Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đi tìm cái tôi đã mất (2)

Đi tìm cái tôi đã mất (2)

- Nguyễn Khải — published 05/05/2008 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT (2)


(Tuỳ bút chính trị - 2006)

Nguyễn Khải


7.


Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế. Vì trong hàng triệu công dân sẽ có nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng với nhà cầm quyền. Họ trở thành những cộng đồng đáng ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đó là nói về tầng lớp trí thức. Còn những người làm các nghề khác, chả dính dáng gì đến sách vở cũng sẽ cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền tự do, như quyền tự do lựa chọn cách sống của riêng mình chẳng hạn. Đã độc quyền về tư tưởng tất nhiên sẽ độc quyền cả về cách sống, vì mỗi học thuyết đều có phần đạo lý của nó, nó cần tiêu chuẩn làm người đã được lý tưởng hoá của nó để làm khuôn mẫu cho tu sĩ và tín đồ. Tôi có một bà cô sống ở Hà Nội suốt thời Pháp tạm chiếm, là dân cũ của Hà Nội, sau này giải phóng được một năm, bà than thở với tôi, nghĩ rằng sống với cách mạng thì dễ mà hoá ra rất khó. Bà bảo chính phủ gì việc lớn không lo toàn lo việc vặt, từ cách ăn mặc, cách yêu đương, cách nuôi dạy con cái là những việc người dân tự biết cách lo, tự biết cách học, lo không nổi thì đã có dư luận xã hội lo giùm, từ cổ tới nay vẫn thế mà. Lại nói về những tín đồ trung thành của chủ nghĩa Mác, những chiến sỹ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sỹ chúng tôi cũng “ sống không dễ ” trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề : căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh : công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu : đỏ là quân ta, đen là quân địch. Văn chương cách mạng thoạt đầu cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh. Nhưng cứ phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc, một vài loại người quen thuộc và những tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán. Chính chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới xoay lui cũng chỉ có một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm cũng là phải. Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa. Ấy là chưa nói mỗi cấp cầm quyền lại có những yêu cầu riêng, những cách đối xử riêng, lúc nhu lúc cương, cái thằng nghệ sĩ chả còn biết lối nào mà lần. Văn chương đã đến nông nỗi ấy mà vẫn có giải thưởng quốc gia, nhưng những tác phẩm được giải thưởng Lenin, Stalin liệu có còn cuốn nào được người Nga hôm nay muốn đọc lại. Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh viễn, có hoạ rồ ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến, ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra. Hãy viết những gì trong cái tầm nhìn tầm nghĩ của con sâu cái kiến vậy. Một cách nghĩ thiếu “ tự hào dân tộc ” nhưng chắc chắn là một cách nghĩ đúng. Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi ! Mà rồi sao nhỉ ? Là như mỗi chúng ta đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy !


8.


Nhà văn Dư Hoa [Yu Hua, 余华, chú thích của DĐ], một cây bút đang nổi của văn đàn Trung Quốc, trong lời cuối sách của tiểu thuyết Huynh đệ (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2006), ông có viết đại ý, trong lịch sử thế giới từ thời Trung Cổ đến thời hiện đại phải trải qua 400 năm. Còn ở Trung Quốc từ thời cách mạng văn hoá, cả đất nước chìm sâu trong bóng đêm trung cổ với thời bấy giờ với bao nhiên thay đổi đến chóng mặt để đất nước Trung Hoa nhanh chóng bước vào đội ngũ các đại gia của G8. Cái khoảng cách vời vợi giữa hai thời đại ấy đã được rút gọn trong có 40 năm. Rằng hay thì thật là hay nếu chỉ nhìn vào toàn cục, vào cả dân tộc. Nhưng nếu nhìn vào từng cá nhân, những cá nhân không được chuẩn bị từ căn cơ trong lịch sử, trong văn hoá, trong truyền thống và nhất là trong nhân cách làm người thì cái rút gọn trong mỗi cá nhân sẽ dẫn tới đâu ? Theo ý tôi (N. K.) là các cá nhân ấy sẽ rất dễ bị GÃY khi gặp phải sóng to gió lớn. Vì cái lõi của nó chưa đủ cứng, chưa đủ bền, chưa đủ những tố chất về di truyền, về giáo dục (rất cần có thời gian) để ứng phó hữu hiệu với những thay đổi quá nhanh của môi trường sống. Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào. Và càng lạ hơn là những tổ chức kinh tế được xem là lạc hậu, là phản động của một thời vẫn có muôn vàn cơ hội để tái sinh và xem ra còn tồn tại rất lâu dài.

