Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ẩm thực trong rừng

Ẩm thực trong rừng

- Thanh Thảo — published 03/12/2014 18:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



ẨM THỰC TRONG RỪNG


thanh thảo



Ngày Tết, kể chuyện “ ăn và uống ” trong rừng (R), âu cũng là dịp “ ôn cố tri tân ”. Còn nhớ, ngày tôi thường trú bên Đài Giải phóng, cứ buổi trưa là tôi với Lê Điệp (nhà văn) lại kéo nhau ra suối câu cá. Con suối này tương đối sâu, nên cá khá nhiều, chủ yếu là cá đỏ đuôi. Chúng tôi kiên trì ngồi buông cần, không phải câu cá để thư giãn, hay để nghĩ chuyện lớn, mà chăm chắm câu kiếm cá cho bữa cơm chiều. Dạo đó thức ăn nhà bếp quá hẻo, tôi với Lê Điệp mặt thằng nào cũng xanh lét do sốt rét và ăn thiếu chất, nên câu cá cải thiện là “ việc cần làm ngay ”. Thường ngồi suốt buổi trưa như thế, mỗi thằng cũng câu được dăm con cá đỏ đuôi, loại cá bé tẹo bằng hai, ba ngón tay, nhưng như thế là tươm lắm rồi, có thức ăn cho bữa chiều rồi. Thậm chí, hơn cả thức ăn, đó có thể là mồi nhậu, nếu có tiền mua rượu “ đồng bào phum sóc ”. Muốn có tiền, tôi với Lê Điệp phải lên phòng y tế của Đài xin thuốc sốt rét, và “ thật thà khai báo ” là bị suy kiệt trầm trọng. Chị y sĩ khá dễ tính, cho thuốc lại còn kèm theo đơn xét bồi dưỡng. Tôi với Lê Điệp mỗi thằng được 100 riel (tiền Cămpuchia). Quá tốt ! 200 riel này có thể mua được hơn 2 lít “ rượu đồng bào ”. Chúng tôi tiêu từ từ, mỗi lần ra phum sóc lại mua nửa lít. Cứ thế, mỗi bữa chiều chúng tôi kêu thêm vài thằng bạn nữa, mồi nhậu là cá câu được, rượu “ đồng bào ” nửa lít, đủ lai rai rồi. Nhậu xong tối xuống hầm ngủ, tránh bom B52. Thời gian ở Đài, tôi với Lê Điệp hay chơi với anh Hải ­– Nguyễn Ngọc Hải – anh này vốn là cựu sinh viên khoa Văn Tổng hợp Hà Nội, như thế là đồng môn với tôi, dù anh Hải học trên tôi 4, 5 lớp gì đó. Học xong, anh vừa về một cơ quan ở Hà Nội thì được động viên đi bộ đội, vào chiến trường, làm lính trơn. Anh vào B2 khá sớm, công tác ở phòng Tuyên truyền của sư đoàn, cũng đã lăn lộn qua nhiều chiến dịch, cuối cùng, về Đài Giải phóng làm biên tập viên Ban Văn nghệ. Tôi với Lê Điệp hay chơi với anh Hải vì ở “ nhà sàn ” của anh (trong rừng) hay có thứ này thứ kia có thể lót lòng cho qua cơn đói. Anh Hải thích chơi với chúng tôi vì hai thằng tôi, để có gì ăn, rất chịu nghe chuyện của anh, mà anh thì chỉ có mỗi nhu cầu “ trút bầu tâm sự ” rất linh tinh. Kệ. Còn nhớ, những món ăn được ở nhà anh Hải thường rất… kinh. Chẳng hạn món cơm rang. Cơm ăn thừa anh Hải tích trữ không biết qua bao nhiêu ngày, còn mỡ để chiên cơm thì “ lý lịch ” hết sức tù mù, chắc chắn là không được vệ sinh lắm. Anh Hải có thói quen nằm trên nhà sàn một mình, radio mở rất to, đài Giải phóng hay đài Hà Nội gì đó, anh cứ nằm, một tay cầm đũa liên tục khuấy đảo chảo cơm rang, mắt lơ mơ chả biết thức hay ngủ, còn cái radio thì nó kêu cho vui thôi chứ anh cũng chả nghe. Những lúc đó, tôi với Lê Điệp nhẹ nhàng đến với anh, và anh Hải bật dậy như một người lính… choàng tỉnh :   “ Cơm rang nhé ! ”. Vâng, thì cơm rang. Ba chúng tôi lại hì hụi với nhau, mỗi người một bát cơm rang “ made in Ngọc Hải ”. Lúc đói thì ăn gì chả ngon ! Chuyện linh tinh như tép nhảy. Thường những lúc ấy, đột ngột anh Hải bảo :  “ Các cậu đưa tớ mượn khẩu K54 ! ” Hỏi anh mượn súng làm gì, anh Hải nói : “ Các cậu ở nhà, mình ra phum sóc đồng bào xem có rượu mua vài xị, anh em mình lai rai. ” Súng ngắn thì có ngay, nhưng tôi với Lê Điệp vẫn hỏi thêm : “ Đi mua rượu chứ có phải đi chiến trường đâu mà ông đeo súng ra phum ? ” Anh Hải cười cười khá bẽn lẽn : “ Mình đeo súng ngắn để bà con bán rượu tốt hơn và rẻ hơn. ” Ra thế ! Thêm một tính năng mới của súng ngắn K54 mà anh Hải dạy chúng tôi : đeo súng ngắn đi “ shopping ” thì mua được rượu tốt hơn, rẻ hơn. Thực ra, chúng tôi biết anh Hải mượn súng ngắn đeo cho… oai, nhằm “ giải quyết khâu oai ” là chính. Nhìn anh nai nịt quân phục, mũ tai bèo, thắt lưng súng ngắn, “ độc hành ” ra phum sóc… mua rượu, thật không nhịn được cười. Đúng là mỗi người mỗi sở thích. Nhiều lúc ngồi chuyện trò với anh Hải trên “ nhà sàn ”, anh kể chuyện về gia đình nhà mình, nhìn mắt anh thật buồn. Một nỗi buồn anh cố giấu mà không giấu được. Khi đi chiến trường, anh Hải đã lấy vợ, và có một cháu gái tên Nguyễn Ngọc Diễm Hà. Năm năm anh Hải ở chiến trường B2, cháu Hà đã lên năm tuổi. Tôi có viết một bài thơ nhỏ tặng anh và cháu Hà, lấy tên là « Trăng con ». Đó là bài thơ nhằm cổ vũ niềm lạc quan hy vọng cho anh Hải về một ngày mai đoàn tụ gia đình, nhưng khi đọc lại, tôi vẫn thấy nó buồn bã thế nào. Hay đó là cảm giác “ lạc quan buồn bã ” như thi sĩ Trần Vũ Mai đã viết trong một trường ca của anh.


