Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / VIÊN THẾ KHẢI CAI TRỊ ĐỘC TÀI / Viên Thế Khải cai trị độc tài (1)

Viên Thế Khải cai trị độc tài (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 23/10/2014 22:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Tranh đoạt quyền lực [1912-1914]



Viên Thế Khải cai trị độc tài


Hồ Bạch Thảo


Chương 1

Tranh đoạt quyền lực [1912-1914]


dtn

Đường Thiệu Nghi [1862-1938], Tổng lý dân quốc đầu tiên.

Nguồn : zh.wikipedia.org/zh/唐绍仪


Từ cuộc khởi nghĩa Vũ Xương cho đến lúc nhà Thanh thoái vị, trong thời gian ngắn ngủi 4 tháng ; ba ngàn năm dài quân chủ đã biến thành chính thể dân chủ. Cả nước đối với vận hội mới chưa từng thấy, không chịu tìm hiểu học tập thêm ; chỉ cho rằng đây là sự thay đổi từ Hoàng đế Mãn Thanh sang Tổng thống người Hán, cũng giống như mọi sự thay đổi các triều đại trong quá khứ. Đảng viên cách mệnh phần lớn bồng bột tâm huyết, nhưng thiếu kinh nghiệm về chính trị dân chủ. Phái lập hiến quan niệm cũng tương tự, lúc đầu hợp tác với cách mệnh trong thời gian khởi nghĩa, nhưng chẳng bao lâu lại đổi chiều, y phụ đương quyền Viên Thế Khải. Viên không rành về thời thế, chỉ lo nắm chính quyền ; một lòng mưu đồ củng cố địa vị, khuếch trương quyền lực, bài trừ kẻ khác mình, không hiểu cộng hoà là gì. Đối với cách mệnh, trước thì lừa phỉnh sau thì đàn áp ; đối với phe lập hiến từng theo, cũng bỏ rơi ; quyền dân chủ chỉ còn là hư danh.


1. Đảng phái phân ly, chính cuộc dao động


Dân quốc thành lập, khí thế Đồng minh hội dâng cao ; kẻ chuyên tâm vào nghĩa cử tuy nhiều, nhưng những người xu phụ cũng không ít. Tháng 3/1912, từ bí mật trở thành chính đảng công khai, mưu hoàn thành thống nhất hành chánh.


Đồng minh hội do nhiều hệ phái kết hợp thành, nội bộ từ lâu có tranh chấp. Cùng Đồng minh hội đối trì, phái lập hiến tình trạng cũng tương tự ; đại thể có thể chia thành 2 nhánh : hải ngoại và nội địa. Hải ngoại do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu lãnh đạo ; phái sau do Trương Tái, Thang Hoá Long, Tôn Hồng Y, Đàm Diên Khải làm nòng cốt. Trước cuộc cách mệnh vài năm, Hoa kiều hận triều Thanh ngoan cố chuyển sang đàn áp người Hán, nên lời hiệu triệu bảo hoàng của Khang, Lương mất tác dụng, khuynh hướng theo cách mệnh ngày một đông, khi quân cách mệnh khởi sự, số đông gia nhập Đồng minh hội. Lương Khải Siêu bảo rằng “ Đảng ta tại hải ngoại nay chỉ còn hai, ba phần trăm ” ; Khang vẫn theo bảo hoàng, riêng Lương chuyển sang cộng hoà. Đích thân Lương không trực tiếp tham dự tạo dựng dân quốc, nên nhất thời tỏ ra yếu hơn Trương Tái, Thang Hoá Long, nhưng thanh vọng trong phái lập hiến vẫn còn lớn.


Đầu tiên Chương Bỉnh Lân ly khai Đồng minh hội lập riêng một phái, vào tháng 1/1912 kết hợp với bọn Trương Tái tổ chức thành Trung Hoa dân quốc liên hiệp hội, sau đó đổi tên thành đảng Thống nhất. Tôn Vũ tại Hồ Bắc lập nên Dân xã, thanh thế cũng không nhỏ, tháng 5/1912 cùng đảng Thống nhất hợp thành đảng Cộng hoà, cử Lê Nguyên Hồng làm Lý sự trưởng, tại lâm thời Tham nghị viện, thường đối lập với Đồng minh hội, ủng hộ Viên Thế Khải. Chẳng bao lâu phái Chương Bỉnh Lân trở lại giữ tên cũ đảng Thống nhất, lập trường cũng không khác với đảng cộng hoà nhiều. Lại còn một nhóm khác ly khai từ Đồng minh hội, có liên lạc mật thiết với đảng Cộng hoà, được gọi là Thống nhất cộng hoà đảng. Ngoài ra còn có một số đảng hội khác như Thang Hoá Long, Lâm Trường Dân thuần tuý lập hiến phái lập thành Cộng hoà kiến thiết thảo luận hội và Cộng hoà thống nhất đảng của Tôn Hồng Y. Tổng kết lại không dưới 10 hội đảng, nhưng Đồng minh hội lớn nhất, kế đến Cộng hoà đảng.


Số đông tại phái lập hiến nhận thấy chủ trương của Khang Hữu Vi không hợp thời ; bèn suy cử Lương Khải Siêu làm lãnh đạo. Có hai khuynh hướng, hoặc liên kết với Viên Thế Khải, hoặc hợp lưu với Lê Nguyên Hồng ; Lương theo khuynh hướng trước, riêng Viên cũng muốn lợi dụng. Sau khi vua Thanh thoái vị được 2 ngày, Lương Sĩ Di phụng mệnh Viên Thế Khải đánh điện cho Lương Khải Siêu báo tin Viên có ý mời. Khi Viên được chọn làm Tổng thống, Lương gửi điện chúc mừng, rồi bàn đến vấn đề chính đảng ; cho rằng đường lối của đảng cách mệnh của Tôn Trung Sơn quyết không thể thoả hiệp với Viên, đối địch lại không thể đàn áp hoặc nhượng bộ ; duy chỉ có cách là tập hợp đảng lập hiến cùng một số người trong đảng cách mệnh để dùng ; Viên đáp rằng : “ Sách lược này rất đúng nhưng không dễ ”, hy vọng Lương trở về nước tiến hành. Phái lập hiến muốn dùng Cộng hoà kiến thiết thảo luận hội làm trung tâm, liên kết với các đảng không thuộc Đồng minh hội như Cộng hoà đảng, Thống nhất đảng, trên danh nghĩa Lê Nguyên Hồng lãnh đạo nhưng Lương Khải Siêu nắm thực quyền, tranh thủ sự chi trì từ Đô Đốc các tỉnh như Thái Ngạc, Đàm Diên Khải, Trình Đức Toàn. Vào tháng 6/1912 chính cục không yên, nhiều người muốn Lương trở về nước vận động ; thậm chí bọn Thái Ngạc, Trịnh Đức Toàn, Lê Nguyên Hồng còn muốn Viên Thế Khải đặc cách dùng Lương. Thang Hoá Long nhận xét rằng thời cơ đã đến, nếu Lương trở về nước có thể cùng hợp tác với Lê Nguyên Hồng, hoặc tập hợp các đảng hoặc lập đảng mới, khiến Đồng minh hội không dám khinh thường, và có thể lấy lại nội các từ Đồng minh hội.


