Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Võ Phiến với văn học Miền Nam

Võ Phiến với văn học Miền Nam

- Đặng Tiến — published 01/10/2015 15:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Mừng Võ Phiến 75 tuổi

VÕ PHIẾN
VỚI VĂN HỌC MIỀN NAM


Đặng Tiến



Sách, hễ thích thì viết ” , Võ Phiến đã mở đầu ngon lành như thế cho bộ sách Văn Học Miền Nam1, bảy cuốn tổng cộng 3230 trang, vừa mới được phát hành trọn bộ, lúc nhà văn sắp sửa tròn 75 tuổi. Cũng do nhà xuất bản Văn Nghệ chuyên in sách Võ Phiến, đã từng in Toàn Tập Võ Phiến 9 cuốn, chưa trọn bộ.

Cuốn đầu tiên là Tổng Quan in lần đầu năm 1987, tái bản năm 2000, có bổ sung, sửa chữa danh sách và tiểu sử của non bốn trăm tác giả. Sáu cuốn sau đã ra mắt từ cuối năm 1999 : ba cuốn dành cho bộ môn Truyện, một cho , một cho Kịch-Tuỳ Bút và một cho Thơ. Võ Phiến lần lượt trích tuyển tác phẩm và giới thiệu 50 tác giả Truyện, 22 tác giả Ký, 14 người viết Kịch và Tuỳ bút, cuối cùng là 32 nhà Thơ. Có người được trích hai lần vì đã sáng tác trong nhiều thể loại. Trong từng bộ môn, mỗi tác gia được trích tuyển một tác phẩm tiêu biểu, trừ thơ có khi được trích nhiều bài.

Văn Học Miền Nam gồm có những sáng tác văn nghệ được in ấn, xuất bản trong địa phận Việt Nam Cộng Hoà, từ 1954 đến 1975. Dụng tâm và dụng công của Võ Phiến là khôi phục lại một nền “ văn học bất hạnh ” đã bị chính quyền mới chính thức bôi xoá bằng cách thiêu huỷ, cấm lưu hành tuyệt đại đa số tác phẩm, bắt bớ, giam cầm hay treo bút một số tác giả; chính quyền mới xem đó là “ văn hoá thực dân mới ” “ nô dịch ”, “ đồi truỵ ”, ... đối lập với nền “ văn học cách mạng ”, “ văn học giải phóng miền Nam ”, với những Phan Tứ, Trần Hiếu Minh ... Sự phân biệt ấy, ngày nay, có bớt hằn học, nhưng vẫn tồn tại. Võ Phiến quyết liệt phản kháng tình trạng đó, mà anh xem như là một cưỡng chiếm văn học, một nguỵ tạo danh từ.

Một công trình biên khảo Văn học, trên nền tảng chính trị như thế, lẽ ra phải được cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ, đón tiếp nồng nhiệt. Nhưng dường như không phải như vậy ; dường như bộ Văn Học Miền Nam đã gây ở một đôi nơi, những phản ứng không thuận lợi trong “ dư luận ”, khiến tạp chí Văn Học2, thân cận với Võ Phiến, đã tạo cuộc phỏng vấn để Võ Phiến có cơ hội trả lời những “ dư luận ” thành văn hay bất thành văn. Sau khi bộc bạch suốt 18 trang báo, tác giả đã có lời tự nhủ :

Kiếp sau chớ khảo chớ bình
Làm cây dư luận chình ình giữa thế gian
Tha hồ quậy dọc quơ ngang

Sao đến nỗi có tình trạng nhưvậy ? Theo báo Văn Học thì “ dư luận ” “ công khai hay ở chỗ riêng tư ” bất bình về ba điểm:

1. Võ Phiến không khách quan khi chọn tác gia, và số bài thơ được trích tuyển,

2. Anh không công bằng khi phê phán người nọ kẻ kia,

3. Câu văn bông đùa không thích hợp với lý luận, biên khảo.

Võ Phiến sau khi giải bày hoàn cảnh biên tập khó khăn, đã trả lời bằng những luận điểm nghiêm túc. Nhưng nghiêm túc là để đối chất, tranh luận không nhất thiết phải phơi bày đúng tâm sự của người biên khảo. Văn chương không phải là chuyện hơn thua, nó khác với võ thuật.

