Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Vi Thùy Linh thi sĩ của Ái quyền

Vi Thùy Linh thi sĩ của Ái quyền

- Chu Văn Sơn — published 21/10/2011 14:38, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
...Mười lăm năm, dẹp sang bên những băng rôn khua chiêng, hàng tít gõ trống, Linh vẫn là hiện tượng trẻ khuấy được dư luận mạnh nhất trong đời sống thơ Việt. Đến nay, mỗi xuất hiện mới của Linh đều đã làm bận rộn cả người đọc lẫn giới truyền thông. Mười lăm năm, lẽ nào là cái giá để được đón đợi ?


vivi

Vi Thùy Linh
thi sĩ của Ái quyền


CHU VĂN SƠN

(Trích đoạn)



Diễn Đàn: Để chuẩn bị cho đêm giao lưu "Tình tự Hà Nội" với nhà thơ Vi Thuỳ Linh tại trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp, 20g, thứ bảy 29/10/2011; Diễn Đàn xin đăng một số trích đoạn trong bài viết về thơ Vi Thuỳ Linh của nhà phê bình Chu Văn Sơn. Bạn đọc có thể đọc nguyên bản tại đây.


Đến Phim đôi - Tình tự chậm, tập thơ thứ năm1, Vi Thùy Linh đã hoàn tất một live show thơ dài mười lăm năm của mình trên thi đàn. Chặng thơ cũng tựa như một bộ phim dài năm tập. Suốt cả năm tập, phim chỉ có một nhân vật trung tâm: nàng Êva Linh nồng nàn, miệt mài đem vườn địa đàng về thì hiện tại mong xây dựng một đế chế yêu. Với Linh, yêu là thơ là dệt tầm gai2… là sống.


1. Để được đón đợi

[...]

Cuộc dấn thân quyết liệt và kiêu hãnh của ViLi3, vậy là, đã mười lăm năm. Hiếm ai say nghề, tan nát với nghề đến vậy. Mười lăm năm cho một cuộc chinh phục. Để được chấp nhận, thật thiên nan vạn nan. Có khi còn khó hơn cả cắm được cờ lên một đỉnh hiểm nào đó. Nhớ hồi mới trồi lên, mầm thơ Linh chưa được nâng niu đã phải đương đầu. Những cơn mưa đá của hoài nghi, thị phi tới tấp trút xuống. Nếu non bấy, hẳn chồi mầm kia đã điêu đứng. May thay, đó là một mầm thơ đầy nội lực. Nó thách thức mọi bài bác cay nghiệt. Nó bất chấp mọi ngáng trở. Nó vượt lên từng ngày. Mỗi tập mới - một vụ nổ chữ mới. Mưa đá tan dạt dần. Mười lăm năm, dẹp sang bên những băng rôn khua chiêng, hàng tít gõ trống, Linh vẫn là hiện tượng trẻ khuấy được dư luận mạnh nhất trong đời sống thơ Việt. Đến nay, mỗi xuất hiện mới của Linh đều đã làm bận rộn cả người đọc lẫn giới truyền thông. Mười lăm năm, lẽ nào là cái giá để được đón đợi ?


2. Nữ quyền hay Ái quyền


Bây giờ mà nói Vi Thùy Linh trở thành chính mình chỉ bởi sự đam mê đề tài tình yêu, thì liệu có… âm lịch quá không? Dù với Linh, đường thơ - đường tình là một, dù tỉ lệ thơ tình hoàn toàn áp đảo, dù các tập thơ Linh luôn có những cái tựa cực … tình (Khát, ViLi in love, Phim đôi - tình tự chậm), thì việc chuyên thơ tình đâu còn làm nên khác biệt ! Đã có chán vạn thi sĩ ái tình rồi !

[...]

Vậy, đâu mới là Vi Thùy Linh ?