Trong những năm 90 của thế kỷ 20 nhiều vị lão thành cách mạng Việt Nam lấy làm kinh ngạc và đau đớn trước sự tiêu vong quá nhanh của một siêu cường mà chân móng của nó đã ăn sâu trong mảnh đất Nga non một thế kỷ. Thật ra toà lâu đài kiểu mẫu của tương lai ấy không hề có chân móng. Nó được xây trên cát. Mọi thay đổi lớn đều dựa vào phong trào quần chúng được hình thành, được vận động chỉ bằng có tuyên truyền chứ không từ nguồn lực tự thân. Tất cả đều phải ép buộc, đều phải dàn dựng, và phải có các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn theo một kịch bản độc nhất. Có hai nhà văn lớn của Châu Âu đều được mời xem màn diễn về một xã hội lý tưởng do người cộng sản lãnh đạo. Ông Romain Rolland thì khen không hết lời, còn ông André Gide thì chê từ đầu đến cuối. Vì một ông chỉ nhìn có cái mặt tiền, cái tổng thể, đến đâu cũng thấy dân chúng ca hát, nhảy múa và vẫy cờ, vẫy hoa. Còn một ông lại chỉ quan sát cái sân sau của chế độ và thân phận của nhiều cá nhân ông có dịp tiếp xúc. Đám đông thường cho ta cái cảm giác sai vì họ không thể giữ được tính độc lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng tư của họ bao giờ cũng thuộc về nhân loại hôm nay và mai sau.

Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng. Các quốc gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh em là đồng chí, nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui vẻ. Vậy mà khi họ chia tay nhau cũng dửng dưng. Và ngay lập tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước mình đã bị người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác không công bằng. Thế là bắt đầu những cuộc tranh chấp các đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến xe tăng, đại bác để nói chuyện. Rồi tranh chấp đường ống dẫn dầu và các mỏ dầu, các căn cứ quân sự và các vùng biển có hạm đội. Khi Mỹ và NATO muốn đặt căn cứ quân sự trên đất nước họ, nhân danh chống khủng bố họ gật đầu liền đâu biết Mỹ là đối thủ của nước Nga anh em. Yêu Mỹ là tất nhiên vì Mỹ sẽ rót tiền vào những cái két rỗng của họ. Ghét Nga cũng là lẽ đương nhiên vì xưa kia anh bắt nạt tôi, lấn át tôi, xem tôi như chư hầu, như thuộc địa, bây giờ chính là lúc tôi có quyền trả thù. Lúc giận nhau thì nghĩ nông cạn thế, còn bình tĩnh lại thì giữa các nước cộng hoà trong liên bang Xô Viết (cũ) vẫn có sự ràng buộc tự nhiên và máu thịt trong lịch sử vì họ đã là người một nhà non một thế kỷ, đã cùng nhau sống chết chống hiểm hoạ phát xít để bảo vệ sự tồn tại của Liên bang cũng như của các nước cộng hoà. Lại đã cùng nhau sinh con đẻ cái, đã pha trộn ngôn ngữ, văn hoá và kỷ niệm. Bây giờ mỗi quốc gia vừa được trở lại là chính mình, vừa có phần đóng góp thêm của các nền văn hoá lân cận, bạn bè, giàu có hơn trước, văn minh hơn trước. Rồi họ cũng sẽ sống với nhau như một cồng đồng của khu vực, nhưng lần này là tự nguyện, là do họ tự chọn một hình thức liên minh bình đẳng, dân chủ và hoàn toàn tự do. Bất cứ một thiết chế xã hội nào nhắm tới dân chủ và tự do, xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn tồn tại được lâu dài với sự đồng thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá nhân.


9.