Trong thời gian hội nghị tại Thượng Hải, thái độ của Đường Thiệu Nghi khiến Viên Thế Khải nghi ngờ. Sau đó Đường xúc tiến việc hợp tác giữa Viên và cách mệnh ; không những gia nhập Đồng minh hội, lại khuyên Viên xuống Nam Kinh ; Viên càng tin rằng Đường bị Tôn Trung Sơn kết nạp, nên có cách tính toán riêng ; bọn Dương Sĩ Kỳ, Dương Độ, Triệu Bỉnh Quân lại thừa cơ xui thêm. Tôn Trung Sơn cũng không có ý tranh hay dở với Viên, Tống Giáo Nhân chú tâm vào việc đảng trong nội các, nên có người gọi Đường Thiệu Nghi nội các là Đường, Tống nội các ; Đường không chịu nhất nhất tuân theo Viên, Tổng lại càng không dễ tương thuận.


Viên không quen nền chính trị dân chủ, những người phụ tá toàn là quan liêu cũ hoặc những chính khách kỳ thị với Đồng minh hội ; nên quan điểm giữa Viên, Đường xa cách mỗi ngày một sâu. Lúc đầu Đồng minh hội muốn mượn sức lâm thời Tham nghị viện để ngăn chặn chính phủ, khiến Viên không thể tự mình ra uy ban phúc. Từ khi đảng cộng hoà xuất hiện, Đồng minh hội mất quyền khống chế Tham nghị viện. Riêng Viên hiểu rõ rằng nhà Thanh sớm diệt vong vì địa phương mạnh triều đình yếu, nên càng chú trọng trung ương tập quyền. Lúc bấy giờ thế lực của Viên chỉ tại vùng Hoa bắc, đông bắc ; đối với các Đô đốc đồng minh hội tại phương nam không thể chỉ huy một cách dễ dàng, riêng các Đô đốc tại các tỉnh khác cũng không dễ bảo. Lưu thủ Nam Kinh Hoàng Hưng, chức cao quyền trọng, quyền như Tổng thống thứ hai, chẳng khác gì mũi nhọn sau lưng Viên. Lê Nguyên Hồng tại Hồ Bắc, nhờ sức người mà thành công, riêng đảng cách mệnh khí thế dương cao coi rẻ Lê, trong hoàn cảnh cô đơn Lê kết thân với Viên để tự vệ, riêng Viên cũng có ý lung lạc. Viên lấy danh nghĩa chỉnh đốn quân đội, mệnh các tỉnh tài giảm quân, không được tự do hành động xâm vượt. Lê thể theo ý Viên, chủ trương phân chia quân sự và hành chánh ra làm hai, các Đô đốc thuộc Đồng minh hội cực lực phản đối.


Mượn tiền không được là nguyên nhân chính triều Thanh phải thoái vị. Sau khi Viên được tuyển làm Tổng thống, nhu cầu về quân phí vừa lớn lại gấp, cần phải giải quyết ; ngân hàng 4 nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức bằng lòng sau khi nam bắc thống nhất cung cấp ; nhưng theo lời xin của Viên sẽ ứng trước một ít, với điều kiện trong tương lai việc vay mượn do ngân hàng 4 nước đảm trách. Viên lại xin ứng trước, ngân hàng đòi hỏi kiểm soát việc dùng tiền. Đường Thiệu Nghi cho rằng điều kiện quá hà khắc, bèn quay sang mượn ngân hàng Tỷ Lợi Thì. Công sứ Anh, Mỹ, Đức, Pháp chỉ trích thất tín, yêu cầu thủ tiêu việc vay và xin lỗi ; Đường bất đắc dĩ phải mượn ngân hàng các nước. Ngân hàng 4 nước lại đòi việc kê khai chi tiêu phải được họ chấp nhận, giảm bớt quân đội phải do võ quan ngoại quốc giám sát, Đường không thể đồng ý. Viên cho rằng Đường đem quá nửa số tiền mượn cho chính phủ Nam Kinh, tỏ ra bất mãn bèn sửa đổi lệnh, nên đối với Đường không hoà mục. Tổng trưởng tài chính Hùng Hy Linh thuộc phe Cộng hoà giao thiệp với ngân hàng các nước, tiền mượn tuy chưa thương lượng xong, nhưng đã có tiền ứng trước, bị Hoàng Hưng liên tiếp điện trách cứ về cách sử dụng ; riêng phe Cộng hoà thì tìm cách đánh đổ Đường, khiến địa vị Đường không yên. Lại xẩy ra vấn đề Đô đốc tỉnh Trực Lệ, thể theo lời đề nghị của Trực Lệ tỉnh nghị hội đưa Vương Chi Tường làm Đô đốc, Đường và Viên đều chấp thuận ; sau đó Viên đổi ý cử Vương xuống Nam Kinh lo việc giảm quân, nên Đường không chịu ký lệnh này. Qua nhiều mâu thuẫn, Đường cảm thấy không chịu nổi, bèn từ chức vào ngày 16/6/1912 rồi ra khỏi Bắc Kinh ; các thành viên Đồng minh hội trong nội các cũng tiếp tục rút lui.


Đảng Cộng hoà, đảng Thống nhất liên tục chỉ trích Đường xem thường chức vụ, chạy theo bè đảng, cần tổ chức siêu nhiên nội các 1 ; Viên bèn cử Tổng trưởng ngoại giao Lục Chinh Tường làm Tổng lý ; nhưng bị lâm thời Tham nghị viên phản đối, nội các viên đề cử lên bị phủ quyết. Quân cảnh Bắc Kinh đàn hặc Tham nghị viện không công bằng, Lê Nguyên Hồng trách tổ chức này phản bội tinh thần cộng hoà, yêu cầu Viên tiện nghi hành sự ; có lời đồn sắp giải tán Tham nghị viện. Tham nghị viện đành chiều theo hoàn cảnh, thông qua nội các Viên đưa ra lần thứ hai, đàn hặc Lục Chinh Tường, chấp nhận Triệu Bỉnh Quân thay thế.


Sau khi Tôn Trung Sơn đưa chức Tổng thống nhường cho Viên, dồn sức lo việc kiến thiết quốc gia, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa dân sinh, phát triển thực nghiệp, kế hoạch mở mang đường sắt. Hoàng Hưng cũng từ chức Lưu thủ Nam Kinh, để chứng tỏ không có ý cát cứ. Khi vấn đề nội các phát sinh, Viên mời Tôn Trung Sơn và Hoàng Hưng lên Bắc Kinh để giảm bớt mâu thuẫn. Đồng thời theo lời xin của Lê Nguyên Hồng, Viên triệu tập lên Bắc Kinh những thành viên cách mệnh có công nhưng đối địch với Lê tại Vũ Xương, như Phó ty trưởng Hồ Bắc quân vụ Trương Chấn Vũ, Đoàn trưởng tướng hiệu đoàn Trương Phương Duy, rồi đem giết đi, với tội danh “ âm mưu đen tối ” ; khi bị Tham nghị viện và Hoàng Hưng cất vấn trách cứ, Viên công bố điện xin của Lê Nguyên Hồng, nhắm gây mâu thuẫn sâu sắc giữa Lê và Đồng minh hội.


