Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / VIÊN THẾ KHẢI CAI TRỊ ĐỘC TÀI / Viên Thế Khải cai trị độc tài (2)

Viên Thế Khải cai trị độc tài (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 30/10/2014 17:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Nga, Anh, Nhật mưu xâm lược [1912-1914]



Viên Thế Khải cai trị độc tài


Hồ Bạch Thảo


Chương 2

Nga, Anh, Nhật mưu xâm lược [1912-1914]



dott

Tổng lý nội các Nhật : Đại Ôi Trùng Tín
Nguồn : Wikipedia



1. Nga, Anh tìm cách chia cắt Ngoại Mông, Tây Tạng


Nước Nga từ lâu thèm muốn vùng đất Ngoại Mông, sau chiến tranh Nga Nhật ; Nhật thừa nhận quyền lợi Nga tại Ngoại Mông, nên sự dòm ngó càng thêm mãnh liệt. Triều Thanh không thể không thay đổi chính sách tiêu cực trong quá khứ, cho người Hán ra khỏi biên giới khai khẩn, Hán, Mông kết hôn. Đến năm 1909, số người Hán di cư đến Ngoại Mông không dưới 10 vạn người. Đồng thời Thanh triều cho thi hành một vài chính sách, đặt ra cơ cấu có danh mà không thực dụng, khiến quyền lợi của Khố Luân Hoạt Phật 1 bị xâm phạm, dân Mông Cổ phải gánh vác nặng thêm ; lợi dụng việc này người Nga xúi dục, Vương, Công hoạt Phật âm mưu chống đối. Nga chỉ trích Trung Quốc hành động tại Ngoại Mông trở ngại đến tình hữu nghị, cần phải đình chỉ ; nếu không sẽ trù tính cách đối phó. Lúc cách mệnh tại Vũ Xương phát sinh, chính phủ Thanh không còn sức dòm ngó đến phương bắc, người Nga nhận thấy đây là cơ hội chia cắt Trung Quốc. Ngày 30/11/1911 Phật sống Triết Bố Tôn Đan thứ 8 tuyên bố độc lập ; ngày 28/12 tự xưng Đại hoàng đế Mông Cổ. Tiếp tục nước Nga yêu cầu Trung Quốc không trú quân tại Mông Cổ, không thực dân, không can thiệp nội chính ; nếu cần cải cách phải được Nga đồng ý.


Sau khi dân quốc thành lập, Tôn Trung Sơn đề cao dân tộc bình đẳng ; Viên Thế Khải lấy điều lợi hại khuyên Ngoại Mông thủ tiêu độc lập ; Phật sống yêu cầu Viên thương lượng với nước Nga. Nga cũng chưa muốn Ngoại Mông phân ly với Trung Quốc lúc này, chỉ muốn bài trừ thế lực của Trung Quốc. Nhân thế lực của Ngoại Mông bạc nhược, trường hợp độc lập thì nước Nga phải gánh vác nhiều ; nếu chỉ nhìn không hỏi đến, thì thế lực Trung Quốc đối với Ngoại Mông sẽ gia tăng. Do đó giải pháp tốt nhất là Ngoại Mông tự trị, do Nga độc chiếm quyền lợi kinh tế ; tuy nhiên điều Nga lo là thái độ của Anh và Nhật Bản.


Trong năm 1912 Nga phân biệt lập mật ước với Nhật, Anh ; chia phạm vi Nga, Nhật tại Nội Mông ; đặt điều kiện giao hoán với Anh tại Tây Tạng. Cùng năm vào ngày 3/11, Nga ký điều ước Nga Mông hiệp ước với Ngoại Mông, nội dung Nga giúp Ngoại Mông tự trị, luyện binh, bảo vệ trật tự ; không chuẩn cho Trung Quốc phái binh đến hoặc di dân ; lại kèm theo Thương vụ chuyên điều cho người Nga tại Ngoại Mông hưởng các độc quyền như tự do cư trú, đi lại, miễn nạp thuế xuất nhập khẩu ; mở ngân hàng, bưu điện ; đặt tô giới, kinh doanh nông, lâm, khoáng ; hàng hành trên sông.


Qua thời gian giao thiệp, ngày 5/11/1913 Trung Nga trao đổi văn thư, nước Nga thừa nhận quyền tông chúa 2 của Trung Quốc tại Ngoại Mông, Trung Quốc thừa nhận quyền tự trị, không trú quân, không đặt quan, không thực dân ; chỉ gửi viên chức lớn cùng chuyên viên trú các nơi trong nước. Tháng 9/1914, đại biểu 3 nước Nga, Mông Cổ, Trung Quốc họp tại Tháp Khắc Đồ 3, nước Nga gây nhiều khó khăn nhưng Viên Thế Khải không dám tranh cãi. Ngày 7/6/1915 Trung, Nga, Mông hoàn thành hiệp ước ; Nga, Mông thương vụ chuyên điều tiếp tục hữu hiệu, Phật sống nhận sách phong của Trung Quốc, ngoại Mông thiết lập chính phủ tự trị, có quyền ký điều ước về công nghiệp, thương mại với các nước ; hạn định số viên chức lớn và chuyên viên đóng tại Ngoại Mông ; Trung Quốc đối với nước này chỉ còn hư vị tông chúa mà thôi.