Có những lúc ở rừng cũng thật đáng nhớ. Tôi nhớ, nhiều đêm ở rừng ven sông Vàm Cỏ, tôi với Tư Xuân ngồi uống trà chuyện bao đồng, khoảng 10 giờ đêm, thì nghe tiếng Hai Hoàng kêu thất thanh : “ Thảo ơi ! Tư Xuân ơi ! Chuột ! ” Người ngoài nghe tiếng kêu ấy sẽ không hiểu gì cả. Nhưng tôi với Tư Xuân thì hiểu ngay. Hai Hoàng vừa đánh chết được mấy con chuột ăn gạo trong kho gạo cơ quan. Không phải Hai Hoàng quá tích cực bảo vệ kho gạo, mà đơn giản hơn, anh rình bẫy chuột, đánh chuột ăn gạo để mấy anh em chúng tôi ăn… chuột. Mang mấy con chuột chiến lợi phẩm về nhà, Hai Hoàng nổi lửa. Tôi với Tư Xuân phụ vào. Chẳng mấy chốc, đám chuột được làm sạch sẽ và cho vào chảo mỡ. Rán. Thơm nức nở luôn. Tư Xuân đã chuẩn bị cơm nguội dành sẵn từ chiều, Hai Hoàng lôi ra một cút rượu đế, và chúng tôi… lai rai. Thú vị không thể tả. Bởi lúc ấy vừa đói bụng vừa buồn. Nhắm rượu với thịt chuột rán, kèm thêm bát cơm nguội, đời tự nhiên có ý nghĩa hẳn. Mùa đông năm ấy thật lạnh. Nhiều đêm, tôi với Tư Xuân uống trà mãi xót cả ruột, nhà không còn gì ăn được, tôi mới gợi ý rẫy sắn mỳ của cơ quan ở rất gần nhà chúng tôi. Thế là tôi với Tư Xuân lò dò ra rẫy mỳ, cẩn thận đào từng bụi củ mỳ, mỗi bụi chỉ lấy mấy củ, còn thì lấp lại. Nhưng lấp nửa vời, theo kiểu heo rừng ăn. Đổ oan cho heo rừng như thế, thật mang tội. Nhưng nếu không tạo “ hiện trường giả ”, chuyện đào củ mỳ của chúng tôi dễ bị phát giác. Lúc ấy thì không ổn với cơ quan rồi. Có nồi củ mỳ luộc, nấu thêm ấm trà, chúng tôi lại tâm tình với nhau được bao nhiêu chuyện. Sau này, tôi viết được nhiều đoạn thơ trong trường ca « Những người đi tới biển » chính là nhờ những đêm giả heo rừng đào củ mỳ để nghe Tư Xuân kể chuyện nông dân Nam Bộ hành nghề trên đồng và trên sông, ở bưng và dọc theo biền.


