Bến Bờ
Truyện ngắn
BẾN BỜ
Hoa Liên
Chị Thuỳ Miên vùng dậy thật mạnh:
- Dậy, dậy đi học, 6 giờ rồi.
Hai chị em ra khỏi cái chăn bông với ít nhiều luyến tiếc. Sáng nào chị Miên cũng đánh thức em dậy. Mẹ còn ngái ngủ nhưng cũng sắp dậy để thúc o Quyên. Có bữa lạnh quá o ngủ quên. Thế nào chị cũng lấy một ca nước ấm rửa mặt. Em rửa mặt nước lạnh. Ba dậy sớm nhất. Những cơn ho làm ba khó ngủ. Mấy chị em Tám, Chín, Mười cũng đã dậy. Dậy sớm nhất bao giờ cũng là anh Nhuận và Tám. Một mâm cháo đậu huyết đã chờ, mỗi người ăn một tô cháo đi học, o Quyên dậy từ lúc nào, nấu cháo để nguội. Chị Miên và em co ro xuống đường Ngô Sĩ Liên, đón xe Cầu Kho qua Gia Hội. Từ đó đi xe đò Từ Đàm qua trường Đồng Khánh. Hôm nào dậy trễ phải đợi năm phút mới có chuyến khác. Bến xe Gia Hội đông nghẹt học sinh hai trường Quốc Học Đồng Khánh. Chị Miên chen xe đò khoẻ lắm, bữa nào cũng chen lên trước dành chỗ. Từ ngày bà cố mất để lại một khoảng trống ở nhà ngang. Lúc nào nhà cũng có một hai người bà con. Số lương của ba san sẻ cho bà con, bà cố, ông nội, vậy mà nhà ấm cúng. Tan học về nhà, mùa đông rét mướt dừng lại bên ngoài. Mẹ và ba ngồi bên lồng ấp, trong khi ngoài trời mưa tầm tã. Bao nhiêu cái giá lạnh trả cho cầu Trường Tiền, sông Hương.
- Mẹ ơi, có chi ăn không mẹ?
- Ừ, cởi áo mưa rồi vô hơ tay cho ấm, con.
Mấy chị em lần lượt về nhà. Tám và anh Nhuận học trường Hàm Nghi đã về trước. Anh Giõng học trường Y về sau cùng. Mẹ gọi:
- O Quyên ơi!
- Dạ, tui dọn cơm đây.
Bé mười và em Ut lúc nào cũng quấn theo chân mẹ. Trong nhưng người làm o Quyên ở lâu nhất. Quê o ở Mỹ Chánh, nơi mà chiến sự hay xảy ra. Nhiều lần o lẫy mẹ ra quê thật lâu rồi vào lại. Ngày nào đi chợ o cũng mặc cái áo vải quyến đen mẹ may cho o, về nhà mới cởi áo dài ra mắc trên nóc gần cửa bếp. Có bữa mẹ rầy o: “Ít nhất o cũng mang áo ra giặt, ai đời lại mặc đi rồi mặc về tam đợi”.