Nước Anh đối với việc xâm lược Tây Tạng, cũng lợi dụng cách mệnh Tân Hợi, tái tục hành động gấp. Tháng 11/11 quân Tứ Xuyên tại Lạp Tát [Lhasa, Tây Tạng] gây biến, Đạt Lạt Ma thứ 13 được quân Anh giúp cho vũ khí, xui dục giáo đồ Tây Tạng vây khốn quân Tứ Xuyên, quấy nhiễu đến vùng Tây Khang [Xikang, Tây Tạng]. Năm 1912 Viên Thế Khải mệnh Vân Nam, Tứ Xuyên mang quân cứu viện, Tổng đốc Anh tại Ấn Độ cũng đưa Đạt Lạt Ma từ Đại Cát Lĩnh [Ấn Độ] trở về nước. Công sứ Anh tại Bắc Kinh kháng nghị Trung Quốc tiến binh, yêu cầu đừng can thiệp vào việc nội trị của Tây Tạng ; nếu không tuân sẽ không thừa nhận chính quyền Trung Quốc và đem thực lực giúp Tây Tạng độc lập. Chính quyền Viên lúc bấy nhờ nước Anh ủng hộ, nên ra lệnh đình hoãn tây chính, khai phục tước hiệu của Đạt Lạt Ma ; quân trú đóng tại Lạp Tát phải giao khí giới. Năm sau Đạt Lạt Ma và Phật sống Ngoại Mông đều xưng độc lập.


Anh sợ người Nga lợi dụng Mông Cổ đặt chân đến Tây Tạng để cấu kết với Lạt Ma thân Nga ; nên hy vọng cùng Trung Quốc sớm giải quyết việc Tây Tạng. Tháng 11/1913 đại biểu 3 phe Trung, Anh, Tạng họp tại Simla, Ấn Độ ; y theo đại biểu nước Anh AHMcMahon [Mạch Khắc Mã Hồng] yêu cầu, vào ngày 27/4/1914 lập tạm ước chia Tây Tạng thành 2 phần, Nội Tạng và Ngoại Tạng : phần phía nam Thanh Hải và phía tây Tứ Xuyên gọi là Nội Tạng ; phần phía tây và nam gọi là Ngoại Tạng, đặt khu tự trị. Trung Quốc không trú binh, đặt quan, thực dân ; chỉ có một viên quan lớn cùng Uỷ viên thương vụ nước Anh đóng tại Lạp Tát, mỗi bên đều đặt quân bảo vệ, Đạt Lạt Ma được Trung Quốc phong tước hiệu. Ngày 2/7 nước Anh ký chính thức điều ước với Đạt Lạt Ma, vạch giới tuyến Tạng, Ấn, mệnh danh là “ đường AHMcMahon ”; sau đó Đạt lạt Ma cho quân chiếm tận phía đông đến Tây Khang, Tây Tạng thực sự thoát ly Trung Quốc.




2. Nhật Bản mưu đồ Nam Mãn, đông Mông và Sơn Đông



Từ năm 1907-1909 Nhật, Nga hai lần ký mật ước, coi đất Mãn Châu như của riêng. Sau khi cách mệnh dấy lên tại Vũ Xương, Nhật Bản sợ tình hình lan ra đến Mãn Châu, nên một mặt bộ Ngoại vụ mệnh Sứ thần tại Nga bàn với nước này cách ứng phó ; một mặt sai bọn Xuyên Đảo Lãng Tốc cấu kết với Túc thân vương Thiện Duệ thuộc Tông xã đảng, xui Tổng đốc Đông Tam Tỉnh Triệu Nhĩ Tốn lập chính quyền Mãn Mông. Nhân Mỹ, Anh, Đức phản đối, muốn cho nam bắc Trung Quốc thống nhất ; nên mưu đồ không thành. Ngày 8/7/1912 Nhật, Nga ký mật ước lần thứ ba về giới tuyến lợi ích ; chia Nội Mông làm hai, phía đông thuộc ảnh hưởng Nhật, phía tây thuộc Nga. Từ đó Nhật Bản đem Nam Mãn, đông Mông hợp xưng là Mãn Mông, ra sức mưu khuyếch trương đường sắt, lũng đoạn kinh tế.


