Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đi tìm cái tôi đã mất (3 và hết)

Đi tìm cái tôi đã mất (3 và hết)

- Nguyễn Khải — published 06/05/2008 21:59, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT (3 và hết)


(Tuỳ bút chính trị - 2006)

Nguyễn Khải

13.


Con người có 2 mắt đều hướng ra cái thế giới vật chất bên ngoài, không có con mắt nào hướng vào trong để ngắm nghía, kiểm soát cái thế giới tinh thần của nó nên nó bị mù một nửa, cũng như nó không có cái tai bên trong nên không thể nghe được những tiếng thì thầm rất nhỏ mỗi đêm trong chính mình. Hai cái khuyết tật bẩm sinh ấy đã làm con người thiếu hoàn chỉnh, là nguyên do mọi đổ vỡ của nhiều danh nhân dũng tướng vào những năm cuối đời. Nhưng cũng có một số ít người có khả năng nhìn được sự vận động cả trong lẫn ngoài, nghe được những tiếng động rất nhỏ cả ngoài lẫn trong. Họ không có cấu tạo vật chất đặc biệt nào mà chỉ bằng cái năng lực tinh thần rất mạnh đã bù đắp được những khiếm khuyết bẩm sinh. Nhiều tập hồi ký của các danh nhân cả chính trị lẫn văn hoá đều thiếu cái phần còn nhày nhụa của họ, cái phần thú vật của con người nơi sản sinh ra những tội ác chưa hình thành, cái què quặt, cái buồn cười đã được kiềm chế đúng lúc, đã được giấu nhẹm, cái phần họ muốn quên đi và rất dễ trở thành lang sói với đồng loại nếu trong đồng chí, đồng nghiệp còn có người biết đến và nhớ tới. Cuộc chiến đấu lớn, có tính bi kịch giữa mình với mình bao giờ cũng hoành tráng, cũng đẹp, rực rỡ những màu sắc đối nghịch vì nó đã bộc lộ đầy đủ nhất cái phẩm chất LÀM NGƯỜI trong mỗi CON NGƯỜI. Không phải bất cứ ai cũng tạo ra được trận chiến thần thánh ấy, vì chiến trường ở ngay trong lòng mình, mình vừa là kẻ thách đấu vừa là kẻ dám nhận đấu, dẫu thua cũng là cái thua của thần thánh. Một công việc trang trọng đến thế, hùng tráng đến thế mà lại dám nghĩ là công việc của số đông, của những người chưa hề chuẩn bị một cái nhìn bên trong, một cái nghe bên trong cho riêng mình, cả đời họ sống trong tự mãn, trong u mê, bất thần mời gọi hãy nhìn lại mình, hãy nhìn lại người để có được những phán xét và điều chỉnh chuẩn xác ! Ông tổng bí thư đã mở một cuộc chiến ảo nên ông cũng chỉ nhận được những kết quả ảo.

Một đảng, một thể chế chính trị lấy phê bình và tự phê bình làm vũ khí sắc bén để giải quyết mọi mâu thuẫn nội bộ, giả thử nó lại không còn dùng được nữa thì các mâu thUẫn sẽ được hoá giải bằng cách nào ? Đảng đối lập không có, dư luận đối lập qua báo chí và các cuộc biểu tình quần chúng cũng không có, vậy làm cách nào để biết và điều chỉnh mọi sự rắc rối, thậm chí cả bạo loạn nữa nếu nó xảy ra ? Vẫn có cách, là phải tạo ra một tình hình chính trị luôn căng thẳng (một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, một cuộc bạo loạn có thể xảy ra) để buộc các công dân phải sống trong những quy chế nghiêm ngặt của thời chiến, ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chặn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp : đàn áp, bắt giữ, lập toà án xét xử những kẻ cầm đầu. Cách giải quyết vừa nhanh gọn lại mau ổn định, không dây dưa, phiền toái vì có quá nhiều luật lệ, qua nhiều lý lẽ như ở các nước tư bản. Những rối loạn vặt vãnh thật ra là nước là không khí của các nhà cầm quyền độc tài. Họ đâu có sợ loạn. Họ còn bày ra những cuộc chiến cung đình như ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay một cuộc chiến giữa nhân dân với nhau như đã làm ở Trung Quốc. Không có mùi vị của thuốc súng, của máu người và những tiếng la hét cuồng nộ của đám đông thì người cầm quyền biết thở bằng gì !