Tôn Trung Sơn vì toàn cuộc, vào hạ tuần tháng 8 lên Bắc Kinh, Hoàng Hưng tiếp tục lên theo. Tôn lưu lại kinh hơn 20 ngày, cùng với Viên đàm luận 13 lần, hy vọng Viên có thể làm Tổng thống chính thức, trong 10 năm luyện 100 vạn lục quân, khiến thiết 10 ngàn dặm đường sắt, Viên được trao toàn quyền kế hoạch. Để cho Viên được rảnh tay làm, Tôn, Hoàng đồng ý Triệu Bỉnh Quân ra giữ chức Tổng lý nội các. Ngày 25/9 Viên phát biểu 8 chính cương lớn, bảo rằng đã từng bàn bạc với Tôn, Hoàng và Lê Nguyên Hồng ; bao quát khai phóng môn hộ, luân nhập vốn ngoại quốc ; thiết lập thêm đường sắt, khoáng sản, xưởng thép ; đề xướng quốc dân thực nghiệp ; quân vụ, ngoại giao, tài chánh, tư pháp, giao thông, chủ trương trung ương tập quyền, kỳ dư chấp nhận địa phương quyền ; ra sức điều hoà ý kiến các đảng phái, thiết lập trật tự, để sớm được các nước thừa nhận và cho mượn tiền. Trong ngày giao Triệu Bỉnh Quân chức Tổng lý, thành phần nội các phần lớn thuộc Quốc dân đảng, đảng này do Đồng minh hội mới cải tổ lập nên.


Sau khi Đường Thiệu Nghi từ chức, Tống Giáo Nhân nhận định Đồng minh hội cần khuyếch trương cải tổ là nhu cầu bức thiết để chiếm đa số trong quốc hội, và ngăn trở kế hoạch lập đảng lớn của Lương Khải Siêu. Đảng Cộng hoà là địch thủ của Đồng minh hội, không thể liên hợp ; chỉ có cách là thống nhất tư tưởng với những cán bộ cũ của Đồng minh hội nằm trong Cộng hoà để thực hiện kính vỡ lại lành, khiến thực lực mạnh hơn. Sau khi được mở rộng thêm, Đồng minh hội đổi thành Quốc dân đảng ; sửa đổi chính cương như mưu quốc tế bình đẳng thành mưu hoà bình quốc tế, dùng quốc gia xã hội chính sách thành chú trọng dân sinh chính sách, đổi Tổng lý chế thành Lý sự chế, và bỏ điều nam nữ bình quyền. Ngày 25/8 chính thức thành lập Quốc dân đảng tại Bắc Kinh, ngoài Đồng minh hội, thành phần thuộc Cộng hoà đảng, còn có 3 đảng nhỏ khác tham gia ; Tôn Trung Sơn giữ chức Lý sự trưởng, Hoàng Hưng, Tống Giáo Nhân, Vương Sùng Huệ, Ngô Cảnh Liêm làm Lý sự. Ngoài ra còn có các Tham nghị như các Đô đốc Hồ Hán Dân, Quảng Đông ; Bách Văn Uý, An Huy ; Lý Liệt Quân, Giang Tây ; Diêm Tích Sơn, Sơn Tây ; Đàm Diên Khải, Hồ Nam ; Duẫn Xương Hoành, Tứ Xuyên ; nội bộ tuy có nhiều người quen với chính trị dân chủ Tây phương, nhưng cũng có một số thuộc chính khách quan liêu ; việc này do một tay Tống Giáo Nhân sắp đặt, nên Tôn Trung Sơn giao cho Tống thay mặt chủ trì.


Đồng thời với Đồng minh hội mở rộng thành Quốc dân đảng ; Cộng hoà thảo luận hội cùng các đảng như Cộng hoà thống nhất hợp thành Dân chủ đảng ; Lương Khải Siêu cho rằng có khả năng lập đảng lớn. Sau khi Viên Thế Khải cùng Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng hội họp ; Viên có ý định đem Lương vào phe mình để gây thanh thế. Tháng 10/1912 Lương từ Nhật Bản trở về nước, Viên dùng lễ trọng tiếp đãi, Lương tự cho rằng được hoan nghênh nhiều hơn Tôn, Hoàng gấp bội “ Trên có những nhân vật thuộc Tổng thống phủ, Quốc vụ viện tranh đến gặp, dưới thì nhân dân cả nước hoan hỷ như cuồng, tôi một thân như là trung tâm của Bắc Kinh ”, “ Đảng phản đối nằm yên, riêng hai đảng Dân chủ, Cộng hoà người người hô hào với ý chiến đấu…”. Lương cho rằng tiền đồ khí tượng rất tốt, có thể làm việc lớn như cải tổ nội các ; lời nói không khỏi tự cao, coi việc làm quá dễ.


Kết quả niêm yết tuyển cử quốc hội, đảng Dân chủ lác đác ít phiếu, Lương muốn tranh thủ địa vị trong nghị hội nên vào tháng 2/1913 phải gia nhập đảng Cộng hoà. Đến lúc Tống Giáo Nhân bị giết, Quốc dân đảng quy tội cho Viên và Lương, giấc mộng chính đảng lớn của Lương không thành. Viên càng không có ý định dùng Lương làm quốc vụ Tổng lý, mới bắt đầu biết rằng “ Sự thực khách quan và chủ quan, lý tưởng hoàn toàn không tương ứng ”. Nhưng Lương vẫn còn nuôi ý tưởng kết hợp các lực lượng, cho rằng phái bạo loạn (chỉ Quốc dân đảng) là “ hoạ nước kịch liệt ” là kẻ thù số một, phải tập trung toàn lực để chống trước ; rồi đến “ phái hủ bại ” (chỉ Viên) là kẻ thù số hai, tạm thời có thể mượn sức phái này, để chống phái kia. Lương chỉ trích Quốc dân đảng hoành hành kiêu kỳ như một thứ tân quý tộc, còn chính phủ Viên đứng về phương diện pháp luật là cơ quan của quốc gia cần duy trì. Ngày 29/5, trước lúc Viên chủ trương đối chọi với Quốc dân đảng bằng can qua, 3 đảng Cộng hoà, Dân chủ, Thống nhất kết hợp lại thành đảng Tiến bộ ; Lê Nguyên Hồng giữ chức Lý sự trưởng ; Lương Khải Siêu, Trương Tái, Ngũ Đình Phương, Thang Hoá Long, Tôn Vũ, Bồ Điện Tuấn giữ chức Lý sự ; các Đô đốc Trực Lệ, Phùng Quốc Chương; Vân Nam, Thái Ngạc ; Quảng Tây, Lục Vinh Đình ; Đô thống Nhiệt Hà Hùng Hy Linh, đều là Danh dự lý sự ; tuy nhiên thực sự Lương Khải Siêu đứng đầu. Trong khi Viên và phái Bắc dương đối chọi với Quốc dân đảng, Tiến bộ đảng trở thành thế lực thứ ba, nhưng thoả hiệp với Viên và phái Bắc dương ; Quốc dân đảng chủ trương chính quyền tại nhân dân, dùng nghị hội chính trị, địa phương phân quyền ; Tiến bộ đảng chủ trương chính quyền tại quốc gia, chính phủ trung ương phải mạnh, đó là sự phân biệt chính sách giữa hai đảng.