Đầu năm 1913 yêu cầu giảm thuế vận chuyển thông thương đường bộ từ Triều Tiên đến Mãn Châu, nhưng chưa toại ; đến lúc Viên Thế Khải quyết chiến với Quốc dân đảng bèn nhượng bộ, ngày 28/5 cùng Nhật Bản, đính lập Mãn, Tiên quốc cảnh thông thương thuế ước giảm quan thuế đến 1/3 ; mậu dịch Nhật Bản tại Nam Mãn được ưu tiên tuyệt đối. Trong thời gian cách mệnh lần thứ 2, Quốc dân đảng được Nhật Bản giúp, sau khi thất bại số lớn chạy sang Nhật, tiếp tục hoạt động đánh đổ Viên. Viên hy vọng Nhật đừng cho họ qua lại, và mong Nhật thừa nhận chính phủ, nên không tiếc giá phải trả. Nhật Bản thừa cơ hạch sách, đề xuất vấn đề đường sắt, Viên chấp nhận toàn bộ. Ngày 5/10 hai bên ký kết Trung Nhật Mãn Mông ngũ lộ vãn văn. Ngũ lộ tức 5 tuyến đường sắt gồm : Tứ Bình Nhai [Si Ping Jie, Liêu Ninh] ngược lên phía bắc đến Thao Nam [Taonan, Cát Lâm] ; từ Trường Xuân [Changchun] Cát Lâm, ngược tây bắc đến Thao Nam ; từ Khai Nguyên [Kaiyuan, Liêu Ninh] biên giới Trung Triều, đến Hải Long [Hailongzhen, Cát Lâm] ; từ Hải Long đến tỉnh thành Cát Lâm ; từ Thao Nam sang phía tây đến Thừa Đức [Chengde, Hà Bắc] ; tổng cộng 1.600 km. Năm tuyến đường này cùng với đường sắt Nam Mãn, An Phụng liên tiếp, tạo thành lưới đường sắt cho miền đông Mông Cổ, Nam Mãn, và biên giới Triều Tiên. Tháng 6/1914 tuyên bố nếu tại vùng Nam Mãn, đông Mông nhường cho nước khác xây dựng đường sắt, phải được sự chấp thuận của Nhật ; đương nhiên Nhật đã độc quyền khai thác vùng này.


Kinh qua Trung Nhật [1894], Nhật Nga [1904] chiến tranh, cứ 10 năm một cuộc chiến, lần nào Nhật cũng hưởng lợi. Lại 10 năm sau, Thế chiến thứ nhất xẩy ra [1914], Nhật cho rằng thời cơ đã đến, chuẩn bị gia nhập cuộc chiến ; chiếm lấy quyền lợi của nước Đức tại Thái Bình Dương và đông Á ; thanh ngôn đồng minh với Anh. Trung Quốc tự biết thế nguy, tuyên cáo các nước không được giao chiến tại lãnh thổ, lãnh hải, tô giới Trung Quốc, 3 ngày sau tuyên bố trung lập. Nhật Bản quyết định tiến quân vào Sơn Đông, chiếm Thanh Đảo [Quingdao] ; trách Trung Quốc không thương lượng trước để hạn chế chiến khu. Nước Anh lo thế lực Nhật Bản tăng cao, nguy cho địa vị, nên Công sứ Anh John Jordan khuyên Trung Quốc chiếm Thanh Đảo trước. Chính quyền Trung Quốc cũng có bàn luận rằng một mặt thương thảo với Đức, một mặt đem quân vây thu hồi Thanh Đảo để Nhật đừng chiếm. Nhưng Viên Thế Khải sợ đầu sợ đuôi, không dám thi hành ; trái lại còn mật ước nếu như Nhật không cho Quốc dân đảng đến nước này, sẽ không phản đối việc quân Nhật đổ bộ Sơn Đông.


Ngày 15/8 Nhật Bản gửi tối hậu thư cho Đức, yêu cầu quân hạm Đức rút ra khỏi biển Trung Quốc, giao Thanh Đảo cho Nhật. Cùng ngày thông tri cho Trung Quốc hãy tin tưởng ở Nhật ; nếu Trung Quốc có nội loạn, Nhật sẽ giúp bình định ; vấn đề Thanh Đảo Trung Quốc không nên tự mình xử trí, nếu không sẽ rước lấy hậu quả nghiêm trọng. Sứ quán Đức thấy cơ sự cấp bách có ý muốn giao hoàn Thanh Đảo cho Trung Quốc, từng đàm phán tại Bắc Kinh, lập tức bị Nhật Bản cật vấn. Sứ thần Trung Quốc tại Bá Linh cũng đem ra bàn, chính phủ Đức cho rằng Nhật Bản đã gửi tối hậu thư, thì không có gì để bàn thêm. Hơn nữa vận mệnh Thanh Đảo quyết định bởi chiến cuộc tại Âu Châu, Đức tin rằng sẽ thắng lợi. Chính phủ Bắc Kinh chuyển sang hỏi thái độ của Anh Mỹ ; Anh cho rằng việc Nhật Bản tham chiến đã thành định cuộc, nếu giao Thanh Đảo cho Đức, Nhật cũng không thừa nhận và có thể gây ra chiến tranh. Mỹ cho rằng Nhật Bản đã bảo đảm không có ý đồ chiếm đất, tương lai sẽ trả lại Thanh Đảo cho Trung Quốc, lại thanh minh không tổn hại lợi ích Mỹ tại Trung Quốc, nên vui lòng. Trung Quốc đề nghị tạm giao Thanh Đảo cho Mỹ tiếp quản, sau đó sẽ trả lại Trung Quốc ; nhưng Mỹ không muốn sinh ra chi tiết, bảo rằng không có năng lực liệu biện.


Ngày 23/8/1914 Nhật tuyên chiến với Đức, Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc dành cho phần đất phía nam sông Hoàng Hà để hai bên giao chiến. Ngày 2/9 quân Nhật đổ bộ tại Long Khẩu [Longkou, Sơn Đông], phía bắc bán đảo Sơn Đông, chiếm lãnh các thành trì xung quanh. Trung Quốc không làm gì khác được, đành chấp nhận cho quân Anh, Nhật, Đức giao chiến tại Long Khẩu, Lai Châu [Laizhou, Sơn Đông] và vùng kế cận Giao Châu Loan [Jiaozhou bay, Sơn Đông]. Nhật Bản giao chiến với Đức, tuy mượn tiếng đồng minh với Anh ; nhưng lý do không phải như vậy. Ngoại trưởng Nhật, Gia Đằng Cao Minh, nói rằng căn cứ minh ước Nhật không có nghĩa vụ tham chiến, nhưng đây là cơ hội để Nhật thăng cao địa vị. Tổng lý Đại Ôi Trùng Tín nói rõ thêm tham chiến để khuếch trương quyền lợi của Nhật.