14.


Tập thể không làm ra văn chương vì nó không có cảm nghĩ riêng, tâm sự riêng, tính cách riêng. Nó là vô danh. Một tâm sự mãn nguyện, những tiếng cười hoan lạc, một kiếp người quá đầy đủ cũng không thể có chỗ đứng trong văn chương. Vì văn chương bao giờ cũng thuộc về những tiêng kêu của con người để đòi lại những gì còn thiếu : thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu hạnh phúc… Đời người là bể khổ, những khao khát về tinh thần của con người là vô cùng nên mới cần có văn chương và nghệ thuật để bù lại. Còn mọi thứ đều được biết, đều đầy đủ, đều mãn nguyện thì tôn giáo không còn, triết học không còn, và tất nhiên văn chương cũng không thể còn. Nó sẽ chết vì bị ngạt, vì không còn những khoảng trống huyền bí để suy nghĩ, để mơ mộng và để thở. Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người. Vì thượng đế đâu cần những con dòi béo quay lúc nhúc dưới chân Ngài. Cũng may đó chỉ là những lời nói dối, tự dối mình và dối người của những con người đã phải sống nhiều trăm năm trong cùng khổ, trong tuyệt vọng. Còn hướng tới thiên đàng ư ? Là thiên đàng trần gian hay thiên đàng thượng giới cũng không một ai có thể sống nổi. Sống không lo nghĩ, không mong muốn, không đấu tranh là kiếp sống con dòi rồi. Chả lẽ những con dòi cũng có thể cất cao những cái đầu múp míp của chúng để làm ra triết học và thơ ca !

Những điều viết trên đây không do tôi tưởng tượng ra mà do những trải nghiệm bản thân mà có. Những năm còn trẻ cả vợ lẫn chồng đều ăn lương quân đội, lại phải nuôi dưỡng những bốn đứa con, nhà ở ven bãi sông năm nào cũng phải chạy lụt, lại quá chật có 15 mét vuông. Ăn thì mì hai phần gạo một phần, gạo phải nhặt sạn cả buổi mới dám nấu thành cơm. Còn thức ăn ư ? Chả nói nữa ai cũng ăn như thế, ăn dưa ăn mắm suốt mấy chục năm đã hoá quen. Cả nhà chỉ có hai cái giường, một cái bàn, hai cái ghế, tiếp khách ở đấy, mời cơm khách ở đấy, con học bài cũng ở đấy, và ông bố viết văn cũng chỉ có cái bàn ấy. Đêm đêm nằm cạnh hai thằng con trai lớn đạp ngang, quẫy dọc, rắm đánh thối um, vừa quạt cho hai thằng con ngủ tôi vừa mơ mộng đến một ngày nào đó, các con đã trưởng thành, tôi có được một phòng riêng để viết và tiếp bạn, mỗi bữa cơm đều có cá hoặc thịt, có cả chút rượu nữa càng hay. Tôi không phải lo nuôi con, không phải lo cả trăm thứ vặt vãnh để tồn tại, chỉ có đọc sách, ngẫm nghĩ, đi chơi đây đó với bạn bè và viết, ắt hẳn tôi sẽ viết được một hai cuốn sách để đời. Bây giờ tôi đã ngoài bảy chục tuổi, đã có đầy đủ những gì tôi khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát. Tôi đã sống đầy đủ, sang trọng nữa, hơn nhiều nhà văn tôi được biết ở các nước Đông Âu. Và tôi đã nghĩ nếu chủ nghĩa cộng sản thành công ở Việt Nam thì cũng chỉ cho được tôi đến thế. Khốn nỗi, lúc này tôi đâu còn năng lực làm việc bằng trí tuệ nữa mà cũng chả có nhu cầu nào phải đòi hỏi. Cuộc sống được vỗ béo của một kẻ ăn không ngồi rồi đã giết chết mọi tư tưởng ở trong tôi, rồi giết luôn đến đội quân chữ nghĩa, chúng đã hoá ra rỗng tuếch, vô hồn. Nhà văn mà hết chữ thì chỉ là cái xác chết. Xác chết con người với xác chết con dòi có gì là khác mà phải phân biệt !


15.


