Bánh chưng của người xa xứ
Bánh chưng xa xứ
Thymianka Thảo Nguyên
Hàng năm cứ đến mùa Giáng sinh, khắp các cửa hàng châu Á mình lại bắt đầu bán lá dong. Không biết bởi những tấm lá dong được nhập từ quốc nội ấy mà lòng người xa xứ bâng khuâng tết, hay vì bâng khuâng tết mà người ta mong ngóng những tấm lá dong, hương vị của tết Việt?
Lá dong đóng đá thật ra được bán quanh năm. Nhưng thứ lá công nghiệp ấy tuy sẵn và rẻ nhưng không được các bà nội trợ ưa dùng, vì màu bánh cứ luộc lên bàng bạc như một góa phụ buồn, mà khi bóc ra, lá cũng vỡ từng mảng bám vào bánh trông mất ngon. Chưa kể, mùi bánh cũng thiếu đi sự nồng nàn quyến rũ. Thế mới biết, phàm cái gì đã sẵn thì hình như bao giờ cũng rẻ... và đều mất đi sự quý giá, như quy luật của muôn đời.
Phải đợi đến những tấm lá xuất ngoại bằng con đường hàng không. Tươi cũng có khác, xanh cứ rờn lên, một màu xanh ngầy ngậy mới chỉ nhìn qua lần ni lông che chắn đã bắt gặp ùa ra cả nỗi niềm tết nhất. Gạo nếp cái hoa vàng từng bịch 5kg chất ngổn ngang quanh năm sung túc. Lá chuối tươi nhập khẩu từng thếp duyên dáng cũng chỗm chệ mời chào. Nhưng bà nội trợ đảm đang không bao giờ gói bánh chưng bằng lá chuối. Vì cũng là gạo đấy, lá đấy, những cái mùi bánh chưng lá chuối cứ có cái gì đấy hời hợt tạm bợ. Nó gợi nhớ những cái bánh bé bé xinh xinh treo lủng lẳng trong những quán cóc eo xèo một thời ăn no cũng đã là một cái tội. Cũng là bánh chưng, nhưng nó chỉ là thứ gạo luộc chín tới. Thiếu hẳn độ rền da diết của gạo. Độ dẻo quánh chân răng của đỗ. Phải là đỗ xanh đãi vỏ đồ kĩ, giã nhuyễn. Quện với thịt ba chỉ mềm nhụt mà không ngấy, với mùi thơm tưng bừng của thứ hạt tiêu bắc xay rối cuống quýt nỗi niềm. Chao ơi, đói no gì đâu những tấm bánh cầu kỳ ninh nấu đến cả mươi tiếng đồng hồ. Nhưng sao người ta càng đi qua cái dốc cuộc đời, càng nặng lòng với những giá trị mà đã từng có thời, coi nhẹ hều so với bao nhiêu thứ thời trân.
Tết ở quê nhà bây giờ đơn giản lắm. Tất tật bày bán ngoài chợ, từ khoanh giò, đĩa xôi thắp hương đến đồng bánh chưng. Không còn cảnh cả nhà quây quần gói bánh, ơi ới gọi nhau nhà này nhà kia luộc chung nhau một nồi cho đầm ấm tiết kiệm. Không biết có phải chỉ từ điều giản dị ấy, hay vì những giá trị văn hóa khác đang mai một dần đi, mà trong muôn vàn ký ức của Tết xưa, người ta cứ bồi hồi nhớ lại những tấm bánh chưng thời còn khốn khó. Vả lại, tết còn là tết nữa không, nếu thiếu đi nỗi niềm bánh trái.
Nếu tết ở quê nhà ngày càng được giản tiện khiến nhiều người nuối tiếc, thì có vẻ như lại được tái hiện ở nơi xa xôi như nơi đây. Cho nên, nói sao mặc lòng, người xa xứ cứ mỗi độ xuân về, trong ngút ngàn những thức ngon đồ lạ của xứ người, bất cứ nơi nào có người Việt ở là nơi đó có bánh chưng.
Không biết ở các quốc gia khác như nào, riêng ở Berlin, bánh chưng được bán gần như suốt cả mùa đông. Bắt đầu vào dịp Giáng sinh, người gói bánh chuyên nghiệp đã hối hả củi lửa cho một vụ làm ăn. Những tấm bánh đa dạng từ kiểu dáng, cách gấp lá, lạt buộc ... được bầy bán nghênh ngang như một tuyên ngôn tết. Nếu ở quốc nội, người ta ngày càng thích mua bánh chưng làm sẵn thì ngược lại, ở xứ người, nhiều bà nội trợ lại chọn cách tự gói và luộc bánh chưng như là một con đường thật nhất sống lại không khí của ngày tết đã quá xa vời.
Chỉ cần bỏ ra 6 €, bạn đã mua được một tấm bánh thuần Việt từ tầu lá, hạt gạo, mảy tiêu xay rối đến sợi lạt buộc dẻo quẹo. Nhưng bạn cần bỏ ra bao nhiêu để mua được cái xốn xang xuân về? Cái náo nức của con trẻ khi người mẹ vừa dóc lá, vừa thoăn thoắt đùm bánh, xoắn lạt, vừa rưng rức trong dòng hồi ức đang trào ra chan chứa. Và lũ trẻ, đứa trệu trạo nhai bánh, chê bánh dính chặt chân răng, đứa rúc rích cười vì mãi không nhớ nổi cái tên gọi rất lạ tai. Nhưng sang năm, thế nào chúng cũng sẽ nhắc mẹ nồi bánh sình sịch cả đêm trong phòng bếp năm trước. Để rồi, trong muôn vàn những ký ức về đấng sinh thành, sẽ bắt đầu một chuỗi kỷ niệm có tên gọi là Heimat (quê hương).
Bánh chưng. Tấm bánh cầu kỳ, chở nặng một khung trời Việt. Tiếp nối hành trình đến và ở lại với người Việt nam mình, chỉ rất đơn sơ như thế. Bắt đầu bằng một nỗi nhớ quê hương rất vô thức mà chúng ta hẳn có nhiều khi từng đã lãng quên.
Thymianka Thảo Nguyên
Berlin ngày ông Công
ông Táo lên trời.
11.02.2015 (23 tháng
Chạp năm Giáp Ngọ)
Các thao tác trên Tài liệu