Sau khi đổ bộ tại Long Khẩu, quân Nhật không chịu dừng tại vùng đất quy định, lấn sang phía tây nam vượt quá huyện Duy [Weifang, Sơn Đông], đi đến đâu thì lăng nhục quân dân, cướp đoạt của cải. Trung Quốc phản đối vì đã vượt quá vùng đất quy định cho hai bên giao chiến ; Nhật cho rằng đường sắt Giao Châu Loan - Tế Nam [Jinan, Sơn Đông] thuộc tô giới Đức, phải chiếm toàn bộ ; Trung Quốc cần rút quân dọc theo đường sắt, nếu không sẽ có xung đột vì bị coi là kẻ địch giúp quân Đức. Ngày 6/10 quân Nhật chiếm Tế Nam, Trung Quốc hai, ba lần kháng nghị ; cho rằng đã vi phạm quyền trung lập đến cực độ. Nhật Bản ngang nhiên trả lời rằng đó là điều tất yếu ; nước Anh cũng bênh, cho việc làm của Nhật đúng. Đương cục tại các tỉnh yêu cầu Viên nghiêm khắc giao thiệp, lệnh quân Nhật triệt thoái, nếu như không nghe sẽ có hành động tối hậu ; Viên ra lệnh trấn tĩnh. Quân Anh, Nhật 2 vạn người vây đánh Thanh Đảo, quân Đức 4 ngàn người chống cự trong vòng 40 ngày, đến ngày 6/11 phải đầu hàng. Sau khi chiến tranh kết thúc 1 tháng, Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản triệt binh ; lại 1 tháng sau, thủ tiêu khu vực đặc biệt hành quân tại Sơn Đông. Nhật Bản thanh minh rằng quân Nhật không chịu sự ước thúc ; rồi đề xuất 21 điều, khiến người Trung Quốc đều chấn hãi.




3. Hai mươi mốt điều đòi hỏi



Ngay sau khi Nhật Bản tuyên chiến với Đức, ngày 25/8/1914 Công sứ Nhật Trí Ích kiến nghị lên Ngoại trưởng Gia Đằng Cao Minh xin giao thiệp với Viên Thế Khải, nếu Viên chấp nhận kéo dài thời gian mướn 2 hải cảng Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh], Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh] trong vòng 99 năm ; cho người Nhật tại Nam Mãn, đông Mông cư trú, tự do kinh doanh ; mượn tiền Nhật xây dựng đường sắt Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây] - Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc] và đường sắt Nam Xương [Nanchang, Giang Tây] - Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Nhật sẽ đuổi quân cách mệnh Trung Quốc ra khỏi biên cảnh.


Vào ngày 29/10, Nội Điền Lương Bình, Thủ lãnh hội Hắc long tại Nhật hướng đến Nội các cùng Nguyên lão đề xuất Ý kiến thư về vấn đề giải quyết đối với Hoa nội dung càng thêm đầy đủ và thâm độc. Trong thư cho rằng hành động đối với Trung Hoa không chỉ riêng chú trọng vào việc đánh chiếm Thanh Đảo, cần nghĩ đến chiến lược lớn xa xôi, nắm chủ động chính sách ngoại giao, với thái độ quả quyết khiến Trung Quốc rơi vào lòng, thiết lập đồng minh giúp phòng ngự. Cụ thể gồm 9 điều :


– Trường hợp Trung Quốc có loạn hoặc bị nước khác xâm lăng ; Nhật Bản yểm trợ binh lực, duy trì trị an, bảo vệ toàn lãnh thổ.


– Trung Quốc thừa nhận đặc quyền địa vị tại Nam Mãn, nội Mông ; đem quyền thống trị nhường cho Nhật.


– Nhật Bản nắm giữ quyền lợi của Đức tại Sơn Đông, như đường sắt, khoáng sản.


– Trung Quốc nhường cho Nhật những cảng quan trọng tại Phúc Kiến, cùng giao toàn bộ quyền khai thác khoáng sản tại tỉnh này.


– Do người Nhật huấn luyện lục quân, hải quân.


– Thống nhất Trung Quốc quân giới do Nhật chế ; do Nhật Bản hiệp lực, đặt công binh xưởng tại các nơi trọng yếu.


– Chỉnh đốn tài chính Trung Quốc, dùng người Nhật làm cố vấn.


– Dùng thêm người Nhật làm cố vấn giáo dục, mở trường dạy Nhật ngữ tại các địa phương.


– Trung Quốc mượn tiền, hoặc nhường tô giới phải có sự đồng ý của Nhật.