2. Quyết đấu vũ lực giữa Viên và Quốc dân đảng



Viên Thế Khải giữ chức Tổng thống không lâu, thì có thuyết nêu lên cần có cuộc cách mệnh mới ; sau khi nội các Đường Thiệu Nghi đổ lại có lời đồn rằng Viên sắp lập đế chế. Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng lên Bắc Kinh cũng không làm cho Viên hết nghi ngờ. Tháng 11/1912 nước Nga lập hoà ước riêng với Ngoại Mông Cổ, dân Trung Quốc khắp nơi phẫn nộ. Tôn Trung Sơn ngỏ ý muốn sang Nhật tìm đồng minh để chống lại Nga ; Tống Giáo Nhân cũng muốn sang Nhật vận động. Nhật Bản từ trước tới nay vốn không ưa Viên, nhưng có qua lại giao thiệp với Quốc dân đảng ; Viên sợ Tôn, Tống lợi dụng đối ngoại để chống lại, nên từ chối. Rồi Viên cử người cùng phe là Tào Nhữ Lâm sang Nhật, nhưng bị Nhật cự, càng làm cho Viên thêm nghi ngờ.


Nhắm tước đoạt quyền lực của các Đô đốc, Viên đặt chức Dân chính trưởng làm quan chỉ huy hành chính tại các tỉnh ; bị các Đô đốc thuộc Quốc dân đảng như Lý Liệt Quân tại Giang Tây, Hồ Hán Dân tại Quảng Đông phản đối. Tôn Trung Sơn kiến nghị chức này do dân tuyển, Viên quyết định phải do trung ương uỷ phái, đặc cách ban huấn lệnh cho các quân nhân, thống nhất chỉ huy. Sau khi viên Dân chính trưởng Giang Tây bị cự tuyệt, Viên quy tội cho Lý Liệt Quân chống lại trung ương, điều quân hạm đến Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây] doạ trấn áp. Phái Cộng hoà cũng nói Quốc dân đảng hướng Nhật Bản mượn tiền mua khí giới, mưu chia cắt miền đông nam ; Viên tuyên bố rằng đối với bọn không tuân luật pháp cần phải tiêu diệt. Lý Liệt Quân phản bác lại, trách trung ương ra uy bừa bãi ; tình trạng nội chiến sắp phát ra, nhưng nhờ sự điều đình từ các nơi nên cuối cùng tránh được.


Mối hận lớn nhất của Viên đối với Quốc dân đảng là tuyển cử quốc hội. Quốc hội có hai nhiệm vụ chính : thứ nhất là tuyển cử Tổng thống chính thức ; thứ hai là chế định hiến pháp. Tháng 8/1912 công bố cách tổ chức quốc hội, cùng phép tuyển cử Nghị viên ; rồi tiếp tục triển khai đua tranh. Quốc dân đảng thanh thế lớn, ra sức vận động ; không những chiếm được nội các, mà chức Tổng thống cũng là một vấn đề ; giả sử Viên trúng tuyển, thì bị quốc hội khống chế, cũng lâm vào hoàn cảnh bất lợi. Báo chí Quốc dân đảng nêu lên rằng trụ sở quốc hội trong tương lai phải đặt một nơi nào ngoài Bắc Kinh, mới có thể tận lực thi hành lập pháp ; nếu không vậy các Nghị viên “ một khi vào trong thế giới vũ lực của Viên, sẽ biến thành bù nhìn bằng gỗ ! ”, lại còn bảo không nên lập thủ đô tại Bắc Kinh. Tôn Trung Sơn nhân Nga lập điều ước riêng với Mông Cổ, cho rằng không thể không dời đô gấp. Viên cũng lập luận từ điều ước Mông Cổ, phát biểu ý kiến về hiến pháp cho rằng có khả năng phế trừ điều ước Nga, Mông Cổ hay không, thì hãy xem hiến pháp như thế nào “ Làm một hiến pháp yếu nước, mất nước ; nếu có thắng tôi trăm phần, cũng không thành công trong chiến dịch. Từ nay về sau nên vì toàn nước mà lập hiến pháp, không thể vì ngăn ngừa một người mà lập hiến pháp…”. Đối với địa điểm họp quốc hội, tháng 1/1913 Đô đốc Trực Lệ Phùng Quốc Chương gửi điện yêu cầu định rõ địa điểm tại Bắc Kinh và chỉ trích quốc hội tự tiện triệu tập, tự chọn địa điểm là sai lầm “ Tội này không thể không diệt… chỉ có cách là thi hành pháp luật quốc gia sau này ”. Nhìn chung tranh chấp giữa Viên và Quốc dân đảng đã đến hồi quyết liệt, ngầm trong đó đã có quyết định âm mưu đối phó với yếu nhân Quốc dân đảng.


Trung tuần tháng 2/1913 Tôn Trung Sơn từ Thượng Hải đến Đông Kinh, phát biểu diễn thuyết mong Trung Nhật hoà mục, mật đàm 2 lần với Thủ tướng Quế Thái Lang, cùng lập “ Trung Nhật đồng minh hội ”. Hai người bàn về Trung Quốc sau này, Quế Thái Lang nói cuối cùng Viên Thế Khải không phải là chính trị gia trung thực, kẻ địch của Trung Quốc, của Tôn Trung Sơn. Bây giờ tương tranh với Viên, chỉ vô ích lại tổn thất, cần đưa hết sức tạo thành tuyến thép, vùng lên nắm được chính quyền, Nhật Bản sẽ đem toàn lực trợ giúp. Vài ngày sau, Quế Thái Lang từ chức, Tôn tiếp tục hội đàm với tân Thủ tướng Sơn Bản Quyền Binh Vệ, vẫn mong Trung Nhật liên kết, hợp tác kinh tế. Viên đối với việc Tôn sang Nhật Bản, vốn đầy nghi kỵ ; người đảng Cộng hoà lại làm lớn chuyện cho rằng Tôn âm mưu ngoài phép tắc.


