệt” “những người bất đồng ý kiến với ông”!
-
« Nếu ai đó còn băn khoăn là làm sao mà một chính phủ lại có thể gây ra tai hoạ lớn như thế đối với chính nhân dân nước mình thì xin thưa rằng những người cách mạng – những người cộng sản ở Nga cũng như ở các nước khác cho rằng con người với hình hài như hiện nay chỉ là bản sao không hoàn chỉnh của cái mà họ có thể và nhất định phải là trong tương lai. Quan niệm này bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx. Marx viết : “Thế hệ hiện nay làm ta nhớ đến những người Do Thái được Moses dẫn qua sa mạc. Thế hệ này cần phải không chỉ chinh phục thế giới mà còn rút lui khỏi vũ đài để nhường chỗ cho những con người xứng đáng với cái thế giới mới đó. [22]
Mặc dù Marx và Engels không kêu gọi các đệ tử của mình tiến hành những vụ giết người hàng loạt nhưng họ sẵn sàng hi sinh những người đang sống cho các thế hệ tương lai”. (Chương Ba)
Căn cứ vào chú thích trên đây để tìm nhưng tôi không tìm được câu của Marx mà Pipes đã dẫn, dù trong bản tiếng Việt của nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, (“Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850”, Tuyển tập 2, 1981) hay trong bản tiếng Pháp ( “La lutte des classes en France, 1848-1850” trên mạng “Les classiques des sciences humaines”) (http://classiques.uqac.ca/classiques/Marx_karl/marx_karl.html ). Tuy vậy tôi nghĩ những ai đã đọc Marx và quen với tư tưởng của Marx về “những con người xứng đáng với cái thế giới mới” đều hiểu đó là cái ý tưởng về sự đoạn tuyệt với cái quá khứ được Marx xem là “tiền sử” của xã hội loài người mà ở một nơi khác đã được diễn tả một cách mạnh mẽ như sau:
“Cuộc cách mạng xã hội của thế kỷ XlX chỉ có thể tìm được thi hứng của mình ở tương lai, chứ không phải ở quá khứ. Nó không thể bắt đầu được với bản thân nó chừng nào nó chưa hoàn toàn tẩy trừ được mọi mê tín với quá khứ. Các cuộc cách mạng trước kia cần có những sự hồi tưởng lịch sử để tự mình ẩn giấu vào đó cái nội dung riêng của bản thân. Cách mạng của thế klỷ XlX phải để cho những người chết chôn cất những người chết của họ để (cách mạng) thực hiện mục tiêu của chính mình. Trước kia lời nói vuợt khỏi nội dung, còn bây giờ thì nội dung vượt khỏi lời nói”. (“Ngày mười tám sương mù của Louis Bonaparte”, Sđd, Tuyển tập 2, tr. 390; LP sửa một số chữ, dựa vào bản tiếng Pháp “Le 18 Brumaire de L.Bonaparte”, http://www.marxists.org/francais/marx/works/1851/12/brum3.htm) ).
Dù ở đâu thì cái “thi hứng” về tương lai của Marx cũng rất minh bạch, chẳng mảy may chứa đựng điều gì liên hệ gì đến cái gọi là “sẵn sàng hi sinh những người đang sống cho các thế hệ tương lai” như Pipes suy luận và suy luận bằng cách ghép chuyện những người đi “chinh phục thế giới” rồi sau đó “rút lui khỏi vũ đài” vào những cuộc thanh trừng kiểu Stalin bằng một tháí độ bôi bác, quy chụp, quá thô lậu, quá tầm thường!
Nếu có thì giờ rà soát lại một số tư liệu mà Pipes đã dẫn ra để viết nên cuốn “lịch sử” về chủ nghĩa cộng sản như trên, không chừng người ta có thể sẽ tìm thấy nhiều điều bôi bác tương tự, nhất là những đoạn nói về Lenin. Cũng có thể dễ dàng nhận ra thái độ chống trí thức quá lộ liễu của Pipes khi viết về lịch sử chủ nghĩa cộng sản mà hoàn toàn bỏ qua những điều kiện lịch sử đã làm nẩy sinh trong khi đó lại đổ tất cả mọi tội lỗi lên đầu cái tư duy không tưởng của giới trí thức đã tạo ra nó. Tuy vậy tôi cho rằng những ai đã có được những hiểu biết căn cơ về chủ nghĩa cộng sản mácxít, dù là để phản bác nó, chắc hẳn đều không muốn mất thời giờ thêm với những trò bôi bác có thể gặp thêm trong thái độ chống cộng kiểu Pipes.
Riêng với tôi thì sau khi đi một vòng nhỏ qua các mạng toàn cầu để hiểu thêm về sử gia này, tôi không thấy đọng lại nơi tôi điều gì khác hơn là hình ảnh chiếc tàu ngầm Liên Xô … với cái thiết bị “vô thanh” mà cái “Đội B” CIA (do ông ta cầm đầu) đã “phát hiện” ra để thuyết phục nhà cầm quyền Mỹ trong cuộc thánh chiến chống cộng thời Chiến tranh Lạnh. Tôi không cho rằng mọi điều Pipes viết trong cuốn Chủ nghĩa cộng sản của Pipes đều mang tính chất của “chiếc tầu ngầm” tình báo đó, nhưng với những gì mà sử gia này nói về Karl Marx trong đó thì tôi dám khẳng định đó là những bôi bác hiển nhiên, không thể nào biện bạch được.
21.9.2007
Lữ Phương
Các thao tác trên Tài liệu