Trong Ý kiến thư còn giải thích làm cách nào tạo nội loạn tại Trung Quốc, làm cách nào ứng phó với liệt cường. Do Viên Thế Khải ngoài mặt biểu hiện thiện ý với Nhật Bản nhưng trong bụng muốn dựa vào liệt cường để đối kháng Nhật Bản. Trước mắt nếu Viên không mượn được tiền liệt cường thì không có khả năng duy trì trật tự, kết quả Trung Quốc bị phân liệt. Vậy Nhật Bản không thể chỉ trợ giúp Viên mà thôi, nhân vì Viên giảo hoạt quỷ quyệt, hôm nay làm bạn với Nhật, nhưng một khi chiến tranh kết thúc có thể phản bội Nhật để chạy theo nước khác. Nhật Bản cần dụ dỗ đảng cách mệnh Trung Quốc, Tông xã đảng và các phần tử bất mãn với Viên, tạo nên nội loạn. Một khi chính phủ Viên đổ, Nhật sẽ chọn người tương đối có thế lực, thanh vọng, tổ chức thành chính phủ mới, trợ giúp khôi phục trật tự ; lúc đó dân Trung Quốc sẽ nghiêng lòng theo Nhật. Riêng việc Trung Quốc vẫn duy trì chính thể cộng hoà là điều chướng ngại đồng minh với Nhật ; bởi vậy cần đổi sang lập hiến, nguyên tắc này cần phải thi hành ; còn việc ai lãnh đạo quân chủ sẽ tuỳ cơ mà quyết định.


Đối với liệt cường, trước tiên hãy cùng Nga giải quyết địa vị Nhật tại Mãn Châu, Mông Cổ. Công nhận thế lực nước Anh tại sông Trường Giang và Tây Tạng, thì nước này cũng không phản đối chính sách của Nhật. Thế lực Pháp yếu, nên không đáng quan ngại ; riêng nước Mỹ có thực lực hải quân tại Viễn Đông, nhưng không xâm phạm đến quyền lợi của họ thì nước này cũng không gây khó khăn. Nói tóm lại Nhật Bản cần quyết định chính sách tại Hoa, không để cho người chỉ huy, phải chỉ huy người ; một lần ra tay thì độc chiếm bá quyền Viễn Đông, khống chế Trung Quốc. Ngoài ra còn có thư điều trần của lục quân Trung Nhật giao thiệp sự hạng giác thư, và Trung Quốc vấn đề xử lý đại cương của Tham mưu bản bộ.


Nội các Nhật căn cứ vào những kế hoạch nêu trên, ngày 11/11 soạn thành quyết nghị gồm 21 điều. Ngày 3/12 viên Công sứ Nhật Trí Ích được triệu tập về nước nhận lệnh, Ngoại trưởng Gia Đằng giao cho viên này, mệnh thừa dịp đề xuất. Ngày 4/12 Nhật Trí Ích trở lại Trung Quốc, ghé qua Sơn Đông, rồi đến Bắc Kinh họp với nhân viên Sứ quán để tu chính. Vào ngày 18/1/1915 Gia Đằng ra lệnh Nhật Trí Ích đem nguyên văn 21 điều trao tận tay cho Viên Thế Khải.


21 điều được chia thành 5 hiệu :


– Đệ nhất hiệu liên quan đến Sơn Đông. Trung Quốc chấp thuận cho Nhật kế thừa mọi quyền lợi của Đức tại tỉnh này ; không được nhường, hoặc cho các nước lập tô giới trên lãnh thổ tỉnh Sơn Đông ; đường sắt từ Yên Đài [Yantai, Sơn Đông] hoặc Long Khẩu đến Giao Châu Loan do Nhật Bản kiến tạo ; mở trung tâm buôn bán tại các thành thị.


– Đệ nhị hiệu liên quan đến Nam Mãn và đông Mông Cổ. Trung Quốc thừa nhận Nhật bản có quyền ưu việt tại đất này ; thời gian mướn hai hải cảng Lữ Thuận, Đại Liên, cùng quản lý hai tuyến đường sắt An Phụng, Nam Mãn kéo dài đến 99 năm. Nhật Bản có quyền mướn đất tại Nam Mãn, đông Mông để xây phòng xưởng công nghiệp cùng canh tác ; tự do đi lại vãng lai, kinh doanh công, thương, khoáng nghiệp. Nếu Trung Quốc cho phép các nước tại Nam Mãn, đông Mông xây đường sắt, hoặc mượn tiền họ xây đường sắt, hoặc dùng thuế để bảo đảm mượn tiền ; hoặc dùng làm Cố vấn chính trị, quân sự, tài chính, giáo dục phải được Nhật đồng ý. Giao cho Nhật quản lý đường sắt Cát Trường 4.


– Đệ tam hiệu : Trung Nhật hợp biện Hán Trị Bình công ty 5. Các mỏ khoáng gần 3 chỗ này, không cho người khác khai thác.


– Đệ tứ hiệu : không nhường các hải cảng và hải đảo của Trung Quốc cho các nước làm tô giới.


– Đệ ngũ hiệu liên quan đến toàn bộ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc nên mướn người Nhật làm cố vấn về chính trị, quân sự, tài chánh ; cảnh sát Trung Quốc do Trung, Nhật hợp biện, hoặc mướn số đông người Nhật. Quá một nữa số quân giới do Nhật liệu biện, hoặc Trung Nhật hợp biện công xưởng. Trung Quốc đồng ý cấp cho quyền đất đai để xây dựng y viện, chùa, trường học. Trung Quốc đồng ý cho Nhật xây các đường sắt Vũ Xương - Cửu Giang, Nam Xương - Hàng Châu, Nam Xương - Triều Châu. Nhật Bản có quyền ưu tiên đầu tư tại Phúc Kiến về đường sắt, mỏ khoáng, chỉnh đốn hải khẩu.


