…Hải Đường Dưới Đất…
…Hải Đường Dưới Đất…
Thái Kim Lan
Cây hải đường ở vườn bà nội tôi thuở ấy đứng trước bình phong nhà Từ đường họ ở đồi Hà Khê. Không biết nó đã ở đó bao lâu, lớn khôn ra làm sao, trong rét mướt mùa đông và nắng nồng mùa hè có than van vật vả như con người?
Chỉ biết khi tôi bắt đầu chạy chơi lúc thúc trong vườn, hải đường hình như đã…già, gốc sâu trong lòng đất. Ít có cây hải đường nào ở Huế lại có thân to như thế, to gần bằng thân cây bưởi nơi vườn hông tay trái. Mỗi lần đi rình chú ve kêu ra rả buổi trưa, tôi thường mất dấu chú khi lần theo tiếng đến bên gốc hải đường vì thân ve và đôi cánh mỏng lẩn với màu thân cây, lốm đốm vết trắng mốc và xanh rêu bạc, bà nội tôi gọi màu đời xưa. Cây hải đường có gốc xưa như đến từ một nơi hoang đường nào đó, chưa được viết trong cổ tích. Trong lòng bà nội, tôi thường mơ thấy hình hài của nó, không bằng chữ mà bằng những mũi kim thêu của những cung nữ hoàng cung không tên. Những nét thêu chấm phá thần tình đến nỗi vào một giờ bất định giữa trời và đất, hải đường thành nhánh, thánh lá thành hoa, mọc rể nơi chỗ trang trọng nhất trong vườn, nó bay xuống đất đứng trước bình phong…
Bước qua cổng trước, từ xa, khách đã thấy cây hải đường thay mặt chủ nhà chào đón. Dáng thẳng, không khom còm, không oằn ẹo mà trang trọng, quý phái và diễm lệ, cành cây mang những đoá hoa đỏ thắm tươi cuời, những đoá thật lớn úp cả bàn tay con nít, mỗi khi vào dịp xuân về Tết đến. Cây hải đường lạ, vì chẳng có ai trồng tỉa mà như được giáo huấn tươm tất cả cành lẫn lá. Cành cây toả ra đều đặn như đã hẹn nhau cân xứng quanh cây, từ gốc đến ngọn, cành đâm đều với lá, vót trên cao lá non chồi lên ở giữa, tạo đỉnh sang quý không ngờ. Cành cây từ dưới cứng cõi như những đốt xương, nhưng lên nửa chừng bỗng xanh màu lục đậm cùng với lá bảng to, có viền răng cưa, tựa lá hồng nhưng to, cứng cáp, rõ ràng, xanh thắm. Giữa hai ngọn lá đối xứng nhú lên một chúm môi hồng, căng nhựa, là hải đường đang mơ. Xếp đặt thế nào mà trông cây như được cắm trong một độc bình thật lớn, một bó hoa thiên nhiên.
Đón khách rộn ràng vào dịp Tết, khí trời ung dung mát, hải đường thảnh thơi kết lá đơm hoa. Nhưng ngày thường bốn mùa, đón gió, đón mưa, đón nắng thì nhiều, nhiều hơn bất cứ cây nào ở trong vườn. Gió sông Hương ùa vào cổng, khi dịu êm như một cái vuốt má, khi rát căm như chổi quất vào người. Nắng nung suốt cả mùa hè cháy bỏng lá cành.Gió mưa vô tình chi mấy, hải đường như đã thấm thía từ lâu, nó tập sao mà không ngã nghiêng, không bật gốc. Chống chọi với nắng cuồng, hải đường ngậm nắng, tích nắng vào lòng, trung kiên giữ nỗi đam mê nồng nàn với trời với đất. Có lẽ từ khối tình ấy mà hoa rực rỡ hơn đóa hoa nào trên thế gian chăng? Tháng 12, đông chí, hải đường se sắc lá chịu những cơn gió mùa, đẩm mình trong những chuỗi mưa lê thê, tưởng như đắm đuối não nề. Nào ai có biết, trong lúc người vật vã cây cỏ tái tê, ấy là lúc hải đường chớm những nụ đầu tiên, những nụ hoa cuộn chặt những cánh hồng đào bật lên như những đốm lửa, nghe có âm vang ấm áp ngày hè, tựa tiếng cười giữa hai bàn tay con gái đi trong mưa rào, não nùng dưới mưa mà chẳng hay! Mà như chưa thương cho kịp nét não nùng, thì đã bất ngờ “say vẻ ngọc” khi hoa lồng nắng xuân, lộng lẫy đến là “vương giả chi hoa”!