Gần đây tôi có được đọc hai cuốn sách hay. Một cuốn là Bàn về tự do của John Stuart Mill, một triết gia người Anh viết từ năm 1859, cách ta một thế kỷ rưỡi. Một cuốn là Tư duy tự do của Phan Huy Đường, một nhà nghiên cứu học thuyết Mác có tên tuổi ở Pháp viết vừa mới đây. Khoảng mươi năm nay tôi đọc tiểu thuyết không vào, cả của ta, của Tàu lẫn Tây, cả sách mới dịch, mới xuất bản, cả sách của các đại gia của những thế kỷ trước. Năm còn trẻ đọc thấy hay, bây giờ già rồi nhìn trang sách cứ dửng dưng vì nó không chịu ăn nhập vào những trải nghiệm cá nhân của tôi, không mở ra trong tôi một cách tiếp cận mới với hiện thực, không làm bùng cháy một điều gì đang còn ẩn sâu trong đáy tiềm thức khiến tôi phải choàng thức chợt nhận ra một vỉa sáng tạo mới vừa thoáng xuất hiện. Hai cuốn sách trên, một cuốn do bạn cho mượn, một cuốn tình cờ mua được ở nhà sách vì cái tên của một tác giả tôi vốn quan tâm. Tôi đọc say mê cả hai cuốn như thời trẻ được đọc một cuốn tiểu thuyết hay, tất nhiên là khó đọc hơn tiểu thuyết nhưng đã thích lại có trải nghiệm bản thân hướng dẫn, không hiểu được đầy đủ thì cũng hiểu được cái đại thể. Nhiều ý của bài viết này là được cảm hứng từ hai tác giả đó.

Năm tôi 60 tuổi, khi viết về một bà cô đã ngoài tám chục mà còn rất minh mẫn trong cách đối nhân xử thế, bà vẫn giữ được tính cách riêng mà không làm mất lòng một ai, từ con cháu trong nhà đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Tôi đã viết nếu bà cụ được trời cho chứng sống đến trăm tuổi mà vẫn còn sáng suốt ắt hẳn bà sẽ biết mọi bí mật của then máy tạo hoá. Thật ra là tôi nói về tôi đấy, có hơi bốc đồng nhưng tôi tin là tôi sẽ biết được con người nhiều hơn nếu tôi được sống lâu hơn, không cần trăm tuổi, chỉ cần 90 là đủ, miễn là vẫn giữ được một cái đầu bén nhạy như bây giờ, sẵn sàng tiếp nhận mọi sự khác lạ như bây giờ, kể cả sự phủ định chính mình. Năm ấy tôi đã hiểu ra mọi sự rút gọn ở đời đều trái tự nhiên, đều dẫn đến thất bại. Các cuộc cách mạng xã hội ở nước ta trong suốt ba chục năm đều hỏng cả, đều phải làm lại từ đầu, tất nhiên là theo hướng khác, mà kết quả vẫn vừa chậm vừa dây dưa. Nguyên do là các nhà lãnh đạo muốn rút gọn những công việc của trăm năm thành chuyện chỉ làm trong mấy năm. Vì họ chưa hiểu đầy đủ con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường, cái cuộc sống không có chiến tranh, không có cách mạng xen vô, cái cuộc sống trôi đi lặng lẽ của muôn đời. Nghĩ rằng người Việt Nam của hôm nay đã khác nhiều với người Việt Nam trước năm 1945 là một cách nghĩ rất thiển cận, tự gây cho mình nhiều ảo tưởng trong việc trù liệu những việc phải làm để kiến tạo một xã hội dân chủ và văn minh. Mọi phong trào thi đua chả có ích lợi gì trong những việc cần nhiều chăm sóc nhẫn nại, bền bỉ, bắt đầu từ các cá nhân chứ không phải từ các đám đông với những khẩu hiệu, cờ quạt, kèn trống, diễn văn và đáp từ, vỗ tay và tặng hoa. Đám đông không thể đứng mãi dưới nắng để nghe lãnh tụ diễn thuyết. Họ luôn mong đợi được giải tán để về nhà. Con người ở nhà vẫn cũ kỹ nhưng là người thật chứ không phải là sự nhập đồng chốc lát khi đứng trong đám đông. Tôi thật lòng yêu mến, ngưỡng mộ Fidel, một nhà yêu nước kiên cường, một nhân vật đã thuộc về lịch sử của Cuba. Ông là một trí thức lớn, bạn tâm giao của Marquez, nghe nói trong túi lúc nào cũng có một cuốn tiểu thuyết đang đọc dở. Bởi vậy tôi mới lấy làm lạ khi ông buộc dân chúng phải đứng hàng nửa ngày dưới nắng để nghe ông cao đàm khoát luận về đủ mọi vấn đề. Lúc cách mạng mới thành công nói dài thế vì người dân còn đang háo hức với cuộc sống mới và các ngôn từ cách mạng cũng rất mới. Như một cặp tình nhân đang yêu nhau, đang cần nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện vớ vẩn nhưng chả ai thấy thời gian là dài. Còn đã thành vợ thành chồng thì chỉ cần nói ít thôi, chỉ nói những việc cần làm thôi, chứ cần gì những thuyết lý dông dài. Mao Trạch Đông cũng thế, ông là một nhà chính trị thông kim bác cổ, quanh nơi ông làm việc và cả nơi ông nghỉ ngơi sách đang đọc xếp từng chồng, nhưng xem ra cũng chả hiểu đồng bào ông bao nhiêu. Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hoá rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống. Vả lại các cuộc cách mạng ấy chả đem lại bất cứ lợi lộc nào, cho bất cứ giai cấp nào. Chỉ có những mất mát thôi, người giàu thì mất cơ nghiệp được kiến tạo từ nhiều đời, người nghèo thì mất những chỗ dựa cạy, có thể mất cả công việc kiếm sống mỗi ngày để được làm chủ một cái rỗng không. Có thực mới vực được đạo, đã đói ăn thì ngay đến cái tư cách làm người cũng không thế có nói gì đến đạo. Thành thử cái chủ trương rất quyến rũ, rất “văn nghệ”, nhất là với giới tri thức, của chủ nghĩa Mác “cải tạo thế giới, cải tạo con người” hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui, bây giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học thuyết xã hội chứa đầy những hoang tưởng.


