Đọc bài Nguyễn Khải viết về Nguyễn Đình Thi
“ CẢM KHÁI ” CÙNG NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI
Phong Lê
Báo nào có bài anh Nguyễn Khải tôi đều tìm đọc ngay. Bẵng đi khá lâu, tôi mới lại được đọc một bút ký dài của Nguyễn Khải trên Văn Nghệ số 17-18 ; số kỷ niệm ngày 30-4 với rất nhiều nghĩ ngẫm. Bài anh viết về nhà văn Nguyễn Đình Thi, dưới cái tên Chiến sĩ - Nghệ sĩ dài gần 2 trang, choán cả 8 cột báo Văn Nghệ ; với âm điệu chính là sự ngưỡng mộ một thời thật lẫm liệt của một nhà văn lắm tài năng và đảm trách nhiều cương vị quan trọng đối với xã hội và đối với Hội nghề nghiệp. Ở đây anh tập trung ánh sáng ngưỡng mộ vào một thời, có lẽ hơn 10 năm, tính từ ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ cho đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân ta kéo về giải phóng Thủ đô... gắn với đóng góp lớn của Nguyễn Đình Thi, là “người tham gia, người được giao nhiệm vụ” trong sự nghiệp trọng đại ấy của dân tộc, với một bút pháp thật sôi nổi, hào hứng, khiến tôi cũng được vui lây cái nồng ấm, cái hào sảng của một thời nghệ sĩ và chiến sĩ trong giao hoà, gắn bó khăng khít để đến với cái đích chung, tương ứng và tương xứng với vinh quang chung của dân tộc.
Cái thời ấy, như cách anh Khải nhớ lại đã diễn ra cách đây hơn 50 năm, nếu tính đến lúc kết thúc của nó, khi dân tộc đến được với hạnh phúc của hoà bình trên miền Bắc, nghĩa là một nửa đất nước sau Hiệp định Genève 1954. Thế nhưng, tôi lại bâng khuâng : vậy thì đang còn một cuộc chống Mỹ đã diễn ra với miền Nam ngay từ sau 1954, và với cả nước từ sau 1965 cho đến 1975 là cái mốc kết thúc cho dân tộc có độc lập và tự do trọn vẹn ? Giá thời này lại có tiếp những kỷ niệm mới về một thời vẫn oanh liệt, hoặc càng oanh liệt hơn, trong đó có những kỷ niệm về anh Thi, hoặc của anh Thi, để nối tiếp những trang hào hứng của 10 năm cách mạng và kháng chiến trước đó, thì thật là trọn vẹn biết bao cho cái danh hiệu Chiến sĩ - Nghệ sĩ, hoặc Nghệ sĩ - Chiến sĩ, xứng với Nguyễn Đình Thi, và cũng là xứng với nhiều người khác trong giới nghề nghiệp chúng ta.
Thế
nhưng những
trang như thế đã không có sau ngót hai
phần ba bài viết của Nguyễn Khải, bởi đã
đến ngay lập tức với ta cái không khí,
cái tâm thế của đời sống thời bình,
của những việc đời thường. Cái thời bình
và cái đời thường ấy đã xuất hiện
ngay sau 1954 khi miền Bắc vừa được giải phóng và
các Hội nghề nghiệp văn chương - nghệ thuật của
chúng ta đã đi vào quỹ đạo của một
cuộc sống có tổ chức, với các bộ phận
quản lý, với các chức danh lãnh đạo,
lớn hoặc nhỏ, với bộn lên những sinh hoạt nghề
nghiệp, và các cuộc đấu tranh tư tưởng...;
và nếu tôi nhớ không nhầm thì Nguyễn
Đình Thi là người được sự tin cậy (cả
trên và dưới) cao hơn cả, để đứng ở vị
trí Tổng thư ký hoặc Chủ tịch các Hội nhỏ và lớn của nghề nghiệp chúng
ta cho đến
tận ngày qua đời ở tuổi 80, trong mở đầu thế
kỷ mới, không kể các chức trách xã
hội khác được anh kiêm nhiệm. Cái thời