Đúng là có lần ấy, Noel trong rừng, tôi đã say một trận thật tình, say quá cỡ, say suốt mấy ngày sau luôn, dù chỉ uống rượu một đêm Noel. Lần ấy, chúng tôi phải đi học chính trị hay gì đó bên Ban Binh vận, đúng ngày 24/12. Đêm mới xong, khi về lại B6 của mình, một chị bạn cùng cơ quan suýt đạp lên một… con rắn. Kinh quá ! Nhưng về tới nhà, quá vui khi ở nhà mấy anh em đã chuẩn bị một cuộc nhậu thật tưng bừng mừng Giáng Sinh. Chúng tôi vào cuộc ngay. Rượu đế uống bằng bát, ban đầu còn uống từ từ, sau thì uống cấp tập, rồi tới lúc, một ai đó trong bàn nhậu đề nghị uống giáp vòng, tới lượt ai người đó phải cắn miệng bát rượu, không được dùng tay, và uống cạn. Dữ dội. Thực ra, tới lúc tôi say, thì ai cũng đã say cả. Bởi tôi thuộc loại uống rượu khá “ chì ”. Tôi say, tôi nói lung tung, chuyện tình cảm thôi, dễ thương thôi, nhưng có lẽ nếu tỉnh thì tôi không nói.