Ngoại trưởng Gia Đằng Cao Minh bảo rằng việc thực hành từ đệ nhất hiệu đến đệ tứ hiệu là tất yếu, cần dùng mọi thủ đoạn để quán triệt. Đệ ngũ hạng chỉ khuyến cáo rồi hẹn thời gian thực hiện.




4. Viên Thế Khải khuất phục Nhật



Viên Thế Khải biết rằng sự giao thiệp này rất quan trọng, nên bước đầu có những đối sách như sau :


– Thứ nhất, cố làm ra vẻ cường ngạnh để Nhật Bản có chỗ nể và được lòng nhân dân. Ngày 19/1/1915 Viên Thế Khải nói chuyện với viên Cố vấn quốc tịch Nhật của y là Phản Tây Lợi Bát Lang, bài xích Nhật cư xử với Trung Quốc như nước nô lệ, Trung Quốc quyết không làm một nước Triều Tiên thứ hai. Thứ trưởng ngoại giao Tào Nhữ Lâm lại bảo Nhật Trí Ích rằng yêu cầu của Nhật Bản khó có thể tiếp thu, tiếp theo Tướng quân tại các tỉnh liên danh phản đối.


– Thứ hai, đem nội dung tiết lộ ra ngoài, tạo thành dư luận để liệt cường chú ý, mong gây ảnh hưởng. Ngày 22/1 báo chí tại Bắc Kinh đăng các tin tức này, Công sứ Mỹ tại Bắc Kinh, P.S. Reinsch [Bính Ân Thi ] cũng biết được nội dung Nhật yêu cầu.


– Thứ ba, kéo dài thời gian để xem diễn biến. Ngày 27/1 thay đổi Tổng trưởng ngoại giao, dùng Lục Chinh Tường thay Tôn Bảo Kỳ.


Nhật Bản phá các mưu thuật của Viên, coi thường việc phản đối của các Tướng quân tại các tỉnh, nhưng lưu ý đến việc tin tức tiết lộ, liệt cường có thể can thiệp ; bèn cảnh cáo bộ ngoại giao Bắc Kinh chớ dùng kế giao hảo với người xa để tấn công kẻ gần, hãy đàm phán gấp.



Nhật Bản biết rằng Viên muốn lên ngôi vua gấp, nhưng còn sợ dân phản đối, đặc biệt là Quốc dân đảng ; nên sau khi đưa ra 21 điều bèn dụ dỗ bằng lợi và uy hiếp. Nhật Trí Ích biểu thị đảm bảo địa vị của Viên cùng gia đình an toàn, ngăn cấm đảng cách mệnh và du học sinh tại Nhật ; uốn nắn những hành động chống Viên của những người Nhật tại Trung Quốc. Rồi lại bảo rằng nhân dân Nhật Bản hoài nghi Viên, thường có thái độ phản cảm, ủng hộ thành phần cách mệnh chống Viên ; nay nếu hoàn toàn đồng ý những điều kiện đưa ra, chứng minh được thân thiện với Nhật, thì từ nay trở về sau gặp việc Nhật sẽ giúp đỡ ; nếu lần lữa nghi ngờ, sinh ra những điều không tốt, thì sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa. Ngoại trưởng Gia Đằng gặp mặt Công sứ Trung Quốc Lục Tông Dư tại Nhật, nói rằng kế trường cửu của Viên đáng hợp tác với Nhật. Trung Quốc hiện nay tuy trật tự tạm vãn hồi, nhưng tuỳ lúc cũng còn khả năng động loạn ; Viên nên khảo lự thêm, đối với chính thể cộng hoà có sự cải biến như thế nào cần phải “ tam tư ” 6 ; nếu do thay đổi thể chế dẫn đến cách mệnh thì sợ một mình Viên không liệu biện nổi. Tổng lý Đại Ôi nói thẳng rằng Trung Quốc thi hành đế chế, cũng giống như Nhật Bản, đáng hoan hỷ vui lòng. Báo chí Nhật Bản tuyên bố nếu Trung Quốc biểu thị lòng tốt với lân bang, thì không luận theo thể chế nào cũng được hoan nghênh. Với những lời như vậy khiến Viên không khỏi động tâm ; Khắc Định, con trai Viên, cũng nói rằng hy vọng Trung Nhật môi răng dựa vào nhau.


Lúc này Mỹ là nước lớn duy nhất chưa tham gia Đệ nhất thế chiến, Công sứ P.S. Reinsch điện cho Quốc vụ khanh W. J. Bryan [Bạch Lai An] rằng nền độc lập của Trung Quốc và khai phóng môn hộ bị uy hiếp. Nếu như Trung Quốc cự tuyệt 21 điều, Nhật Bản sẽ tạo ra biến loạn, rồi gây nên hành động quân sự ; nước Mỹ cần hợp tác với Anh để giải quyết. W. J. Bryan tỏ ra chần chừ, không đồng ý giải pháp tích cực của P. S. Reinsch. Tổng thống W. Wilson muốn W.J. Bryan lưu ý địa vị và ý hướng của Nhật Bản trước mắt, tạm thời chưa can dự vào đàm phán Trung Nhật.