bình và đời thường này như vậy là
đã xuất hiện ở miền Bắc từ sau 1954; và
tôi hiểu vì sao, anh Khải đã ngừng giọng
hoan ca ngưỡng mộ đối với anh Thi gắn với các
hoạt động sôi nổi của anh thời trước 1954, để
chuyển sang một âm điệu khác, nói về một
thời mới ─ cái thời mà anh chỉ còn
biết đến anh Thi qua “một
chân dung phù phiếm”;
cái thời mà tất cả chúng ta bỗng trở
thành “viên chức của nhà
nước”, kể
cả cao và thấp; và với “cái
thế giới
ấy, có sống trong nó, sống với nó mới
thấy hết cái tầm thường, cái nhỏ nhen khó
có ai tôn trọng được ai, trong cuộc ganh đua
vừa vô nghĩa, vừa buồn cười”. Một “cuộc ganh
đua... không có người thắng, cả mọi người
đều thua vì đã tự hạ mình trong nhiều
chuyện nghĩ cũng là nhảm”. Cái thời đã
thế, lại còn bận rộn với những “cuộc
tranh cãi
về lập trường, quan điểm giai cấp trong văn nghệ”
gần như là không ngừng nghỉ, “trong
nhiều
chục năm”, và đó là “những
cơ hội
bằng vàng để đám thư lại thời bình
bày chuyện, đơm chuyện, làm rối tung mọi sự,
khiến từng người đều cảm thấy bất an, đều không
dám bộc lộ công khai những niềm tin riêng
của mình, đều sẵn sàng nhân nhượng để
đổi lấy sự yên ổn của một anh viên chức
mẫn cán...”. Đọc những nhận xét này
của anh Khải tôi thấy thật dễ sợ, và bỗng
sợ cả cho mình, tuy là hậu sinh, nhưng không
khéo sẽ lâm vào, hoặc giả cũng đã
lắm lúc nhiễm phải nó, mà không tự
biết; và bất giác nhớ lại bài thơ của
một tác giả quen thuộc, có tên là
Mới,
đăng trên Giai phẩm mùa
xuân 1956, sau
khi hoà bình lập lại chỉ mới hơn 2 năm, khi
thấy quanh mình bao kiếp người :
... sống lâu
trăm tuổi
Ỳ như một chiếc
bình vôi
Càng sống càng
tồi
Càng sống càng
bé lại...
Và, còn
thảm thiết hơn khi tự thú về mình:
Tôi đã
sống rất nhiều ngày thảm hại
Khôn ngoan không
dám làm người
Bao nhiêu lần
tôi không thực là tôi
Tim chết cứng trong
lề thói
Những đêm
trắng tấy lên dữ dội
Không muốn nhìn
mặt mình
Hoá ra, có phải chăng, tác giả này đã nói đúng cái thực trạng tồi tệ mà hơn 50 năm sau, anh Khải, có lẽ cũng phải cân nhắc lắm, mới nói ra cho ta biết, nhân một bài viết về Nguyễn Đình Thi ?
Lại một sự kiện khác cũng có quan hệ xa gần với cái sự thực thời bình này, diễn ra chỉ 6 năm sau, khoảng 1959-1960 ─ đó là Nguyên Hồng, thôi Thư ký Toà soạn báo Văn, là tờ báo đầu tiên của Hội, kéo cả gia đình gồm vợ và 4 con còn nhỏ lốc nhốc bỏ Hà Nội, tức là bỏ cả hộ khẩu, tem phiếu Trung ương, và cuộc sống viên chức - đô thị để về lại Nhã Nam ─ quê hương thời kháng chiến của ông. (Nhã Nam ─ cái địa chỉ với rất nhiều kỷ niệm của giới văn nghệ kháng chiến ấy, tôi vừa mới được lên thăm để thắp hương cho nhà văn Nguyên Hồng, nhân tiết Thanh Minh năm Đinh Hợi này ; ngót 50 năm đã qua, biết bao nhiêu là thay đổi; nhưng cái quạnh hiu và khô khát trong cảnh quan của nó hình như vẫn còn dấu ấn đâu đó khiến tôi không khỏi bùi ngùi và cảm phục sát đất cái quyết liệt trong dứt bỏ mọi trói buộc để có được tự do cho bản thân ─ ở tư cách một người viết, của tác giả Sóng gầm).