Mục đích bài này là giới thiệu, thông tin, không đi vào chi tiết để phê phán : nếu có trao đổi ý kiến thì cũng chỉ dừng lại ở đôi nét đại cương.

*

Người đời thường sắp xếp sách vở theo thể lọai, mỗi thể loại có cung cách riêng. Bộ Văn Học Miền Nam không theo một thể loại nào, tác giả nói rõ ngay từ đầu :

Trước hết mình không phải là một nhà phê bình, nhà biên khảo gì ráo mà lại tự dưng xông ra làm công việc biên khảo phê bình là chuyên không nên ” (tr.17) . “ Nhưng khi xong việc, không khỏi ngẩn ngơ tự hỏi : cái đã viết ra đó là cái gì vậy ? ... Rõ ràng nó không xứng đáng là lịch sử, là phê bình gì cả (... ) chẳng qua chỉ có những nhận xét rất khái lược liên quan đến nền văn học và các văn gia một thời mà thôi. Thôi thì của ít lòng nhiều vậy ”. (tr. 31)

Khổ nỗi : lòng mình, người đời mấy ai đã thấy. Thấy rồi, mấy ai đã nhận. Người nhận có khi chỉ vì ngộ nhận, có khi vì cơn trái gió trở trời. Chỉ cần nói : “ Sách, hễ thích thì viết ” như lời khai từ, mà không cần câu nệ vào một hình thức, một thể loại. Có thể loại tạo ra tác giả, có tác giả làm nên thể loại. Võ Phiến là tác gia đã sử dụng tinh tường hầu hết các thể loại, nay tuổi cao sức yếu, anh viết ra cái gì, cái ấy tự nó là thể loại.

Tuy nhiên, anh cũng đã sáng suốt và từ tốn ghi nhận : “ Không phải chuyên gia khảo luận, bất quá mình chỉ có lấy cái kinh nghiệm của một người sáng tác mà bày tỏ dăm ba cảm tưởng về việc sáng tác và người sáng tác ” (tr. 506). Như vậy đã là nhiều quá, quý quá, chứ sao lại “ bất quá ” ? Lời chê trách chung là : Võ Phiến chủ quan. Thông cảm dễ thôi : đã viết văn thì khó khách quan ; đã là Võ Phiến thì lại càng không thể khách quan. Muốn loài người khách quan, ông trời sẽ không sinh ra Võ Phiến.

*

Trong thể tuỳ bút, Võ Phiến dành cho Vũ Bằng một chương rất hay. Có lẽ về Vũ Bằng, chưa ai đọc kỹ và viết hay bằng Võ Phiến. Được như vậy là nhờ chủ quan : viết về Vũ Bằng, vô hình trung, tình cờ và cao hứng, Võ Phiến đã gián tiếp nói về mình. Một nhân vật kịch của Ionesco đã đùa : bình giảng Shakespeare không ai sành bằng Shakespeare. Về tác phẩm Vũ Bằng, từ tình cảm, tư tưởng đến lời ăn tiếng nói, Võ Phiến viết như tự bạch. Phải chăng vì các nhà phê bình chuyên nghiệp xưa nay viết về anh chưa thoả đáng, chưa sâu sắc, nay anh phải “ tự truyện ” . Ví dụ về lối viết Văn Học Miền Nam, mà có người chê là “ tạp văn ”, chúng ta có thể áp dụng lời nhận xét của Võ Phiến về Vũ Bằng :

Vũ Bằng có văn phong riêng. Lời văn có khi khinh bạc mỉa mai, có khi bóng bảy kiêu kỳ, có khi lại giản dị, thân mật ; có chỗ ông thậm xưng, ngoa ngữ ; có chỗ ông vắn tắt, cụt lủn. Ông đùa nghịch đấy, ông thê thiết ngay đấy. Ông hư đấy, ông thực đấy. Có lúc ông bảo người này dại thì không phải thực ông muốn chê dại. Hoặc có khi ông nổi lên khen món ngon nọ cả thế giới không bì được, thì trong bụng ông không hề thực sự có cái ý suy tôn cao đến thế (...). Những ai muốn có một bảng xếp hạng nghiêm chỉnh sẽ cuống cả tay, không biết đường nào mà mò, mà so sánh (...). Tội nghiệp, ông là nạn nhân của chính ngay cái duyên dáng tài hoa của ông. Lại đáng thương nữa ” (tr. 2408).