Tôi có một tuổi thơ rất buồn, lại sống với những người có số phận buồn nên mới 14, 15 tuổi đã nhìn đời như một ông già. Tức là một cái nhìn không mấy lạc quan. Cái xã hội tôi đang sống không mấy hoàn hảo, những người tôi gặp cũng không được hoàn hảo. Tôi quen thuộc với những gì không hoàn hảo tới mức gặp những gì quá đẹp, quá chu toàn tôi đều ngờ, đều sợ. Người truyền cho tôi cái nỗi sợ bẩm sinh ấy là mẹ tôi. Bà đã qua một đời chồng rồi mới gặp được bố tôi. Đời chồng trước mọi sự đều tốt đẹp, ông ấy còn trẻ, có địa vị trong xã hội, nhà giàu, lấy nhau được một năm lại sinh con trai. Mà rồi chỉ ở với nhau được ba năm phải bỏ. Đời chồng sau thì dở, dở cả mọi đằng. Bố tôi cũng còn trẻ, làm tham biện ở phủ thống sứ, nhưng ông đã có vợ và hai con nên phải làm lẽ và lấy giấu. Mẹ tôi bảo thế là đúng số, là đã an phận, nhưng lại lo bố tôi sẽ bỏ khi cuộc ăn chơi này gây thêm phiền phức cho cái gia đình chính thức của ông. Hai anh em tôi là bản sao nguyên mẫu của bà. Những gì nhận được từ tuổi thơ mãi mãi hằn dấu lên cho đến hết cuộc đời chúng tôi. Nhìn bên ngoài tôi có tướng con nhà phong lưu nhưng cái ruột của tôi lại thuộc về con cái của những gia đình nghèo, lại chả có thế thân gì nên rất biết phận, cho thì nhận, không cho cũng không đòi, chỉ cầu không có ai quấy nhiễu là mừng. Em trai kém tôi năm tuổi, lấy vợ muộn, về hưu sớm, lúc trẻ thì thay anh hầu hạ mẹ, về già thì đi chợ nấu cơm, giặt quần áo thay vợ chăm sóc các con. Cả đời chỉ biết cười, cái cười nhẫn nhục, bằng lòng với những gì mình có. Tôi thì khác, một cuộc sống bên ngoài ai cũng biết là khiêm tốn, nhẫn nại, ít làm phiền người khác và chả dám gây sự với một ai. Nhưng cuộc sống bên trong cũng có nhiều tham vọng, làm quan hay làm anh nhà giàu thì không dám vì tôi không có bản lĩnh tiến thân bằng hoạn lộ hay kinh doanh. Tôi chỉ có một ao ước duy nhất là được viết văn cho đến già. Với cái tài tôi tự biết, tôi phải sống rất lâu và viết rất nhiều may ra mới được một hai cuốn sách hay, mà cũng chỉ hay trong cái thời của nó chứ không thể hay ở mọi thời. Tôi tự nhận tôi là người có một con mắt bên trong và một cái tai bên trong từ nhỏ. Để quan sát, nghe ngóng những người khác họ yêu mình hay ghét mình. Càng lớn tuổi cái khả năng tự xét mình của tôi càng sắc nhọn. Và tôi đã nhận ra cái lợi của phép giấu mình. Trang Tử đã nói : Con chim bay cao thì tránh được tên, được bẫy, con chuột đào hang sâu thì tránh được cái hoạ bị khói hun.


16.