Thực lòng tôi rất tâm phục, và khẩu phục anh Khải đã nói ra được một điều thật là khó nói như thế, nhân bài viết về Nguyễn Đình Thi, và cả cái tựa đề Chiến sĩ - Nghệ sĩ mà anh chọn. Và, nếu có một khái quát cao hơn thì có phải thế này chăng : khi đất nước lâm nguy, khi cả dân tộc ra trận, thì tất cả mọi người viết chúng ta, kể cả người lắm tài hoặc kém tài đều có cái vinh dự và hạnh phúc làm nên hoặc chia sẻ cái hào khí, cái lẫm liệt của dân tộc ; để được xứng đáng là nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhưng khi trở về với thời bình, thì ta bỗng trở thành hèn mọn trong những ganh đua hơn kém, được thua vì những lợi ích tầm phào. Điều này quả là có, có cho từng bộ phận của cộng đồng, có trong từng con người, hoặc trong từng lúc, từng bộ phận nào đó ở mỗi con người. Soi vào anh Khải, hoặc soi vào cách anh Khải nhìn anh Thi, hoặc soi vào tôi ─ vốn cũng chỉ là một bộ phận thấp mọn trong số đó, ta không khó nhận ra điều này ; chẳng phải vì cái chân lý “nhân vô thập toàn” chung chung, mà vì cái mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh trong nhận thức luận duy vật biện chứng mà trong chúng ta không ai không được học ít nhiều. Hoàn cảnh anh hùng đẻ ra tính cách anh hùng. Hoàn cảnh quyết liệt đẻ ra tính cách táo bạo. Hoàn cảnh tầm thường đẻ ra những kiếp... “sống mòn”. Nhưng rồi nhìn rộng ra cho sự thể hiện trong văn học thì lại có gì đó cần làm rõ thêm. Bởi vấn đề không phải ở bản thân đối tượng mà là cách nhìn về đối tượng. Bởi, cũng như thử thách của thời chiến, thời bình cũng có những thử thách của nó, cũng có vấn đề của nó, cũng có đại diện ưu tú của nó, cũng có những chất liệu tuyệt vời cho biết bao nhiêu áng thơ văn bất hủ, nói những chuyện của thời bình, gắn với những tên tuổi làm vẻ vang cho văn học dân tộc, kể từ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người biết rũ áo, cáo quan thuộc loại sớm, sau Chu Văn An, Nguyễn Trãi... qua Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... cho đến Nguyễn Khuyến là người cáo quan cuối cùng của thời đại phong kiến, cách đây hơn 100 năm... Cũng là cái thời bình gắn với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... để văn học dân tộc có tiếp Số đỏ, Sống mòn... Gắn với cái thời bình của Nam Cao trước 1945, rồi sẽ có cái thời bình sau 1975 với không ít tác phẩm nói về cái đời thường vật vã trong những chuyển động cho sự sinh thành của cái mới, rồi sẽ có cái tên chính thức là Đổi mới.