Những nhận định trên đây có thể dùng lại nguyên con cho bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Duy mấy chữ “ tội nghiệp, đáng thương ” ở Võ Phiến là ngoa ngữ, có khi cần hiểu ngược ; ở tôi, chữ thực, tình thực. Tội nghiệp Võ Phiến quá, nhất là khi viết những dòng này, tôi nhận được báo Khởi Hành số mới, tưởng niệm Vũ Khắc Khoan, nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm, đã lên án bài viết của Võ Phiến về Vũ Khắc Khoan (mất năm 1986) là : “ lấy đề tài, cho sự dỡn bút, tựa như một anh bản chất quê kệch lại thích kể chuyện văn hoa, và tựa như thứ chuyện trò che miệng thủ thỉ phía sau một đám tang3. Thật ra, bài của Võ Phiến về Vũ Khắc Khoan viết đúng, hay và chí tình, hiềm vị bạn hiền (tôi nhấn mạnh ở chữ bạn hiền) Viên Linh hiểu ngược.

Cẩn thận và u hoài, tôi đọc lại Vũ Khắc Khoan và đã gặp câu này anh Khoan viết về tình bạn với Lê Quang Luật Y có thể đùa đùa giễu cợt. Mà tình thì thật sự chân tình4. Câu này lại có thể áp dụng vào nhiều trang trong Văn Học Miền Nam.

Những đoạn Viên Linh trích dẫn để chứng minh rằng Võ Phiến chê bai, mai mỉa Vũ Khắc Khoan, những câu ấy, đều có ý ngược lại, là ca ngợi Vũ Khắc Khoan. Ví dụ câu “ Viết truyện mà viết như ông đời nay không viết thế ” (tr. 2757) là câu khen “ vì ông viết kỹ ”. Câu sau “ văn ông như dịch từ truyện Tàu thuở nào ” cũng là lời ngợi ca tế nhị, riêng cho một cố nhân, thoắt một cái đã là người một “ thuở nào ”. Bằng cớ là trong cuốn dành cho thể loại Thơ, Võ Phiến lại có một chương cho Vũ Khắc Khoan và nói rõ “ Trong sách, ông viết cầu kỳ điêu luyện hơn hẳn thiên hạ. Cầu kỳ hơn nữa, ông đùa ông giỡn với chữ, ông bày ra những trò lộng ngôn lộng ngữ, người đời hiếm kẻ theo kịp ” (tr. 3219). Ít ai biết Vũ Khắc Khoan làm thơ, nhưng Võ Phiến trích những hai bài, với nhận xét “ Vũ Khắc Khoan không là thi sĩ bao giờ cả . Nhưng ông làm thơ thì hay ” (tr. 3220). Vậy là khen nhau qua mức rồi, còn gì nữa (nhưng sẽ mang ân oán giang hồ với những ai là thi sĩ mà làm thơ ... không hay !).

(Nhà văn Vũ Khắc Khoan với chúng tôi là chỗ cố tri, Võ Phiến biết điều đó, nên trong bài viết ngắn đã trích dẫn tôi đến 3 lần, và xếp tôi vào hạng “ bạn vong niên thân cận ”. Vì vậy tôi mạn phép có ý kiến vế sự “ ngộ nhận ” này. Ngoài ra, cũng muốn thông tin về một hiện tình, nhỏ thôi, trong báo giới Bắc Mỹ hiện nay. Tuy nhiên bài Võ Phiến cũng có chỗ cần được bàn luận. Tôi sẽ làm ở một dịp khác.)

Ngộ Nhận là tên một kịch bản của Vũ Khắc Khoan, mang âm hưởng một nhan đề của Albert Camus, Le Malentendu. Văn Học Miền Nam là một “ ngộ nhận ” từ tên sách. Ngày xưa, các sách cùng loại như thế được gọi là trích yếu, trích diễm, sử yếu, sử lược, gì đấy. Gần đây còn những chữ sơ thảo, lược thảo, khởi thảo... Tựa đề Văn học Miền Nam ôm đồm, đúng với tình cảm của tác giả muốn khôi phục cả một thực tại văn học, mà không đáp ứng lại những đòi hỏi phức tạp của độc giả.