Trong vòng nửa năm trở lại, Tống Giáo Nhân hết sức bất mãn với Viên, nói rằng không tranh chấp được thua trước mắt, chỉ lo cho cục diện tương lai ; lại bảo rằng muốn cứu chính cục sa lầy, phải đợi quốc hội thành lập, cải tổ chính phủ. Lúc Tôn Trung Sơn công du Nhật, quốc hội công bố kết quả, Quốc dân đảng chiếm ưu thế. Tống Giáo Nhân cho rằng cục diện tương lai đã đến ; lại một lần nữa tại Vũ Xương, Thượng Hải diễn thuyết, chỉ trích chính phủ lần lữa, tội không thể tránh ; chỉ có thể dựa vào Quốc dân đảng để cứu vớt nguy nan. Quốc dân đảng Nghị viên nói rõ rằng không đánh đổ Viên, không thể định vững nền cộng hoà. Đầu tháng 3 tại Nam Kinh, Tống lại công kích chính phủ hiện tại về ngoại giao, nội chính, tài chính ; bảo rằng “ Trung Hoa dân quốc cơ sở bị động dao, do chính phủ ác hoá tạo thành ”, đợi đến lúc quốc hội chính thức thành lập, nội các do chính đảng tổ chức, hiến pháp do quốc hội định, địa phương cùng trung ương phân quyền, thủ tiêu chế độ quan lại hủ bại, Tổng lý quốc vụ do quốc hội suy cử, không phải do Tổng thống đề xuất, khiến chính phủ trở thành chính phủ của quốc hội. Lối phê bình bộc trực này, đối với một nước dân chủ là thường tình, nhưng với con người bảo thủ như Viên Thế Khải, Triệu Bỉnh Quân thì không chịu nổi. Hoàng Hưng ghét Viên ngang ngược, muốn nhân quốc hội chính thực thay đổi Tổng thống ; Chương Bỉnh Lân muốn suy cử Lê Nguyên Hồng, Tống Giáo Nhân cũng có ý kiến như vậy. Việc suy cử Lê đã có đính ước ; Viên, Triệu dò biết được, nên quyết loại trừ Tống.


Tháng 11/1912 Viên cảnh cáo Quốc dân đảng, phàm xướng xuất cách mệnh sẽ trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật. Triệu Bỉnh Quân xuất thân từ viên quan nhỏ, từng chỉ huy cảnh sát, quen tập theo lối hạ cấp, dưỡng đồ đảng để làm nanh vuốt. Sau khi quyết định loại trừ Tống ban hành được 3 ngày, Hồng Đạt Tổ, Bí thư của Triệu Bỉnh Quân, triệu tập bang hội Ứng Quỳ Thừa lên Bắc Kinh cấp cho số tiền lớn, mệnh ám sát thủ lãnh Quốc dân đảng. Khoảng tháng 2,3/1913 quốc hội triệu tập, đả đảo Viên Thế Khải rất mạnh. Ngày13/3 Ứng Quý Thừa gửi thư cho Hồng Đạt Tổ báo tin Tống tại Thượng Hải vận động quân đội, nếu không diệt trừ, tỉnh thế sinh loạn ; Hồng mệnh cấp tốc liệu biện. Ngày 20, Tống bị giết tại trạm xe Thượng Hải, trong 2 ngày điều trị không được, mất năm 32 tuổi.


Bất cứ ai cũng cho rằng Tống bị giết vì lý do chính trị. Trong vòng 3 ngày phá án, chứng minh Viên Thế Khải, Triệu Bỉnh Quân là chủ mưu. Ngày 25/3 Tôn Trung Sơn từ Nhật Bản vội trở về Thượng Hải ; chủ trương cấp tốc xuất quân, xuất kỳ bất ý có thể khống chế trước. Bọn Hoàng Hưng nhận thấy sức không đủ, chủ trương giải quyết bằng luật pháp. Số Nghị viên Quốc dân đảng trong quốc hội đạt khoảng bán số, hợp tác với các đảng khác, trước hết đem ra chất vấn đàn hặc, rồi vận dụng hiến pháp cuối cùng không cử Viên làm Tổng thống chính thức. Nhân bàn bạc không quyết kéo dài ngày tháng ; riêng Viên ở địa vị trung ương, binh phù tại tay, lại có nước Anh đứng đầu chi trì về tài chánh, bèn điều binh khiển tướng, tranh tiên quyết cùng Quốc dân đảng tranh cao thấp.


Tháng 6/1912 ngân hàng 4 nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức nhận được yêu cầu của Nga, Nhật, chấp thuận cho mượn tiền ; nhưng đừng trở ngại quyền lợi Nga tại bắc Mãn, Mông Cổ, Tân Cương ; quyền lợi Nhật tại nam Mãn ; ngân hàng 6 nước hợp lại tiếp tục đàm phán với Viên. Tháng 3/1913 Tổng thống Mỹ W. Wilson [Uy Nhĩ Tốn] cho rằng điều kiện cho mượn tổn thất quyền hành chính độc lập và môn hộ khai phóng của Trung Quốc nên tuyên bố tự ý rút lui ; như vậy ngân hàng 6 nước chỉ còn 5 nước. Ngày 27/4 chính phủ Viên không thông qua quốc hội đồng ý ký với 5 nước “ Thiện hậu đại tá khoản hợp đồng ” mượn số tiền 2.500 vạn bảng Anh, mỗi năm trả 5 % tiền lời ; Với con số 2.500 vạn trên giấy tờ, nhưng trừ đi số tiền các tỉnh mượn trước, và tiền bồi thường cho ngoại quốc trong cuộc cách mệnh Tân Hợi, nên thực sự tiền giao là 1.020 vạn bảng. Bảo đảm cho số tiền mượn là thuế muối, nên đặt Tổng thự diêm vụ, tại các xưởng muối đặt phân sở, do người ngoại quốc thẩm tra. Nước Mỹ tuy không tham gia cho mượn, nhưng vào ngày 2/5 thừa nhận chính phủ dân quốc, chẳng khác gì chính thức chi trì Viên Thế Khải về tinh thần.


Ngày 8/4/1913 quốc hội khai mạc, đảng viên Quốc dân đảng hoặc suy xét sự được mất, hoặc bị Viên mua chuộc nên không đem vụ Tống Giáo Nhân ra tranh cãi. Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng đòi nghiêm xét tội phạm, chỉ Triệu Bỉnh Quân chủ mưu ; Triệu vu ngược lại rằng Hoàng Hưng lập cơ quan ám sát. Đối với việc mượn tiền, Hoàng và các Đô đốc Quốc dân đảng đều kịch liệt phản đối trách chính phủ vi hiến, quốc hội cũng không thừa nhận. Tôn từng cảnh cáo các ngân hàng ngoại quốc, và khuyên nhân dân các nước ngăn cản việc cho mượn, nhưng đều vô hiệu. Đây là buổi khởi đầu thời Dân quốc, ngoại quốc nhúng tay trợ giúp nội chiến Trung Quốc.