Rất nhiều người đã cả quyết: điểm mới của Linh là tiếng nói nữ quyền trong tình yêu. Tôi cũng từng tin thế. Linh là một nữ sĩ, mọi biểu tỏ tình yêu đều từ vai nữ, vậy xem Linh là phát ngôn viên cho nữ quyền thì phải quá còn gì. “Nữ quyền luận” chẳng phải đang xôm, đang mốt đó sao ! Nhưng lắng kĩ, té ra, nhầm. Té ra, khoa học cũng thời thượng. Tiếng nói nữ quyền ở ta ít nhất đã có từ thời Xuân Hương rồi4. Với lại, Linh có lên tiếng như nạn nhân của nam quyền đâu. Trong thơ, Linh chẳng đòi quyền riêng gì cho giới nữ !

[...]

Một người bất bình với nam quyền, muốn tranh giành vị thế với đàn ông thì sao có thể viết những dòng tôn vinh đàn ông đến nhường này:

Không cần Chúa Trời, Anh sáng tạo em bằng sức mạnh phồn sinh
Em thấy mình thực sự là phụ nữ khi có Anh - điều tất yếu và linh thánh

Em quỳ xuống Anh gọi Bình minh sáng thế…

Giới quyền không phải chuyện của Linh. Cái làm bận tâm thi sĩ này, thực ra, là Ái quyền. Quyền được yêu như một Con Người viết hoa. Đối với con người, quyền được yêu bao giờ cũng là phần đáng giá nhất của quyền sống. Ý thức về ái quyền, ca tụng và đấu tranh cho ái quyền, đó là nguồn cảm hứng sôi nổi nhất của hồn thơ Linh. Nó làm nên khuôn mặt nghệ thuật Vi Thùy Linh trong thơ đương đại:

“Em yêu Anh như yêu sự hiện diện của chúng mình trên trái đất
Mặc tháng năm chạy về cuối mắt
Mặc thế gian đổi thay từng giờ khắc
Chúng mình yêu nhau”, “Ta
lúc nào cũng phá giới để yêu
thì có nên tu không ?
Biết tu ở kiếp nào ?
Hôn nhau tràn tràn
Ta tu suốt đời dưới gốc cây bồ đề - Anh
Chúng mình siêu thoát”, “Em yêu Anh cuồng điên
Yêu đến tan cả em…

Kẻ thù của ái quyền trong thơ Linh không phải nam quyền, cũng không phải cường quyền hay thần quyền. Nó là sự giả dối và ươn hèn khiến con người đánh mất những tình yêu đẹp đẽ. Nó là tập quán lạc hậu của một cộng đồng chưa thực có truyền thống tôn trọng cá nhân nên cũng chưa biết tôn trọng tình yêu đầy đủ, trái lại, vẫn còn nhiều kì thị, thóc mách trước những biểu tỏ riêng tư của đôi lứa. Mà dành quyền sống cho tình yêu trước những thế lực như vậy, còn gian nan và dai dẳng gấp bội phần so với những thế lực khác. Ta hiểu vì sao, Linh xem sống là được yêu. Ta hiểu vì sao Linh thèm muốn những nụ hôn của tình yêu được đàng hoàng công khai dưới ánh ngày, được tự do biểu tỏ trước đám đông. Ta hiểu vì sao Linh thèm khát cái hạnh phúc được 

Hôn nhau giữa thủ đô La Mã

Anh ôm em bay giữa bầu trời Ý

quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp
, thèm được Uống nhau không biết mệt
Cho cả thế giới nhìn…


3. Từ vườn địa đàng…


Chữ ái quyền không chỉ mang hàm nghĩa quen nhất là quyền được yêu. Nó còn tiềm ẩn một nét nghĩa khác cũng hết sức đáng kể : quyền năng của tình yêu. Thơ ViLi là sự ca tụng quyền năng đó.

[...]

Trái đất ốm yếu vì văn minh
Thế giới thiếu chất thơ nên loài người bi kịch”
.

Vì “cả loài người ngộ nhận tham vọng vật chất”, vì “Dục vọng bời bời khiến người ta khốn khổ”, cho nên đến giờ “Thế giới còn rất ít người dám coi tình yêu là tối thượng”… Cái gì có thể giải cứu một thế giới như vậy ? Dĩ nhiên, chỉ có một quyền năng duy nhất : tình yêu. Một tình yêu lớn và đẹp có thể giải cứu cả thế gian này. Linh tin thế.

Tình yêu nào có được quyền năng ấy ? Tình yêu của Êva/Ađam.