Ngày 2/2 Trung Nhật bắt đầu đàm phán dưới sự thôi thúc của Nhật. Đại biểu Trung Quốc là Tổng trưởng Lục Chinh Tường và Thứ trưởng Tào Nhữ Lâm ; phía Nhật là Công sứ Nhật Trí Ích và Tham tán Tiểu Phiên Dậu Cát. Lục không rành về Nhật, Tào thuộc phái thân Nhật. Lúc đầu Trung Quốc chỉ chịu đàm phán về các hiệu đệ nhất, đệ nhị ; nhưng Nhật đòi hỏi phải đàm phán tất cả, nên mấy ngày sau mới đàm phán thêm các hiệu đệ tam và đệ tứ. Phía Nhật lại đòi hỏi thảo luận đại thể về đệ ngũ hiệu. Riêng đệ nhị hiệu, hai bên tranh chấp không ngã ngũ ; đến ngày đầu tháng 3 Nhật đe doạ rằng nếu trong thời gian ngắn không giải quyết xong sẽ nảy sinh bất trắc. Nội các Nhật quyết định ra quân, dùng 3 vạn quân đến Nam Mãn, Sơn Đông, Thiên Tân ; chiến hạm rong ruổi ngược xuôi tại biển Bột Hải [Bohai Sea] 7. Trung Quốc chịu khuất phục, nhưng vẫn từ chối thương lượng về đệ ngũ hiệu, ngày 17/4 giao thiệp đình đốn.


Nước Mỹ tuy tạm không can dự, nhưng cũng không bỏ qua việc giao thiệp giữa Trung, Nhật. Nhật Bản phủ nhận việc xâm hại lãnh thổ hoàn chỉnh của Trung Quốc cùng quyền lợi của các nước, bèn đem đệ nhất đến đệ tứ hiệu thông tri cho Anh, Mỹ. Nước Mỹ chú ý đến đệ ngũ hiệu, đối với các hiệu khác không phản đối hoàn toàn. Nhật Bản bèn bắt đầu báo cho Mỹ về đệ ngũ hiệu, và nhấn mạnh rằng chỉ “ thỉnh cầu ”, “ nguyện vọng ”, chứ không phải là “ yêu sách ”. Nước Mỹ thanh minh với Nhật rằng phải tôn trọng điều ước và quyền lợi của Mỹ ; thừa nhận đặc thù quan hệ của Nhật đối với Mãn, Mông, Sơn Đông, không phản đối yêu cầu tại Phúc Kiến. Trung Quốc xin nước Mỹ bảo Nhật Bản thu xếp. Vào trung tuần tháng 4, Mỹ nêu rằng những yêu cầu của Nhật trái với độc lập hành chánh và môn hộ khai phóng của Trung Quốc, nước Mỹ quyết không bỏ lợi ích tại Hoa. Nước Anh không bằng lòng việc Nhật Bản chưa báo cho biết về đệ ngũ hiệu ; hy vọng Nhật tôn trọng quyền lợi của Anh và nền độc lập của Trung Quốc, nhưng vẫn đồng tình Nhật bản khuếch trương tại Nam Mãn.


Ngày 26/4 Trung Nhật lại tiếp tục hội nghị, phía Nhật đề xuất tu chính án nhưng bế tắc vẫn chưa được khai thông. Anh, Mỹ có yêu cầu về đệ ngũ hiệu ; tiếp tục gây áp lực với Nhật. Nước Anh cảnh cáo đừng xử sự việc này quyết liệt với Trung Quốc, khiến trái ngược tinh thần đồng minh giữa Anh, Nhật ; nếu định dùng vũ lực phải hỏi ý kiến nước Anh trước. Mỹ bảo không thể cưỡng chế Trung Quốc khuất phục, cần thận trọng khoan dung. Nội các Nhật Bản y theo kiến nghị của viện Nguyên lão, cứu xét tước bỏ đệ ngũ hiệu. Vào 3 giờ chiều ngày 7/5 Nhật Trí Ích đưa thông điệp cuối cùng, hẹn lúc 6 giờ cùng ngày chấp nhận đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ hiệu ; riêng đệ ngũ hiệu liên quan đến sự việc tại Phúc Kiến, nếu bây giờ chưa phúc đáp đầy đủ thì đợi đến tương lai. Lúc này Nhật Bản hạ lệnh giới nghiêm, các báo chuyển luận điệu coi Viên Thế Khải như kẻ địch ; lại thanh ngôn rằng đã mật đàm với Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Ngọc Chương, Trương Huân, cùng kình địch của Viên là Sầm Xuân Huyên. Viên định nhượng bộ, Công sứ Anh John Jordan cũng khuyên tiếp thụ để tránh nguy cơ. Nhật Trí Ích đòi hỏi trong văn thư phúc đáp phải ghi chú rõ “ đệ ngũ hiệu sẽ đem ra bàn bạc sau này ”, Viên cũng theo đó thi hành. Vào 23 giờ, ngày 9/5 bộ ngoại giao đưa ra văn thư phúc đáp, chấp nhận từ đệ nhất hiệu đến đệ tứ hiệu trong 21 điều. Tin tức truyền ra, cả nước phẫn nộ ; tại Hồ Bắc, học sinh Bành Siêu viết huyết thư phản đối, rồi nhảy xuống sông tự tử. Chu Ân Lai, lúc bấy giờ mới 17 tuổi, là học sinh trường Nam Khai, thành phố Thiên Tân ; xuống phố diễn thuyết, hô hào toàn dân chấn hưng kinh tế, thề rửa mối nhục cho nước. Mỉa mai thay ! chính Viên Thế Khải cũng ra lệnh cho ngành giáo dục chọn ngày 9/5 để kỷ niệm quốc sỉ, đặt tên là Ngũ cửu quốc sỉ.