Sau khi “ Thiện hậu đại tá khoản hợp đồng ” thi hành, Hoàng Hưng biết rằng không tránh được chiến tranh, nên có ý dùng quân chống lại Viên. Vào tháng 5, Chương Bỉnh Lân, Sầm Xuân Huyên trước sau đến Vũ Xương thuyết phục Lê Nguyên Hồng. Lê suy nghĩ từ việc Tống Giáo Nhân chết, sợ mối hoạ đến thân, lại kết oán với Quốc dân đảng quá nhiều, ngờ rằng Hoàng Hưng sẽ mưu đồ Hồ Bắc, nên quyết tâm dựa vào Viên ; Viên bèn điều quân đến Hán Khẩu. Các Đô đốc Tiến bộ đảng đều làm theo cách Lê ứng xử, khiến Viên càng tăng uy thế; đến như các Đô đốc Quốc dân đảng tại Sơn Tây, Thiểm Tây cũng gửi điện đả kích Hoàng Hưng. Sau khi Viên được ngân hàng ngoại quốc ứng tiền, bèn dùng Tổng trưởng lục quân Đoàn Kỳ Thuỵ làm Đại lý quốc vụ Tổng lý, đứng đầu nội các chiến tranh, hai lần kết tội cách mệnh âm mưu, nghiêm bắt đảng viên bị coi là nội loạn, triệt tiêu hàm Thượng tướng lục quân của Hoàng Hưng, bắt Nghị viên Quốc dân đảng. Bọn Phùng Quốc Chương 82 người công bố điện quyết dùng vũ lực đối phó với những người muốn lật đổ chính phủ ; Viên công khai tuyên bố nếu Tôn, Hoàng lập riêng chính phủ, sẽ dùng quân đánh.


Lãnh tụ Quốc dân đảng lúc này cầm quân cờ không định, chí khí không bằng hai năm trở về trước, chậm chạp rụt rè. Nhân tâm trong nước đối với Viên cũng không hoàn toàn tuyệt vọng, cho rằng Viên có kinh nghiệm năng lực ; Quốc dân đảng phản Viên làm loạn, chỉ là tranh chấp riêng về đảng mà thôi. Tổng thương vụ Thượng Hải hô hào hoà bình, nếu như ai khởi binh trước là kẻ địch của dân ; nhân sĩ Chiết Giang cùng các nhân vật nổi danh trong Quốc dân đảng như Uông Triệu Minh, Thái Nguyên Bồi cùng lo chạy vạy điều đình. Lãnh tụ Tiến bộ đảng Lương Khải Siêu cho rằng một khi trật tự bị phá tức mời liệt cường vào chia cắt, có chính phủ còn hơn vô chính phủ “ Cái hoạ của bạo lực chính trị còn dữ hơn bão lụt, mãnh thú ”. Tâm lý trong nước cẩu thả cầu an, Quốc dân đảng muốn tái diễn cuộc cách mệnh Tân Hợi, thực không có khả năng ; vả lại cũng không thể coi nhẹ Viên như triều đình nhà Thanh.


Ngày 9/6 Viên bãi miễn người chống đối đầu tiên là Đô đốc Giang Tây Lý Liệt Quân, Lý bèn bỏ đi. Tiếp đến truất phế Đô đốc Quảng Tây Hồ Hán Dân, Đô đốc An Huy Bạch Văn Uý, cùng những nhân vật tham dự chống Viên như Đốc biện đường sắt Việt-Hán, Xuyên-Hán Sầm Xuân Huyên. Lý Liệt Quân đến Thượng Hải, được Tôn Trung Sơn khích lệ, lại trở về Giang Tây. Vì Cửu Giang đã bị quân Viên Thế Khải chiếm, nên ngày 20/7 Lý Liệt Quân khởi binh tại Hồ Khẩu [Hukou], cách Cửu Giang 20 km về phía đông, xưng là Tổng tư lệnh quân Giang Tây đánh dẹp Viên. Cách mệnh lần thứ 2 chính thức bộc phát, Hoàng Hưng đưa Sầm Xuân Huyên làm chủ vùng Giang Tô nhưng không được, bèn vào Nam Kinh bức bách Đô đốc Trình Đức Toàn giành độc lập. Tiếp tục dấy lên có Thượng Hải, An Khánh [Anquing, An Huy], Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên].


Quân chủ lực của Viên Thế Khải chia làm 2 nhánh, dùng đường sắt Kinh Hán [Bắc Kinh - Hán Khẩu] và Tân Phố [Thiên Tân - Phố Khẩu] xuống phương nam, riêng hải quân sử dụng sông Trường Giang; chiến trường chủ yếu tại Giang Tây, Nam Kinh. Ngày 25/7 tại Giang Tây, quân Viên do Lý Thuần chỉ huy chiếm Hồ Khẩu, ngày 15/8 vào Nam Xương [Nanchang]. Ngày 1/9 Trương Huân chiếm Nam Kinh, Hoàng Hưng thua rút. Tại Thượng Hải Tổng tư lệnh dẹp quân Viên là Trần Kỳ Mỹ mấy lần đánh cục chế tạo, không hạ được, này 13/8 thất bại. Trần Quýnh Minh lãnh đạo tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông], ngày 4/8 binh biến, bị đuổi đi. Ngày 6/8 Bách Văn Uý tại An Khánh phải bỏ chạy. Ngày 12/9 quân Huỳnh Khắc Vũ tại Trùng Khánh, bị lực lượng thân Viên tại Vân Nam và Tứ Xuyên đánh dẹp. Tóm lại chỉ trong vòng mấy tháng, lực lượng cách mệnh tiêu trầm như mây khói; Tôn Trung Sơn và bộ hạ chạy sang Nhật Bản hoặc Nam Dương.




3. Quân chủ biến tướng : chế độ cộng hoà không quốc hội



Kết quả cách mệnh Tân Hợi, Viên Thế Khải giành quyền nhà Thanh ; tuy chiếm được trung ương và Bắc dương, nhưng thế lực của Viên chỉ gồm các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam. Qua cách mệnh lần thứ hai, đánh bại quân Quốc dân đảng, thế lực Viên khuyếch trương lớn ; dùng Nghê Tự Xung, Lý Thuần, Trương Huân, Thang Hương Minh, Long Tế Quang, Lưu Quan Hùng phân giữ chức Đô đốc tại các tỉnh An Huy, Giang Tây, Giang Tô, Hồ Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến. Trương Huân nhân tại Nam Kinh buông lỏng quân cướp đoạt, giết 3 người Nhật, khiến Nhật Bản nghiêm khắc kháng nghị, các nước Anh, Mỹ đều nhất trí chỉ trích ; nên Viên điều Trương giữ chức Trường Giang Tuần duyệt sứ ; dùng Phùng Quốc Chương thay thế làm Đô đốc Giang Tô. Phùng cùng Nghê Tự Xung, Lý Thuần thuộc hệ Bắc dương ; riêng Thang Hương Minh, Lưu Quan Hùng, Long Tế Quang là bè đảng của Viên. Đô đốc Vân Nam Thái Ngạc, trong cuộc biến chống Viên giữ thái độ trung lập, nên sau đó bị triệu vào kinh ; Lê Nguyên Hồng cũng bị cưỡng bách rời khỏi Hồ Bắc đến kinh đô ; Viên Thế Khải nắm hầu hết miền đông bắc, Hoa bắc, Hoa trung, cùng các tỉnh giáp biển tại đông nam.