Trên mặt lý thuyết người đọc mong đợi một bộ biên khảo từ chương, hàn lâm về một thời đại văn học ; về tình : họ đi tìm những kỷ niệm với tác giả nọ, bài thơ kia. Họ đi tìm ánh lửa mà thời cuộc và thời gian chưa dập tắt trong tâm thức. Đọc Võ Phiến, có người toại ý thì thế nào cũng có người hụt hẫng. Những kẻ chung tình ít khi được mãn nguyện. Nói văn học, là văn học nào ? Nói Miền Nam, là Miền Nam nào ? Miền Nam của Võ Phiến chưa chắc đã là miền Nam của Mai Thảo, nói chi đến độc giả chung chung. Những Đêm Màu Hồng chưa chắc đã thoả mãn kẻ đi tìm những Chân Trời Tím. Giá dụ Võ Phiến, thực tế hơn thêm vào chữ “ nhận định ”, “ quan điểm ” gì đấy thì đỡ búa rìu thiên lôi thiên tướng. Cái tựa đề gần với công trình Võ Phiến nhất là của ... Paul Claudel : Positions et Propositions (1928), tạm dịch là “ luận nghị và đề nghị ”.

Người đọc đòi hỏi một lối viết giáo khoa hơn, đã đành là câu nệ hình thức. Còn lý do tâm cảm : lối viết kinh điển sẽ trung lập hơn ; tác giả cần lánh mặt để độc giả thẩn thơ đi tìm cảnh cũ, người xưa. Độc giả Văn Học Miền Nam như chàng Kim khi trở về vườn Thuý, không gặp cả cô chị lẫn cô em, tạt sang hàng xóm tìm cô Nhã Ca cái thời “ Tay nhỏ che trời rét ” thì gặp phải ông cụ giữ vườn cà kê kể chuyện ở Nữu Ứơc, nhà thờ Riverside có 72 cái chuông lớn nhỏ đủ cỡ, như là angelus, knell, carillon, ...v. v. (tr.2998) thì không bực sao được ? Nước Mỹ có bao nhiêu thứ chuông thì ăn nhằm gì đến Văn Học Miền Nam ?

Ngày xưa sách Thi Nhân Việt Nam ăn khách vì Hoài Thanh giỏi marketing, khéo “ nhỏ to ” nói thay Xuân Diệu, nói giúp Lưu Trọng Lư, nói giùm độc giả về Tống Biệt Hành, thỉnh thoảng lắm mới lạm bàn về Màu Thời Gian, mà cũng chỉ vắn tắt. Ngày nay ông Ba Thê Đồng Thời cà rịch cà tang giảng giải Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, ông đếm được 80 trang mỗi trang 300 chữ, và đánh giá rằng “ Thanh Tâm Tuyền rất thông minh, năm 16 tuổi đã dạy học ” (tr. 1405) thì bảo người đọc không sốt ruột sao được ?

Chưa nói đến vấn đề gai góc, là thừa với thiếu : thiếu danh gia nọ đại gia kia. Thiếu Cung Trầm Tưởng, không sao. Tôi có dịp hỏi tác giả Lên xe tiễn Em đi, khi sách mới in ra, anh đáp ngay thẳng, hồn nhiên là không quan tâm, vì điều ấy không quan trọng. Nhưng thiếu Du Tử Lê là rầy rà : anh ấy đã từng được giải thưởng văn chương Toàn Quốc về Thơ năm 1973, có tên trong nhiều tuyển tập quốc tế. Hỏi đương sự cũng trả lời không quan tâm, nhưng giới ái mộ Du Tử Lê, nghe nói đông đúc lắm, thì bất bình. Tuyển tập các bài ái mộ Du Tử Lê đã phát hành đến cuốn thứ tư5 dày hơn 400 trang. Võ Phiến không một dòng, không xung thiên sao được ? Tuy nhiên những thiếu sót lớn lao như thế, nhìn dưới một khía cạnh nào đó, lại nói lên cá tính của Võ Phiến và đặc tính của tác phẩm.