Ngày 11/5 nước Mỹ gửi chiếu hội cho Trung Quốc và Nhật Bản ; nếu như hiệp ước Trung Nhật gây tổn thất đến quyền lợi nước Mỹ và nhân dân Mỹ tại Trung Quốc, cùng chính trị, lãnh thổ hoàn chỉnh, môn hộ khai phóng tại Trung Quốc, thì Mỹ quyết không thừa nhận. Lại xưng rằng trong điều ước Trung Nhật, nếu quyền lợi người nước ngoài tại Trung Quốc thay đổi, thì Mỹ cũng được hưởng quyền lợi đó ; nội dung cũng chỉ là đòi chia chén xúp trong bữa tiệc. Vào ngày 13, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố với các nước đầu đuôi sự giao thiệp, bảo rằng Trung Quốc chấp thuận yêu cầu của Nhật Bản là điều chẳng đặng đừng ; nếu nhân đó mà ảnh hưởng đến việc liệt cường duy trì Trung Quốc độc lập, lãnh thổ hoàn chỉnh, bảo tồn hiện trạng, cùng quyền lợi quy định về công, thương trong điều ước với các nước, thì không phải do Trung Quốc gây nên ; nói một cách khác việc này do Nhật Bản cưỡng bách, chứ không phải là ý nguyện của Trung Quốc.


Ngày 25/5 Trung Quốc ký 2 điều ước, cùng trao đổi 13 chiếu hội, gộp lại được gọi là Trung Quốc tân ước, gồm :


– Thứ nhất : Trung Quốc thừa nhận Nhật Bản kế thừa mọi quyền lợi của nước Đức tại Sơn Đông, chấp nhận mượn tiền để xây đường sắt từ Yên Đài đến huyện Duy, mở thêm địa điểm thông thương tại Sơn Đông ; không cho ngoại quốc mướn đất đặt tô giới trong phạm vi tỉnh Sơn Đông cùng hải đảo.


– Thứ hai : Trung Quốc đồng ý triển hạn thời gian mướn các cảng Lữ Thuận, Đại Liên, cùng thời gian quản lý các đường sắt Nam Mãn, An Phụng lên đến 99 năm. Người Nhật tại Nam Mãn được mua mướn đất đai, cư trú đi lại, kinh doanh nông, công, thương nghiệp. Chấp nhận mở các địa điểm thông thương tại đông Mông, hợp lực với người Hoa kinh doanh nông, công, thương tại nơi này. Chấp nhận Nhật Bản lập xưởng tại Nam Mãn ; chấp nhận mượn tiền để xây đường sắt tại Nam Mãn, đông Mông. Chấp nhận tại Nam Mãn mướn các Giáo quan cố vấn về các lãnh vực chính trị, tài chánh, quân sự, cảnh sát.


– Thứ ba : Trung Quốc đồng ý cùng Nhật Bản liệu biện công ty Hán Trị Bình.


– Thứ tư : Trung Quốc không chuẩn cho nước khác thiết lập tại Phúc Kiến xưởng chế tạo thuyền, cơ sở hải quân, nơi cung cấp nhiên liệu than và các công trình quân sự khác. Đối với Trung Quốc hải cảng, hải đảo ; không nhường hoặc cho các nước khác mướn.


Cho đến lúc này phạm vi xâm lược của Nhật Bản chính thức khai triển đến Sơn Đông, Phúc Kiến, lưu vực sông Trường Giang, miền duyên hải và tăng cường thế lực tại đông Mông cùng Nam Mãn.




Hồ Bạch Thảo






1 Khố Luân Hoạt Phật : Phật sống tự xưng tại Mông Cổ.

2 Quyền tông chúa : tương tự quyền tượng trưng của vua Trung Quốc thời xưa đối với các lân bang, mà Trung Quốc gọi là chư hầu.

3 Tháp Khắc Đồ : thuộc lãnh thổ Nga, tại biên giới Mông Cổ.

4 Cát Trường thiết lộ tại tỉnh Cát Lâm, dài 127 Km.

5 Hán Trị Bình công ty : công ty chế sắt, tổng hợp 3 mỏ lớn : Hán Dương [Hanyang, Hồ Bắc], Đại Trị [Daye, Hồ Bắc], Bình Hương [Pingxiang, Giang Tây].

6 Tam tư : do thành ngữ “ Tam tư nhi hành ”, ý nói suy nghĩ nhiều lần rồi thi hành.

7 Bột Hải : vùng biển giữa Thiên Tân và hải cảng Đại Liên.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us