Thậm chí sau này o ra Mỹ Chánh rồi không vào nữa, mẹ cũng để cái áo treo trên nóc một năm trời, mẹ chờ o, chờ mãi mới đem cái áo ra đốt (mẹ nghĩ rằng o đã chết). Thật ra, mẹ thương o Quyên hơn em nghĩ. Mùa đông mẹ mặc áo dài nỉ đen, suốt ngày như vậy, mẹ bảo mặc cho ấm. Mùa đông buổi tối trước khi đi ngủ mẹ nấu xôi. O Quyên lúc đó co ro trong chăn. O ngóc đầu dậy giọng nhừa nhựa: ”Cô nấu xôi à? -Ừ, o ngủ đi, để tui nấu”. Bao giờ mẹ cũng làm một chén nước mắm ớt bột thật cay, rủ mấy chị em tới ăn. Tám và anh Nhuận từ chối. Nấu một lon nếp mẹ ăn tối đa hai vắt. Có bữa không có đứa nào ăn cả, mẹ kêu cu Út. Một tuần mẹ hông xôi một lần, dạo đó nếp thơm rất ngon và dẻo chứ không nở nhiều như bây giờ. Nồi hông bằng đất, mẹ đặt trên một cái nồi đồng rồi lấy tro ướt trám lại. Hông nửa giờ thì chín. Đó là những sáng chủ nhật hạnh phúc vô cùng được ăn một chén xôi trắng với muối mè. Ngày rằm mẹ đi chợ, mẹ mua đậu xanh mua nếp nấu chè nấu xôi cúng. Cúng xong, ngoài số để ở nhà, mẹ sai o Quyên bưng cho hàng xóm, những nhà quen, mỗi nhà một khay. Anh Dũng là người yếu chịu lạnh nhất, mùa đông bao giờ cũng chảy mũi, mấy anh em người nào cũng có khăn quàng len mẹ đan. Anh Dũng ưu tiên được nhiều khăn hơn. Mùa hạ nóng bức, ngồi ở nhà sau - mấy năm sau anh Dũng từ Nha Trang đổi về vì anh Ân đã cưới vợ ở Đà Nẵng, anh Hoà đi Phan Thiết dạy. Nhà không có con trai lớn. Anh Dũng mở phòng mạch, mùa hè ngồi ở nhà sau, mát như cửa Thuận. Mùa thu đến khi hoa tim vỡ (ăng ti gôn) nở, hoa móng tay, huệ trắng nở. Mùa thu về trong vườn nhà rõ nét. Mùa thu chỉ làm cho em xôn xao giây lát nhưng không gây ấn tượng cho bằng mùa đông. Mùa đông mưa phùn rét mướt, hình ảnh người lái đò đội nón mang tơi bước ra khỏi khoang đò dưới cơn mưa trắng xoá. Người lái đò chở chị Hạnh và em qua Thừa phủ những hôm trời nắng, nay hẳn thành tro bụi rồi. Năm học lớp 12 cứ đau ốm hoài - hồi đó đi học hay bị ngất trong lớp - ba đội mưa đi xin phép. Cô Giám học nói: ”Thôi khi mô em đau cứ nghỉ, giấy bác sĩ có đây rồi, bác không phải đi nữa”. Năm 72, Tám về thăm nhà một lần, mở một party nhỏ rồi đi cho đến mười bảy năm sau.
Ngoài giờ thăm bịnh, anh Dũng tập hát cho mấy chị em. Anh tập cho em bài Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước, có lẽ là bài ruột của anh. Hát và đàn hay thế mà đời anh phẳng lặng không có sóng gió gì. Lớn lên trong tình thương của ba mẹ, sự đầm ấm của gia đình vậy mà có một điều khó hiểu.
Mẹ treo cây đàn tranh dưới bếp không hề lấy ra chơi. Trong nhà không ai thắc mắc, kể cả mấy anh lớn. Em chỉ biết ba ít để ý săn sóc mẹ. Mẹ đọc sách nhiều. Mỗi lần chải tóc cho em, em đau bỏ chạy mẹ hò lại bảo:” Ngồi yên mẹ kể chuyện cho nghe”. Mẹ kể truyện Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Mẹ kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa: “Quán rằng ghét chuyện tầm phào,
Ghét cay ghét
đắng ghét vào tới
tâm”. Mẹ thuộc
lòng thơ Kiều. Mẹ kể đủ
chuyện về ông ngoại, về cô Minh
Mẫn. Lúc lớn lên em không có
ông ngoại. Ông ngoại thương mẹ
lắm. Lúc ấy em đâu biết mẹ
đau buồn như thế nào khi ông và
cậu mất. Mẹ chải tóc cho em, em chải
tóc cho chị Miên. Chị Miên chăm
học bài, thức khuya mụn nổi đầy
mặt. Chị mua giấy pơ lua màu chép
thơ tình Xuân Diệu Huy Cận đóng
thành tập. Hồi ấy chị quen một
chị học lớp đệ nhất trường
Đồng Khánh, tặng cho chị một tập
thơ chép tay do chính chị ấy làm.