Khi tôi nói, tôi sống và viết cũng thoái mải, vui vẻ trong một chế độ chuyên chế về tư tưởng cứ như là người nói dối, lại nói dối một cách trơ tráo, sống sượng. Nhưng đó là lời nói thật, không thật với nhiều người nhưng với tôi là thật. Tôi được thay đổi số phận từ cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chín năm đánh Pháp với nhiều người là rất dài, với tôi lại rất ngắn vì tôi được sống trong niềm vui, trong những cái khác thường và cả trong nhiều hi vọng. Nhiều anh trong cơ quan tuyên huấn của quân khu đều xuất thân từ các gia đình viên chức nhỏ, địa chủ nhỏ, được ăn học đàng hoàng đến hết bậc cao đẳng tiểu học đã có những thói quen, những nền nếp của cuộc sống thị dân từ nhỏ. Họ rất thích quan sát những phản ứng của tôi khi phải đối mặt với mọi thiếu thốn của cuộc sống kháng chiến. Vì nhìn ngoài tôi như một thư sinh con nhà quý tộc chưa từng biết cái thiếu cái khổ là gì. Những việc làm rất tự nhiên của tôi đều được đánh giá phải có nhiều nghị lực, nhiều quyết tâm mới làm được thế. Tôi vẫn sống như xưa kia, ngày xưa thì bị chê bị chửi, bây giờ lại được khen, được tuyên dương, người cứ lâng lâng như nhập đồng, còn biết cái thiếu là gì cái khổ là gì. Nếu so sánh thì trước kia tôi chỉ là con số không, còn bây giờ tôi đã có một cái tên ký dưới các bài báo, đã được nhiều ông anh trong cơ quan nhờ vả, đòi hỏi, bực tức hoặc khen ngợi. Tôi đã được tách ra khỏi đám đông để tự bằng lòng mình và có cả chút ít “ kế hoạch riêng ” cho mình nữa. Còn các anh hơn tôi dăm bảy tuổi thì đã có nhiều thứ để so sánh những cái “ đã có ” trước kia và cái “ đang có ” bây giờ. Cái “ đang có ” của dân tộc thì nhiều, còn cái “ đang có ” của cá nhân như chả còn được bao nhiêu. Những kiến thức lịch sử và xã hội, triết học và văn chương xem ra phải bỏ đi quá nửa. Các quan hệ giao tiếp xã hội được dạy bảo từ thuở còn thơ nếu dùng lại cứ vênh váo, buồn cười thế nào trong hoàn cảnh kháng chiến. Sống tinh tế, tôn trọng người khác là cách sống của anh tiểu tư sản. Lòng thương người không đúng chỗ cũng được xem như biểu hiện của một tính cách nhu nhược, không đáng tin cậy. Còn những câu đùa thông minh, kín đáo ánh lên như một vệt sáng vui trong cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt của mỗi ngày lại dễ bị đồng đội hiểu lầm là một cách chế diễu của người có học với những anh em ít học. Qua mỗi cuộc chỉnh huấn tầm vóc của mấy anh càng như nhỏ lại, mờ nhạt hơn, mất dần những vẻ riêng, cái phần độc đáo riêng để nhập vào cái dòng chảy chung, vào cách nghĩ cách sống của một tập thể bao bọc quanh mình. Đại để cái riêng của mỗi chúng tôi đã bị cái chung nuốt dần như thế. Tôi thì sao ? Tôi đã có một may mắn lớn vì tôi thuộc về số đông, một quần thể vô danh tồn tại âm thầm trong nhiều thế kỷ dưới chế độ phong kiến. Cách mạng Tháng Tám đã nhất loạt giải phóng họ ra khỏi thân phận nô lệ, tạo cơ hội cho họ phát triển những tài năng riêng của mình, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự để kịp thời phục vụ những nhu cầu của kháng chiến. Số đông trong họ chỉ mới biết đọc biết viết từ ngày vào quân đội nhưng học rất nhanh cách xây dựng một quân đội hiện đại với những cơ quan phục vụ cho công việc tham mưu, tác chiến, hậu cần vì họ đã có được một ông thầy lý tưởng là quân đội hiện đại của đối phương với ông tướng lừng danh trong thế chiến 2 của nó. Trong chín năm đánh Pháp quân đội đã trở thành cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng nhiều nhân tài quân sự của thời hiện đại, cả những tài năng văn nghệ phục vụ trong quân đội, nó là tổ chức tiên tiến nhất của xã hội Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Trong chiến tranh người chỉ huy quân sự là hình tượng đẹp nhất, lãng mạn nhất vì họ là con người của hành động, của đảm bảo chiến thắng, luôn ở vị trí thứ nhất, còn con người của học thuyết chỉ ở vị trí đứng sau, trong nhiều trường hợp chỉ là cái anh bàn thêm, nói góp. Còn những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội thì con người lý luận có nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của học thuyết chính thống ở hàng đầu được tôn trọng và có quyền quyết định sự sống chết của nhiều người. Chính là trong những năm này mới sinh ra nhiều vụ án chính trị và văn chương, nay nghĩ lại vừa vô nghĩa vừa buồn cười nhưng thời ấy nó đã chôn sống nhiều tài năng thực sự ở mọi lĩnh vực vì họ đã tỏ ra ngờ vực sự đúng đắn của tư tưởng chính thống.

Một nửa nước đã được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào vết chân của nhóm “ Nhân Văn Giai Phẩm ”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng long rom như một kẻ bại trận. Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào chiến tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy !

Một xã hội tan nát, lòng người chĩu nặng những phiền muộn ưu tư, mà là những người đã hết lòng hết sức với kháng chiến bằng cách này hay cách khác. Vậy nhà văn phải viết như thế nào, phải viết cái gì để tạo được một hiện thực tràn đầy hy vọng như các nhà lãnh đạo cách mạng yêu cầu.


17.


Những năm 50, 60 của thế kỷ 20, với tôi là những năm tràn đầy niềm vui. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy tôi được, dân tộc tôi được. Nhưng cũng những năm ấy với hàng triệu người dân thường lại là những năm đầy lo lắng, hãi sợ và tuyệt vọng. Tôi vui là chuyện có thật, những trang viết của tôi vào những năm ấy là rất thành thật. Nhưng nước mắt của người khác cũng là chuyện có thật, tôi có biết, có được chứng kiến. Tôi nên nghiêng ngòi bút của tôi về phía nào. Về già tôi mới nhận ra nhà văn phải nghe theo tiếng gọi của tình cảm, của trái tim, của cái phần thiện lương trong con người mình. Nó đã bảo sai là sai, không có thứ lý luận nào chống đỡ nổi. Vả lại văn chương bao giờ cũng đồng cảm với nỗi đau của con người, những bất hạnh của con người. Chưa bao giờ vì sự mãn nguyện, sự thành công của con người mà cất lên tiếng hát ca ngợi cả. Ở các thể loại nghệ thuật ngôn từ con người phải chống chọi với mọi cảnh ngộ trái ngược chiếm gần hết các trang viết, các màn diễn, còn khi người nghèo đã thành giàu, người hèn được bước vào thế giới phú quý, trai gái phải chịu nhiều năm chia lìa tới lúc tái hợp là cuốn sách, vở diễn phải chấm hết ngay. Nó đã kết thúc cái phần nghệ thuật để bắt đầu sang phần tụng ca là cái thế giới của mãn nguyện của buồn chán, là cái phần phi nghệ thuật. Nhưng người lãnh đạo lại chỉ thích cái phần không phải là nghệ thuật, tặng giải thưởng, trao huân chương cho các tác giả chỉ để tưởng thưởng cái phần nhạt nhẽo vô vị ấy mà thôi. Cái cách cảm nhận hiện thực đầy tính lãng mạn ấy đã làm lệch lạc cách xem xét, cách ứng xử của nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc ở tuổi mới trưởng thành, trước những biến hoá muôn mặt của cuộc sống. Họ chỉ có mỗi khả năng làm người phê bình văn học theo đường lối chính trị chính thống, tại sao cuộc sống đẹp như thế mà nhà văn lại miêu tả nó xấu đến thế. Làm sao dám cãi, hãy để cho những trải nghiệm của chính họ qua năm tháng sẽ âm thầm biện hộ giúp mình thôi.


18.


Một xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân cũng không tự hiểu mình, vàng thau, phải trái, cao quý ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn bắt đầu từ sự không chuẩn xác của ngôn từ. Câu mở đầu kinh thánh Cựu ước “ Thoạt Tiên Là Ngôn Ngữ…” (Au conmmencement était le Verbe). Ngôn ngữ làm nên văn minh này, vì nó có thể lưu giữ và truyền lại toàn bộ kinh nghiệm của nhiều đời trước cho nhiều đời sau, càng ngày cái khả năng nhận thức càng gần đúng như nó có, khiến sự lựa chọn của con người khách quan hơn, có hiệu quả tích cực trong quá trình chủ động thích ứng với mọi đổi thay của môi trường sống và môi trường xã hội. Vậy mà ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, “ nói vậy mà không phải vậy ” ! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế. Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ “ gỗ ”, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một chút thông tin mới nào. Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.

Trong hàng trăm cuốn hồi ký của các nhà văn hoá, của những người hoạt động chính trị, của nhiều tướng lĩnh, ta chả biết được bao nhiêu cái thế giới riêng của họ, cái thế giới cá nhân của họ. Cái phần đóng góp của họ càng nhỏ thì cái ý nghĩa quyết định của tập thể càng lớn, cái có tên thì bé tí xíu, vô nghĩa, cái không tên thì bao trùm rộng khắp nhưng cũng không có hình thù rõ rệt, cứ mờ mờ mịt mịt, có đấy mà cũng không có đấy, cái chung ấy chả phải chịu trách nhiệm với một ai, có biết nó là ai mà truy cứu.