Trở lại chuyện về anh Thi và chuyện của cả giới nghề nghiệp chúng ta trong một thời. Vậy là chúng ta đã có một thời có hoà bình, rồi nửa hoà bình nửa chiến tranh, trên miền Bắc sau 1954 đến 1965 ; và một thời hoà bình trọn vẹn sau 1975. Giá như bên cạnh những gì ta đã đạt được trong sự nghiệp giải phóng đất nước, trong đó có những chân dung nhân vật lẫm liệt, và những người viết cũng lẫm liệt ở tư cách chiến sĩ, ta lại có thêm những tác phẩm ưu việt nói được những chân dung người trong sự nghiệp xây dựng; và trong sự nghiệp xây dựng đó ta còn nói được chính việc xây dựng con người (đúng như tên một bài viết rất sớm của Nguyễn Đình Thi), sao cho con người sống đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn, bớt được sự hèn đớn, bớt được tâm lý thư lại, chỉ biết an phận hoặc lo ganh đua, tranh đoạt lẫn nhau, thậm chí chơi xấu và làm hại nhau... như Sêkhov đã làm được đối với giới trí thức, công chức Nga cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; hoặc như Nam Cao đã làm được trong Sống mòn và Đời thừa... thì hay biết bao! Giá cái tài của Nam Cao, và cả của Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... trước 1945 được vận vào đây để soi sâu vào những mặt khuất tối ấy ! Giá văn học có thêm tiếng cười trào phúng (gồm cả tự trào) để giúp con người nhận ra được gương mặt thật của mình, và những ngộ nhận lầm lạc về chính mình! Rõ ràng những Đời thừa, Sống mòn hoặc Nhỏ nhen là khó tránh trong xã hội phong kiến - thuộc địa. Nhưng trong xã hội xã hội chủ nghĩa, hoặc bất cứ thể chế xã hội nào trong tương lai, nó vẫn cứ có đất sống. Vậy thì hãy cứ được như Nam Cao, vừa hoá thân vào Thứ, Điền, Hộ... đến thuộc từng chân tơ kẽ tóc họ, lại vừa thoát ra khỏi họ để thành tác giả Nam Cao mà nhìn sâu vào những gã, hắn, y... với cái nhìn xót xa, thương hại và xin đủ, thì hẳn văn học ta còn làm được nhiều hơn, để bây giờ nhìn lại, ta sẽ không phải xấu hổ với cái thời ta đã sống, và những gì ta đã có. Để, ở tuổi 77, anh Khải không còn phải viết bài này trong chất giọng “cảm khái”: “ Sống trong giới non nửa thế kỷ mà đến tận bây giờ mới bừng nhận ra cái chân dung đại diện, cái chân dung đích thực của giới mình ”. Không biết tâm trạng ấy có vận được vào số đông trong giới nghề nghiệp của chúng ta ?
Còn về phần tôi, tôi rất hứng thú và chia sẻ với anh Nguyễn Khải về một cách tính toán hợp lý hoặc tối ưu cho một đời văn. Hãy biết dừng lại vào một lúc nào đó cái bả phù hoa ; hãy bớt đam mê những gì phù phiếm mà chăm lo cho chính cái phần việc xã hội giao cho anh, hoặc đòi hỏi ở anh ở tư cách nhà văn, nhà thơ; nó cũng chính là cái phần để đời của anh. Và hãy biết cách tính toán sao cho sát, cho thật triệt để cái quỹ thời gian mình có, để làm nên một cái gì cho ra tấm, ra miếng, chứ không phải là những sản phẩm tùy hứng, vụn vặt, nhất thời. Trong trường hợp nhà văn Nguyễn Đình Thi, theo cách tính của anh Nguyễn Khải, nếu biết rời mọi chức vụ ngay sau 1975, khi đã ở tuổi hơn 50, dám quyết “ bước ra khỏi cái thế giới quan trường, rũ bỏ mọi công việc tẻ nhạt, rối rắm, vớ vẩn giữa đám thư lại ”, thì anh Thi vẫn còn một cái quỹ 20 năm cho việc viết. Với 20 năm, nhưng tính cho thật riết róng, với những trừ hao, trừ bì, với những rong chơi, nghĩ ngẫm và nghỉ ngơi, thư giãn thì cũng còn được 10 năm cho sáng tạo, để mỗi ngày đêm viết dăm trang thì sau 20 năm cũng đến được 10 ngàn trang, tức là khoảng 20 cuốn sách, mỗi quyển 500 trang, trong đó có những quyển hẳn chắc sẽ là để đời. Ôi, cứ nghĩ đến một cái kết quả như thế cho Nguyễn Đình Thi ─ người đã có một sự sống đến ai cũng phải thèm muốn, với cái “số đến là may mắn”, “cái số ông Trời không chọn riêng cho anh, mà chính anh đã tự chọn cho mình bằng một cuộc chuẩn bị lâu dài, về mọi phương diện, từ những năm mới 18, 19 tuổi”, với nhiều cái tài khó ai sánh được, như cách anh Khải đã kể ; thế mà cả cái phần đời rất quý còn lại phải mất công cho những việc mà hẳn chắc cũng có người thay được thì mới thấy phí biết chừng nào ! Giá số đông các nhà văn ta đều nghĩ được thế, đều tính toán được thế ; hay nói cho hẹp hơn, trong số những người đang giữ các trọng trách lớn nhỏ của xã hội và nghề nghiệp mà lại có tài lớn mà nghĩ được thế thì văn học ta hẳn có thiếu gì H. de Balzac, L. Tolstoi là những người từng viết nhiều vạn trang mà không phải, hoặc chẳng ham đảm đương công tác gì. Viết được, như mong mỏi cho anh Thi, mới là “xứng với tầm vóc của anh, với tài năng của anh, và cả những điều kiện làm việc sẵn có của anh”; thế mà tất cả đó, chỉ “được dùng một cách dè sẻn vào dăm cái bút ký”, mà cũng là viết một cách “thờ ơ, nhân phải viết về cái lớn hơn mà buộc phải nói chút ít về cái tôi bé nhỏ của mình, của giới mình”...
