Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Biển trong tôi

Biển trong tôi

- Thanh Thảo — published 05/12/2011 06:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Biển trong tôi


THANH THẢO

 


Năm lên 8 tuổi, lần đầu tôi mới thấy biển. Biển Qui Nhơn, khi tôi với má tôi xuống tàu Ba Lan đi tập kết ra Bắc. Lần đầu gặp biển, tôi ngợp và sợ. Lại say sóng nữa, nên chỉ mong thoát biển. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, con tàu chở chúng tôi cập bến Cửa Hội - Nghệ An. Gọi là cập bến, nhưng tàu đậu tít ngoài xa, chúng tôi phải chuyển sang thuyền nhỏ vào bờ. Kể từ đó, tôi xa biển.


Bao nhiêu năm sau, đã vượt Trường Sơn, đã qua “ biển nước ” Đồng Tháp Mười, tôi vẫn chưa thật gặp lại biển. Nhưng kể từ đó, biển bắt đầu sống trong tôi như muối mặn, như một niềm khao khát. Khao khát biển là khát khao ngày hòa bình, mà nếu may mắn trở về, đi dọc đường số 1, thế nào mình cũng gặp biển. Bấy giờ, biển sống trong tôi như một biểu tượng của ngày kết thúc chiến tranh, của ngày đoàn tụ.


Tháng 5 năm 1975, từ Sài Gòn mới giải phóng, tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh xuống Vũng Tàu. Tôi đã gặp lại biển ! Có một nỗi gì bồi hồi khó tả khi hai chúng tôi cứ mặc nguyên quần đùi áo may-ô nhào xuống tắm biển. Hóa ra, biển không hẳn đáng sợ hay dữ dằn như tôi nghĩ ngày thơ bé. Từng ngọn sóng biển tung bọt trắng xóa, tràn qua chúng tôi nhưng không hề đe dọa. Ngay lúc ấy, biển đã đọng vào ký ức của tôi, để khi đi qua Tuy Hòa tôi viết được bài thơ Phút chốc Tuy Hòa trong đó có câu “ Biển trào lên phút chốc Tuy Hòa ”. Dù chỉ phút chốc, nhưng biển đã bắt đầu trào lên trong tôi. Đầu năm 1976, khi về Sơn Mỹ chung sống với bà con và chuẩn bị viết trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ song song với trường ca Những người đi tới biển, tôi đã có hàng tháng trời được sống bên biển. Hàng ngày, buổi sáng tôi thường tha thẩn ra bờ biển Mỹ Khê chơi với đám trẻ con làng chài, hay cùng chung tay kéo lưới với bà con. Dân biển Sơn Mỹ có kiểu đánh cá gần bờ rất tiện, đó là dùng thuyền bơi ra một đoạn, thả lưới, rồi những người trên bờ bắt đầu kéo lưới. Không cần ở trên thuyền vẫn kéo lưới được, vẫn đánh bắt được cá. Dĩ nhiên, chỉ là những chú cá con, những chú cá vẩn vơ sát gần bờ. Mỗi lần tôi nặng tay kéo lưới cùng bà con, khi chia cá, bao giờ tôi cũng được chia một phần. Nhỏ thôi, vì cá đánh được đâu có nhiều ! Tôi cười cười và xin biếu lại bà con phần cá của mình. Nhưng các bác “ ngư dân trên bờ ” này không chịu. Có làm có ăn, đã kéo lưới là được chia phần. Vậy là, chúng tôi quơ lá dương khô, nổi lửa ngay trên bờ cát, luộc mớ cá tuy nhỏ nhưng tươi roi rói, ăn ngọt lừ lừ, và… uống rượu. Có lẽ đời tôi chưa bao giờ sung sướng như vậy, khi mình được ăn ngay những chú cá mình vừa góp sức cùng bà con kéo lên từ biển.


Trở về trại sáng tác quân khu Năm, tôi bắt tay viết trường ca Những người đi tới biển và chuẩn bị tư liệu để viết Trẻ con ở Sơn Mỹ. Ở trường ca đầu tay của tôi, biển đã chiếm hẳn một chương, chương vĩ thanh “ Tới biển ”. Đó là khúc coda cho trường ca được tôi viết liền một mạch với tất cả niềm hứng khởi như là kết quả của những ngày tôi lang thang trên bờ biển Mỹ Khê - Sơn Mỹ, nhưng lại có nguyên nhân sâu hơn từ khát khao suốt những năm chiến tranh của tôi mong một ngày về với biển:


                        cho anh về với em một buổi sáng thường
                           đi kéo lưới và đi gánh cá
                           nói chuyện lợp nhà trồng lại hàng dương
                           hoa muống biển tím lúc mình xúc động
                           anh muốn kêu ngược tiếng hò reo của sóng
                           phút này đây anh là của biển rồi


                                                          (Những người đi tới biển)