19.

Trong cái bối cảnh xã hội, chính trị như thế, mỗi người đều ít nhiều đánh mất cái cá nhân của mình cũng là lẽ đương nhiên. Nhà văn là chuyên viên nghiên cứu mọi chuyện của cá nhân, những sắc thái tâm lý cùng với những biến hoá vô tận của nó trong những hoàn cảnh khác nhau, những thời thế khác nhau. Nhưng đọc hồi ký của các nhà văn cũng nhạt nhẽo lắm, họ chỉ phô diễn cái tôi trong các cuộc gặp những bậc đàn anh và bạn bè trong nghề, nói toàn chuyện tào lao, vụn vặt, chuyện sinh hoạt và chả đả động chút nào tới thời thế, tới những bức xúc về thời thế và cái nghề của mình trong thời thế. Tính hiện thực và tính lịch sử của một thời rất mờ nhạt, đơn giản, thành thử cái ý nghĩa truyền đạt những giá trị đích thực của một thời tới các thế hệ đến sau hầu như không có. Đó là điều rất đáng tiếc, vì nếu các chứng nhân không nói gì cả thì lịch sử cũng không thể cất lên tiếng nói chân thực của nó, thời gian qua đi, bóng tối phủ lên, quên lãng phủ lên, cái thời mở nước, giữ nước chỉ còn lưu lại những cột mốc của các chiến công, còn cuộc chiến thầm lặng đã làm tan nát nhiều con người để con người được là chính mình, được là một thực thể thiêng liêng, đền đài lưu giữ muôn thuở cái tài sản tinh thần của một dân tộc, một dòng họ mãi mãi được vun xới, được phát triển tương ứng với sự phát triển của dân tộc, của thời đại thì chưa được văn thơ nói đến, triết học nói đến, các ngành khoa học nhân văn nói đến.

Dầu không nói đến, không được phép nói đến thì cái dòng chảy vĩnh cửu ấy vẫn được nhiều triệu người âm thầm khai thông, bồi đắp để các nhân tài Việt Nam không ngừng xuất hiện lúc ở lãnh vực này, lúc ở lãnh vực khác. Một đất nước không có những cá nhân kiệt xuất, tài ba làm chân dung đại diện trong cộng đồng nhân loại thì đó là một bất hạnh cho dân tộc, tạo ra một khoảng trống tiếp nối trong lịch sử sinh tồn của mỗi cá nhân. Rồi các thế hệ đến sau phải nối lại bằng cách nào vì vẫn phải bắt đầu từ môi trường chính trị, xã hội, từ một xã hội vừa truyền thống vừa văn minh, những mục tiêu nhắm tới vừa là phát triển cái riêng biệt, vừa là sự hòa nhập vào nền văn minh của khu vực và thế giới. Một nền văn minh riêng lẻ, với những mục tiêu hoang tưởng, một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao ?