Đó là một tình yêu sơ nguyên thuộc về sơ tâm. Một tình yêu vẹn nguyên và thuần khiết thuộc về cái tâm như bông sen buổi sáng của con người. Nghĩa là tình yêu trong bản nguyên của nó. Bản nguyên không phải bản năng. Nó là tình yêu thuộc về cái phần người tinh khôi, nguyên khiết của mỗi cá thể. Nó hiện ra bằng những rung động tươi ròng, những khao khát trong lành mà con người có thể dâng tặng cho con người. Linh dồn toàn bộ tâm huyết và tài nghệ để tôn vinh một tình yêu như thế. Càng kì vọng vào

“Những cơn khát vỗ về dẫn đường chúng ta, định giá chúng ta giữa hiện thực nhá nhem, giá trị bị đánh tráo”,

lại càng dị ứng gay gắt với những thứ tình yêu ngộ nhận, giả trang, rởm:

“Lưỡi của loài người phải được gột sạch ngôn từ ngụy trang, tẩy rửa những cái hôn rởm, đọc điếu văn cho những cuộc tình ngộ nhận chết yểu”.

Tình yêu thuần khiết thì bao giờ cũng là một ái tiệc giữa vườn địa đàng. Mà tận hưởng và tận hiến đến từng phút giây sống trong nhau chính là thực đơn kì diệu của đại tiệc yêu này:

“Vườn địa đàng một Êva Linh
Cánh đồng violette mênh mông
làm nên bao ái tiệc
Hoa tím miền trinh miên quyến rũ
Tất cả đại tiệc yêu

Cho đôi ta sống nhiều lần trong mỗi lần
Cho hoan ca dội vang vũ trụ
cho màu yêu loang nhiều thế kỉ

môi rực tan thân nhiệt vã sáng
Li ti sao vòm vòm cây thụ tình”.

Tình yêu đích thực làm sao thiếu được tình tự ái ân. Bản thân ái ân là một vẻ đẹp sơ nguyên. Ý thức văn minh rởm ngự trị trong chúng ta đã biến nó thành cấm kị, che đậy nó bằng cái lá nho giả trang. Ngay từ buổi ban sơ của sự sống người, cảnh ái ân sơ nguyên đã được tổ tiên tôn vinh trên thạp đồng Đào Thịnh5 rồi. Ấy vậy mà đời sau, hễ nói về ái ân thì lập tức bị xét nét, báng bổ. Thói đời, những kẻ hô hào cấm kị nhất, báng bổ hăng nhất lại thường là kẻ khó cưỡng được sự tò mò về nó nhất. Thể hiện ái ân bằng nghệ thuật mãi mãi là một nhu cầu nhân bản. Chuyện cần xét nét chỉ là phẩm chất nghệ thuật và đẳng cấp văn hóa trong cách thể hiện ái ân và cách đọc về ái ân thôi. Xóa bỏ dần những cấm kị vô lối, dỡ bỏ dần cái lá nho vờ vịt kia chính là nỗ lực của văn minh thật. Hẳn nhiên, cũng là nỗ lực của thơ yêu mỗi thời.

[...]

Giờ đây, ít ai còn nghi ngờ điều này: tôn vinh ân ái bằng những thi ảnh ngỡ trần tục mà đầy thi vị là sở trường của Linh.

− Những đường cong khỏa vào sóng chữ
         Em say nắng mất rồi, em say thêm nữa nhé
         Mặc cho búp hôn thụ phấn thân người.
− Những con chữ nảy hạt dưới da
Những con chữ hòa máu em vào anh
Khao khát mở đường cong hợp cẩn
− Ngày anh đến mùa tình lên
Yên lặng mở những ngón tay chìa khóa
− Da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo
         Eo chờ đợi vuốt ve thắt bão
− Vào lúc hạt hạt mồ hôi cha thấm vào ngực mẹ
         Mặt đất già chật chội nở dần những luống hoa đồng trinh
− Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh
         Cài then em bằng anh

Có nhà điêu khắc đã dành cả đời mình để tôn vinh nụ hôn của con người bằng hoa cương và cẩm thạch. Phải chăng Vi Thùy Linh muốn làm một thi sĩ tôn vinh ái ân của con người bằng thi ảnh và ngôn từ ?