Trong thời gian cách mệnh lần thứ hai, các Nghị viên Quốc dân đảng có kẻ sợ vướng hoạ rời khỏi kinh đô, có kẻ cầu an toàn cá nhân, có kẻ bỏ đảng theo Viên, tình trạng chia rẽ trầm trọng. Viên dùng Hùng Hy Linh thuộc đảng Tiến bộ làm Tổng lý quốc vụ viện, Hùng xưng sẽ thành lập một nội các có nhân tài và kinh nghiệm vào bậc nhất, nhưng trong nội các đã có 5 bộ : ngoại giao, nội vụ, lục quân, hải quân, giao thông, thuộc phe Viên. Đảng Tiến bộ có Uông Đại Biến giữ bộ giáo dục, Trương Tái bộ công thương kiêm nông lâm, Lương Khải Siêu bộ tư pháp ; riêng Hùng Hy Linh kiêm nhiệm bộ tài chính. Lương Khải Siêu muốn giữ chức Tổng lý quốc vụ viện, hoặc Tổng trưởng tài chánh ; nhưng Viên Thế Khải lấy cớ Lương “ chỉ có thể cầm bút làm văn, không thể giữ nhiệm vụ quan trọng của quốc gia ” nên giao cho bộ giáo dục, bộ này không quan trọng đến đại cuộc ; nhưng Lương kiên quyết từ chối, cuối cùng có sự dàn xếp để Lương nhận chức Tổng trưởng tư pháp.


Viên tạm dùng Hùng Hy Linh, để chứng tỏ rằng cũng chấp nhận chính đảng ; nhưng thực sự đây chỉ là giai đoạn quá độ, giúp Viên giành chức Tổng thống chính thức. Nhưng cần phải có hiến pháp trước rồi mới bầu Tổng thống, tuy nhiên định hiến pháp cần phải có thời gian. Viên không muốn kéo dài sợ có điều bất lợi, vả lại hiến pháp cũng chẳng ích gì cho tham vọng độc tài, nên chỉ muốn giành chức Tổng thống chính thức ngay. Trước đó vào tháng 5, vào thời gian phe Viên tàn phá Quốc dân đảng, Viên đã yêu cầu quốc hội tuyển Tổng thống trước, bảo rằng nếu không làm như vậy không dễ được các nước thừa nhận, địa vị dân quốc không được ổn định. Vào tháng 8, sau khi thắng lợi quân sự nắm trong tay ; Lê Nguyên Hồng cùng các Đô đốc liên danh yêu cầu quốc hội chế định hiến pháp trong đó có phép tuyển cử Tổng thống ; Tiến bộ đảng cũng cùng xướng hoạ với họ. Lúc này Quốc dân đảng Nghị trưởng Tham nghị viện Trương Kế đã bỏ đi, số Nghị viên đảng viên còn lại cũng không dám làm khác ; Nghị trưởng hai viện Tham nghị và Chúng nghị đều là người thuộc Tiến bộ đảng, công khai chủ trương lập Viên thành Tổng thống chính thức. Vào ngày 16/10/1913, hai viện Tham nghị, Chúng nghị họp để thông qua phép tuyển cử Tổng thống, rồi tiếp tục đầu phiếu ; bên ngoài thì quân cảnh và đám vô lại tay chân gọi là “ Công dân đoàn ” bao vây hội trường, đòi hỏi bầu xong mới cho ra ; qua 3 lần bầu cử, đến đêm khuya Viên thoả ước nguyện, làm Tổng thống chính thức. Hôm sau, Lê Nguyên Hồng trúng Phó tổng thống. Các nước Anh, Nga, Pháp, Đức, Ý, lập tức thừa nhận Trung Hoa dân quốc ; Tổng thống Mỹ W. Wilson gửi điện văn chúc mừng. Viên rất cao hứng, vào ngày 10/10 nhậm chức.


Viên Thế Khải không thích lâm thời ước pháp, nên mới nhậm chức được 6 ngày đã đòi hỏi quốc hội tu sửa ước pháp, để tăng quyền Tổng thống. Quốc hội lấy cớ đã hoàn thành bản cảo hiến pháp, không cần phải tu sửa ước pháp. Viên mật điện cho các Đô đốc, Dân chính trưởng tại các tỉnh, ra lệnh bài xích thành phần Quốc dân đảng trong uỷ viên khởi thảo hiến pháp đã soạn hiến pháp hạn chế quyền chính phủ, ảnh hưởng trị loạn mất còn của đất nước. Ngày 4/11 phát động chính biến, kết tội Nghị viên Quốc dân đảng làm loạn, giải tán đảng này, thủ tiêu tư cách Nghị viên quốc hội của đảng viên Quốc dân đảng. Từ đó quốc hội không đủ số quy định, không thể khai hội được ; Hiến pháp khởi thảo uỷ viên hội vô hình trung triệt tiêu. Một số Nghị viên quốc hội đem sự việc ra chất vấn, Hùng Hy Linh đáp rằng quốc hội hiện nay không có quyền. Về việc giải tán Quốc dân đảng, trong văn bản “ Giải tán Quốc dân đảng thông lệnh ” Viên Thế Khải nêu lên rằng :


“… Sách lược của Quốc dân đảng đại khái lấy danh nghĩa cải cách chính trị nhưng thực chất là tranh giành quyền lợi. Phàm khả dĩ thực hiện được dã tâm tuy diệt nước, mất giồng nòi, độc hại sinh linh cũng không từ. Phương pháp vận động của chúng, hoặc lấy lợi dụ, hoặc uy hiếp, hoặc lừa dối, khiến người trong nước tàn hại lẫn nhau ; còn riêng bọn chúng như thỏ khôn ranh, đào sẵn 3 hang để trốn tránh ! Về cách cổ động, hoặc dùng diễn từ, hoặc dùng báo chí tuyên truyền, điên đảo trắng đen. Lợi dụng một số thanh niên nhẹ dạ, gia nhập vào tổ chức, sẽ bị chúng bán đứng, phụ hoạ vào việc phiến động, đến chết cũng không giác ngộ. Những hành vi quỷ quái như vậy, ứng dụng vào cá nhân cũng không thể lập thân, huống hồ là trị nước !...”