Hãy nhìn vào nước Nga những năm 90 của thế kỷ 20 là sẽ rõ. Họ vừa thoát khỏi cái bóng che của chủ nghĩa chuyên chế để được nhìn cái ánh sáng thật của dân chủ và tự do. Ai chả nghĩ họ đã có cơ hội sải những bước chân dài khi đã bung phá mọi sự trói buộc. Nước Nga mãi mãi là một siêu cường vì những thử thách lớn nhất của một dân tộc là chiến tranh và cách mạng nước Nga đều đã trải qua mà vẫn tồn tại vì đất đai mênh mông của mình và những tiềm lực vô hạn ẩn giấu trong đó cả vật chất lẫn tinh thần. Phải vài chục năm nữa nước Nga sẽ là như thế nhưng trước mắt thì không thể. Lý do rất đơn giản, kinh tế có thể phục hồi nhanh nhưng con người phải có thời gian dài hơn nhiều nó mới có thể lấy lại những gì đã mất. Tầm vóc cá nhân của người Nga trong non một thế kỷ dưới chế độ Xô Viết đã bị co hẹp lại rất nhiều dầu họ vẫn được sống, được học tập và lao động trong những điều kiện của một xã hội văn minh. Chỉ đáng tiếc cái văn minh của họ là một nền văn minh tự tạo tách khỏi nền văn minh nhân loại, dựa trên những tiêu chuẩn mà tâm hồn Nga không thể chấp nhận, không thể tiến hoá. Lại thêm trong non một thế kỷ người Nga đã mất dần thói quen suy nghĩ độc lập, quyết định độc lập, mất dần cả tính cách phản kháng và bảo vệ chân lý, con người quen sống trong đám đông, trong tập thể, trong bầy đàn, không có cơ hội và sự khích lệ của xã hội để tạo ra những chân dung riêng với những tư tưởng khác nhau, những triết lý khác nhau những cách sống khác nhau. Mọi cái khác với chính thống đều bị lên án, mọi cái giống nhau đều được tuyên dương. Vì những cái khác nhau rất khó tạo ra sự nhất trí, còn những cái giống nhau sẽ dễ nghe theo, làm theo mọi mệnh lệnh. Người cai trị sẽ rất dễ chịu, rất nhàn nhã nếu quốc gia mình cầm quyền được tổ chức giống như trại lính, ông ta sẽ có dư thời gian để làm thơ hoặc viết tiểu thuyết, vừa có cái bây giờ lại có cả cái sau này. Còn phải lãnh đạo một xã hội dân sự của các công dân tự do thì có hàng trăm công việc đòi hỏi phải được giải quyết mỗi ngày, mà cách thức giải quyết cũng rất phức tạp, nó yêu cầu phải đối thoại, phải được tranh luận bình đẳng, phải thương lượng, phải luôn luôn thay đổi những chủ trương mà dân chúng không bằng lòng. Và mọi việc làm đều phải tuân theo hiến pháp và được xã hội kiểm tra thông qua hệ thống thông tấn báo chí. Chẳng những người lãnh đạo phải bị kiểm tra những công việc thuộc về chức năng của họ mà còn bị theo dõi rất nghiêm ngặt mọi sinh hoạt thuộc về đời tư của họ để ngăn chặn kịp thời những vi phạm thuộc về đạo đức. Ở những xã hội văn minh thì người cầm quyền bị rất nhiều luật lệ câu thúc, trói buộc, là người mất tự do nhiều nhất, còn dân chúng thì được pháp luật bảo vệ đủ mọi đàng, càng ít bị trói buộc càng tốt, càng có nhiều tự do càng tốt. Chỉ một xã hội được tổ chức như thế thì vị trí cá nhân mới được tôn trọng, người có giá trị là người có cái TÔI mạnh mẽ, đầy sức sống, đầy sáng tạo. Nên mỗi người đều có ý thức vun trồng những nét đặc sắc của riêng mình, cái vẻ đẹp của riêng mình và con của cháu thành những gia đình nổi tiếng, những dòng họ nổi tiếng làm cột chống cho một quốc gia. Một chế độ độc tài khi phải đối mặt với những biến động lớn thường rễ bị nứt rạn, từ nứt rạn đến tiêu vong, thời gian diễn ra rất nhanh vì nó chỉ có trụ đỡ là quyền lực của một phe đảng, không có trụ đỡ về tinh thần của cả dân tộc. Một chế độ chính trị tồn tại tới non một thế kỷ hay một nửa thế kỷ cũng là lâu lắm, đã tạo ra mấy thế hệ ăn chung ở chung với nó, sinh con đẻ cái với nó mà khi nó chết không ai nhỏ được một giọt nước mắt, có người còn nhẫn tâm đạp lên cái vừa chết đó rồi mới tiếp tục bước đi, đủ biết người ta đã xem nó như vật bất thường, là quái thai, là tai hoạ, thời thế đã bất thần xoá bỏ nó một cách êm dịu, không phải tốn đến máu cũng là một may mắn phi thường. Có thể kết luận, một chế độ chính trị được xem là văn minh hay lạc hậu, là sẽ tồn tại lâu dài hay chỉ có mặt trong khoảng khắc của lịch sử là tuỳ thuộc vào cương lĩnh chính trị của Đảng cầm quyền có thật sự tôn trọng những quyền của con người hay không, các cá nhân với những khác biệt, những phản ứng, những bất tuân của nó có được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp hay không ? Vì tiềm lực tinh thần của mọi cá nhân được vun xới, được phát triển trong tự do là nền tảng vững chắc nhất của mọi thiết chế chính trị. Vì còn nó ta có thể vững tin sẽ vượt qua mọi sóng gió bất thần của thời thế để mãi mãi tiến về phía trước.

Viết xong tại quận Bốn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/5/2006

NGUYỄN KHẢI

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us