10.


Do không hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những phân tích máy móc, nông cạn của chủ nghĩa duy vật cơ giới của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa mới dám đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người trong vài thập kỷ nếu môi trường xã hội thay đổi. Nên mới gọi nhà văn là “ kỹ sư tâm hồn ” ! Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu mình hoặc ghét mình , tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục đích “ tải đạo ”, “ giáo dục ” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là văn chương tồi. Vả lại chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình. Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc. Tôi được biết có một cụ linh mục yêu nước và cấp tiến được cách mạng tín nhiệm mời lên khu làm việc cho kháng chiến thời đánh Pháp. Những khi ngồi một mình cụ vẫn rất buồn vì ở trong rừng không có nhà thờ để cụ đi lễ và làm lễ. Cụ nhớ Chúa, nhớ bày chiên và nhớ cả những lời nói của đấng chăn chiên với bày chiên trong công việc của mỗi ngày. Khi cụ sắp mất cụ thiết tha yêu cầu được một linh mục đang coi sóc một xứ đạo nào đó tới rửa tội và xức dầu Thánh cho cụ. Lại một chuyện khác, khi tôi được tiếp xúc với một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng khi ông đang còn làm việc, quả thật tôi đã từng nghĩ ông là con người kiểu mẫu của một xã hội tương lai, chả nói gì, nghĩ gì về mình, tất cả cho tổ quốc, cho sự nghiệp, cho nhân dân. Nhưng rồi ông bị mất chức vì không được bầu lại vào uỷ ban trung ương của Đảng, một chuyện rất bất ngờ với nhiều người. Khi đại hội công bố kết quả bầu cử, nghe nói ông đã oà khóc, rồi khóc thầm lén tới mấy năm, không đi đâu cả, không gặp ai cả vì tự cho mình đã bị sỉ nhục, đã mất hết danh dự. Lại là một con người khác, tầm thường hơn cái lúc còn đeo tấm bài ngà rất nhiều. Con người mặc nhiều lớp áo là con người giả, con người đã bị lột truồng mới là con người thật. Con người đã bong một lớp sơn phủ kín chỉ còn trần lại cái lõi của nó mới là thật. Cái vỏ có thể luôn luôn thay đổi nhưng cái lõi muốn thay đổi phải mất có khi gần một đời người. Ấy là chỉ dám nói là có thể thay đổi chứ không dám nói chắc là sẽ thay đổi. Chỉ vì con người ta không chịu thay đổi theo những tiêu chuẩn đã được quy định hoặc theo mức tăng trưởng thu nhập tính theo đầu người. Sự phát triển của con người theo chiều hướng tích cực phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống tự do và dân chủ để tự nó khẳng định chính nó, tự nó đánh thức mọi tiềm năng sáng tạo đang nhen nhóm ở trong nó. Về cái thế giới tinh thần của mỗi cá nhân hãy để cho mỗi cá nhân tự lo liệu lấy, nó không thích người khác can thiệp bằng bất cứ cách nào. Nó sẽ biết cách tự điều chỉnh để thích ứng dần với mối quan hệ mới một cách có lợi nhất.