Khát khao một tình yêu sơ nguyên, hay sống với tình yêu trong bản nguyên của nó, những mong cứu chữa địa đàng, Vi Thùy Linh thực là người lãng mạn giữa thời buổi này. Tôi chắc những đầu óc hiện thực khó chia sẻ quan niệm và cách nhìn của Linh. Nhưng, từ vạn kiếp, tình yêu luôn là phần lãng mạn nhất của cõi người, làm sao có thể thiếu những cách tiếp cận lãng mạn được !

[...]

4. … đến đế chế Yêu

[...]

Là một hiện tượng trẻ, nhưng Vi Thùy Linh đã sớm chín. Linh đã xây cất được một thế giới riêng trong thơ mình. Thế giới Linh là thế giới đang yêu. Một tình yêu luôn ở thì hiện tại. Thế giới ấy có thời gian là những mùa tình không dứt, không gian là cõi tình không biên giới, cả không/thời gian đều nhuốm một sắc tím không cùng - vẻ như sắc tím hoa Thùy Linh6 ? Vạn vật trong đó, từ cụm hoa đến bầu trời, từ rêu cỏ đến biển đảo, từ cơn gió đến ngọn sóng, từ thân cầu đến đỉnh tháp, từ khung cửa đến bức rèm, từ ly rượu đến ngọn nến, từ góc vườn đến góc giường, đến cả những thành phố lớn như Hà Nội, Roma, Paris… đều “đang yêu bằng trái tim lãng mạn”, đang tình tự bằng muôn vàn tế bào dậy men tình ái, lồng lộng nude và rộn rực dục tình: “đại lộ dài như một cơn hôn”, “những núi vú ưỡn lên nóng bỏng, những núi vú non tơ sáng rực, những chóp vú khát yêu triệu năm, tự do hoan lạc giữa mùa tình không bao giờ hết”, “vỗ vào bờ muôn đợt sóng khỏa trắng tinh khôi”, “cây cầu kết bằng trăm thiếu nữ đùi nối nhịp mĩ kiều lồng lộng nude sức sống”, “mây liếm cong trăng”, “nắng mạch nha trắng trong hệt như lúc em vừa tắm”, “gió ào đến bế thốc mùa thu đi”… Linh đã thổi những cơn yêu của mình vào mỗi sự vật ấy để vật nào cũng mang một mảnh hồn yêu. Nghĩa là Linh đã phổ vào tạo vật của mình một bầu khí quyển riêng: khí quyển yêu.

[...]

Thế giới, cái cõi tình quanh họ ấy, đương nhiên, phải là vườn địa đàng thì hiện tại, một địa đàng đang cần được nâng cấp. Trong đó cuộc tương tranh giữa hoa địa đàng và rác văn minh đang ở hồi quyết liệt. Những cặn bã và rác rưởi của đô thị hóa, công nghiệp hóa, thị trường hóa… đang hòng robot hóa con người và hoang vu hóa vườn xưa. Nhưng, từ Êva và Ađam bản nguyên khí lực của tình yêu lớn và đẹp không ngừng trào tuôn vào thế giới để cải hóa địa đàng thành đế chế yêu. Vì thế, không chỉ riêng khi yêu ở Roma, mà ở mọi chốn, quyền năng màu nhiệm của tình yêu ấy luôn giúp Êva Linh đồng hóa thế giới này :

Hôn nhau giữa thủ đô La Mã
Pisa nghiêng thêm
Anh ôm em bay giữa bầu trời Ý
Quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp
Váy bay tóc bay mắt bay sóng sánh
Chúng mình là ngôi sao bay, là tượng tình yêu đang thở, in vào La Mã xanh
Pisa thứ hai
Dẫu Pisa cũ sụp xuống
Dáng nghiêng hôn nhau quên thời gian vẫn in lên nền trời Roma
Một đế chế Yêu vĩnh cửu…

Biến thế giới thành đế chế Yêu vĩnh cửu, chẳng phải là cái đích lãng mạn nhất của văn minh sao? Và, nỗ lực vì một đế chế Yêu như thế, chẳng phải là nghiệp yêu của ViLi sao ?