Giá cách nghĩ và cách tính này của anh Khải sẽ được nhiều người để ý, tất nhiên là trong số người có vị trí hoặc có tầm cỡ mà anh Thi là một trường hợp tiêu biểu, và cũng có thể là điển hình cho một thời đại văn nghệ ta. Còn số đông, rất đông chúng ta thì những căn bệnh thời bình như anh Khải nêu cũng không phải không là bài học rất nên cảnh tỉnh. Vừa biết nhìn người, vừa biết nhìn mình; vừa hoá thân vào người rồi lại phân thân mình ra mà nhận ra đâu là cái hay đâu là cái dở, đâu là cái cao thượng đâu là cái thấp hèn; vừa tiếp nhận, vừa thanh lọc và loại bỏ... để nhìn cho ra được những gì thật đáng giá, và thật là đầy đủ, cho cái thời mình sống, để rồi có sự toàn tâm cho cái nghiệp mình chọn. Nhưng rồi lại nghĩ đến cái năng suất dăm ba trang cho một ngày đêm, như cách tính toán theo tiềm năng và kích cỡ của anh Khải để mỗi năm có cả ngàn trang thì lại thấy xấu hổ cho mình, bởi năng suất của mình là quá thấp, là thấp quá ! Tất cả vẫn chỉ nằm trong ao ước của cả một đời khó nói gì khác hơn là lười biếng trong sự viết, bên những đam mê phù phiếm, và những bận tâm vô nghĩa, choán không ít thời gian, nghĩ thế mà buồn! Cái buồn như được lây từ cái buồn lớn của anh Khải khi anh được đọc những hồi ký ─ thể văn mà anh thích đọc hơn các thể khác, như tiểu thuyết, của các bậc trưởng lão trong làng văn ta, với “cái gam màu u tối của nó”, nó có lẽ là cái cớ để anh viết bài ký Chiến sĩ - Nghệ sĩ này.
Tôi
viết bài
này nhân ngày Đại lễ 30-4, có cái
hứng thú được đọc bài của anh Khải viết
về anh Nguyễn Đình Thi ─ là người thuộc thế
hệ đàn anh, hơn anh Khải chẵn 6 tuổi; cả hai đều
là bậc trưởng lão mà tôi rất kính
trọng. Còn tôi, là hậu sinh, sau anh Khải 8
tuổi, chỉ mong là một người hầu chuyện, để
được nghĩ cùng, hoặc nghĩ theo anh, để cũng được
“cảm khái”
như anh về một thời đang qua ; nếu
có gì lầm lỗi hoặc sai sót, còn
chưa thật chín chắn, hoặc có gây nên
va chạm vô tình nào đó với ai, rất
mong được bạn đọc và các bạn đồng nghiệp
thông cảm và lượng thú.
Thái Hà 30-4-2007
Phong Lê
Nguồn : tuần báo Văn Nghệ
Bản điện tử của Diễn Đàn
Xem thêm :
Nguyễn Khải :Chiến sĩ - Nghệ sĩ
Vương Trí Nhàn : Cảm khái không đủ
Các thao tác trên Tài liệu