Nhưng đối với tôi, hải đường không vương giả theo kiểu dành ngôi hoa hậu, cũng không thần tiên, huyền thoại mơ hồ, mà hải đường là ở…”dưới đất”. Dưới đất có nghĩa không ở trên… trời… diệu vợi, nó nằm…trên đất. Điều đó thật, thật gần vì tôi đã từng ngắm, lượm hải đường trên đất vào những mùa hoa. Không như những loài hoa khác khi tàn, tơi tả rụng, hải đường vẫn giữ nguyên đoá khi rụng xuống nằm trên đất nâu còn sủng ánh sương long lanh. Hoa trên cành cao, không với đến được, chỉ có thể trầm trồ, hoa nằm trên đất tươi rói, rực rỡ mới là còn hơn. Mỗi buổi sáng mai, mắt chưa ráo ngủ, được ra vườn với bà, tôi thường chạy trước, bà đủng đỉnh đi sau, đến cây hải đường để xem hoa rụng bao nhiêu đoá, có nhiều hơn hôm trước không. Cảm giác như đang đi tìm…kho tàng mới mở của một ngày thức dậy. Đất nâu đơm những đoá đỏ hồng, bức tranh tuyệt đẹp làm ửng con tim, mấp máy niềm vui tiệc hoa trong ngày đang bày sẵn. Mùa hải đường là mùa…yến tiệc đối với bọn trẻ chúng tôi và của bà tôi: Mùa Đẹp từ hoa trên đất vang dội vào lòng.
Trước tiên là LÀM ĐẸP, này đưa má đây, thoa cho chút phấn lấy từ nhụy hoa. Nhụỵ hoa hải đường như một búp phấn của hãng Cô ti ngày xưa ấy, trên đầu mỗi sợi nhuỵ đều mang chấm phấn vàng, lấy nó thoa lên má…là thành người đẹp đấy. Cả lũ trẻ làm đẹp cho nhau dưới tàng cây khế và chúm chím cuời suốt ngày, tưởng mình là đẹp nhất với má phấn và hoa cài trên tóc!
Tiếp sau là ĂN ĐẸP nhé, cánh hoa hải đường dày thịt chứ không mong manh như hoa hồng, hoa sen, cắn vào là nghe chất thịt chan hoà trên lưỡi, có vị ngọt ngọt chua chua, không có ngọt nào, chua nào giống nó, ăn vào mát lịm như uống sương mai. Trên những ngọn lá chuối xanh, những cánh hoa chưng bày trông ĐẸP BẮT THÈM, phải cắn vào thôi. Tiệc hoa của lũ chúng tôi,- bà còn cho một nhúm muối mè đặt trên những lá mít càng làm nổi bật màu hoa- những đưa trẻ thời ấy chưa có đồ chơi bằng nhựa, bằng cơ khí như ngày nay,- thật mỹ hảo chưa từng với những chuỗi cười trong vắt.
Trong không gian lục xanh hồng thắm bóng hoa, nắng xuân Huế mê hoặc rải phấn trên sông núi cỏ cây mênh mang tô thêm vẻ yêu kiều, linh cảm hạnh phúc gắn liền với mỹ ý, với ý đẹp như luồng vào nhịp nhảy của dòng máu trong tim.
Mỹ cảm và hạnh phúc thật gần gũi biết bao, từ trực giác trẻ thơ, nhưng cũng từ con người chuyền hơi ấm, chuyền sáng tạo thẩm mỹ. Xuân chỉ là xuân khi xuân hoà điệu trong bàn tay con người. Những ngày tháng ấy, trong sự quây quần gia đình thưởng xuân ăn Tết, sẽ nhạt nhoà biết bao nếu không có những điểm nhãn trên mâm cỗ, trên khay mứt, trên những quả bồng bánh trái. Tác giả của nó là những vị nữ nhân công dung một thời. Bà nội tôi thường cho tôi những khám phá thích thú bất ngờ khi được tham dự buổi tiệc người lớn.
Buổi sáng trước khi dọn cỗ tất niên, bà nắm tay tôi ra vườn, hương cau còn nhoè hương mộc bay trong khí xuân, đến cạnh gốc hải đường, hoa đêm trước rụng điểm xuyết trên đất hoà cùng lá khô, tôi hau háu đếm hoa, bụng tở mở với trò vui sẽ có, thấy bà cũng nhặt hoa, cẩn trọng, vuốt từng đoá trên tay, múc nước mưa lọc sạch cất trong lu, rửa những cánh hoa lấm đất. Buổi trưa, tiệc bày, bụng đói mà mắt thì càng đói hơn bỗng bất ngờ được no: thật là thẩm mỹ những sợi hoa hải đường được thái mỏng bày chung trên dĩa dưa giá trắng ngần, chen lẫn lá kiệu xanh, màu hồng hải đường làm tăng vẻ đẹp của món dưa thanh đạm, ăn với thịt heo luộc và tôm chua, món đặc biệc của ẩm thực Huế.Về sau tôi không bao giờ thấy ở đâu có một dĩa dưa giá đẹp mà ngon đến thế. Sau này sợi cà rốt cũng được pha với giá làm dưa. Nhưng bài thơ ẩm thực mà bà tôi vẽ với những cánh hoa hải đường thì duy nhất trong ký ức thị và khứu giác của đứa trẻ. Hương hải đường theo với giá chua vẫn theo tôi từ dạo ấy dến nay.
Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên cần nhiều xúc cảm gần gủi, đầy tinh tế mà có lẽ những đấng nam nhi, hay các vị trưởng giả đôi khi tự cao về tài nghệ thưởng thức của mình lại phán quyết nông cạn như: ngoài điều “vương giả chi hoa” còn bồi thêm “hải đường hữu sắc vô hương”. Phân chia giai cấp phẩm chất của hoa từ nơi trà dư tửu hậu và khiếm khuyết nhạy cảm về mùi hương thật tội cho hoa. Hải đường không dậy hương ồn ào như những loài hoa khác mà mang trong mình thoáng hương của lòng đất, khí trời, sương trong, mưa nồng, gió thoáng, nắng hồng, không sàm sỡ mà kín đáo, hồn nhiên.
Hương hoa tự nhiên như mùi da thịt trẻ thơ. Không nồng nàn náo động khu vườn như hương bưởi, hương dạ lan, cũng không mê hoặc ngây ngất như hoa sứ, hoa nhài, hải đường êm ả mùi sửa đất lành, nhẹ hẩng mùi hạt sương vừa đậu trên cỏ dại. Về sau mới biết, tại sao Bà đã không can ngăn đám trẻ nhặt hoa hải đường cầm lên mũi hít, thè lưởi thử phấn hoa, bôi lên má và chúm môi cắn vào những cánh hoa dày thịt, như khi hít hương sen, hương bưởi. Hoá ra thoáng “vô hương” của hải đường lại là điều hay, bởi hải đường không gây một chút dị ứng nào cho đường hô hấp như một số hương hoa lừng lẫy khác, ngay cả hương sen, được xem là hương đạo, cũng có thể gây mê, làm ngạt thở, nhức đầu, gây dị ứng cho con người. Phải nhạy bén khứu giác và xúc giác mới nhận ra hương thầm lặng hồn nhiên của hải đường. Cho nên cánh và phấn hải đường đối với con mắt, xúc, khứu giác của người chăm cây biết rõ vừa đẹp vừa ngon cho các món ăn, dân dã mà sang trọng vô cùng.
Còn hơn nhà thơ chỉ dừng lại nơi sắc đẹp của hoa “hải đường mơn mởn cành tơ” , bà tôi đã đưa chất thơ của hoa nằm trong bàn tay và vẽ nên “cái đẹp” được cả đám hậu sinh tròn mắt mà nhìn, mà thưởng thức với cả ngũ quan.
Đối với tôi “hải đường dưới đất” hầu như là âm vang của một thứ hạnh phúc từ một thế giới vừa gần vừa xa, với thứ ánh sáng màu hoa ấm lòng. Sung sướng nhất khi nằm trong giường tre, trên chiếc chiếu cói vừa ấm vừa mát, quanh cây đèn dầu, cùng chung anh chị em đồng lứa, nghe tiếng nói cười của các bác các dì nội trợ làm bánh trái ở nhà sau, trong ánh sáng tù mù không soi hết gian nhà giữa, nghe bà kể chuyện cổ tích hay ngâm thơ Kiều, đến cái câu “hải đường lả ngọn đông xuân” là đã ngủ khèo…với cơn mơ những đoá hải đường ngày mai sẽ đón tôi trong sương mai.
Tín hiệu hạnh phúc đi cùng với thẩm mỹ và vẻ đẹp đất trời rõ nhất đến với tôi là ngày bà tôi mất, tháng tám âm lịch (tháng chín dương lịch) năm 1963. Trong thời gian này tôi bị giam giữ tại Ty cảnh sát Huế trong cuộc vận động của Phật giáo. Suốt hai tháng trời ngồi trong trại giam, chúng tôi có dịp nhìn lại tuổi trẻ của mình, nhận rõ hơn hoài vọng và khát khao lý tưởng thành nhân, gầy dựng một cuộc sống có ý nghĩa với trái tim thanh xuân nóng hổi tin yêu và hi vọng. Hình như nơi chân trời đàng xa, trên nẻo hoài vọng tương lai còn chưa định ấy, hửng chút hồng ánh sáng màu hoa cùng với linh cảm hạnh phúc đơn sơ thuần hậu còn lưu vị “ĐẸP” dưa giá một ngày xuân ấm.
Ngày tiễn đưa bà, tôi được cho phép (đầy thông cảm và nhân ái) về dự đám tang nhưng tiếc thay không được nhìn mặt bà lần cuối.
Cùng với bước tiễn đưa đến căn nhà vĩnh viễn của Bà là những đoá hải đường thêu trên đất mà tôi đã nhặt được và cất trong hồn qua bao mùa xuân thơ dại và những cái Tết Mỹ Hạnh của tuổi thơ.
Đến nay những đoá hoa ấy,- dù cây hải đường xưa không còn trên đất cũ,- vẫn “ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng” như hạnh phúc không tuổi,- giấc xuân với nhiều nếp cổ tích gia phong,- trở nên đích đến của đời người một lần chợt thấy và nhớ hoài đốm hồng thiện, mỹ…
Thái Kim Lan
Huế, mùa hoa hải đường, 22/01/2013
(Phần cuối của Hồi ký “Phượng trên trời, Hải đường dưới đất”)
Các thao tác trên Tài liệu