5. Người dệt tầm gai thành thơ


Tôi gọi ViLi là thi sĩ mắn chữ. Mắn là phúc lộc mà cũng là tội tình. Nên người đọc Linh luôn có hai cảm giác phản trái: cuốn hút và ức chế. Cuốn hút bởi một trữ lượng thi ca dồi dào, câu chữ sinh sôi, tình ý nườm nượp, thi ảnh ngồn ngộn. Còn ức chế bởi chính mặt trái của nó: tràn lan và ồn ào. Do thế, tôi đã ngờ thơ Linh sẽ vậy thôi, một thứ dầu thô khó tinh lọc, một thứ quặng pha khó tinh luyện. Đến khi đọc câu tự bạch này:

Ta dâng hiến cho thơ những năm tháng thanh xuân đẹp nhất
Dệt tầm gai thơ dệt sợi máu thành chữ,

tôi giật mình. Mình đã thiếu kiên nhẫn chăng ? đã thiếu công bằng trước những dòng thơ dệt từ sợi máu đó chăng ?

Đọc Linh là phải thả trôi theo sự “tràn trề”:

Em vùi em vào anh, nảy mầm chưa từng có
Ảo thuật giác quan ốp la món trứng mặt trời
… Anh dắt em đi mãi trong màu xanh của phố, trên triền xanh của sóng, giữa không tận của trời
Chúng mình đã đi qua bao thế kỉ bất an, sao loài người yếu đuối đến thế?!
Chúng mình đã đi qua ánh sáng bao nền văn minh huy hoàng mà nhân gian vẫn tìm gì mãi thế?!
Điều quan trọng nhất, bí mật hệ trọng nhất là biết yêu trong sự sống tận cùng
Đi bộ qua vòm trời, anh nằm bên em giữa thời đại mệt nhoài rạn bóng những thế kỉ…

Tràn trề khiến thơ Linh có dáng dấp thơ văn xuôi. Tràn trề khiến mỗi bài thơ Linh như lồng ngực nhỏ của thơ ngắn lại chất chứa hơi thở phóng túng của trường ca. Đó âu cũng là một chiêu pháp định dạng một lối thơ. Thực ra, trước khi là một chiêu, nó là một điệu sống. Ai gần đều thấy Linh có một điệu sống ấn tượng: như dòng nước khoáng nóng không ngừng xối xả. Dòng sống mạnh xô đẩy cảm xúc tự trong hồn đã tuôn tràn ra thành sự xô đuổi câu chữ trên mặt giấy. Nó là một tạng chất. Chủ thể chỉ có thể sửa đổi mà không thể thay đổi. Thứ thơ như thế sẽ luôn là phép thử đối với đức kiên nhẫn. Năng nhẫn thì sẽ vượt qua lớp thô gai để nâng niu những sợi máu chữ. Máu từ ngón tay trầy xước của kẻ dệt tầm gai thơ. Sâu xa hơn, máu từ sự sống của một hồn thơ. Còn bất năng nhẫn thì “kính nhi viễn chi” trước những sợi máu thơ do phát mệt với đám thô gai thừa thãi của ngôn từ.

Thơ Linh lúc này cứ xui tôi nhớ đến phim Long thành cầm giả ca. Nếu phim của Đào Bá Sơn được xem là thơ trên màn bạc, thì có thể xem thơ Linh là phim trong ngôn từ. Ai quan tâm đến thơ đều thấy một thực tế: thơ hiện nay đang phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt của các nghệ thuật khác. Nhiều đối thủ đáng gờm đang cướp đi bạn đọc của thơ. Để sống và cạnh tranh, thơ phải tự thay đổi bản thân. Hiện có hai xu hướng rõ rệt: một là, vay mượn ưu thế của các nghệ thuật khác để làm giàu; hai là, tự đào sâu vào mình để làm mới từ những ưu thế đặc thù. Nghe nhìn có lẽ là đối tượng được thơ tìm tới để vay mượn nhiều nhất. Sắp đặt, trình diễn đã sớm được thơ vời cũng theo tinh thần ấy. Trên sân khấu, là người chịu chơi thơ, Linh khá máu mê trình diễn thơ. Nhưng trong văn bản, phim mới là nghệ thuật Linh am tường và khai thác nhiều để làm ra thơ mình. Có phải đến Phim đôi – Tình tự chậm, Linh mới học phim để làm thơ không ? Không. Từ những tập đầu đã thấy xu hướng này rồi. Linh coi trọng những khuôn hình, coi trọng tốc độ chuyển cảnh, dàn cảnh, tin dùng động từ hơn tính từ để hình của mình không tĩnh kiểu tranh mà động kiểu phim. Linh thường show những cảnh toàn, cảnh cận, cảnh đặc tả khiến câu thơ, đoạn thơ như một chuỗi khuôn hình trên màn bạc. Có thể nói tư duy hình của Linh rất phim:

“Đột ngột vào kịch tính
Nữ kỵ sỹ cưỡi bạch mã phi nước đại xa lộ
Đến villa trắng phủ dây leo xanh
Núi rặng rặng gần xa
mây đắp xanh kín biển
Nghênh chiến thách thức”…

Ngay chiêu lặp, bề ngoài tưởng chỉ là phép điệp quen thuộc như “vòm vòm”, “phố phố”, “cánh cánh”, “nhà nhà”, “ngàn ngàn”, “cây cây”… nhưng, thực ra, chúng trở đi trở lại trong thơ Linh theo dụng ý phim, như cách lia máy, chạy máy để bao quát hoặc bám sát chuyển động của hình chủ: “Khi Anh chở em lướt Vespa phố phố”, “Tôi luyện tôi bề bề bão”, “Li ti sao vòm vòm cây thụ tình”… Hay cái cách chồng hình của phim đã nhập vào lối chồng chữ này: “Mình ôm lấy Anh ôm mình” … đều cho thấy cách dụng hình, dụng chữ của Linh hấp thu từ điện ảnh thế nào. Trước Linh, không phải chưa có việc văn tìm đến phim. Nhưng tìm đến phim kiểu Linh thì có lẽ chưa. Thành công nhiều hay ít, còn tùy đánh giá của lối đọc. Song, bảo rằng Linh không có cách tân gì đáng nói về hình thức là không công bằng. Trái lại, trong cách tân thơ đương đại, Linh phải thuộc top tiên phong.

Dấn thân vào cuộc đời và cuộc thơ này, Linh mang theo một tâm niệm : Đỉnh cao sự sống là hợp linh nghệ thuật và tình yêu. Tất nhiên, để đạt được đỉnh ấy, không thể thiếu hợp linh của nội lực và cật lực.

Nội lực một Êva mắn chữ, cật lực kiểu dệt tầm gai, đó là Linh.


Làng Quốc tế Thăng Long, mùa bằng lăng 2011
CVS




1 Vi Thùy Linh có thơ in từ giữa những năm 90, sau lần lượt ra đời các tập: Khát (NXB Hội Nhà Văn,1999), Linh (NXB Thanh Niên, 2000), Đồng tử (NXB Văn nghệ, 2005), ViLi in love (NXB Văn Nghệ, 2008), Phim đôi – Tình tự chậm (NXB Thanh Niên, 2010). Thơ trích trong bài đều từ 5 tập thơ này.

2 Người dệt tầm gai là hình tượng nổi tiếng trong bài thơ cùng tên của Vi Thùy Linh.


3 Một bút hiệu yêu thích của Vi Thùy Linh theo lối rút gọn, viết tắt từ họ tên mình.

4 Có thể xem Hồ Xuân Hương là tiếng nói nữ quyền sớm và hết sức mạnh mẽ chống lại xã hội nam quyền, đòi quyền sống, quyền yêu cho người nữ. Tiếng nói ấy thể hiện tập trung trong niềm khao khát được chung tình, niềm phẫn uất với chế độ đa thê.

5 Là di vật tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn, ngay trên nắp thạp, tổ tiên đã trang trí hình bốn cặp trai gái đang giao hoan.

6 Trong thơ mình, Vi Thùy Linh sáng tạo ra một loài hoa của tình yêu màu tím ngát có tên là hoa Thùy Linh


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us