Nhưng bên ngoài những phản ứng riêng lẻ nhất thời ấy, bộ Văn Học Miền Nam là một trước tác công phu và tâm huyết, một nguồn tư liệu thiết yếu, xuất hiện hợp tình hợp cảnh. Những văn thơ trích tuyển, nói chung, là những tác phẩm đánh dấu một thời đại : một thời của văn học hay một thời của Võ Phiến. Riêng cuốn I Tổng Quan là một biên khảo về xã hội học văn học miền Nam, linh động, phong phú, cụ thể và xác đáng. Trong văn học Việt Nam xưa nay không nhiều công trình như thế ; ký ức tôi chỉ ghi nhớ một cuốn là Văn Thơ Cách Mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX6 của Đặng Thai Mai, cũng về khoảng 20 năm văn học. Hai tác giả ở hai chân trời khác nhau và theo hai lập trường chính trị đối nghịch, nhưng cùng một quan niệm biên khảo và cùng một giọng kể chuyện cà kê dê ngỗng.

Cụ Mai, sinh thời danh cao chức trọng, mà cũng bị hậu sinh chê là “ phiếm luận salon ”, chữ ấy, thời ấy, ở Hà Nội, nặng lắm ! Bây giờ, mới đây, ai đó có chê Võ Phiến “ chỉ là tác giả tạp văn ” thì biết đâu, vô hình trung, đã tôn anh ngang hàng với ... với Lỗ Tấn.

Nhưng thôi, ta hồ văn chương chi sự ...

Một công trình biên khảo bề thế như Văn Học Miền Nam, từ một tác giả nghiêm minh, suốt đời tận tuỵ cho văn học như Võ Phiến, đòi hỏi những phân tích và thảo luận kỹ càng hơn. Chúng tôi có thể làm việc này nếu bạn đọc Diễn Đàn có yêu cầu.

Đặng Tiến

Orléans, Trung Thu 2000



Tái bút : Viết thêm cho bạn đọc Diễn Đàn số 100. Đọc Võ Phiến, có lúc bị tạp âm làm phân trí, phải bỏ cuộc, tôi đọc sang Truyện Tàu : đọc Chiến Quốc Sách, bản dịch, lời bàn của Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi. Hai cụ cho rằng những nhân vật Chiến Quốc, thời đó, không biết tổ quốc là gì, nhưng sẵn sàng hiến thân cho tri kỷ, như những Kinh Kha, Dự Nhượng. Lại chạnh nhớ những người bạn vong niên, người đã khuất bóng nơi Tần Lĩnh, người lận đận chốn Giang Nam, là hai ngài Vũ Khắc Khoan và Võ Phiến. Các vị ấy cũng là những con người Chiến Quốc gặp buổi Xuân Thu : Họ ghét Cộng Sản không bằng ghét tiểu nhân. Họ yêu chủ thuyết không bằng yêu tri kỷ.

(Vớ vẩn ngoài đề)

Chú thích

1 Văn Học Miền Nam, trọn bộ 7 cuốn. Nxb Văn Nghệ, California. Cuốn I : Tổng Quan, tái bản năm 2000. 6 cuốn trước in năm 1999, khổ 13x21 cm, mỗi cuốn 18 Mỹ kim. Từ 1991 đến 1995 đã có xuất bản rời rạc, khổ nhỏ 11x17 cm

2 Văn Học, tạp chí hàng tháng, California, số 169, tháng 5/2000, tr. 3-20.

3 Khởi Hành, tạp chí hàng tháng, California, số 47, tháng 9/2000, tr. 20, cột 1

4 Vũ Khắc Khoan, Đoản văn Xa Nước, Nxb An Tiêm, Paris, 1995, tr. 11

5 Du Tử Lê, Tác phẩm và Tác giả, HT Productions 2000, USA, 2000

6 Đặng Thai Mai, Văn Thơ Cách Mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, nxb Văn hoá, 1960, Văn Học 1964 và 1974, Hà Nội, 200 trang hàn huyên, và 200 trang trích tuyển.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us