Nói đến chuyện uống rượu trong rừng, lại nhớ ngày đầu tiên tôi qua được đường Trường Sơn và tập kết về “ cứ ” Binh vận, chấm dứt cuộc hành trình dài 4 tháng, trong đó có 1 tháng phải nằm ở hai bệnh xá đường dây vì sốt rét. Khoác ba lô về B6 – Tuyên truyền Binh vận, mới kịp chào hỏi thì lên… cơn sốt rét. Sốt cao. Thủ trưởng B6 nói đưa tôi về ở tạm nhà anh Tư Quang, cán bộ biên tập. Tôi lê về nhà anh Tư, mắc võng nằm rên hừ hừ. Anh Tư Quang là người rất chăm chỉ. Nhìn ngôi nhà lợp lá trung quân trong rừng của anh thì biết. Cột nhà làm bằng gỗ tốt. Lá lợp rất đều, rất công phu, rất đẹp. Có cả giường nằm, do anh Tư đóng. Ở rừng như vậy là thuộc hàng “ đẳng cấp ” rồi. Tôi nằm nhà anh Tư, sốt tới ngày thứ hai thì xảy ra chuyện. Buổi trưa, anh Tư Quang đi đâu đó ngoài rừng khá lâu. Chợt anh chạy về hớt hải la lên : “ Mới chém được con hổ đất to lắm ! ” Tôi bật dậy. “ Hổ đất ” ư ? Tôi chưa từng thấy. Anh Tư hô mấy anh em bảo vệ theo anh ra rừng. Lát sau, nghe ồn ào quá cỡ. Rồi mọi người hoan hỉ kéo về, kèm theo một con… rắn. Bị chém đứt ngang lưng. Con rắn đen mun, to hơn cổ chân sốt rét của tôi. Anh Tư Quang hồ hởi kể chuyện : “ Mình ra ngoài rừng tính bứt dây mây. Chợt buồn…ị. Bèn kiếm chỗ. Có một cây to ngã ngang, đã bắt đầu mục. Mình ngồi lên cây cho thoải mái. Lúc vừa xong việc, chợt nhìn xuống thì… ôi ! Gần ngay phía sau lưng mình, cạnh cây mục, là một… con rắn hổ đất đen mun. Con rắn đang… ngủ. Chắc nó no mồi, nên nằm im đặng tiêu hóa. May mà mình đi rừng lúc nào cũng cầm theo cây rựa bén. Nhẹ nhàng, mình lựa thế, rồi chém ngang thân con rắn một phát.” . Nhìn anh Tư Quang kể chuyện chém rắn, tôi chợt có cảm giác anh giống… Lưu Bang (Hán Cao Tổ) lúc ông này chém rắn khởi nghĩa. Hóa ra, sau mới biết, anh Tư Quang, dân Bến Tre, vốn là đại úy trong quân đội Sài Gòn, nhưng lại là cơ sở cách mạng, anh Tư Quang đã từng… khởi nghĩa. Anh cầm đầu một đơn vị quân Sài Gòn khởi nghĩa về với VC. Sau đó anh lên chiến khu, trở thành nhà báo, biên tập viên Ban Tuyên truyền Binh vận R. Cuộc “ khởi nghĩa lần thứ hai ” của anh Tư Quang không xảy ra, nhưng con rắn hổ đất to tổ bố anh chém chết thì còn nguyên đó. Gần như nửa cơ quan B6 đã lao vào con rắn… chết này. Để… làm thịt nó. Nhậu. Buổi chiều hôm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn cháo thịt rắn hổ đất hầm đậu xanh. Với tôi, chưa có món cháo nào trên đời ngon đến thế ! Chưa hết. Thịt rắn hổ đất xào lá lốt hay lá gì đó, là món nhậu tuyệt hảo. Mười mấy người tham gia “ tiệc hổ đất ”, uống ngót chục lít rượu “ đồng bào phum sóc ”. Tôi ăn rất nhiệt tình, và uống rượu rất kinh ! Bất chấp mình đang cơn sốt rét. Vậy mà, kỳ lạ thay, buổi sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy mình khỏe rân. Cơn sốt rét biến đâu mất. Tôi hết sốt luôn. Khỏi luôn. Cảm ơn anh Tư Quang, người khởi nghĩa trước rồi mới chém rắn sau. Chém rắn chỉ để… nhậu. Tôi bắt đầu cuộc sống ở chiến khu từ bữa “ tiệc hổ đất ” ấy. Không bõ công đi bộ hai ngàn cây số.