11.


Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy mươi năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức để phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Như thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước tham ô, mức sống của công nhân giảm sút cũng không có đình công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp, làm nhiều việc trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền bị giập tắt ngay. Vì người lãnh đạo đã nhận định rất đúng rằng, nhân dân ta rất tốt, rất dễ bảo, bỗng dưng họ dám nói xược, dám đòi hỏi này nọ là do có mấy thằng cán bộ về hưu bất mãn cầm đầu. Cứ nhắm mấy thằng đó mà đe, nếu cần thì bắt là đâu vào đấy ngay. Quả nhiên thế thật. Tức là người cầm quyền chả coi dân chúng vào đâu. Họ chỉ sợ các cá nhân hiểu nhiều biết rộng, rất khó bắt nạt, là hay bày trò xúi giục thôi. Giống hệt cái thời còn vua còn Tây, kẻ cai trị rất sợ người cộng sản vì họ là kẻ hay gây rối. Đã là người cầm quyền với nước ta thì xưa là thế nay vẫn là thế, người dân vẫn sống dưới chế độ chuyên chế chứ chưa bao giờ được biết chế độ dân chủ là gì, đâu là dân chủ tư sản. Đã chuyên chế là chuyên chế làm gì có sự phân biệt chuyên chế tư bản với chuyên chế vô sản.

Người cộng sản rất kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại chính từ các nước xã hội chủ nghĩa mà cái tệ sùng bái cá nhân đã nảy sinh. Vì lãnh tụ của học thuyết cũng là lãnh tụ của quốc gia. Họ lên cầm quyền không do phiếu bầu mà do tín nhiệm sẵn có của các tín đồ với giáo chủ. Giáo chủ là nhân vật tối linh, thuộc về thiêng liêng nên những gì của thế gian không thể ràng buộc ông ta được. Ông ta cầm quyền không có niên hạn vì ông phải phục vụ nhân dân cho tới lúc chết. Ông không phải tự phê bình và cũng không ai dám phê bình ông vì ông là biểu tượng của quốc gia, của Đảng cầm quyền, đứng trên hiến pháp và mọi luật pháp. Ông là người tự do hoàn toàn so với nguyên thủ các quốc gia dân chủ khác. Các cấp dưới từ trung ương tới địa phương cũng là những người có nhiều tự do nhất ở các ngành, các bộ và các địa phương họ cầm quyền. Là các lãnh chúa trong các lãnh địa của họ. Chả ai dám xâm phạm nếu còn muốn giữ cho mình một chút tự do cỏn con. Một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được được hoàn toàn thoả mãn trong mọi nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loài tương lai ư ?! Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe, lại còn viết thành văn mà các nhà văn không thấy ngượng sao ? Ngượng thì vẫn ngượng nhưng chả lẻ lại gác bút, gác bút thì nuôi vợ con bằng gì ? Nghĩ tới miếng ăn lại phải quên hết để sự bán mình cho quyền lực được hoàn toàn. Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ nguỵ ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai ? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà “ quê một cục ”. Giải thích chuyện này cũng chả khó, họ là sản phẩm của nền kinh tế công nghiệp tư bản, dẫu là thuộc địa cũng vẫn thuộc hệ thống tư bản, vẫn là những người đã được giải phóng khỏi nhiều ràng buộc từ quá khứ trong cách nghĩ, trong cách làm. Còn mình là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp phong kiến, đâu đã được làm chủ nhân ông nhưng cũng chưa từng được hưởng cái mùi vị tự do và dân chủ là thế nào ! Cái khoảng cách ấy có tính thời đại không thể bỏ qua mà cũng không thể rẽ tắt. Mình cũng đã đi tắt suốt mấy chục năm, rất tiếc là lịch sử không công nhận cái lối đi ấy. Tôi còn sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử !


12.