Chị lấy tên Mộc Lan Hoài, chữ
viết tay rất đẹp. Em còn nhớ hai
câu trong bài: Chí trai
mười tám:
“Giữa giông tố giật
mình cười khanh khách,
Thúc
vó câu lướt mạnh giữa đêm
trường”
Ôi, những vần thơ tâm huyết nào có tội tình gì mà em lại đốt đi sau 75? Cho đến ngày mẹ chẻ cây đàn tranh ra chụm. Mẹ cũng không có lời giải thích. Chỉ có ba nói: “Sao lại làm thế?”.
Mùa đông qua, mùa xuân đến. Mẹ sắm tết bằng tháng lương cho mượn trước của ba; ra năm lại trừ vào lương. Mẹ mua quật mua cam làm mứt. Anh Nhuận đi học về gọt. Chị Miên không ưa làm mứt, chị chỉ ưa cột lại bánh tét. Lúc nhỏ anh Nhuận đứng đầu về môn thủ công, anh gói bánh ít đen, làm khuôn bánh phu thê rất đẹp. Mẹ gọt gừng, xắt gừng từng lát nhỏ rồi rim mứt suốt một ngày. Mẹ rim mứt trên bếp than đỏ vùi tro. Vừa rim vừa chơi bài tứ sắc. Xế chiều, khi đường quánh lại mẹ hạ xuống bắt đầu trăng từng lát mức ra, mẹ làm nhanh kẻo mứt bị cứng. Sau này, em rim trên hai bếp điện, làm buổi tối. Có khi ham ngồi gõ máy chữ mứt khô luôn trên bếp. Tất cả những món mứt cộng lại hơn mười món. Tháng mười hai trời lạnh nhưng bớt mưa phùn, có ngày hai má chị Miên và bé Mười hồng lên. Đôi mắt con bé Mười ngày càng đen và to ra, chị Miên cũng đẹp lên. Mẹ làm thêm mứt bí đao, mứt khoai cho trẻ em nhà mẹ, trẻ em nhà người. Mứt khoai làm với đường đen, gọi là khoai lang ngào với cà rốt, bình tinh. Soong mứt khoai lớn hơn soong mứt gừng nhưng bao giờ cũng hết trước. Sau này anh Dũng lấy vợ ở Sài Gòn, chị dâu mua thêm mãng cầu dai, mứt chà là. Chiều ba mươi Tết, mẹ giao mâm cúng giao thừa cho mấy chị em và ba, về nhà thờ ông bà ngoại cúng với dì. Hồi ấy em thích Tết. Nhà nào trong xóm cũng cắt hàng rào chè tàu, hàng rào bằng cây chè tàu là đặc trưng của nhà vườn Huế. Hàng rào nhà mẹ đẹp nhất do nhà giáp hai mặt đường. Nhà nào cũng quét vôi lại, nhà cửa sáng choang từ trong đến ngoài. Làm đẹp và vệ sinh nhà cửa phải nhắc đến anh cả. Tự tay anh mua sơn sơn lại các cửa, sơn lại tường phòng mạch, ba mươi bộ cửa anh sơn không biết mệt. Da chị Miên hồng lên, bé Mười đẹp lên. Tám, Chín thích ăn bánh tét. Anh Hòa ưa món thịt đông. Anh cả anh hai ưa nem, chả mệ Tôn. Ba thì hay ho mà thích nhậu, nhất là uống rượu. Những năm ấy mùa xuân như chiếc bánh ngon dâng tặng cho đời nhiều hương hoa và mật ngọt. Sáng mồng một các anh em sắp hàng chờ ông nội sang mừng tuổi. Ông nội đẹp và nói năng hoạt bát hơn ba nhiều. Chúc Tết ông xong ông sẽ lì xì. Rồi pháo nổ vang. Xong xuôi nhắm chút rượu đầu xuân với một miếng nem ông vào thăm ông Ngự Đạt, bạn