Chiến tranh khiến con người tự bộc lộ nhiều mặt lắm, trong đó có những mặt con người cố che giấu. Như ích kỷ. Đố kỵ. Hèn nhát. Tham ăn. Và nhiều thứ khác. Hồi đi Trường Sơn, tôi nhớ trong đoàn chúng tôi – một đoàn ghép gồm nhiều thành phần – có một ông, là cán bộ hẳn hoi, hai mùa kháng chiến hẳn hoi. Khi anh em trong đoàn đã hết cả bột ngọt (hồi ấy gọi là « mỳ chính ») để nấu canh lá rừng húp tạm, biết ông “ cán bộ ” này vẫn còn cả gói bột ngọt to, bèn xin ông một chút, nhưng ông quyết không cho. Thực ra, bột ngọt thì ai cũng biết, chẳng thể ăn nhiều được. Xin một tí cũng không cho, thì đúng là ích kỷ rồi còn gì ! Sau này, khi vào chiến trường B2, chúng tôi mới biết tin ông “ cán bộ ” nọ đã đi chiêu hồi. Không phải vì tiếc một chút bột ngọt với đồng đội mà ông đi chiêu hồi. Nhưng đời là vậy ! “ Chán hơn con gián ”, phải không ạ ? Hồi ở B2, mấy anh bạn tôi ở Y4 còn kể chuyện có một ông thủ trưởng cấp… vừa (không nhỏ không to) có lon guigoz đựng thịt gà kho sả (kho mặn) nhà gửi lên, đêm đêm ông phải nằm võng, trùm chăn kín người, bật đèn pin lên để… ăn. Ăn gì lạ. Ăn thế thì khát nước chết. Ông đó có thể là nhân vật chính trong phim “ Nằm võng ăn thịt gà một mình ” đấy nhỉ ! Người như thế, về sau hòa bình, cũng không ổn lắm.

tt

Nhân nói chuyện ăn khuya trong rừng, mới nhớ, tôi cũng đã hơn một lần được ăn khuya cùng thủ trưởng B6 – Tuyên truyền Binh vận của tôi. Ông thủ trưởng này thuộc loại “ có máu mặt ” và cả cơ mưu nữa, nhưng không hiểu sao, ông đối với tôi khá tốt, nể trọng, và đặc biệt là không bao giờ phê bình tôi cả, dù tôi có sống hơi tự do (vô kỷ luật). Có những đêm trong rừng, tôi đã chuẩn bị đi ngủ, thì chú em cận vệ của thủ trưởng xuống tận “ nhà ” tôi, chuyển lời mời của thủ trưởng, giọng rất thì thào : “ Chú Hai mời anh lên chơi ”. Tôi biết ngay là có món gì chén rồi ! Cái ấy thì không thể, và không nên, từ chối. Vì ở rừng đói lắm, thiếu chất lắm. Thường khi tôi lên, chỉ có thủ trưởng với tôi, và anh cận vệ. Hôm nào thủ trưởng vui hơn, thì mời thêm một người nữa, có thể là bí thư chi bộ, hay một tổ trưởng nào đó. Nói chung, mấy món ăn khuya của thủ trưởng tôi hơi bị ngon. Chẳng hạn, anh em bảo vệ gài bẫy được con cheo, hay con mển nho nhỏ. Cả cơ quan ăn không bõ, thôi thì dành bồi dưỡng cho thủ trưởng và mấy người có công gài bẫy. Cheo nướng lò (lò đắp bằng đất tổ mối), hoặc mển chiên beefsteak. Đồ uống, dĩ nhiên là rượu thuốc loại tốt. Thủ trưởng của tôi thường có những cử chỉ như ra hiệu, bí mật. Ông nói năng nhỏ nhẹ, càng về khuya giọng của thủ trưởng càng có âm vực thấp. Tôi cũng không thể nói lớn trong lúc ấy, dù có thể “ ăn to ”, vì tôi biết, rừng khuya tiếng vang xa lắm. Mình nói to, phiền cho thủ trưởng, và có thể sau này…“ mất mối ”. Cho nên tôi vừa trò chuyện rất nhỏ nhẹ vừa ăn uống rất thật tình. Thực ra, nếu có ăn khuya trong rừng thì nên ăn như thủ trưởng của tôi, cũng được. “ Ở nhà một mình ” thì không sao, chứ ăn một mình, chán lắm, dù là ăn khuya.