Năm sau vào tháng 1/1914, hạ lệnh đình chỉ chức vụ Nghị viên, quốc hội chính thức giải tán ; Nghị hội tại các tỉnh cũng cùng chung số phận. Lương Khải Siêu từng khuyên Viên không nên quá áp bức Quốc dân đảng, mới có thể dùng quốc hội hiệu triệu thiên hạ, Viên không nghe, Tiến bộ đảng cũng đều bị tai ương như vậy. Dư luận bất mãn đối với Viên, lại trách đảng Tiến bộ và quy tội cho Lương Khải Siêu ; gọi chính phủ cộng hoà mà không có quốc hội, bắt đầu có từ Trung Hoa dân quốc. Việc giải tán quốc hội do Tổng thống ký, Tổng lý quốc vụ viện Hùng Hy Linh ký tiếp theo. Hùng từng khoe đứng đầu nội các có nhiều nhân tài, lại làm công việc đáng nguyền rủa như vậy, thực có trăm miệng cũng không biện minh được. Về bộ tài chính do Hùng kiêm nhiệm, lại gặp khó khăn bởi thứ trưởng Lương Sĩ Di nên không thi thố được gì ; rồi vào tháng 2/1914 Hùng và Lương Khải Siêu đành phải từ chức. Cuộc chính biến năm Mậu Tuất [1898], bọn Lương đã bị Viên Thế Khải bán đứng, nay Lương lại nếm thêm trái đắng một lần nữa !


Sau khi giải tán quốc hội, vào ngày 5/11/1913 Viên ra lệnh các tỉnh gửi đại biểu đến kinh đô hội nghị địa phương hành chánh, sau mở rộng ra thành Chính trị hội nghị ; dùng viên cựu Tổng đốc Vân Quý thời Thanh, Lý Kinh Nghĩa, làm Hội trưởng. Chính trị hội nghị quyết định đình chỉ chức vụ quốc hội, thành lập cơ quan tạo pháp, đặt tên là Ước pháp hội nghị ; cùng tu sửa ước pháp. Tháng 3/1914 cơ quan Ước pháp thành lập, Nghị viên tuy bầu nhưng thực chất do chỉ định sẵn, một đảng viên Quốc dân đảng biến tiết, Tôn Dục Quân, làm Hội trưởng. Ngày 1/5, cái gọi là Trung Hoa dân quốc ước pháp công bố, tức Tân ước pháp ; bãi bỏ lâm thời ước pháp năm dân quốc thứ nhất tức Cựu ước pháp. Tân ước pháp quy định Tổng thống cầm quyền chính trị ; Cựu ước pháp qui định Quốc hội, Tổng thống, Quốc vụ viện, Pháp viện hành sử trị quyền, giao cho nội các đảm trách. Tân ước pháp quy định cơ quan lập pháp là Lập pháp viện do Tổng thống triệu tập, lại có Tham chính viện để Tổng thống tham khảo ; Cựu ước pháp quy định Quốc hội tự triệu tập. Tân ước pháp quy định Tổng thống có quyền đặt quy chế cho viên chức, bổ nhiệm và bãi chức, tuyên chiến, nghị hoà, ký hoà ước ; cựu ước pháp quy định các điều nêu trên phải được quốc hội đồng ý. Tân ước pháp quy định Tổng thống được ban cấp tước vị, Cựu ước pháp không có điều này. Tân ước pháp quy định Tổng thống là Thủ trưởng hành chính, đặt Quốc vụ khanh phụ tá ; Cựu ước pháp quy định Quốc vụ viên phụ Tổng thống chịu trách nhiệm về hành chánh. Tân ước pháp quy định hiến pháp do Tham chính viện khởi thảo thẩm định, sau đó do quốc dân hội nghị quyết định ; Cựu ước pháp quy định hiến pháp do Quốc hội chế định. Tân ước pháp quy định trước khi Lập pháp viện thành lập, Tham chính viện thay đảm nhiệm chức quyền ; nói cách khác không định thành lập Lập pháp viện để Tham chính viện tiếp tục lộng hành.


Ngày Tân ước pháp công bố, phế bỏ Quốc vụ viện, tại Tổng thống phủ thiết lập Chính sự đường, dùng Quốc vụ khanh đứng đầu, dưới đặt Tả thừa và Hữu thừa. Từ Thế Xương làm Quốc vụ khanh, Dương Sĩ Kỳ, thân tín của Viên, làm Tả thừa ; Tiền Năng Huấn, thân tín của Từ, làm Hữu thừa. Tổng thống là Đại nguyên soái hải, lục quân ; đặt Đại nguyên soái thống biện sự xứ. Lại đặt Tướng quân phủ, triệt bỏ Đô đốc tại các tỉnh, chia đặt danh hiệu Tướng quân đốc lý quân vụ. Hành chính địa phương chia thành 3 cấp : tỉnh, đạo, huyện ; tại tỉnh cải Dân chính trưởng thành Tuần án sứ, Đạo đặt Đạo duẫn, huyện đặt Tri sự.


Quyền lực của Viên tuy khuếch đại đến cực độ, nhưng Viên vẫn chưa vừa lòng, còn muốn vĩnh viễn lưu đến con cháu sau này. Dưới quyền sai khiến có 73 Tham nghị viên do Viên chọn, phần lớn là quan liêu cũ mới ; Viện trưởng, Phó tổng thống Lê Nguyên Hồng. Tháng 8/1914 Tham nghị viên biểu quyết tu chính tuyển cử pháp, giao cho Ước pháp hội nghị thảo luận. Tháng 12 thông qua rồi ban bố nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm ; có thể kéo dài ra 10 năm, sau khi mãn nhiệm Tham chính viện có thể nghị quyết cho làm tiếp thêm một kỳ. Trong trường hợp tuyển cử, Tổng thống hiện nhiệm có quyền ứng cử, hoặc đề cử 3 người ra ứng cử. Tham nghị viên và Lập pháp nghị viên mỗi bên đem 50 người ra bầu tuyển Tổng thống. Viên không những độc tài, Tổng thống suốt đời, lại còn chỉ định người kế thừa, cách thức không khác gì Hoàng đế. Cố vấn nước ngoài về ước pháp, và tu sửa Tổng thống tuyển cử pháp là người Mỹ Frank J.Goodnow [Cổ Đức Nặc ] và người Nhật, Hữu Hạ Trường Hùng.


Không chỉ riêng nội dung, hình thức cũng đượm màu quân chủ. Chữ “ khanh ” trong Quốc vụ khanh ẩn dụ Tổng thống được coi như Hoàng đế. Các chức trong Tổng thống phủ như Tả thừa, Hữu thừa, Nội sử, Thừa tuyên ; cùng trật quan như Thượng khanh, Trung khanh, Thiếu khanh, đều là những chức quan dưới thời phong kiến. Thời xưa vua chúa mới được tế trời đất ; nay quy định tế trời do Tổng thống chủ trì, dùng khăn áo theo cổ, với nghi thức quỳ bái. Ngoài ra Viên chủ trương dùng lại những yếu nhân dưới thời nhà Thanh, như việc bổ nhiệm Triệu Nhĩ Tốn, Tích Lương, Lý Kinh Nghĩa, Bảo Hy, Lao Nãi Tuyên vào Tham chính viện ; hoặc Từ Thế Xương, Thái truyền dưới triều Thanh, nay giữ chức Quốc vụ khanh.


Hồ Bạch Thảo





1 Siêu nhiên nội các : chỉ nội các không thuộc hẳn đảng phái nào.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us