thân của ông nội là ngự y của nhà vua. Ông nội đi bộ đến thăm nhà ông Ngự Đạt ở gần hồ Tịnh Tâm. Mấy chị em lại sắp hàng sau anh cả chúc Tết ba me. Rồi cả nhà lại đi bộ về bà ngoại, bà sẽ thưởng cho mỗi đứa cháu một trái táo đen, một miếng hường khô, sau đó lên nhà trên thắp hương cúng ông ngoại. Bàn thờ khói hương nghi ngút, nhắc đến không khí Tết rộn ràng, tươi vui. Năm nào anh Ân cũng cùng vợ con ra Huế ăn Tết, sau đó về Nam Phổ, ghé nhà thờ phủ Tuy Biên. Đầu năm cả nhà quây quần chơi bài Tới hoặc đổ xâm hường. Gia đình đổ xâm hường đầu năm, mẹ nói đổ ra lục phú là hên. Tiếng hột xúc xắc bằng ngà reo lên trong chiếc tô kiều nghe vui tai. Tiếng reo của người nào đổ ra lục phú thôi thì vang khắp nhà cùng với sự phụ hoạ của mọi người. Suốt tháng giêng cả nhà chơi bài, vui nhất là chơi xì lát. Ván nào mẹ cũng tố ba, ba đánh hay thua mẹ. Anh cả cũng thích lắm. Khi anh cả lấy vợ em vào Đại học rồi, chị Miên thôi không thức em dậy nữa, chị và anh Hoà đã vào Phan Thiết dạy học. Mỗi lần nhớ các anh chị ở xa mẹ lại kể cho chúng em nghe chuyện sinh con. Mẹ nói, ăn cơm tối xong thì đi nhà thương, nhà hộ sinh của cô mụ ở gần đó. Mẹ đi sinh đứa nào cũng đi một mình, buổi tối đó có con nhỏ ở cầm theo cây đèn bỏng. Ba bận việc ở sở hoặc mắc ngủ trưa, sau đó mới thủng thẳng đến nhà hộ sinh thăm vợ. Những năm cuối đời của ông nội, không khí trong nhà kém vui.
Rồi chiến tranh, hai ba lần di tản..sách vở, đồ đạc, mất mát không bù lại được việc ba mẹ bán nhà vào Nam; và em ở lại...hai mươi tám tuổi. Có lẽ không có nỗi đau nào lớn hơn Em đã đi làm từ năm hai mươi hai. Hai mươi tám năm sống trong gia đình đầm ấm, tuỳ không ít lần ba mẹ cãi nhau, nhưng con cái học thành tài. Bỗng chốc bị giật ra khỏi vòng tay yêu thương của gia đình, ai không buồn. Nỗi buồn mười năm rồi cũng phôi pha. Ba không còn sống, em trải qua một năm dài ngơ ngẩn, theo lời khuyên của anh Hoà đi học Anh văn thêm buổi tối cho nguôi. Những đêm khuya đi học về nhớ ba vô kể. Ngày ba về sau vườn nhà anh Th, ba nói:“ Tau về nhà rể tau đọc sách”, là ngày ba mất. Cùng ngày đó anh Hòa nằm thấy ba vô giường anh ngủ. Làm sao không nhớ đến ba. Xem phim, người đàn ông nào đội mũ da đẹp như Tây lại nhớ ba. Ông nội đã thành tro bụi, hằng năm người viếng mộ ông là anh Th, không ai thăm mộ ông cỏ mọc đầy. Nhớ những cơn mưa phùn, chiếc lồng ấp mẹ thổi sẵn chờ ba đi làm về sưởi đôi bàn tay cho ấm. Nhớ những món ngon mẹ làm cho ba ăn. Món bánh khoái mẹ đổ mỗi kì hè có các anh về đông đủ. Hồi nhỏ Tám thích ăn những món chiên