Có ăn thì có… uống. Lại không thể quên chuyện uống trà trong rừng. Nhớ hồi ấy dân VC ở Nam Bộ toàn uống một loại trà đóng gói có bao ny-lông bọc ngoài, tên là trà CỦ MĂNG :

“ buổi sáng mình uống trà CỦ MĂNG
chuyện tào lao
bụng sôi như con cào cào 


Bụng sôi như con cào cào là do… đói, chứ không phải đau bụng. Buổi sáng trong rừng rất ít việc làm, nhưng tôi không dậy muộn, lại muốn có hớp trà nóng cho tỉnh táo để viết bài, nên bàn trà Hai Hoàng, Tư Xuân với tôi thường là bàn trà “ mở sớm ”. Dăm anh em tụ tập, nấu nước, trà CỦ MĂNG lấy ra, thế là… Tôi không quên được câu slogan thương hiệu của loại trà này : Trà CỦ MĂNG hình ảnh hai cha con, xin nhìn kỹ kẻo lầm đồ giả. Đại khái như vậy. Nhưng thật ra, trong rừng, chúng tôi thường xuyên đụng phải trà CỦ MĂNG giả, do quản lý đi mua dưới cửa khẩu làm sao biết trà nào giả trà nào thật. Cứ mua một lúc hàng trăm bao trà CỦ MĂNG như thế, về chia lại cho anh em trong cơ quan. Ai may thì đụng trà thiệt, không may nhận phải trà giả, cũng phải uống, chứ biết làm sao. Lại nhớ, cơ sở trà CỦ MĂNG này do cha con một ông Ba Tàu Chợ Lớn sản xuất ở Xóm Củi – một xóm Hoa kiều hình thành khá sớm ở Sài Gòn, theo như sách về Sài Gòn xưa của cụ Vương Hồng Sển đã nói. Mấy ông Ba Tàu là những bậc kỳ tài về làm hàng… giả, cái này họ đã nổi tiếng từ xưa, chứ không đợi tới Trung Quốc đại lục bây giờ mới biết làm. Nhưng cũng phải nói lời cảm ơn với cha con ông Ba Tàu làm trà CỦ MĂNG, dù tôi biết, VC đã khiến họ trở thành những tỉ phú, chỉ nhờ bán độc một loại trà CỦ MĂNG cho Việt Cộng, kể cả trà… giả. Không có những gói trà của họ, chúng tôi làm sao trụ vững ở chiến trường một cách tỉnh táo như vậy. Không chỉ ở rừng già mới uống trà, mà VC uống trà khắp nơi khắp chốn, ở chiến trường đồng bằng, trong địa hình pháo dập… cũng cứ một loại trà CỦ MĂNG mà uống, gọi là dân “ UTQ ”: uống trà quạu. Trà quạu là trà đặc cắm tăm được, cái này thì tôi quá thuộc bài vì từ hồi học đại học sơ tán ở Đại Từ Thái Nguyên – thủ phủ của “ trà quạu ”, tôi đã là dân uống trà rành sáu câu. Mà nói tới trà, lại phải nhắc tới… rượu. Hôm trước, có một cậu gì đó xưng danh mình làm ở báo T.P., thường trú ở miền Tây, gọi điện cho tôi, khen mấy trích đoạn Lang thang qua chiến tranh in ở báo Thanh Niên, đồng thời nghiêm khắc phê bình tôi, vì sao nói nhiều tới chuyện uống rượu như thế trong quyển sách lẽ ra phải dành cho chuyện chiến tranh này ? Đúng là một nhà báo chân chính, và những lời phê bình chân chính ! Nhưng tôi cứ phải kể những chuyện uống rượu, vì tôi cứ thích cái gì thì kể cái ấy, tôi không viết theo “ định hướng ” nào, kể cả định hướng “ không bán rượu sau 22 giờ ” mà người ta tính ban hành nhưng bị phản đối nên lại… thôi.


Thanh Thảo

(trích Lang thang qua chiến tranh)



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us