Có một niềm vui vừa vồ vập vừa nghẹn ngào, ấy là niềm vui khi ta gặp biển, cũng là niềm vui khi ta được “ sống cùng nhân dân chết giữa nhân dân ”. Bởi, nhân dân chính là biển. Và nhân dân không muốn một tấc đất tấc biển nào của Tổ quốc mình bị mất vào tay ngoại bang :


          nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta
           Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển
           ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến
           mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay
” 


                                               (Những người đi tới biển)


Lúc bấy giờ, tôi mới bắt đầu biết chút ít về Hoàng Sa và Trường Sa. Xin thông cảm cho những người lính chúng tôi mới từ rừng ra về sự chậm thông tin này. Nhà thơ Đỗ Nam Cao, bạn cùng đi chiến trường với tôi, cũng có tâm trạng như vậy, khi vào tháng 4 năm 1988 anh đã viết một bài thơ cực kỳ xúc động Gửi Trường Sa, lúc hay tin đảo Gạc-ma của chúng ta bị mất vào tay ngoại bang, và 64 chiến sĩ hải quân của chúng ta đã bị tàn sát khi quyết giữ đảo này cùng hai đảo Cô-lin và Len-đao.  Hãy để máu chúng ta hòa vào biển Đông ! ”, sau này tôi mới được nghe những người lính sống sót trên đảo Gạc-ma kể về phút cuối cùng của người thủ trưởng anh hùng mà họ xiết bao yêu mến, khi anh quấn lá cờ đỏ vào thân mình, và đứng thẳng trước những làn đạn bắn thẳng của quân thù. Máu của anh đã ướt đẫm lá cờ, đó là dòng máu của Tổ quốc ta đã đổ ra trên biển Đông để giữ lấy từng tấc biển, từng bãi đá ngầm mà có kẻ gọi là “ bãi hoang chim ỉa ”.


Trở lại với bài thơ Gửi Trường Sa của nhà thơ Đỗ Nam Cao :


                             Trường Sa ư với ngày thường xa thật
                               Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà
                               Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
                               Đảo mới gần mới thật đảo của ta


Đó cũng là một cảm giác rất thật của nhiều người chúng ta mà nhà thơ đã thay mặt để nói lên như một lời hối lỗi. Nhưng khi máu đồng đội ta đã đổ, thì khi ấy :


                              Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực
                                 Bãi đá ngầm cào nát thịt da


                                                               (Gửi Trường Sa, Đỗ Nam Cao)


Đau lắm, đau thấm thía. Vì chỉ khi ấy, Hoàng Sa và Trường Sa mới thật sống trong ta, mới thật là máu thịt của ta. Yêu biển cũng là một quá trình nhận thức. Không chỉ nhận thức về biển, mà cái chính, là nhận thức về chủ quyền biển đảo của một đất nước có hơn 3 000 km bờ biển cùng hàng trăm hòn đảo và quần đảo. Càng hiểu sâu thì càng yêu lắm, hiểu càng “ tới bến ” thì yêu càng “ tới biển ”.


Cách đây mấy ngày, tôi mới được ngồi với “ sói biển ” Mai Phụng Lưu mà tôi coi như một biểu tượng của tình yêu Hoàng Sa. Anh ngư dân Lý Sơn này quá thật thà, thật như biển, và lành hiền, không biết có lành hiền như biển ? Mai Phụng Lưu hồn nhiên kể với tôi những lần đi đánh cá ở Hoàng Sa, về từng hòn đảo nhỏ, từng rạn san hô nơi “ Quần đảo Cát Vàng ” mà anh thuộc như thuộc lòng bàn tay mình. Vậy mà Lưu đã 4 lần bị bắt, bị giam cầm, bị hành hạ, bị tịch thu ngư lưới cụ. Nhưng đứa con của biển Đông, người dân chài bình dị của đảo Lý Sơn này vẫn cứ quay mũi thuyền trực chỉ Hoàng Sa mỗi khi xuất bến. “ Làm như ai “ dẫn ” vậy anh à ! Cứ xuống thuyền ra khơi là mũi thuyền lại nhằm hướng Hoàng Sa. Có lẽ tổ tiên em vạch đường chỉ lối cho mình, hay vì mình không thể xa cách được Hoàng Sa, nơi tổ tiên mình đã đặt cột mốc chủ quyền ở đó.


Cứ mỗi ngày, tôi lại học thêm được những bài học từ biển, biển của mình. Cứ mỗi ngày, nhân dân lại cho tôi hiểu sâu hơn về biển. Vì nhân dân cũng là biển, nên khi mình sống giữa nhân dân, là mình đang giữa biển :


                 lại bắt gặp chân trời ngay trên cát
                   cả người tôi hòa trong biển vô cùng


                                              (Trẻ con ở Sơn Mỹ)




                                        Quảng Ngãi cuối tháng 11 năm 2011


Thanh Thảo      

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us