xào, có mấy lần hai chị em theo mẹ về phủ dự kị. Nhớ món dấm nuốc mùa hè. Nhớ đủ thứ. Nhớ món mức cam mức quật mẹ làm cho anh cả, nhất là món mứt cam. Ngon vô kể. Được chăm chút thương yêu nhất nhà là anh cả và thằng Út. Chị Miên, bé Mười, ở nơi chân trời xa ngái có còn nhớ hai cây hoa mộc nở hoa trắng xoá trước cửa nhà? Anh Ân năm nào về ăn Tết cũng chở các em ra chợ hoa, mua một cành mai. Bây giờ ở Cali anh có nhớ, để có được cành mai, người ta chăm bón, tỉa cành, tỉa lá, giam hoa lại trong tiết đông lạnh giá, và giữ ăn trộm nữa, đó anh! Chị Diệu ắt không quên con đường phượng bay ngày xưa? Đại Nội bay giờ đẹp lắm. Tám nói mẹ gói chuối bằng lá chuối Thái Lan, không khí Tết được mẹ hâm nóng lại bằng món bánh ấy, không có mứt gừng như xưa nữa phải không? Càng lớn em càng thấm thía ý nghĩa của đêm giao thừa. Những năm về sau, giao thừa em ngủ và chỉ choàng dậy lúc anh Th mở TV, em ngủ sau một ngày mệt nhoài. Không phải mệt một ngày mà nhiều ngày trước đó chở sapotier ra chợ bán. Lại có những năm bán hoa ở chân cầu Tràng Tiền, những năm tháng khó khăn chung của đất nước. Có lẽ những năm tháng tuổi trẻ chứng kiến cảnh ba mẹ bất hoà, mẹ thì thực tế và lí trí mạnh, ba thì tình cảm và yếu đuối (mười ba tuổi ba mồ côi mẹ, ông nội lấy vợ khác, gởi ba vào nội trú). Có lẽ mặc cảm không được ba thương yêu đầy đủ nên sau này anh cả, anh Hoà dồn hết tình thương vào con cái, gia đình riêng. Út thì ngày càng thành đạt, chỉ còn lại ba người ở Sài Gòn, chỉ còn lại mình em ở đây. Cuộc sống cuốn con người ta vào với những tham vọng và nhu cầu. Nhu cầu đời sống vô kể mà đời người hữu hạn. Ba có lần viết thư cho em bảo:” Có lẽ trong mười người con, con khổ nhất”. Ta sinh ra đời dưới một ngôi sao nào, chỉ là nhân duyên thôi. Tốt hay xấu, sướng hay khổ, cũng chỉ là nhân duyên. Và cũng chỉ mình ta chịu. Đêm giao thừa em ngủ, không thích Tết nữa. Có năm mưa lạnh, mồng bảy em mới ra đường. Gọi là vui cái vui của đất trời. Cái vui của người khác. Anh cả có khi nào nghĩ rằng, mỗi người chỉ có một trái tim thôi và trái tim người chịu đựng có hạn. Anh có nhớ món mứt cam mẹ làm khá công phu cho anh chỉ vì anh chỉ thích ăn món mứt ấy và mứt quật. Anh không thích uống rượu nhiều như ba và anh Hoà. Thế mà em luôn nhớ, nhớ để tự hỏi mình cho đến bây giờ mình đã làm được gì cho ba mẹ. Những gian nhà thờ không có người tới lui lạnh lẽo biết chừng nào. Không còn cái háo hức xôn xao hồi thiếu nữ, thôi ta vui cái vui của đất trời vậy!
Có phải không chị Diệu?
Hoa Liên
Các thao tác trên Tài liệu