Các đảng cộng sản đều coi phê bình và tự phê bình là cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ hữu hiệu nhất. Sự vật vận động sẽ sinh mâu thuẫn, giải quyết được mâu thuẫn sự vật mới có cơ hội phát triển, tiến lên. Phủ định và phủ định của phủ định, nghe vừa khoa học vừa huyền bí, như câu thần chú : “Vừng ơi, mở cửa ra !”, cứ đọc to lên là cánh cửa vào tương lai sẽ mở toang. Các nước xã hội chủ nghĩa vẫn đọc to câu thần chú ấy trong nửa thế kỷ mà cánh cửa vào tương lai vẫn đóng chặt. Mất thiêng rồi chăng ? Quả là đã mất thiêng vì người hô không hề tin một chút nào vào cái khả năng kỳ diệu của nó. Nếu tin vào phê bình và tự phê bình thì Stalin đã không chế ra các vụ án chính trị man rợ để tiêu diệt các đối thủ vốn là tay trái tay phải của mình trong những năm đó. Nếu tin vào câu thần chú ấy thì Mao Trạch Đông đã không bày ra tấn tuồng “cách mạng văn hoá” để tiêu diệt mọi kẻ dám can ngăn những chủ trương đầy tính phiêu lưu của ông. Ấy là nói về những người nắm quyền lực cao nhất, còn những người nắm những cơ quan quyền lực thấp hơn cũng chả bao giờ họ tin vào cái phương pháp lãng mạn đó cả. Trong các cấp uỷ họ vẫn tự phê bình và phê bình nhau một cách sốt sắng giả dối. Và ai nấy đều tự bằng lòng hơn sau những lễ xưng tội giải tội hết sức vui vẻ này. Và mọi thói xấu, kể cả tội ác nữa, vẫn nghiễm nhiên tồn tại như trước đây, vẫn là những vùng cấm chỉ những kẻ quá chán đời mới dám đơn độc xông vào. Bởi vậy khi ông tổng bí thư của Đảng mới được bầu, trong cơn phấn khích đổi mới sinh hoạt đảng, đã phát động một phong trào tự phê bình và phê bình rộng khắp toàn đảng, các đảng bộ trong cả nước đều nhiệt liệt hưởng ứng, đều nhắc lại với lòng nhiệt thành hiếm có trong các bài diễn văn có đảng tính cao của họ. Đó là một màn diễn khổng lồ, rất tốn kém, chả đem lại bất cứ kết quả nào. Vì chỉ là diễn thôi, người cũ kẻ mới đều vào vai rất thành thạo. Rút cuộc kẻ có tội vẫn ngày càng hung hãn, càng tự tin, còn người tố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ. Kỳ quái nhỉ ?

Các tín đồ của học thuyết Mác đều rất tin môi trường xã hội và hoàn cảnh cá nhân có ý nghĩa quyết định tới sự hình thành tính cách con người. Một địa phương có nhiều phong trào cách mạng tích cực ắt phải sản sinh ra nhiều tập thể tốt, một tập thể tốt sẽ sinh ra nhiều cá nhân tốt. Con người là một thực thể vật chất nên không thể thoát ly những điều kiện vật chất đã cho phép nó tồn tại. Nhưng nó còn là một thực thể sinh học, một thực thể tinh thần, tâm linh, văn hoá bao gồm lịch sử cá nhân và dòng họ ở trong nó. Nó cũng không thể biết hết nó, không thể biết hết những phản ứng bất thần trong chính nó khi vấp phải những đối nghịch trong cuộc sống. Nên cái thế giới tinh thần, tâm lý của con người là rất đa dạng, phức tạp, có muôn vàn lối đi ngoắt ngoéo. Từ thời con người có ngôn ngữ để giao tiếp, có chữ viết để lưu lại, có văn chương để bày tỏ những bí mật của riêng rình, nó vẫn không ngớt than thở là chả biết được bao nhiêu về mình và đồng loại. Con người vẫn nguyên vẹn là một bí mật mênh mông, sâu thẳm như từ thủa nguyên sơ vậy. Người cộng sản phải kiêu ngạo lắm mới dám bày cái trò chỉnh huấn phê bình để lãnh đạo một cách chuẩn xác cái phần khó nắm bắt nhất trong con người. Vì nó biến hoá, nó phù du như mây như gió vậy.

(còn tiếp)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us