Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Anh cả tôi

Anh cả tôi

- Trương Thìn — published 22/09/2012 19:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Anh cả tôi


Trương Thìn


Sau 1975, người đầu tiên tôi muốn gặp là anh cả của tôi, thần tượng thời thơ ấu của tôi. Tôi nhớ sau 1954, mẹ tôi đưa chị dâu tôi và hai cháu vượt vĩ tuyến 17 ra bắc sum họp với anh tôi. Mẹ tôi trở vào nam, từ đó bắc nam xa cách nhau trong lo âu thương nhớ mãi cho đến 1975.

Anh tôi trở về vui mừng gặp lại cha mẹ và các em, nhưng sau vui mừng đó, dường như anh có nhiều điều lo lắng. Thì ra cha của anh vẫn còn sống ! ấy thế mà anh tôi nghe cha chết đuối từ lâu ! Anh đã khai trong lý lịch của mình là cha đã mất. Như vậy là khai man lý lịch ! Sự còn sống của người cha không mang lại cho anh tôi một phúc đức lớn mà là một tai họa ! khi cha mất, anh lại thêm một nỗi lo mới là không dám dự đám tang cho cha với những nghi lễ mặc áo tang, đội nói rơm, cầm gậy tre, đi giật lùi trước quan tài ! Ấy thế là anh cả tôi vắng mặt !

Anh yêu thương mẹ, nhưng phải là người mẹ có quan điểm lập trường tiến bộ. Mẹ anh bây giờ không phải là một niềm hãnh diện của anh mà là một gánh nặng lo lắng ! Mẹ không chỉ có người con trai cán bộ theo miền bắc mà còn có hai người con trai và một chàng rể là những sĩ quan ngụy ở miền nam ! Vậy mẹ theo ai ? Mẹ không lựa chọn đứa này, đứa kia. Đứa nào mẹ cũng thương bởi mẹ là mẹ, đứa nào cũng từ trong bụng mẹ mà ra. Anh cả tôi vừa hiểu điều đó vừa không thể hiểu điều đó !

Mẹ thương con, mẹ lo cho con cháu ở miền bắc bom đạn đói khổ. Mẹ lo cho con cháu miền nam có thể phơi xác ngoài chiến trường và mẹ đã làm gì ? Mẹ đi cầu xin, cầu xin Phật, cầu xin Chúa, cầu xin Thánh mẫu… Có bao nhiêu đạo mẹ đều theo hết để cầu xin cho con cháu của mẹ bình yên. Trước sân nhà, mẹ xây nhiều am lớn nhỏ để thờ nhiều vị che chở cho cháu bà. Đó là tấm lòng thương con của mẹ. Không hiểu sao anh tôi lo, anh tôi sợ và anh đành lòng phá hết ! Mẹ  tôi lặng lẽ đau buồn, hết chuyện buồn này đến chuyện buồn khác, mẹ kiệt sức đề kháng và đã qua đời trong vòng tay bất lực của tôi ! Tôi thưa với anh, khi cha mất tôi phải làm tất cả mọi nghi lễ theo ước muốn của mẹ. Còn bây giờ mẹ mất em sẽ tổ chức theo ước muốn của anh. Có như thế anh cả tôi mới về dự đám tang mẹ !

Với con người khá phức tạp như tôi, anh cả tôi khi thì hiểu khi thì không, chẳng biết rõ chú ấy là trắng hay là đen, chẳng biết nên xa hay nên gần chú ấy ! Khi anh được biết tôi có hoạt động cách mạng thì anh vô cùng sung sướng. Bỗng dưng anh lại được tin tôi bị đi học tập cải tạo thì anh biết rõ tôi thuộc thành phần nào. Em của mình là ngụy quân thì đáng buồn lo quá, thôi đành phải xa chú ấy ! Rồi bỗng anh lại được tin tôi không đi học tập cải tạo nữa mà về giữ chức vụ khá to trong ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh. Anh cả tôi thở phào như trút hết lo lắng, từ đây có thể gần gủi chú ấy được ! Nhưng rồi anh tôi đọc báo Nhân Dân thấy phê bình nhóm sáng tác của tôi bao gồm Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Lê Thị Kim… Trời ơi ! Nhân văn Giai phẩm rồi đây ! Anh tôi lo lắng lắm và chấm dứt liên lạc với chú ấy ! Bỗng anh được tin tôi được cử đi thăm Liên Xô vì thành tích cai nghiện ma túy của tôi. Đi Liên Xô ư ? Phải có lý lịch trong sáng mới được vinh dự đó. Anh tôi yên lòng vui sướng. Lần nào tôi ra Hà Nội đều ghé thăm anh, bởi anh là anh cả của tôi, bởi anh là thần tượng của tôi thời thơ ấu. Tôi khoe với anh tôi thường vẽ tranh và đã tặng cho anh một bức mà tôi cho là đẹp. Anh tôi vui mừng nhận bức tranh, nhưng sau đó anh nói với tôi anh phải cất kỹ bức tranh đó trong vali không để cho ai xem bởi bức tranh đó phức tạp khó hiểu. Anh có kinh nghiệm bên Trung quốc có bức tranh phong cảnh, nhưng không biết người thưởng thức như thế nào mà nhìn ra Mao Trạch Đông đang đứng trên rất nhiều sọ người ! Mỗi sự việc xảy ra, anh em tôi ngồi tranh cãi phải trái. Tôi nói nhiều và dường như anh tôi nói rất ít như ngại ngùng gì đó sợ không dám nói ! Cuối cùng tôi phát hiện ra anh cả của tôi không phải là anh cả ngày xưa phóng khoáng tự do, anh đang sợ hãi, anh đang bị giam cầm. Những ngày cuối đời cơn sợ hãi không che giấu được nữa, anh bắt chị dâu tôi suốt ngày đêm đóng kín cửa, thả mùng xuống và ẩn mình trong bóng tối !

7-2012

TRƯƠNG THÌN


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us